MẶT SAU CỦA MẶT TRĂNG
Mỗi khi đọc bài thơ của Chế Lan Viên, Tháp Bay-on Bốn Mặt, một bài thơ hay:
Anh là tháp Bay-on bốn mặt
Giấu đi ba, còn lại đấy là anh
Chỉ mặt đó mà nghìn trò cười khóc
Làm đau ba mặt kia trong cõi ẩn hình
tôi đều nhớ đến một người bà con xa, em họ của mẹ tôi. Ông tham gia mặt trận Việt Minh rồi sau đó ở lại, hoạt động bí mật. Sau 1975, ông giữ một cương vị quan trọng, lãnh đạo ở một địa phương miền Tây. Khi lớn tuổi, ông về sống lại với người vợ cũ, nhưng hai người không có con. Tôi chỉ có dịp đến thăm ông hai lần, lần cuồi trước khi ông sắp mất vì bệnh ung thư gan. Ông nằm trên giường, da vàng, thân gầy guộc, chỉ có bụng là hơi trướng lên. Ông ở một căn nhà bình dị cũng như nhà những nông dân khác giữa vườn cây ăn trái, nhưng phía sau có một chuồng heo lớn, thời đó thường thấy ở các nhà cán bộ quan chức để cải thiện. Người lui tới tấp nập thăm viếng, lúc nào phía trước nhà cũng có một chiếc xe hơi. Trò chuyện với tôi, ông nhắm nghiền mắt nhưng tỉnh táo, nhắc nhiều những kỉ niệm cũ với mẹ tôi, tức là chị họ của ông.
Ông vào bệnh viện nhiều lần rồi bị trả về vì các bác sĩ không làm gì hơn được. Ba tháng trước khi mất, ông nói với người nhà nguyện vọng muốn được quy y cửa Phật.
Thật rầy rà, lớn chuyện. Việc một cán bộ cấp cao như ông muốn quy y cửa Phật, vào lúc đã đi hết con đường cách mạng bốn mươi năm của mình một cách trọn vẹn, không tì vết, thật là chuyện hi hữu bất ngờ, làm mọi người ngơ ngác, choáng váng.
Nguyện vọng của ông bị ngăn cản. Nhiều vị tới tìm ông thuyết phục, năn nỉ, nhưng ông vẫn cương quyết. Mợ tôi, thương chồng, lén mời một nhà sư đến làm lễ quy y cho ông, nhưng nhà sư mới đến cửa, chưa kịp bước vào nhà đã bị mời đi chỗ khác. Khi ông mất, mợ tôi tìm thấy trong đống giấy tờ của ông một cuốn sổ tay nhỏ, nửa nhật ký, nửa hồi ký, kín đặc những chữ li ti, ngay ngắn, nhiều đoạn bị nhoè nhưng đa phần đọc được. Điều ngạc nhiên là ông có nguyện vọng muốn quy y cửa Phật đã vài năm về trước, có thể nhiều năm, khi sức khỏe bắt đầu hơi giảm sút nhưng vẫn còn hăng hái hoạt động. .
Nguyện vọng của ông không bao giờ thành.
Người ta thường nói về khuôn mặt khác của một người, hay con người bên trong , con người khác đằng sau một khuôn mặt, với ngụ ý rằng chỉ có con người bên trong ấy mới thật, chỉ có mặt sau của khuôn mặt mới là khuôn mặt thật, chỉ có nguyện vọng thầm kín mới là nguyện vọng thật.
Tôi không tin điều ấy.
Ba mặt trong cõi ẩn hình của thơ Chế Lan Viên không thật hơn một mặt hiện hình của thơ ông.
Chúng không thấp hơn mà cũng chẳng cao hơn.
Một người lúc nào cũng giữ kín một sự thèm muốn bậy bạ nào đó, ví dụ ăn cắp một chuỗi ngọc quý giá trong cửa hàng vàng bạc, một bức tranh trong viện bảo tàng, hay những tội ác khủng khiếp hơn nữa,, nhưng cả đời chẳng bao giờ anh ta làm điều ấy, vì không dám hay vì không có điều kiện để làm, thì không những với luật pháp anh ta chẳng có tội gì, mà như một con người tự suy xét, anh ta cũng chẳng phải hối hận gì cho lắm.
Ngược lại, một người từ nhỏ đã tâm tâm niệm niệm những điều tốt lành, nuôi những hoài bão lớn lao, nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay chẳng bao giờ thực hiện được, lại còn đi ăn trộm nhà hàng xóm, dù cho vì đói hay vì tham, thì anh ta trước sau cũng là một tên ăn trộm mà thôi.
Dù anh có tin rằng anh tốt hay xấu đến bao nhiêu, tài giỏi hay ngu ngốc đến bao nhiêu, không những người đời không ai biết được mà chính anh cũng chẳng có cách gì biết được: chúng chỉ là các ảo tưởng mà thôi.
Chỉ có hành vi của chúng ta, cách ứng xử của chúng ta trong thế giới bụi bặm khổ đau và sung sướng chen lẫn nhau này, tức là những thứ về nguyên tắc hoàn toàn có thể quan sát được, từ một phía này hay từ một phía khác, dù dĩ nhiên là hết sức khó khăn, mới thật chính là chúng ta.
Tất nhiên những hoài bão, khao khát thầm kín là có thật: chúng tạo nên một con người, như một đứa bé ở bên trong một người lớn. Nó cũng là một phần của chúng ta. Nhưng không phải là tất cả chúng ta: đứa bé ấy chẳng bao giờ lớn lên được.