Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.061
123.197.976
 
Để khuyết giải thơ 2009- Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam không có con mắt xanh
Trần Mạnh Hảo

Theo  http://trannhuong.com ngày 22-10-2009 có in thư của nhà thơ Vũ Quần Phương thông báo để trống giải thưởng thơ năm 2009, xin trích lại như sau :

Nhóm đọc sơ khảo của Hôi đồng thơ, trong vòng đọc sơ khảo các tác phẩm thơ tham dự giải thưởng hàng năm của Hội 2009, đã chọn ra sáu tập đưa vào  vòng đọc chung khảo ở toàn thể Hội đồng:
 
1.Viết dưới bóng quê nhà của Lê Văn Ngăn
2.Trật tự không trật tự của Đặng Huy Giang
3.Hình dung của Đặng Chân Nhân
4.Trà nguội của Đặng Thanh Hương
5.Hạt dẻ thứ tư của Tuyết Nga
6.Nhớ và quên của Trần Ninh Hồ
 
Ngày 20-10-2009, tại Hà Nội, trong phiên họp toàn thể Hội đồng thơ, gồm các nhà thơ:
- Vũ Quần Phương, chủ tịch Hội đồng
- Nguyễn Đức Mậu, phó chủ tịch Hội đồng
- Thanh Thảo, phó chủ tịch Hội đồng
- -Lê Chí, ủy viên
- Chim Trắng, ủy viên
- Trần Nhuận Minh, ủy viên
- Quang Huy, ủy viên
- Nguyễn Quang Thiều, ủy viên
(Vắng mặt một ủy viên, nhà thơ Ngô Thế Oanh)
đã thực hiện bình giá tác phẩm và thống nhất nhận định:


1- Thơ năm nay không phong phú và chất lượng không bằng hai năm trước (2007 và 2008)
......
Nhằm phần đấu nâng cao chất lượng thơ, thể hiện ý chí của người viết và đòi hỏi cao của bạn đọc, Hôi đồng thơ Hội nhà văn VN  báo cáo với Ban chấp hành Hội: Xin để khuyết giải thưởng thơ năm 2009
 
Hà Nội 22-10-2009
Thay mặt Hội đồng thơ
Vũ Quần Phương


Chúng ta hẳn còn nhớ về sự cố của giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2006 từng chấn động dư luận : nhà thơ Ly Hoàng Ly được tặng thưởng văn học cho tập “Lô Lô” đã xin từ chối tặng thưởng này với nguyên nhân mà chị cho rằng ban giám khảo thiếu nghiêm túc, sau khi có ý kiến của nhà phê bình Phan Hồng Giang ( thành viên ban giám khảo) trên báo rằng việc chấm giải văn học năm 2006 rất mù mờ và à uôm, cả nể. Trong lễ phát giải thưởng, người được giải thưởng cao quý này là nhà thơ Hữu Thỉnh với tập thơ: “thương lượng với thời gian” lại đột ngột từ chối nhận giải thưởng, cái giải mà ông đã đặt bút ký để báo chí được phép công bố. Từ đó, hội đồng thơ của Hội Nhà Văn VN bị dư luận cho là không có con mắt xanh.


Việc đưa 6 tập thơ trên vào xét, rồi biểu quyết rằng thơ năm nay ( các tập xét giải năm nay đều phải được in trong năm 2008) không tập nào xứng đáng trao giải, chứng tỏ Hội đồng thơ Hội nhà văn VN không chỉ thiếu con mắt xanh mà còn thiếu nghiêm túc, thiếu công minh.

 

Hội đồng thơ của HNV VN đã cố tình bỏ sót một tập thơ hay năm 2008 là tập thơ “Đừng múc cạn nội buồn”( NXB HNV năm 2008) của tác giả Nguyễn Thị Ánh Huỳnh.


Có lẽ, trong lịch sử văn học hiện đại Việt Nam ít có tập thơ nào vừa ra mắt đã nhận được những lời ca ngợi nồng nhiệt của các nhà chuyên môn như tập “Đừng múc cạn nỗi buồn”. Chúng tôi xin trích dẫn.

 

Trên tờ “Hồn Việt” số 17, tháng 11-2008 –một tờ báo thuộc Hội Nhà văn VN” GS.TS. Mai Quốc Liên trong lời giới thiệu chùm thơ của Ánh Huỳnh, đã hết lời ca ngợi tập “Đừng múc cạn nỗi buồn”, những lời khen tưởng chừng chỉ dùng cho Chế Lan Viên, Huy Cận :


“Một Ánh Huỳnh hiện đại hơn, mới hơn , đắm đuối , lay động hơn so với chính mình trong tập thơ thứ ba “đừng múc cạn nỗi buồn “ . Đây là tập thơ mà chất thơ được lọc lên từ đáy giếng nội tâm , từ số phận và tính cách . .Một cá tính – thơ thể hiện phóng khoáng mà hồn nhiên , hài hòa , chừng mực . Tình yêu , gia đình,  khát vọng và một chút giận lẫy , đáo để nữa . Một phụ nữ gốc Cần Đước miệt vườn nhưng thông tuệ trong từng tứ thơ . Nhưng vẫn là sự thông tuệ của trái tim phụ nữ , tin cậy và dịu dàng . Nó đem lại cho câu thơ một chất lượng mới . Thơ đã thoát ra khỏi những ẩn dụ hoán dụ lặp đi lặp lại , vươn lên ngôn ngữ thơ gọn , thẳng , sắc ..và để lại ấn tượng mạnh” . 

 

Trong lời giới thiệu chùm thơ Ánh Huỳnh trên trên tờ Thể thao &Văn hóa cuối tuần số 37, ngày 11-17/9/2009, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã hết lời khen ngợi tập thơ trên của Ánh Huỳnh, như sau :
“Người phụ nữ trong thơ  Ánh Huỳnh dịu dàng và mãnh liệt, thủy chung và đam mê, được sống được yêu vẫn khát khao yêu và sống nhiều hơn nữa. Tôi đọc thơ chị khoan khoái, thích thú, bật cười nhiều khi, ngậm ngùi nhiều khi vì cách nói tình trong thơ chị thật dân dã mà cũng thật tinh tế. Những câu thơ bài thơ đưa người đọc vào chính khung cảnh sống đời thường để ngấm, để thấm cái lẽ tình yêu muôn đời của con người. Thừ TP.HCM, Ánh Huỳnh khơi một giếng thơ chứa đựng nhiều nỗi buồn trong mát”.

 

Trong lời giới thiệu chùm thơ AH trên website http://vanchuongviet.org, nhà báo Nguyễn Hòa vcv từng ưu ái thơ của tác giả này bằng những lời có cánh như sau :


“Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh là những bài thơ hiếm hoi ở đất Sài Gòn mà tôi vừa thương vừa ghét này. Những bài thơ :sáng thức dậy / chẳng có ai hôn ai / ngoài ban mai / đang hôn từng giọt sương /sắp khóc.. Và da diết như : Bốn mươi năm /con chạy tới chạy lui  giữa hai buổi tối đó / thấy mình cứ đẹt đèo bé nhỏ / những buổi tối bây giờ / nuôi lớn những buổi tối ngày xưa!.Tôi hay tâm tình với bè bạn là mỗi ngày đọc được một bài thơ hay là một ngày nhẹ nhõm. Bạn hãy đọc Ánh Huỳnh và yêu cuộc đời này dù cuộc đời có thừa buồn bã “

 

Nhà văn Đào Hiếu đã giới thiệu chùm thơ Ánh Huỳnh trên website của mình bằng những lời ca ngợi nồng nhiệt, không chỉ khen ngợi nhà thơ này rất hay mà còn có công thay đổi thi pháp thơ Việt như sau :
 

“Ánh Hùynh sử dụng ngôn ngữ như cậu bé con chơi với những hòn bi bằng thủy tinh của mình. Những con chữ lóng lánh, trong suốt, những con chữ chạm vào nhau lanh canh, xoay tròn, lăn đi, bắn ra xa, va chạm và dừng lại. Những con chữ của Ánh Huỳnh đùa nghịch, nô giỡn trên thềm nhà, ở góc phố, trong xó bếp. Những con chữ như bọt xà phòng vừa hiện ra trên bàn tay lại vỡ tan, rồi lại hiện ra. Những câu thơ mong manh, dễ dàng, hồn nhiên chẳng cần vần điệu, chẳng cần cấu trúc đã đành, mà cũng chẳng cần phá vỡ một cấu trúc nào cả.
Thơ Ánh Huỳnh cứ như kiến bò ra khỏi tổ, như đàn gà đuổi nhau trong sân, hay như đám mưa bất chợt ở góc phố.


Thơ cứ như hư không, cứ như vô định, như lời trách bâng quơ, như tiếng thở dài, như tiếng một chiếc cốc rơi vỡ trên sàn nhà…
Ánh Huỳnh không có ý thức phá bỏ cấu trúc, nhưng thơ của chị tự nó đã là phi cấu trúc từ lúc còn nằm trong bào thai. Ánh Huỳnh không có ý thức làm mới ngôn ngữ nhưng nó vẫn mới vì nó chạy loăng quăng, ngỗ nghịch và bất trị.
Cái mới của thơ Ánh Huỳnh là cái mới của sự tự phát từ một nỗi niềm”. (Đào Hiếu).


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã ca ngợi tập thơ này : “ NTAH đã tới đích của thơ”.Có lẽ chỉ những tập thơ kiệt xuất mới nhận được lời khen này mà thôi ?.Xin trích :


Nguyễn Trọng Tạo (nguyentrongtao1@yahoo.com)
Đọc 3 bài thơ của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, tôi rất thích cái tư duy dao mổ chính mình của người đàn bà này. Lạnh, sắc, như không, nhưng cô đơn và đau đớn. Thơ, nhiều khi là như thế, nó mổ xẻ chính mình, mổ xẻ lòng người, mổ xẻ thời đại. Với cách viết này, NTAH đã tới đích của thơ.
( trích trong entry của Nguyễn Trọng Tạo sau chùm thơ của NTAH trên website của Hội Nhà Văn Việt Nam)


Trước khi tập thơ “ Đừng múc cạn nỗi buồn” ra mắt, nhà thơ Thanh Thảo đã từng hết lời ca ngới Ánh Huỳnh và Tạp chí Nhà Văn cũng nồng nhiệt ca ngợi tác giả này, như sau :


Nhà thơ Thanh Thảo :”Tôi không biết Ánh Huỳnh ở đâu, hình như ở Sài Gòn, cũng không biết già hay trẻ, hình như sồn sồn, không biết là cả nam hay nữ, nhưng đọc thơ thì cảm thấy là một lấy-đi( Lady). Thì thôi, là ai cũng được, miễn là làm thơ …hay. Thơ Ánh Huỳnh hay. Một giọng thơ thật mền, rất chân thành mà lại không cũ, dù tác giả không cố làm ra mới mẻ. Cái mới trong từng bài thơ hiện ra từ từ, không uy hiếp, không trình diễn, không cả gọi mời. Tôi thích cái giọng thơ chỉ mình, chỉ viết cho riêng mình ấy, chỉ viết được thực sự khi mình cảm xúc ấy. Dù ai và ở đâu, thì đã có thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh. Và SÔNG TRÀ xin giới thiệu một chum thơ của chị ( xin lấy đi) với độc giả yêu thơ” ( Sông Trà số 21-2007)

 

TẠP CHÍ NHÀ VĂN SỐ 1-2008 giới thiệu chùm thơ Ánh Huỳnh đã viết : “NTAH sinh năm 1955 quê Cần Đước, Long An. Hiện sống ở TP.HCM. Cuộc sống làng quê và thành thị, đời sống riêng gia đình đã tác động mạnh  vào thơ chị. Thơ chị gây ấn tượng mạnh, lạ và mới. NTAH đã từng đoạt giải thưởng thơ Hội Nhà Văn TP.HCM và vừa trở thành hội viên hội nhà văn VN tháng 12-2007. Bốn bài thơ trích giới thiệu sau đây của chị lấy trong chùm thơ chị gửi xin vào Hội NV VN.”

 
Chúng tôi xin giới thiệu sơ qua một số tác giả đánh giá rất cao tập thơ này của Ánh Huỳnh, một tập thơ hay toàn bích bị Hội đồng thơ (cố ý dìm vì những lý do phi văn học nào đó ?)không đưa vào xét giải thưởng. Chúng tôi xin chờ ý kiến phản hồi của Hội đồng thơ. Trước khi kết thúc, xin quý vị đọc qua chùm thơ Ánh Huỳnh vừa được giới thiệu trên báo Đà Nẵng cuối tuần, như sau :

 

 

Thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh ,Một giọng thơ nữ mới lạ, độc đáo trong những năm gần đây. Sau những bài thơ gây “chấn động” làng thơ Việt như Đối thoại với bọ ngựa, Sướng muốn chết... Nguyễn Thị Ánh Huỳnh lại viết tiếp những tứ thơ đầy sự ám ảnh của hình tượng, lóng lánh nỗi buồn của một tâm hồn đa đoan, nhân hậu.

 

(NGUYỄN ĐÔNG NHẬT chọn và giới thiệu)

 

Đừng múc cạn nỗi buồn

 

Trăng trầm mình

xuống giếng

mà trăng không chết

em gọi nỗi buồn

là giếng nước

múc từng gàu nỗi buồn

em tắm

tìm vui

đôi mắt anh

còn buồn hơn cả giếng

tình yêu

ban đầu vui như gàu

kết thúc buồn như nước

em đi đâu

giếng cũng theo đi

trăng cứ tìm mắt em

đòi tự tử

chúng ta lấy nhau

vì khát

giếng nước yêu

đứt sợi dây gàu

ôi nỗi buồn

trăng múc lên từ giếng

em ngó trời

thấy giếng mọc thành sao

xin anh

đừng múc cạn nỗi buồn

trong đôi mắt em

để em còn là giếng nước.

 

SƯỚNG MUỐN CHẾT

 

Anh bảo em :

Má mày lấy tao sướng muốn chết!

Không lấy tao chắc giờ này bán vé số!

Ngày ấy không gặp anh

Em vẫn là con chim manh manh

Lẻ loi đậu tít cành chanh

Lấy chồng như lấy mảnh sành đứt tay…

Lấy chồng sướng muốn chết

Làm mẹ ba đứa nhỏ sướng muốn chết

Thành bà nội được làm ôsin sướng muốn chết

Sướng muốn chết khoảng trời xanh sau bếp

Mưa cho suối chảy trong nhà

Có khi trời xuống la đà nồi niêu

Sướng muốn chết mùi dạ lan hương ngạt thở

Ăn ở với cà với dưa

Đẻ ra mắm muối mà chưa biết tình

Sướng muốn chết đàn ông dạy vợ

Thương lá vàng làm con ở mùa thu

Đám mây muốn chết thành mưa

Tự dưng chim hót tưởng chưa có chồng…

 

CẦN ĐƯỚC

 

Má gốc Huế

Ba gốc xa ngoài Bắc

Em

gốc Nam Kỳ

Cần Đước

Đước ơi

đước mang bầu ở chân

chồm chồm

như những chiếc nơm

úp phù sa

lấn biển

những kiếp người phiêu bạt

lặn vô thân phận đước

ăn nằm với bão tố

ngủ nghê cùng sóng khơi

giành giật với biển cả

từng hạt hồng cầu đất

ăn mặn chát

uống mặn chát

nước mắt người

mang linh hồn đước

mặn mòi

đước à

có tiếng cười lạt lẽo

nhưng khóc

không lạt lẽo

khóc mặn

một hôm

những cây đước

bước lên bờ

thành người Cần Đước

em – người đàn bà miền Nam

gốc đước.

 

VỌNG CỔ

 

Mê Kông

xòe chín nhánh mùi mẫn

xuồng ba lá

trên dòng cải lương

bác Sáu Lầu

vuốt dây tơ

làm dây câu

vọng cổ

kinh rạch

hết hồn

tiếng đàn kìm

luyến

nước lớn

láy

nước ròng

ai canh tàn đói lòng

ăn gió chướng

ngồi ca

có người đàn bà

mê anh kép Út…

hóa chim bìm bịp

đêm đêm

ứa

một câu Văn Thiên Tường

rồi chết

thằng Sáu

Vàm Láng Le

tương tư đào Nhứt

biến thành người khác

qua Bắc Vàm Cống

gặp má ruột

má con hổng nhận ra nhau

múc nước sông

nhậu trái bình bát

sáu câu

nức nở

điên khùng

nhậu đi

sông ơi

tối nay gánh hát về ấp

cánh cò bay lạc

tiếng thổ

tiếng kim

gió sênh phách

kéo màn

sông Hậu

vút câu thứ năm

đã nghẹn dòng kinh

búng khẽ ghi ta

câu sáu lên

dàn dụa sông Tiền

anh chê em cải lương

gánh hát đi

sáng ra

bờ tre đẫm nước mắt

vọng cổ ơi

mặc kệ chồng

em rất cải lương

khi yêu

ai chẳng xuống xề ?

 

CHÍNH MÌNH

 

Suốt ba mươi năm

anh bảo:

- em phải quên mình

vì chồng con

hơn năm mươi năm

ra đời

cuộc sống dạy:

- em phải quên mình

vì mọi người

tóc bạc rồi

anh lại bảo:

- em phải là chính mình

không là mình

chán lắm

anh ơi

em còn mình đâu?

ba mươi năm

em toàn làm người khác

giờ

tìm mình

ở đâu?

ôi

chính mình

của bươm bướm

là sâu

chính mình

của giọt sương

là hơi nước

chính mình

của hoa

là nụ

chính mình

của nụ

là cây…

chính mình

của em

là anh đó!

 

N.T.A.H

 

Trần Mạnh Hảo
Số lần đọc: 2285
Ngày đăng: 26.10.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tái ám ảnh về một bài thơ ám ảnh - Đỗ Quyên
Đi suốt đời chưa hết niềm say - Bùi Công Thuấn
Nỗi đời riêng và ánh rằm xưa - Võ Quê
Đẹp dị biệt từ “ Dị hương “ - Nguyễn Hoàng Vân Anh
Thơ vài khắc của Nguyễn Hồng Nhung - Phương Giang
Điểm sách :Tạo dựng tương lai * - Phạm Toàn
Nháp, những vần thơ đêm trắng bạch - Lê Vũ
Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn - Nguyễn Hoàng Đức
Hoàng Vũ Thuật, một chặng đường Thơ - Yến Nhi
Giai điệu trầm quê hương của Trần Vạn Gĩa - Lê Khánh Mai
Cùng một tác giả