Mấy hôm trước trời mưa rất to. Nước từ các ao đầm mương rãnh dồn ra sông Lăng. Sông Lăng bồng bềnh, rộng ngút tầm mắt. Các cống Sêu, cống Cả, cống Nhị Nương nước xoáy sùm sụp suốt đêm ngày. Đê lở, tre pheo gỗ lạt bập bều trên mặt sông. Chúng tôi, ba người đàn ông ra chơi ngôi đền cổ. Đền Lăng sát chân bãi cói. Rượu sương sương rủ nhau đi chơi. Tuấn bảo: “Ra đấy nhậu. Trăng lên cá vào sân đền thì bắt. Có cả tôm rảo vượt chứng hay lắm”. Tôi đi xe máy. Hai ông bạn đi bộ chừng khoái cảnh nước lụt cứu ríu ra ríu rít như trẻ con. Mùa xuân nội tôi thở dài: “Hoa nhãn sai trĩu chịt chắc lại lụt thôi. Không khéo thì vỡ đê”. Nội thường hay lo xa. Năm trước đê mạn Hải Dương vỡ trôi bao nhà cửa, chết nhiều cây vải cổ thụ. Cây vải chết lại hoá hay, chỗ ấy trồng thứ khác vào năm nay có thu nhập cao. Nhất là thả cá. Gà dịch. Cá lên ngôi. Thật chả biết thế nào.
Trước khi đi anh Tuấn bảo: “Ra đền có khi được lộc. Cái ông Toàn này biết đâu bén duyên đình đền. Thể nào chả có con gái đi bắt cá”. Toàn đã say lắm, mắt nhìn lũ trẻ con đắm đuối mơ màng bảo: “Thích nhỉ, quê ông Tấn thích quá. Chỗ nào cũng có người thật thà. Rượu nếp, thịt chó và trẻ con. Tôi làm rể ở đây”. Tấn bảo: “Còn mấy trăm mét đất với cái lều vịt, còn cây sung, bây giờ nhậu phải có lá sung mới ngon. Tôi xem lịch rồi. Hôm nay bắt vợ cho ông”. Hai nhà văn nghệ như hai thằng trẻ trâu ríu rít.
Khó khăn lắm tôi mới lái xe máy được vào đấy. Bùn đồng chiêm quánh đặc. Đường sống trâu, chân trâu và bánh răng máy cày làm tình làm tội. Để số thấp, dang chân như làm xiếc, tôi tiến ra đền men theo tay chỉ của anh Tấn. Một cô gái như từ đất từ nước nhô ra. Tôi cuống lên bấm còi, cô gái lạng sang một bên, hai tay giơ lên trời rất ngộ. Hai ông đi sau cuống cả lên. Toàn bảo: “Dáng đẹp quá ông ạ”. Tấn bảo: “Ứng nghiệm. Ông đúng thật là ông giời con”. Tôi không ngoái lại vì hai ông bạn tôi dân văn nghệ lại đã có chút men. Bình thường đã nghĩ và làm toàn chuyện không tưởng huống hồ có tí men. Có tí men, ông văn nghệ nào cũng tưởng mình là ông quan trọng, ông khai hoá mà xã hội vốn sờ sờ rất nhiều khiếm khuyết. Ông nào cũng làm như chính quyền đang trù dập mình, theo dõi và cử người trừng trị những ý tưởng to tát của ông ấy thì một việc bốc thơm nhau, liên tưởng qua một cô bé đồng nội có gì phải bàn nhỉ?
Xe máy của tôi sục xuống một vạt bùn không tiến được nữa. Tôi nhảy khỏi xe. May quần soóc chân dép nên rất nhanh thích ứng. Một đứa trẻ con hiện ra. “Chú vào đền hả. Ông Từ đang ở đấy đợi chú Tấn. Ông sai cháu đi mua rượu”. Thật chả hiểu ra làm sao. Ở đây đến trẻ con cũng biết trước mọi việc. Rồi thằng bé bảo: “Chú đi theo lối này, nước không ngập nhiều đâu. Ngã thì phải bơi vào đền”. Rồi nó biến mất. Theo hướng dẫn của thằng bé. Tôi lấy cây đa làm mốc cắm cúi lội. Mấy con cá ở đâu đâm vào chân, một con tôm riu bóng phóc lên chiếc quần soóc. Tôi túm râu cậu tôm, vảy vảy rồi cho vào mồm cắn. Một vị ngọt lịm hơi tanh thấm tê đầu lưỡi. Thuở bé, tôi là một trẻ trâu có hạng và cái món tôm sống bọn tôi chén đã mấy chục năm trước, sạch và bổ lắm. Lại một con cá hấp tấp đâm sầm vào chân.
Không hiểu hai ông kia đã nói những gì mà cô gái “dáng đẹp quá” vừa bước theo vừa đấm thùm thụp vào lưng hai bố ấy. Con gái đấm thùm thụp là thắng lợi sáu bảy chục phần trăm. Tôi bước lên thềm đền. Nước vây bốn phía. Thềm đền khô ráo, chân tường rêu mịn những thảm nhung.
Cô gái đã thôi đấm hai ông bạn. Cô lội giữa hai người. Hai ông văn nghệ nhỏ bé trước người con gái đồng chiêm. Cô gái cao và có duyên lạ lùng. Nón đã sờn mà cái dây quai đỏ rất xinh còn buông xuống đôi vai lăn lẳn. Tóc em chờm ra phất cả sang cổ hai ông nghệ sĩ. Tôi không dám nhìn lâu vì Tấn bảo: “tìm duyên cho Toàn”. Ừ, tại sao không tìm duyên ở những nơi gốc gác quê mạc như thế được.
Tấn nháy mắt. Tôi tiến lên chút ít: “Chào em. Hôm nay em là bà chúa ở đây. Anh với anh Tấn là thần dân. Còn anh này, tôi chỉ Toàn, là ông hoàng chung của tất cả”. Lại đấm thùm thụp hai ông bên cạnh. Tấn tuyên bố: “Vào đền xin quẻ rồi nhậu, ông Từ được lắm, cũng dân văn nghệ. Các ông cứ tự nhiên cho”.
Thế quái nào Tấn lại giao cho tôi canh cô gái để Tấn và Toàn vào xin quẻ. Thằng cha này vốn cẩn thận. Sợ không thuận duyên trước cửa đình cửa chùa bị phạt hay sao? Ông kia cứ như ai bắt mất hồn, cum cum nghe theo. Lại còn liếc nhau. Trời ơi. Toàn đã ba tám, chưa một mối tình. Phen này tình hình biết rồi ra sao? Chắc là phức tạp.
Cô gái cao và to nhưng giọng nói rất dịu dàng bảo: “Anh không phải trông em đâu. Nào, ta ngồi xuống đi anh kẻo nước ngấm lạnh chân thì chết”.
Đang hỏi tên tuổi, làng xã thì một cậu nhóc lấp ló: “Chị Thắm, về ngay có người gặp”. Mẹo đây. Tôi nghĩ và bất đồ lo lo bảo: “Trẻ con, em tin làm gì. Cứ đợi hai anh kia ra đã”. Thắm cười nhìn tôi, nhìn lũ trẻ không biết ở đâu kéo đến rất đông đang trần truồng chạy nhảy trong mênh mông nước trắng. Mấy cậu bé nghịch ngợm trèo lên cành đa lao ùm xuống. Có đứa trèo lên cả cột cờ cửa đền mà phóng xuống nước. Tôi đã ngứa ngáy chân tay lắm, muốn làm trẻ con một lúc ra sao thì ra, thì Thắm bảo: “Các anh ở thành phố sướng nhỉ. Chả ngập lụt bao giờ”. Tôi nhìn Thắm và nhận ngay ra em nói thật, bèn thật thà bảo: “Bọn anh chỉ làm việc ở đó thôi. Chật chội lắm. Ai bảo em là không ngập lụt. Có điều lụt ở đấy thì lại cãi nhau trên ti vi chứ không có trẻ con tắm”. “Anh có vẻ thích trẻ con nhỉ”. “Ừ, không phải trông em, anh ra tắm với bọn nó”. “Xạo. Em không tin anh biết bơi. Ra trẻ con nó dìm chết”. Tôi bắt đầu nhận ra Thắm đã nhập cuộc. Hai ông bạn vừa lúc xem quẻ xong, hớn hở đi ra. Tuấn bảo: “Ông ơi thắng rồi. Phen này gặp kỳ duyên. Âu cũng là ý trời ý phật”. Thắm mủm mỉm cười. Lội nước làm tôi đã tỉnh táo hơn, ngẫm nghĩ. Không khéo thật thì chết. Thật ra đấy Toàn vốn nhà neo người nếu bên kia gây khó thì sao? Đã thế ông này tính cũng ương ương chỉ thích tụ vạ kiểu như thử nghiệm thì Tấn một thổ dân, một “già làng” ở đây ứng xử làm sao với dân làng. Xưa nay mọi người nhìn cách văn nghệ đã như cái gì bê tha, dễ dãi tụ bạ và hay giai gái. Đang lộn xộn mấy ý nghĩ thì cụ Từ đi ra, cụ bắt tay tôi rất chặt: “Anh Tấn có nói nhiều về các anh. Tội, đến đúng mùa nước vây phải lội nước rước đèn thế này. May Ngài phù trợ các anh mạnh giỏi, chân cứng đá mềm”. Tôi nghiêm trọng: “Thưa cụ Từ, cô Thắm này là thế nào ạ”. Cụ Từ nhanh miệng: “Cháu họ tôi ấy mà, chưa chồng con gì đâu. Bên kia sông đang họ đang hỏi làm dâu, mà theo quẻ lại hợp với anh Toàn đây, kể ra thì cũng tội”.
Câu chuyện dường như không chịu dừng ở đây rồi. Loáng một cái đã không thấy đôi kia đâu. Tôi và Tấn ngồi xuống thềm rêu cửa đền. Hoàng hôn bắt đầu xuống. Những tia nắng khúc xạ mặt đầm hắt lên thứ ánh sáng ngũ sắc rất kỳ diệu. Sân đền nước chỉ gang tay như sân rối nước mà lũ cá bạo tợn là chủ nhân biểu diễn đủ trò. Nghịch ngợm nhất là đàn mương mương, chúng chả cả nể gì ai phóng cấp tập trên mặt sân thỉnh thoảng có cậu quá đà vọt lên cả sân gạch nằm trơ mắt ếch ra đấy làm mồi cho đàn kiến. Lũ cá rô mới tợn tạo quá thể, chúng bò ngang dọc cả phần sân cạn như bọn rắn mối bất chấp bọn tôi có thể cử người ra nhặt đem rán nhậu chơi. Khôn ranh hơn là lũ cá trôi, chúng ềnh ềnh bơi nhưng không có mẹo đố mà bắt được. Thông minh phải nhường cho mấy bác cá quả, cứ lừ lừ như ông Từ vào đền ở chỗ này chỗ khác mà hễ ai trỉ trỏ về phía bác y như rằng bác lại biến mất kín đáo không một gợn tăm. Đang mê mải với lũ cá sân đền thì khói ở đâu bốc lên thơm mùi rạ chiêm đủ nắng. Tấn bảo: “Đôi ấy nó rang lạc đấy. Sợ mải rồi cháy”. Cụ Từ bảo: “Con Thắm khéo lắm, cậu yên tâm”. Tôi bỗng thấy tâm trí thanh thản lạ lùng, chao ôi lắm lúc bon chen thành hội phồn hoa mà đã nghĩ xấu nghĩ ác về người được đấy. Mái đền cong xanh ngợp rêu như rửa mọi ưu phiền, thổi vào mấy người trẻ tuổi một cái gì thoáng đãng, thơ thới.
Chỉ cô Thắm đem rá lạc ra còn ông bạn kia ngồi lỳ góc hè. Họ nhóm lửa ngay trên thềm ngôi đền cổ. Tôi đã kịp đi loanh quanh trong lòng đền dù không mấy hiểu về thờ tự vẫn có cảm giác rằng ở một chốn mà dân gian đã đặt lòng tín ngưỡng của mình vào đấy không hẳn thuần là sự tin tưởng thành kính vọng lên Ngài nào đó mà còn là một di chỉ bảo tồn văn hoá làng xã còn như ngầm ngụ ý răn dạy các đời sau phải ăn ở cho nghiêm cẩn, xứng với kỳ đức của cha ông. Lúc bọn trẻ con dẫn cô cậu kia đi xin lửa tôi mới thấy cái thế đền ở đây trọng thuỷ như thế nào và dường như tập quán của đình, đền cứ phải có cái thuỷ đình phía trước khiến lòng người dễ thơ thới hơn cũng là thuận nơi mà sửa sang y phục mặt mũi của mình trước khi đến trình cửa Ngài.
Đêm xuống. Ánh lửa vọng ra tí tách từ ngoài thềm rêu. Trăng lên. Lũ cá bơi vào sân đình giỡn trăng trình Ngài đông đúc vô kể tưởng đưa tay ra là túm được. Tôi, Tấn và cụ Từ đền say, ngồi dựa vào thềm rêu mà mây khói với những suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ về tuổi thơ lam lũ của tôi với những trưa hè nắng như đổ lửa đi bắt cua ngoi đẩy bao tải về phơi dùng cho mùa đông mẹ kho tương mấy anh em ăn học. Tôi nghĩ đến những ngày trốn học cưỡi trâu phi như gió cuốn bất chợt gặp cô bạn gái cùng lớp chân tay cuống quýt che manh quần thủng đít còn doạ bạn: “Mày mách cô thì liệu hồn”. Tôi nhớ một đêm trăng hôm chia tay lên thành phố cô bạn học ấy đã khóc, mắt cứ hoang hoải nhìn tôi. Rồi cô bé lấy chồng. Trời thản nhiên xanh. Tôi tưởng thản nhiên được nào ngờ hôm ấy ốm liệt đến mấy tuần, nhớ cô bé và thương mình dút dát. Và tại sao nhỉ? Tại sao lại có một đêm trăng đẹp như đêm nay? Liệu nó có thành cái gì không, hay lại nhanh chóng trở thành kỷ niệm. Nói ông bạn Toàn bọn tôi là người giời đâu phải quá gì. Sít soát bốn mươi cứ trơ ra đấy, ai nói gì về gia đình cũng mặc. Ừ hữ hoặc ngồi im. Hay là có tài thì dị tính. Tài chưa thấy đâu mẹ già họ mạc cứ thở dài. Cơ quan thì thào, châm chọc, lại đổ tội tính khí mấy bố văn nghệ. Mà bây giờ họ cũng hay đổ tội vạ cho cánh văn nghệ lắm.
Đêm càng khuya. Lũ cá đã thôi đùa trăng rút đi để sân đền ruộng một sân nước bạc. Tôi, Tấn và cụ Từ đã vạn chuyện im lìm nhìn trăng sao dắt nhau ở nơi cuối sông Ngân. Đôi kia bây giờ có giời biết là ở đâu. Buổi tối xin phép xin tắc cụ Từ và bọn tôi cẩn thận lắm. Tuấn bảo: “Ông sống cũng hiện sinh nhỉ?” Toàn bảo: “Các ông tha cho tôi làm ăn. Hay lắm”. “Hay cái gì” Tôi chất vấn: “Thì hay lắm mà. Ai bảo các ông dắt tôi vào đây!”. Thế đấy. Tôi và Tấn nhìn nhau. Ừ nhỉ. Có khi tự khoác lên một cái tội gì nữa cũng phải chịu thôi. Văn nghệ sĩ là thế chăng. Mà đêm trăng đẹp thế này. Lại còn giời đất nữa. Có muốn rút ra là khó rồi. Tôi bảo Toàn: “Ông cứ ở đây. Đến đâu thì đến. Tôi với Tấn sẽ liệu. Còn ông cứ việc hiện sinh”.
Đôi ấy dắt nhau đi vào đêm trăng. Tôi từ biệt ngôi đền, bắt tay cụ Từ nổ chiếc xe chở Tấn ra thị trấn. Trời đã khuya lắm, những ngôi sao nhỏ đã dần lẫn vào cao xanh từng đôi một. Vào quán ăn đêm, bên ly quốc lủi, tôi mới hỏi Tấn: “Ở đây an ninh tốt không”. Rất lâu, Tấn mới trả lời như nói đâu đâu: “Ừ, tốt. Bảo thằng em nó trông rồi. Không biết có lên cơm cháo gì không”. Kể cũng lạ, chuyện đùa hoá thật chả còn hiểu ra làm sao. Mà chúng thích nhau thật là cái chắc. Máy điện thoại của tôi và Tấn không thấy tín hiệu gì. Lúc gọi thì Toàn bảo: “Các ông gọi nữa tôi ném máy xuống hồ đấy!” Rồi có tiếng con gái rúc rích. Rồi mất tín hiệu. Rõ cứ như đồ sấm sét. Tấn lại bảo: “Thằng này nó hiện sinh thật đấy. Hay tại thách nó”. Tôi bảo: “Anh cả nghĩ làm gì. Còn sống đến mai lại chả có chỗ nào chui ấy mà. Đến mai hai anh em mình bắt cưới cho hiện sinh cả thể. Không thì đánh đòn”. Tôi trầm ngâm: “Mà nó chết nhau thật thì tao cho cái lều vịt sông Lăng. Chỗ ấy còn một sào xã chia cho chưa có người sử dụng”.
*
Mặt trời lưng chừng mái gianh đôi kia mới xuất hiện trở lại.
Đêm trước, mãi gần sáng tôi với Tuấn mới trở về nhà. Phía đền không thấy tiếng chó cắn hoặc náo động gì. Đê cũng không vỡ ở đâu cả. Dân làng chìm vào giấc ngủ sau những ngày mưa.
Buổi sáng, trời xanh và cao vút. Mấy con chim ri ríu rít tha rơm phía đầu hồi. Nhà độc mỗi hai ông cán bộ văn nghệ nằm chỏng quèo đến bạch nhật. Bỗng có tiếng chuông điện thoại. “A lô. Ừ Toàn đây mà. Các ông cứ đợi ở nhà nhé, chúng tôi đi chợ chút rồi về ăn sáng. Món ngon đấy”. Máy cúp.
Tôi giục Tấn: “Dậy thôi lãnh đạo ơi! Bọn chúng sắp về nộp mạng chúng ta rồi”.
Rồi thì cô cậu xuất hiện thật. Một bên là cậu rõ là đắc ý thì phải tay xách một bịch bún, rau thơm, sườn tươi. Một bên là cô (Chao ôi, hôm nay tự nhiên thấp hơn vì đi một đôi dép lê. Biết ý gớm!) đi nép hẳn vào cậu, tay nàng còn xách một con cá quả khá lớn đang giẫy dụa. Hai đứa vừa đi vừa trêu nhau lích ra lích rích.
Rất tự nhiên, cô gái nhóm lửa còn chàng kia mổ cá. Ngày thường Toàn rất lười vui đâu chầu đấy tuyệt nhiên không bao giờ biết đến bếp núc nay tự nhiên khéo léo lạ lùng. Mổ cá nàng chạy ra bảo anh phải đánh vảy thế này này. Rồi lọc sườn ra làm sao. Chẻ hành phải chẻ xuôi cho ngâm nước muối nó mới nở thành hoa thành nụ. Hình như chúng còn cốc yêu nhau và người đàn ông cứ luôn miệng xin lỗi. Tôi với Tấn chưa hết ngạc nhiên thì mâm đồ ăn sáng rất tươm tất nghi ngút khói được bưng lên.
Người đàn bà nắm cổ lậm rượu úp ngược một cái chén xuống còn thì rót ra hai cái chén hạt mít mời tôi và Tấn rõ ràng mạch lạc: “Hai anh xơi rượu đi còn anh Toàn cho anh ấy xin phép kẻo mệt. Hôm qua đã uống quá ra đấy rồi các anh ạ”. Tôi nhìn Tấn. Tấn nhìn tôi bảo: “Ừ thì theo ý cô. Nào, ta cạn chén”. Bữa ăn phải nói là rất vui. Tôi với Tấn sẵn chuyện của bọn tôi. Đôi kia hay nói thầm, hay đấm lưng nhau. Một lúc Toàn bảo: “Thì em cứ cho anh uống với các anh ấy một chén. Một chén con ấy mà.” Cô nàng nũng nịu: “Ừ thì một chén. Nhớ là chỉ một thôi đấy nhé. Một chén rồi thì còn đi chợ nữa, lại còn ra cầu Giành, cầu Kiệu xem nước rút. Ông Từ bảo sắp hết mùa nước vây rồi”.
Tôi với Tấn lại uống. Say tình say cảnh hay say rượu thế nào mà đôi kia bỏ đi lúc nào không biết. Đôi kia đi hẹn bảo quãng chín mười giờ về mà chúng tôi cứ ngồi uống rượu mãi ở đấy. Một lúc có mấy bạn văn nghệ đến lại uống nữa mãi đến trưa cũng chẳng thấy tăm hơi đôi trai gái ấy đâu. Ai cũng đoán già đoán non bảo chắc là dắt nhau lên đê mạn Vàng mạn Sủi xem nước dâng rồi có khi ra chợ huyện mua bán mà quên mất đường bị lạc vào hàng quán nào đó. Ở cái xứ đồng chiêm này, có khi hàng quán cứ bày ra đây chả có người trông, ai vào ăn uống nghỉ ngơi gì cứ liều liệu mà để lại ít tiền vào cái giỏ cột quán giữa đồng tùy theo cái tâm của mình, có khi cũng là giúp nhau lúc dặng đường kẻ chợ.
Đợi mãi đến chiều không thấy đôi kia trở lại tôi và Tấn dọn dẹp qua loa rồi trở về thành phố cho buổi làm việc sáng thứ hai. Hai anh em đi còn bàn bạc và phỏng đoán mãi về Toàn. Hay là đôi ấy dắt nhau sang tỉnh Thái ra mắt chào họ mạc quê Toàn bên ấy. Lại biết đâu chúng đang quên đất quên trời ở một quán đồng chiêm nào mặc kệ chúng tôi. Cũng chả lên đoán làm gì. Chúng tôi đang còn phải lo cho sách vở, cho văn nghệ và mưu sinh của riêng mình.
Chiều thứ hai bên ly bia Hà Nội nơi một quán quen đã thấy ông giời ngồi chờ ở đấy. Toàn kể rất nhiều và dự định rất nhiều. Một ly cán ơn tôi và Tấn. Một ly cám ơn đình đền xứ quê. Một ly cán ơn cụ chủ từ nhân hậu. Một ly... Một ly... Cứ thế, tôi và Tấn chìm đi vào những ly bia, những ý nghĩa liên tục của nó mà quên mất kẻ kia đang nói gì. Rất lâu, chúng tôi mới thoát ra mà hỏi lại được.
- Này ông Toàn, ông sẽ trở về đền với Thắm chứ?
- Nhất định! Nhất định không để cho các ông khó xử...
Tuần sau chúng tôi không sao liên lạc lại được cho Toàn. Thứ bảy, chủ nhật nào Thắm cũng đến hỏi bọn tôi về ông bạn. Nhất là Tấn vì anh Tấn vốn người ở đấy. Cô gái hỏi rất khẽ, như vô tình và dặn bọn tôi đừng có điện gì cho anh ấy cả vì anh ấy đang chuyển chỗ làm. Chính tôi và Tấn cũng không biết chuyển chỗ làm ở đâu. Bạn bè văn nghệ chơi với nhau khi hỏi địa chỉ, về cơ quan mà chỉ qua cái máy điện thoại. Chỉ sợ hai đứa có cái gì thì gay cho Tấn, lại mang tiếng cả dân văn nghệ vốn đã chẳng còn thiếu điều tiếng gì. Một tuần sau Tấn điện cho tôi bảo phải tìm bằng được Toàn về vì chủ nhật này Thắm cưới, lấy người bên kia sông. Tôi lục tất cả các địa chỉ, tất cả các nơi có thể vẫn bặt vô âm tín.
Chủ nhật, một mình tôi xuống nhà Tấn, vừa là đi để xin lỗi người ta, xin lỗi cụ thủ từ. Tôi đi sớm lắm. Đến đê sông Lăng trời còn chưa sáng hẳn, từng mảng sương đục mờ mờ bay trộn lẫn hơi nước sông Lăng. Đến cầu Lăng, tôi dừng xe. Từ đây vào ngôi đền gần lắm. Định gọi điện thoại cho Tấn thì lạ chưa, phía triền đê có một đôi trai gái đang tiến lại. Ô hay, đích thị là Toàn và Thắm dắt nhau đi trong sương sớm. Đôi trai gái vừa đi vừa rấm rích đùa nhau. Tôi sôi máu lên, định sẽ mắng cho Toàn một trận, định sẽ không nể nang gì cả. Người ta đã cưới rồi lại còn phá bĩnh. Rồi ai mà đi tìm được nhà ông. Tôi mím môi đợi đôi ấy gần thì thoắt đâu chúng lại rẽ xuống triền đê, nơi nước vây thuở nào giờ rút đi chỉ còn toàn phù sa đỏ ối. Tôi định đuổi theo sợ đôi ấy lẫn vào sương mất thì tiếng còi xe máy và một người đàn ông hiện ra, chính là Tấn. Tấn chỉ vào sương gắt lên: “Nhanh lên ông, thằng trời đánh nó dắt con nhà người ta đi đấy”.
Khi tôi và Tấn chạy xuống triền đê thì sương tan. Đôi trai gái đã biến đi đằng nào mất chỉ phù sa sông Lăng ứa lạnh dưới chân. Hôm ấy là rằm tháng bảy./.