(Đọc tiểu thuyết Khuất một vầng trăng của Nguyễn Vinh Tú – Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2008)
Tác giả Nguyễn Vinh Tú sinh năm 1929 trên quê hương Nam Đàn, Nghệ An. Cả cuộc đời công tác của ông gắn bó với quân đội, ông từng tham gia đánh giặc ở Đồng Bằng, rồi lên Tây Bắc, rồi về Hà Nội, triền miên đi theo cuộc kháng chiến của nhân dân. Đến với con đường sáng tác từ rất sớm, ông đã có đóng góp cho tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những năm đầu. Khuất một vầng trăng là cuốn tiểu thuyết rất dày đặn, nơi ông đã gửi gắm tâm huyết của cả cuộc đời mình.
Lời đề từ của tác phẩm là một câu trong “Phụ nữ tân văn” ca ngợi người phụ nữ nước Nam anh hùng, can đảm. Tiểu thuyết rất dài hơi, được chia làm ba phần: “Đêm dài”, “Trôi theo ngày tháng” và “Tìm lại dấu xưa”. Mở đầu là phần “Đêm dài”, với cơn lốc kinh hoàng điên đảo làm đảo lộn sơn hà. Đó là cơn bão táp của cải cách ruộng đất. Cơn lốc ấy có nguồn gốc từ phương Bắc! Tác giả lấy bối cảnh ở một vùng núi tối tăm phía Bắc Việt Nam, vào thời điểm năm 1954. Tại trang 10, có nhắc tới Nhà Chung, vậy công cuộc đánh đổ địa chủ phong kiến diễn ra song hành với việc bài trừ đạo. Chẳng biết tác giả Nguyễn Vinh Tú có cố ý không, mà tôi thấy, ngay trong hai trang đầu, ông đã hé lộ những tu tưởng và sự quyết liệt, để đi suốt gần 400 trang cuốn sách viết về thân phận con người trong cuộc thanh trừng của dân tộc.
Cũng viết về cải cách ruộng đất, nhưng tác giả Nguyễn Vinh Tú có cái nhìn khách quan, trực diện. Ông có những trang văn khắc nghiệt, rạch ròi, mổ xẻ một cách khoa học và biện chứng cái đúng sai của lịch sử bằng cái nhìn của những người trong cuộc. Ông không né tránh, không ngần ngại kể về cái ác, cái xấu, cái ấu trĩ ngây ngô của những con người trong bối cảnh xã hội một thời.
Cuộc cải cách ruộng đất đã được quán triệt từ trên xuống dưới, bằng lý luận, lập trường, tư tưởng vững như bàn thạch và được những người thừa hành tiếp thu, thực hiện chóng vánh. Đây chính là “một bước đại nhảy vọt chống địa chủ phong kiến trong lịch sử nhân loại” để “đưa người nghèo lên cầm quyền, lấy chịu đựng gian khổ rèn luyện chí khí, lấy cần cù bù thông minh, lấy nhiệt tình sinh thắng lợi”. Với những khẩu hiệu đầy kích động bản năng căm thù đồng loại, của bạo lực và thần quyền, người ta đã tưởng không còn khe hở nào để trốn thoát. “Thà chết mười người oan còn hơn bỏ sót một địch”. Quan trọng là những cái lý tưởng của bề trên đó, đã và sẽ bị các người thừa hành thao túng, lợi dụng, để thực hiện cái “mộng đế thiên”, “làm thầy thằng dốt.”. Quả thực đọc những trang Nguyễn Vinh Tú viết về điều ấy, thấy khủng khiếp như nhát dao chém xuống đá, một cơn lốc bạo tàn đổ ập xuống tâm can không còn nơi đâu trốn nấp. Những trang văn gọn, sắc sảo, hấp dẫn, đầy chi tiết, vốn sống, y như lịch sử đang được tái diễn trước mắt chúng ta, gây nghẹn thở, ức chế vì hồi hộp. Và cuốn tiểu thuyết cũng sớm bộc lộ cái vẻ hài hước sâu cay giấu một nỗi đau lớn của một người trong cuộc.
Những bọn sâu mọt vu cáo cho người như Hữu, Lưỡng ấy âm mưu đạt tới “chức quyền, danh vọng, bổng lộc hết đời cha, qua đời con đến đời cháu, chút, chít, cứ bám lấy địa vị mà trị vì đất nước”. Mấu chốt của cải cách ruộng đất là tố điêu, đã có đội, có hàng triệu nông dân làm hậu thuẫn. Bản chất của nó chính là sai lầm của lịch sử, sai lầm của người lãnh đạo, và thực chất chính là trận cuồng phong nồi da nấu thịt. Hạnh, nhân vật chính của chúng ta, trong cơn bão táp, vẫn nghĩ đến công ơn cha mẹ, đạo lý làm người và chữ hiếu của một người con. Chị tự hào bởi công lao gia đình chị đã công hiến cho cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, nhớ truyền thống oai hùng của dòng họ gia đình mình là những vị khai quốc công thần như Nguyễn Xí, Nguyễn Hiền đã cùng Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh. Đội cải cách bắt buộc người phụ nữ trong tay không một tấc sắt, nách mang con nhỏ là: “Phải đào hết mồ mả tổ tiên chúng mày ra mà băm vằm, mà ỉa vào, lũ cô dì cậu mợ chú bác cũng phải lôi cổ ra mà nhét cứt vào vào mõm…!”. Viết như thế là khiếp lắm, chẳng né tránh gì, chẳng thèm biết trên đầu có ai! Ai tố hăng thì được chia quả thực, thật là miếng mồi béo bở. Thật giả chen nhau, vàng thau lẫn lộn, không còn đạo lý. Nó giết tận gốc rễ niềm vui, niềm tin và lòng chân thật của tình người. Tác giả rất chi hài hước, gọi Phấn là Phong, gọi Hạnh là Hủi, gọi bần cố là “cố bấn”, nghe chừng còn kinh hơn, vô sản hơn! Thỉnh thoảng trong câu chuyện lại thấy bật lên những tiếng kêu thét, hô hoán đầy phấn khích, đắc thắng và chủ quan của bọn đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Vào năm tháng ấy nó gây hãi hùng, nhưng bây giờ đây nó làm tôi không tránh khỏi bật cười! Chi tiết Phấn bị buộc phải bỏ vợ, Phấn bị phịa ra là thương tật vĩnh viễn dẫn đến bất lực, rồi chính trị viên Khản đến báo một tin vui, toàn thể quân đội sang năm sẽ được trang bị quần áo, mũ màu xanh lá cây, do sự thắng lợi của cái cách ruộng đất, rồi chuyện ruộng hình tròn, khảu phần ăn quân đội thì gọi là “thịt bác Mao”… đầy ý vị hài hước. Sự chết chóc diễn ra nhan nhản, nghe tiếng súng biết số người bị bắn đang tăng dần lên. Mỗi xã phải tăng thêm năm chục địa chủ, mới đủ con số quy định của cấp trên. “Thời cơ ngàn năm có một. Nhỏ cỏ phải nhổ tận rễ.”. Tất cả các ngả đường sống của bọn địa chủ, trung nông, phú nông bị phong tỏa, và những người có liên quan đều bị truy đuổi đến tận cùng không còn lối thoát. Nước ta lúc đó đang hân hoan mối tình Trung – Cộng, lúc nào cũng ngân nga: “Bên ni biên giới là minh/ Bên kia biên giới cũng tình quê hương”. Đến cả cách ăn mặc, chỉnh đốn đội ngũ, nhất nhất đều theo bạn. Các chi tiết được tác giả gài đặt rất tự nhiên, tài tình, tạo sự thú vị cho người đọc.
Nhờ có tính toán giúp đỡ chân tình của đồng đội, mà Hạnh được bảo vệ, đến công trường để làm việc cho cách mạng. Sức sống của người phụ nữ ấy không gì khuất phục được, dù bao nhiêu gian khổ, đói khát, oan khốc, nhục nhã. Không gì làm tàn héo sự sống của chị được, vì chị có niềm tin mạnh mẽ vào bản thân mình, vào chân lý và lẽ phải. Bối cảnh của câu chuyện là rừng đồi núi bản Mèo phóng khoáng, thiên nhiên mênh mông, và giữa núi rừng ấy, đất đai ấy, có những người con đất Việt chan chứa yêu đời đến kỳ lạ. Người ta đọc những trang văn như vậy cảm thấy tâm hồn mình cũng được bay bổng, mọi gian khổ oan khiên nơi mặt đất trần tục đôi khi cũng chỉ là điều nhất thời hữu hạn. Trang 33 là một trong những trang miêu tả rất thích một thiên nhiên khoáng đạt đang bảo bọc con người. Gia đình người phụ nữ ấy vẫn có hạnh phúc trong những ngày bão táp, vì đó là một cặp vợ chồng tương xứng về phẩm chất: Yêu nước, nhân hậu, thông minh, bản lĩnh. Về hạnh phúc cá nhân của mỗi người thì thiết tưởng cũng đâu có gì đáng nói, điều đáng nói là họ vẫn giữ vững niềm vui trong bão táp, và âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu rất lâu dài. Nhân vật nào của Nguyễn Vinh Tú, dù chính, dù phụ, hay chỉ xuất hiện một lần trong trang sách, cũng được tác giả khắc họa như là điển hình của cái tốt, cái xấu, cái tài hoa, nghị lực. Và từng chi tiết của đời sống, của cái sinh hoạt của nhân vật, cùng những động tĩnh của thiên nhiên hoang dã, đều được tác giả khắc họa bằng những nét vẽ rất tài tình, ấn tượng. Hình ảnh đàn khỉ, con trăn, không có gì nguy hiểm, mà trái lại, rất thân thiện với con người, nó tồn tại bên con người lại làm cho con người nhân hậu và đầy đặn hơn. Rồi tiếp đến, những hình ảnh của cơn bão, ngọn lửa trong rừng, tất cả cái bạo tàn cái hùng vĩ, dường như đều được tác giả gửi gắm nhiều ý đồ nghệ thuật. Những biến cố dữ dội đó chính là cơn bão lửa của cách mạng, hay là sự khủng bố xua đuổi của thiên nhiên và xã hội đối với những thân phận con người.
Vốn sống của tác giả về các thành phần nhân dân và các tranh chấp trong cải cách ruộng đất là rất sắc bén. Kể làm gì các thủ đoạn độc ác của bọn ăn trên ngồi chốc thừa hành công vụ theo đường lối có sẵn đè đầu cưỡi cổ triệt hạ những đối tượng bị nghi vấn. Ở đây tôi chỉ chú ý đến những mánh lới của chúng để bịt mắt dân cùng. Ông viết: “Khi đo ruộng làm thuế nông nghiệp tính theo cấp lũy tiến để đánh đổ những tên nhiều ruộng”… Phấn vẫn ở trong quân đội, là con người ưu tú, lập được nhiều chiến công, thế nhưng khi đưa cải cách ruộng đất vào quân đội, những thành phần anh em đồng chí thiển cận vẫn nhìn Phấn với con mắt kỳ thị, ghét bỏ. Họ vẫn mở mồm nói thế này, khi anh nằm ngủ: “Đó là tên địa chủ Phấn đấy ạ!”. Nghe mà nực cười cho sự hạn hẹp ấu trĩ của một thời, con người ta chưa nhận thức được lẽ phải. Người ta chạy theo làm cái bóng của nhau và thực tế đã phá hỏng toàn bộ cuộc đời mình bằng sự ngu dốt. Phấn đã tủi nhục vì sự kỳ thị, phân biệt đối xử rất nặng nề. Việc đó góp phần bào mòn sức sống, tàn phá niềm tin của chiến sĩ Phấn. Nhưng anh vẫn kiên nhẫn sống, phấn đấu, trí tuệ của anh đã cho anh hiểu rằng đó chỉ là việc nhất thời. Anh nghĩ tận cùng sự việc: “Trong việc đó (cải cách ruộng đất – NL) có những phần thừa, thối, có hại phải dứt bỏ mà anh không may là nạn nhân trong việc giải phẫu đó”. Khi đọc thiên truyện này, cái mà người đọc theo đuổi là nỗi đau thương của hai nhân vật chính, nhưng không vì thế mà người ta bỏ qua những trang văn rất đẹp, rất yêu đời, đầy chi tiết, đầy hồi ức cuộc sống. Hồi ức ấy sống động, dạt dào, nổi cộm, và không vì sự xấu xa thiển cận của con người mà im ngủ. Cái đời sống và tình cảm nguyên sơ chân thật của những người vùng núi đó vẫn còn mãi dư vị ngọt ngào lưu luyến trong tâm hồn người đọc. Nó được chuyên chở bởi những câu văn mở rộng tầm nhìn, đầy cá tính và hài hước, sẵn sàng cười xòe và đi vào những niềm vui, mặc cho gian khổ, bạo hành đang tiếp diễn. Không có nhân dân ấy, không có lòng kính yêu Hồ Chủ tịch từ trong sâu thẳm cõi lòng, thì làm gì có cuộc cách mạng Tháng Tám? (Trang 45). Tưởng như bầu trời thanh bình ấy, vườn ruộng xum xuê cây trái ấy là vĩnh viễn, là phần thưởng cho con người. Nhưng không, “cải cách ruộng đất đã tiến lên miền ngược”, cơn bão đang rùng rùng trần đến tàn phá càn quét, gieo rắc chết chóc tối tăm cho tất cả những gì mà nó đi qua. Thiết nghĩ công cuộc mưu sinh đối với Phấn và Hạnh, những con người đầy sức sống ấy, đầy niềm tin và nghị lực, sự thông minh ấy, đặc biệt là người phụ nữ, sẽ là điều không mấy khó khăn. Nhưng còn lý tưởng sống, niềm tin đối với Đảng Bác và sự cô đơn đau khổ trước cuộc đời? Điều đó mới thực là một thử thách kinh khủng. Trong tình cảnh đó, những tình người vẫn ánh lên như những đốm lửa sưởi ấm con người. Trong khó khăn hoạn nạn, trong cách mạng bảo vệ độc lập tự do của dân tộc, những tấm lòng tốt đã là một sự đoàn kết, họ tốt từ trong bản chất. Yêu nước từ trong bản chất. Tình người, tình đồng đội, tình đầm ấm bản Mèo, thỉnh thoảng lại an ủi, vẫy gọi ta.
Cuộc sống kháng chiến vẫn đang tiếp diễn, nhân dân vẫn đang nhộn nhịp sống và chiến đấu. Hạnh là một người có đầu óc, cô đã tự học tiếng Pháp ở trong rừng. “Cải cách ruộng đất đã dạy cho cô biết những của cải vật chất trên đời đều là của nổi” (trang 55). Những nỗi vất vả cô đơn của người phụ nữ trong rừng cũng là một cái gì rất thật, gây đau đớn, trang 56 viết rất chua xót về nỗi lòng của người phụ nữ. Tiếp đó là nỗi lo âu triền miên: “Cuộc đời của một gia đình nạn nhân trong cải cách ruộng đất trước sau không được tồn tại…”. Hạnh nghĩ đến thân phận của nàng Kiều. Rồi chị lại nghĩ: “Ta phải tự hào ta đã được đứng làm Người trong trời đất vì ta chưa hề làm hại ai mà đều muốn cho tất cả mọi người sung sướng… Ta không cầu khấn gì cả, tự lực ta vươn lên, tự lực tỏa sáng là được!”. Cơn bão tràn đến như một điều bất khả kháng, lương thực của ba mẹ con chị bị cuốn sạch. Việc “dàn xếp” cho Hữu gặp Hạnh, rồi sau này tiếp diễn bao nhiêu chuyễn ngoắt nghéo, đến mức Hạnh trở thành vợ Hữu, kẻ thù của cuộc đời mình, cũng là một sự sắp đặt hết sức tài tình của tác giả.
Thì đây, Hạnh trước mắt Hữu là một tòa thiên nhiên đẹp đẽ, mơn mởn sức sống, làm Hữu khát khao, buông lời ve vuốt, dụ mời, khen ngợi, hứa hẹn tào lao chi khươn, sau đó anh ta hồn nhiên cưỡng bức Hạnh, đã bị chị cắn cho sứt lưỡi, bị ngọng suốt đời, lúc nào cũng phải nhớ đến, hổ thẹn vì tội lỗi đã gây ra. Hữu tập tễnh trở về doanh trại, và loan tin Hạnh bị lũ cuốn trôi. Sau đợt đó, Phấn chồng của Hạnh bị tổ chức phân công công tác khác. Hạnh vô hình trung đã bị bọn Hữu trả thù, rượt đuổi, phải chạy trốn. Cũng có lúc yếu lòng nơi rừng sâu núi thẳm, sợ chồng bị Hữu trả thù mà Hạnh đã viết thư từ biệt Phấn rồi định bố trí cho cả ba mẹ con tự vẫn. Nhưng nhờ có sự sợ hãi kháu khỉnh của đứa con gái lớn, mà chị và các con lại phải trở về hang để tiếp tục cuộc sống. Hạnh nghĩ: “Đất nước đang đi lên trong lò lửa vĩ đại. Ta chỉ là một ngôi sao khuất nẻo…”. Trong oan khiên đau xót Hạnh vẫn giữ vững niềm tin vào bản thân và cách mạng như một ngọn cờ.
Lại nói về cải cách ruộng đất, đại đội trưởng Phạm Trí Thức cho rằng: “Đánh đổ một giai cấp suy tàn, không có vũ khí đã là đồng minh của cách mạng mà tôn là “long trời lở đất”. Sao mà thổi phồng to lớn vĩ đại thế?”. Đại đội trưởng Thức là người vô cùng khôn khéo, muốn giữ gìn bảo trong chính mình và đồng đội trước cơn bão tố để còn lập công đánh giặc. Anh là người tốt, có nhận thức đúng đắn về con đường đấu tranh dân tộc; anh chủ trương phải mở rộng cửa sổ, phải nhìn ra thế giới. Trong khi Hữu, đội trưởng đội cải cách tối tăm, đa nghi, bảo thủ, chủ quan, thì cho rằng: “Ta đã có Liên Xô, Trung Quốc và mười hai nước xã hội chủ nghĩa anh em là đủ rồi”. Anh ta cũng công nhận: “Bọn địa chủ là bọn có đầu óc thât!”. Còn anh cu Lưỡng thì nghĩ: “Bọn này không mau mau tiêu diệt sẽ vô cùng tác hại cho nông dân”. Những suy nghĩ đó ấu trĩ thiển cận, nhưng vào thời điểm lịch sử đó, cũng cần phải có những niềm tin như thế.
Trí thông minh, sắc sảo của người phụ nữ đã được bộc lộ đầy đủ qua nhân vật Hạnh khi chị ở trong rừng. Chị hăng say lao động, suy nghĩ, học tập, nuôi con, dạy con học chữ. Chị có những sáng kiến rất thú vị để chu toàn cho đời sống, khiến ta khâm phục. Chị là một tấm gương phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất. Chị đã làm những việc tưởng như không làm nổi. Đọc tới cảnh vươn lên trong rừng của chị, mà thấy thích thú như đó là chuyện cổ tích: Ông trời đã đem tặng chị những bảo vật quý giá để nuôi sống mình. Nhưng nếu hôm nay, người đông thế này, cắn xé giằng giật thì chị cũng không được sống ngon lành no đủ như vậy đâu. Khuất một vầng trăng có rất nhiều cảm hứng về con người. “Con người quá nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Thế mà con người được sống lại tranh giành cắn xé lẫn nhau, trong khi đàn khi lúc nào cũng vui vẻ nhảy nhót”. Con người vì sao “phải sống cô đơn xa đồng loại”, đó dường như là một nỗi buồn đau lớn nhất.
Cái duyên tình khi lãng mạn khi trái khoáy của Noọng Biêng với Chải và Hữu, của Hạnh với Thờ, Phấn với Ngõa… là sự cài đặt tài tình của tác giả, làm cho câu chuyện hấp dẫn, sát thực với đời sống lăn lộn sinh hoạt của nhân dân. Mọc (Hạnh) tìm thấy chiếc vòng và mộ của người chồng Noọng Biêng bị hổ vồ, họ kết nghĩa chị em, cùng nhau bày mưu thả chó dại vào đồn giặc, tạo điều kiện cho chồng Hạnh đánh thắng bốt Đò Đao. Đó là những câu chuyện vô cùng lý thú, ca ngợi tấm lòng và trí thông minh của người phụ nữ. Tiếp theo trận đánh bốt Đò Đao cũng được mô tả vô cùng hấp dẫn. Ta đã đánh thắng giặc, thâu tóm bốt địch mà ít tốn xương máu, vì bọn giặc đã bị đàn chó dại phong tỏa, thật là chiến thắng kỳ lạ gây hả hê, thú vị, vui sướng cho người đọc. Riêng Phấn, thông qua trận đánh, anh đã trọn vẹn lòng tin với vợ, và mối tình của họ lại càng sáng tỏ, cao thượng, đẹp đẽ hơn. Họ chiến đấu với một tâm nguyện: “Mong sao cho đất nước độc lập, tự do mở mày mở mặt”. “Có được một ngày sống dưới bầu trời tự do hơn vạn ngày nô lệ”. Hạnh nghĩ về Tổ quốc rất chua xót và sâu sắc: “Tổ quốc như một người mẹ. Khi người mẹ nổi nóng, cáu gắt, phạm sai lầm ruồng bỏ con cái thì người con phải tuyêt đối trung thành. Không có mẹ làm sao có mình.”. Vì Tổ quốc, vì dân tộc, vì chiến thắng, vì tự do, mà họ đã mở căng các giác quan, trí thông minh để phát huy tài ba đánh giặc. Qua đó, ta thấy lòng yêu nước đã đi tới tận gốc rễ trong tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa.
Ở một khía cạnh nào đó, đây là một tiểu thuyết dễ hiểu, có ít ẩn dụ, mờ nhòe, nhưng nó mạnh mẽ ở cái tư tưởng và văn phong sắc sảo, gọn ghẽ. Người đàn bà trong bối cảnh bị ruồng bỏ ấy, vẫn muốn “viết một quyển vở về lịch sử đất nước để truyền lại cho con”. Trong cuốn vở đó, có tấm gương của các bậc anh hùng hào kiệt hy sinh phụng sự đất nước mà “Các hậu duệ đời đời phải ghi nhớ công ơn, không bao giờ được khuất phục trước mọi cường quốc to lớn”. Chí khí của người phụ nữ yêu nước thật là đáng trọng, đáng kính cẩn cúi đầu. Người phụ nữ dũng cảm ấy, đã đành lòng gửi gắm con của mình cho Noọng Biêng, một người đàn bà dân tộc, tuy là chị em kết nghĩa rồi nhưng nhiều phần còn xa lạ, chị thấy “quặn đau như xé ruột”, để dấn thân đánh bốt Xá. Vì lợi ích Tổ quốc mà chị sẵn sàng hy sinh tình riêng, dẫu đó là tình ruột thịt thiêng liêng trọng yếu của đời người. Cảnh hai đứa con nhỏ cô đơn, bấn loạn, sợ hãi giữa rừng già, khiến người đọc động lòng rơi nước mắt, vì đâu cảnh ấm êm hạnh phúc lại tan đàn xẻ nghé như thế này? Vì đâu, vì ai, vì cái gì? Cảnh đứa bé trai vật lộn với cảnh vật rừng già, cũng cho ta thấy rằng bản năng sống là cái duy nhất sẽ hiện hữu. Cuộc đấu tranh sinh tồn của con người với vạn vật tình cờ hiện lên trong cuốn tiểu thuyết rất rõ nét và sinh động. Có ai có lương tâm mà không động lòng cho được. Những lúc con người đớn đau, bị truy sát nhất, là lúc cảnh thiên nhiên tươi xinh hùng vĩ đủ mọi màu sắc lại hiện ra để an ủi con người. Tôi thấy nhà văn là một cây bút đầy tư tưởng, bản lĩnh, văn phong rất có duyên, chẳng thua kém ai đâu. Chỉ có điều ông dùng lối kể chuyện cổ điển và ước lệ, sử dụng óc tưởng tượng suy luận phong phú, có phần chú trọng cốt truyện, dễ hiểu, đó là kiểu cách, cũng là hạn chế một thời văn nghệ nước nhà mà thôi.
Nguyễn Vinh Tú có một đầu óc quan sát rất tinh tế, và khi quan sát thì luôn sử dụng liên tưởng những điều đó với trực cảm, kinh nghiệm sống của mình. Việc thể hiện nó thành chữ chỉ là việc làm sau rốt của ông. Ông làm chủ văn phong của ông, vì vậy mà nó cứ tràn ngập ra như những đợt sóng lớn. Những mối tình dưới ngòi bút của ông cũng rất đẹp, đầy dư vị lãng mạn cuốn hút người đọc. Những lúc ông hòa mình vào thiên nhiên với niềm say mê và yêu sống ấy, sao không thấy ông nhắc đến nỗi buồn nhân vật? Hay ông chẳng thèm nhớ nữa? “Sông có khúc. Người có lúc” mà! Thực ra người phụ nữ nhân vật chính, khi ấm thầm gửi gắm hai đứa con cho Noọng Biêng, chị cũng có một phần hy vọng rằng hai con sẽ làm lại cuộc đời, với một quá khứ thanh sạch, thoát được sự đớn đau, nhục nhã của thành phần địa chủ. Chị cũng định sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại hai con. Nên sự chịu đựng thử thách và hy sinh ấy là có vẻ khó hiểu, khó có thể chấp nhận. Sự cật vấn dằn vặt trong lòng người đàn bà ấy, có khi đúng khi sai, nhưng hơn ai hết chị đáng được cảm thông và chia sẻ. Những lúc đau khổ, chị nghĩ đến tận cùng sự nghĩ, ta thấy rất đáng sợ. “Mẹ phải cho các con chuyển vế sang một giai cấp khác để thế hệ nối tiếp có cuộc sống tốt đẹp”, “để tránh cho chúng khỏi cuộc đời mù mịt khổ sở lao đao, nhục nhã vì thành phần bóc lột”. Chứng tỏ cái lý lịch thành phần bóc lột còn kéo dài trong lịch sử đời sống, hù dọa mỗi con người. Hãy lần theo bước chân người đàn bà tội nghiệp ấy. Chị đã suy nghĩ, mong muốn, mình có thể đi khỏi vùng đất này, vượt thoát ra khỏi biên giới này để sống cuộc đời phóng khoáng tự do, để đi tìm một bầu trời tươi sáng, bất chấp gian khổ, đau thương nào sẽ gặp. Rồi chị lại nghĩ: “Cũng may mình đang làm dân một nước độc lập”. Chị đã chấn chỉnh tư tưởng để đốt lửa nghi binh thu hút máy bay địch, giúp bộ đội tiêu diệt căn cứ Đồi Cao, “dù mình có hy sinh cũng vui vẻ”. Địch như một con cá mập ngu dốt đã bị cắn câu, trút bom vào những đống lửa, vì thế việc làm của chị đã tránh được tổn thất cho ta ở cứ điểm Đồi Cao và đưa quân mình đi đến chiến thắng.
Cuộc đời Phấn song song với Hạnh, cũng rất đáng chú ý. Anh đã lập nhiều chiến công hiển hách trong chiến đấu với kẻ thù. Trong trận Đồi Cao, anh đã gặp và chiến đấu trên một trận địa với con trai mình, Lò Văn Sãi. Do một sai sót trong chiến đấu, mọi thành tích của anh đổ sông đổ biển, mà lý lịch thành phần địa chủ lại nổi lên, anh bị tước quân tịch đuổi về địa phương, sống cuộc sống cô đơn, xa rời đồng loại. Phấn thành người chữa xe đạp ở ngã tư đường. Anh không được vào hợp tác xã. Tình cảnh vô cùng cô đơn tủi cực. Nhờ nhiệt tình hăng hái lao động mà anh vẫn mưu sinh được và có thêm khách hàng, người quen biết. Chuyện tình của anh Phấn với Ngõa, cuộc viếng thăm lạ lùng của chị cán bộ huyện (chính là Hạnh cải trang) cũng có nhiều tình tiết, hấp dẫn, hài hước, chứng tỏ óc tưởng tượng của nhà văn là rất độc đáo, nó như cái kho chứa những chuyện ly kỳ, thú vị nửa hư nửa thực của đời sống, nó giúp cho người ta tạm quên đi vết thương lòng. Qua lời lẽ và suy nghĩ của cô Ngõa tâm thần, ta chợt thấy hiện lên lồng lộng phẩm chất cao đẹp, kiên cường của Phấn (trang 254 – 255). Và thông qua quan hệ của Phấn với Ngõa, cũng tô đậm được thêm một phần quan hệ của nhân dân đối với thành phần địa chủ, sự kỳ thị, cô lập khó tàn phai của họ. Dù gian khổ, tủi cực, Phấn cũng luôn tự hào rằng mình được đứng trong hàng ngũ chống xâm lược. Quá khứ đã kinh qua đời nô lệ nên bây giờ hiểu thấu giá trị của hai chữ tự do. Cuối cùng cuộc tình duyên của Phấn và Ngõa cũng không thành, Phấn không lấy được vợ vì Ngõa đã bỏ đi để bố mẹ khỏi bị đuổi ra khỏi hợp tác, khiến ta thấy thành kiến kỳ thị còn rất nạng nề trong toàn bộ quá trình lịch sử.
Mấy chục năm đã trôi qua, Sãi đã từ một thằng cu lớn lên, học hành, chiến đấu, mọi sự biến đổi, di dời rồi, mà những thành kiến đó còn in sâu vào tâm thức các tầng lớp nhân dân. Khi Hạnh trở thành bác sĩ (Hồi Sinh) trị bệnh cứu người, gặp lại Hữu, kẻ thù giai cấp, cô sẵn sàng hiến máu để cứu anh ta thoát chết. Thế mà khi tỉnh dậy, anh ta hằn học, bởi từ nay phải mang trong người dòng máu địa chủ! Anh ta lặp lại ý nghĩ của anh cu Lưỡng khi xưa, rằng: “Dòng giống nó đã ngóc đầu dậy. Loại này nếu không khử trừ sẽ tai hại cho đất nước”. Vì bị phát giác việc làm giấy khống chỉ mà Hồi Sinh bị thôi việc. Nhưng nhờ tấm lòng quý mến của nhân dân, chị vẫn thực hành được nghề y lương y như từ mẫu. Với lòng nhân từ cao cả, trên bước đường lưu lạc, chị đã sống hoà mình vào nhân dân, trị bệnh cứu người, cảm thông và giúp đỡ những người phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, không gia đình con cái, giúp họ có con. Tình cảnh của người phụ nữ đã đi qua chiến tranh, đã hy sinh một đời cho đất nước, giờ lại bị bỏ rơi. Họ xin lương y Hồi Sinh đừng nhẫn tâm dắt con bỏ chợ. Hồi Sinh đã tưởng thoát nạn, để trở về sống với bệnh nhân, trị bệnh giúp người. May mắn chị đã tìm được đứa con gái lớn của chị bị thất lạc trong rừng đã mười năm. Nào ngờ vẫn có một cái gì thuộc chính quyền hù dọa, đuổi bắt chị. Rút cục chị đã phải vào tù và bị bắt đi cải tạo, rồi đi phục vụ trại tù binh ngoại quốc. Lúc nào chị cũng luôn sống với niềm yêu sống và nghị lực mạnh mẽ trải rộng với cuộc đời. Chị dạy học cho tù binh, cảm hoá tù binh trong trại giam để họ theo chính nghĩa rủ nhau nhập ngũ ra trận chiến đấu với quân thự. Dù ở đâu trong hoàn cảnh nào, chị cũng sống với tấm lòng đôn hậu, vị tha. Nhưng thiết nghĩ cuộc đời người phụ nữ đã trải qua từng ấy thăng trầm, gian khổ, thì thêm một vài thử thách này thử thách khác nữa cũng có là bao! Dù bao oan khiên vẫn còn đeo đuổi, dội xuống, nhưng người phụ nữ ấy vẫn giữ tấm lòng trong sạch. Công lao của chị cứu chữa thương bệnh binh và phục vụ sức khỏe nhân dân, vô hình trung đã chuộc được tội lỗi đã mạo danh sử dụng giấy khống chỉ khi tới bước đường cùng. Cuộc hội ngộ giữa Hồi Sinh và đứa con trai, lúc này đã làm thanh tra và giải oan cho chị, khiến người đọc cảm động, ngậm ngùi. Tình cảm gia đình máu mủ chia lìa tan tác mấy mươi năm. Số phận con người bị bỏ quên trong trời đất. Nhờ có sự thông minh mưu trí tâm huyết của người thanh tra trẻ tuổi, cùng sự giúp đỡ của nhân dân mà tội trạng nguy hiểm của Hồi Sinh (bị nghi ngờ là chỉ điểm cho địch) được thanh minh một cách tài tình. Sự việc tiếp nối sự việc, chi tiết tiếp nối chi tiết, lời tiếp lời, tất cả rất tài tình, chứng tỏ một sự sắp đặt công phu của tác giả, tạo ra sự hấp dẫn cuốn hút của đời sống.
Việc Phấn không chấp nhận tái hợp với vợ vì lo không đủ sức mưu sinh, lo con cái sau này lại mang dòng giống địa chủ phản động, vả lại anh đã quen sống một mình nay dính vào gia đình nên thấy ngại ngùng thay. Hơn nữa, anh luôn nghĩ vợ mình bị hổ vồ, lấy cái gì làm chứng rằng vợ anh còn sống, lại vào tù ra tội thế này? Nên trong lòng anh cảm thấy ngại ngùng, xa lạ. Vợ chồng họ chia tay nhau vì những bi kịch thầm kín khó hiểu trong lòng, chưa thể giải tỏa ngày một ngày hai, tuy trong lòng còn xúc động yêu thương đằm thắm lắm. Màn vĩ thanh tươi sáng đã hiện ra tuy ngắn ngủi nhưng lộng lẫy dưới bầu trời, với hình ảnh một vầng trăng tươi sáng đầy tự do, hạnh phúc, hy vọng cho một ngày mai. Nhân vật chính, người phụ nữ đáng kính, có bao nhiêu công lao với nước với dân đã được ghi nhận, minh oan, được trả lại tự do, danh dự và cuộc sống. Chị vẫn sống tiếp cuộc đời với đất đai ấy, bầu trời ấy, với dân làng, những kỷ niệm ấy, và với những bệnh nhân tình nghĩa ấy, và cuộc đời chị cũng chảng mấy đổi thay. Nhưng đó chỉ là bề mặt. Cuộc đời một con người, với tất cả thân phận, niềm vui, niềm tin, nền tảng của gia đình, gốc rễ của hạnh phúc, đã bị chặt bỏ từ lâu. Vậy người phụ nữ ấy sẽ sống ra sao trong phần đời con lại? Đọc đến trang cuối tiểu thuyết, mà lòng ta không khỏi ngậm ngùi xót xa cho nhân vật của mình.
Đây là một cuốn tiểu thuyết rất dài hơi, mà tác giả viết say mê bằng hồi ức bằng tưởng tượng. Cuộc đời của Hạnh, của Phấn, của Hữu, của Noọng Biêng, của Chải, Sãi, Phúc, Ngõa… kẻ khôn người dại, kẻ đúng người sai, hòa thành một bản hòa tấu rất đáng yêu và hấp dẫn. Trái đất rất tròn, rồi tất cả mọi ngời hầu như đã gặp lại nhau ở đoạn cuối con đường, như là quy luật bất biến, như là dòng chảy của cuộc đời chung. Đôi lúc tác giả có lẽ vì say sưa quá mà không chú ý đến không gian và thời gian của câu chuyện. Cách xử lý thời gian có lúng túng một chút khi chuyển tiếp giữa quá khứ và hiện tại, giữa không gian cải cách ruộng đất và cuộc sống chiến đấu của nhân dân ta thời chống Mỹ. Không gian bị cô đọng trong một vùng đất nhỏ, mà từ đó tỏa ra tất cả mọi biến cố cuộc đời, nên một số tình tiết khó có thể kiểm chứng và đo lường về độ sát thực so với thực tế cuộc sống. Tác giả cũng hơi sa đà vào chuyện tình yêu của các nhân vật quá. Cô Ngõa dở người mà sao suy nghĩ khôn ngoan mới lạ như một người phụ nữ tiên phong của thời đại mới vậy? Những câu chuyện tình yêu có sự sắp đặt chủ quan, nhiều tưởng tượng, đôi khi ta thấy ánh lên sắc màu không thực. Nhưng ở góc độ tiểu thuyết, nó cũng là thủ pháp dễ hiểu. Nhưng nếu lạm dụng nó quá nhiều, sẽ làm giảm nhẹ giá trị tư tưởng của tác phẩm, thì đó là điều nguy hiểm. Ngôn ngữ tiểu thuyết của ông tuy thế, vẫn còn đôi chỗ rườm rà, ngôn ngữ kể dồn dập còn xen nhiều bình luận, giá như ông tạo được nhiều khoảng lặng cần thiết.
Tôi đã bỏ qua hoặc không chú ý nhiều đến các chi tiết, diễn biến câu chuyện, cũng như cái cuộc sống buồn vui sướng khổ của các nhân vật, mà điều đó là ngồn ngộn trong cuốn tiểu thuyết. Điều tôi đắm đuối theo đuổi là cái tư tưởng của cuốn tiểu thuyết, cũng như cái thân phận của một người yêu nước trong đó rút cục sẽ thế nào. Tôi thấy mọi tư tưởng được tác giả cài cắm rất quyết liệt, gửi gắm trong tác phẩm. Nhưng thiết nghĩ, phải khảo sát đến dòng cuối cùng và phải suy xét rộng ra bên ngoài quá khứ, hiện tại, tương lai nữa, thì tôi mới nói đúng được về nó, nói chính xác cái bản chất tư tưởng của nó. Điều đó cũng không phải dễ dàng đâu. Vả lại, tôi là sinh sau đẻ muộn, có những vấn đề thuộc về quá khứ, về lịch sử tôi có cố gắng cũng không sao hiểu hết. Tôi làm sao mà hiểu về nó được!
Cuối cùng cuốn tiểu thuyết cũng đã khép lại và cuộc đời nhân vật ra sao, hẳn độc giả đã biết. Riêng tôi rất buâng khuâng nuối tiếc. Dường như tác giả đã để tôi quên đi, đắm chìm vào suy nghĩ, đời sống, sinh hoạt của nhân dân, mà quên đi một nỗi đau lớn, là âm hưởng chủ đạo của tiểu thuyết này. Nhưng đằng sau nó là cả một nỗi đau, một sự phủ nhận, sự cô đơn đến cùng cực của một vầng trăng ở giữa bầu trời. Đó là sự cô đơn của nhân vật, sống giữa thời đại, mà không được thời đại vui cùng. Ngút tỏm mươi năm tác giả đã sống giữa lòng dân tộc, ông hiểu và chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của lịch sử, mà cho đến bây giờ ông vẫn cất lên những dòng văn như thế, mới mẻ, kiên cường, là tiếng nói của một thế hệ, một thời đại, không mệt mỏi, không mòn cũ.
Nhưng tôi có bao giờ quên được. Bởi đó chính là điều mà tôi theo đuổi. Cuộc đời nhân vật đã bị bỏ quên dưới bầu trời. Có một thế lực gì ở xa điều khiển cuộc đời nhân vật Hạnh, cứu vớt, chà đạp, giày vò, làm chị không thể thoát nổi, không tự cứu nổi mình. Những cố gắng của chị xét cho cùng chỉ là những bản năng sống hồn nhiên trong mỗi con người mà ai rồi cũng phải có, nhưng quan trọng là niềm tin và hạnh phúc làm người của chị vô hình trung đã bị mất từ lâu. Cái điều chị tin yêu, mong mỏi nhất không bao giờ đến. Nhưng thiết nghĩ, sống được như chị, làm được những kỳ tích lớn lao như chị cũng là tốt rồi. Sinh mạng ở đời này nhiều vô thiên lủng, như rác rưởi bèo bọt nổi trên sông, nên đôi khi bị bỏ quên, bị giày xéo cũng là điều rất đỗi bình thường. Những gì họ đã mất không gì có thể bù đắp nổi. Họ rất mong một tấm lòng tri kỷ, thấu hiểu họ, thương yêu họ. Như vầng trăng xanh muốn sự tri kỷ của mặt trời, đừng để đêm dài giá lạnh.
Đem theo mong muốn đó, đem theo nỗi buồn đó, tác phẩm của Nguyễn Vinh Tú khép lại, dường như vẫn còn mở ra bao suy nghĩ và day dứt. Với tác phẩm này, tác giả Nguyễn Vinh Tú đã xuất sắc là ngời lính cầm bút, lặng lẽ và dũng cảm nói lên tiếng nói của mình, về một thời lịch sử chưa xa. /.