Ở bài “Trở về ấu thơ” mở đầu tập Về núi (nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2008), Lê Mai thao viết: -“Mẹ ơi!/ Dắt con về ngày xưa/ Con như người cuối bể/ Cố với tay về phía đầu nguồn!” và ở bài “Em về núi” cuối cùng tập thơ, Lê Mai Thao lại viết: -“Em về núi đây/ Xếp nỗi nhớ nặng vai gầy/… Ngã vào sương mù/ Phiêu du dọc miền ký ức”! Qua đó, người đọc nhận ra rằng nội hàm xuyên suốt tập thơ là chuỗi dài ký ức của tác giả gắn với một miền quê núi nào đó, nơi người thơ đã từng sinh sống.
Miền quê ấy đi vào tiềm thức, trở thành tâm thức của người con xứ núi. Nó đã như một lẽ thường hằng, một điểm tựa tâm linh giữa cõi đời nhiều xáo động: -“Mẹ ơi!/ Mỗi khi lòng xơ xác/ Con chạy về ngõ nhỏ/ Ngôi nhà ta bên suối đón chờ” (Miền dón đợi); -“Hăm hở vượt bao đèo dốc/ Tìm lại dấu vết ngày xưa…” (Về Tày Măng)…
Miền quê ấy có cảnh sắc tươi nguyên, có gia đình thân thuộc, có bè bạn thân thương, có tuổi thơ ắp đầy kỷ niệm v.v… Nghĩa là có cả một tình yêu lớn khôn nguôi. Tình yêu ấy không những thường trực trong hoài niệm, trong tâm tưởng mà có khi được biểu thị bằng một diễn đạt rất bình thường, thiết thực: -“Em nằm nghe trong lắc rắc cơn mưa/ Thầm mong đêm nay mầm măng mọc/ Mong cho phật thủ ra nhiều ngón/ Cho rau chuôi xanh màu/ Cho sắn thêm chùm/ Cho cải nương thêm ngọt/ Cho mộc nhĩ thêm tai…” (Đêm mưa rừng). Tình yêu ấy còn là lời nhắn gửi, nhắc nhủ những ai lỡ bước xa quê đừng vội quên hương rừng gió núi: -“Về bản đi/ Mùa này hoa sim tím ngắt/ Lên núi tìm cây mâm xôi ngọt/ Hái cho người thương chùm quả đàm tam/ Hãy sục chân xuống lớp đất rùng rình/ Hạt nẩy mầm dưới chân mình đấy…/ Hương đất hương sắn hương ngô hương bếp lửa/ Nhà sàn mình ấm áp” (Về núi)…
Tình yêu ấy còn là sự cảm thông, sẻ chia cùng những phận người lam lũ, thiệt thòi còn khuất lấp sau rẻo cao rừng núi: -“Những số phận bỏ quên nách núi/ Như đám rêu khô/ Nhìn về đâu cũng thấy xám mờ/ … Trên truyền hình tiếng cô phát thanh viên ấm áp/ Con số quỹ giúp người nghèo/ Những con số trên mặt giấy cất tiếng reo/ Nơi nách núi những phận nghèo cúi mặt!” (Những số phận bị bỏ quên). Tình yêu ấy còn là những luyến nhớ kỷ niệm tuổi thơ: -“Con về ấu thơ mẹ ơi!/ Con đường nắng hoa bông trang thơm ngát/ Chiều rải thênh thang/ Trò chơi đồ hàng của trẻ nghèo xóm núi” (Trở về ấu thơ); -“Đã hết trò chơi/ Trăng gác núi rồi/… Lời đồng dao còn mãi của ngày xưa/ Cuộc vui đã tan chỉ còn ánh trăng mờ/ Một nửa phía núi già che khuất” (Trò chơi)…
Gắn bó, yêu thương máu thịt với người và đất quê mình đến thế nên người đọc không lạ gì khi nghe lời trần tình của người con xứ núi mỗi lúc đi xa, nhất là về nơi phồn hoa đô hội: -“Em bước lên xe/ Giấu một tiếng thở dài trong im lặng/ Mắt ngân ngấn nước/ Thế là vời xa, vời xa…/ Đường phố bao đèn màu rực rỡ/ Những ô cửa sổ mở toang/ Lòng em hoang vắng ngỡ ngàng!...” (Dạ khúc). Cảm giác hoang vắng ngỡ ngàng chỉ vì ngưòi miền núi này chưa bắt kịp với cái nhịp điệu phố phường rốc ráp thời hiện đại: -“Cuồn cuộn trong bụi trong gió trong khói xăng/ … Những ánh nhìn qua mắt kính đen/ Những hơi thở qua khẩu trang che mặt/… Tôi nhỏ nhoi bay theo nhịp phố/ Phía sau là vui buồn xưa cũ…” (Cuồn cuộn phố)…
Song song với mảng ký ức núi sâu nặng nghĩa tình, mảng ký ức tự sự của tác giả cũng in một dấu ấn đậm nét trong tập thơ. Này là nỗi niềm đau đáu của người thơ: -“Đừng thao thức nữa trái tim ơi/ Ngủ ngoan nào/ Đừng dằn vặt ta trong bóng tối/… Đừng bắt ta thức cùng đêm/ Đêm như lũ mọt già vô tích sự!” (Trái tim ơi); -“Hãy ở yên một chỗ/ Buồn ơi!/ Đừng cựa mình tách vỏ…” (Phút giây)… Ký ức bao giờ cũng thấp thoáng một bóng hình nào đó của ngày xưa để làm nên những câu thơ đẹp, có sức gợi: -“Em ngồi đợi anh đêm qua mùa/ Nức nẻ hai mươi năm màu cũ…” (Nỗi đợi chờ); -“Có cách nào quên được nhau không/ Khi năm nào heo may cũng hẹn!” (Nỗi nhớ)…
Bao nhiêu luyến thương hoài niệm có khi khiến người thơ như kẻ lạc hồn: -“Nhiều khi thấy mình ngơ ngác/ Vác xe ra đường chả biết đi đâu/ Lạc lõng giữa những ngược xuôi cơm áo/ Chẳng biết rằng mình còn có ước ao!” (Và đôi khi…). Và người thơ tự thú nhận sự bất lực (mà cũng chính là nghị lực sống của mình): -“Em không thể chạy khỏi tiếng gọi mình/ Qua bóng râm/ Qua ngôi nhà cỏ mật/ Chạm tay vào điều sẽ mất/ Để giữ cho mình hơi thở đừng rơi!” (Ngày muộn). Nghị lực ấy là ước ao và tin tưởng sẽ tự làm mới mình hơn, sẽ gặp tốt lành: -“Thôi hãy để ký ức tự đốt mình cháy mãi/ Tận cùng đêm sẽ tới được ban mai” (Tiếng vọng); -“Tập làm những điều ngày xưa trong vắt/ Để thấy mình tinh khiết với ngày mai” (Tập làm mình); -“Dù trái tim này thắt lại/ Em vẫn tin/ Hạnh phúc là những phút giây có thật!” (Hạnh phúc)…
Như bao phụ nữ làm thơ khác, thơ Lê Mai Thao cũng biểu lộ đầy đủ nhũng tâm tư tình cảm xuất phát từ tâm sinh lý giới tính. Này là nỗi nhớ con lúc vắng xa: -“Mẹ dõi về phương bắc/ Trăng sáng lạnh giữa trời/ Hai ngôi sao bé nhỏ/ Ấm lòng mẹ xa xôi” (Viết cho hai con). Này là nỗi niềm thương mẹ: -“Giá như ta sinh ra trước/ Để biết mẹ ta đau…” (Giá như…). Này là nghĩ về cha: -“Cha ngồi trước tấm huân chương/ Năm tháng là con đường chạy ngược!” (Trước tấm huân chương). Này là vọng tưởng người em đã mất: -“Em con là một vầng sáng rất tròn/ Nằm lại nơi triền núi!” (Trở về ấu thơ). Này là nỗi đồng cảm với em dâu: -“Nhà mình có em ấm áp/… Mẹ cha - em ấp lạnh quạt nồng…” (Em dâu). Này là nghĩ về chồng và so đo thân phận: -“Khi người đàn ông văng mình trong thế giới tự do/ Người đàn bà vẫn thân vạc bên rổ rau con chữ/ Vật vã suốt một đời vẫn còn chưa đủ/ Tưởng đã muối rồi lại thêm vị gừng cay!” (Nghĩ về đàn ông hiện đại)… Chỉ ở trong thơ phụ nữ mới có đủ đầy những bóng hình, tình cảm ấy!
Cứ thế, bằng một giọng thơ chân chất, đôn hậu, ít có cao trào hay bứt phá gì mới mẻ, Lê Mai Thao cho người đọc có dịp nghĩ về một miền quê núi vừa đáng yêu vừa đáng thương bởi còn nhiều góc khuất, có dịp suy nghiệm về những lẽ đời ấm lạnh, và nhất là có dịp cảm thông, chia sẻ một tâm tình nhiều ưu tư đắng đót của một hồn thơ nữ.
Viết đến đây, sực nhớ Lê Mai Thao còn có câu thơ thấm đẫm khí vị triết lý nhân sinh: -“ Vĩ đại gì tiếng thở dài đâu?!” (Đổi thay). Câu thơ hay nhưng đã muộn màng rồi, không biết chen vào phần mục nào cho hợp lẽ, thôi thì đành xin lấy nó làm ý kết cho bài cảm nhận. Vâng, vĩ đại gì tiếng thở dài đâu, hỡi người đàn bà luôn đăm đắm trong những phiêu du dọc miền ký ức?! ./.