Bài 2; Năm nay đào lại nở
Ờ, đào lại nở trên đất Paris! Lại một mùa xuân rưng rức hoa đào làm lạnh thêm một người xa xứ. Để ấm lòng, ông Kiệt Tấn hết nhớ em vịt vàng bé xíu lại nhớ đến những người đàn bà mà có lẽ chỉ có ông trên đời này mới nhớ tới họ mà thôi.
Những người đàn bà ấy, một bà lượm lon, một bà bán càrem, một bà bán đậu phộng. Ba người ấy là những “mối tình đầu” theo như cách nói của ông. Mối tình đầu của tuổi học trò! Ông có đùa dai không đấy. Sao không là Diễm để những chiều mưa sao em không lại? Sao không là Ngọ để theo Ngọ về? Sao không là người em xóm học để em ơi “khoóc” đi em? Mà lại là những bà cụ hom hem chít khăn mỏ quạ đi dép Nhựt cũ đến nỗi cao su bè ra, hoặc đội một chiếc nón rách tơi tả, hoặc để đầu trần đi cẳng không, áo trắng rách lưng đã ngã màu vàng xỉn!
Yêu lần đầu mà yêu như thế, bảo sao người ta không bảo ông điên!
Người tình đầu thứ nhất ông gặp ở xóm Hàng Xanh. Mới Tết xong ba bữa đã lại hỏi: thưa ông cho nhà cháu hỏi thăm, còn mấy hôm nữa thì là tết ạ? Còn lâu lắm cụ ạ! Thế hở ông? Thế mà cháu quên mất, làm phiền ông quá. Ông cho nhà cháu xin lỗi.
Những câu nói làm tôi bỗng giật mình. Cụ bà đồng bằng bắc bộ di cư ấy những năm mươi năm trước đây sao ăn nói lễ phép và lịch sự đến như vậy. Chả bù với bây giờ, nào nỡm, nào cút xéo ngay không bà đánh cho nát mặt!
Và cụ lại hỏi: Phiền ông cho nhà cháu hỏi thêm. Ông có biết nhà ông Đa ở lối nào, xin ông chỉ hộ cho nhà cháu! Lịch sự hơn cả Tây, hơn cả Mỹ!
Ông Đa là ông nào, có trời mà biết, nhưng bà cụ lượm lon cứ quanh quẩn ở xóm Hàng Xanh hỏi mãi. Ông Kiệt đoán chừng có thể là người tình cũ lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm, cũng có thể là người chồng đi lạc lúc trốn lên tàu di cư vào Nam. Một cụ bà còm cõi lẩn thẩn đi tìm người xưa cứ tới lui hỏi mãi khiến ông Kiệt đa đoan của chúng ta “yêu” lúc nào không hay. Vì yêu nên thương. Vì thương nên lo. Vì lo nên sợ. Và ông sợ rằng, xe tăng thiết giáp rần rần rộ rộ kéo lê những khẩu đại bác dài ngoằng băng qua xóm Hàng Xanh một ngày nào đó sẽ làm cho cái khăn mỏ quạ, đôi dép Nhựt bổn, mấy cái lon vừa lượm được văng tung toé và trái tim vẫn còn ấp ủ hình bóng người xưa còn đập, nhảy trên mặt đường!
Người tình đầu thứ hai là một bà già bán cà rem lúc tác giả còn học tiểu học. (Yêu sớm quá ông Kiệt nhĩ?). Không như bây giờ, kem đông cứng thơm ngon đựng trong thùng xốp, kem của sáu mươi năm trước xanh đỏ toàn nước đá đụng một tí là vỡ tan, lại giữ trong tẹt mốt làm bằng thuỷ tinh, nên người bán phải nâng niu ôm giữ trong lòng. Bà không thể chạy theo khách hàng là đám học trò nghịch phá như quỷ, không thể cạnh tranh với bọn con trai ma mảnh bày trò đổ xíngầu để vét sạch túi bọn nhỏ. Bà chỉ ngồi một chỗ vẩy vẩy cái chuông bằng đồng bóng loáng, leng keng, leng keng mời mọc như con chó hiền lành chỉ chờ có người ngó là vẩy đuôi ngoắc! Bà già nghèo xấu xí đó không ngờ hiện ra dưới mắt cậu bé Kiệt thân thương đến nỗi cậu thấy đó là má tôi đang ngồi chồm hổm. Gọi má ngon lành, má tôi tay xách bình cà rem, đứng ngó thằng con trai của bà đang xếp hàng đi vào lớp.
Yêu như ông đúng là điên thật, một người điên vô lượng thanh khiết, dẫu tôi có muốn điên cũng đâu có dễ.
Người tình đầu thứ ba là một bà già bán đậu phộng ở bến xe Mỹ Tho. Bà cũng rách rưới, xập xệ nhưng lúc nào cũng sẵn sàng tặng không một nụ cười móm mém cho khách. Cũng như bà bán cà rem, bà không thể nào tranh khách được với các cô gái nhanh nhẹn trẻ trung. Vì vậy bà bán ế. Mà càng ngày càng ế ẩm hơn nữa vì bà buộc phải bán đậu lép. Trời hỡi! Sao khốn cùng tới mức phải đi bán đậu lép! Tác giả kêu lên nghe đứt ruột. Đứt ruột vì một người biết việc bán đậu lép là không lương thiện mà vẫn cứ phải bán. Dù có lí nhí cảm ơn, dù có tặng không bao nhiêu nụ cười thì trong lòng bà vẫn nặng trĩu xấu hổ xót xa. Con trai đi lính chết, con dâu phải tần tảo nuôi con. Hạt chắc cô dâu luộc bán ban ngày, hạt lép để bà lập lờ đánh lận con đen lừa bán trong đêm. Có vậy mới kiếm được chút tiền lời nuôi mình và nuôi cháu! Thế là những người nghèo muốn sống lương thiện cũng khó mà sống được. Cứ phải dối gạt một chút. Một chút nhưng mà cả một đời dài thì dối gạt bao nhiêu?! Cho nên những hạt đậu ấy tan vào miệng ông đắng chát.
Ngồi ở tầng cao Paris bên ly rượu vàng sóng sánh mà ông không nhấm nháp được hương vị nồng nàn của mùa xuân vì ông nhớ ra không chỉ ờ Hàng Xanh, ở sân trường tiểu học Bạc Liêu, ở bến xe Mỹ Tho mà còn ở bến phà Rạch Miễu, Cần Thơ, Vàm Cống…nhiều không đếm hết những bà già quê hương, những bà có làn da nhăn thơm tho mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng đã bơm máu vào rún tôi từ thưở còn trong bụng mẹ. Những bà mẹ Việt Nam không một chút anh hùng, những bà mẹ bình thường của bao nhiêu năm chinh chiến. Vẫn còn đó những mối tình đầu của ông. Vẫn còn đó cho dù thời gian qua mau và cuộc sống quay cuồng khiến chúng ta vô tình hay ơ hờ không thấy.
Ông Kiệt ( không có Trụ ) ơi, đọc xong truyện này tôi thấy mắc cỡ quá. Mắc cỡ vì tôi đã từng gặp bao nhiêu người lượm lon, bán cà rem, bán đậu phộng, bán chuối chiên, cóc ổi xoài như ông mà sao lòng tôi lúc ấy và cả đến bao năm sau vẫn cứ dửng dưng. Tôi không khinh họ nghèo vì tôi có giàu có gì hơn đâu, nhưng tôi lại chỉ động lòng trắc ẩn với những người ăn mặc lành lặn và nói ra ông chớ cười, xinh đẹp một chút, trẻ trung một chút, sẵn sàng lao vào dòng xe cộ như mắc cửi để nhặt cho nàng một chiếc khăn rơi, hay gồng mình làm Lục Vân Tiên trước bọn lục lâm thảo khấu cho dù sau đó ôm đầu máu vì dở hơi trói gà không chặt. Tôi nào dám gọi một bà bán cà rem, bà lượm lon hay bà bán đậu phộng bằng má một cách thực lòng như ông.
Nhiều người khen ông là bồ tát nhưng tôi không nghĩ vậy. Ông yêu họ một cách thực lòng vì cuống rún của ông chưa lìa, vì mùi bùn đất phù sa vẫn chưa rửa sạch ở tim ông dù ông đang sống ở Paris. Sống ở Paris mà lòng ông thì ở Bạc Liêu, ở Việt Nam, còn tôi và chắc cũng có nhiều người khác sống ở Việt Nam mà hồn mộng ở tận Paris hay Nữu Ước! Sống xa quê hương mà ông lại nhớ, lại yêu. Còn tôi sống giữa quê hương mà lại quên lại ghét. Đôi khi ghét quá vì nghèo đói, vì tụt hậu, vì …hàng trăm thứ…!
Có ngứa ngáy cầm bút một đôi khi, tôi mới thấy viết được một truyện như ông viết, nếu có phải lăn ra chết thì cũng thực là sướng. Sướng vì ít ra cũng làm được một việc nhỏ có ích cho mình và cho đời. Mà đọc lại cho kỹ thì thấy ông đâu có viết, ông chỉ trải lòng mình ra, không như trải thảm đỏ ở nhà hàng khách sạn hay các cuộc đón rước phương diện quốc gia quan trên ngó xuống người xa trông vào, mà là trải như lúa rạp mình trên đồng ruộng, như nước phù sa đong đưa vào tận thềm nhà, trải như nghé con goi mẹ như cháu sà vào lòng bà. Tự nhiên phơi hết gan ruột chứ không kỳ khu gọt dũa, không làm văn theo kiểu cách tân.
Ông Kiệt ơi, cảm ơn ông đã cho tôi tìm gặp lại quê hương ngay chính giữa quê hương mình. Tôi cũng như ông, chỉ mỗi một quê hương chiến tranh nghèo đói, nhưng đó là một quê hương thật với những bà mẹ quê hương, mà dù có đi khắp năm châu bốn bể cũng không dễ gì tìm ra được. Ờ, cũng như ông, tôi yêu họ, dù đây là tình cuối chứ không phải tình đầu....