Phút giây
Hãy ở yên một chỗ
Buồn ơi!
Đừng cựa mình tách vỏ
Ta đâu là trẻ nhỏ
Sụt sùi tiếc khi chiếc kẹo rơi
Cũng không là cơn gió
Hoang hoải lang thang cuối chân trời.
Ngày như chiếc lược ngà biếng chải
Nằm im nơi giá gương
Ngắm bức tường
rêu lở.
Đừng hoang vu trong niềm thương mến
Ngày, đêm, yêu dấu với nỗi buồn này
Ta nâng trên tay
Giai điệu ghi ta cuối cùng run rẩy
Khẽ ngân lên một nốt thanh yếu đuối
Rồi quên.
( Trích tập thơ Về Núi – Lê Mai Thao – NXB Hội Nhà Văn Quý III/09 )
Lời bình của Lê Vũ
Nhân gian vốn buồn, buồn đi từ thiên thu cội nguồn, buồn về từng ngõ quê lầm lụi, những góc phố mặt người eo óc . Buồn áo cơm lưng cha cõng nắng, buồn mắt mẹ những chiều biển động, buồn nhân sinh lừa lọc phĩnh phờ, buồn nhân nghĩa thị phi điên đảo…Buồn, như một thuộc tính phận Người, chiếc bóng đeo đẳng của thế nhân. Người họa sĩ thường vẽ nỗi buồn bằng xám xịt tro than, bằng đục ngầu sóng lũ, bằng nhoèn nhoẹt đỏ của bùn đất, bằng màu đen tang chế, còn nhạc sĩ thì ghi giai điệu nỗi buồn bằng chuổi thanh âm “hực hực lựt xựt hậm hực chọ chẹ, tong tóng, lịch kịch”…Chỉ nỗi buồn nhà thơ Lê Mai Thao ( LMT )là đặc biệt, không the thía, không thui đen, nỗi buồn màu cà phê sữa… Đó là nỗi buồn sớm mai dậy mặt trời đỏ chiếc thìa khuấy nhỏ nhẻ và ngậm trên môi chút đắng có vị ngọt.
Hãy nghe Mai Thao vỗ về mơn trớn nỗi buồn mình :
Hãy ở yên một chỗ
Buồn ơi!
Đừng cựa mình tách vỏ
Tôi chợt nhớ F. Sagan và lời chào “ Bonjour Tristesse” ( Buồn ơi Chào mi ). Ừ, là một lời chào, một gọi mời im lặng và MT đã kiến trúc mình trong nỗi lặng im buồn khi thức ngộ : nếu hoa cỏ bốn mùa mọc vào đất vào trời, buồn gieo mầm vào trái tim người rồi chờ ngày cựa mình tách vỏ. Đó là quy luật tất yếu và bất biến. Trịnh Công Sơn cũng từng hát ca yêu dấu với cuộc đời này và chấp nhận “ loanh quanh chi cho đời mỏi mệt ”. Không thể tránh thì đành sống chung, như Miền Trung rồi đồng bằng Nam bộ cũng / cùng sống chung với lũ. Nước hãy khoan dâng tràn, Buồn hãy khoan vội lớn, Mai Thao nói với mình hay với mỗi chúng ta ?
Ta đâu là trẻ nhỏ
Sụt sùi tiếc khi chiếc kẹo rơi
Cũng không là cơn gió
Hoang hoải lang thang cuối chân trời.
Trong thực tế, việc nhận chân ra nỗi buồn và chấp nhận nó để như nhiên tịnh tại thật ra không hề dễ dàng. Đại thi hào Lý Bạch còn phải túy lúy một đời buồn và kêu rêu “ xử thế nhựợc đại mộng” ( cuộc đời giấc mộng lớn) để cuối cùng tự trầm tìm bóng trăng duới đáy sông. Không Lộ thiền sư lại trèo lên núi cao thổ ra “ trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” ( thét lên một tiếng lạnh đất trời ), còn hôm nay giữa ngỗn ngang lem luốc cuộc trần bày biện bao nhiêu phản kháng phản biện rồi máu chảy, nước mắt … Thức ngộ của Mai Thao khởi đi từ một hồi tưởng của tuổi thơ : trẻ nhỏ và chiếc kẹo. Niềm vui và sự mất mát cuối cùng là hai trong một ; không có không mất, không có vui sẽ không cần buồn, không có hợp không tan, không gần thì làm gì có ly biệt. Trẻ nhỏ có thể sụt sùi khóc tiếc nhưng người lớn rồi, chấp nhận thôi . Một lần nữa, MT lại thủ thỉ và tôi nhận ra đây là một quan điểm minh triết rất đời thường, mang màu sắc Đông phương, là dung nạp và cảm hóa để không khóc quá, không đau quá, không vui quá cũng không buồn quá. Chuyện đời, sinh tử biệt ly, thất tình lục dục, nếu cứ ám ảnh ám thị, thế gian này còn chăng là một biển lệ cứ mà vơi đầy. Thôi hãy làm con gió lang thang đi , như nhiên mà sống, thong dong mà tồn tại .
Nỗi buồn của nhân sinh như thế có thiên hình vạn trạng , mang nhiều khuôn mặt dị biệt. Có nỗi buồn thuần vật chất, có nỗi nhọc nhằn tinh thần. Nỗi buồn của người nghèo & nhà giàu cũng không giống nhau và rồi giới tính, trẻ già, nỗi buồn cũng không chung nhất. Ngày xưa, Nguyễn Tất Nhiên, thanh xuân nghèo khó nên đi tìm Tình cũng khốn khó, buồn :
Tình cũng khó theo thời cơm áo khó
Ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần
Và : anh gọi cà phê đen bởi hụt tiền cà phê đá
Vật chất và tinh thần cùng cư trú chung một nỗi buồn. Hôm nay, với cô giáo MT, thì cơm áo không khó mà là tình khó .
Ngày như chiếc lược ngà biếng chải
Nằm im nơi giá gương
Ngắm bức tường
rêu lở.
Nếu người thiếu phụ của Trương Cữu Linh * tư quân như nguyệt mãn / dạ dạ giảm thanh huy thì MT cũng nhớ chàng để lược ngà biếng chải, nhan sắc không soi vào gương mà vào bức tường rêu lở tháng ngày mòn hơi . Đó cũng là tâm trạng của bao nhiêu thơm hương một thời trong “Luân hồi nại hà xứ” của Ngô Văn Tao :
Trà thất ức cố nhân
Xuân lai phong lạc cựu thiên hương
Luân hổi nại hà xứ
( Nhắp chén trà nhớ người thương
Gió xuân rời rụng thơm hương một thời
Nào đâu còn thấy bóng người
Vĩnh Phúc – tạm dịch )
Một chiếc lược, và dòng tóc xây thành nỗi buồn và bức tường rêu lở là tháng ngày băng băng phi trơ mốc nhan sắc. Thật tội tình cái cơn cớ tình nhưng cũng the thắt thấm thía. Nhưng không, MT không khóc, không vật nài, không nỗi loạn, không làm cho con tim máu chảy mà nằm im giá gương vì hiểu ra vần vò chi những bàng hoàng :
Đừng hoang vu trong niềm thương mến
Ngày, đêm, yêu dấu với nỗi buồn này
Ta nâng trên tay
Giai điệu ghi ta cuối cùng run rẩy
Khẽ ngân lên một nốt thanh yếu đuối
Rồi quên.
Thơ khép lại rồi, những giọt gầy guitare dán lên nỗi nhớ, cố bung phá để mà tàn hơi, cố ngân lên rẩy run thanh âm yếu đuối rồi tan mất khoảng hư vô tịch mịch. Đó là định mệnh, cũng là hai cực đối đãi của cõi nhân sinh: có ngày có đêm, có yêu dấu & buồn đau , có ngân lên rồi lịm tắt. Phải chăng “ đừng hoang vu” là lời nhắn gởi của Mai Thao với nhân gian : mở mắt để không đi lạc mê u trong yêu dấu kiệt cùng. Nhân thế là một ma trận đồ, chỉ một nhón chân nhầm lạc thì hận mang mang sầu mang mang .
Thế đó, Phút giây là một khoảng lặng của tâm tư mở ra cả một chân trời quán tưởng minh triết rất dung dị, một bài thơ nhỏ gói lại một ý lực sống đầy vun thâm nghiêm nhuần nhị . Trơng thơ có cả tĩnh mà động ( Đừng cựa mình tách vỏ), có quá khứ hiện tại và tương lai dịch chuyển. Từng cặp hình ảnh : chiếc kẹo & cơn gió, lược ngà & giá gương, bức tường & rêu lở…đi qua ngày & đêm, hôm nay và hôm mai …Thơ cũng từ bóng tối nỗi buồn bước vào vũng sáng ngộ giác, từ khởi động rồi kết thúc, từ nhớ đến quên …Hơn thế, Phút Giây là tâm thức, bóng hình của Mai Thao giữa bao nhiêu biến dịch của một thế giới chuyển mình từng phút giây, giữa một cõi người đầy ắp những ngờ vực đa đoan. Mặc kệ Hiện đại & hậu hiện đại, mặc kệ hoài nghi- như cái nền tảng của cảm thức Hậu hiện đại- Mai Thao có niềm tin của riêng mình, có cả thi pháp thể hiện lối tư duy của mình: rất cổ điển mềm mại mà không cũ trong những hình ảnh, con chữ đã bước đầu mới :
Ngày như chiếc lược ngà biếng chải là một cách diễn đạt nỗi buồn bằng những liên tưởng không mòn sáo. Cả tiết tấu cũng thoát ra đuợc cái nhịp
2-2-3 từ thời Đường Luật đến Thơ mới . Có thể dẫn một đoạn cụ thể, nhịp biến đi trong từng câu thơ theo kịp cảm xúc nội tại :
Ngày như chiếc lược ngà biếng chải ( 1-4-2 )
Nằm im nơi giá gương ( 2-3 )
Ngắm bức tường( 1-2 )
rêu lở. ( 2 )
Tôi đọc Phút Giây trong đêm mưa Cam Ranh, nhắp một ít nỗi buồn Mai Thao trong tách cà phê sữa, nghe tiếng Violon chậm buồn khúc Appassionata của Secret Garden mà những quãng hai đi lên cứ ngờm ngợp như sóng rồi vút lên đầy vun thót vót để kết dính vào đỉnh trời mây trắng và lòng thật bình yên, như thể. Cám ơn Mai Thao đã dành cho một chậu hoa hồng **
Đêm 23/10/09
Ghi chú :
* Nguyên bản bài thơ của Trương Cữu Linh
Tự Quân chi xuất hỹ
Tự quân chi xuất hỹ
Bất phục lý tàn ky.
Tư quân như nguyệt mãn
Dạ dạ giảm quang huy
--------
Từ chàng ra đi
Khung cửi nhện giăng
Nhớ chàng như trăng
Hao gầy thanh sắc
Vĩnh Phúc tạm dịch
** Chữ của Ferlinghetti khi định nghĩa về thơ