Bài 3: Em điên xoả tóc
Bệnh viện Paul Brousse, ngày…
“ Có hai điều tôi sợ nhất trên đời là bệnh tật và cô đơn. Mà rồi bây giờ tôi cô đơn và bệnh tật. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi ở nhà thương điên…”
Đó là những dòng mở đầu cho nhật ký của ông. Và câu chuyện ở nhà thương điên, cho dù là nhà thương điên của Tây có mỹ từ là bệnh viện tâm lý thì cũng như Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng ở Chợ Quán Biên Hoà, có chi mà đáng nói đáng viết. Đúng là không có chi nếu không có cái sự vụ một em tóc vàng sợi nhỏ cũng điên như ông!
Khoan nói về nhà thương điên của Tây, hãy nói về nhà thương điên của ta trước đã. Hồi học trung học, một anh chàng si tình phát điên bị nhốt trong phòng có song sắt, hắn ta miệng nói làm xàm không ngớt và leo trèo lòng vòng như khỉ phát chóng mặt. Bận khác đi thăm con nhỏ cháu tôi ở Chợ Quán. Nó bị nhốt chung với rất nhiều người điên, nhà giam giống như chuồng nhốt súc vật ở sở thú. Mùi hôi hám nhớp nhúa hực ra tanh thúi không thể tả. Nó đứng vịn song sắt khóc ròng đòi về..Bỗng có một mụ dơ dáy quần áo rách bươm tới nắm tóc nó kéo đi, tru tréo sao nó giết con mụ ta…
Bị đưa vào một nơi như thế ai mà không sợ. Nhà thương điên ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng giống như một cái ruột thừa. Xã hôi tộng vào đó những kẻ không chịu ăn như họ, nói như họ, ngủ nghê và làm tình như họ. Tộng vào đó cho khuất mắt chứ chữa chạy được gì. Những người được coi là hết bệnh chẳng qua là sợ quá nên chẳng dám điên nữa vậy thôi. Ông Kiệt bị đưa vào đó, tuy ở Tây sạch sẽ hơn, văn minh hơn, nhưng là vẫn phải sống chung với bọn người mà xã hội nôn mửa không muốn nhìn mặt. Với một người nhiều xúc cảm như ông thì nơi ấy chính là địa ngục. Vậy mà rồi sau một giấc ngủ đầu tiên ở bệnh viện đen ngòm như chén chí-bá phù, thức dậy ông lại thấy trời xanh nắng ấm, thấy chim chóc cây cỏ bên ngoài cửa kính vẫn đẹp vẫn đáng yêu, ấy là bỡi thấp thoáng bên ông có một mái tóc dài. Mái tóc thần tiên gợi nhớ những cô em trên Cửu Long giang, trên những đường phố Sài Gòn Gia Định.
Nàng đẹp, phải công nhận nàng đẹp, nhưng đẹp đâu phải là một lý do để nổi điên, ông nói. Điên phải có lý do chính đáng chứ. Như ông là vì mất ngủ đến tám tháng, vì thất nghiệp, vì khổ đau xấu hổ phải để vợ đi làm ở nhà hàng có ông chủ hay bốc hốt ẩu tả, vì cuộc chiến vừa qua làm bạn bè đứa chết, đứa cụt tay cụt chân, đứa đi cải tạo và những thứ triết lý con tiều làm ông mệt óc. Hay như anh chàng tây sún răng bị vợ bỏ theo người đàn ông khác, hay như mấy ả đứng đường cũng biết yêu rồi thất tình hoá điên. Còn nàng tóc nhỏ mà dài như thế, gót chân hồng như thế, ăn mặc trang nhã và tinh tươm như thế sao lại vào đây? Ông cũng như tôi cứ tưởng điên là phải xấu, phải dơ, phải ăn nói quàng xiên, múa may nhảy nhót bậy bạ, chứ đâu có mà ngồi yên một chỗ với cái nhìn xa vắng như theo đuổi một hình bóng xa xăm ở cõi trời nào.
Đầu tiên ông tưởng nàng là một y tá của bệnh viện để mơ mòng đợi nàng nghiêng mái tóc xuống mặt mình mà nhớ tới tàng cây vú sữa rì rào trong nắng trưa, với những trái tròn căng như vú có sữa trắng, leo lên cây không để hái trái mà để ngắm trộm nàng có lông tơ trên cánh tay, chị nàng có nước da trắng trẻo…Cái máu mê gái đến thành bệnh của ông trong nhà thương điên này không có chi là bậy bạ, mê một mái tóc dài thì có chết thằng tây đen nào đâu. Cho nên ta thấy ông không sàm sỡ, trái lại đàng hoàng rất mực nếu không muốn nói là hơi cả ngố. Tôi thò tay đặt lên giường nàng trái táo, như lén lút rồi vội vã trở về phòng mình đóng cửa lại, tim đập mạnh.Không phải ông tán tỉnh đâu, ông thương nàng quá đấy thôi, thương đứt ruột là bỡi một người đẹp có mái tóc yêu kiều thướt tha như em sao lại nỡ nổi điên?
Dần dà rồi ông cũng làm quen được nàng. Khi trái táo, khi ly sữa, khi cây cà rem. Cái cảnh ông và nàng ngồi trên ghế gỗ bên đường mút cà rem là cảnh mà tôi thấy dễ thương nhứt, ngây thơ nhứt mà cũng tình tứ nhứt của những người điên yêu nhau mà không hề biết. Rồi đó nàng tỉ tê kể cho ông nghe chuyện mình. Nàng trước đây cũng là một y tá, nhưng ba mẹ kình cãi nhau miết khiến nàng phải dùng dao cắt đứt gân tay. Người ta sợ nàng hoá điên nên phải đưa vào đây.Thực ra là nên đưa mẹ nàng vì bà ghen với nàng, cứ ám ảnh chồng mình đã ngủ với con gái! Cơ sự như thế đúng là đâu cái điền!
Không ai cạy miệng cho nàng nói mà ông làm được. Rồi nàng rủ ông đi học vẽ, ông rủ nàng đi chơi phố, hứa dẫn nàng xuống Paris xem xi nê. Nghĩa là hai người đang hết điên mà chẳng phải nhờ đến bác sĩ hay thuốc men gì ráo trọi. Vậy mà bọn người duy kiến thức ấy lại định đưa nàng đi nơi khác để chạy điện! Tôi bủn rủn. Người ta sẽ tra hai cực điện lên màng tang Evelyne và phóng điện vào óc nàng, tóc nàng cháy khét lẹt. Làm sao chịu nổi! Còn nàng: đôi mắt van lơn, anh, em không muốn đi! Nhưng cuối cùng họ vẫn phải xa nhau để giờ này anh ngồi trên băng đá, nước mắt lưng tròng. Em ơi, em ở đâu, em đã bớt điên chưa hay có còn sống sót?!
Cái thế giới người tỉnh với những Hitler, Mỹ, Nga, với bom nguyên tử, với những chủ thuyết truy bức con người đến tận cùng, với Thượng đế do họ dựng nên để rồi quỳ lạy cầu xin, cái thế giới ngu si loảng xoảng tiếng xích sắt ấy quả thực là chẳng ai hiểu được người điên, chẳng ai giải cứu được họ ngoài chính họ. Những người tỉnh chỉ làm cho họ điên hơn nếu không muốn nói là giết họ từng ngày. Evelyne ơi, ngày nào em rời khỏi bệnh viện, ngày nào anh rời khỏi bệnh viện, ngày nào anh và em hết khật khùng, anh hứa sẽ mua cho em cây cà rem và dắt em đi coi hát bóng. Sẽ không coi phim thằng khùng ăn cắp con gà đồng, mà sẽ coi phim thằng con người gỗ…Với những người duy ý chí, duy kỷ luật, duy máy móc…thì ngày đó xa, xa quá, ngày mà ông mơ em sẽ không bao giờ lớn thêm, anh sẽ không bao giờ trưởng thành, hai đứa mình không ai lớn lên hết, ngày của thiên đường vì màu thời gian thanh thanh của tuổi thơ như ngừng lại nên xanh hơn bao giờ, ngày đó không bao giờ gặp lại nữa.
Bên cạnh một gã ồn ào huênh hoang lý thuyết này nọ, một gã râu rậm gãy mất hai răng cửa vì phải dùng cây cạy răng để đổ thuốc vào mồm, một ả đứng đường vào nhà thương điên mà vẫn không bớt đi cái thói õng à õng ẹo,thì Evelyne buồn và nghiêm trang như Đức mẹ Maria, thuần hậu như gái Miền Nam, u uẩn như Trương Quỳnh Như có làm cho Kiệt Tấn tương tư cũng không có gì lạ. Không ngờ ở cái xứ có nhiều người em xóm học, nhiều giai nhân nằm phơi loã thể như ở Paris lại có một Evelyne bí ẩn, tội nghiệp đến như vậy.
Viết về tình yêu rất dễ vì một người cầm bút ai chẳng có ít nhiều tình yêu nếu không muốn nói là quá dư thừa, nhưng viết cho người khác (chứ không phải cho mình) đọc mà phải ngẩn ngơ, rồi muốn rồi thèm được nhốt vào nhà thương điên như Kiệt Tấn là không phải dễ. Một mối tình bàng bạc hồn nhiên của tuổi ấu thơ giữa hai người điên sao mà tinh khiết và thơm tho đến như vậy.
Nguyễn Mộng Giác trong bài tựa nói Kiệt Tấn đã sống hết mình và viết hết mình, khi sự chân thành đã đền độ giống như sự khoả thân trước cuộc đời cọng với tài ba ắt phải thành nghệ thuật. Liệu có muốn đưa Kiệt Tấn lên ngồi cùng chỗ với các nhà văn Tây phương hay Nhựt Bản? Liệu vinh danh hay ô danh? Trong những truyện tôi vừa mới nêu tên và cả tập truyện gần hai mươi truyện của nhà xuất bản văn hoá Sài Gòn, tôi chẳng thấy ông sống hết mình đâu hết mà chỉ thấy ông thương hết mình, thương lai láng, thương con vịt vàng chết oan, thương bà lượm lon, bà bán cà rem, bán đậu phụng lép, thương một em tây bị mẹ ghen là ngủ với cha mình. Nếu bảo tác giả sống hết mình thì chắc ông đã hãm nàng rồi vì xem những tranh ảnh và sách khiêu dâm ai đó để trong nhà thương ông đã lại thấy cương cứng lên rồi khiến ông mừng rơn vì thấy mình đang khỏi bệnh. Còn bảo viết hết mình thì cũng chưa vì một nhà văn thực sự là người chưa viết được hết những gì muốn viết. Vả lại cũng không nên viết hết mình vì còn để cho người đọc viết thêm bằng những xúc cảm của họ. Như truyện này, có chết thằng tây đen nào đâu mà ông không dám viết hôn nàng một cái dù ông rất muốn! Vây mà ông không chịu hạ bút, ông để cho chính mình và người đọc thèm chơi. Đó chính mới là nghệ thuật, một nghệ thuật vừa che dấu vừa khơi gợi.
Kiệt Tấn là ai vật cà? Xin thưa là một Việt kiều yêu nước thầm lặng, một nhà thơ trước 75 có trình làng tập Tình yêu và trái phá, bẵng đi mấy chục năm không viết, mới viết lại như chơi, viết cho đỡ nhớ nhà và mới đây nhờ bạn là Thân Trọng Minh in ở Sài Gòn để gọi là chữ thương còn một chút này, xin cầm cho vững đừng dày cho tan! Còn tôi là ai? Là đồng niên, chứ không phải đồng hương hay đồng song đồng chí gì ráo. Thấy thương ông và thương mình cũng nổi máu điên viết chơi mà viết trộm chứ ông cũng đâu có biết tôi là ai. Đọc ông tôi chẳng thấy chỗ nào hơi thở rướn cong cả,chỉ thấy hồn mình trở nên mênh mông bát ngát, thấy mình thơ trẻ trở lại, thấy ông đi cùng trời cuối đất mà vẫn rất gần trong khi quanh đây có biết bao nhiêu người ngồi nói đứng cười sát bên cạnh mà vẫn cứ thấy xa cách nghìn trùng. Ông là một người tự trọng nên muốn khen cũng không dám khen. Tôi chỉ muốn nói,viết được như ông thì quả là không uổng mấy mươi năm đất khách quê người. Phải cảm ơn sự hắt hủi chia lìa vì nếu còn sống ở Bạc Liêu tức là sống giữa ruột rà quê hương chắc gì ông đã viết được hay đến nỗi muốn khóc.
Ở trong còn lắm điều hay, xin mượn câu thơ Kiều để được nói thêm rằng ngoài câu chuyện tình bảng lảng như sương như khói, còn có cả những chiêm nghiệm trầm tư của một người mất ngủ vì nhớ nước thương nhà, những giải đáp rất gàn rất điên nhưng rất đúng cho những tra vấn hiện hữu hay không hiện hữu, sống chết ra răng…còn có Tây mà cũng thế a? khi thấy gã bị vợ bỏ lấm lét chỉa quần lót trong cửa hàng, nghĩa là một góc xã hội Tây phương già cỗi huênh hoang được tác giả thu nhỏ lồng bên cạnh mái tóc dài đà đuột phương đông.
Viết đến đây tôi lại nhớ tới những nụ cười được tặng không của các bà già quê hương, xin cũng được quảng cáo không công cho tác giả rằng, ngoài ba truyện tôi vừa đọc trên ây còn rất nhiều truyện tràn ngập chất thơ với một văn phong rất riêng của Kiệt Tấn, nếu không muốn nói sợ tác giả mắc cỡ rằng khi đọc ông một đôi lúc tưởng chừng đang đọc Bồ Tùng Linh./.