Vắt. Vắt. Họ...ọ... Thân em ví tựa hoa nhài. Thơm mùi cá chép lại lai cá mè è... Hé hé hé...
- Tiên sư bố thằng Bốp già... Ả bán cá tru lên. Đồ chó đẻ...ẻ.e...
Giai điệu quen thuộc ấy được tấu giữa lão đánh xe bò và ả Hỷ bán cá như để đón chào bình minh của thị trấn.
Vác bộ mặt xưng xỉa, ả Hỷ lầu bầu vào chợ. Cũng như mọi ngày, chuỗi cười của lão đánh xe đuổi theo bỡn cợt, hòa lẫn với bụi đường đỏ quạch đẩy dúi lão cùng với cỗ xe khấp khiểng.
Nhà tôi ở cạnh chợ, ngăn xép của tôi chiếm ưu thế như một pháo đài. Sáng sáng, khi giai điệu “Bốp Hỷ” cất lên, tôi choàng dậy đi học.
Giai điệu thường nhật chợt tắt.
Một sáng!
Hai sáng!
Rồi...
Dân thị trấn ngóng ra đường.
Lão Bốp ngơ ngác đánh xe.
Lũ trẻ đi học muộn liên tục.
Người ta xì xào, ả Hỷ cảm nặng. Khổ cho cái thân cô đơn của ả.
Nhà ả, đúng hơn là cái ổ của ả được đặt trên bè cá lồng nối vào bờ bằng tấm ván trôi bập bềnh trên sông. Nước to thì dâng lên, nước nhỏ thì hạ xuống, long đong, tạm bợ như đời ả. Nằm mểu dải giữa đống chăn chiếu bùng nhùng như một con chó ốm, hoang mang đẩy ả vào vũng lầy của quá vãng.
Quê ả là vùng sông nước êm đềm, bốn mùa tre rủ bóng. Ả quanh năm tất bật vất vả nhưng vẫn mơn mởn, tràn trề. Một ngày ả ốm, mẹ ả tất bật tìm thuốc mời thầy, lũ em cùng cha khác mẹ xịu mặt vì phải làm nhiều việc hơn. Ả nằm vật vã, xộc xệch.
- Hỷ à?
Lão bố dượng tới bên ả. Bỗng lão ngây mặt, cặp vú căng đầy ẩn hiện sau khoảng hở chật hẹp của nút khuy áo cù vào mắt lão. Cổ họng lão như có lửa đốt, lão chồm lên, đè đứa con riêng của vợ trong tiếng ú ớ quằn quại.
Uất hận và căm thù đã khiến ả cắm một lưỡi dao vào lưng lão rồi vượt sông đêm đang mùa con nước.
Trong cái đêm của cái ngày khốn nạn ấy, con sông cứ chực nuốt lấy ả. Ả ngoi ngóp, chới với bám vào mạn sà lan rồi lịm dần. Chợt tỉnh. Có bóng người nằm đè lên, tiếng thở hồng hộc, phía dưới đau rát, tê điếng. Ả ngất đi.
Một bà lão nhặt được ả thoi thóp ở bến sông.
Từ đó thị trấn xuất hiện một người đàn bà sẵn sàng chửi đàn ông với niềm say sưa hiếm có.
- Hỷ à! Tiếng gọi ồ ồ lay ả. Ả chợt giật mình, nặng nề nâng mi mắt, bóng người đàn ông đứng ngược sáng thành khoảng đen đúa, lừng lững uy hiếp căn lều ảm đạm. Đâu đó từ sâu thẳm, căm hờn bật vùng dậy, lòng ả sôi lên, phóng chụp ánh mắt long sòng sọc, câm lặng. Lão Bốp lúng búng, vụng về đặt dăm cái trứng lên mặt chõng, lật đật chui khỏi lều.
Lão thấy tức ghê gớm.
- Khốn nạn! Lão chợt gằn lên, vung chân đá vào cột mốc bên đường. Cột mốc không đau mà lão thấy đau, mà không hẳn chỉ là đau...
Từ dạo sông nước cướp đi vợ và ba đứa con trong chuyến chở đá cuối cùng vào đêm giao thừa, lão muốn chết mà người ta cứ cứu lão, lão đành lay lắt bên lề đời với chiếc xe bò nay đầu đường, mai xó chợ. Phải rồi, lão tức, ngày thường lão hay ghẹo ả giải khuây, nhưng mấy bữa nay lão đi làm qua cổng chợ, cứ thấy thiếu thiếu. Rượu đây rồi, thuốc đây rồi và cả cái xe bò, gia tài di động cũng bên lão. Vậy thì thiếu cái gì nhỉ, lão nghĩ, nghĩ mãi, cuối cùng thì lão cũng nghĩ ra là thiếu “Máy chửi”. Người ta bảo ả Hỷ ốm. Thảo nào, lão nghĩ đến dạo lão ốm, chợt chạnh lòng, thân lão cũng khốn nạn như đời ả. Thế mà khi lão đến... Mẹ kiếp, lão nhổ toẹt cục đờm đang ứ lên, lão lầm lũi bước, thây kệ cho gió sông quất mạnh và tha hồ vặn vẹo lão đến méo mó, tơi tả như con bù nhìn canh dưa.
Sau cơn giận dữ, ả Hỷ ngồi rất lâu, mắt đẫn đờ nhìn khoảng sáng chập chờn. Cứ thế, ả lẩn thẩn, nghĩ miên man rồi thấy chán. Chán cho ả, chán cuộc đời và cũng chán luôn cho lão Bốp. Bất giác ả thấy cô đơn quá, căn lều vốn trống trải lại càng cô quạng hơn. Có tiếng úc... oác mơ hồ của loài chim ăn đêm lẩn quất trong tiếng gió hú, ả ớn lạnh, mắt ướt nhoà. Ô hay! Chẳng lẽ ả lại khóc? Mà ả khóc thật, khóc tấm tức, khóc to dần, khóc to mãi, vỡ oà, hòa lẫn với gió sông thổi u u qua kèo nhà rồi vẳng lại nhại ả, cứ khào khào như không phải tiếng người...
Tôi nhận được giấy báo nhập trường đại học trên thành phố. Sáng sớm, khi mẹ còn tíu tít chuẩn bị hành lý, tôi mở tung cửa sổ ngăn xép để nhìn tạm biệt tất cả. Thị trấn bình lặng trong sương. Tiếng lão Bốp oặt oẹ. Con bò bước nhịp nhẫn nại. Kia rồi!!! Ả Hỷ quẩy gánh cá tới... Tôi hồi hộp... chờ đón giai điệu quen thuộc. Nhưng không... Cả ả lẫn lão đứng trân trân như ma làm. Ả Hỷ quay mặt đi thật nhanh, lướt vào cổng chợ. Lão Bốp tếch nghếch đứng nhìn theo.../.