Tôi cứ thấy nao nao khi nhìn màu hoa đó. Trải khắp cả một chiều dài trên một trăm cây số, từ khi xe men theo bờ sông Đà, sông Hồng rồi ngược sông Thao, tôi cứ bâng khuâng buồn nhìn cái màu hoa đó.
Đang mùa hoa nở. Mầu tím nhàn nhạt nở từng chùm trên cây như chiếc áo hoa phai mầu của người thiếu nữ nghèo, cứ gắn với tôi suốt hành trình lên căn cứ của nghĩa quân Cần Vương. Hoa cũng màu tím, nhưng không đậm như màu tím của hoa muống, hoa sim, dù các loài hoa này cũng dân dã và gắn bó với mọi vùng làng quê. Hoa sim, hoa mua có điều gì như đã gắn với tình yêu của người thiếu nữ, vì vậy nhìn hoa, thấy cái hé mở của hi vọng, của tương lai và cả sự ấm áp nữa. Loài hoa này nhỏ nhoi, mềm nhẹ, thả trong lòng bàn tay, cứ như không và lâng lâng như làn gió man mác ngoài kia đang buông màn sương phủ mặt sông buổi sớm. Bởi nhỏ nhoi và dịu nhẹ, khiến người ta nghĩ đến sự yếu ớt, mong manh, có cả chút gì đó thoang thoảng như hơi thở, chỉ cần một cơn gió rung thôi, một cơn gió nhẹ thôi, vô số những cánh hoa đã rơi và bay lả tả xuống gốc cây, loang khắp dải đất làng ẩm nước ngày nồm và đậm phù sa bên sông. Đó là hoa xoan.
Bên sông xa kia, thấp thoáng những mái nhà tranh đôi khi còn sót lại, dù ta đang sống trong thế kỷ hai mốt, mùa xuân này vẫn còn lưu lại đâu đó cái nét xưa quê nghèo, khiến lòng tôi cứ vướng vướng cái ẩm ướt và cái màu nhàn nhạt đeo bám của màu tím hoa xoan.
Chợt bồi hồi nhớ tuổi thơ ngày nào. Với một túi những quả xoan làm đạn, một cái ống phốc từ các gióng tre làm súng, chúng tôi những đứa trẻ quê, chơi trò đánh trận. Những tiếng nổ của ống phốc và đạn xoan làm chúng tôi say mê. Cây tre và cây xoan đã gắn bó tuổi thơ của chúng tôi. Còn nữa, sau này khi chúng tôi lớn lên, mùa xuân là mùa hoa xoan nở. Đẹp và mộng làm sao khi ngắm hoa xoan bay trong một chiều mưa phùn. Tất cả không gian như nhẹ đi, êm ả và thổn thức. Cánh hoa cũng nhẹ, hạt mưa phùn mùa xuân cũng nhẹ, hơi thở những đôi nam nữ đi bên nhau cũng nhẹ. Mỗi khi màn đêm buông, hương hoa xoan thầm kín mới tỏa hương dìu dịu. Tình yêu lũ chúng tôi cũng bắt đầu với những bông hoa xoan nhẹ bay vương trên mái tóc người yêu. Cô gái đứng im cho chàng trai khẽ gỡ một bông hoa xoan trên mái tóc, cử chỉ đó của người con trai, sự im lặng của người con gái là lời tỏ tình không cần nói. Họ đã “phải lòng” nhau.
Nước ta có cây tre, cây tre tượng trưng cho cả dân tộc Việt Nam. “Tre xanh/ xanh tự bao giờ/chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ mà sao nên luỹ nên thành tre ơi...(*)” Thấy tre là như thấy sự dẻo dai, nhẫn nại và quả cảm của người dân Việt Nam, là như thấy sự ấm áp gắn bó của lũy tre với làng quê. Làng quê đất Việt không thể không có tre.
Ngoài tre, có thể còn nhiều loại cây khác gắn bó với người dân Việt Nam trong đời sống, cây xoan là một trong những cây đó. Suốt dải đồng bằng Bắc Bộ và trung du, cây xoan mọc ở khắp nơi, tưởng như hoang dại mà lại được thuần hóa, có mặt ở khắp mọi nhà. Cây xoan giống như đứa trẻ nghèo, gầy guộc khẳng khiu, ăn củ khoai, củ sắn của làng quê, uống nước dòng sông quê, lớn lên trong cái nghèo của bố mẹ và làng quê, sau này có vất vào nơi nào cũng sống được. Nó tồn tại và phát triển được vì nó vốn dạn dày từ nhỏ.
Hôm nay trời ẩm, cái ẩm ướt át, nhấm nhắc làm ta nhớ đến cái sự giăng díu giữa mưa phùn và hoa xoan ngày xưa, sương giăng mờ trên sông tạo nên cái đẹp của sự mờ ảo. Xoan mọc dọc bãi phù sa màu mỡ của đôi bờ sông Thao, được trồng bên các góc sân, các bãi trống, dọc đường ngang ngõ tắt và có thể nói là bất kì chỗ nào, không thành hàng lối cũng không thành rừng, do vậy mà tôi có cảm tưởng xoan là loài cây hoang dã. Thi thoảng một cây cao vút, đường kính thân cây phải cỡ ba mươi phân, tuổi cây phải đến năm bảy tuổi. Loại này làm cột nhà thì tuyệt. Tuy vậy, đa phần vẫn là những cây nhỏ, gầy. Tôi vẫn luôn cảm thấy áy náy bởi cái gầy guộc của xoan, cái gầy guộc bươn chải, lặn lội của một kiếp người. Những cành vươn cao vươn xa cứ lộ ra cái khẳng khiu, cái dầu dãi mưa gió thế nào ấy.
Cây xoan gắn bó với làng quê Việt không khác mấy cây tre. Chưa xa ngày nào, nhà ngói ba gian, gỗ xoan vẫn là mơ ước của ông bà ta. Bởi chưng cây xoan mọc khắp mọi nơi, thân thẳng, gỗ đắng không mối mọt nào ăn được. Đã bao đêm tôi được ngủ trong căn nhà làm bằng gỗ xoan. Nhà làm bằng gỗ xoan sáng về ban ngày và mát về ban đêm. Những cái cây nho nhỏ với chùm quả lúc lỉu giăng đầy cành cây đó đã đi vào kí ức của tôi suốt quãng thời thơ ấu.
Tôi như lặng im suốt quãng đường dài, trong đầu chỉ mải nghĩ về xoan. Xe cứ vun vút trên đường quốc lộ 32, rồi 22. Vẫn một màu chủ đạo là màu tím nhạt phong phanh dầu dãi của hoa xoan, vẫn là khung cảnh mờ nhạt do khí ẩm thời tiết vào nồm, tựa như màn sương mỏng bảng lảng và, vẫn ám ảnh trong tôi cái áo đã phai mầu vì năm tháng và vì sương gió. Màu đó nói lên cái nghèo. Cái nghèo vẫn là chủ đạo ở làng quê mình.
Xa ngoài kia, phía cánh đồng, vài bóng áo nâu đang còng lưng, gập người xuống đất , tôi nhận ra, những bóng áo nâu đó đang làm cỏ. Hình như trong cuộc đấu tranh sinh tồn, để mưu sinh, phương thức canh tác của người nông dân nước ta chưa mấy thay đổi. Vẫn cái cảnh ‘‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’’ của các chị các mẹ. Vâng, trong suốt cả hành trình, tôi đã nghĩ về cây xoan và những thứ vật liệu khác mà người ta đang tìm cách thay nó. Trong tôi có một điều tiêng tiếc, trắc ẩn về một cái gì đó xa xưa không còn. Không hiểu làng quê nơi đây với nhấp nhô cao thấp của tháp tròn, tháp vuông đua đòi, với những mảng màu xi măng xám xịt hay vôi ve loè loẹt kệch cỡm, với những mái bằng bê tông nặng nề và mái đua vung vẩy kia, có còn chứa trong nó gian nhà ba gian cột kèo đều là xoan trắng, xoan đào; rui mè là những tre, những vầu của làng quê, như cốt cách con người làng quê, bền bỉ, chịu thương, chịu khó nữa không ? Đâu còn những cánh cửa luôn rộng mở đón gió sông Thao, đâu còn hàng giậu mồng tơi hay hàng dứa dại ngăn chia hai nhà, đâu còn khói lam bồng bềnh trên mái rạ chiều chiều, đâu còn, đâu còn... nhiều điều lắm, nhiều thứ lắm, những thứ mà tôi cứ phân vân, luyến tiếc. Ừ, giá mà những thứ đó tồn tại đến hôm nay thì cuộc sống chúng ta sẽ như thế nào? Con người chúng ta sẽ như thế nào?
Tôi đang níu kéo lại cái ngày xưa? Không, tôi chỉ muốn giữ cái hồn ngày xưa trong không gian làng quê đầm ấm với cái tình người dân quê giản dị, thật thà chất phác như cây xoan của quê nghèo mà thôi!./.
*Tre xanh – Thơ Nguyễn Duy
14-3-09