Lãng tử ơi! lần đầu tiên em bắt gặp lãng tử không thang lang trên mặt đất với đôi mắt nheo ưu sầu hóm hỉnh, nụ cười đau khinh bạc trên môi, để nhân gian hỏi đến là anh đùa, như thể đối với anh không có gì quan trọng, như thế ý nghĩ đầu tiên truyền xuống Chữ là ý kết bài thơ:
”vòng tròn là chung cuộc”
Lãng tử trong bài ca Thu này buồn lắm, khi ”vòm trời lạnh dần”, anh đã theo”đàn ngỗng cuối ra đi”…
Em có cảm giác, anh như một thủy thủ lênh đênh theo con tàu trên biển, không biết ngày cặp bến, chẳng mặt đất bên cạnh, quanh anh chỉ mỗi vòm trời và mặt sóng cuồn cuộn bao la…
Vậy mà lãng tử đổ bệnh, cơn bệnh đau đớn đất liền:
“trời đất đột nhiên nhuốm bệnh thu
bỗng đâu lây cho tôi
đêm đêm hôn mê
ngày ngày trầm cảm
chứng nan y
vô phương điều trị
chỉ còn cách nuôi bệnh dằng dai
bằng những cơn say
cộng thêm mấy câu hỏi siêu hình không lời giải”
“quẩn quanh vòm trời phế tích
mây xám với tôi không nhà
lưỡi lá vàng
môi cỏ úa
mưa dầm mộng dột
hỡi chim !”
Một linh hồn phiêu dạt quá xa so với nỗi chôn chân gắn liền mặt đất.
Lãng tử ơi, cùng em mắc bệnh hoang tưởng linh hồn rồi, bệnh muôn đời của thi hứng sáng tạo, ẩn trong hình hài tỉnh bơ sống qua ngày lãng đãng, ẩn trong giọng thơ tưởng ngạo mạn thực ra đầy âu yếm, tưởng kẻ thản nhiên mà thực giá buốt tâm can…
” ôm tim óc trống
tôi chạy tìm hàng quán
nốc bia đắng rượu chát
rình xem thi hứng dan díu
với mấy vỉa hè mắc cạn”
Lãng tử vội vàng quay về thực tại tìm giải thoát, nhưng anh cũng chỉ”rình” mới “dan díu” được với thực tại thôi anh ơi!
Em mê cái động từ”rình” của anh lắm!
trong cơn :”Một mình mình lại thương mình xót xa”(Nguyễn Du) lãng tử lập tức chui ngay vào cái bảo bối riễu cợt, chống lại nỗi bất thường tâm sự, thường xuyên ẩn nấp trong anh.
Quả là một chứng minh hùng hồn của sự sống bất diệt vũ trụ: lãng tử lúc nào cũng sẵn lòng biến thành tâm sự Mùa của đất trời, em chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, thắp sáng trong trái tim thi sĩ là ngọn lửa bập bùng của sự sống thiêng thiên nhiên mà, cố nhân đã từng viết.
Nhưng Chân Phương cô độc:
vầng trăng đầu đường xó chợ
đã chán ngấy lộ trình quen thuộc
và ngọn gió bơ vơ giữa phố
chỉ là cánh tay dài thiếu ngón
chai rượu cuối đời
độc ẩm
thánh thần quay bóng biệt tăm
Chân Phương suy tưởng miên man không dứt:
“chim hồng chim hộc bay đi
còn lại giữa khung trời
các nứt rạn vô phương vá víu
gió giông rên rỉ tiếng kinh cầu
trùng điệp sồi phong mê thiếp
hằng hà rụng
bất tận rơi
những mảnh vụn phật tính
có kẻ lầm lũi trên đường
bất chợt ngước nhìn”
Anh Chân Phương có biết hoang tưởng linh hồn giúp con người chống chọi với thời khắc thay Mùa của thiên nhiên như thế nào không?
Lúc mình đếm lá rơi:
“lê bóng cũ qua các chân trời
lặp đi lặp lại câu kinh
lá vàng
lá úa”
là lúc mình chờ đợi đêm đi qua, bình minh tới mang tia nắng đầu tiên yếu ớt xanh xao sưởi ấm, mang hy vọng sống sót thoi thóp cuối cùng của Thu sắp vượt Đông, hẹn ngày gặp lại gió Xuân bừng tỉnh.
Mình cứ hoang tưởng linh hồn đặt câu vẽ chữ, để khắc lên bức tranh siêu hình năm tháng những khát khao Người đấy anh!
Những lời an ủi của em là gió để lãng tử:
“phóng xe lên cầu vồng
tôi bấm vang hồi còi báo động”
và:
“tưởng tượng một kiếp sau
mua vé phi thuyền lên thăm nguyệt cầu
đào cái hố thật sâu
chôn hết u sầu”
Lãng tử ơi chữ của anh đẹp lắm: những hình ảnh ẩn dụ day dứt, cả bài thơ buồn như đóa hoa rũ cánh hứng chịu mưa dầm, như gió liêu xiêu mang ký ức bay theo khói thuốc, và nỗi trầm ngâm, nỗi đơn lẻ muội phiền như tháng Mười thu tan trong lá xoáy và giọt tý tách rơi…
Chỉ vậy thôi, vui đùa chữ nghĩa cùng nhau chốc lát, trong một màn nhân gian tồn tại, dù em biết tìm được kẻ cũng thích vui đùa chữ nghĩa với mình, là một trong những khát vọng hư vô nhất trên đời của con người, bởi mỗi ngày trôi là thêm một ngày:
“… sân ga xó quán
là chỗ nằm cho trí nhớ bỏ hoang
nơi hậu trường lá mục
sâu bọ gặm nhấm
mối tình trái cấm”
Bởi ai ai mà chả nhận ra:
“cuộn phim
dù quay ngược quay xuôi
lá chết vẫn xoay
từng đợt sóng đồng tâm
vòng tròn là chung cuộc”
Nhưng biết làm sao?
Hãy cứ đổ bệnh với thiên nhiên đi!
mê mết sống, mê mết lết,
cho trọn hình hài một kiếp biết YÊU!
( Budapest. 2009.10.25)