Sờn vai áo nâu, nón rách đội đầu, dép lê mòn quẹt, mồ hôi đôi giọt, đôi quang gánh trên vai, tôi đi khắp ngõ ngách của phố phường Hà Nội, miệng rao lời buồn: “Chai lọ đồng nát bán đi”. Tôi làm nghề đồng nát đã hơn hai năm. Khi con trai út của tôi thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tôi bàn với chồng tôi để ông ấy ở lại quê trông nom mấy sào ruộng, còn tôi theo chị em lên Hà Nội làm nghề đồng nát, tháng hơn bù tháng kém mỗi tháng cũng được ngót ba triệu, có thế mới hi vọng kiếm được đủ tiền chu cấp cho con ăn học. Con trai tôi là niềm tự hào của cả nhà, cả họ, cùng với tiến bộ của nó trong sự học hành hi vọng trong lòng tôi cứ lớn dần, đời nó sẽ thoát được cái cảnh chân lấm tay bùn, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, suốt đời lẽo đẽo theo sau đít trâu cày và tầm mắt chỉ thấy những gì quanh luỹ tre làng.
Trên những nẻo đường đi đồng nát, tôi quen biết một số gia đình ở Hà Nội, những nhà hay có sách báo cũ, chai lọ, hộp xốp bán cho tôi, trong số đó có nhà ông giáo. Tôi nghe hàng xóm gọi ông là ông Cần, và bà là bà Hương, nhưng xưng hô với ông bà, tôi vẫn cứ một điều ông giáo, hai điều bà giáo vì biết ông là giáo viên nghỉ hưu, tuy bà trước kia làm trong ngành thương nghiệp nhưng tôi cứ tiện thể gọi luôn là bà giáo. Đó là một đôi vợ chồng ngấp nghé tuổi 70, ở trong ngôi biệt thự ba tầng trong khuôn viên hơn 100 mét vuông, có cánh cổng sắt sơn xanh. Bấm chuông gọi cửa, ta đi qua một khoảng sân nhỏ rồi đến lối đi dẫn đến phòng khách ở tầng một, hai bên có những chậu cây cảnh. Ông bà giáo hay để dành giấy cũ bán cho tôi, tháng nào tôi cũng nhớ ghé qua để mua báo cũ hoặc những cuốn sách ông không còn thích đọc nữa vì bị ông chê là gượng gạo, giả tạo, một chiều, không phản ánh đúng thân phận của đại đa số người dân đang sống trong xã hội, vì thế chúng vừa nông cạn lại vừa nhạt nhẽo. Vì là khách quen nên ông giáo biết tên tôi là Duyên và thỉnh thoảng bà giáo hay kể cho tôi nghe về gia cảnh. Nhờ đó mà tôi biết vợ chồng anh cả và hai đứa cháu nội đang sinh sống ở tp Hồ Chí Minh, anh là giám đốc Công ty kinh doanh hàng điện gia dụng, đôi ba tháng khi có công việc ở Hà Nội mới ghé qua nhà thăm ông bà. Một hôm vào chiều thứ bảy tôi đang cân giấy vụn thì con gái, con rể đánh xe ô tô riêng vào sân, hai đứa cháu ngoại tíu tít sà vào lòng ông bà; vợ chồng người con gái có căn hộ ở tầng 7 Khu đô thị Mỹ Đình. Vậy còn ngày thường? Ngày thường chỉ có hai ông bà ở với nhau trong ngôi biệt thự sang trọng đó. Phương tiện giải trí không thiếu, ở góc phòng khách có bàn chơi bóng bàn, một hôm tôi đang ngồi ở sân thì nghe tiếng dương cầm thánh thót của ông từ tầng hai vọng xuống. Ông bà thuê người giúp việc theo giờ vào buổi tối để dọn dẹp, giặt giũ, kể ra cũng không tiện lắm nên bà cứ ngỏ ý với tôi hay là chị Duyên đừng đi đồng nát nữa, đến đây giúp việc vợ chồng tôi cho vui cửa vui nhà. Với mức lương triệu tư một tháng tôi tính không đủ chu cấp cho con tôi ăn học nên tôi khéo léo viện lý do từ chối.
- Ở quê chị Duyên có hay làm bánh khúc không?
Tôi nghĩ trong bụng đến bữa cơm mong có con tép rang, bát canh cua đồng đã là sang lắm rồi, bánh khúc đối với tôi xa vời lắm. Nhưng cũng nhờ cuộc nói chuyện đó mà tôi biết bà giáo rất thích ăn bánh khúc, không những thế bà còn miêu tả tỉ mỉ các công đoạn làm bánh khúc:
- Hàng năm cứ từ đầu tháng Giêng đến hết tháng Hai ta, trên những ruộng mạ chiêm sau khi đã nhổ hết mạ chưa kịp cày bừa hay trên triền đê cây rau khúc mọc dày chi chít, đó là nguyên liệu chính để làm bánh khúc, đến mùa đó ăn bánh khúc là ngon nhất. Bây giờ mới đầu tháng Mười, dĩ nhiên là rau khúc chưa mọc, nhưng người ta vẫn làm bánh khúc từ lá xu hào, lá bầu hay lá cây cà ghém. Trước tiên rửa sạch rau, thái nhỏ, bỏ vào cối giã cho nát, rồi trộn rau ấy với một ít bột gạo tẻ và rắc vào một ít muối. Sau khi đã trộn đều, thấu kỹ rau với bột thì lấy nó làm cái vỏ bọc cho cái nhân (gồm có thịt ba rọi, hạt tiêu và đậu xanh đã nấu chín) ở bên trong. Rồi nặn cái bánh khúc nào cũng nhỏ và tròn như những cái bánh rán, chỉ khác bánh rán là nó có màu xanh đen của rau khúc giã nhỏ. Nặn xong, xếp từng lượt bánh vào cái chõ, cứ sau mỗi lượt bánh lại rắc một lượt mỏng gạo nếp đã ngâm mềm lên trên, rồi lại xếp bánh, lại rắc gạo. Xếp hết bánh vào chõ, đặt đít chõ lên cái miệng nồi đáy xâm xấp nước, bắc lên bếp đun, Khi ngửi thấy mùi thơm của bánh từ chõ bốc ra thì bánh đã chín…
Tôi nghe bà giáo tả mà đã thấy ngon mặc dù tôi chưa bao giờ ăn bánh khúc, và định bụng hôm nào dư dả tiền cũng phải ăn một bữa cho biết.
Hôm nay Hà Nội trời trở gió. Cái rét đầu đông ào về theo cơn gió đông bắc đầu mùa, mấy anh cửu vạn đứng co ro chờ việc bên những gốc xà cừ ở ngã tư Giảng Võ, gió lạnh hiu hiu thổi bay chiếc khăn quàng trên cổ những cô gái đang vội vã trên đường phố. Gió ào ào chạy trên những tán cây, cuốn theo những chiếc lá vàng bay lả tả rồi rơi xuống mặt đường, quấn theo những vòng bánh xe lăn. Mây xám bay thấp vần vũ đuổi nhau trên trời và đánh rơi xuống đất những hạt mưa lất phất bay nghiêng, còn trên mặt đường thỉnh thoảng lại bốc lên những vòng xoáy bụi. Hàng cây liễu ven hồ ngả nghiêng xoả tóc bay theo gió. Tôi có hẹn với mấy nhà vẫn bán giấy vụn nên tuy trời trở gió tôi vẫn ra đường, mảnh ni lông không đủ che người vì gió tạt.
Tôi đang cắm cúi đi thì thấy phía trước một dáng người quen quen lầm lũi bước. Ai như ông giáo? Có thể lắm, vì con đường tôi đang đi chỉ cách nhà ông hai dãy phố. Gió máy thế này ông không ở nhà mà ra đường làm gì? Tôi dấn bước lên đuổi kịp, thì ra đúng ông giáo thật. “ Chào ông giáo! Trời gió to thế này sao ông không ở nhà mà đi ra đường làm gì?”; “Chị Duyên đấy à? Mưa gió thế này mà chị không nghỉ ư? Bà xã nhà tôi bị mệt đã hai hôm nay, cơm cháo chả ăn được thứ gì, chỉ thèm bánh khúc. Tôi phải đi hết hai dãy phố mới đến được chỗ bà bán bánh khúc hay ngồi…”
Hôm nay Hà Nội trời trở gió. Cái rét đầu đông không ngăn được tôi bước ra đường để đi đồng nát với hình ảnh đứa con trai thân thương như một ngọn lửa nhỏ lung linh ấm áp trong lòng. Và tôi hình dung ra nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt héo hắt của bà giáo khi bà gượng ngồi dậy đón những chiếc bánh khúc nóng hổi mà ông lặn lội trong mưa gió đi qua hai dãy phố mang về./.
Hà Nội, tháng 11 năm 2009.