Cây bạch lạp nơi phương trượng chùa Bạch Vân cháy được chừng nửa mà sư cụ vẫn chưa đi ngủ là chuyện hiếm thấy. Chú tiểu thắp thêm tuần nhang vòng cỡ đại, rồi quay lại chế thêm nước sôi vào ấm da chu hãm hoa hòe, chú liếc nhìn sư cụ đang tĩnh tọa mà trong lòng dâng lên niềm khả kính.
Bấy giờ đã chạm chính Tý, sao Hôm từ Mộc Chấn mà hướng chếch vào giữa Ly cung.
Canh khuya của tiết Sương giáng có không gian rung theo nhịp kêu chốc... oác của loài chim ăn đêm.
Có bóng người thoảng lướt qua màn sương thu, bầy chó chạy rúc vào nhà chứa củi mà nấc rít lên từng tiếng đứt nghẹn, khách bình thản bước vào phương trượng kéo theo làn hơi lạnh làm ánh bạch lạp khẽ lay động.
- ADiĐà Phật! Bạch cụ. Khách vái chào.
- ADiĐà Phật! Ông là ai? Sư cụ từ tốn hỏi không lộ vẻ ngạc nhiên.
- Bạch sư cụ, ta là... Khách buông lửng câu và ngồi lên phản gụ.
- Chẳng hay đêm hôm ông tới đây nhàn tản hay có việc gì chăng?
- Bạch cụ. Khách cười thản nhiên. Với ta nhàn tản cũng là công việc mà công việc của ta cũng là nhàn tản.
- Chẳng hay lão tăng giúp gì được ông không?
- Không, không. Khách hất ngược mái tóc lòa xòa. Ta đến đây không cầu lợi mà muốn rủ cụ cùng đi một chuyến.
- Đi đâu? Sư cụ hỏi
- Bạch cụ, gần chùa chưa hẳn là gần Phật, nay ta đến rủ cụ ra chợ tu hành cho chóng đắc pháp. Giọng khách trở lên nghiêm trang.
- ADiĐà Phật! Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, ông tu theo pháp môn nào mà kỳ lạ vậy, ta thường nghe người tu hành phải ở nơi u tịch mà tu tâm dưỡng tính chứ chưa từng nghe ai lấy chốn náo động là nơi đắc pháp?
- Bạch cụ. Khách nói. Chớ lệ vào ngoại cảnh tĩnh hay động, còn thấy tĩnh hay động là còn xa với Phật tính lắm.
- Ta biết. Sư cụ cười. Không phải gió động, cũng không phải lá phướn động mà là tâm động. Cả hai cùng cười sảng khoái.
- Mấy hôm nay, giò lan nở sớm. Sư cụ sôi nổi, cầm tay khách, hướng ra hiên chùa. Chim reo vui quấn quýt làm lão tăng cứ như ngóng trông ai.
Rồi ngài quay sang chú tiểu khẽ giục:
- Kìa tiểu con, đi hãm một ấm trà mộc cho ta tiếp tri âm.
- Bạch cụ, đêm đã khuya. Chú tiểu se sẽ nhắc.
- Khà, khà. Sư cụ phe phẩy quạt. Cuộc đời như bóng câu qua cửa, gặp được tri âm nào tiếc đêm ngày, mau đi con.
Chú tiểu nhanh nhảu bước, khách dặn với theo:
- Này chú, hãy pha trà bằng ấm Từ bi, chế nước Hỷ xả, thắp hương Tri kiến... Nhưng chú tiểu đi nhanh quá đã bước xuống nền nhà tảo soạn nên không nghe thấy gì.
- Bạch cụ. Khách trở lại câu chuyện. Ta nghĩ không tĩnh cũng không động mới là chân thực nghĩa Như lai.
- Pháp danh của ông là gì? Ông tu thế nào để không tĩnh, không động. Sư cụ hỏi.
- Bạch cụ, ta tu hành không có pháp danh, chẳng có giới mà giữ, thích ăn mặn, uống rượu, để tóc dài, mặc áo tục, không có điệp quy, tự cho rằng chùa chiền trong lòng người. Ta vốn phiêu bồng, học kinh tạng rồi chẳng lưu tâm, phúc họa chẳng chia, may rủi không kể, rong ruổi giữa dòng đời xuôi ngược, cầm, kỳ, thi, họa môn nào cũng biết đó rồi bỏ đó. Theo căn cơ của chúng sinh mà hoằng hoá Phật pháp. Chợt đến, chợt đi, tùy duyên tự tại, chẳng hay lời ta nói có thất lễ với nhà chùa chăng?
Chú tiểu bưng khay trà lên rót lần lượt hai chén nhỏ rồi sẽ sàng gây một bình trầm.
Khách kín đáo nhăn mũi và tuyệt nhiên không nhấp một ngụm trà nào.
- Thiện duyên khởi là được vô lượng công đức hơn cả công đức vô lượng, có ông bầu bạn với nhà chùa đêm nay, lão tăng như được tắm nước tịnh bình nơi ngài Đại sĩ. Sư cụ trân trọng chắp tay vái khách một vái, khoan thai vuốt chòm râu bạc mà như nói một mình. Ta đã chín mươi hai tuổi, tu hành tám mươi năm mà vẫn lệ vào kinh điển, chấp trước mãi mà không phá ra khỏi cái tĩnh, cái động, những điều ông nói những tưởng mơ hồ đấy mà thâm sâu làm sao.
- ADiĐà Phật! Lời ta nói với cụ không mơ hồ cũng chẳng cao siêu, Phật là thế mà chẳng bao giờ là thế, chân Phật có một mà huyễn hóa tùy duyên. Thấy vạn tướng hữu tướng là giả, thấy hữu tướng mà thấy phi tướng là chứng tính Như Lai. Khách nói một thôi rồi cười sang sảng làm mấy con dơi hốt hoảng bay chập choạng dưới mái chùa.
- Đúng rồi, tâm Không. Mặt sư cụ tươi rói. Này ông, ông ở đâu đến vậy?
- Ta đã nói rồi, ta từ Duyên mà đến.
- Ông thường trú ở đâu?
- Ta thường trú ở tâm cụ đấy, cụ không biết ư?
- Thế tâm ta ở đâu? Sư cụ cau mày hỏi.
- Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm.
Khách lại nhoẻn cười.
- ADiĐà Phật! Lục Tổ đắc pháp ở câu này trong kinh Kim Cương, ta không ngờ đêm nay ta mới nhận ra áo nghĩa huyền diệu của câu ấy, cơ duyên ta đến rồi chăng? Ông thực là liễu nghĩa... liễu nghĩa.
Chú tiểu kín đáo nhìn khách một cách dò xét rồi cúi đầu thì thầm với sư cụ:
- Bạch cụ, cho con hỏi, khách ít tụng kinh, lại chẳng giữ giới, vẫn ăn mặn, uống rượu, la cà ngoài chợ, không nội đa, ngoại thiểu, đến pháp danh cũng chẳng có. Nói toàn lời ngông cuồng phạm giáo, đảo lộn cả thanh quy mà sao thầy lại khen.
Sư cụ ngước nhìn chú tiểu rồi thở dài:
- Chao ôi, áo nghĩa Phật pháp bất khả tư nghị, không thể nghị bàn, điều cốt tủy lại cứ vượt thoát ra ngoài kinh tạng, theo cúng Phật thì ngàn vạn người mà hiểu Phật khó tìm thấy một, con làm sao một chốc một lát mà hiểu nổi.
Chú tiểu nghiêng mình, lùi lại một bước, chắp tay đứng yên lặng.
- Bạch cụ, một chốc lát mà không hiểu đạo lý cao siêu ư? Thế thì câu: “Nhất sát na thành chính giác” trong kinh là thế nào?
- Ông vừa nói không lệ vào kinh kia mà?
- Đó, đó. Khách reo lên. Lệ vào kinh điển thì oan cho ba đời chư Phật mà không lệ vào kinh là xa rời Phật Pháp.
- Ông nói ông ở trong tâm ta, mà tâm ta ở đâu chứ?
- Ta làm sao có thể nói cho cụ biết tường nghĩa nếu cụ không cùng ta đi một chuyến ra chợ.
- Nhưng chợ có xa đây không?
- Chẳng gần cũng chẳng xa, có thiện tâm thì chớp mắt đã đến còn đức hạnh thiếu, căn cơ thấp kém thì vô lượng kiếp cũng không đi một mảy, chẳng dời một gang.
- Nhưng ra chợ để mua gì?
- Mua tâm!
- Bán gì?
- Bán tâm!
- Vậy trả bằng gì?
- Bằng tâm!
- Thu về cái gì?
- Tâm!
- Người đời hay đùa cợt, ông cũng đùa lão tăng, cái gì cũng viện đến tâm.
Sư cụ lần tràng hạt rồi chợt ngâm bài kệ:
Tâm vượn (viên) vốn bất định
Tâm ta tự vô ưu
Tu hành cầu giải thoát
Tìm lối vào vô thường.
Khách cũng cao hứng họa rằng:
Ý ngựa (mã) thường vọng ngoại
Vô thường không lối đi
Tính thiện vốn sẵn có
Trong ta sao phải cầu?
- Mô Phật. Sư cụ vẻ mặt bừng sáng, giọng nói thoát nhiên vang trầm như dồn vào đấy toàn tinh lực. Tám mươi năm qua ta cầu ở ngoại cảnh, vạn sự huyễn hoặc chỉ có tính thiện ở bản thể là bất thoái? Chẳng cầu ở đâu cả, nó ở đây rồi, ta đã nhìn thấy tự tính ta và ông sẵn có trong ta đã lâu lắm rồi, ông là...
Nghe thế, khách cả mừng, thốt nhiên vòng tay vái một vái thành kính rưng rưng.
- Ta thực không uổng chờ đợi cơ duyên này, nay cụ đã hiểu ta, hiểu ta, thật là đáng mừng, đáng mừng. Thời khắc đã đến không thể chậm hơn được, mời cụ lên đường thôi. Đêm huyền u tịch cho đôi tri kỷ đàm đạo trong lặng yên.
Sư cụ vào đại định.
Bóng khách cũng mờ dần.
Gà gáy tàn đêm, tiếng chuông khoan thai điểm nhịp thu không, cây bạch lạp chỉ còn lại một mẩu bấc khan trên đĩa. Chú tiểu choàng dậy, ngó trước sau, thoảng thoảng đâu đây có mùi thơm ngan ngát, càng gần chỗ sư cụ hương thơm càng nồng nàn. Ngài đang tham thiền, nên chú lùi xa không dám làm kinh động, sư cụ ngồi đó toàn thân phẳng lặng, riêng nét mặt tươi như hoa, nếp áo xuôi chảy và tụ lại ở hai bàn tay kết ấn, uy nghi, vững vàng như một quả chuông lớn. Chú cầm quạt từ đằng xa phe phẩy quạt mà không hề biết sư cụ đã đắc pháp mà viên tịch từ cuối giờ Sửu, đêm qua.