Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.151.085
 
Từ “bãi cát vàng” cho đến “”hoàng sa-trường sa” không phải là “bãi hoang chim ỉa”
Đinh Kim Phúc

Việc Quốc vụ Viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đầu tháng 12 năm 2007 là một bước tiến mới trong tham vọng mở rộng “miền Đông Hải” của Trung Quốc.

Để phục vụ cho tham vọng kể trên, các học giả Trung Hoa đã góp phần không nhỏ như nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã nhiều lần chỉ ra (1). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi hoà cùng ý tưởng với nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhưng ở một khía cạnh khác: Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa được thể hiện qua các bản đồ của phương Tây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.

1. Từ Cauchinchina cho đến IndoChina:

1.1 Cauchinchina – Cochinchine

Theo Aurousseau, nguyên Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ (École Francaise d’Extrême Orient), thì Việt Nam từ xa xưa không được người Bồ Đào Nha hoặc người châu Âu biết đến một cách trực tiếp (trước năm 1515), do đó sự hiểu biết tên nước lại phải được người Arab giới thiệu với phương Tây. Ông chứng minh rằng chữ Cochinchina là do từ chữ Bồ Đào Nha Quachymchyna, mà chữ này lại bắt nguồn từ chữ Arab “Kawci-min-cin”. Theo đó thì “Kawci” là chữ Arab tương đương với chữ “Kiao-tche” là tiếng Hán chỉ nước Việt Nam thời đó [交趾支那-Giao Chỉ China]. Còn từ ngữ “min-cin” có nghĩa là thuộc Trung Hoa. Nhưng Aurousseau đã không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào về tên Cochinchina bắt nguồn từ chữ Giao Chỉ. Hơn nữa, ông đã không có một bản đồ chính xác nào để hỗ trợ cho giả thuyết của ông.

Nhìn vào địa danh, Cochinchina có hai phần là Cochin và China.

Chữ China thì không trở thành vấn đề, vì nó được dùng để chỉ định một địa phương đã  được biết rõ (Trung Hoa).  Còn chữ Cochin thì đã đưa đến nhiều giải thích khác nhau.

Vì có điểm giống nhau giữa cách đánh vần chữ Chanocochin là danh từ chỉ một tên trên bờ biển Malabar Coast của Ấn Độ, nơi mà mgười Bồ Đào Nha đã biết đến từ thế kỷ thứ XV như Colchi, Cocym, hay Cochin, ta có thể đoán là các nhà vẽ bản đồ phương Tây đã mượn những từ ngữ trên. Và sự tiếp xúc trực tiếp giữa phương Tây và Việt Nam sau này đã dẫn đến sự thay đổi từ ngữ đó.

Trên bản đồ của Ribeiro năm 1529,  người ta đã cố gắng chuyển tên Cửu Chân trong tiếng Việt sang ngôn ngữ phương Tây, Ribeiro gọi vịnh Bắc kỳ (Golfe du Tonkin) là Cauchechina. Cửu Chân là một trong chín quận được thiết lập bởi vua Hiếu Vũ năm 111 trước công nguyên. Danh từ này được đọc là Cẩu Chân theo tiếng Quảng Đông. Biên giới của Cửu Chân được thay đổi theo thời gian, nhưng tên gọi đó không thay đổi cho tới năm 1407 . Đó là tên độc nhất của một khu vực hành chánh lớn ở Việt Nam đã được biết đến suốt 15 thế kỷ.

Kể  từ năm 1529 từ ngữ Cauchechina bắt đầu xuất hiện thường xuyên. Nó được thấy trên bản đồ của Gastaldi, Ortolio, Homen và Luis dưới dạng Gauchi,  Cauchy,  hay Cauchin. Cho tới năm 1565 ta thấy có dấu hiệu trở lại cách viết ban đầu khi Berteli dùng chữ Cochinchina cho bản đồ của ông.  Trong nhiều thập niên hai tên kể trên xuất hiện thường xuyên, có khi đứng cạnh nhau cùng trên một bản đồ. Mãi tới thế kỷ XVII thì từ ngữ Cochinchina mới vĩnh viễn thay thế địa danh Cauchinchina.(2)

Bản đồ do người Hà Lan vẽ năm 1594 (hiện được lưu giữ tại Amsterdam, Hà Lan)

Gerard Mercator (1512 - 1594), India Orientalis, Amsterdam, H. Hondius, circa 1606, Koeman, Atlantes Neerlandici, Vol I, 8400:1A

Cũng có một giả thiết khác về nguồn gốc từ  Cochinchine, theo đó, Cochin là một cảng thương mại lớn ở Ấn Độ, quốc gia có vùng đất Pondichéry lọt vào tay người Pháp từ thế kỷ XVII. Vào thời kỳ này, các thương nhân phương Tây có dịp đi qua Đàng Trong, thấy vùng này có nhiều nét giống với thương cảng Cochin của Ấn Độ nên đặt tên là Cochinchina (vùng đất Cochin nằm cạnh Trung Hoa -China).

Hoặc, từ thế kỷ XIII, các nước đã theo Marco Polo gọi tên nước Đại Việt là Caugigu (phiên âm từ Giao Chỉ quốc), sau đọc trại thành Kiaoche rồi Coci (cách gọi của Bồ Đào Nha). Sau đó để khỏi lầm với Cochin của Ấn Độ, người ta thêm chữ China hay Cina, nên Cauchinchina trở thành tên của nước Đại Việt. Đến thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, người ta mới gọi Đàng Ngoài là Tunking hay Tonkin (từ chữ Đông Kinh-Hà Nội ngày nay) và Đàng Trong vẫn giữ tên Cauchinchina hay Cochinchine như người Pháp đã gọi.

Chúng ta biết rằng, Giao Chỉ không còn được xử dụng như một  địa danh quan trọng ngay trong giai đọan đầu của lịch sử Việt Nam; Cửu Chân (Chiu Chen) trái lại được dùng cho tới khi người phương Tây đến.  Hơn nữa cách đánh vần tên cho thấy có sự liên hệ giữa Cửu ChânCochin (Cochin/china).

Nhận định trên phù hợp với tài liệu sau đây: “Tùy theo từng thời kỳ lịch sử của nước Việt, lãnh thổ của quận (hay bộ) Cửu Chân ngày xưa có những biên giới khác nhau. Riêng tỉnh Thanh Hóa ngày nay thì luôn được xem là phần lãnh thổ chính của vùng Cửu Chân. Người Malaysia phiên âm tên Cửu Chân thành Kuchi. Sau đó, để phân biệt với vùng Kuchi của Ấn Độ (India), các nhà hàng hải và thương nhân Bồ Đào Nha đã thêm vào chữ China, vì vương quốc này nằm cạnh China. Đồng thời họ phiên âm Kuchi China thành CauchiChina.

Sau người Bồ Đào Nha, các nhà hàng hải và thương nhân từ Hà Lan và một số nước khác bắt đầu lui tới, giao thương với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á.Theo thời gian, Cauchi China lại được phiên âm thành Cochin China. Tên vương quốc Cochin China bắt đầu xuất hiện trên các tài liệu tây phương trong những thập niên đầu của thế kỷ 16”.(3)

1.2 IndoChina

Vào thế kỷ XVII-XVIII, khi nói đến vùng Đông Nam Á, người Pháp thường dùng tên gọi Ngoại Ấn (Inde extérieure) hay Ấn Độ bên kia sông Hằng (Inde au-delà du Gange), còn người Anh thì gọi là Ultra-Ganges India.

Tên gọi Đông Dương (IndoChine) xuất hiện lần đầu tiên dưới ngòi bút của Conrad Malte Bruun (1775-1826) trong bộ sách Địa lý toán học, hình thể và chính trị của các nơi trên thế giới, xuất bản năm 1804. Trong tập 12 của bộ sách này có nói đến các nước IndoChine hay vương quốc Tonquin, Cochinchine, Lào...

Bốn năm sau, tên gọi IndoChine lại xuất hiện trong một bài báo của John Leyden (1775-1811) trên tạp chí Nghiên cứu châu Á của Hội châu Á vùng Bengal, xuất bản tại Calcutta năm 1808.

Về phương diện địa lý và văn hóa, Đông Nam Á lục địa nằm giữa hai nước lớn, và giữa hai nền văn hóa xuất phát từ hai nước đó là Trung Hoa và Ấn Độ. Đây là hai cái nôi văn hóa lớn của Châu Á và khu vực Đông Nam Á lục địa nằm giữa hai cái nôi văn hóa lớn đó. Địa danh đúng của khu vực này là IndoChina (Ấn-Trung) hay Indochinese Peninsula (Bán đảo Ấn Trung), nghĩa là vùng bán đảo nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Nhưng vì người Pháp đã dùng chữ Indochina (mà người Việt thường dịch là Đông Dương) thu hẹp để chỉ ba nước Việt Nam, Cambodia, Lào, dưới sự đô hộ của họ thành ra các nhà văn hóa học đã không dùng lại địa danh này cho cả vùng mà phải dùng chữ Đông Nam Á để tránh lầm lẫn. Thời xưa người ta còn gọi vùng này là “Golden Peninsula” (Bán Đảo Hoàng Kim) và bao gồm các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia, và Việt Nam, không có Malaysia trong đó, vì Malaysia được xem là thuộc về khu vực hải đảo. Các nước nằm trong khu vực Bán đảo Hoàng Kim hay Bán đảo Ấn Trung này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của một trong hai nền văn hóa lớn ở đây là Ấn Độ và Trung Hoa. Theo nhiều nhà văn hóa học phương Tây thì các nước Myanmar,Thái Lan, Lào và Cambodia nhận ảnh hưởng Ấn Độ trong khi Việt Nam nhận ảnh hưởng Trung Hoa nhiều hơn. Các nước chịu ảnh hưởng Ấn Độ thường được gọi là “Indianized States”(các nước Ấn Hóa).

Trong bán đảo Đông Dương đã từng tồn tại Đông Dương thuộc Pháp, là các nước thuộc địa của Pháp, gồm Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), Tonkin (Bắc kỳ) (cả ba thuộc Việt Nam), Lào và Cambodia. Đôi khi người ta cũng dùng Đông Dương thuộc Anh để chỉ thuộc địa cũ của Anh tại Đông Dương, tức Myanmar vào thời kỳ đó.

Như vậy, từ Cauchinchina, Cochinchina cho đến Indochina xuất phát từ đâu cho đến nay vẫn còn tranh cãi về mặt học thuật. Đó là nhiệm vụ của các nhà Địa danh học. Nhưng có một điều cần khẳng định rằng, những địa danh đó trong lịch sử trung, cận đại Việt Nam không phải thuộc lãnh thổ Trung Quốc lúc bấy giờ.

           

2. Baixos de Chapar-Pracel Islands - Spratly Islands

2.1 Trong số những bản đồ hải hành thực hiện bởi các nhà hàng hải phương Tây có những bản đồ đáng chú như sau:

 - Năm 1606, Jodocus Hondius vẽ hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa như một cái cờ đuôi nheo uốn quanh Đại Việt và Champa, cái đuôi dính liền với các đảo vùng Phan Thiết.

 - Năm 1630, Cloppenburg vẽ hai nhóm Hoàng Sa và Trường Sa chạy dài từ khoảng ngoài khơi cửa sông Gianh kéo phần đuôi quần đảo vào sát vào khu bờ biển ngoài khơi Phan Rang.

 - Năm 1650, Merian vẽ hai nhóm quần đảo riêng rẽ có tính cách tượng trưng: Hoàng Sa ngang vùng biển Đà Nẵng, Trường Sa ngang vùng biển Cam Ranh.

 - Năm 1664, Thevenot vẽ hai nhóm Hoàng Sa và Trường Sa với cái đuôi chỉ tới vùng ngoài khơi Nha Trang.

 - Năm 1719, Chatelin vẽ hai nhóm Hoàng Sa và Trường Sa dính liền nhau, rất lớn và rất sát với bờ biển miền Trung, có chỗ chỉ cách đất liền khoảng 10-15 hải lý.

Vào thế kỷ XV-XVI, trong số các nước phương Tây, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là hai nước phát triển sớm nhất. Và Bồ Đào Nha là nước phương Tây đầu tiên bành trướng thế lực sang phương Đông. Nhưng vào cuối thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha phải nhường bước cho Hà Lan ở phương Đông.

Hà Lan là một nước có nền công thương nghiệp phát triển sớm và sau cuộc cách mạng vào cuối thế kỷ XVI, Hà Lan đã trở thành nước tư bản chủ nghĩa đầu tiên, vượt qua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chiếm địa vị thứ nhất trong nền thương mại thế giới vào thế kỷ XVII. Công Ty Đông Ấn Hà (Companie Hollandaise des Indes Orientales) thành lập vào năm 1602 là công cụ để Hà Lan phát triển sang châu Á. Trong hồ sơ lưu tr về bản đồ về Đông Duơng đầu tiên (Carte de la peninsula Indochinoise) được ấn hành vào năm 1595 do nhà địa lý gốc Hà Lan Frère Van Langren thực hiện, và cũng lần đầu tiên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xuất hiện trên bản đồ này với cái tên Hà Lan là Paracels (có nghĩa là đá ngầm)(4).

Bản đồ Đông Dương  của Frère Van Langren đã mở đường cho thương nhân Hà Lan vào Đông Dương, mà trước hết là vào Việt Nam. Ở thế kỷ XVII, HàLan đã đến buôn bán và lập một số thương điếm ở Việt Nam, trong đó có Hội An (Faifo) thuộc tỉnh Quảng Nam. Quần đảo Hoàng Sa đã gắn liền với câu chuyện đắm tàu của Hà Lan trong lịch sử vào năm 1634. Nguyên là vào ngày 20/1/1634, có 3 chiếc tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà có tên là Veenhuisen, Schagen và Grootebroek, đồng khởi hành từ Batavia để đến Formose. Sáng ngày 21/7/1634, ba chiếc tàu nói trên đã đến khu vực biển của Việt Nam, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, thì gặp phải một trận bão lớn. Chiếc Veenhuisen đã vượt qua được và đến Formose vào ngày 2/8/1634, và chiếc Schagen cũng thoát hiểm để đến Formose vào ngày 10/8/1634.

Chỉ riêng có chiếc Grootebroek là không vượt qua được trận bão biển, nên đã bị chìm gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, ngang với bắc vĩ tuyến 17. Theo tập Ký sự Batavia” (Journal de Batavia) của Công ty Đông Ấn Hà năm 1635, đã cho biết chiếc Grootebroek đã bị chìm hẳn và 9 thủy thủ đã biệt tích. Thuyền trưởng Huijch và 62 thủy thủ khác thoát được, và họ đã cứu hơn phân nửa shàng trị giá 82.995 Florins (tiền Hà Lan) trong tổng số hàng trị giá 153.600 Florins. Sau cơn bão, thuyền trưởng Huijch và 12 thủy thủ đi thuyền nhỏ vào đất liền để nhờ chính quyền địa phương của xứ Đàng Trong cho thuyền lớn ra cứu 50 thủy thủ còn lại đang ẩn núp tại quần đảo Hoàng Sa để tránh bão.

 

 

 

 

 

2.2 Xem xét một số bản đồ có địa danh Baixos de Chapar-Pracel - Spratly

 

 

Đây là tấm bản đồ màu, in năm 1613 trong quyển Atlat Mercator  Hondius (1563-1612) vẽ trước năm 1606, từ dữ kiện của nhà địa dư học Bồ Đào Nha Bartolomeu Lasso vào đầu thế kỷ XVI.

 

Bản đồ này được trình bày bằng tiếng La tinh có tên là Insulae Indiae Orientalis, ghi rõ vùng biển Đông Nam Á , từ đảo Sumatra phía Tây tới New Guinea và cả đảo Guam phía cực Đông (trong một chuỗi đảo được mệnh danh là “quần đảo thổ phỉ-Islas de Las Vellas), và đảo Timor gần Australia phía Nam lên tới đảo Hải Nam phía Bắc.

 

 

Trên góc cao (giữa) bản đồ (khu vực Việt Nam ngày nay),

có ghi là đất “Cauchin, có tên Cauchinchina”

 

Trên bản đồ này ghi rất rõ ràng ngoài khơi xứ Cauchichina một vùng quần đảo có nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng Tây Nam, được ghi là Pracel.

 

Đối diện với quần đảo, trên lãnh thổ Cauchinchina được viền màu vàng, là tên Costa de Pracel. “Costa de Pracel” không có liên hệ gì với đảo Hải Nam (được tô màu hồng với tên là Ainan).

Xem bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean Baptiste Nolin (1686-1762) hoàn thành năm 1687. Trong bản đồ này, Nolin đã đánh dấu vùng quần đảo giữa biển Đông được ghi rõ là “Baixos de Chapar de Pulls Scir” nằm ở dưới vị trí ghi là “Golfe de la CochinChine”. Điều này có nghĩa là “bãi cát của Champa” nằm dưới vị trí của “Vịnh Cochinchine”.

Một phần bản đồ khu vực Đông Nam Á do Jean Baptiste Nolin hoàn thành năm 1687.Khu vực quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa được ghi chú là Baixos de Chapar de Pulls Scir nằm dưới Golfe de la Cochin Chine (Nguồn: Bản đồ ký hiệu C.C. 1144.A lưu trữ tại Thư viện quốc gia Bồ Đào Nha)

Spratly là họ của một người Anh, thuyền trưởng chiếc tàu săn cá voi Cyrus. Ông tên Richard Spratly, người phương Tây đầu tiên đặt chân lên hòn đảo này vào năm 1843.(5)

Thật ra Richard Spratly không phải là người đầu tiên khám phá ra Spratly Islands. Trước đó khoảng gần 40 năm, vào năm 1807, khi được cử sang vương quốc CochinChina để khảo sát quần đảo Pracel (bao gồm Paracel Islands và Spratly Islands), thuyền trưởng Ross đã đến triều kiến vua Gia Long và trình lên vị hoàng đế này một lá thư giới thiệu của công ty Đông Ấn. Nội dung lá thư có liên quan đến việc xin phép khảo sát quần đảo Pracel và bờ biển của nước này. Daniel Ross hoàn tất cuộc khảo sát và đo đạc vùng biển phía Nam của Trung Hoa năm 1807, quần đảo Pracel năm 1808, một phần bờ biển CochinChina năm 1809, và vùng đảo Palawan của Philippines năm 1810.

Daniel Ross đã đặt tên cho Spratly Islands là Dangerous Ground (Vùng đất nguy hiểm), được xem như phần phía Nam của quần đảo Pracel (hay Paracel) trên bản hải đồ ấn hành năm 1821. Sau đó, trong một phiên bản của tấm hải đồ ấn hành năm 1859, tên Dangerous Ground được đổi lại là Storm Island (Đảo Bảo tố). Ngày nay, cả hai tên thỉnh thoảng vẫn còn được nhắc đến nhưng không phổ biến như tên Spratly Islands. Như vậy, đối với giới hàng hải tây phương Tây, đến năm 1843, quần đảo Pracel được chính thức tách ra thành Paracel Islands và Spratly Islands.

Như vậy, đối với các nhà hàng hải phương Tây, mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX thì quần đảo Pracel nằm trong khoảng từ vĩ độ 12 độ Bắc đến 16 độ Bắc mới chính thức được tách ra thành Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa) như ngày nay.

Bản đồ các đảo đông Birmah của nhà Black thì vị trí của HS-TS gần như chính xác hoàn toàn  so với ngày nay


(NXB Edinburg 1854 , Atlas thế giới toàn tập)

Bên cạnh đó, dưới triều của vua Minh Mạng, vào năm 1838, Phan Huy Chú, một nhân viên của bộ Công đã khảo sát, vẽ, và xuất bản một bản đồ gọi là Đại Nam nhất thống toàn đồ. Bản đồ này đã phân chia Bãi cát vàng, thành hai quần đảo riêng biệt gọi là Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa, mà sau này gọi gọn lại là Trường Sa.

Đại Nam nhất thống toàn đồ 1838

Nhìn qua những những bản đồ khu vực biển Đông của Việt Nam từ thế kỷ XVI - XIX, bất cứ ai cũng rõ ràng nhận ra ngay là hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam và không thể thuộc về bất cứ một quốc gia nào khác. Điều này có nghĩa là trước cả khi Lê Quý Đôn soạn sách Phủ biên tạp lục thì Hoàng Sa-Trường Sa đã thuộc về Việt Nam từ lâu.

Chú thích:

 

(1) Xem:

- Phạm Hoàng Quân, Tây Sa và Nam Sa trong sử liệu Trung Quốc

   (Nguồn: http://sachhiem.net/THOISU_CT/PhamHoangQuan.php)

- Phạm Hoàng Quân, Bàn về địa danh Thất Châu Dương trong bài viết “Quan hệ thương mại Trung – Việt những năm đầu nhà Nguyễn” của Lương Chí Minh

  (Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14598&rb=0302)

 - Phạm Hoàng Quân, Hải quốc văn kiến lục: Khảo sát và trích dịch

  (Nguồn: http://www.talawas.org/?p=12598)

 (2) “ Cochinchina : Reassessment of the Origin and Use of a Westernized Place Name “ by Dinh D. Vu, Ph.D. [Vietnamese translation by Dr. Hoang Xuan Chinh] Meadows Place Texas, 2000.

 (3) Nguyễn Đại Việt-Trịnh Bảo Ngọc, Hoàng Sa và Trường Sa trên Bản đồ Tây Phương

       (Nguồn: http://bauvinal.info.free.fr/)

(4). Xem "Les Portugois sur les côtes du Vietnam et du capa" của Peirre Y, Manguin, đăng trong BEFEO năm 1972, trang 74. Nhưng theo "Dictionnarire de Bibligographie generale ancienne et moderne de l'Indochine Francaise" của giáo sư Ạ Brébion, ấn hành vào năm 1935, thì Paracels là tên một chiếc tàu của Công ty Đông Ấn Hà Lan. (theo nguồn tài liệu sưu khảo của học giả Thái Văn Kiễm công bố trên tập san Sử Địa số 29, Sàigòn, 3-1975).

(5) Xem Wikipedia, “Richard Spratly”.

Do kỷ thuật VCV không đưa tòan bộ số bản đồ của tác giả đính kèm

Đinh Kim Phúc
Số lần đọc: 3217
Ngày đăng: 09.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự Hoang Tưởng về Chủ Quyền Lãnh Thổ của Một Số Phần Tử Dân Tộc Cực Đoan ở Campuchia hiện nay - Đinh Kim Phúc
Đổi tên gọi Biển đông – Cần thiết hay không? - Đinh Kim Phúc
Tăng Bạt Hổ- Tấm Gương Kiên Trung của Phong Trào Đấu Tranh Giải Phóng Dân Tộc ở Việt Nam đầu thế kỷ XX - Trần Minh Đức
Trạng chết thì chúa cũng băng hà - Đinh Kim Phúc
Đất nước sẽ … - Đinh Kim Phúc
Kẻ sĩ chọn cái chết thể hiện chí hướng - Lê Ngọc Trác
Ngôi báu và hai người đàn bà trong sử Việt - Đinh Kim Phúc
“Thất trảm sớ” và nhân cách của một con người - Đinh Kim Phúc
Môt Viện giáo dục –một chiếc áo-một bài báo và 30 triệu đồng! - Đinh Kim Phúc
Quan Hệ Trung-Nhật và Bài Học Kinh Nghiệm cho Việt Nam - Đinh Kim Phúc
Cùng một tác giả
Game Over! (lịch sử)
Đọc thơ xưa (tạp văn)