Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.191
123.150.994
 
Chờ bão
Mang Viên Long

Lão giáo Truyện đờ đẫn ngỡ ngàng nhìn ra sân: trời đã tạnh mưa từ bao giờ ? Những cơn mưa hung bạo đổ xuống vây bọc lấy khoảng sân, mù mịt rừng dừa, trắng xóa dãy núi, mênh mông những hạt mưa trong mắt lão từ sáng sớm, bây giờ đã ngớt hẳn. Đã xế chiều rồi ư ? Con Hữu và hai đứa nhỏ sao không thầy về cà ? Từ khi cơn mưa dứt tới giờ mẹ con Huyện có mò sang lần nào không? Lúc sáng, nằm nhìn mãi những hạt mưa tuôn xối xả, chảy mải miết, rơi ròng rã xung quanh lão cứ nghĩ mưa sẽ chẳng bao giờ dứt. Mưa lạnh lẽo, mưa ướt át suốt đời. Và lão tưởng chừng mình mẩy lão cũng đang bị những giọt nước mưa buốt giá phủ kín, che lấp. Đôi mắt lão nặng nề dần vì những cơn mưa buồn tênh đó. Lão nhắm mắt . Rồi lão ngủ vùi lãng quên trong mưa, trong gió, trong phiền muộn. Trong giấc ngủ, lão mơ màng nghe thấy tiếng reo của mưa rào rào trên liếp cửa sổ, tiếng gió lộng dồn dập khua động mái hiên, tiếng gầm cuồn cuộn của dòng sông phủ ngập nước. Giấc ngủ bềnh bồng trôi dần vào chiều giữa những âm vang rất mơ hồ, rất quen thuộc đó. Gần một tháng nay, mưa đã tới lần hồi bắt đầu từ những cơn mưa lai rai lạnh lẽo về xẩm chiều. Bây giờ, những cơn mưa tăm tối, những cơn mưa ròng rã, những cơn mua dữ dằn, những cơn mưa hốt hoảng đã chiếm ngự hẳn bầu trời: Bầu trời ngày đêm giăng kín nước mưa. Lão giáo Truyện theo dõi những cơn nhức rần rật, rỉ rả trong từng khớp xương cùng với những cơn mưa thay đổi, u ám đó. Và, lão cũng rất  thường có những giấc ngủ rã rời, vắng vẻ, hoang mang, chìm lắng vào những cơn mưa, những cơn nhức ngọ ngoạy trong người.

 

Nhìn xa, lão thấy rừng dừa như những trụ cột đèn chong trơ trọi. Trừ những hàng dừa rải rác cạnh bờ sông còn rũ cành héo úa dần như mớ râu tóc khô của người già bệnh tật; những dãy dừa sát mé núi đã trụi hẳn cành lá, khẳng khiu, khô mòn dần từ đầu. Sau những thân dừa héo khô mục nát như hàng vạn thây người dựng đứng trơ trơ đó, trái núi cháy khô cây cỏ bày trắng những tảng đá thô. Lưng núi từng vũng cháy đen nham nhở, lởm chởm, màu vàng lẩn lộn màu nâu sậm. Mặc dù vào mùa mưa, màu xanh chỉ phơn phớt trên triền cao, lơ thơ dưới dốc thấp; trông mờ hẳn vào nền trời tối. Từ chiếc giường ở góc nhà hằng ngày lão Truyện chỉ được trông thấy chỉ có bấy nhiêu: Khoảng sân vắng, giòng sông ẩn hiện dưới cồn cát, rừng dừa chết khô, dãy núi trơ trụi. Cuộc đời lão bây giờ đã thu gọn lại có chừng đó. Và lão đã lấy làm mãn nguyện rằng đời lão cũng còn được nhìn thấy, gần gũi với đất, trời, mây, nước… Còn hơn lúc Hữu bắt lão phải nằm sâu mãi trong buồng, cho kín gió. Bốn vách tường bưng bít làm lão khiếp đảm ngay trong những giấc ngủ. Đôi lúc thức dậy sau một giấc ngủ trưa ủ rũ, lão bàng hoàng, trân tráo nhìn vào những vách tường mà cứ ngỡ là bốn vách tường của ngôi mộ đã đắp sẵn… Hình ảnh về một cái chết tàn tạ đã nghĩ quấn quít lấy lão, làm lão thêm rũ riệt, bơ phờ. Lâu dần không chịu nỗi, lão phàn nàn, tâm sự với con. Lão bảo, nằm trong xó tối đó, có lẽ cha chết sớm. Chết vì nhiều lẽ: Sợ, buồn, ẩm ướt, nghẹt thở. Lão nêu ra thực nhiều lý do cốt để khỏi sợ làm buồn lòng con với ý định đổi chỗ chiếc giường trong buồng ra phía ngoài vách tường. Hữu nghe cha không thấy có chút gì buồn bực, lui cui dọn quét góc tường ngoài. Nàng xốc ẵm lão Truyện từ giường qua chõng, từ chõng qua giường lẹ làng, tự nhiên như khi xay lúa, giã gạo. Vậy mà từ trước lão cứ nghĩ sẽ làm phiền lòng con, khó khăn lắm mới thay đổi được ý định nó. Được nằm vào chỗ mới, nhìn ra khoảng sân thấy chút nắng, nhìn xa ra bờ sông thấy chút màu xanh; lão cười xao xuyến hai mắt. Từ hôm đó, lão thấy sự tê liệt của lão không đến nỗi quá tù túng, đọa đày. Mấy tháng trước lão còn vịn cây, vịn tường mà đi lui đi tới. Lão còn cà nhắc, cà nhắc, ra tới sân chơi với thằng Duỗn, thằng Ngung. Một hôm, tiết trời thay đổi sao đó, bỗng lão kêu đau nhức suốt đêm. Lão nằm co li bì mấy hôm liền không nhúc nhích, kế đó, lão bị tê liệt hẳn.

 

Lão còn nhớ rõ rằng lão mắc phải bệnh phong thấp vào khoảng năm 1945. Năm 1929 thì rớt bằng primaire đi bộ hàng chục cây số đường đến Sông Cầu học lại ở một lớp tư cạnh trường công lập, rồi quan Pháp cấm, phải dời ra tận Bình Định, xuống mãi dưới Cảnh Hàng; một năm trời lận đận mà cũng chẳng hề hấn gì. Năm 1930 thi đậu, học Đệ Nhất niên trường Võ Tánh ở Quy Nhơn mà phải ở mãi trên Diêu Trì mỗi sáng bám theo chuyến xe lửa sớm xuống Quy Nhơn ăn sáng, đi học, cũng khỏe như đi chơi. Hồi đó ở Quy Nhơn lộn xộn hoài, báo động luôn, điện tắt thường trực nên học xong năm Nhất niên, lão phải quay về làng xin một chân hương sư dạy học. Coi thử, lương tháng hồi đó chỉ lãnh được 12 đồng, rồi lên 15 đồng cũng sống dư dật, nhàn hạ. Nói cho đúng, nhà lão cũng còn được nhiều ruộng, nhiều bò. Có thể nói, gia đình lão nổi tiếng giàu một vùng. Tới lúc Việt Minh đứng dậy nắm chính quyền, lão còn dạy học thêm một thời gian nữa. Hồi đó lão đã gặp bà Truyền, có một đứa con – thằng Mạch. Chừng nhận được lệnh nghỉ, phải đi học tập ba tháng, lão bỏ luôn nghề dạy học. Những người thuộc giai cấp địa chủ, phú nông, tiểu tư sản như lão, có học tập rồi cũng bị sa thải, (lão nghe một người bạn làm thanh tra khu nói vậy), nên tính chuyện nghỉ trước cho yên. Những năm ở nhà cày ruộng, lão bắt đầu mắc phải bệnh phong thấp. Bắt đầu bằng những cơn đau sơ sài, đốt xương sưng đỏ: cơn đau nhức thay đổi theo từng đổi thay của thời tiết. Lâu dần, người lão như một cái máy đo lường thời tiết, đo lường sự thay đổi đột ngột của tiết trời. Tới mùa lạnh, những cơn đau kéo dài, dò dẫm di chuyển theo từng đốt xương. Có lúc lão nghe như cơn đau nhức có đủ chân, đủ que càng rục rịch ngọ ngoạy, ngặm nhấm các khớp xương lão. Đó là những ngày mùa mưa một mình ngồi co ro trên vọng gác ngoài bãi với cái mõ, chiếc gậy dài, cuộn dây dừa, canh chừng tàu thủy đổ bộ. Chiếc áo tơi lá kè không sao che nổi được những trận gió ào ạt, những cơn mưa rậm rật kín mít suốt đêm. Thêm vào đó những con sóng to nổi dậy, hung hãn mon men bò sát vọng gác muốn cuốn phăng cái chòi tre cao lêu nghêu; khiến lão sợ hãi, không thể nào chịu được. Bà Truyện biết vậy, gịuc lão đi xin một chân dạy ở lớp Bình Dân Giáo Dục cho khỏi gác; lão làm đơn, nhưng vẫn không được gọi dạy. Lão lại sợ những cơn gió, bóng tối, nước mưa, con sóng, cơn nhức, và những bận nhảy ào từ vọng gác mà chạy khi có những đợt súng từ tàu nả vào bờ đã có hôm, vì những cơn mưa mù mịt, những con sóng cao ngất khiến lão không trông thấy gì ngoài khơi, tới chừng tàu thủy vào gần, bắn súng đổ bộ, lão mới vừa chạy vừa đánh mõ loạn xạ trong bóng tối.

 

Những mùa mưa kinh hoàng, ray rức như vậy rồi cũng qua, tới một hôm cuối thu, lão nghe thân thể ê ẩm, đốt xương chân tay sưng đỏ hẳn lên, không cử động được: Lão mới nghĩ tới chuyện đi cấy Phi lô tốp ở một bệnh viện xa tít mãi trong hốc núi. Lão đã đi cấy cả thảy 12 lần, lần nào cũng vượt ghe dọc sông Cái đi bộ một ngày đường, leo mấy đợt dốc, suýt bị máy bay bắn chết. Hai giờ chiều mang mấy lon gạo ra ghe; chèo ghe dọc bờ sông; giòng sâu hút nước xanh um rờn rợn; qua đập nước xoáy cao nhiều lần ghe chòng chành suýt đâm mũi vào những lùm cây, tảng đá; nước mênh mông những ngày mưa gió; buổi chiều vắng vẻ thê lương; qua Gò Chai đi bộ tới Xuân Sơn; núp máy bay oanh tạc; vào núi; leo dốc; chui vào hốc đá: Mười hai lần đã khốn khổ như thế nhưng những cơn đau nhức vẫn không chịu lùi, buông tha cho lão.

 

Và chúng bám sít lão cho tới ngày đình chiến: Hết giặc giã, hết tản cư, hết canh gác, hết đói khổ. Sẵn ruộng, lão bán dần để đi tầm rễ mọi, gạt nai, dao hổ cốt, dao khỉ đột, cho tới đủ thứ thuốc Bắc, thuốc Tây. Thứ nào cũng chỉ giúp lão yên được một thời gian rồi những cơn nhức lại trở về giỡn cợt, phá rầy lão. Tuy vậy, để giúp vợ lo ăn cho bầy con khi số ruộng bò mỗi ngày một hao hụt, lão xin đi dạy học trở lại.

 

Khi nghe tin vợ chết tình cờ lúc chèo ghe chở đầy dừa qua sông, lão từ Củng Sơn bỏ dạy trở về. Đó là cơ hội thực xót xa cho ý định bỏ nghề đã có trong đầu lão từ khi nhận tờ sự vụ lịnh đổi lên tận miền núi rừng độc địa hiểm nguy này có dịp thực hiện. Đó cũng là lần lão đã không cưỡng lại được những ấm ức, buồn tủi đã nuôi giữ bấy lâu trong lòng: Lão chạy thẳng vào văn phòng ông Ty Trưởng để xin nghỉ việc. Lão nghĩ, chỉ có vậy lão mới thực sự yên ổn, thực sự rảnh rang với giấc mộng gần gũi gia đình. Những cắn răng cam chịu của lão trước đây đã càng làm cho giấc mơ đó xa rời lão. Nhưng bây giờ, Hữu ơi, Nguyên ơi, Minh ơi, Yên ơi hãy lại đây…

 

Hữu sống với lão đâu được hai năm thì có chồng. Nàng theo chồng lên cao nguyên sinh được thằng Duỗn, rồi năm sau, như những trường hợp thông thường khác, nàng trở về tay bồng con, tay lau nước mắt. Việc xảy ra nhanh chóng, và giản dị như thế, nhưng đã bắt đầu cho mọi nỗi gian truân, khổ ải với Hữu. Chiếc khăn tang trắng trên đầu nàng như một cái vòng oan nghiệt chụp giữ, dày vò, biến đổi nàng tiều tụy, khác lạ với ngày nào thướt tha con gái. Còn lão Truyện, lão ngẩn ngơ ra vào, than vắn thở dài mỗi khi nghĩ tới số phận của thằng Nguyên, con Minh; mỗi khi nhìn thấy nét mặt dàu dàu xanh mướt của con, của cháu. Từ đó, Hữu hứa với lão Truyện rằng, nàng sẽ ở mãi cạnh lão như hồi còn nhỏ. Thiệt mà, con sẽ ở luôn bên cha suốt đời. Giọng nói vỡ ra, như những xót xa không thể kìm giữ. Như tiếng khóc nấc dài mỗi đêm trong buồng tối. Nghe lời con, lão Truyện nghe rưng rưng buồn. Buồn là buồn cho cuộc đời con gái dang dở, lao đao của nó. Buồn là buồn cho ngày vui hạnh phúc con quá ngắn ngủi. Buồn là buồn cho nỗi cay đắng sau này không biết đời nó sẽ ra sao ? Lão nghĩ, thời này, con gái có chồng như chuốc lấy vào thân thêm nỗi khổ. Trước mắt lão, như con Huyện ngày nào còn theo sau lão Cư vãi từng nắm hạt bắp, còn đứng trên chiếc bừa nhìn cặp bò kéo mà cười: Nay mòn mỏi lam lũ với đàn con bốn đứa từ khi thằng Can ra đi như cá rơi giữa biển. Như chim vuột lên trời. Nếu thằng Mạch không chết trong chuyến đi dân công năm nào, nó đã ưng con Huyện cho gần nhà, gần cửa rồi. Hai đứa đã thương nhau quá đỗi, nhưng số trời đã buộc, làm cách nào được? Đoàn dân công vừa ra khỏi làng bị máy bay Pháp bắn tả tơi, chính con Huyện đã réo gọi lão từ ngoài đồng. Từ ngày đó tới bây giờ, từ cái chết của thằng Mạch, sự ra đi của thằng Can, sự mất tích của thằng chồng con Hữu; thời gian thực xa cách như từ một cõi mộng. Lần nào nghĩ nhớ lại, lão cũng thấy thực ngơ ngác, và nôn nao buồn. Lão ngày xưa: Sung túc, vợ con đầy đàn. Lão bây giờ: Vợ chết, con gửi nuôi xa, bệnh tật túng quẩn. Hai tiếng “ngày xưa” bao giờ cũng làm lão thấp thỏm buồn.

Lão giáo Truyện quay mặt vào vách, nằm im. Một lát lão lại quay trở ra, nhìn lửng lơ trên nền trời. Có lẽ đã chiều? Sao con Hữu và hai đứa nhỏ không thấy về? Gió thổi siết, mây chập chùng dày hơn ở phía núi. Lão quay mặt vào vách, đưa tay đẩy nhẹ tấm liếp cửa sổ: Những cây tre xơ xác, ủ dột. Nhìn những thân tre oằn oại, xác xơ, trụi lá, lão biết trong giấc ngủ mưa gió dữ tợn lắm. Phía sau những thân tre ngã nghiêng im lìm, bầu trời xám ngắt, u tối. Mưa gió vẫn còn âm ỉ trong những đám mây, hơi lạnh ẩm ướt thổi hắt vào mặt lão. Nhưng lúc này, sự yên tĩnh rũ rượi của những cành tre vắng ngắt tự dưng khiến lão buồn. Buồn mông lung. Buồn lâng lâng xốn xang lòng dạ. Lão chợt thở dài, nghĩ tới sự có mặt của Hữu, của Huyện, và mấy đứa con gửi nuôi đằng nhà người bà con ở tỉnh.

 

Dù có tấm áo mưa nhưng về thấu nhà thì ba mẹ con Hữu ướt mèm. Thằng Duỗn, thằng Ngung đứng tê cóng trên hiên, tay chân run rẩy. Hai môi nó thâm hẳn, răng đánh cầm cập. Thằng Duỗn mở to đôi mắt trắng dã nhìn em ngơ ngác. Chiếc áo đứt nút sổ bung ra phơi trần cái bụng tròn, cũng trắng bệch. Hữu móc áo mưa lên mái hiên, chưa kịp gỡ những lọn toc rũ ướt sũng nước chảy dài xuống ngực, lưng; nàng bồng thằng Ngung vào buồng, lau chùi, thay áo. Thằng Duỗn lẫm đẫm theo sau Hữu, liếc ngó vội vàng về phía giường lão Truyện. Hình như lão Truyện đã ngủ lại? Những tháng mùa nắng, lão ít khi ngủ được như mùa này. Chuyến về nào, cũng nghe tiếng lão hỏi, con Hữu và trẻ nhỏ về đó phải không; từ khi có những cơn mưa, lão thường ngủ li bì, không màng giờ giấc. Từ ngày Hữu trở về, từ ngày lão đóng hẳn căn nhà lá mái làm nơi dạy học tư, Hữu đã sắm được một căn hàng nhỏ ở ngoài chợ. Căn hàng, gia tài, sự sống của nàng chỉ thu gọn trong hai chiếc bầu hằng ngày chín giờ sáng mở ra, và bốn giờ chiều đóng lại. Buổi sáng lo cơm nước cho lão Truyện xong xuôi, nàng bồng hai tay hai đứa con ra chợ. Đặt con ngồi dưới thềm, chạy đi gánh đôi bầu gởi đằng nhà bà Huệ, tháo những lằn dây ràng, dọn từng món hàng lên mặt sạp, ngồi trông chờ từng người đi lướt qua mặt hàng. Khu chợ vắng teo, trống trải. Chợ chỉ nhóm đông có một lát trưa., xế chiều đã vắng. Lão Truyện khi nghe con nói về chợ búa, buôn bán ế ẩm, thường thở dài, cười: Chợ chiếc gì mà người ta chỉ có một nhúm, bỏ đủ hai chiếc bầu? Riêng Hữu, dù biết vậy, cũng không thể bỏ một buổi chợ nào cũng như những người ngồi cạnh. Có hôm, chỉ tới để ngồi ru con ngủ, nhìn lên ngọn đồi chói nắng, nhìn ra cánh đồng quạnh hiu; nhưng cũng có hôm bán được nhiều món hơn khi có đám lính dừng chân nghỉ lại. Từ ngôi chợ, nàng cũng rất thường trông chừng về xóm nhà lẻ loi giữa đồng có những cây dừa cao lặng lẽ, những lối cỏ phủ ngập mênh mông. Nơi đó, tuổi nhỏ nàng đã lớn nên náo nức, tuổi lớn nàng đã dừng lại âm thầm. Trong mái nhà cô độc khuất lấp mấy cành tre kia, nàng không còn ai ngoài người cha già bệnh tật, hai đứa con nheo nhóc trên tay. Và thường đêm Thế trở về với những tiếng gõ cửa gấp gáp. Đêm Thế mò đến gõ cửa lần đầu với hai người đàn ông lạ hoắt từ bên kia núi, từ bên kia sông, từ bên kia cồn cát làm nàng khiếp hãi.. Thế rất đỗi giống người chồng đã biệt tích của Hữu: Buồn bã, lặng lẽ, thèm muốn. Mối tình vụng trộm của nàng và Thế kéo dài tới mấy tháng mà lão Truyện không hề hay biết gì. Tới lúc Hữu biết chắc rằng nàng đã có con với Thế, nàng thú thiệt với cha. Nghe xong, lão cười: Ừ, con thương ai thì cứ thương. Mấy tháng sau nàng đẻ thằng Ngung, đứa con thứ hai của nàng.

 

Có một hôm Thế trở về muộn giữa lúc nàng đang ngủ say lão Truyện phải gọi giật nàng dậy. Trở ra, nàng mới biết Thế đã đứng đợi ở ngoài cửa rất lâu. Lần đó, đêm đó. Thế mới dạn dĩ hỏi lão Truyện: Bác vẫn còn thức sao? Lão Truyện trả lời tỉnh khô: Buồn quá, làm sao mà ngủ yên được cháu? Thế ngồi yên đợi lão Truyện, nhưng vẫn thấy lão im lặng, theo Hữu vào buồng.

Nghe tiếng Hữu và Thế rầm rì, thằng Duỗn lên tiếng ráo hoảnh:

-Ba về, ba về hả má ?

Hữu ghé xuống tai con, nói nhỏ:

-Ừ, ba về đó…

Duỗn hỏi:

-Ba đi lính hả má ?

-Ừ .

Duỗn vùng ngồi dậy, tiếng nói trong vắt giữa đêm thanh, tịch mịch:

-Ba có mang súng về không má ?

-Không …

Thế cười bên Hữu:

-Thôi, ngủ đi con.

Duỗn nghe tiếng lạ, hỏi tiếp:

-Sao ba đi lính hoài không ở nhà hả ba ?

Thế trườn tới ngồi cạnh Duỗn, nựng vào má thằng nhỏ:

-Nằm xuống đi, ngủ đi con khuya quá rồi, ngủ còn sáng đi chợ với má nghe…

Thế đặt Duỗn nằm xuống ngay ngắn, hôn phớt lên trán nó và hôn lên ngực thằng Ngung đang say sưa ngủ, kéo Hữu ra chõng.

 

Chuyện giữa Thế và Hữu chỉ có Huyện biết rõ. Có chiều tối nào mà Huyện không bồng con dắt con qua đây đâu? Trong con xóm cheo leo giữa đồng này, chỉ có nhà Huyện là gần gũi. Thêm vào đó, những ngày thơ dại xưa của Hữu và Huyện như đã gắn bó, an ủi được cho cả hai lúc cùng cảnh ngộ. Khi vui  chuyện, Hữu vẫn thường nhắc tới anh Mạch với Huyện. Những nhắc nhở rời rac, vu vơ như thế, cũng đã làm cho Huyện xao xuyến, bâng khuâng. Và cũng đã giúp Hữu thấy gần gũi, thắm thiết hơn với Huyện. Đôi lúc Hữu nghĩ, nếu vắng Huyện, chắc là nàng sẽ ray rứt, buồn bã lắm bởi ngoài những bận ngồi nói chuyện nhà cửa, ruộng vườn xưa với cha; những giờ phút ái ân bên Thế; nàng còn cần có những giải tỏ chia xẻ với Huyện nữa. Những điều không thốt lộ được với lão Truyện, những lo nghĩ không nói ra được với Thế, nàng đã ngồi bên Huyện hằng giờ. Chẳng hạn như mới tuần trước đây, người cảnh sát trên xã có tới hỏi nàng về Thế, nàng lặng điếng người. Cơn sợ hãi, buồn khổ giống như lúc được tin người chồng bị mất tích trong một trận đánh trước đây ở Pleiku. Những câu hỏi dồn dập, lúc êm ái quyến dụ khi nóng nảy đe dọa, đã khiến nàng sửng sờ, bủn rủn. Đến lúc đó, nhờ lời kể của người cảnh sát, nàng mới rõ về Thế: Nguyễn Văn Thế, 26 tuổi, cha chết, mẹ chết, thoát ly năm 1967, tổ trưởng du kích, trưởng mũi. Cô có quen với người đàn ông đó không? Người đàn ông nào? Không, không, tôi không biết tên Nguyễn Văn Thế thoát ly năm 1967, tổ trưởng du kích, trưởng mũi. Tôi là Trần Thị Hữu 24 tuổi buôn bán…

 

Mưa đổ rầm rập ngoài trời, gió gào trên những đọt tre lẽo kẹt. Căn nhà tối sầm xuống, lạnh băng. Hữu nhìn cha, vẫn thấy lão ngủ yên lặng. Bấy khi, ở chợ về tới sân đã nghe lão lên tiếng, nói chuyện. Đã nghe lão gọi thằng Ngung, thằng Duỗn vào cho ông ngoại biểu một chút. Có tiếng nói của lão đón chờ, Hữu bớt thấy căn nhà trống trải, vắng vẻ. Vắng tiếng lão nói năng, Hữu tự dưng thấy mình bơ vơ, lạc lõng lạ kỳ. Nàng sẽ sàng bước tới cạnh giường lão Truyện : Cha, cha, cha còn ngủ à ?

 

Lão Truyện vừa thức dậy được một lát, thì Huyện bồng đứa con nhỏ nhất chạy ào vào nhà như bị gió thổi. Trên tay, Huyện cầm theo một cái chén. Có lẽ Huyện lại sang xin mắm cơm ? Lão Truyện hỏi chén mắm hôm qua đã ăn hết chưa, Huyện ? Dạ hết, sang xin một ít nữa, Hữu ở nhà bếp chạy lên, cười, thiếu gì dưới kia, cứ qua mà lấy nghe chị ? Huyện cười theo, không nói. Mớ mắm cơm rẻ mạt của buổi chợ chiều vắng khách Hữu quơ về, rửa lại, rải muối hột, mười hôm sau giở ra đỏ lòm, thơm phứt. Ăn thử một con mắm đầu tiên, Huyện đã trầm trồ khen ngon, khen ngọt. Nàng bảo lâu quá, mới ăn lại con mắm cơm thơm lựng này. Hữu đã định bụng lúc chén mắm của Huyện vừa hết, nàng sẽ mang qua chén khác. Nhưng Hữu chưa kịp mang mắm qua thì Huyện đã bưng chén lại. Sự gần gũi chân thành giữa Huyện và Hữu tự nhiên, nhỏ bé như thế. Nhiều hôm, Huyện mang qua cả dĩa rau dền luộc xanh um, hay tô canh cá nấu chua bắt lão Truyện phải ăn cho hết. Những chia xẻ “chén mắm, dĩa rau, tô canh, trái bí, bát gạo” đã đem lại thực nhiều an ủi cho hai gia đình, hai cảnh đời lận đận, tối tăm. Lão Truyện vẫn thường thở dài, nói trước mặt Hữu và Huyện: Ở đời lũ bay ăn ở với nhau sao cho có lòng là được. Những câu “ăn ở sao cho có lòng” được lão Truyện lập lại nhiều lần những lúc khuyên dạy Hữu, và lũ con.  Theo lão, trên đời, không gì hơn “một tấm lòng”. Gần tàn một đời người lão chỉ học và nhớ được có bấy nhiêu.

 

Huyện còn đứng ở hiên rụt rè nhìn màn mưa giăng mù, lão Truyện nói vọng ra:

-Nè, mày đợi mưa ngớt một chút, đi vậy thằng út nó đau thì khổ lắm…

Huyện cười:

-Biết lúc nào ngớt mưa, bác? Mùa này mưa lèm nhèm vầy tối ngày, đợi dứt mưa lũ nhỏ ở nhà chúng khóc hụt hơi hết…

Lão Truyện im lặng, nghĩ tới ba đứa nhỏ còn lại của Huyện chắc đang ngóng đợi lắm. Tiếng sấm nổ lớn ở dãy núi, rền vọng đi, kéo dài ghê rợn. Sau những làn chớp lóe mắt, Huyện quay vào chỉ kịp nói, con về bác, rồi bước nhanh xuống bực hiên, cắm cổ chạy. Mưa ào ạt xối lên người hai mẹ con Huyện. Lão Truyện cố nhìn theo, bóng Huyện mất hút, chỉ còn lại trong trí lão một bóng dáng con Huyện ngày nào đi sau luống cày rải từng nắm hạt bắp.

 

Ăn hết bát cơm của Huyện mang tới, lão nhìn vơ vẩn ra sân: Mưa. Còn gần hai tháng nữa cho những hạt mưa chảy xiết. Hai tháng, sáu mươi ngày, một ngàn bốn trăm bốn mươi giờ mưa rả rích mưa dai dẳng, mưa tăm tối, mưa lạnh lẽo, mưa ướt át, mưa buồn tênh như chiều nay. Lão soi từng tia nhìn chung quanh: vách tường, bàn thờ, bàn ghế, chõng tre, móc áo, chiếc tủ, tấm tranh, câu liễn, cột hiên. Lão dừng lại, nhìn đăm đăm nơi chiếc trống treo lủng lẳng ở đầu hiên nhà. Chiếc trống lủng. Chiếc trống nhện giăng, bụi phủ. Chiếc trống im lặng. Chiếc trống đã chết. Nhìn sửng sờ vào chiếc trống đã phế bỏ, tự dưng lão nhớ tới những ngày còn đi dạy quá đỗi. Tiếng trống xôn xao mỗi sáng sớm, mỗi chiều vàng, như bừng dậy rộn rã trong đầu lão. Những ngày yên thân ở Đông Phước, những tháng buồn bã ở Củng Sơn, những năm âm thầm dưới mái hiên nhà bên đàn trẻ đen điu, lam lũ; tất cả những âm vọng đó trôi dần qua trí lão, réo gọi bên tai lão với thực nhiều nuối tiếc, xót xa. Ta bây giờ, như chiếc trống mục đầu hiên đâu còn âm vang của những sớm, những chiều giục giã hân hoan ? Bỗng lão nhắm nghiền đôi mắt, nghe những giọt nước mắt nóng chảy ròng trên gò má khô.

 

Lão nhớ tới hôm mẹ con con Hữu ra đi: Hữu bần thần, xanh xao, run rẩy, tay bồng thằng Ngung, tay dắt thằng Duỗn tất tả theo sau hai người lính ở trên quận. Lúc quay lại nói với lão, Hữu bật òa lên khóc, tiếng nói nghẹn lại, nét mặt ngỡ ngàng, thưa cha con đi. Thưa cha, con đi. Ồ, con đi đi, con đi đi, lão chợt sụt sùi khóc theo Hữu như lúc khóc chôn Mạch ngày nào. Sau đó, lão ngủ thiếp đi, với nhiều cơn mộng dữ.

 

Từ ngày vắng Hữu, Huyện mang cơm sang mỗi bữa cho lão. Những bát cơm nóng hổi tựa có nước mắt lão, nước mắt Huyện, nước mắt Hữu chan hòa. Những bát cơm vắng vẻ, hiu quạnh, như thu góp hết mọi nỗi quạnh hiu, sầu thảm của đất trời. Lão đã ăn âm thầm, lão đã khóc âm thầm. Đời già vắng con, vắng cháu, hỏi có lúc nào buồn hơn ? Lão lại rưng rức khóc mỗi bận ngủ dậy, nhìn dáo dác khắp nhà, gọi “Hữu ơi, con ơi,” mà không hề nghe tiếng đáp.

 

Tiếng cây đổ sau vườn gọi giật lão dậy: Trời tối mịt. Ngọn đèn nhỏ lúc chiều Huyện thắp đã tắt từ hồi nào. Gió thổi ào ào từng cơn qua mái hiên, thốc vào, lạnh ngắt. Nằm bất động, lão lắng nghe từng luồng gió xào xạc rít qua, âm u trên không những cành cây bị siết gãy, hay tấp lên mái nhà nghe rõ từng tiếng, chuyển động. Lão mở mắt ra: Trời tối mịt. Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng cây đổ rầm rập, mỗi lúc mỗi dữ tợn. Có lúc lão nghe căn nhà lay chuyển, cột nhà kêu kèn kẹt, kèn kẹt như muốn nhốm dậy, cuốn phăng theo luồng gió mạnh. Có lẽ bão ? Chắc phải có bão, lão nghĩ vậy, và nhắm mắt lại. Lão nhớ rõ hôm tháng 7, tháng 8, đâu có trận Nam nào. Bấy năm, tháng 4, tháng 5, đã có gió Nam ngợp trời, thổi tróc mái nhà, thổi bay nón, mũ. Năm này, tuyệt nhiên gió Nam không về: Trời nóng bức, oi nồng lạ thường. Vài ba cơn gió khô chỉ làm cho mùa hè khô cháy thêm. Đợi mãi gió Nam tới tháng 8 không thấy, lão nghĩ bụng, sợ hãi mùa mưa sẽ có bão lớn.

 

Gió chuyển động dữ dằn hơn, kéo bay tấm liếp cửa sổ, thổi tung mấy đợt tranh sau hè. Gió. Gió. Gió. Có lẽ bão ? Căn nhà tối om. Đất trời tối om. Lão nghe hơi thở bỗng yếu hẳn, nhịp tim dồn dập, phập phồng. Có một cái gì vừa rã tan dần trong lồng ngực lão: Lão nghe mệt ở ngực. Gió. Gió. Có lẽ sắp bão. Lão rùn mình nhắm kỹ đôi mắt lại, có ý mong đợi một cơn bão ngợp trời đến cho cuốn trôi lão, cuốn trôi đất trời …/.

 

Năm 1970

Mang Viên Long
Số lần đọc: 2462
Ngày đăng: 11.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Kịp không - Giản Tư Hải
Lão Dậu tò he - Nguyễn Chính
Thầy thuốc búi tó - Khôi Vũ
Dòng sông chảy quanh - Lê Trâm
Giải thoát - Triệu Thế Việt
Cuộc cờ lều Ngộ Vân - Trần Hạ Tháp
Thần nông lên đồi - Khôi Vũ
Cô giáo mầm non - Đỗ Ngọc Thạch
Người lưu giữ bản thảo - Mang Viên Long
Bi hài biên tập - Nguyễn Hồng Nhung
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)