Tôi có mấy lần được Hòa thượng Tịnh Như, trụ trì chùa Viên Giác, mời đến uống trà.
Hòa thượng trụ trì là người yêu thơ, có sáng tác mấy tập thơ đượm vị thiền. Tôi yêu hai câu thơ dịch của ngài:
“Trời xanh bát ngát mây vương núi
Hồ biếc êm đềm nước động trăng”
Nguyên văn chữ Hán cùng thủ bút của tác giả khắc trên tam quan chùa cổ Viên Giác nay vẫn còn:
“Nguyệt hạ bất xao kim tỏa đoạn
Sơn tiền chỉ nhậm bạch vân phong”
(Hòa thượng Bích Liên - Chủ bút Tạp chí Từ Bi Âm, trước 1945)
Có lần, chủ khách uống cạn mấy ấm trà, ngài hứng khởi hỏi tôi:
-Ông giáo nè, ông có chịu với tôi là thơ văn viết về thú uống trà nhiều lắm và có nhiều bài hay?”.
Tôi liền đáp:
-Dạ thưa ngài, trong Truyện Kiều danh tác, Nguyễn Du đã viết hai câu thực hay:
“Thiền trà cạn nước hồng mai
Thong dong nối gót thư trai cùng về “
để tả cảnh Hoạn Thư dẫn Thúc Sinh về nhà sau khi hai người đã dùng trà xong tại Quan Âm Các, do Thúy Kiều thiết đãi, và để lại cho Thúy Kiều thêm một nỗi kinh hoàng nữa. Nhà văn Nguyễn Tuân viết tùy bút Những chiếc ấm đất tài hoa lắm.
Hoà thượng tơ mơ, gật gù:
-Theo tôi nghĩ, việc uống trà ở nhà chùa chúng tôi được gọi là “thiền trà” có lẽ kể từ đó. Còn ông nhà văn viết tùy bút kia là bực văn tài, lại sành điệu uống trà, có thể xếp vào hàng đệ tử của “Trà đạo”. Tôi yêu biết mấy bài thơ Qua áng hương trà của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
“Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ
Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ
Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm
Ai biết mình sen rụng xác xơ”.
Đến khổ kết của bài thơ thì “nên câu tuyệt diệu” giàu ý nghĩa nhân văn, thức tỉnh ta quay về với Tâm không của nhà Phật, ông giáo nhé:
“Nâng chén mời anh thưởng vị trà
Đừng quên tan tác mấy đời hoa
Cạn từng hớp nhỏ cho Sen đượm
Vớt lại trần ai một chút Ta”.
Nhân ngài dừng lại nhấp ngụm trà, tôi hầu chuyện tiếp:
-Thưa ngài, Quách Tấn còn có bài “mời bạn chén trà đưa tiễn”.
Ngài hỏi tôi:
-Có phải ông giáo muốn nói bài Động hoàng hôn đấy chứ? Rồi ngài cảm khái đọc bài thơ và kèm theo lời bình:
“Hương trà chưa cạn chén hàn ôn
Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn
Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển
Gác chuông thành cổ động hoàng hôn”.
Tiễn người ra đi bằng một tiệc trà như thế, tôi chắc là người đi hương trà còn bay theo người mãi, cho tới khơi xa. Và tôi cũng cho rằng ông nhà thơ cũng cắc cớ. Tại sao không làm cuộc tiễn bằng rượu như thông lệ mà lại bằng trà?
Hương trà đang còn thoảng, Hoà thượng vẫn xắn tay áo tràng rót “chén tống chén quân” mời tôi. Tôi tiếp lời ngài:
-Thi nhân xưa nay, thơ với rượu đi kèm là thông lệ, cho nên ông Tản Đà mới viết: “Không thơ không rượu sống như thừa”. Ông Quách Tấn đã cắc cớ tiễn người ra đi bằng trà mà ông bạn thơ thân thiết của ông cũng không kém:
“Chè đọt đang kỳ điểm lá ba
Giọt sương lách tách cửa song nhòa
Thơ ngồi suốt buổi không ra tứ
Cháu đã đun tràn ấm nước pha” (Yến Lan).
Hòa thượng Tịnh Như, trụ trì chùa Viên Giác, nay không còn nữa, chắc là ngài đã về cõi của Như Lai, nhưng cái phong cách uống trà, cái dáng đi nhẹ thênh như mây như khói và cái hồn yêu thơ của ngài thì tôi không thể nào quên cho được./.