Nhà thơ Phan Văn Quang Phân hội trưởng phân hội Văn học ,Hội VHNT Quảng Trị đã xuất bản nhiều tập thơ riêng và chung tôi đọc thơ anh cũng khá nhiều từ các tập Ta ôm một nửa đời luân lạc,Mưa nắng quanh đời đến các tập thơ,tuyển thơ in chung và trên các Tạp chí...Một năm nay tôi lại được đọc thường xuyên thơ anh hơn qua trang phanvanquang.vnweblogs.com
Năm nay tôi may mắn lại được đọc tập thơ mới của anh "Dấu mùa se lạnh" do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành tháng 7 năm 2009. Tập thơ gần 100 trang gồm 72 bài
Đọc "Dấu mùa se lạnh" tôi càng thấy chất thơ lãng đãng của anh như chính con người anh vậy.anh như chú dế lang thang miền thảo nguyên mùa khô hạn nhưng vẫn dâng đời những khúc hát vô ưu,hòa âm vào bản giao hưởng ngọt ngào hương hoa cỏ.Chất lãng đãng trong thơ anh cho người đọc một cảm nhận rất thực ,hình ảnh thơ, rất đời từ góc nhìn thật hào hoa nên cũng chính điều này đã làm cho những vần thơ anh thăng hoa
Quán đời
Mưa nắng
Liêu xiêu
Thương câu thơ gửi trăm điều
sẻ chia
(Quán đất)
Ta thấy cái quán đời của anh liêu xiêu dãi dầu mưa nắng nhưng anh thương cho câu thơ và gửi biết bao điều chia sẻ,cái thật đã được biểu đạt ở khổ thơ trên rất rỏ nhưng đây cái lãng đãng từ hồn anh bắt đầu buông vào khổ thơ này
Một màn sương mỏng ngoài kia
Mùa xuân
Hoa dại đang chìa môi hôn.
(Quán đất)
Mùa xuân trong thơ anh mơ màng ngái ngủ từ một làn sương mỏng,từ cái chìa môi hôn của hoa dại với góc nhìn thi sỹ lãng đãng như anh mới thấy nụ hôn của hoa dại tuyệt vời thế này. Cũng góc nhìn như vậy mới có một tháng giêng non ngơ ngẫn ấm lòng
Và em đến - thắp lòng nhau lửa ấm
Mùa xuân lành ngơ ngẩn tháng giêng non.
(Ngày cỏ nhớ)
Hay cái quan niệm về thời gian và mùa xuân lãng đãng như thế này, mùa xuân không già, không trẻ nữa chỉ có mùa xuân đến mà thôi
Mùa xuân không còn trẻ nữa và không già đi.Mùa xuân đang tới .
Sự trầm tỉnh không dưng mà có, tình yêu không dưng mà xanh, nỗi buồn không dưng mà lắng. Soi gương thời gian tóc bạc trắng trên đầu.
(Không dưng mà rét ngọt)
Và cũng chính cái nhìn lãng đãng của anh mà những câu thơ của anh như chợt nhòa, chợt hiện,lúc vu vơ như chẳng biết mình về đâu.Về đâu những áng mây cuối trời phiêu linh vô cớ...Có thật vô cớ không?
Dễ gì qua mà để lại sau lưng
Nhắm mắt thử - vật vờ ngày thu cũ
Mở mắt ra - bóng mây trời vần vũ
Là thời gian ngưng lại ở trong nhau
(Thời gian ngừng lại)
Dù tháng năm vần vũ, dù kiếp đời tất bật bon chen, tâm hồn thơ của anh vẫn dạt dào,những vần thơ vẫn chảy, chảy theo mạch nguồn tưởng như vô định nên thơ anh lúc ta nghe như lên thác xuống ghềnh, lúc như dòng sông âm thầm xuôi về biển cả và có lúc nghe như như bản tình ca réo rắt giữa bát ngát mây trời nhưng cái chất lãng đãng của thơ anh cứ vẫn như một thứ gia vị độc đáo tạo ra một món ăn riêng và rất riêng không lẫn vào đâu
Đời vẫn thực cuống cuồng ôm mộng ảo
Ngả ngớn lòng tóc chớm bóng mây bay
(Vội chiều tóc úa)
Hay những câu thơ này
Ủ lá nhiều năm để dành lót ổ
Đêm dài trăn trở nhợt nhạt câu thơ
...
Ủ lá mùa đông không chừa chổ thở
Vùi mình trong cỏ - cỏ rối như tơ
(Ủ lá)
Có phải chăng cái lãng đãng một đời của anh nên nó luôn hiện hữu trong những vần thơ của anh, Viết về quê hương anh cũng vậy
Mắt nheo nắng dậy qua ngàn gió
Thèm nhìn gốc chuối - mảnh vườn xưa
(HƯƠNG QUÊ)
Anh thèm nhìn dù chỉ là một gốc chuối vườn làng mà thôi hay như anh muốn thả câu thơ trên cánh đồng làng với vị mặn mồ hôi với ngọn gió Lào khô khốc nhưng vẫn khát khao miền cỏ mởn,chính sự khát khao miền cỏ mởn trong câu thơ này đã làm chúng ta hiểu hơn về chất lãng đãng trong con người anh
Tôi về thả câu thơ trên cánh đồng làng - vị mặn giọt mồ hôi - nồng nàn
ngọn gió Lào khát khao miền cỏ mởn
(VIẾT CHO NGƯỜI CÓ TUỔI)
Hay qua chuyến hành phương Nam những câu thơ nhặt vội dọc đường của anh cũng vậy,hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ vẫn hoang dã, khói sương cái nhìn của anh vẫn thật độc đáo ví như anh nhìn hoa Dã quỳ và thông trên đường lên Đà Lạt như thế này
Muộn mùa quỳ nở le te
Nhuốm hương hơi núi đủ hoe sắc vàng
Mệt chiều thèm gót lang thang
Lêu nghêu thông đứng xếp hàng đợi nhau
(Chiều phố núi)
Và trên đường về miền Tây cái vô tư ngất nghểu một cách hồn nhiên với cái tuổi U 50 được anh viết "Vang cười rung tuyến cái thằng vất vơ" trong khổ thơ này
Đường dài lắm chuyện xa xăm
Vang cười rung tuyến cái thằng vất vơ...
Già đời cứ ngủ và mơ
Câu thơ chưa tỉnh Cần Thơ xa rời...
Hay lúc ghé thăm Bình Định say nồng tình cảm với mảnh đất thượng võ cái lãng đãng được anh thể hiện trong chữ"liều với trăng"
Kim long, Bàu đá cầm tay
Trộn hai lửa rượu chạm ngay buổi chiều
Đất trời chếnh choáng liêu xiêu
Trăng gieo đỉnh tháp ta liều với trăng.
(LỤC BÁT HÀNH PHƯƠNG NAM )
Còn tình yêu thì sao? Người thy sỹ nghĩ gì, viết gì? Với tình yêu anh có một tình yêu thiết tha say đắm, bao dung nhưng có vẻ như một gã khờ lững thững đi trong mưa...
Sẽ là gã khờ nếu không yêu em
Vì lẻ đó anh là người được chọn
Chiếc dép phơi lưng thương người dễ ốm
Ngửa mặt nghênh đời áo gió phong phanh
(CÙNG MÂY TRỜI PHIÊU LÃNG)
Tình yêu,hạnh phúc trong thơ anh cũng không giống ai,tất cả đều có sự mơ màng như cơn ngái ngủ,cơn ngái ngủ thật dễ thương
Nếm hạnh phúc chia tình anh một nửa
Ngậm vào môi chiếc bánh thánh em trao
Bờ cỏ mượt long lanh đầu vạt nắng
Của mùa màng lủng lẳng hạt sương chao
...
Da diết chiều khản giọng tiếng chim cu
Giêng mỏng mảnh níu ngày trôi chầm chậm
Và em đến - thắp lòng nhau lửa ấm
Mùa xuân lành ngơ ngẩn tháng giêng non.
(NGÀY CỎ NHỚ)
Tuy anh chưa thật sự đổi mới hoàn toàn giọng thơ của mình nhưng anh đã dùng bút pháp tài hoa của mình đễ viết thơ mới .Thật nhiều và thật nhiều câu thơ,ngôn ngữ thơ,hình ảnh thơ lãng đãng trong "Dấu mùa se lạnh" của Phan Văn Quang các bạn đọc đọc bằng trái tim sẽ thấy những tinh túy trong thơ anh,với giới hạn này Mai Thanh Tịnh chỉ điểm vài nét về sự lãng đãng của một tâm hồn thơ đa cảm mà thôi...Thật vậy Phan văn Quang đúng là một người thơ phong trần,đa cảm và lãng đãng.../.