Năm ngoái, một người bạn thơ sau một thời gian dài gặp lại, có nói với tôi rằng, đúng là có một thế giới thần tiên thật- đó là tuổi trẻ. Để nhận ra được điều này, ít nhất người ta cũng phải chớm bước vào tuổi trung niên, sự chiêm nghiệm được nảy nở từ những sự va đập của cuộc đời và dấu tích của những cơn giông bão nổi lên liên tiếp tàn phá đời người đã cho người ta một sự hồi cố về quãng thời gian sung mãn nhất đã qua- đó là tuổi trẻ của mình.
Tôi được biết Chu Hồng Tiến đã gần hai mươi năm, khi ấy Chu Hồng Tiến còn rất trẻ, là sinh viên mới ra trường, Chu Hồng Tiến đã làm thơ và sống một đời sống tự do xê dịch theo tinh thần của F. Nietzche “đi là rời bỏ”. Tôi đã đọc thơ của Chu Hồng Tiến từng ấy năm- tôi gặp một thế giới của một đời sống tinh thần khác biệt. Thế giới tinh thần đó đã tự sinh ra những bức tường thành kiên cố chống chọi một cách hữu hiệu với tất cả những sự bắn phá của đời sống phồn tạp, sự bắn phá này nó từng phá huỷ hàng triệu triệu những pháo đài tinh thần của con người. Vậy cái thế giới tinh thần khác biệt hiện lên trong thơ Chu Hồng Tiến là gì? Đó là thế giới của sự thanh tân. Nó tiếp nhận đời sống thường nhật được thẩm thấu qua nhiều bể lọc được thiết kế xếp đặt phức tạp và kỹ lưỡng. Nó chỉ tiếp nhận một thứ ánh sáng, đó là sự thuần khiết thanh tân. Cái đời sống tinh thần này nó được tạo nên bởi kết cấu đặc biệt của các khí quan tinh thần- nó tự động phá huỷ tất cả những gì khác với những khí chất mà nó đã tự đặt ra cho mình.
Tôi thật sự không có ý làm cho phức tạp hoá những cảm nhận được toả ra từ thơ Chu Hồng Tiến, bởi đó là một hiện thực. Tôi xin làm một công việc không mấy hứng thú là liệt kê những câu tơ trong tập thơ “Phố đồng thảo” hiện ra một thế giới tinh thần rất đặc trưng “Chu Hồng Tiến”.
1- Ngang trời
Bay vội
Con chim đánh rơi chiếc lông trắng
Âm ấm máu!
Ngã ba trẻ không nhà đứng lặng
Lông bông bay
(…)
Đâu nơi dừng?
Trẻ không nhà đi rong
Chú tin lắm có một ngày chim trắng
Sẽ tìm về xin chú chiếc lông bông
(Lông bông- trang 21)
2- Ổ thôn
Tấm Cám
Bầu trời trong vân lam
(…)
Có bé gái trốn trưa, mắt ướt
Khe khẽ hát và khe khẽ ước
(…)
Con xiến tóc dọc liu riu mảnh nắng
Cô gái- trốn trưa- mắt ước- thị vàng
mẹ phơi áo và mẹ phơi nắng
Vườn, cô Tấm với cô Tiên chuyện trò
(Thôn thảo quả, trang 25)
3- Nghẹn tầng tầng mây cũ
Ngày trai gái đỏ trầu hợp hôn
Đây những tinh khôi
Trẻ con dềnh mép nước
Thả từng chùm thia lia
Mặt nước văng từng ạt
Từng hạt hình mây trôi
(Nhịp nhàng, trang 35)
4- Không lối nào tắt qua tháng Chín
Xin bông cúc trong nụ
Để bắt đầu tiếng vỡ của lá sen khô
Tiếng tách vỏ của hạt cườm hạt đỗ
Tiếng hát của bông lưu ly
của bông hạnh ngộ
của cỏ hạt tấm và đoá hướng dương
(…)
Xin bông cúc trong nụ
Để bắt đầu tháng Chín đang thu
(Tháng Chín- trang 38)
5- Áo vàng thu hoa cúc đơm
Bươm bướm nơ xanh cài hờ
Túi xùng xèng đồng xu rơi
Bắt đền mắt đen đáy giếng…
Người bên kia sông đánh tiếng
Trầu cánh phượng với pháo điều.
(Dòng gửi- trang 5)
6- Bao giờ anh trở lại
Nhà số lẻ khép hờ
Dép em đi thay cỡ
Áo mới vội chật vai
Bao giờ anh trở lại
Có như trò ú tim
(Tiếng ve túi áo- trang 7)
7- Những sáng sáng réo ran chiền chiện
Vườn vườn vương vương hoa tóc tiên
Em nhón gót lối này
Riu ríu bông cỏ may
Trong veo
Rì rào
Nào nắng dắt…
Nào gió đưa…
Ở phía anh có một cơn mưa
Nhẹ bỗng mái tóc em mười bảy
(Mùa hoa niên, trang 9
8- Của những buổi chiều chiền chiện
Hoa tóc tiên đỏ xíu
Là lạ
Là lạ
Chiếc túi ta đựng chiều
Tuổi nghèo
Nên lắm quà trời tặng
Lông chông quả trên đồi chát đắng
Những trò chơi bằng lá
Những trò chơi bằng gai
Hoàng hôn mình gửi lại
Của những buổi chiều chiền chiện
(Chiều đồi- trang 10)
9- Chuồn chuồn ớt đậu vào giông mưa
đậu vào ô cửa
cậu bé
mơ yên cương kỵ mã
phóng qua khuông bóng tròn
đang trưa
(Trưa kỵ mã- trang 12)
10-Bản mây
Bản mây!
Đêm Thia
Mắt thú
Tai cửa
Tiếng lá
Chân nai
Đêm rừng Thia
Ngửa mặt nhai sao kim cương
(Bản mây- trang 15)
11- Chiều dâng đầy quả mâm xôi
Ở phía xa có giọng chim rất gần
(…)
Đâu đấy mẹ gọi
Thẳm thắc qua vườn rào dày lá
Đâu đấy người dâng mùa quả
Thơm đầy chiều mâm xôi
(Dâng chiều- trang 18)
12- Ra đi từ khu vườn
Lấm tấm hoa bông cỏ
Em cho buổi chiều rậm nắng
Con chim sâu gại mỏ
Vào nỗi lo âu
Của lá rụng trái mùa
(Gửi lời, trang 40)
13- Em về cùng tháng sáu
Không lời đề từ gió mây
(…)
Tháng Sáu cùng em
Có cơn mưa như điện khẩn
Anh mắc cạn ở ngoài hiên ngôi nhà rong rêu
(Từ ngữ, trang 51)
Tôi vừa làm một công việc không như ý muốn, là liệt kê 13 khổ thơ đoạn thơ trong tập thơ xinh xắn 31 bài của Chu Hồng Tiến. Sở dĩ tôi phải liệt kê nguyên trạng như vậy, là bởi nếu chia cắt ra để bình sẽ làm vỡ vụn tan biến cái thuần khiết được hiện lên bằng những sợi tơ rất mảnh mơ hồ. Dù đó là những sợi tơ mảnh, nhưng có sự dẻo dai và bền chắc kỳ lạ. Thực ra chúng được tạo ra từ những kết cấu xoắn làm nên thế giới tinh thần đặc biệt thơ Chu Hồng Tiến.
Một thế giới thuần khiết trong trẻo hiện ra: với con chim ngang trời bay vội đánh rơi chiếc lông trắng; ở ổ thôn Tấm Cám bầu trời trong vân lam, mẹ phơi áo và mẹ phơi nắng, có bé gái trốn trưa mắt ướt, khe khẽ hát và khe khẽ ước; ngày trai gái đỏ trầu hợp hôn, trẻ con dềnh mép nước thả từng chùm thia lia…; không lối nào tắt qua tháng Chín, bắt đầu tiếng vỡ của lá sen khô, tiếng tách vỏ của hạt cườm hạt đỗ, áo vàng thu hoa cúc đơm, bươm bướm nơ xanh cài hờ, nhà số lẻ khép hờ, dép em đi thay cỡ, áo mới vội chật vai, người bên kia sông đánh tiếng, trầu cánh phượng với pháo điều…để bắt đền mắt đen đáy giếng, búp bê khóc nhàu áo cũ. Rồi đây, những sáng sáng réo ran chiền chiện, vườn vườn vương vương hoa tóc tiên, em nhón gót lối này, riu ríu bông cỏ may, trong veo, rì rèo, ở phía anh có một cơn mưa, nhẹ bỗng mái tóc em mười bảy.
Cái thế giới thơ Chu Hồng Tiến nó ẩn khuất, lẩn nấp ở một nơi nào đó rất sâu, rộng thênh trong tâm hồn nhà thơ. Thế giới đó là ảo mộng- đúng là ảo mộng. Thế giới đó là thực đúng là rất thực, ta ngỡ có thể đưa tay ra là chạm được vào nó.
Đây, thế giới đó hiện ra với chuồn chuồn ớt đậu vào giông mưa, đậu vào ô cửa, cậu bé mơ yên cương kỵ mã, phóng qua khuông bóng tròn đang trưa; buổi chiều dâng đầy quả mâm xôi, ở phía xa có giọng chim rất gần, đâu đấy mẹ gọi thẳm thắc qua vườn rào dày lá, đâu đấy người dâng mùa quả thơm đầy chiều mâm xôi. Ra đi từ khu vườn lấm tấm bông hoa cỏ, con chim sâu gại mỏ vào nỗi lo âu lá rụng trái mùa; em về cùng tháng Sáu không lời đề từ gió mây, có cơn mưa như điện khẩn, anh mắc cạn ở ngoài hiên ngôi nhà rong rêu.
Đó, thế giới của những buổi chiều chiền chiện, hoa tóc tiên đỏ xíu, là lạ chiếc túi ta đựng chiều
TUỔI NGHÈO
NÊN LẮM QUÀ TRỜi TẶNG
Tôi vừa làm lại một công việc không như ý, tức là chiết liều xuôi những câu thơ của Chu Hồng Tiến, hiện lên với một thế giới thuần khiết trong lặng đến kỳ lạ, ta có cảm giác rằng nếu chỉ chạm nhẹ vào chúng, chúng sẽ tan biến ngay tức khắc. Ngay trong niềm niệm nhớ về người bà, người cha đã đi xa, hình ảnh của người bà, của người cha hiện ra với hình ảnh của giấc mộng
Bà đi đêm rằm
Bà về đêm ba mươi
Bà khoác thêm chiếc áo rét cũ nhàu
Bafkhông nói
Bà giấu tích truyện dưới gốc trầu
Giàn trầu không hỏi
Cha về
Bàn tay sần chai
Trên trán con hầm hập
Cha không nói
Con hỏi bóng mình
Con gọi
Bóng đang mơ
(Niệm nhớ- trang 53)
Những lúc nhàn đàm trò chuyện với một số bạn bè văn chương, nhắc đến Chu Hồng Tiến, tôi nói rằng, anh giống như một nhân vật thời Tự lực văn đoàn, luôn sống với thế giới riêng biệt đặc trưng và vô cùng thuần khiết. Để bảo tồn cái thế giới thuần khiết đặc trưng này, ngoài cái cơ cấu của các khí quan tinh thần được sắp đặt theo bàn tay của thiên mệnh với cái cơ chế tự đóng- mở qua một bộ lọc được sắp đặt phức tạp trong đời sống tinh thần của nhà thơ Chu Hồng Tiến, Chu Hồng Tiến vốn luôn phải di dưỡng bồi đắp và bảo tồn những gì được ân phú.
Dù sao, tôi vẫn thoáng gợn một sự lo ngại thực ra không cần có liệu nhà thơ Chu Hồng Tiến có tiếp tục chống đỡ hàng loạt những đợt tấn công bắn phá ồ ạt của các thế lực và sự cuốn hút thế tục. Cường độ các cuộc tấn công ngày càng mạnh mẽ và dày đặc vào bức tường thành đang bao bọc che đỡ thế giới tinh thần thuần khiết. Những cuộc tấn công đó có thể xảy đến ngay từ pháo đài của gia đình nơi bảo lưu cái hạnh phúc trần gian của nhà thơ. Tôi vẫn hy vọng và mong rằng cái pháo đài thơ Chu Hồng Tiến đã từng chiến thắng nhiều cuộc tấn công dữ dội của thế tục trong mấy chục năm qua- nó sẽ tiếp tục vững chãi và lan toả ánh sáng thuần khiết từ một thế giới tinh thần vô cùng quý giá làm ngân vang những dòng thơ. Tôi tin quan điểm của Heraclitus “không có gì vinh cửu bằng sự thay đổi” sẽ không dúng trong trường hợp này. Chúc nhà thơ Chu Hồng Tiến mọi sự tốt lành. Amen!./.
Hà Đông, 09.11.2008