Mấy hôm nay ốm nặng, cụ Tâm mới chịu nằm trên giường bệnh. Sau một chiều ra thăm cánh đồng sắp vào vụ gặt, cụ lội xuống dòng kênh nước chảy trong xanh, thoả thuê vùng vẫy tựa một đứa trẻ tập bơi. Về tới nhà cụ cảm thấy người như khác đi với mọi ngày, như hụt hẫng mất một thứ gì đó thật khó tả. Ăn cơm xong, cụ lên giường nằm nghỉ và thiếp đi từ đấy.
Cụ Tâm sống độc thân, không con cái. Những năm tuổi già cụ có những đứa cháu nội cháu ngoại của ông em bà chị sang chợ búa, thăm nom. Nhưng hầu như cụ ít luỵ đến các cháu, vì cụ còn khoẻ mạnh, rắn chắc lắm. Hằng ngày cụ vẫn tự mình thổi nấu cơm nước, rê thóc, đánh đống rơm, cuốc lại mấy sào ruộng máy lồng làm chưa kỹ… Các cháu khuyên ngăn, cụ bảo: Làm cho vui, cho săn gân cốt, ăn bát cơm mới ngon miệng. Ta vẫn bình thường, có suy suyển gì đâu!
Ngày xa ấy, cụ Tâm là một chàng lực điền cày ruộng nổi tiếng trong làng, nhấc chiếc cày nhẹ tênh như nhấc một cành cây đi băng băng trên sá đất. Nhiều nhà giàu thấy Tâm to khoẻ đã ngỏ ý đưa về làm đầy tớ, nhưng anh không chịu và chỉ nhận đi làm thuê tiền giao cháo múc. Theo anh, như thế rộng cẳng hơn, quanh năm suốt tháng chẳng phụ thuộc vào ai. Đi đắp đê, Tâm vác chồng năm, sáu hòn đất to như cái thảm đựng mắm cáy, dẻo dai cả ngày không biết mệt. Đêm đêm anh thường lấy cây sáo trúc ra thổi tới tận khuya. Tiếng sáo véo von như những giọt sao rơi xuống đêm hè. Nhiều cô gái con nhà trọc phú, chức sắc trong làng phải lòng Tâm ra mặt; nhưng anh chỉ cười ngỏn nghẻn: Tôi nghèo lắm! Ai dám đũa mốc đi chòi mâm son !
Rồi bỗng dưng đến một ngày chàng lực điền biến mất khỏi làng. Cái làng Cẩm nhỏ bé xôn xao một dạo vì không thấy anh Tâm cày ruộng cho ai, không thấy anh Tâm đi vác đất mùa đắp đê…Bẵng đến hơn chục năm sau, bỗng dưng lại thấy anh, đúng anh Tâm chứ không phải ai khác bước trong đoàn quân về tiếp quản tỉnh lỵ Quảng Yên. Anh bộ đội Tâm bồng súng oai vệ lắm. Cái làng Cẩm nhỏ bé lại được dịp xôn xao! Ngày anh tranh thủ về thăm quê, người lớn trẻ con kéo sang thăm hỏi, mừng cho anh thành bộ đội Cụ Hồ. Cái nhà anh Tâm này kín miệng thật! Suốt bao năm ròng không hề bắn lấy một tiếng về quê xem sống chết ra sao? Mà không biết đã vợ con gì chưa? Người ta chỉ thấy anh trần lưng ra nhổ đám cỏ dại trong vườn liếm đến tận hiên căn nhà tranh lệch về một phía. Vài hôm sau có mấy anh bộ đội nữa về hộ anh lợp lại mái gianh và chằng buộc lại căn nhà phòng cơ gió bão.
Người ta lại thấy anh ra cánh đồng, đứng rất lâu trên gò cao đượng Mồng Năm, nơi ấy cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ là bọn trẻ mục đồng lại mang đồ cúng lễ ra tế vua Cờ Lau và chơi trò tập trận. Anh đi tìm tuổi thơ của thằng bé lưng trần xém nắng cùng đám trẻ hò hét vang trời cưỡi trên lưng trâu, giơ roi quất chúng đú khắp cánh đồng. Anh đi tìm một kỷ niệm sâu kín chỉ riêng anh và người ấy với những đêm trăng…Những đêm trăng ấy đã lặn sâu vào vạt cỏ cánh đồng, vào lòng đôi trẻ, một cặp tâm hồn dồn nén thanh xuân như hai hạt lúa tới kỳ sậm hạt. Và có lẽ cũng chỉ duy nhất có một người đàn bà khác biết được mối dan díu của chàng thợ cày với cô gái tuổi trăng tròn. Đấy là bà vợ ba ông Lý Lâm, một người đàn bà dám dấn thân vì cảnh ngộ gia đình và rất kín tiếng. Bà đã chứng kiến một mối tình son trẻ vô tư, nồng cháy và trong sáng mà trong thâm tâm bà đã không tin được lại như thế. Bà cũng đã từng phải nén lòng mình như nén một cái cối đá nặng ghê gớm lên khối lúa bó chặt để kê thành một cái tảng đập lúa. Đã có phút bà muốn bung nó ra để chiếm đoạt, để được chạy trốn khỏi cái làng này đến một chân trời khác…
Tâm đã đến tìm bà hỏi thăm về người ấy. Nhưng bà và người ấy đã không còn ở trong ngôi nhà của ông Lý Lâm từ lâu rồi. Người trong xóm bảo họ biến mất trước ngày ông Ký Phấn bên phố huyện đem lễ vật sang hỏi cô con gái ông Lý cho cậu con trai cả thọt chân, sau ngày Tâm ra đi độ dăm tháng gì đó. Cả nhà ông Lý, cả làng cùng không biết vì sao bà vợ ba và cô con gái vợ cả ông Lý lại tự dưng mất tích, như Tâm từng mất tích.
Rồi cả làng Cẩm cũng không hiểu sao anh Tâm đi bộ đội có điều kiện thăng quan tiến chức hẳn hoi lại ở lại làng tiếp tục làm ruộng, dong trâu ra đồng, chẳng vợ con gì cả. Người ta vẫn thấy anh thỉnh thoảng đứng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn trên gò đượng Mồng Năm dõi tìm trong khoảng không, trong ruộng lúa, bờ cỏ kia sẽ hiện lên một thứ gì đó rất quí báu, thiêng liêng!
Giờ đây nằm trên giường bệnh, cụ Tâm thiêm thiếp chìm trong không gian căn nhà lặng lẽ, nghe rõ tiếng con thạch sùng tắc lưỡi tít góc cột gian buồng đựng thóc. Lúc này ai cũng tưởng cụ nằm đó bất động. Nhưng thật ra cụ đang như một dòng sông phẳng lặng, dưới đáy dòng sông ấy đang cồn cào lên quá khứ nồng nàn, cháy bỏng và đau đớn, đợi chờ. Cụ Tâm có một nỗi đợi chờ kỳ lạ, chỉ riêng cụ sống để bụng chết mang đi. Nếu sau đó không bất ngờ xảy ra một sự kiện khiến cả gia ổ ngạc nhiên, thì cả làng Cẩm nhỏ bé này cũng không bao giờ biết được chuyện đời riêng của cụ.
Xem chừng cụ Tâm yếu lắm. Mọi người thay nhau túc trực theo dõi bệnh tình, lo lắng chờ giờ “đi” của cụ. Ai cũng thương cảm cụ hoàn cảnh độc thân suốt một đời người. Cụ ra đi mà không có ai bên giường bệnh thì thật tội và mang tiếng cho cả họ hàng!
Bỗng ngoài ngõ có tiếng gọi:
- Các ông, các bà ơi! Ra ngoài có khách tìm nhà cụ Tâm đây này!
Mọi người nhìn ra, thấy một bà cụ trạc ngoài bẩy mươi tuổi, tóc bạc trắng như mây, gương mặt đầy vẻ phúc hậu và còn phảng phất nét đẹp một thời thiếu nữ. Theo sau là một cậu thanh niên trẻ măng xách chiếc va li nhỏ, lễ phép chào. Hai người bước vào mảnh sân nắng rãi xế chiều. Bà cụ cẩn thận hỏi lại một lần nữa, giọng Bắc pha chút Nam Bộ:
- Dạ thưa! Khí không phải, đây có đúng là nhà ông Tâm thợ cày ngày xưa cày giỏi có tiếng trong làng không ạ?
- Vâng! Đây đúng là nhà cụ Tâm! Mọi người đồng thanh mời bà cụ cùng cậu thanh niên vào nhà. Một anh cháu của cụ Tâm đưa tay đón bà cụ bước lên hiên:
- Cụ cháu ốm nặng đã nhiều ngày nay đang nằm trên giường bệnh. Mời cụ vào thăm. Cháu xin vô phép hỏi quí danh cụ và được biết cụ ở đâu ta?
Sau một hồi xôn xao chủ khách làm quen, không khí đã lắng xuống, bà cụ mới chậm rãi thưa:
- Dạ! Thế các cụ, các ông, các bà làng ta không nhận ra tôi sao?
- Chịu! Chúng tôi chẳng thể nhận được bà lão người hàng phố thế này đâu!
Bà khách chợt lấy khăn mùi xoa lau khoé mắt, giọng lạc hẳn đi:
- Trời ơi! Tôi đây mà! Cái tí Son con gái nhà cụ Lý Lâm ngày xưa đây mà!
Ông xã Cáy ngồi ngay đầu tràng kỷ giật mình đỡ lấy tay bà :
- Chao ôi! Chị Son đây à ? Chị cũng không nhận ra tôi ư? Thằng Cáy hay đem mắm cáy bán cho nhà chị đây! Chị tá túc ở đâu mà bây giờ mới về làng?
- Cậu Cáy đó à? Rồi chuyện đâu có đó. Thoắt cái đã năm, sáu chục năm trời chị em mình xa nhau. Chị xa làng Cẩm của mình mà chẳng kịp nói gì với làng nước, với người ấy. Thế anh Tâm đâu? Ông ấy đâu?
Cả nhà đang nhộn nhạo kẻ nhớ người nhận thì đằng sau tấm rèm che, giọng cụ Tâm chợt gọi yếu ớt, nhưng rất rõ ràng:
- Các cháu ơi! Dắt cô Son…bà Son…vào đây với… ông…
Ai nấy ngạc nhiên xúm lại. Cụ Tâm ra hiệu đỡ cụ ngồi dậy. Sau khi được tựa lưng vào chiếc chăn bông, cụ trấn tĩnh nhìn mọi người rồi nhìn bà khách mới đến. Đôi mắt cụ sáng ngời lạ thường và rơm rớm hai giọt nước trong vắt lăn trên gò má nhăn nheo. Bà Son ào nhanh tới, ôm lấy đôi vai cụ Tâm, nhìn đăm đắm vào đôi mắt trũng sâu. Bà bỗng khóc rưng rức, gục mái đầu bạc trắng vào ngực cụ, như thể một đôi trai gái gặp nhau thời xa ngái đang độ nồng nàn…
Năm ấy mùa cày đang đông vụ. Tâm phải cày thông buổi từ sớm đến đứng bóng, rồi từ chiều tới lúc sao Hôm lấp láy trên ngọn tre. Ruộng nhà ông Lý Lâm toàn ruộng bức thẳng cánh cò bay. Đang cơ đông sức, Tâm chạy cày đổ đất sàn sạt như chiếu rải mà vẫn cảm thấy chưa thấm tháp gì. Cô Son con gái ông Lý mấy hôm nay vào chân mang cơm. Cô vẫn ra ruộng đều đặn và thường đứng hồi lâu trên bờ cỏ nhìn anh thợ cày xả đất ngon lành. Thân thể anh thật cường tráng giống như pho tượng ông Thiện đứng ở chái thềm đình, với vầng ngực nở căng, đôi cánh tay, đôi bắp chân săn chắc cuộn lên hừng hực như từng sá đất cũng đang cuộn lên óng ánh dưới nắng chói chang. Người đâu mà hiền lành, chịu khó đến thế? Lại thổi sáo hay nữa. Những đêm trăng nghe tiếng sáo sao mà khó ngủ!
- Anh Tâm ơi! Để em cày cho một lúc được không?
- Không được đâu! Con trâu nó kéo cả cày lẫn cô sang sông thì tôi lấy gì mà đền cho ông?
- Thì lấy anh ra đền cũng được chứ sao! Cô Son cười khanh khách thật vô tư.
- Thân tôi thợ cày xấu xí thế này sao ông thèm lấy đền!
Dạo này Tâm ít khi về nhà. Ngơi tay cày thường là nhọ mặt người. Anh làm một túp lều nhỏ trên đượng Mồng Nam, ăn ngủ luôn ngoài đồng. Cơm canh đã có lúc cô Son, lúc bà Ba mang ra. Con trâu mộng cũng thẩn tha gặm cỏ rồi tự về nằm trên gò đượng nhai lại tới sáng. Rạng đông, người và trâu đã ngả được hai, ba sào ruộng.
Chiều hôm ấy, người và trâu tắm rửa đâu đấy, mãi lúc sao Hôm khuất, vẫn chưa thấy ai mang cơm ra. Có lẽ nhà ông Lý bận công việc gì nên họ quên mất rồi? Tâm đành chui vào lều ôm bụng đói, ngân nga mấy điệu sáo, rồi cơn buồn ngủ kéo chìm đi trong những làn gió chiều thổi lộng…Mãi tới khi cơn dông nổi sấm đì đùng, mưa đánh ào ào trên mái lều, Tâm mới choàng dậy. Anh bỗng giật mình khi chạm vào cánh tay mát lạnh của một thiếu nữ.
- Trời ơi! Sao cô lại ngồi đây? Ra từ khi nào mà không nỡ đánh thức tôi dậy?
- Người ta ra thì mình đã ngủ say mềm. Ngồi đợi từ bấy đến giờ. Nguội hết cả cơm!
- Thế cô không sợ ông mắng à ? Mà còn ngồi ở đây đêm hôm mưa gió, khuya khoắt thế này, mang tiếng chết?
- Mang tiếng cũng được, chứ sao? Vừa nói, Son vừa ngồi sát vào Tâm như để tránh những làn mưa dày hạt xuyên qua khe hở ngôi lều cỏ đang rung lên trong gió táp. Một tiếng sét nổ chói tai trên cánh đồng trắng nước. Son ôm chầm lấy Tâm: Ôi! Sợ quá anh ơi!
Lần đầu tiên trong đời, Tâm thấy được mùi tóc, mùi mồ hôi, hơi thở nồng ấm của người con gái đang độ xuân thì phả vào anh như làn gió xuân anh từng đón trên cánh đồng sau vụ cấy chiêm. Hơi ấm dồn nén, gấp gáp ấy chuyển sang cơ thể anh tê dại, đến nghẹt thở. Tâm ngợp đi trong vòng tay Son ghì chặt lấy đầu tóc, lấy mặt anh ướt đẫm mồ hôi. Mãi lâu, anh mới tỉnh dần, vừa run sợ vừa thơm lên bầu má nóng bỏng và đôi môi lấp lánh như hai chiếc lá non của Son. Chao ôi! Khuôn mặt Son như một vầng trăng mới mọc! Anh sẽ sàng hỏi:
- Son ơi! Cô không sợ ông mắng sao? Tôi đâu dám bì với Son!
Son ngửa mặt lên nhìn Tâm đau đáu:
- Nhưng mà em thương anh! Chả việc gì phải sợ! Với lại chúng mình giữ kín, có mà trời biết!
Nhiều lần mang cơm như vậy, Son luôn háo hức, chủ động. Tình yêu như mầm mạ chiêm gặp thời tiết ấm đã nẩy nở giữa hai người. Với Tâm quá ư đột ngột, như người đang đi trong hẻm đường tối bởi bóng luỹ tre che phủ, chợt gặp khoảng sáng ngõ đồng oà ra phía trước đầy ắp ánh trăng. Dù sao Tâm cũng vẫn rụt rè, thận trọng trước cơ hội của trời mang đến. Anh vẫn nâng niu Son, vẫn cố ghìm giữ cảm xúc, không dám bước vào thửa mạ non gợn lên màu xanh háo hức. Nhưng với Son, đấy lại là một sự chờ đợi dồn nén quá lâu trong những giờ đi đưa cơm ngắm trộm rồi thị sự nhìn anh thợ cày như nhìn một vầng trăng quầng trong những ngày nắng lửa để đoán mưa. Cô đã phải lòng anh nồng nàn và cháy bỏng.
Mối tình của họ chỉ có một người duy nhất biết. Đó là bà Ba. Bà Ba còn trẻ lắm, chỉ hơn cô con gái chồng ba, bốn tuổi. Sức xuân căng chật lồng ngực mà ông Lý đã đang độ thất tuần! Vợ cả ông Lý chết vì cảm mạo khi đứa con gái mới lên mười. Mấy năm sau, bà Hai vào thay thế, thì như quả cau điếc, chỉ biết làm. Ông đâm chán chường, mải mê theo những chiếu tổ tôm, những tối hát ả đào tận Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo…Còn bà Ba về nhà ông chỉ vì một món nợ truyền từ đời ông nội cấy ruộng rẽ, không thể trả được. Qua ba bà vợ rồi, ông Lý vẫn chưa có một mống con trai. Bà Ba cam chịu để tuổi xuân nhốt trong căn nhà gỗ lim, từng âm thầm khóc trong những đêm cô quạnh. Nhưng bà lại rất quí cô con gái bà cả đẹp người, đẹp nết. Ngày bà lạ nước lạ cái về đây, tự dưng nó cứ quấn quít lấy bà. Còn Son, cô mến bà mẹ kế hiền lành, dịu dàng như mẹ đẻ của chính mình. Cô gần gũi, cầm tay, bá vai bà Ba như một người bạn gái. Nhiều lần thấy bà Ba khóc, cô đến ngồi bên tỉ tê dỗ dành, an ủi, thậm chí còn làm trò cho bà bằng cười mới thôi. Giữa họ, vượt ra ngoài giới hạn mẹ kế con chồng là tình bạn đồng trang lứa, vui buồn có nhau.
Thực tình, bà Ba cũng cảm anh thợ cày trong những lần mang cơm thay Son. Bà cũng từng âm thầm ngắm anh thợ cày từ xa đến lúc vấp phải bờ ruộng suýt ngã nhào. Bà cũng từng trộm nghĩ: Giá như ta có được một người khoẻ mạnh, chịu thương chịu khó, hiền lành thế kia! Lòng bà còn ngân nga câu hát: “Tháng năm mùa lúa chín vàng. Cho anh đi gặt, cho nàng mang cơm…” Sao ông trời lại bất công thế nhỉ?
Thế nhưng, bà chợt phát hiện dạo này cô Son như kẻ mất hồn, làm gì cũng đểnh đoảng bỏ đâu quên đấy. Có lần rõ ràng đang nấu cơm, cô bỏ ra ngõ đứng nhìn đăm đăm về phía cánh đồng, đến nỗi nồi cơm khét lẹt cả xóm. Có người kêu cơm nhà ai cháy, cô mới giật mình chạy vào va luôn trán phải cái tràng cối xay, đau điếng.
Đến một đêm, trăng đầu tháng đã ghé thấp bên trời phía cánh đồng Cây Tre Tây. Đống rấm đã ngún non nửa mà vẫn không thấy Son về. Bà Ba sốt ruột, ra ngoài xem giờ này Son ở đâu. Lần ra tới bờ ruộng gần túp lều cỏ, chợt bà nghe thấy tiếng thì thào thoang thoảng như tiếng con gái, tiếng đàn ông… Bà rón rén nhìn qua khe hở. Chao ôi! Cái Son đang ôm chầm lấy chàng thợ cày mà hôn hít không kể cái nào! Một cảm giác đau đớn, tuyệt vọng chạy khắp người khiến bà hụt hẫng, choáng váng suýt ngã.. Cố trấn tĩnh, gượng đứng dậy thật vững để không gây ra tiếng động, bà nén lòng ngắm đôi trẻ xoắn xuýt bên nhau. Thôi! Thế là hết! Mình chậm mất rồi! Giá mà mình được như nó!… Bà khép mình nín thở chờ cái phút giây thể nào cũng diễn ra…Nhưng không hiểu sao cái phút giây ấy lại không xảy ra khi hai người đứng dậy bịn rịn cầm tay nhau. Bà nghe rõ tiếng Tâm giục nhỏ: Thôi Son về đi! Rồi bóng Son bước ra ngoài. Cô đụng ngay phải bà vừa ngồi thụp xuống. Son giật mình kêu lên: Ôi anh ơi! Ai thế này? Bà Ba vút vào đêm tối. Tâm chạy lại cũng chỉ kịp nhìn thấy một bóng đen. Son thều thào: Hình như…dì Ba…Sao dì lại ra đây cơ này? Tâm thảng thốt: Liệu dì có trông thấy bọn mình không nhỉ? Nếu ông biết thì tôi đến bán xứ mất thôi!
Nhưng sau lần đó, như không biết chuyện gì hết, bà Ba càng tỏ ra quí mến chăm sóc Son hơn và rất kín miệng giữ cho cô. Nhiều đêm trăng ngoài đồng, bà lại được chứng kiến những phút giây tình tự của cặp tình nhân. Lạ thay, tình yêu của họ trong sáng đến bất ngờ như mảnh trăng trước mặt bà, đến nỗi bà không tài nào hiểu nổi. Đứng nhìn trộm họ mà lòng bà se sái một nỗi buồn cô đơn vừa trân trọng vừa luyến tiếc, xen cả những ý nghĩ muốn cho họ đụng vào trái cấm và cũng mong cho họ chớ sa sang vườn cấm. Một ý nghĩ ích kỷ chợt loé sáng trong cơn khát của bà…
Cụ Tâm như khoẻ lại khi nhận ra người ấy cách đây đã bao chục năm ròng, khi bàn tay bà Son cầm mãi bàn tay mình không muốn buông ra. Vậy là cô Son ngày ấy, bà Son bây giờ là một đây ư ? Tôi đợi bà đã bao lâu! Tôi vẫn như xưa với Son. Tôi vẫn không thể đến với người con gái nào khác ngoài Son, mà sao Son không nỡ đánh hơi đánh tiếng về cho tôi? Cụ Tâm nhìn rất lâu vào mắt bà Son như tìm hạt lúa non ngày xa ấy, rồi nhìn sang cậu thanh niên từ nãy tới giờ vẫn khoanh tay đứng bên cạnh:
- Thế cháu đây là…
Cháu nội ông đó! Bà Son vội kéo cậu thanh niên lại và đặt tay cậu vào lòng tay cụ Tâm: Nhận nội đi con! Đây là nội thực của con! Chàng trai cúi đầu lễ phép thưa bằng tiếng Nam Bộ:
- Dạ! Con chào nội ạ! Con tên là Tình…Nguyễn Văn Tình. Thưa nội…Chưa kịp nói hết câu, chàng trai bỗng oà khóc nức nở: Nội ơi!… Thế là cả ba người cùng khóc, khiến cả nhà ai cũng sụt sịt quay đi lau mắt. Bà Son lấy trầu ra ăn, tiếp tục sự tình.
Ngày ấy cũng trong một đêm mưa gió. Cô Son mang cơm ra đầy ắp rượu thịt vì nhà hôm nay có giỗ cụ thân sinh ông Lý. Sau buổi cày muộn vừa mệt vừa đói, Tâm ăn uống rất ngon lành như thể chưa bao giờ được ăn như thế.. Nhờ ánh trăng non bên ngoài hắt vào lều cỏ, Son ngồi say đắm nhìn Tâm như nhìn một người xa lạ từ đâu đến. Vị rượu nấu bằng nếp cái hoa vàng thơm cay đầu môi, ngấm mềm lan toả. Tâm say lúc nào không hay. Anh nằm ngả xuống tấm liếp, là ngà như người bay trong mộng. Chợt có tiếng gia nhân gọi Son. Cô vội lén ra ngoài làm như thể không có mình ở đây và cô đã về, lẻn vào buồng nằm, giả vờ gáy đều đều…Nhưng chính lúc Son về cũng là lúc bóng một người đàn bà xuất hiện. Bà nhanh nhẹn vào lều, nằm ghé xuống cạnh Tâm. Một lát yên lặng, bà ôm chầm lấy Tâm mà hôn hít, mà đay nghiến, hổn hển: Anh biết không, em phải lòng anh từ lâu rồi, trước cả nó kia! Sao anh chẳng biết điều, chẳng biết em khổ như thế nào? Em đã yêu anh! Anh phải là của em! Em cũng là con người, em phải được yêu! Mặc trời mặc đất! Em đây, hãy sờ vào quả tim của em đi! Chúng mình sẽ trốn…
Tiếng gà gáy eo óc. Tâm tỉnh giấc. Anh nhận ra có người đàn bà nằm bên cạnh còn phô nguyên vầng ngực trắng hồng, rừng rực toả mùi mồ hôi, mùi tóc đượm sả, xen lẫn mùi cỏ đêm ngai ngái. Trời ơi! Sao lại bà Ba? Son đâu? Anh buột miệng kêu lên, hoảng hốt: Thôi, chết tôi rồi!…
Sau đó ít lâu, nhà ông Lý và cả làng xôn xao về sự mất tích đột ngột của chàng thợ cày, rồi sự mất tích của bà Ba và cô Son xinh đẹp…
Giờ đây, Son là một bà lão ngồi đó thổn thức trong dòng tâm sự tưởng không thể cạn nguôi. Ngày ấy, bà
Ba đã thú thực với Son khi thấy trong người khác lạ. Bà cúi xuống mong Son tha tội:
- Son ơi! Con hãy hiểu cho dì. Dì đã không giữ được lòng mình. Con phải đến với người khác… con nhà quyền quí mới xứng. Còn anh Tâm thợ cày…
- Thôi! Dì đừng nói nữa! Son xẵng giọng, vì không ngăn nổi lòng tự ái dâng đầy và cảm thấy tình yêu bị xúc phạm. Song cô lại chợt nghĩ thương bà Ba những đêm nằm khóc một mình. Nhìn bà Ba gương mặt nhợt nhạt, đầu tóc rũ rượi, Son đau khổ vô cùng. Lòng cô như đám rơm rũ rối. Không biết trách số phận mình hay trách người dì tội nghiệp mà cô hằng yêu quí? Ngẫm kỹ, càng thương dì cùng anh Tâm thực thà chất phác bao nhiêu, cô càng giận cha bấy nhiêu. Nếu nhà dì Ba không mắc nợ? Nếu cha mình không ép người ta?..Có ai hiểu con không? Son ra đầu ngõ nhìn lên bầu trời đêm đầy sao và muốn hét lên cho tan lồng ngực, cho tan những vì sao kia chẳng giúp được gì cho cô. Nhao ra cánh đồng, cô chạy một mạch đến túp lều cỏ, gục vào lòng Tâm mà nấc lên thổn thức. Tâm sững sờ, như có vật gì nhét vào cổ, ứ nghẹn, không biết nói sao cho Son thấu tỏ. Tôi lại đổ đốn, hèn đớn thế ư? Thôi đến nước này thì tôi…không còn mặt mũi nào nhìn Son, nhìn mọi người nữa đâu!...
Lo sợ ông Lý biết chuyện, cuối cùng bà Ba nhất quyết ra đi tìm Tâm, vì cái thai trong bụng đã biết đạp nhẹ. Son giằng kéo, van vỉ, nhưng không thể lay chuyển bà đổi ý. Thế rồi một đêm thanh vắng, bà Ba bí mật rời khỏi làng. Không thể để bà Ba một mình phận gái giữa đường! Nhỡ xảy ra điều gì bất trắc, mình sẽ có tội với đứa bé, với dì Ba và anh Tâm! Son chợt nghĩ vậy rồi đuổi theo. Vừa may con đò đang chống sào…
Như kẻ tìm chim bể Bắc, chẳng bao giờ họ có thể gặp được người mình yêu. Nhưng hai người đàn bà, một dì kế, một con chồng vẫn dựa vào nhau trên suốt những chặng đường chông gai. Họ dạt vào tận Sài Gòn và đành kiếm sống nơi đô thành xa lạ. Phải vô cùng chật vật, hai người mới tồn tại bên nhau. Bà Ba sinh được một cậu con trai kháu khỉnh, giống Tâm như cùng khuôn đúc. Hai người rất yêu quí thằng bé như hạt ngọc trời cho. Nó là niềm vui, niềm an ủi không gì thay thế được. Nó là hiện thân của Tâm, chàng thợ cày mà mỗi người đã yêu bằng mỗi vẻ yêu của riêng mình.
Thời gian thấm thoắt trôi. Thằng bé Tam do hai người đặt tên, lớn lên được mẹ và chị tìm đường vào Giải phóng quân. Ngày giải phóng Sài Gòn, hai người chờ đợi, đưa địa chỉ lên đài phát thanh thành phố nhắn tìm anh bộ đội tên Nguyễn Văn Tam có mẹ và chị gốc Bắc, quê Hà Nam-Yên Hưng; mãi vẫn không thấy…Một hôm, có một cô gái bồng một bé trai bụ bẫm đến căn nhà của họ. Sau một lúc giới thiệu, cô gái lấy trong bóp ra tấm hình một chiến sĩ Giải phóng quân. Bà Ba và Son cùng kêu lên: Trời ơi! Thằng Tam! Như có một lực truyền dẫn, họ liền nhận lấy nhau. Đứa bé trên tay cô gái giống hệt bố nó và ông nội. Thì ra anh Tam đã yêu cô gái vùng đồng bằng sông Cửu Long này trong quân ngũ. Họ đã có con, vì nhiệm vụ đặc biệt, chưa kịp cưới nhau. Cô gái bỗng bật khóc báo tin Tam đã hy sinh trong trận đánh vào Xuân Lộc cửa ngõ Sài Gòn. Bà Ba và Son ngất lặng… Từ đó, hai người giữ vợ chưa cưới và con trai của Tam ở lại. Bà Ba quyết định làm lễ cưới cho con dâu, coi như con trai mình vẫn còn sống trên đời và đặt tên đứa cháu nội là Tình. Niềm vui chưa được bao nhiêu thì mẹ cháu hy sinh trong một trận săn bắt cướp. Lúc ấy bé Tình mới năm tuổi và bà Ba mới biết con dâu từng là chiến sĩ biệt động thành trong lực lượng công an TP Hồ Chí Minh. Bà và Son lại tiếp tục những tháng năm vất vả, bươn chải để nuôi cháu Tình khôn lớn và học đỗ Đại học. Những lúc tĩnh tâm, họ vẫn khôn nguôi nhớ về quê hương, nhớ người thợ cày không biết bây giờ ra sao, liệu còn hay mất, con đàn cháu đống hay lưu lạc nơi nao?
Ngừng lại têm một miếng trầu mới, giọng bà Son chợt nghẹn ngào xa thẳm:
- Bà Ba đột ngột lâm bệnh, mất cách đây ba năm. Trước phút lâm chung, bà dặn đi dặn lại tôi hãy tha thứ cho bà, hãy vì thằng Tình, vì ông, người mà cả hai chúng tôi từng nặng lòng ôm nỗi nhớ mong canh cánh suốt cuộc đời. Tôi bàn với cháu Tình quyết định ra Bắc, hỏi tìm về quê cha đất tổ…
Hoàng hôn nhuộm dần không gian mầu xanh thẫm. Mảnh trăng đầu tuần treo chếch phía trời tây cuối cánh đồng, buông ánh sáng dịu nhẹ xuống xóm quê. Anh trăng chiếu qua cửa sổ vào mảng giường nơi cụ Tâm nằm. Cụ thanh thản tựa đầu trên chiếc gối đón ánh trăng như ngày nào đón ánh trăng trên gò đượng Mồng Năm ngoài cánh đồng mùa cày ruộng./.