Dạo ấy tôi mới cầm sổ hưu. Từ chỗ đang bận bịu trong công tác, cầm cuốn sổ hưu trên tay tôi thấy người nhẹ hẫng, thời gian sao mà thừa thãi quá. Mới ngoài sáu mươi, gân cốt còn săn chắc, tiêu khiển vào những cuộc chơi tenít tuần dăm ba buổi chiều thấy sức lực vẫn còn dồi dào, tay chân vẫn còn bứt rứt lắm. Vì vậy khi ông bạn thân rủ tôi bỏ ra ngót bốn triệu đồng làm một tour du lịch Lào Cai-Sapa thì tôi hưởng ứng ngay. Tôi chưa được thấy cảnh núi non hùng vĩ của Hoàng Liên Sơn, chưa được biết thế nào là chợ tình của người Dao đỏ, cũng muốn đến tận nơi để xem người ta trồng lê và táo mèo như thế nào.
Tôi là người tuy không nghiện rượu nhưng rất sành về rượu, giá như có cơ sở sản xuất rượu nào thuê tôi làm người chuyên nếm những mẫu rượu để đánh giá chất lượng rượu xuất xưởng thì hay biết mấy. Vì biết tôi là người sành về rượu nên ông bạn tôi yêu cầu Công ty du lịch Phương Đông Travel ngoài chương trình quy định trong tour cố gắng bố trí đưa chúng tôi đến xã San Lùng thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai để tận mắt chứng kiến người dân ở đó làm ra rượu San Lùng như thế nào-thứ rượu nấu từ thóc nương ngâm thành mộng, được ủ cùng với thảo dược, được chưng cách thuỷ hai lần với nước suối Pò Sèn. Rượu San Lùng hương thơm, vị đậm đà làm lan toả sự đê mê đến tận lục phủ ngũ tạng, tới chân tơ kẻ tóc, uống xong có cảm giác lâng lâng sảng khoái mà lại không đau đầu, một ngụm đã mềm môi lại còn muốn uống tiếp ngụm nữa. Tôi nghe ông bạn ca ngợi như vậy thì biết vậy, để rồi trong chuyến đi tự cái lưỡi tinh đời của tôi sẽ trả lời là bạn tôi đúng hay nói sai.
Quả thật danh bất hư truyền, những gì bạn tôi ca ngợi rượu San Lùng đều là sự thực. Đoàn khách du lịch được đưa đến nhà một đôi vợ chồng người Dao đỏ đã đứng tuổi để tận mắt thấy người ta nấu rượu như thế nào. Người chồng nước da nâu, tính tình xởi lởi, lúc cười dù là nheo mắt cười tủm cũng làm hiện lên một hệ thống ngoặc đơn ngoặc kép quanh đuôi mắt, khoé môi và khoe ra hàm răng vàng xỉn với chỗ trống của một chiếc răng khuyết ở hàm trên. Người vợ mặc áo ngắn chui đầu cổ khoét hình vuông, gấu áo chỉ vừa chấm thắt lưng, chân váy dài, cả áo và quần đều một màu chàm, khoác bên ngoài quần áo là những tấm hoa văn thêu màu sặc sỡ.
Cái lưỡi mách với tôi rằng quả thật từ trước đến giờ nó chưa từng được nếm thứ rượu nào có hương vị lạ lùng và quyến rũ đến thế. Tôi đang cầm chén rượu trên tay thì căn nhà như chợt sáng lên vì bóng dáng một cô gái khoảng ngoài ba mươi bước vào. “ Cô Mai đến cất rượu đấy a? Lần này lấy mấy can? “. Chắc cô Mai là người Kinh nên ăn mặc không giống phụ nữ ở đây, cô hoạt bát, ăn nói có duyên, chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần bò ôm lấy thân hình dong dỏng cao và đôi vai tròn lẳn. Kể cũng lạ, người như thế mà gặp giữa phố phường Hà Nội chắc cũng không gây được ấn tượng gì, nhưng trong ngôi nhà tường bằng đất nện, cột kèo rui mè bằng gỗ, mái lợp ngói cô Mai cứ như một điểm sáng thu hút sự chú ý của tôi. Và rồi về sau, tôi gặp lại cô Mai ở Hà Nội trong một tình huống trớ trêu mà tôi kể lại với các bạn sau đây.
Đã lâu tôi không đi qua phố Phạm Ngọc Thạch. Chiều hôm ấy có việc đi qua, xe tôi đang bon trên đường thì đập vào mắt tôi là một tấm băng rôn nền đỏ chữ vàng căng trước một cửa hiệu phía bên kia đường có mặt tiền khoảng ba mét: “Hoa Linh-Đặc sản đồ nướng Sapa-Lào Cai. Rượu đặc biệt San Lùng Bát Xát-Lào Cai”. Tôi vòng xe quay lại và bước vào. Bàn ghế kê không nhiều, độ sáu bàn nhậu, mỗi bàn bốn năm chiếc ghế, lúc tôi bước vào thì ba bàn đã kín chỗ, số còn lại chưa có người ngồi. Phía trước đặt một tủ kính có nhiều ngăn, trên các ngăn là chim sẻ đã vặt lông bỏ lòng và ướp gia vị, ngoài ra còn có đùi gà và chim cút. Lò than hoa với chiếc quạt điện để ở cửa sau trông ra một khoảnh sân nho nhỏ. Người của quán không nhiều, gồm một cô chủ và hai người giúp việc. Tôi ngồi xuống ghế và nghĩ bụng giữa phố phường Hà Nội này có bán rượu San Lùng rởm thì bán cho ai chứ không lừa được cái lưỡi tinh đời của tôi. Đang nghĩ như thế thì cô chủ từ sân sau bước ra : “ Quý khách dùng gì? Chim sẻ nướng, đùi gà hay chim cút? “. Tôi buông một câu đùa nhả chợt đến nơi cửa miệng, câu đùa không xứng với cái dáng đạo mạo của tôi: “ Tôi không dùng gì, chỉ đến đây để ngắm cô Mai thôi!”; “Ôi ông! Làm sao ông lại biết tên cháu?” ; “ Cô Mai không còn nhớ cách đây quảng ba tháng cô đã đến nhà ai ở Bát Xát để cất rượu San Lùng sao?”; “Ôi! Thế thì cháu nhớ ra rồi”…
Câu chuyện chỉ mới đến đấy, tôi cũng chưa kịp nếm lại cái mùi vị quyến rũ của rượu San Lùng thì sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao/người nách thước, kẻ tay đao/đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi...Cụ Nguyễn Du ngày xưa thì tả như thế, nhưng hôm ấy không phải là sai nha, mà là thương binh của một cái hội mà người ta gọi là hội Quân Khu, nách thước không có, tay đao cũng không, khi cần thì bỏ cái mũ cối đang đội trên đầu xuống cũng có thể gây chấn thương sọ não cho đối phương, chỉ cần cái lừ mắt kèm theo câu đe doạ thì người ta đã kinh hồn bạt vía. Qua câu nói của một người tầm thước da ngăm đen có khuôn mặt bặm trợn nhất hội: “ Con nhãi ranh! Mày tưởng nợ của người ta ngần ấy tiền mà có thể bỏ trốn được đấy hả? Lưới trời thưa mà không thoát đâu con ạ!” tôi lờ mờ hiểu rằng cô hàng rượu mắc một món nợ lớn, chạy trốn nợ từ miền ngược về đây mở cửa hàng bán rượu nhưng chủ nợ đã lần ra và thuê hội này đến đòi. Con nhãi ranh thừa lúc mọi người không để ý, đi ra sân sau leo qua bức tường ngăn cao ngang vai người sang nhà hàng xóm rồi từ đó trốn thoát. Tên cầm đầu thấy con nợ đã bỏ trốn bèn khoát tay ra lệnh cho đồng bọn: “ Chúng mày cứ dọn sạch sẽ đi cho tao.”.
Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh
Rụng rời khung dệt, tan tành gói may
Đồ tế nhuyễn, của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.
Thì cũng chẳng có gì mà vét, có giá nhất là chiếc tủ lạnh, rồi sau đó là mấy bộ bàn ghế nhựa, bảy tám chục con chim sẻ đã vặt lông mổ bỏ lòng và ướp gia vị, vài chục con chim cút cùng với đám đùi gà để trong tủ kính, cái bếp lò than hoa, cái quạt máy để thổi lò, dăm ba can rượu trắng San Lùng-Bát Xát...tất cả được ầm ầm chất lên đằng sau những chiếc xe rồi cả bọn nổ máy bỏ đi. Một lúc sau mới thấy hai anh công an phường, một đại uý và một thượng sĩ đến nhưng những người có liên can thì không còn ai, chỉ còn hai người giúp việc lớ ngớ nói năng chẳng đâu vào với đâu.
Luật rừng! Tôi đã đọc định nghĩa của từ này trong từ điển nhưng hôm ấy mới thực mắt chứng kiến một màn kịch sinh động để hiểu rằng ngoài pháp luật của Nhà nước, người ta còn xử nhau theo luật rừng!./.
Hà Nội 2007