Franz Bartelt
Sinh năm 1949, Franz Bartelt, gốc Ba Lan, đến định cư tại Ardennes của Arthur Rimbaud. Từ 1980, ông đã cật lực lao vào sự nghiệp văn chương, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia. Từ 1995, ông đã đuợc các nhà phê bình ca ngợi và dành đuợc một số giải thưởng với các tác phẩm : Les Fiancés du paradis, La Chasse au grand singe, Le Costume,Les Bottes rouges, Le Grand Bercail' et 'Terrine Rimbaud'…
BAR DES HABITUDES-- Trang Thanh Trúc & Vĩnh Phúc dịch
....Quán mười lăm năm lặng lẽ yên tĩnh bỗng dưng một ngày
mọi sự đều xáo trộn …
Rất lạ.Từ mười lăm năm nay, cà phê Marronniers chưa bao giờ có thêm khách mới, chỉ loanh quanh khoảng ba mươi sáu khuôn mặt. Họ đến từ sáng sớm cho đến khi quán đóng cửa vào giờ cao điểm của chiều muộn. Balmont là khách sáng. Ông chiếm vị trí ngay quầy, một góc cửa sổ chừng nửa mét vuông, và đọc báo. Đó là chỗ khi ông bước từ xe bus xuống. Từ mười lăm năm nay, năm ngày một tuần, trước khi ông đến cửa hàng kim loại nơi ông lập nghiệp, ông uống ly cà phê kem của mình với hai viên đường, đọc báo ở góc cửa sổ, lưng quay ra đường. Tất cả mọi ngày, không sai một ly.
Sáng nay, chỗ ngồi của ông, đã có một người khác, ông chưa từng gặp. Như một ngẫu nhiên. Vũ trụ vô cùng đã được xếp đặt nhưng từ chốn xa xôi, một sợi tóc có thể làm lệch lạc đi trong dăm phút. Những nhà tử vi hiểu biết hơn chúng ta rất nhiều ở lĩnh vực này. Ông đành uống cà phê, lưng quay vào quán; quán vắng…
Thông thường, khi ông kết thúc cà phê, gấp tờ báo lại, là khi một người đàn bà có tuổi, bà Adèle mở cửa và ngồi ở bàn hàng thứ hai, phía tay phải, gọi một ly Moselle. Balmont không biết gì nhiều hơn, chỉ là tiếng gọi rượu trắng Moselle của Adèle là dấu hiệu báo đến giờ phải đi. Ông nghiêng đầu chào và bước chân ra trong im lặng.
Ông chủ biết rõ từng ông khách uống gì nhưng ông luôn chờ họ gọi. Đó là thói quen. Ai cũng có thói quen của riêng mình. Hơn ai hết, ông chủ biết chỗ ngồi đã bị một gã xa lạ trong khu phố chiếm giữ, có thể là một đại diện thương mại. Khi ông nhìn thấy Balmont xuất hiện, ông cảm thấy xấu hổ vì không đủ khả năng ngăn chặn việc chiếm mất chỗ của người khách trung thành. Theo phản ứng, để chuộc lại cũng là làm cho khuây khỏa, ông đưa ra tách café kem trước khi Blamont ngồi xuống ở một góc quán. Ông xoắn xoắn cái phin lọc, hỏi thăm với cái gật đầu thân thiện : “Ông Blamont, sáng nay, khỏe không ?”
Thật ra, Balmont đang bị chạm nọc. Trong vòng mấy giây, một phần thế giới trong ông đổ sụp. Chỗ ông bị chiếm, ông chủ đã mang cà phê mà ông không gọi với lời chào oang oang. Ông nhìn quanh. Mọi thứ vẫn bình thường. Quay sang trái, gã ấy bị vùi dưới những trang báo mở ra, che kín cả cánh tay. Ông không bao giờ nhìn đuợc gã. Chỉ là một bước quá giang. Ngày mai gã sẽ đi . Thế giới sẽ phục hồi trật tự sẵn có.
Thường ngày, ông chủ không thuộc loại người nhiều chuyện. Đó là một người đàn ông to lớn với áo thun xanh, mỗi ngày người không nói đến 25 từ. Nhưng sao giờ đây ông lại tiếp cận Balmont, mặt liền mặt và hàm răng va vào nhau, lập cập. Ông không biết phải làm gì. Vừa khuấy cà phê ông vừa lơ lảng nhìn ông chủ, như một khoảng trống không trước mặt nếu không có màu áo xanh truớc mặt. Giờ này thường ngày, ông vừa uống vừa đọc báo.
- Thưa ông Balmont, lâu nay tôi vẫn muốn hỏi ông một câu - giọng ông chủ hơi lạ - Tôi có thể không?
- Xin tự nhiên, ông Balmont thầm thì.
- Tôi muốn biết vì sao mọi người gọi ông là Sardine?
Đã mười lăm năm cất giấu một băn khoăn và ông quyết định hỏi cho ra lẽ, nhân cơ hội bất thường của quán sáng mai nay. Nhưng Balmont cũng không biết vì sao người ta gọi mình là Sardine. Cái tên đã có từ thời thơ ấu và cha mẹ, ông bà cũng không thể giải đáp được cho ông . Biệt danh của ông có thể nẩy sinh từ áp lực của tất cả ngay lúc mới sinh và tồn tại cho đến hôm nay, như một thói quen, không hóm hỉnh, không lý do cụ thể …
- Hình như không ai gọi ông là Balmont? Ông chủ tiếp tục.
- Gần như không ai. Balmont xác quyết.
- Luôn luôn là Sardine.
- Cũng được thôi mà.
Trong một thoáng, ông hy vọng gã kia biến đi hoặc đơn giản là gấp tờ báo trả lại vị trí cũ. Báo cuối cùng chẳng có gì thú vị. Trong cái tỉnh lẽ nầy, cũng khối chuyện nhưng báo có bao giờ đề cập đến. Công đồng dân cư ở đây không đáng được nhắc đến trừ khoản thể thao, câu lạc bộ của người già, thành tích đội cứu hỏa, ngày tựu trường… Năm nào cũng chừng ấy đề tài, mẫu tin, cũng vào ngày ấy và một phong cách không chút sai biệt. Giống như ông chủ, bà Adèle và những khách của quán, ông đọc báo không chỉ để xác nhận ngày sống trôi qua không va đập, không nạn tai, vẫn lề cũ nếp quen. Để tự thâm sâu, yên lòng cùng với niềm thích thú mọi ngày đều yên tĩnh không có gì đổi thay và chúng ta cũng không cần thay đổi. Sẽ là phiêu lưu khi cho rằng cuộc sống sẽ trường tồn bất tử. Sẽ không có gì, không có gì xấu sẽ đến. Một tính toán ấu trỉ.
Vẫn hương vị cà phê kem thường lệ nhưng vì uống ở một chỗ ngồi khác khiến ông Balmont không mấy hưng phấn như mọi ngày. Bình thường, tờ báo chiếm hết tâm trí ông. Đột nhiên sáng nay, không đuợc chuẩn bị, không thể đoán trước, tất cả đã xa tầm tay. Trực giác cho ông biết hôm nay không giống mọi ngày và xâu chuổi những cử chỉ, công việc sẽ bị khuấy động cho đến chiều tối, cũng có thể lây lan ảnh hưởng cho hôm sau và làm cả tuần méo lệch đi, hậu quả có thể kéo dài đến thứ bảy chủ nhật. Ông mơ hồ bấp bênh lo lắng. Không có gì có thể cấm cản gã quay trở lại những hôm sau. Cũng có thể là chuyện thường xuyên nữa. Gã có cái đầu bướng bĩnh, loại người đã được huấn luyện để chịu đựng sự cáu cặn và khinh miệt của dân chúng trong vùng. Đôi vai cao, cặp môi trễ, gã không thèm lưu ý những ai xung quanh, cũng không hề quay đầu khi Balmont mở cửa bước vào, vẫn chúi mũi vào tờ báo lúc Balmont dựa lưng vào thành quầy, cũng không gióng tai lên khi ông chủ bắt đầu hỏi chuyện. Gã uống cà phê đen, trong một cái tách giống như dân thành phố.
Cho rằng mình đã làm hết khả năng và cũng để cho khách cũ bớt căng thẳng, ông chủ lui về trong vỏ bọc lặng im thường ngày. Chiếc áo thun xanh bình tịnh trở lại. Tất cả những ông chủ quán đều từng thấy, từng trải nên không còn mấy ngạc nhiên. Tuy nhiên, tự ông cũng nhận ra hôm nay có gì là lạ. Ông lơ mơ quan sát Balmont nhưng không kết luận đuợc điều gì cụ thể chỉ phỏng chừng ông ta thất vọng. Khi mà gã trai vừa ngồi xuống trong góc, ông định nói với gã là chỗ có người. Nhưng trên cương vị ông chủ, ông cho rằng gã có tự do của một Thượng đế khách hàng . Người đầu tiên đến chọn chỗ, những người tiếp theo rồi tự chọn vị trí của mình. Không bao giờ ông can thiệp vào thói quen của khách. Như một thông lệ.
Balmont đang mơ màng về bà vợ mình . Một người đàn bà nề nếp đã xây dựng cuộc sống vợ chồng với ông bằng tất cả thận trọng, và cực kỳ ngăn nắp… Ông nhắp một hớp cà phê đã hơi nguội và nhạt, cảm giác không khỏe lắm. Mùa đông đã tàn. Ánh sáng nhòa nhạt. Tất cả đã mệt nhoài và người ta đang mong đợi mùa xuân .
*
Một cách máy móc, mắt ông chủ lướt trên đồng hồ treo tường và hàng lông mày nhíu lại. Khoảng mười phút nữa, ông Balmont đã phải đi rồi. Ông thấy vẻ mặt ông khách sáng có phần ảm đạm. Vẫn chưa hết ly cà phê kem và ông chủ băn khoăn về sức khỏe của khách. Đó cũng là tất nhiên sau mười lăm năm giao du quen biết. Nhưng hôm nay quả thật, đủ thứ rắc rối. Thêm nữa, hình như Balmont không muốn nói chuyện mà lìm chìm trong lo âu.
Có phải là hình bà Adèle, ông chủ hỏi. Bà ấy đã chết?
- Thưa vâng. Là dì tôi. Người ta sẽ chôn cất dì ấy hôm nay.
Giọng người đàn ông không nhuốm vẻ buồn rầu nhưng cũng không phải là loại giọng cáu gắt. Balmont lại nhìn thấy cuộc sống thường nhật. Đó là một tai nạn. Hôm nay là ngày duy nhất trong chuổi ngày đều đặn tiếp theo. Ông ta thở dài và thôi không nghĩ đến vợ nữa.
- Ông thấy rồi đó, ông Balmont, ông chủ nói, bà Adèle đã chết.
Balmont chợt nhớ đến loại rượu Moselle. Ông chưa từng bận tâm điều gì về người đàn bà này, chỉ biết mỗi âm giọng già nua. Khi bà gọi rượu là khi ông cũng vừa đi. Và tất cả lập lại như một nguyên tắc nhàm chám, một lịch trình.
- Bà ấy là khách ở đây, ông chủ bảo.
- Tôi biết, người cháu trả lời.
- Anh có thể kể lại không?
Balmont bước dọc về phía quầy, chỉ cách đó ba buớc chân. Ông nhìn thấy hình bà Adèle ở giữa trang phân ưu và thở dài. Có gì đó như niềm hạnh phúc ngập tràn. Hình như ông vừa vượt qua một cơn nguy chí mạng. Kết cục nhờ trời, ông thoát nạn. Ông vẫy tay chào người cháu :
“ Hoan hô, ông bạn, hoan hô! ”.
Ông thực sự không hiểu chính xác những gì vừa nói. Ông chào ông chủ bằng cái gật đầu có ý nghĩa như lời hẹn ngày mai. Ông chủ tán thành bằng nụ cười nửa miệng. Một thói quen mọi ngày. /.
Trang Thanh Trúc & Vĩnh Phúc