Chưa đến tuổi sáu mươi mà trông bà Am già lắm, dáng hom hem, tiều tụy, tóc bạc gần hết. Ở cái phố nhỏ của thị trấn tỉnh lẻ này ai cũng biết bà, bởi cái nghề mà bà đã cố giữ suốt mấy tháng nay: Nghề bán vé số dạo. Mà bà cũng chẳng còn có nghề gì nữa để làm. Có mấy chị ở cơ quan nọ nhờ bà trông con hộ, nhưng chưa được mươi ngày, họ đã trả tiền công cho bà cả tháng để gửi con chỗ khác. Họ sợ bà bị lao. Ở cùng với bà trong con hẻm sâu hun hút, suốt ngày nhớp nháp hẹp chỉ vừa đủ một người đi bộ này là nhà thằng Hùng. Năm nay nó mới mười một tuổi. Nhà nó nghèo. Ba má nó đông con, lại chẳng có nghề ngỗng gì, suốt ngày hết ở ga lại ra bến xe đón khách gánh hàng thuê. Để phụ giúp người lớn, nó đã phải bỏ học từ năm lên chín, nhận vé số của đại lý về bán dạo. Thằng bé hay sang chơi bên nhà bà, nhất là những buổi tối ba nó uống rượu say la hét om sòm. Một buổi tối như vậy, nó sang thấy nhà bà tối om. Nó bảo: “Sao bà Am không bật đèn cho sáng?”. Nó nghe bà thều thào: “Bóng tròn tốn điện lắm, tháng trước đã có tiền trả nhà đèn đâu”. Nó ngồi bệt xuống thềm nhà, không nói gì. Bẵng đi có đến một tuần không thấy, rồi một buổi chiều nó sang tìm bà, giọng nó oang oang: “Bà Am, bà Am, con đã nhận được vé số cho bà rồi nè, làm dễ ợt à…”. Mỗi ngày, bà cũng được mấy ngàn, đủ trả tiền nhà, tiền điện và trang trải cho những bữa ăn thất thường, đạm bạc. Thế mà nghe thằng bé nói vẫn còn hơn tháng lương của kỹ sư tập sự.
Mỗi ngày bà đều phải đi qua hàng phở nhà lão Hinh. Vốn máu chuyện đỏ đen, ngày nào lão cũng bỏ tiền mua vài ba cặp vé số. Lão thường bảo: “Vé số là thời vận. Đời người, mấy ai đã gặp thời, gặp vận”. Từ hồi không thấy thằng Hùng, lão Hinh vẫn mua vé số của bà. Mặc dù thằng bé đã nhường những chỗ mua quen và gần cho bà Am, nhưng mỗi lần về đến hàng phở nhà lão Hinh, bà Am đã thấy mệt nhoài, hai chân nặng trĩu. Mùi phở bốc lên thơm phức, lại còn phải sốt ruột nghe lão huyên thuyên đủ chuyện với khách khứa, trước khi dùng những ngón tay sưng húp, cẩn thận lần giở từng tờ vé số. Trả tiền cho bà, chưa bao giờ lão để thừa một đồng tiền lẻ. Và luôn nhắc cái điệp khúc như từng nhắc với thằng Hùng: “Trúng độc đắc, tôi sẽ chia phần cho bà một nửa”. Bà chẳng bao giờ tin vào lời hứa của những người như lão. Nhưng thằng Hùng thì nói chắc như đinh đóng cột: “Ông ấy thiếu gì tiền. Để rồi bà xem”. Cuộc sống tưởng cứ trôi đi bình thường như vậy. Bà thấy vui vui sau mỗi buổi tối bà và thằng Hùng ngồi tính số vé bán được, chia “hoa hồng”. Nếu không xảy ra chuyện này: Hôm ấy thằng Hùng bán còn thừa một vé. Bà với nó bàn nhau giữ lại, biết đâu trúng độc đắc. Nhưng họ cũng gặp may, trúng khuyến khích, được ba ngàn đồng. Thằng Hùng mang tiền về chia cho bà. Bà bảo nó: “Vừa đủ hai bát phở, bà con ta đi làm bát phở Hinh cho bõ”. Phải nói phở của lão Hinh ngon thật, đúng vị phở Bắc. Đã lâu lắm, dễ có đến cả chục năm, bây giờ bà Am mới lại ăn tô phở Hà Nội. Bà lau đũa chén, nhặt rau, cho thêm gia vị… Mỗi động tác đều khoan thai, trân trọng, khiến thằng Hùng vừa ăn, vừa nhìn bà như người lạ. Có chiếc xe máy đỗ xịch trước cửa. Một người đàn ông đeo kính cận, ôm một khung ảnh lớn bước vào. Lão Hinh lao ra trách: “Sao đến khuya thế, bộ quên hả?”. Không trả lời, người đàn ông chắc là họa sĩ cẩn thận mở lớp giấy bọc: “Đây, còn hơn cả lịch Tàu nhá, vừa ý chưa?”. Lão Hinh giơ cái khung lên ngắm nghía hồi lâu rồi trầm ngâm: “Được, được lắm!”. Người đàn ông sốt sắng: “Nào, định đặt chỗ nào đây?”. Lão Hinh chỉ bức tường bên phía cửa ra vào: “Đây, ông giúp mình treo lên chỗ này”. Thằng Hùng đã ăn xong từ lúc nào. Nãy giờ nó vẫn tò mò dán mắt vào cái khung ảnh. Nó nghĩ, chắc lại một kiểu ảnh gì đó mà nó vẫn thấy ở các tiệm cà phê, tiệm phở. Nó đã lầm. Trong cái khung lớn là hình một thiếu nữ còn rất trẻ, chỉ độ mười tám đôi mươi là cùng, khuôn mặt trái xoan thanh tú, đôi mắt bồ câu đen láy, cổ áo dài tím chảy xuống đôi vai tròn lẳn làm nổi lên chuỗi hạt cườm. Bà Am chẳng để ý gì đến xung quanh. Bà đang chậm rãi nhấm nháp từng muỗng nước dùng. Ngó thấy thằng Hùng nhìn tấm hình trân trân, bà mới ngước lên bức tường. Chùm hạt cườm cùng khuôn mặt thiếu nữ đập vào mắt bà. Bà khẽ ơ một tiếng rồi lật đật đứng dậy, bước đến gần… Lão Hinh cười: “Bộ bà già cũng chịu người đẹp hả?”.
*
Đã ba hôm nay, bà Am nằm liệt giường. Thằng Hùng phải bán cả phần vé số của bà. Nó dặn lũ em ở nhà nấu cháo bưng sang cho bà. Tối nào về nó cũng mang cặp lồng sang quán phở lão Hinh mua cho bà một ngàn. Nó phải ép mãi bà mới ăn được vài muỗng. Mẹ nó đun nước cho bà xông và nói để đưa bà đi bệnh viện. Nhưng bà lắc đầu, bảo đừng đưa bà đi đâu cả. Hôm ăn phở đêm nhà lão Hinh, trên đường về hai chân bà cứ quýnh vào nhau như người say. Đến nhà, bà nằm vật ra giường, nước mắt chảy thành dòng, thành dòng… ướt đẫm cả khuôn mặt hốc hác. Cái chuỗi hạt cườm có chữ H ở mút nối hình trái tim to bằng đồng năm xu ấy đây. Bà vẫn giấu kỹ trong cái khăn lúc nào cũng đội trên đầu này. Còn người trong ảnh đó chính là bà cách đây ngót bốn mươi năm. Sao lão Hinh lại có nhỉ? Lão lượm được ở đâu rồi đem truyền thần, hay người ấy đã cho lão? Chuyện xảy ra lâu quá rồi, bà làm sao mà biết được. Bà chỉ nhớ là bà đã yêu và đi tìm con người ấy đến tận bây giờ.
*
Bà Am sinh ra từ một vùng thôn quê cách Hà Nội hơn một trăm cây số. Cha mẹ đều mất sớm lúc bà mới lên năm. Người cậu ruột là một thương gia ở Hà Nội đón bà về nuôi. Vợ chồng người cậu không có con. Bé Am càng lớn càng xinh, được cậu mợ cưng chiều như con. Năm 1952, Am mười sáu tuổi. Một hôm ông cậu nói với cô: “Cậu mợ sắp phải đi xa, xa lắm, có lẽ không đưa con đi cùng ngay được. Con đã lớn. Cậu mợ định gả con cho thằng Hưng cùng quê. Thằng ấy khá, có học lại tháo vát hơn người, chỗ tin tưởng, con đừng cãi cậu”. Cô chỉ biết khóc. Thời ấy, ngay ở Hà Nội đâu phải cặp trai gái nào cũng được tìm hiểu, yêu đương tự do. Rồi Hưng đến. Anh hơn cô sáu tuổi, người cao to, không có dáng thư sinh, nhưng anh có khuôn mặt đẹp như tài tử điện ảnh. Mới gặp mà hai người đã cảm nhau. Rồi họ phải lòng nhau như cách nói hồi bấy giờ. Gia đình người cậu mừng lắm. Hôm cưới không có họ hàng nhà trai. Ông cậu chỉ giải thích với cô ngắn gọn: “Ở quê, nhà thằng Hưng đang gặp nạn”. Sau này Hưng đã kể với cô, anh cũng sinh ở quê nhưng được gửi ra Hà Nội học từ năm lên mười trong nhà một người bạn buôn bán với cậu ruột của cô. Ông nội Hưng làm địa chủ, bị xử bắn năm cải cách. Sau đó bố Hưng cũng mất vì bệnh lao. Bố mất, Hưng bỏ học về làng. Một hôm, cô ruột anh không biết nghe ai, đã đến nói với anh: “Tộc họ chỉ có mình cháu. Họ bảo, nhà có máu địa chủ. Cụ truyền cho ông nội, ông nội truyền cho bố. Bố cũng truyền máu địa chủ sang cho. Chắc chắn không muốn bị xử như ông nội à? Thế thì phải đi, đi thật xa”. Bà cô mở bao, dúi mấy chỉ vàng vào tay cháu: “Cháu đi bình an, lúc nào yên nhàn thì về. Mẹ mày ở nhà đã có chúng tao”. Mấy chỉ vàng đó, sau này Hưng đã mua chuỗi hạt cườm bằng đá quý làm quà cưới. Sau khi tổ chức đám cưới cho cô cháu, gia đình người cậu đi Pháp, từ đó không có tin tức gì. Vợ chồng Am sống với nhau thật hạnh phúc trong ngôi nhà lớn của ông cậu để lại. Nhưng cũng chỉ được nửa năm. Một đêm, thấy Hưng thao thức khó ngủ, Am đặt tay lên trán chồng. Cô hốt hoảng thấy nước mắt Hưng đầm đìa. Hưng buồn rầu nói với vợ: “Anh lại phải đi thôi Am ạ!”.
- Đi đâu? – Cô sửng sốt.
- Nghe đâu ở Hà Nội, người ta cũng bắt đầu cải tạo thương nghiệp, thương gia gì đó. Ngôi nhà này cũng không còn là của mình.
- Tưởng gì chứ chuyện đó thì có gì mà phải đi – Am cắt ngang – Mình sẽ mua một chỗ khác. Với lại nhà này cũng đâu phải của mình.
- Nhưng người ta sẽ tìm ra anh. Người ta sẽ biết đến cái dòng máu địa chủ của anh… Người ta sẽ…
Suốt đêm đó hai người im lặng. Mấy ngày sau, Hưng bùi ngùi nói với vợ: “Đang có đoàn đi Nam. Anh đi trước, ổn định rồi sẽ ra đón em ngay”. Năm sau, việc đi lại đã khó khăn lắm rồi. Hưng không ra được nữa. Bà Am chờ mãi… chờ mãi, hai mươi năm đơn chiếc. Phải chi Hưng và bà có với nhau một đứa con. Nhà nước đã thu nhà của người cậu và đổi cho bà một chỗ ở khác. Sau giải phóng miền Nam, bà Am bán nhà lên tàu Thống Nhất vào Nam. Ròng rã mười năm, bà đã đến tất cả các thành phố, thị trấn lớn nhỏ để tìm Hưng. Bà không về các vùng nông thôn, vì Hưng có lần đã thề với bà, không bao giờ ở nông thôn để thành địa chủ. Quá mệt mỏi và thất vọng, vả lại tiền cũng không còn, cuối cùng bà về thuê nhà ở lại thị trấn nhỏ này.
*
Giờ thì bà mê man trong giấc ngủ chập chờn. Bà vừa tỉnh lại. Im ắng quá. Hình như mẹ con thằng Hùng vừa ở đây, nâng bà dậy, đút cháo cho bà… Ừ… hình như thằng Hùng nói vé bán ế quá, phải đem trả lại phần vé nó đã nhận cho bà… Ừ… Lão Hinh chiều nay mua những cặp vé… Ừ, kệ lão, có quan hệ gì đến bà. Rồi bà lại lịm đi trong mớ suy tư… Lão Hinh, ừ phải rồi lão Hinh. Hưng của bà cũng cao to như lão, nhưng gọn gàng, chắc lẳn. Lão Hinh béo quá. Nhưng lúc ấy Hưng mới ngoài hai mươi… Ừ nhỉ. Lão Hinh sống độc thân. Suốt mấy năm bà ở đây, chưa nghe ai nói đến vợ con lão. Nếu có chắc thằng Hùng đã nói với bà. Chuyện gì ở cái thị trấn nhỏ này mà thằng bé chả biết. Bà chỉ nghe nói, thỉnh thoảng lão vẫn có gì nhỉ, à… “bồ nhí”. Khỉ thật, vậy mà quên mất. Nhưng cũng chẳng sao, bà nghĩ vậy. Một người đàn ông còn khỏe mạnh như lão. Biết đâu, lão chính là Hưng của bà? Nếu vậy, tại sao lão không nhận ra bà? Ừ phải rồi, đã bốn mươi năm, lúc Hưng đi bà mới mười tám tuổi. Bà thay đổi nhiều quá, tiều tụy quá. Thỉnh thoảng soi gương, mới cách nhau mấy ngày mà bà còn chẳng nhận ra mình nữa là. Nhưng bà cũng có nhận ra lão đâu. Thời gian, ôi thời gian. Nếu đúng là Hưng của bà thì phải có một sẹo nhỏ, nhỏ lắm, chỉ bằng hạt đậu là cùng nhưng khá sâu ở chân mày bên phải. Bà tự trách mình, bao nhiêu lần ghé vào bán vé số cho lão mà chưa bao giờ bà nhìn kỹ mặt lão. Sự bám víu cuối cùng của bà giờ đây chỉ còn là cái sẹo nhỏ đó và chuỗi hạt cườm này. Còn tấm hình, bà chụp sau hôm cưới, có nói bây giờ cũng chẳng ai tin. Từ ngày Hưng bỏ làng ra đi, bà không bao giờ chụp ảnh. Được, bà có cách rồi. Bà sẽ nhờ thằng Hùng. Thằng bé sẽ giúp bà. Nếu lão Hinh có cái sẹo nhỏ đó, bà sẽ nhờ thằng Hùng đưa chuỗi hạt cườm này đến cho Hưng. Ừ, Hưng chứ không phải Hinh. Tội nghiệp thằng bé sẽ không hiểu gì cả. Nhưng rồi nó sẽ hiểu, lo gì. Nếu lão Hinh không phải là Hưng của bà, bà sẽ giao chuỗi hạt cườm này cho thằng Hùng, bảo nó giấu kín đi như bà từng giấu kín trong bấy nhiêu năm, để sau này nó làm quà cưới cho vợ. Bà biết, thế nào nó cũng không nhận. Nhưng nó phải nhận chứ, đằng nào thì nó cũng phải lấy vợ kia mà… Bốn giờ sáng, bà Am còn tỉnh lại một lần nữa. Bà yếu quá rồi. Bà cố sức gỡ cái khăn quấn trên đầu. Đây, chuỗi hạt cườm của Hưng. Bà lần từng hạt, từng hạt cho đến khi ngón tay run rẩy chạm vào mút nối có chữ H. Bà làm như vậy không biết đến bao nhiêu lần. Nước mắt bà ứa ra, ứa ra ướt đẫm hết áo ngực… Mà sao thằng Hùng lâu sang thế nhỉ… à mà trời còn tối quá. Chắc nó còn đang ngủ say. Bà thở dài, tội nghiệp thằng bé…
Thằng Hùng ngủ dậy lúc hơn sáu giờ. Như thường lệ, nó chạy đến chỗ đại lý vé số xem kết quả quay tối hôm trước. Nó lật đật móc tờ giấy trong túi có ghi những cặp vé số bán hôm qua. Nó nhìn lại lần nữa rồi chạy như bay về nhà bà Am. Chưa vào tới nhà, nó đã la toáng lên: “Bà ơi, lão Hinh trúng… trúng độc đắc rồi…”. Nhưng nó đã đến muộn mất rồi. Bà Am đã bất động, chuỗi hạt cườm vẫn nắm chặt trong tay, trong một tư thế nằm như đang muốn vươn dậy, vươn mãi…/.
Nha Trang 8 – 1991