Khi những bộ phim được trình chiếu thì phần nhạc của phim chỉ xuất hiện đâu đó trong các trường đoạn cần đặc tả hoặc cùng lắm là trong phần giới thiệu đầu và bảng chữ kết của bộ phim, ấy thế mà thật kỳ lạ khi bộ phim không còn được trình chiếu nữa thì những ca khúc trong phim vẫn cứ có một số phận riêng bên ngoài những bộ phim - cái nôi ban đầu của nó.
Những ngày đầu của nền điện ảnh thế giới khi những bộ phim còn chưa có thoại thì âm nhạc là một phần chính tạo nên ngôn ngữ của điện ảnh. Dù trong phim điện ảnh hay phim truyền hình, khi những giai điệu hoặc hoành tráng hoặc dịu ngọt, những ca khúc với phần lời đầy chất thơ xuất hiện thì những cảnh quay khắc sẽ được thăng hoa được thi vị hoá. Khi ấy âm nhạc đã nói hộ những điều mà thoại phim không thể diễn đạt, ghi vào lòng khán giả những dấu ấn không thể phai nhoà để khi những bộ phim kết thúc khán giả vẫn còn hát mãi những ca khúc trong phim. Như vậy vô hình chung mối giao duyên giữa phim ảnh và âm nhạc đã mang tới cho những khúc ca bản nhạc trong phim một đời sống mới bên ngoài phạm vi của phim ảnh.
Em ra chốn đô thành, xa rời vòng tay mẹ ru, từ nay ra chốn phồn hoa lấp lánh cánh diều mơ ước hôm nào...” những ca từ và giai điệu của bài hát ấy gắn liền với một bộ phim truyền hình nổi tiếng “ Chuyện nhà Mộc”. Một gia đình nông thôn cố gắng dành dụm cho con ăn học nên người, một cô thôn nữ rời đồng ruộng ra chốn phồn hoa lập nghiệp, một gia đình nhỏ trước những sóng gió của cuộc sống hiện đại ấy là câu chuyện của đại gia đình nhà ông Mộc. Câu chuyện phim dân dã mộc mạc mà hóm hỉnh ấy khiến cho khán giả những ai đã từng xem phim đều không thể nào quên, và cho đến nay khi bộ phim không còn trình chiếu trên sóng truyền hình nữa thì những giai điệu của bài hát được sử dụng trong phim- ca khúc Cô Tấm ngày nay vẫn vang vang đâu đây trên các sân khấu, sóng đài phátthanh hay trên miệng những khán giả trẻ. Và đối với nhạc sỹ Ngọc Châu tác giả của Cô Tấm ngày nay thì đó là một phần thưởng vô giá "có lẽ phần lời ca khúc có một đời sống độc lập nên khi nó vang lên trong phim thì đồng thời cũng được quần chúng đón nhận cho nên là nó có một đời sống riêng". Phải chăng vì câu chuyện của bộ phim đáng yêu khiến người ta nhớ mãi? Phải chăng vì những giai điệu rộn ràng; những ca từ mượt mà của bài hát đã in sâu vào tâm trí những khán giả đã từng xem phim?.
Tuy không phải là nhạc sỹ chuyện viết nhạc cho phim, song với hai bộ phim đầu tay mà anh làm nhạc một “Chuyện nhà Mộc” và “Tết này ai đến xông nhà” nhạc sỹ trẻ Ngọc Châu đã bước đầu tự khẳng định mình trong lĩnh vực làm nhạc cho phim. Hai ca khúc “Cô Tấm ngày nay” và “Quà tặng trái tim” được sử dụng trong hai bộ phim của đạo diễn Trần Lực cho đến nay vẫn là những ca khúc được các bạn trẻ yêu thích.
Các nhạc sỹ coi việc làm nhạc phim như một nghề tay trái, một cái cớ để làm dầy thêm bộ sưu tập ca khúc và khí nhạc của mình và cũng là một cơ hội để đem những tác phẩm của mình tới gần hơn với công chúng. Một bộ phim truyền hình vài chục tập được chiếu bao nhiêu ngày trên truyền hình thì đó là bấy nhiêu ngày khán giả được lắng nghe các ca khúc trong phim và chẳng biết tự lúc nào những giai điệu của các ca khúc cứ ăn sâu vào tiềm thức mỗi khán giả, tự reo cho mình một mầm sống mới đó là đời sống bên ngoài bộ phim và trong lòng công chúng yêu nhạc.
"Trên thực tế rất nhiều nhạc sỹ chuyên nghiệp có những ca khúc đầu tiên là ở trong phim nhưng mà nó sống ở ngoài nhiều hơn là ở trong phim mà người ta không nhớ nó ở trong phim nào ví dụ ca khúc “ Biển hát chiều nay” của nhạc sỹ Hồng Đăng, ca khúc “Hồ trên núi” của nhạc sỹ Phó Đức Phương cũng là ca khúc trong phim, hay là ca khúc “Những nẻo đường phù sa”, tôi thấy ít người nhớ được toàn bộ phim đó nhưng người ta lại nhớ đến ca khúc. Đầu tiên nó là phần thưởng cho nhạc sỹ thứ 2 đó là sự ưu ái rất lớn của người nghe nhạc, của ca sỹ những người đã hát nó và những người đã trình diễn nó lên sau khi bộ phim kết thúc".Nhạc sỹ Hoàng Lương – Trưởng đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt Nam cho biết.
Một ca khúc trong phim có đời sống riêng trong lòng công chúng không hẳn vì cái hay tự thân của nó mà chính là vì nó được nằm trong những bộ phim, được gắn với những câu chuyên và nhân vật trong phim, lúc ấy nhạc phim thường xuất hiện đúng lúc, hợp lý như điểm xuyết làm đẹp và tăng thêm phần kịch tính cho chuyện phim. Mối giao duyên giữa Điện ảnh và Âm nhạc khiến bộ phim trở nên hay hơn và ca khúc trong phim một lần nữa được tái sinh trong lòng khán giả. Đó cũng là nguyên nhân hiện tượng sính nghe nhạc Hàn Quốc của giới trẻ hiện nay. Hầu hết không biết tiếng Hàn Quốc và không hiểu bài hát nói gì, song rất nhiều bạn trẻ thích nghe những ca khúc nhạc Hàn chỉ vì nó nằm trong một bộ phim truyền hình với những cảnh quay lãng mạn đẹp như trong mộng của phim Hàn Quốc.
Vũ Ngọc Anh – Phó trưởng phòng ca nhạc mới Ban âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam nói: "Hạn chế là mình không hiểu tiếng Hàn Quốc, nghĩa của ca khúc đó mình không thể hiểu nhiều như những ca khúc tiếng Anh thế nhưng nó lại nằm trong bộ phim truyền hình rất là hấp dẫn đối với tuổi trẻ cho nên các bạn khán giả Việt Nam thường thích những ca khúc đó".
Hiện nay trên thị trường giải trí Việt Nam công nghệ sản xuất album nhạc trong phim còn khá mới mẻ. Một album nhạc trong phim được làm một cách khá chuyện nghiệp chỉ mới xuất hiện gần đây, đó là album của bộ phim giải trí “Những cô gái chân dài”. Theo nhạc sỹ Quang Dũng thì sự ra đời của album này là kết quả của sự thoả thuận giữa anh và đạo diễn bộ phim, và album nhạc trong phim này đã mang lại cho anh những thành quả xứng đáng với những gì anh đã bỏ ra.
Một công nghệ làm album nhạc cho phim phát triển không những góp phần tiếp thêm sức sống cho âm nhạc trong phim, bù đắp cho những vất vả của các nhạc sỹ mà còn góp phần quảng bá cho chính bộ phim đó. Hy vọng trong một tương lai không xa những album nhạc phim Việt Nam sẽ xuất hiện rộng rãi hơn để các ca khúc trong phim lại có thêm một chỗ đứng nữa ngoài bộ phim đó là trong các soundtrack được khán giả yêu thích.
Huyền My (VCTV)