Đôi lời phi lộ : Cách đây hơn hai chục năm, khoảng mấy năm cuối của thập niên 1980, báo Đại Đoàn Kết, cơ quan TW của MTTQ Việt Nam có đăng bài thơ Thằng Bờm, ở mục ( thơ trào phúng) nguyên văn như sau.
(xin lỗi tôi không còn nhớ tên tác giả) :
Thằng Bờm lở loét đầy da
Lương y cho thuốc sun-pha bôi ngoài
Bờm rằng, Bờm chẳng bôi ngoài
Lương y bắt mạch cho bài chữa trong
Bờm rằng, Bờm chẳng chữa trong
Lương y bắt phải tiêm mông mới lành
Bờm rằng, Bờm chẳng thích lành
Lương y cho áo sa- tanh, Bờm cười
Nghĩ buồn cho cái sự đời
Bên trong mục ruỗng, bên ngoài đậy che./.
Khi ấy, nhiều bậc trí thức sau khi cùng đọc bài thơ này không cười mà chỉ lặng nhìn nhau và đều lý nhí lẩm bẩm câu gì đó, nhưng người này cũng không biết người kia nói cái gì. Thì ra, có một “trường phái” trào phúng không thể cười nổi. Sau khi cân nhắc mãi, tôi liền gửi mấy chuyện trào phúng cho một số trí thức và một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình v.v… thuộc bậc cha chú. Và, tôi đã nhận được phản hồi, đại ý chung có phần hơi tục là “ Trào phúng của chú mày viết như thế thì cười thế đ… nào được”. Tôi không dám cãi lại, nhưng mừng thầm trong bụng, rằng : Thưa các bậc trí thức tiền bối, trí thức lão thành là bộ phận ưu tú nhất của cộng đồng và các văn sỹ là những kỹ sư tâm hồn - thư ký của thời đại, tức là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội, những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng ta , những … vân vân và vân vân. Các vị đã không cười được thì vận nước xem ra vẫn còn may lắm. Vậy là tôi “phóng” luôn chùm chuyện trào phúng (trong tập truyện ngắn Đôi mắt rồng – NXB Văn học 2008) này lên mạng, xem có thọc lét được vong ma các bậc quân vương, bậc đại thần hàng nhất, nhị, tam, tứ phẩm v.v… của những triều đình đã mục ruỗng, thối nát mà từ lâu đã chết hẳn trong lòng dân ?
PHÚ ÔNG RA TỈNH
Sau một thời lao đao tưởng đến “tắt bóng” bởi “tội” giàu, tóc Phú Ông giờ đã bạc. Nhưng máu làm giàu thì vẫn âm ỉ trong lão, mấy năm gần đây lại dần dật chạy trong huyết quản. Lão vừa trúng thầu cả một đồi bạch đàn và cây ăn trái rộng hàng mấy chục héc-ta. Vậy là vợ chồng con cái lão, cùng những người làm công lại hùng hục bới đất, lật cỏ, mong ngày hốt bạc....
Hôm nay, việc nương rẫy tạm ổn, Phú Ông khăn đóng, áo the, guốc mộc, cuốc bộ ra tỉnh. Lão đang ngơ ngác hết nheo mắt ngắm cái cột đèn cao vút, lại méo miệng đánh vần những bảng hiệu EX, MEX... thì một chiếc xe con màu sữa bóng lộn, đỗ xịch ngay trước mặt làm lão giật mình xuýt té. Từ trong xe, một người đàn ông có nét mặt quen quen bước ra, mừng rỡ kêu đúng cái tên cúng cơm của lão và vồn vã mời lão lên xe. Phú Ông còn chưa hết ngạc nhiên, thì hắn đã đẩy lão ngồi vào ghế sau, đóng sập cánh cửa, hách dịch bảo tài xế : “về nhà !” và quay người lại nói với lão :
- Ông không nhận ra tôi thật à ? Thằng ở đây, Bờm đây !
Rồi hắn cười khùng khục, rung rung cặp má xệ ôm lấy cái mồm cá ngão bẩm sinh. Phú Ông khẽ à một tiếng xác nhận. Cái đầu lão bỗng ong ong như đang lên cơn sốt. Trời ơi ! vậy ra là thằng Bờm. Mới có mấy chục năm mà nó đã “lột xác” nhanh thế này à ? Cái thân hình như con chó cúm ngày xưa, giờ đã màu mỡ, phốp pháp như quan phụ mẫu. Còn cái đầu láng coóng với cái trán hói bóng lộn kia, chẳng lẽ lại là cái đầu qủa bí, rối như tổ quạ ngày nào, mà ba mươi sáu chữ cái, chẳng chữ nào chịu ở lâu trong đó đến hết thúi cái rắm xịt. Cứ thế, cứ thế, suốt dọc đường xe chạy, hình ảnh hai thằng Bờm cứ thay nhau ẩn hiện trong đầu lão. Xe dừng bánh trước một ngôi nhà ba tầng lầu. Bờm mở cửa xe mời lão vào nhà. Phú Ông khép nép bỏ đôi guốc mộc vào xó cửa,rồi đặt chân lên nền gạch bông mát lạnh. Lão lác mắt nhìn những tiện nghi đắt tiền, được Bờm xếp đặt chẳng theo một trình tự nào cả. Thằng Bờm tự đắc nheo nheo mắt, đứng nhìn lão. Thấy Phú Ông như đang có ý tìm kiếm cái gì. Bờm đoán ra liền. Bây giờ Bờm thông minh lắm. Nó lại khùng khục cười, rung rung đôi má xệ ôm lấy cái mồm cá ngão bẩm sinh :
- Ông tìm cái quạt mo chứ gì ? Tôi đổi rồi, đổi từ cái đời tám hoánh nào rồi. Cần gì phải đợi mấy thằng nhà thơ nó khích.
- Đổi lấy cái gì ? Phú Ông sửng cồ.
Thằng Bờm lại cười khùng khục, rung rung đôi má xệ, dùng ngón tay trỏ gõ gõ vào ngực mình :
- Lấy cái này !
Sau đó hắn vừa chỉ các vật dụng trong nhà cùng chiếc xe hơi nói tiếp :
-Và những cái này...
Mắt Phú Ông hoa lên, lão choáng váng, ngồi phịch xuống đi văng nệm mút làm người nhảy tưng tưng. Cái đầu lão lại ong ong. Thì ra cái thằng lười chảy thây, nghèo kiết xác trong cái lều lá chuối, nhờ quạt mo mà thành ông lớn. Còn mình vì chuyện muốn đổi quạt mà khuynh gia bại sản. Cả đời hì hục, ăn không dám ăn, bóp mồm, bóp miệng, giờ đã xế bóng mà chưa mó nổi cái giàu. Cũng vì tò căn mà ngày ấy mình kò kè, không ngã giá được, để thằng Bờm nó đổi mất cái quạt mo thần cho thiên hạ....
Bỗng Phú Ông phá lên cười. Lão cười sằng sặc. Cười chảy nước mắt. Cười, như chưa bao giờ lão được cười. Đến lượt thàng Bờm trố cặp mắt ốc nhồi, trân trân nhìn ông chủ cũ. Nó mấp máy cái mồm cá ngão. Nhưng có trời mà biết được nó đang lẩm bẩm cái gì.
Nha trang 10/3/1992
Trùm Sò mất áo
Chuyện tri huyện Thanh Mỗ đêm ba mươi đi “khám điền thổ” nhà Thị Hến, bị bà huyện bắt tại trận, chẳng mấy chốc đã lan ra cả tổng. Chẳng gì thì ngài cũng là “phương diện quốc gia, quan trên trông xuống người ta trông vào”. Mấy tuần liền huyện đường cửa đóng im ỉm, chắc ngài sắp bị tống về vườn. Vậy mà hôm nay lại thấy ngài bệ vệ trên kiệu, lính tráng , trống kèn, tiền hô, hậu ủng rong ruổi khắp làng trên, phố dưới, mặt cứ hơn hớn, chỉ chỉ, trỏ, trỏ…
Có người phao tin, tri huyện Thanh Mỗ thoát hiểm được là nhờ cái áo, đêm ấy ngài mượn của Trùm Sò. Lập tức lời đồn, áo của Trùm Sò là áo thần, áo vía, áo tiên loang ra khắp phủ. Chỉ có vợ cả Trùm Sò là cười nửa miệng. Mụ nghĩ thầm trong bụng, thiên hạ rõ là nhiều chuyện, sống áo lão Trùm hôi như tổ cú, tiên, phật nỗi gì. Nhưng Trùm Sò lại sướng, lại khoái còn hơn người bắt được của. Nhờ cho quan huyện mượn áo, mà hắn mượn lại được của quan cái oai hùm, lúc nào cũng vênh vênh, váo váo, làm ăn bạt mạng, không còn coi ai ra gì. Bao nhiêu vụ Trùm Sò khai man trốn thuế, buôn lậu, chứa bạc… lý trưởng, chánh tổng đều biết cả, nhưng đều phải bỏ qua. Lão đắc ý nói với mấy mụ vợ : “ Cái thứ đái không qua ngọn cỏ như các bà, đã sáng mắt ra chưa. Ao của ông hôi như cú thật đấy, nhưng mà là áo tiên, áo tiên…”. Vợ cả Trùm Sò bắt đầu tâm phục, khẩu phục. Mụ lẩm bẩm : “cái áo tiên ấy quả là gớm thật, có nó, tham nhũng, tiêu cực, trong ngoài, trên dưới, thanh danh, thể diện… cũng chả là cái đinh gì. Thằng lớn, thằng bé, quan mẹ, quan con mặc vào là che, đậy được ráo...”. Thế là mụ xúc lô chồng : Cứ làm tới, làm tới…
*
Nghe viên Cai của quan tuần phủ đọc xong lệnh khám nhà, niêm phong tài sản, Trùm Sò run như cầy sấy, lăn cu chiêng ra đất. Mấy mụ vợ và đàn con của hắn thì gào khóc thảm thiết. Nhìn cái cảnh ngứa mắt ấy, viên Cai liền hét một tiếng đanh, gọn như phát súng lệnh : “Nín !”. Tất cả im bặt. Viên Cai liền thủng thẳng :
- Kêu khóc thì nước mẹ gì. Thế cái áo thần, áo tiên của nhà chúng mày hết thiêng rồi sao ?
Vợ cả Trùm Sò mếu máo :
- Nhưng thưa ! cái áo ấy quan huyện mượn mất rồi.
- Này, ông nói cho mà biết nhé, đòi về ! Đòi về ngay, không thì vợ , chồng, con cái nhà chúng mày cứ là tù cả nút.
*
Thấy Trùm Sò mặt méo xệch, thất thểu từ nhà quan huyện về, vợ con hắn bu lại hỏi rối rít. Nhưng Trùm Sò chỉ buồn bã lắc đầu. Mụ vợ cả tai quái trì chiết : - biết ngay mà, đòi thế nào được, của nả cho quan mượn khác nào chuối để họng voi. Thế ngài bảo sao ?
- Ngài bảo, sau vụ tham nhũng đất, quan phủ có việc phải về kinh, cái áo ấy ngài đã cho quan phủ mượn mất rồi. Mau về may cái khác , mặc vào, rồi lên ngay nhà quan phủ mà chầu. Ngài còn bảo, áo may xong phải đưa lên cho ngài xem lại.
*
Quan huyện Thanh Mỗ cao như cây sào nứa, đầu tròn như trái bưởi, lưa thưa vài sợi tóc, mắt xếch, râu vểnh, mặt đỏ như mặt gà chọi. Ngài cẩn thận lật qua, lật lại cái áo the còn gắt mùi hồ, nheo mắt soi mói từng đường kim, mũi chỉ . Chợt phát hiện ra điều gì, ngài giận dữ ném mạnh cái áo vào mặt Trùm Sò, quát lớn :
- Ao, sống thế này thì vứt, túi đâu ? túi đâu ? Sao chỉ có một cái bé bằng lỗ mũi thế này ? Mày có biết cái áo hôi như cú của mày dạo ấy, khi mặc lên hầu quan phủ, ông phải may thêm vào đến mấy cái túi ba gang không ? Về làm lại ngay !
Ra khỏi huyện đường, Trùm Sò đi như chạy về nhà, mặt hầm hầm, miệng lầm rầm rủa mấy mụ vợ già:“ Đúng là thứ đồ ngu, đái không qua ngọn cỏ, chỉ giỏi đếm tiền, rồi chúng máy sẽ biết tay ông”. Nào ngờ, sau khi nghe Trùm Sò nói lại chỉ vẽ của quan, vợ cả hắn lồng lên, té tát :
- Có mà cái đầu quan ngu, ông ngu. Cái thời nhiều túi, nhiều bọc, nhiều hòm qua lâu rồi. Mấy vạn lạng bạc chỉ gói gọn trong vài tờ ngân phiếu, may nhiều túi để đựng cái ngu của thằng cha dê già ấy à.
Thấy vợ nói phải, cái đầu rối như tổ quạ của Trùm Sò gật lia lịa. Nhưng bỗng hắn khụy xuống, khóc rống lên, nghe thật bi thảm :
- Ối giời cao đất dày ơi! Thế là vừa mất áo, vừa đi tong mấy vạn lạng bạc, hu, hu …
Mắt vợ cả Trùm Sò bỗng long lên sòng sọc. Mụ quát một tiếng còn đanh hơn, to hơn phát súng lệnh : “Nín !”, làm hắn giật mình suýt ngã lăn cu chiêng lần nữa. Rồi mụ hạ giọng, thẽ thọt vào tai chồng :
- Dâng áo thần, áo tiên lên cho quan phủ mượn, là mình đã có cơ mượn lại của ngài cái oai sư tử, mấy vạn lạng bạc gỡ lại mấy hồi…
Nha Trang 4-5-2007
Cả Sứt xử kiện
Nghe phía cổng làng, trống đánh tom tom, kèn thổi toe toe, là lão Móm biết ngay thằng Cả Sứt nhà lão đã về. Lão luýnh quính chạy ra cổng nghe ngóng, rồi chạy bổ vào nhà khoác vội cái áo dài. Nhưng lão chưa kịp xỏ chân vào guốc, thì đã nghe Cả Sứt nghêu ngao cái điệp khúc “ tiu ới a tiu bộc, tiu bộc ới là bộc tiu…”, rồi réo lên từ ngoài sân :
- Cụ kễnh ơi , là cụ kễnh ơi!
Lão Móm chạy ra. Trước mặt lão là thằng con trưởng dị tật, xúng xính trong bộ lễ phục nhà quan rộng thùng thình, nhưng cái tay khèo và cái chân dẹo vẫn lòi ra, trên đầu lại còn ngúc ngắc cái mũ cánh chuồn, trông thật tức cười. Nhưng lão vẫn cố giữ vẻ mặt nghiêm trọng, chẳng gì thì nó đã thành tri huyện cai quản cả vùng này. Lão mắng yêu nó :
- Cha bố nhà anh chứ kễnh, kễnh. Không có Móm này bỏ ra cả vạn lạng bạc, thì cái thứ tay khèo, chân dẹo như anh, đến mục thớt cũng chưa rờ nổi đít mấy con ngựa cái nhà quan.
Nhưng Cả Sứt cũng không vừa, quen thói ăn vạ, nó tru tréo như lợn bị chọc tiết :
- Ối giời ơi là giời, Ối làng nước ơi! Lại đây mà nghe, ông ấy mua quan cho tôi để hóng lợi , giờ lại kể công…
Lão Móm vội vàng lấy tay bịt miệng thằng con giời đánh và đẩy nó vào nhà. Dân làng này ai cũng bảo cha con lão Móm như phường tuồng, quả không sai. Lát sau, đã thấy Cả Sứt và lão Móm chụm đầu to nhỏ, thỉnh thoảng lại chỉ vào nhau, khoái chí cười ngặt nghẽo…
*
Nghe tin tri huyện Cả Sứt về xử kiện, thằng Nô mừng húm. Suốt đêm không ngủ, nó chỉ mong trời chóng sáng để chạy về nhà Thị Màu. Vì từ khi biết chuyện cô con gái rượu lẹo tẹo với thằng ở, sợ mất mặt với làng, Phú Ông muốn đuổi thằng Nô đi thật xa. Nhưng tứ cố vô thân như nó, nào biết đi đâu. Thế là, Phú Ông đành phải cấm tiệt, không cho nó lảng vảng gần nhà nữa. Lão đuổi cút nó ra ở tận cái chòi canh dưa bên sông. Mỗi lần nhìn cái bụng Thị Màu lùm lùm, ngày càng to, hết giấu vào đâu được, nhớ lời Phú Ông, mặt thằng Nô lại xanh như đít nhái. Nó sợ đến thót cả dái lên cổ. Đại ý Phú Ông bảo nó rằng, cứ chiếu theo luật lệ thì con gái lão phải bị gọt đầu bôi vôi , buông sông là cái chắc. Còn thứ khố rách, áo ôm, đầu chày, đít thớt như nó dám gây chuyện tày đình, làm hoen ố cành vàng lá ngọc, thì làm sao mà thoát khỏi mất cái đội nón. Nay thì nó mừng, vì nghe tri huyện Cả Sứt xử kiện ở mấy làng khác, cứ là “nguyên” nghèo “nguyên” thua, “bị” giàu “bị” thắng. Nếu “nguyên”, “bị” đều giàu cả, thì cứ lòng vòng, lòng vòng, thắng thắng, thua thua…
Trời mới hừng đông, thằng Nô đã đứng trước cổng nhà Phú Ông. Cô chủ nó lười chảy thây, vẫn chưa thèm dậy. Mấy con chó thấy nó đến thì rít lên mừng rỡ. Nó gõ gõ vào đầu con mực mấy cái. Con chó ranh mãnh, hiểu ý, chạy vụt vào trong nhà. Lát sau, Thị Màu dụi mắt bước ra, giọng còn ngái ngủ :
- Ai thèm cho nữa mà đến. Ông sắp dậy đấy, vào bây giờ để chết à ?
Thằng Nô rầu rĩ :
- Không phải chuyện ấy, chuyện ấy…
Rồi thằng Nô ghé vào tai Thị Màu, thì thào những gì có vẻ quan trọng lắm, khiến cái đầu cô chủ nó cứ gật lia lịa. Nó không ngờ Thị Màu quá thông minh, hiểu ý nó liền. Vậy là ổn rồi. Nó yên chí về cái chòi canh dưa nằm khểnh, gõ tay làm nhịp, nghêu ngao mấy câu vọng cổ…
Phú Ông giãy nảy, khi nghe Thị Màu đòi xin đến 5 ngàn lạng bạc. Nhưng khi nhìn thấy cái bụng thây lẩy của con gái, lại thấy nó nói nghe cũng phải, lão mới gật gù : Bỏ ra mấy ngàn lạng bạc cho tri huyện Cả Sứt, vừa đỡ mất mặt với làng, vừa khỏi phải đuổi thằng ở khỏe như vâm, cày một ngày hai trâu, bay gần mẫu ruộng. Lão liền lẳng lặng vào nhà trong lấy bạc, vừa đi vừa lẩm bẩm “mẹ cha chúng nó chứ, lời cổ nhân đố có sai, quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”.
Trống đánh bùm bùm mấy hồi. Đã đến giờ thăng đường. Tri huyện Cả Sứt áo thụng đỏ, mũ cánh chuồn, nheo mắt nhìn khắp lượt, rồi vung búa gỗ to như cái vồ đập đất, giáng mạnh xuống bàn, quát :
- Đưa thằng, thằng gì … gì Kính vào !
Thị Kính tiều tụy trong bộ áo nhà tu bị áp giải đến, đứng giữa hai hàng lính lăm lăm gậy gỗ. Huyện Sứt chỉ vào mặt Thị Kính :
- Quỳ xuống ! Cái thứ nam tửu ( Tri huyện Cả Sứt không biết nói “nam vô tửu, như cờ vô phong”) như nhà ngươi thì tu, tu cái gì. Thằng cha này chỉ có mà tu hú.
Thị Kính gạt nước mắt van xin :
- Lạy quan, oan cho thảo dân lắm.
- Oan, oan cái gì. Người đâu, mang ra sau đánh 50 roi cho ta. Đưa bọn nhân chứng vào.
Nhân chứng là mấy chú tiểu đều nhất mực khai, tiểu Kính chỉ chăm chỉ tu luyện trong chùa không hề ra ngoài. Những lần Thị Màu lên chùa đều có nhiều người, không thể có chuyện báng bổ nơi cửa Phật… Không thèm nghe hết, tay lành Cả Sứt cầm búa gỗ to như cái vồ đập đất, giáng xuống bàn cái chát, còn tay khòeo kia cố duỗi thẳng ra, chỉ vào mặt mấy chú tiểu, mắng :
- Câm ngay ! Chứng , chứng cái gì. Con Màu nó khai rồi, các người muốn chết hả. Người đâu, đưa mấy thằng chú tiểu này ra.
Thấy quan lớn Cả Sứt sát khí đằng đằng, xử kiện mà đùng đùng như đánh trận, mấy nhân chứng là hàng xóm nhà Phú Ông mặt tái nhợt. Nhưng trước sau họ vẫn chỉ có mấy câu “ không bao giờ thấy tiểu Kính ở nhà Phú Ông”. Cả Sứt bắt đầu thấy bí. Mồ hôi hắn vã ra. Hắn nghĩ, 5 ngàn lạng bạc con Màu đưa tối qua, coi chừng nuốt không trôi. Hắn vừa định vung cái búa gỗ to như cái vồ đập đất lên, thì một người lính tay cầm gậy gỗ, từ chỗ tra khảo Thị Kính hớt hải chạy vào, quỳ tâu :
- Dạ thưa quan, hình như … hình như tiểu Kính là… là đàn…
Giáng vội cái vồ đập đất xuống bàn, Cả Sứt gầm lên :
- Đàn, đàn cái gì … đàn sáo, đàn tranh, đàn nhị gì thì thằng tiểu Kính cũng là đàn … thủ phạm. Vật chứng là cái bụng con Màu nó đã to bằng cái thúng rồi kia kìa. Chúng mày không mở mắt ra mà nhìn ông xử công minh, khó nhọc suốt từ sáng đến giờ à. Thôi ! bãi đường.
Nha Trang 8-4-2007
Mẹ Đốp tố quan
Mấy hôm nay dân làng Sình cứ nháo nhác, hớt hải như chạy giặc, bởi tin đồn lý trưởng Lê Sồm (còn gọi là Lý Dê) tham nhũng, bớt xén tiền đắp đê, xây cầu, bị mẹ Đốp tố lên quan.Vậy là, trăm bó đuốc cũng phải bắt được con ếch. Ở cái vùng quê nghèo xác sơ vào bậc nhất thiên hạ này, tiền của đâu mà cơ ngơi nhà Lý Dê chả kém gì dinh quan phủ. Trẻ, già ai cũng thấy sướng trong bụng, nhưng vẫn bán tín, bán nghi. Chắc là phải nắm được chứng cứ rõ ràng, chứ có ăn gan giời, con mẹ Đốp cũng không dám sờ dái ngựa.
Mới bảnh mắt mà lão Đồ điếc đã đến cổng nhà mẹ Đốp, réo oang oang như lệnh vỡ : “Dậy mau, mẹ Đốp. Dậy mau ông bảo đây !”.
Cụ Đồ réo sớm thế này, chắc là có việc quan trọng lắm. Mẹ Đốp vội chạy ra mở cổng, nhưng lão Đồ điếc xua tay, vẻ mặt quan trọng, bảo :
- Nghe ông nói đây, quan trên đã có trát về, hôm nay Lý Dê sẽ bị áp giải lên huyện. Mày cũng bị gọi lên đối chất. Quyển sổ ghi chép của chúng nó, mày lấy được. Ông đã đọc kỹ cho mày nghe, mày đã nhớ hết chưa ?
- Dạ, con thuộc lòng rồi. Hôm nộp cho quan, xem xong, quan bảo tốt lắm, quan sẽ nghiêm trị.
- Thế thì hay rồi ! Mày vào lo chuẩn bị đi, ông về đây.
Thấy mẹ Đốp lên công đường hầu quan, mà vẫn tuyềnh toàng, chẳng sửa soạn gì, bố cu Thêm rất áy náy. Nhưng mẹ Đốp gạt phắt :
- Thầy em không việc gì phải lăn tăn, phận nghèo có gì mặc nấy, không hở hang là được. Mới lại, thầy em không nhớ chuyện lão Lý hôm trước à. Rõ là, thời buổi toàn một thứ giặc dê…
*
Sáng rõ. Lý Dê và mẹ Đốp cùng bị giải lên quan một lượt. Lý Dê bị trói giật cánh khỉ, mặt cúi vằm. Còn mẹ Đốp đầu chít khăn mỏ quạ, tung tẩy trong bộ váy nâu sồng đã cũ, mặt vênh vênh đắc thắng. Dân làng Sình kéo ra xem rất đông. Nhìn cái bọc to tướng (chắc là quần áo) vợ ba Lý Dê cõng trên vai, lẽo đẽo bước sau chồng, mọi người đều xì xào : Phen này, chắc cha Lý Dê nằm nhà đá đến mọt gông…
“Quan phụ mẫu là người có nhiều cái đặc biệt, đứng trước ngài…*”… Hôm lên tố cáo, thấy quan lùn tìn tịt, mắt ti hý, cứ đi quanh, hau háu nhìn như muốn nuốt chửng mình, mẹ Đốp đã phát khiếp. Nay giữa công đường, quan ngồi một đống, phì nộn quá cỡ thợ mộc, bệ vệ oai phong, mặt lạnh như tiền, khiến người đàn bà lực điền, táo tợn như mẹ Đốp cũng thấy hoảng. Vẫn cái búa gỗ truyền thống, to như cái vồ đập đất , quan phụ mẫu đập mạnh xuống bàn. Vợ, chồng lý Dê khóc như cha chết, van lạy như tế sao, kêu oan. Thấy thế, quan phụ mẫu trợn mắt , ném cuốn sổ vào mặt Lý Dê, quát :
- To gan ! Chứng cứ rành rành. Người đâu, nọc ra đánh 150 roi , rồi tống vào ngục cho ta.
Thấy quan xử quyết liệt, nghiêm minh, mẹ Đốp phục lặn như bi, vội nhặt cuốn sổ đặt lên bàn quan. Vẫn cặp mắt ti hí, quan phụ mẫu lại hau háu nhìn mẹ Đốp từ đầu đến chân, rồi ngài hạ giọng :
- Con mẹ làng Sình này tố cáo đúng. Đáng khen, đáng khen, cho về.
*
Quãng đường từ huyện về làng Sình cứ như dài thêm. Gần trưa. Hai chân đã mỏi nhừ, nhưng mẹ Đốp vẫn đi như chạy. Dân làng Sình mà nghe Lý Dê bị tống ngục thì vui phải biết. Đang hả hê suy nghĩ, mẹ Đốp bỗng giật mình tránh cho cỗ xe tam mã chạy qua. Đó là xe của quan phụ mẫu. Mẹ Đốp không còn tin vào mắt mình. Trên xe, vợ chồng Lý Dê đang cười tít mắt. Lý Dê còn ngạo nghễ, vẫy vẫy tay, nói với lại :
- Ê ! Mẹ Đốp về sau nhé ! Hé… hé...
Ba máu, sáu cơn trong người đàn bà lực điền làng Sình bốc lên hừng hực. Mặc bố cái mệt. Mẹ Đốp quay ngoắt lại , xông vào cửa quan, vớ dùi trống đánh liên hồi. Quan phụ mẫu gầm lên “ chưa qua ngọ, đứa nào dám không cho ông nghỉ hả”. Khi nghe báo đó là mụ đàn bà tố Lý Dê, ngài lại hạ giọng, dịu như nước mía “ cho người ta vào”. Rồi ngài lẩm bẩm “ con mẹ đàn bà mới qua tuổi sồn sồn này, cũng hay ra phết… hí … hí …’’. Nhưng khi thấy mẹ Đốp sát khí đằng đằng, mặt hằm hằm lao vào, thì lập tức mặt quan phụ mẫu đanh lại, ngài rít lên những âm thanh nghe như tiếng thép, tiếng gang :
- Thằng Lý Dê oan rồi ! Chứng cứ , chứng cứ cái gì. Sổ ghi chép đây ! mày có giỏi thì đọc ngay, chỉ ngay cho ông xem nó tham nhũng chỗ nào ?
Mẹ Đốp đứng lặng như trời trồng, hết nhìn cái bọc to tướng của vợ chồng Lý Dê đặt trên bàn quan (chắc ngài chưa kịp cất), lại nhìn những con chữ loằng ngoằng như con ruồi , con muỗi trong sổ. Chỉ đợi có thế, quan phụ mẫu lại rít lên :
- Mày bứ họng lại chưa ? Đồ ngu ! mù chữ mà đòi bày đặt, kiện, kiện. Thôi cút mau, không ông lại bỏ tù vì tội vu khống bây giờ.
Mẹ Đốp mệt mỏi ném cái dùi trống vào sọt rác, uể oải bước ra khỏi công đường. Dân làng Sình vốn nổi tiếng là cứng đầu, cứng cổ. Vậy mà… Ngửa mặt lên trời, mẹ Đốp cứ tự đấm, tự đấm vào ngực mình mà rằng : “ Chúng nó dễ làm quan, cũng là tại mình. Chém cha cái mù, cha bố cái ngu”.
Nha Trang 21-4-2007
(*) Nguyễn Công Hoan
Bợm Ốc tìm thầy
Giữa trưa, không một ngọn gió. Nắng, nóng như thiêu. Khu vườn trong dinh thự nhà quan tuần phủ rợp tiếng ve. Quan tuần phủ đầu trọc lốc, cởi trần trùng trục, hai bờ vai nổi u , bụng phệ như người có chửa, trắng nhễ, lồi ra cục rốn to bằng đít cái chén tống. Ngài ngồi đó, dưới gốc cây thị già, tay phe phẩy cái quạt, mắt lim dim… Có tiếng gọi cổng, con chó lào to như con bê từ nãy vẫn phủ phục dưới chân ngài, hộc lên một tiếng, lao ra. Lát sau viên quản gia vào, bẩm : “ Thưa, có cụ ông dưới quê lên, con đã mời cụ vào phòng khách ạ”. Quan tuần phủ vội lật đật xỏ guốc, chạy vào :
-Trưa nắng thế này, sao bố không nhắn để chiều mát con cho kiệu xuống đón.
Thì ra đó là thân phụ của ngài, một cụ già nhỏ thó, tóc bạc trắng, dáng hiền lành, tuổi chắc cũng ngoại sáu mươi. Cụ nhìn quan phủ từ đầu đến chân rồi chậm rãi lắc đầu, bảo :
- Đón rước gì. Anh không về mà nghe dân làng tối ngày xì xào đến nhức cả đầu, cả óc . Nghĩ cho cùng thì họ xì xào bàn tán đâu có sai. Nào là, thằng Ốc làng mình dốt như chó, chuyên nghề ăn trộm, nay thành quan phủ, thì đúng là trời mù, trời mù. Nào là, thằng Ốc làng mình …
- Thôi ! con xin cụ – Quan tuần phủ giận dữ cắt ngang lời bố già, rồi dịu giọng phân bua :
- Con đã là tuần phủ, mà cụ cứ còn ốc, ếch, trai, cua mãi. Con còn lạ gì người làng mình, nhát như cáy, đúng sai gì cũng toàn nói sau đít. Bây giờ phải làm gì, cụ cứ dạy.
- Phải học !
- Thì con đã học rồi đấy thôi, hết lớp này đến lớp nọ.
- Nhưng mà học nhảy cóc, nhảy nhái kiểu lưu manh, lởm khởm …
*
Sau khi tiễn bố về, mấy ngày liền quan tuần phủ không thăng đường, hết đứng , lại ngồi, hết đi ra, lại đi vào, ăn uống cũng chểnh mảng. Ngài sút đi trông thấy, làm viên quản gia cũng phát hoảng. Vốn đi theo ngài từ thủa hàn vi, không lạ gì bụng dạ đại ca, hắn liền thì thào với quan phủ điều gì đó, khiến mắt ngài sáng rực, sái cổ gật đầu tán thưởng ngay :
- Phải, phải, muốn làm phụ mẫu, cha, mẹ dân, phải thông tỏ thiên văn, địa lý. Ông sẽ học thêm, chúng nó phải dạy thêm, bằng cấp thật nghiêm chỉnh, cho bọn dân đen ở quê biết thế nào là mặt thằng Ốc .
Nói là có liền. Ngay hôm sau thầy đồ địa lý đã được triệu đến. Tuần phủ Ốc xoay trần ra, đánh vật với chữ nghĩa. Mồ hôi ngài ròng ròng, mà chữ nọ cứ ngoằng chữ kia, đông, tây, nam, bắc, ngài chỉ lung tung hết. Bực quá, tuần phủ Ốc chỉ vào mặt thầy đồ : “Đúng là đồ dốt, không biết dạy, cút !”.
Tiếp đến là thầy đồ thiên văn. Lại xoay trần, lại đánh vật, lại huỳnh huỵch với nào là sao Kim, sao Thổ. Nhưng ngài cũng lại chầy, cối cãi thầy rằng: “nhật thực, nguyệt thực là giăng, giời, trời, đất, trên, dưới cùng ăn!”, khiến ông thầy thiên văn chịu không nổi, buột miệng sửng cồ lên : “Có quan lại nhà các người ăn chặn, ăn bẩn chứ giời đất nào ăn”. Liền bị tuần phủ Ốc trợn mắt, quát : “A ! Thằng này láo. Bay đâu ! gô cổ thằng thầy đầu bã đậu này lại cho ông”. Rồi ngài tức giận chửi thề, văng tục sùi cả bọt mép. Thấy vậy, viên quản gia sợ hãi chạy ra, thưa
- Xin quan lớn bớt giận. Nhất tự vị sự, bán tự vị sư. Ngài làm thế sẽ mang trọng tội .
Sau giây lát suy nghĩ, tuần phủ Ốc mới chịu vung tay :
- Thế thì thôi, xéo ngay!
Thầy đồ thứ ba được triệu đến, chuyên về môn lịch sử. Về khoản này Ốc đại nhân quả là mù tịt. Ngài cứ nhầm lẫn lung tung, hết bảo An Dương Vương đóng cọc phá Tống trên sông Bạch Đằng, lại cãi Lê Đại Hành đánh bại quân Nam Hán. Khiến thầy dạy đành lắc đầu chào thua, cáo ốm, rồi trốn luôn.
Ngày, tháng cứ thế trôi đi. Siu, thuế ngày càng cao. Công quỹ ngày càng hao hụt nặng. Nhưng dinh thự nhà quan phủ thì ngày càng phình ra, tòa ngang, dãy dọc, vợ lớn, vợ bé, mỗi bà một cơ ngơi , phè phỡn tối ngày. Vào một chiều cuối đông, trời u ám, mây đen vần vũ như sắp vào cơn đau đẻ, có một lão già lưng còng, áo the, guốc mộc, tay gậy huơ huơ (lão bị mù), đến trước cổng, cứ nhè tên cúng cơm của quan phủ, réo liên hồi :
- Anh Ốc ơi! Anh Ốc ơi là anh Ốc !
Lập tức con chó lào to như con bê, phóng ra sủa ông ổng. Lão già vội ngồi thụp xuống,líu lưỡi gọi không thành tiếng, huơ gậy rối rít. Nghe tiếng quen, quen, quan tuần phủ khoác vội áo, đích thân ra mở cổng :
- Ôi! Thầy Nghêu, chí cốt, chí cốt. Lâu ngày quá,để rước thầy vào nhà.
Lão già lấy guốc dưới chân kẹp vào nách, Ốc đại nhân vội vàng ngăn lại :
- Ấy chết, thầy Nghêu cứ bỏ đó, không sao. Nào ! để tôi dắt thầy lên. Thế, thế ngồi xuống đây, ngồi xuống đây. Lâu nay làm ăn ra sao ? Đến tìm tôi có việc gì không ? Thật là ngưu lại tầm ngưu. Tôi cũng đang cần gặp thầy Nghêu đây.
- Thật thế hử ? Bỏ trấu vào cái mồm thối nhà anh. Sau đận trộm nhà Trùm Sò ấy, trút hết tội lên đầu Nghêu này, gặp thời lên quan là anh mất hút con mẹ hàng lươn. Hôm nay tôi đến đòi anh chia cho tý để dưỡng già. Anh có cho không thì bảo ! Nghêu đây nào có lạ gì, chức tước, dinh thự nguy nga, hoành tráng này, cũng toàn là của ăn…
Quan tuần phủ vội lấy tay bịt miệng lão già, rồi vỗ vai lão van vỉ :
- Khắc chia, khắc chia ! Mà thầy cũng khỏi cần đi đâu, cứ dưỡng già ngay tại dinh thự này của quan phủ Ốc tôi.
- Tôi mù lòa, ở đây với anh còn làm được gì, thưa anh Ốc ?
- Thầy Nghêu mù, mà cái đầu với những chiêu “ông cống” (ý nói chuột cống) của thầy Nghêu đâu có chịu mù. Cái “kho” này của dân cống nạp cho triều đình, vô tận lắm, hí…hí. Thầy Nghêu sẽ làm gia sư cho quan phủ. Thằng nọ, thằng kia tiến sỹ, ông nghè, bảng nhỡn… học giả, bằng thật cũng mặc mẹ chúng nó. Trăm sự thỉnh giáo thầy Nghêu, Ốc này chỉ mong có được cái bằng “ông cống” thật hột, để về già sống khỏe, sống vui, con cháu, chút , chít đời đời hưởng sái, là đã mãn nguyện lắm lắm rồi , thưa quý thầy.
- Thế hử ? Thế là từ nay Nghêu ta sẽ làm gia sư cho nhà anh hử ? Vậy thì cạn chén, mã lại tầm mã. Ta với anh Ốc cùng mừng ngày tái ngộ, hô hô, hi… hi , he he …/.
Nha Trang 9-5-2007