Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.162.059
 
Quang Hoài và sự hiện diện tập thơ thứ sáu
Dương Kiều Minh

 (Đọc “CHỚP LỬA ĐƯỜNG CONG” - Tập thơ của Quang Hoài-Nxb. Văn học, 2009)

 

 

Mở tập thơ mới xuất bản của Nhà thơ Quang Hoài, bất thần gặp một ngôi toạ sơn trước mặt - đó là lời giới thiệu về thơ Quang Hoài của Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa. Thú thực, tôi định viết đôi điều, nhưng quả là khó khăn. Sòng phẳng mà nói, không thể vượt qua ngọn danh sơn đang dựng trước mắt; nhưng nếu muốn qua chỉ còn một lối duy nhất, đó là men theo chân ngọn danh sơn mà đi, thì rồi chắc cũng sẽ qua.

 

Nhận định về thơ Quang Hoài, Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết: “Có thể nói đó chính là những bức tranh được vẽ bằng hồn. Chúng đang lặng lẽ nói về Quang Hoài, giúp ta nhìn thấy anh, nhận ra gương mặt rất riêng của anh giữa ngổn ngang bóng người nơi trần thế (…). Vậy Quang Hoài là ai? Đó là một cây bút đa tài. Điều này thì khỏi phải bàn. Quang Hoài làm thơ, viết văn, viết bình luận văn học, soạn các sách chuyên đề… Nhưng trước hết, anh là một thi sĩ. Quang Hoài có thơ in trên các báo địa phương và Trung ương từ những năm Sáu mươi của… thế kỷ trước (…). Quang Hoài lạc ra ngoài đội hình. Anh tạo cho mình một lối đi riêng. Đó là cách lội ngược dòng. Đây là một đóng góp riêng của anh, cũng là một thiệt thòi của anh, khi anh tự che khuất mình trong cả một đội ngũ trùng điệp (…). Quang Hoài không chìm đắm vào những chất liệu bề bộn của hiện thực. Đời sống hiện thực phải lọc qua tâm hồn anh, lắng lại thành ký ức rồi mới ùa lên trang giấy. Thơ Quang Hoài là thế. Lối viết này đã chi phối toàn bộ các sáng tác của anh từ ngày đầu cầm bút cho đến tận bây giờ”.

 

Như Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, Quang Hoài “là tác giả của sáu tập thơ dày dặn, có tập dày đến mấy trăm trang. Anh còn có mặt trong hàng trăm tập tuyển đủ các chủng loại, từ Trung ương xuống các địa phương, suốt mấy thập kỷ”. Nhà thơ Quang Hoài còn là người đứng ra tuyển chọn biên soạn tuyển thơ NGÀY HỘI THƠ, đã xuất bản đến tập thứ tư. Mỗi bộ tuyển NGÀY HỘI THƠ của Quang Hoài, đều ra mắt công chúng vào đúng dịp linh thiêng nhất, đó là thời điểm khai mạc Ngày Hội thơ hàng năm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vị pháp chủ của Ngày Hội thơ hàng năm, đã đánh giá công trình các bộ tuyển NGÀY HỘI THƠ của Quang Hoài là đã có thành tích đặc biệt trong công tác hiện thực hoá Ngày Hội thơ hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam.

 

*

 

Giờ ta trở lại tập thơ mới xuất bản của Nhà thơ Quang Hoài “Chớp lửa đường cong”, cái tên tập thơ tạo cho người đọc cái ảo giác hình như đó là tập thơ của một hoạ sĩ - thi sĩ. Có lẽ Quang Hoài không cố ý tạo ra cái ảo giác này, mà anh chỉ ngầm gửi gắm cái thông điệp sâu xa nào đó.

Đối với Quang Hoài, thể thơ lục bát tình tứ được truyền dẫn hơi thở của truyền thống dân dã - khởi nguồn và hưng vượng nền văn học dân gian - là nền tảng, cội rễ khởi hứng những thi tứ của anh:

Thôn Đồng em có về không

Để anh chín đợi mười trông mỏi mòn

Hiên nhà cau đã đẫy buồng

Chái nhà trầu đã vàng giàn ngóng trông

Chẳng thà cách núi cách sông

Lẽ nào cách một quãng đồng mà xa?...

(Thôn Đồng em có về không?)

Dù vậy, với tập thơ mới này, Quang Hoài đã tạo ra nhiều mảng khối được tạo dựng trên nguồn cảm hứng khác. “Tản mạn chiều Bản Giốc”, là một bài thơ ngắn nhưng mang nhịp điệu và hơi thở của trường ca, của nền khí nhạc giao hưởng:

Ta đến đây khi mặt trời gác núi

Bầy quạ vừa bay qua

Tiếng còn vọng rừng thâm u

Trắng chiều lung linh thác đổ

Ta nghe nước xối gào những bình minh khép mở

Đàn chim Lạc về đây thắp lửa

Ánh lửa bừng lên đêm mông muội đầu ghềnh

Bên thác trắng ngang tàng bất tử

Trong cái hơi thở trầm hùng, mạch thơ chảy xiết dội lên tiếng âm vang của truyền thống Lạc Hồng trong huyết mạch của đương đại:

Bản GiốcBản Giốc Ơi! Bản Giốc ngàn năm

Rừng vẫn non xanh kề triền cỏ úa vàng

Nước vẫn trắng ngần ba dải ào ào đổ thác

Thành mạch nguồn tưới mát đất Văn Lang.

(…)

Có phải nước từ chiều dài lịch sử bốn ngàn năm

Cho anh và em hôm nay dòng thác hồn người

Thác Bản Giốc, dốc về nguồn cội

Từ thác này thẳng tới tương lai?...

(…)

Ơi! Bản Giốc Bản Giốc

Ta lặng nhìn mảng bè bập bềnh mặt nước

Chiều biên cương lạnh buốt

Rưng rưng đọc câu thơ người xưa:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư!

(Tản mạn chiều Bản Giốc)

Theo tôi, bài thơ “Tản mạn chiều Bản Giốc” là một trong những bài thơ hay viết về một danh thắng nổi tiếng của Cao Bằng.

Từ thác Bản Giốc của Cao Bằng, Quang Hoài tiếp tục khởi hứng về sông Thao, với “Lòng ta về với sông Thao”. Sông Thao là một đoạn của sông Hồng chảy qua Phú Thọ, nó mang theo địa danh của vùng đất trung du này, thực ra trên bản đồ không ghi, bởi nó chỉ là một đoạn của sông Hồng chảy qua Phú Thọ. Sông Thao là đoạn sông Hồng gắn liền với lịch sử cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của dân tộc Việt Nam - nó vừa là đoạn sông lịch sử, vừa là dòng sông của thi hứng, nhạc hứng với các thi phẩm và nhạc phẩm nổi tiếng của các bậc đại gia về thơ và ca khúc đương đại. Trong bài thơ “Lòng ta về với sông Thao” của Quang Hoài có trích dẫn thơ của Cố nhà thơ Lưu Quang Vũ và Thi sĩ Nguyễn Duy. Có lẽ nguồn cảm hứng của Quang Hoài gần với hai nhà thơ này về sông Thao chăng:

Sông Thao, sông Thao

Đêm nghe rì rầm nước chảy

Ta thương em như dòng sông

Đục ngầu lau sậy!

 

Sông Thao, sông Thao

Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm

Sao một trời nông nỗi?

(…)

Sóng vỗ lòng ta đau nhói

Về với sông Thao

Hoàng hôn khép lối!

Về với sông Thao của Quang Hoài, là về với bóng dáng của “một mỹ nhân” một “yểu điệu thục nữ” khuất sau bờ lau sậy nơi “hoàng hôn khép lối”.

Tưởng vọng Thi tiên Lý Bạch, Quang Hoài đã dụng công dựng chữ thật công phu, đọc thoáng qua cứ ngỡ Quang Hoài dịch thơ Lý Bạch bằng vần điệu thơ lục bát:

Người ngồi chuốc rượu dưới hoa

Cùng Trăng với Bóng kết ba bạn đời

Trăng nào chạm được chén mời

Bóng nào cạn được cùng Người Người ơi!

 

Chén sầu uống mãi chẳng vơi

Nỗi đau nhân thế ai người sẻ chia?

Rượu hay nước mắt đầm đìa

Chan chan từng chén hẹn về sông Ngân!

(Với Lý Bạch)

Quang Hoài viết tặng Nhà thơ đồng hương Trúc Thông, tác giả của “Chầm chậm tới mình” và “Maraton”, một nhà thơ trọn đời dâng hiến cho công cuộc cách tân thơ ca. Câu chuyện tâm tình giao cảm rất đáng lưu ý ở bài thơ, là tác giả đọc thơ của nhà thơ đó cho chính nhà thơ đó nghe, từ những hình ảnh của hiện tại như luồng gió lạ đẩy mối suy tưởng về vùng đất Sơn Nam với những kỷ niệm thuở thiếu thời của sông Châu, núi Đọi:

Tôi đọc thơ Trúc Thông

anh nghe như chìm trong bia lạnh

hai em gái ngồi bên rót mời

 

Bờ sông vẫn gió cánh thơ bay

(…)

giọt nắng cuối cùng hoàng hôn Hà Đông

đậu trên mí mắt Trúc Thông

như là giọt lệ!

(…)

Mẹ ơi! Mẹ ơi!

người thơ ngồi đấy, con ngồi đấy

(…)

gió và gió - Mẹ ơi, có thấy

lá ngô lay ở bờ sông

con và Trúc Thông

đang về quê mình

đang về sông Châu núi Đọi.

(Tôi đọc thơ Trúc Thông cho anh nghe)

 

Ở tập thơ mới xuất bản của mình, Quang Hoài vẫn phát huy sở trường là thơ lục bát. Bên cạnh đó, như tôi vừa dẫn, anh đã thật sự thuần thục và khoáng đạt trong thể thơ tự do với những liên tưởng phong phú trên nền cảm xúc vừa mạnh mẽ vừa phóng hoạt. Trong tập có những tứ thơ thật mới và lạ, như bài “Ghé hàng em bán quan tài”: “Quan tài tôi chả thèm mua/Ghé hàng emhỏi giả vờlàm quen”; hoặc bài “Em nguyệt thực và anh nhật thực”; và bài “Có dòng sông dọc bến đời”, đã làm tươi tắn thêm thể thơ lục bát:

 

Có dòng sông dọc bến đời

Liêu trai lún phún cỏ bời bời xuân

 

Chèo em mái gác đầu ghềnh

Buồm anh bão xoáy chòng chành cột dong!

 

Tôi nhận thấy một điều hiện lên một cách sinh động là tình yêu thơ lục bát và câu chuyện “nhi nữ tình trường” - làm nên khối xoắn bện trong mối quan tâm không dứt của thơ Quang Hoài:

 

Mang mang mây trắng trên đầu

Mòn đêm tiếng cuốc gọi đau cháy hè

Xác tàn xương rũ gò tre

Ta ngồi gói lá bùa mê thả người

 

Thả nơi góc biển chân trời

Người đâu? Cuốc vẫn kêu hoài người ơi!

Ta là người nẻo chơi vơi

Hay là người xứ muôn đời lẻ loi?

(Mang mang mây trắng trên đầu)

 

Lâu nay lưu truyền trong dân gian, rằng có ba loại bùa để thả cho người mình yêu, trong ba loại bùa đó, có một loại “bùa yêu” được làm bằng xương cốt của con cuốc khi đã kêu rạc đi và chết gục xuống, người ta lấy về đốt thành tro và nhào trộn làm thành một loại “bùa yêu”. Tương truyền là loại bùa này rất nhạy. Tác giả mượn loại bùa này để ám dụ về khối tương tư tâm tình của nhà thơ với thơ ca, cuộc đời và với tình duyên. Tình duyên - một trong thất tình, mà mỗi con người đã trót sinh ra trên cõi đời thật khó bỏ qua. Nhưng ta cũng nhận thấy trong bài thơ lục bát xuất sắc này của Nhà thơ Quang Hoài, tác giả không dừng lại ở tình duyên, mà bài thơ được nâng lên thành mối cảm hoài trước cõi đời mênh mang trong vũ trụ vô cùng vô tận, nó mang tinh thần của “bạch vân thiên tải không du du”:

 

Lẻ đêm trăng chếch song soi

Lẻ ngày trời ngả giại phơi mãn chiều

Mõ khua trăng rụng cuối đèo

Chuông buông trời lặn đèn leo lét dầu

 

Mang mang mây trắng trên đầu

Ta tìm đâu gọi người đâu bây giờ?

Cõi người đốm lửa hư vô

Rạc rài tiếng cuốc dồn xô rạc rài!

 

Trong tình yêu thơ lục bát của Quang Hoài có sự cảm mộ đặc biệt với Nhà thơ Nguyễn Bính - điều này Quang Hoài không che giấu, anh đã dành sự tưởng nhớ Nhà thơ Nguyễn Bính bằng một bài thơ lục bát khá dài:

 

Mộ người nắng trải mênh mang

Gió lay ngọn cỏ hàng hàng non tơ

 

Người đi từ bấy đến giờ

Chân quê gửi lại hồn thơ cho đời

Nỗi niềm gan ruột đầy vơi

Dứt day năm tháng lòng người thành Nam

(…)

Tiếng thơ người - tiếng nhân gian

Hoá hồn non nước vọng ngàn mai sau

Còn tre xanhcòn trầu cau

Chân quê còn mãi xanh màu thời gian.

(“Chân quê” còn mãi xanh màu thời gian)

 

Vậy, “Tiếng thơ - tiếng nhân gian rồi hoá hồn non nước vọng ngàn mai sau” - là một trong những cái đích cao vời mà mỗi người làm thơ mong đạt đến. Quang Hoài tưởng nhớ Nhà thơ Nguyễn Bính, thiển nghĩ, như vậy là đã tận cùng vậy.

Để khép lại bài viết, tôi xin dẫn lời của Nhà thơ Trần Đăng Khoa viết về thơ Quang Hoài:

“… Thơ Quang Hoài - một loại rượu đặc sản của riêng anh sẽ chinh phục được độc giả, làm say lòng độc giả mà không cần tôi phải quảng bá, vân vi.

Tôi tin thế.

Và rất mong như thế!”./.

 

Hà Đông, tháng 7-2009

Dương Kiều Minh
Số lần đọc: 2511
Ngày đăng: 28.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Ám Ảnh Đêm trong Thơ Ly Hoàng Ly - Trần Hoài Anh
Môt thóang Quang Hoài - Trần Ðăng Khoa
Nét Bình Dân Trong Thơ Bùi Giáng - Nguyễn Thành Giang
Nhà Thơ Trần Hùng và Đôi Cánh Trập Trùng của Ước Vọng - Dương Kiều Minh
Đọc “Refresh cuộc đời” của Phan Thế Hải để hiểu không chỉ một cuộc đời - Phương Giang
Lãng đãng thơ Phan Văn Quang - Mai Thanh Tịnh
Phố đồng thảo- một tập thơ lạ của một giọng thơ độc đáo - Dương Kiều Minh
Giấc mộng cuộc đời, giấc mộng thi ca - Võ Tấn Cường
Đọc thơ Lê Huy Quang, Tìm “Cỡ Quang – Cỡ một con người” - Dương Kiều Minh
Nỗi buồn, biết gửi vào đâu? - Bùi Công Thuấn
Cùng một tác giả
Thu ẩm (thơ)