Nghề gốm là một trong những nghề thủ công lâu đời của người Việt. Cùng với những công cụ bằng đá, đồng, sắt được các cư dân Việt cổ sáng tạo trong suốt hàng nghìn năm qua, các đồ dùng bằng gốm cũng luôn gắn bó thân thiết với người Việt.
Cho tới nay, mặc dù có hàng trăm, hàng nghìn loại sản phẩm mới được sản xuất, phục vụ cho đời sống của con người nhưng đồ gốm vẫn luôn luôn hiện diện trong hầu hết các gia đình người Việt. Đó chính là lý do để các lò gốm tồn tại và phát triển.
Dọc theo sông Tiền, đặc biệt là ở địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, có tới vài trăm lò gốm thủ công. Từ cầu Mỹ Thuận đến gần cửa biển, những lò gốm đa năng chi chít, trông xa giống như những cụm nấm sau mưa rào. Và có thể nói, mỗi lò gốm này là một tác phẩm kiến trúc ngoạn mục. Chúng được xây hoàn toàn bằng gạch nung với một lớp vữa mỏng bằng đất sét trộn cát, tạo thành một kiến trúc vòm giống một quả trứng khổng lồ được chôn một nửa xuống đất. Với đường kính gần 10m, cao trên 10m, cá biệt có lò cao tới 15m, mỗi lò gốm này thực sự là một công trình “vĩ đại” so với những ngôi nhà thấp lúp xúp của người dân xung quanh.
Cấu tạo của lò nung
Với cấu trúc khối cầu, có thể điều chỉnh nhiệt độ lò bằng cách tăng, giảm độ mở của các lỗ thoát hơi ở chính giữa đỉnh và xung quanh thân lò khiến cho gốm chín đều mà không lệ thuộc vào độ dày - mỏng của các sản phẩm. Chẳng hạn, khi gốm ở gần đỉnh lò đã chín mà các sản phẩm ở xung quanh thân lò vẫn chưa đủ độ, người thợ nung sẽ bịt kín lỗ thoát tại đỉnh và mở rộng thêm các lỗ thoát ở thân lò để tăng nhiệt độ nung ở khu vực này. Kiểu lò này cùng một lúc đạt được nhiều hiệu quả như:
- Tận dụng tối đa nhiên liệu đốt.
- Các sản phẩm gốm chín đều.
- Lượng phế thải ít v.v...
Với độ dày thân lò: đáy 3m, thân 2m, đỉnh 1m, các lò gốm này hầu như không để nhiệt lượng khuyếch tán ra ngoài môi trường như thường thấy ở đa số các lò gốm nơi khác. Đặc biệt, với kiểu cấu tạo lò này, người ta có thể nung cùng một lúc nhiều loại sản phẩm khác nhau: từ gạch ngói xây dựng cho đến các loại đồ dùng gia đình, với độ dày - mỏng chênh lệch hàng chục lần. Bí quyết để tạo nên sự khác biệt này so với các kiểu lò gốm khác ở miền Bắc và miền Trung chính là ở cấu tạo của lò và thứ tự sắp xếp các sản phẩm. Những người thợ gốm xếp các loại gạch xây dựng ở lớp dưới cùng, tiếp đến các loại ang, vò, chum, rồi các loại chậu, nồi, bình... Có thể nói, kiểu nung này đã đạt đến một trình độ khoa học cao về kết cấu.
Không chỉ đạt được hiệu suất cao trong việc sản xuất ra các sản phẩm, kiểu lò gốm này còn tiết kiệm được khá nhiều nhiên liệu và tạo ra rất ít phế thải với môi trường xung quanh vì nhiên liệu của loại lò này là vỏ trấu. Nằm giữa vựa lúa của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, các lò gốm đã tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ tiền và sẵn có. Hơn thế, vỏ trấu sau khi đốt không tạo ra xỉ than như than đá nên sự ảnh hưởng của chất phế thải từ các lò gốm này đến môi trường rất ít. Đây có thể coi là một mô hình kết hợp hoàn hảo giữa nông nghiệp, thủ công nghiệp và bảo vệ môi trường.
Quy trình sản xuất
Mỗi sản phẩm gốm ra lò là mồ hôi, công sức của hàng chục, hàng trăm người thợ gốm. Quá trình sản xuất gốm ở đây có thể tóm tắt làm 3 giai đoạn:
- Khai thác nguyên liệu.
- Tạo hình sản phẩm.
- Nung gốm.
Đất sét để làm gốm được khai thác tại chỗ bằng phương pháp thủ công. Trước hết đất được đào lên phơi khô, sau đó đem trộn nhuyễn và ủ. Đối với nguyên liệu để làm gạch ngói thì không nhất thiết phải ủ đất. Khi đất sét trở nên dẻo quánh thì đó cũng là lúc những người thợ chính vào việc, phần việc của những người tạo hình sản phẩm. Mỗi sản phẩm lại có những nhóm thợ khác nhau đảm trách. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm này đều được làm tại chỗ. Việc tạo hình các sản phẩm gốm được phân ra thành nhiều công đoạn như:
- Tạo xương gốm.
- Hoàn thiện thân gốm.
- Trang trí gốm.
Mỗi công đoạn này lại do những người thợ có chuyên môn cao đảm nhiệm.
Sau khi gốm đã được phơi khô, người ta chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc nung gốm: Toàn bộ quá trình xếp gốm vào lò và nung kéo dài đến hàng tháng. Trong suốt quá trình nung, người thợ chính phải có mặt thường xuyên để kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ. Việc kiểm tra hoàn toàn bằng cảm nhận trực quan mà không có bất cứ một thiết bị chuyên dụng nào khác. Vì vậy, phần việc này chỉ có thể giao cho những người đã có kinh nghiệm lâu năm thực hiện. Khi gốm chín, người thợ chính quyết định ủ lò. Cuối cùng, sau khi khơi thông các lỗ thoát hơi để lò gốm nguội dần, là lúc những người thợ gốm có một chút thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho việc ra lò.
Giá trị khoa học và thực tiễn
Khó có thể nói hết các mặt giá trị của nghề gốm nơi đây chỉ trong một vài trang viết. Trên thực tế những lò gốm này cùng một lúc đóng góp rất nhiều thành tựu về kinh tế, văn hoá, xã hội... cho địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là một công trình dân sinh có tính khoa học cao, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng từ các ngành chức năng để có thể phát huy hiệu quả sử dụng của chúng.
Về giá trị khoa học, đây là một loại lò nung có hiệu suất cao, công năng lớn, hiệu quả sử dụng tốt và hầu như không gây ô nhiễm môi trường. So với các loại lò nung truyền thống ở Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Hương Canh (Phú Thọ), v.v.... thì kiểu lò gốm ven bờ sông Tiền đã đạt đến độ hoàn thiện về kỹ thuật. Hơn nữa, với thời gian nung tới hàng tháng và nhiệt độ nung không cao như các lò nung bằng than đá, nên sản phẩm gốm ở đây vừa chín kỹ lại vừa có độ bền vượt trội.
Xét về mặt thực tiễn, nghề gốm nơi đây đã thu hút hàng chục nghìn người lao động, tạo ra hàng vạn sản phẩm có chất lượng cao cho xã hội. Bên cạnh đó, nghề gốm truyền thống này đã tạo nên một nét đẹp văn hoá riêng biệt cho vùng đất miền Tây- Nam Bộ, nơi chỉ được biết đến như một vựa lúa lớn của cả nước. Hơn thế, lò gốm không chỉ là những công trình dân sinh thuần tuý mà còn là những công trình kiến trúc dân gian tuyệt đẹp: Sự kết hợp giữa các khối cầu của thân lò và những khối trụ vuông của ống thoát hơi hài hoà tới mức dường như chúng được xây nên để làm đẹp hơn là để nung gốm. Nếu xét riêng về khía cạnh nghệ thuật thì vẻ đẹp hình khối của các lò gốm này không hề thua kém những chiếc cối xay gió ở đất nước Hà Lan. Nếu có thể xếp hạng “quần thể di sản kiến trúc” thì những kiến trúc dân gian này xứng đáng là một quần thể kiến trúc đẹp và lớn của đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng thật đáng tiếc là sản phẩm gốm nơi này mới chỉ dừng ở mức độ tiêu thụ nội địa. Nếu được đầu tư một cách thích đáng như ở Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương) thì rất có thể chúng sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, vì sản phẩm gốm ở đây có vẻ đẹp riêng của gốm không men, rất có duyên với khách châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, nếu kết hợp được những tua (tour) du lịch miệt vườn đang thịnh hành với du lịch làng nghề tại đây thì chắc hẳn tiềm năng du lịch của đồng bằng châu thổ sông Cửu Long không chỉ dừng lại ở những con số khiêm tốn như hiện nay.
Đinh Hồng Hải