Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.069
123.164.713
 
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải
Lê Quốc Tuấn

New York Times Best Seller

Winner of the 2005 PEN Award for Nonfiction

 

 

Lê Quốc Tuấn

dịch và giới thiệu

Lời giới thiệu của người dịch

Các thiên thần phù hộ duy nhất mà chúng ta cần cầu xin là những thiên thần của chính thiên nhiên tốt lành hơn của chúng ta: lẽ phải, lương thiện và yêu thương. Những quỷ dữ duy nhất chúng ta nên kiêng sợ là những loại ẩn dấu trong tâm hồn mỗi con người : sự ngu dốt, hận thù, tham lam và đức tin, cái vốn đúng là một tuyệt phẩm của quỷ dữ.

Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải  của Sam Harris, xuất bản lần đầu tiên vào tháng Tám năm 2004. Ngay năm sau, 2005, tác phẩm này đoạt giải PEN/Martha Albrand  của Hội Văn Bút Mỹ  (thuộc Hội Văn Bút Quốc tế ) dành cho một tác phẩm Non-Fiction đầu tay và lập tức đứng hạng 4 trên danh mục sách bán chạy nhất của báo New York Time trong 33 tuần lễ liên tục.

Sam Harris đã khởi sự chấp bút tác phẩm này trong môt giai đoạn đặc biệt của lịch sử  nước Mỹ  nói riêng và  nhân loại nói chung, một giai đoạn mà ông diễn tả như “một thời điểm của sững sốt và đau buồn" ngay sau biến cố 11/9/2001. Với một căn bản vững chắc về triết học và thần kinh học, ông đã nghiên cứu sâu xa về tâm thức con người để tìm ra các vấn nạn đương thời của nhân loại vốn bắt rễ sâu từ các đức tin tôn giáo. Ông mạnh mẽ  phê phán sự bùng nổ của các chủ thuyết cực đoan tôn giáo hiện nay trên căn bản thực tế của việc các tổ chức mang danh nghĩa thế tục đang tiếp tục chiều đãi các tôn giáo như thể các tín lý từ đức tin của họ đã được thực tạo từ căn bản sự thật; trong khi chỉ là những niềm tin chủ quan được lót đường bởi sức nặng của các truyền thống khác nhau, khiến tôn giáo trở  thành một điểm tựa quan yếu trong đời sống tinh thần của công chúng gây ra một sức cản đáng kể đến phát triển của văn minh nhân loại.

Không ít người vẫn cho rằng niềm tin tôn giáo của mình là một chuyện riêng tư. Mỗi con người tự tìm lấy cho mình một phương cách giải thoát tùy vào niềm tin, tôn giáo khác nhau của mình. Và, họ thường nghĩ rằng chính các niềm tin tôn giáo của mình cũng là căn bản cho đạo đức, thương yêu và các giềng mối tốt lành khác trong xã hội. Nhưng, Sam Harris, qua tác phẩm luận thuyết sắc bén này, đã vạch ra căn bản sai lầm của một quan niệm như thế. Ông cho rằng đã đến lúc mỗi con người phải tự tỉnh thức về những niềm tin tôn giáo của chính mình, nhìn ra được mối nguy hại liên đới của tôn giáo trong các bất ổn của xã hội, đặc biệt là trong một hoàn cảnh sôi bỏng như hiện nay của thế giới, khi chúng ta đang gần kề thảm họa của một cuộc chiến tranh hạt nhân vốn bắt rễ từ những nguyên nhân tôn giáo.

Bằng ngòi bút có lúc khôi hài, châm biếm nhưng không quá gay gắt, đầy tính thuyết phục với rất nhiều thông tin và các trích dẫn trực tiếp từ Kinh Thánh và kinh Koran. Trong Tận cùng của Ðức tin, sau khi lưu tâm độc giả đến thực tế của việc đại đa số nhân loại vẫn còn tin tưởng vào các đấng tạo hóa khác nhau, Sam Harris cho độc giả thấy các tôn giáo đã hứa hẹn thiên đàng cho những ai tin đạo và nguyền rủa người vô đạo như thế nào. Từ Sách Đệ nhị luật dạy tín đồ không được thương xót kẻ quấy đạo mà phải giết đi (“Con phải ném đá cho chúng chết đi, vì chúng đã lôi kéo khuyến dụ con ra khỏi Thiên Chúa”. Deut 2) cho đến “Những ai dám chối bỏ các Khải huyền của ta sẽ phải bị trừng phạt cho hành vi xấu xa của y “ như trong kinh Koran. Tác giả thẳng thắn tố cáo tôn giáo không phải là một cội nguồn tốt đẹp, vì thực đã gây ra quá nhiều tổn hại đến an bình và hạnh phúc của nhân loại. Sam Harris đã quan sát không chỉ từ Osama bin Laden cùng những tuỳ tòng của y mà còn đến cả Tổng thống George.W. Bush cùng những giáo sĩ truyền giảng phúc âm trong xã hội Mỹ đương đại. Ðể qua đó, điểm mặt những loài quỷ dữ phạm trọng tội với nhân loại trong suốt bề dày lịch sử trong chính những con người sùng bái các đạo giáo khác nhau, đồng thời chỉ ra mối hiểm nguy mà tôn giáo đang đe dọa đến đời sống tiến bộ của con người. Ông dẫn ra các mối xung đột trong đó “ tôn giáo đã là nguyên nhân duy nhất của hàng triệu cái chết trong thập niên qua”. Theo ông, các tôn giáo lớn của thế giới đã không còn thích hợp với đời sống, vì thế các tôn giáo lớn đã không tránh khỏi xung đột và đã thực sự ngăn cản đến ổn định của toàn cầu.

Ðặc biệt, song song với những khi phê bình gay gắt đến những kẻ cực đoan, tín điều, cuồng tín, bảo thủ …  Sam Harris còn không nương tay với tập thể của những con người ôn hòa tôn giáo. Những con người mà theo ông, chỉ là những kẻ tự giam mình trong các ảo tưởng của các bí ẩn hoang đường thời cổ đại. Những bí ẩn hoang đường mà một con người ít học nhất của xã hội ngày nay cũng có thể hiểu biết tốt hơn về những kiến thức thô thiển của một ai từ hơn 2000 năm trước. Và hầu hết những hiểu biết hiện đại này hiển nhiên không còn tương thích với các kinh sách nữa. Do đó, theo ông, những người ôn hòa tôn giáo (vốn là tuyệt đại đa số những ngưòi tin vào đạo giáo ngày nay) đang buộc phải sữa chữa, tái giải thích không ngừng các căn bản chứng tín quá tồi tệ của họ trong hệ thống kinh sách cũ, sao cho hòa hợp được với những phát hiện mới của khoa học kỹ thuật hiện đại, và những giá trị mới của xã hội đương đại trong tuyệt vọng.

Ðối với tác giả, “ Cái vấn nạn lớn nhất mà văn minh nhân loại đang đương đầu không phải chỉ từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo…mà chính phần lớn những người ôn hòa tôn giáo phải chịu trách nhiệm về những xung đột tôn giáo trên thế giới của chúng ta, bởi vì các niềm tin của họ đã mang lại cái ngữ cảnh mà ở đó, chủ nghĩa kinh sách nghĩa đen cùng bạo hành tôn giáo chưa từng bao giờ được phô bày đúng nghĩa”. Ông mạnh dạn chỉ trích chính trường phái ôn hòa tôn giáo đã tạo  nên mội trường  thích hợp nuôi dưỡng cho sự cực đoan. Ông biện giải rằng, chỉ kêu gọi chính phủ điều tiết tự do tín ngưỡng của cá nhân thôi như các nhà ôn hòa tôn giáo đã làm , thực là chưa đủ. Bởi vì niềm tin là trách nhiệm trực tiếp của hành động. “ Những người ôn hòa không muốn giết hại một ai nhân danh Thiên Chúa, nhưng họ muốn chúng ta tiếp tục dùng từ “Thiên Chúa” như thể chúng ta chúng ta phải biết mình đang nói về cái gì”. Trong nhiều trường hợp khác, Sam Harris còn chỉ rõ, những người ôn hòa chỉ đến với vị trí ôn hòa của họ bằng cách biến cải đi các chi tiết không tương thích của kinh sách và tìm cách tiêu hóa các phát triển của xã hội hiện đại.

Xuyên qua các khẳng định, cáo giác và phân giải kèm theo các chứng liệu từ kinh sách và lịch sử, Sam Harris kêu gọi sự hợp tác của mọi người để tự cứu lấy chính thế giới của mình khỏi thảm họa diệt vong. Ông cho rằng, chừng nào nhân loại còn bám vào những đức tin tôn giáo, vốn đầy những chấp nhặt, phân rẽ tự trong căn nguyên, chừng đó nhân loại còn chìm trong chia rẽ, đối nghịch. Sam Harris khẳng định dứt khoát chúng ta phải dứt bỏ mọi đức tin tôn giáo phi lý, mù quáng và lỗi thời nếu chúng ta thực sự muốn cải thiện tình trạng hiểm nghèo của thế giới hiện nay. Đó cũng chính là tiêu đề của tác phẩm và cũng chính là lý do khiến tác phẩm này trở thành nghiêm chỉnh và đáng sợ đối với nhiều ngưòi.

Tận cùng của Ðức tin còn là một tác phẩm của lòng can đảm. Can đảm trong cáo trạng đầy thách thức của nó với các tôn giáo và hệ thống giáo quyền. Can đảm trong ý muốn đánh bật lòng thức tỉnh của mấy tỉ con ngưòi đang đắm chìm trong các niềm tin vào các tôn giáo ở nhiều mức độ khác nhau. Và, đặc biệt can đảm khi tác giả dám gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh này giữa một giai đoạn sôi bỏng nhất của xung đột tôn giáo toàn cầu vốn vừa dẫn đến thảm họa kinh hoàng tại Trung Tâm Thương mại Quốc tế ở Nữu Ước năm 2001. Xuất bản tác phẩm này, tác giả Sam Harris chắc chắn đã và sẽ phải chịu đựng vô số cơn tức giận từ những ngưòi tin đạo ở khắp mọi ngõ ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, đối với những ai tìm được hữu ích, dù nhỏ nhất, từ tác phẩm này cũng phải biết ơn tác giả đã dám đứng dậy cất lên lời cảnh tỉnh cần thiết này.

Tận cùng của Ðức tin là một trong nhiều tác phẩm ấn hành gần đây trong chủ đề phê phán các tôn giáo và tệ nạn cuồng tín trên thế giới. Sam Harris rất xuất sắc trong việc vạch ra những sự kiện có thực về sự dã man, mất nhân tính và các hậu quả tàn hại mà các tổ chức tôn giáo cụ thể là các con cái của Abraham (Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) đã gây ra trên con đường tìm kiếm hạnh phúc, kiến thức và nhất là đời sống sau (cái chết) của nhân loại. Mặc dù Richard Dawkins trong The God Dellusion, Chris Hitchens trong God is not Great và các tác giả khác đã đem đến công chúng những lời cảnh báo tương tự nhưng thật sự vẫn chưa đủ. Công chúng nói chung vẫn kém thông tin về các mặt trái đen tối của các tôn giáo và giáo quyền. Sẽ khó có thể tiến tới một nghiên cứu khách quan và tường tận về vai trò tương lai của tôn giáo trong đời sống nhân loại nếu vẫn tồn tại những quan điểm chủ quan, thiên vị như những căn bản trong các chính sách giáo dục, chính trị, xã hội. Tác phẩm này của Sam Harris đã đi một bưóc dài hơn nữa trên con đường tìm ra một chân dung đích thực của tôn giáo cho hôm nay và ngày mai.

Ðây là một một tác phẩm “cần phải đọc của tất cả những người có ý thức” (theo Giáo sư Alan Dershowitz thuộc đại học Havard).

Tháng 1/2009

Lê Quốc Tuấn
Số lần đọc: 1685
Ngày đăng: 30.11.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thời kỳ Bảo Bình- 1 - Hamvas Béla
Thời kỳ Bảo Bình- 2 - Hamvas Béla
Nhà thơ trong quan niệm của Chế Lan Viên - Trần Hoài Anh
Bàn luận về thơ Tân hình thức - Đỗ Quyên
Từ thầy đến Quân sư - Trần Hạ Tháp
Claude Lévi-Strauss (1908-2009) Với thuyết cơ cấu - Khổng Ðức
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -1 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -2 - Nguyễn Ước
Hiến chương Nhân Bản 2000 : Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới -3 - Nguyễn Ước
Lyotard với chủ nghĩa Hậu Hiện Đại - Khổng Ðức