Nhiều người ở thị trấn miền rừng M., cả một số viên chức của huyện nói rằng hắn mới đến thị trấn dăm hôm nay. Hắn ngủ ở một hang đá nào đó ngoài bìa rừng, cứ chiều chiều thì xuất hiện. Hắn đi từ phía mặt trời đang lặn, nơi ánh nắng rải vàng chói trên những dãy núi hình răng cưa. Mái tóc bù xù của hắn bắt nắng rực lên như một quầng lửa.
Hắn hiền lành, thân thiện. Nụ cười như mỏi mệt, như chán chường, như bẽn lẽn trên môi. Dù hắn rất ít nói – hầu như không nói – nhưng tầm vóc cao lớn của hắn vẫn làm cho người ta kiêng nể. Trẻ con không dám trêu hắn – điều hiếm thấy đối với một người bị coi là thần kinh. Hắn lẳng lặng bổ củi cho mấy quán ăn neo người, gánh nước cho các cửa hiệu chủ nhân là phụ nữ, đẩy xe hàng cho các bà già và lẳng lặng nhận những đồng tiền công mà không bao giờ xin thêm. Hết việc, hắn ăn một lúc hai suất cơm với đậu rán, cà muối rồi mua ổ bánh mì cắp vào nách lững thững về rừng. Điều lạ lùng duy nhất ở người đàn ông kỳ dị này là thỉnh thoảng hắn mới ngồi dưới chân cây cột điện – nơi chính quyền thị trấn cho treo một chiếc loa truyền thanh công suất nhỏ - nghe say sưa tiếng hát của các ca sĩ giọng nam. Nhưng thị trấn – vốn rất thường xuyên được chứng kiến những sự bất thường hàng ngày – quen ngay với hình ảnh đó.
Đối mặt với hắn lần đầu tôi cứ ngờ ngợ. Cũng tầm vóc ấy, vết sẹo to tướng không mọc tóc ở thái dương bên phải, vẻ cam chịu, nhẫn nại của kẻ bị tuyên án. Nhưng khi tôi chào thì hắn hoàn toàn dửng dưng. Lần sau, đợi hắn đi qua, bất ngờ tôi gọi tên thật to nhưng hắn vẫn không tỏ thái đọ gì. Sự thản nhiên của hắn làm tôi lúng túng.
Tôi nhờ một người thợ khéo tay ở thị trấn làm giúp một chiếc kèn sơn cước. Nó giống như cái còi, làm từ một mẩu gỗ đục xuyên thân, có khoét một lỗ ngang để lấy hơi và thoát khí. Tôi thử thổi và đề nghị người thợ sửa cho đến khi âm của nó gần giống với âm của chếc kèn tôi từng nghe mới thôi. Chiều hôm đó tôi mang chiếc kèn ngồi đợi hắn khuất sau một bụi cây trên đoạn đường vắng hắn sẽ đi từ rừng ra thị trấn.
Tôi không phải đợi lâu. Từ xa tôi đã nhận ra dáng đi chậm chạp, hơi nặng nề của hắn. Đầu hắn gục gặc cắm cúi như tìm kiếm vật gì trên đường. Để hắn đi qua, tôi đưa kèn ra thổi: “Huýt huy – Huy huýt – Huy huầy – Huầy huy”. Hiệu quả tức thì. Hắn đứng sững ngơ ngác trên đường, rồi hấp tấp định hướng, bước nhanh vòng qua bụi cây ra chỗ tôi ngồi. Tôi thổi gấp một nhịp nữa: “Huýt huy – Huy huýt – Huy huầy – Huầy huy”. Hắn sựng lại. Hình như trong mắt hắn lóe lên một tia gì đó. Tôi hy vọng đấy là ánh sáng của lý trí và kỷ niệm.
Đạt phải không? Nhận ra tôi chứ? – tôi hỏi.
Mặt hắn méo đi như đang chịu một nỗi đau khủng khiếp. Điều hắn dày công đào sâu chôn chặt có lẽ đã sống dậy, chuyển động rung rung. Cổ hắn hết bợt ra rồi lại tái đi. Hắn ôm mặt, lắc đầu quầy quậy:
- Đừng hỏi!... Đạt chết rồi!... Đạt chết lâu rồi…
- Nhảm nào! – tôi vỗ về hắn – Cậu là Đạt, đúng không? Cậu có nhớ đã kể cho tôi nghe về Đào, về Nhỉnh?
Hắn bỗng ngồi bệt xuống – đúng hơn là gần như đổ xuống – và rống lên:
- Đào lấy chồng rồi! Nhỉnh cũng lấy chồng rồi. Hết rồi…
Tôi hết sức bối rối vì phản ứng không ngờ của hắn, trong khi hắn bắt đầu khóc đau đớn, thành thật, như ngày nào ở bến xe N. Tôi cũng thành thật:
- Tôi chỉ có ý tốt cho cậu. Không ngờ lại làm cậu đau. Tôi rất tiếc…
Đột ngột, Đạt chồm lên:
- Tôi căm thù anh! Tại sao bao nhiêu năm qua anh cứ bám theo tôi? Tại sao anh đùa ác tôi? Anh muốn gì?...
Đạt nói tỉnh táo, sắc bén, không chút gì tỏ ra là người có vấn đề về thần kinh. Nhưng mắt Đạt mỗi lúc một đỏ lên, dại đi như người điên thực sự. Tôi sợ - đúng là tôi có sợ - nhưng cái chính tôi không muốn Đạt bị tổn thương hơn nữa nên lùi dần ra đường, mặc Đạt lăn kềnh ra bãi cỏ vừa khóc vừa cười.
Quả thực, tôi đã hai lần gặp Đạt. Mùa hè năm 1993, ở huyện vùng cao H., tỉnh N. xảy ra một trận lũ lớn. Tòa soạn cử tôi đi thực hiện một phóng sự về tình hình thiệt hại do lũ lụt và công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống dân cư ở đó. Chuyến đi vất vả nhưng đạt kết quả tốt. Trên chuyến xe khách từ H. về N., tôi ngồi chung ghế với một người đàn ông to cao, lầm lì, có một vết sẹo lớn không mọc tóc ở thái dương bên phải. Trời vẫn mưa, và con đường núi đèo dốc quanh co vốn rất khó đi trở nên dài bất tận với tôi khi không tài nào bắt chuyện được người bạn đồng hành. Mặc dầu trong anh ta còn khá trẻ - khoảng gần ba mươi, nghĩa là ít hơn tôi chừng dăm tuổi – nhưng anh ta đã sớm có một vẻ gì vừa cam chịu vừa u uất. Sau cùng, tôi để mặc anh ta với niềm u uất của mình và ngao ngán đếm những cú xóc nhức nhối các khớp xương.
Còn cách N. khoảng mười lăm cây số thì chiếc xe buộc phải dừng lại. Vách ta luy dốc sụt một khối đất khổng lồ xuống lòng đường. Cơ quan quản lý đường đã điều động một máy ủi và một máy xúc đến, nhưng cơ chừng dọn sạch khối đất đó phải mất một buổi. Hành khách dĩ nhiên phải vui vẻ bấm bụng chờ. Riêng tôi cần ra bưu điện gấp để chuyển ngay bài về tòa soạn, vì theo lịch, chiều tối hôm đó báo đã lên khuôn. Tôi quyết định trèo qua đống đất đá sang bên kia tìm một chiếc xe ôm đi tiếp về N. Tôi rất ngạc nhiên thấy anh bạn cao lớn đồng hành lầm lì bám theo. Chiếc thẻ nhà báo đã giúp tôi và anh ta được châm chước về nội quy an toàn lao động trong trường hợp có thiên tai đặc biệt. Không những thế, người chỉ huy công trường còn vui vẻ chỉ giúp tôi nơi có xe ôm.
Trời mùa hè nhưng ở miền núi có mưa rất lạnh. Đi được một đoạn hai chúng tôi đã ướt hết. Tới bưu điện N., tôi vào chuyển bài xong quay ra vẫn thấy anh bạn cùng đi đang đứng bám tay vào tường ho rũ rượi. Anh ta hết ho lại nôn khan, khạc nhổ phù phù. Mặt anh ta đỏ lựng, hơi thở nóng hổi, người run từng chập. Tôi rủ anh vào một nhà nghỉ gần đó và anh ngoan ngoãn đi theo. Tôi bắt anh ta cởi quần áo tắm qua rồi lau khô người lên giường nằm đắp chăn. Môi người đàn ông tái đi, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Mỗi lúc anh ta càng tỏ ra khó ở hơn, trán vã mồ hôi, có dẫu hiệu mê sảng. Và anh ta khóc…
Tiếng khóc dấm dứt không kiềm chế trong cơn mê của người đàn ông phong trần khiến tôi mủi lòng. “Con có tội với bố mẹ… Anh Hữu tha thứ cho em, chị Đào tha thứ cho em…” – anh ta lảm nhảm nhắc đi nhắc lại những lời đó. Rồi – như một dòng nước rỉ qua con đập ướt nhão, chẳng mấy chốc con đập bị phá tung, dòng nước tràn qua cuồn cuộn – anh ta òa khóc ồ ồ. Tôi đóng hết các cửa lại để khỏi phiền chủ nhà và người đi đường. Tiếng khóc của anh ta càng lúc càng thống thiết, cay đắng. Nước mắt nước mũi dầm dề, nhoang nhoáng trên gương mặt rúm lại. Người anh ta nóng như một lò than.
Đề phòng trường hợp xấu, tôi đi hỏi đường đến bệnh viện tỉnh N. Nhưng tôi đã lo xa. Khi trở lại, anh ta đã không còn khóc nữa mà đang nằm thiêm thiếp. Chỉ còn vài tiếng nấc cụt như trẻ con hờn dỗi. Và rất nhanh, tiếng ngáy của anh ta đã vang lên như muốn rung cả căn phòng.
Chiều chiều tối anh ta dậy. Trông tỉnh táo hơn và bớt đi chút lầm lì. Tôi đưa anh ta đi ăn cơm và bấy giờ mới phát hiện anh ta tỏ ra rất ngạc nhiên về lề lối sinh hoạt và cảnh trí thị thành. Anh ta chăm chú nhìn tôi lau bát và cẩn thận làm theo. Cử chỉ kéo ghế ngồi, cách anh ta đứng dậy nhường lối cho người khác vừa ngượng ngùng vừa khép nép.Nhưng lúc mâm bát bày xong, anh ta ăn rất ngon lành. Không nghi ngờ gì, người đàn ông này có một đời sống rất khó khăn – hay ít ra là không được đầy đủ. Và hẳn từ nhỏ anh ta chỉ giam mình ru rú trong rừng.
Trở lại nhà nghỉ, tôi đi nằm ngay trong khi Đạt – tên anh ta – đứng bất động bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời – lúc này vẫn mưa sụt sùi. Đến nửa tiếng, không thấy anh ta nói gì tôi gợi chuyện:
Lúc chiều, cậu sốt mê sảng, cứ khóc gọi bố mẹ. Mình lo quá!
Anh ta cúi đầu, giọng nghẹn ngào:
Em xa gia đình đã mười năm. Mãi sáng nay mới nghe tin anh trai em nhắn qua đài phát thanh bảo em về ngay. Thì ra bố em mất đã lâu, mẹ em cũng lại vừa mất rồi…
Nhà cậu ở tận đâu không về để đến nông nỗi ấy?
Anh ta im lặng rất lâu, rồi run run hỏi:
Hồi mới lớn anh có phạm tội lần nào không?
*
Quê Đạt đồi núi rộng mà xóm làng thưa thớt lắm. Cả một khoảnh đồi văng vắng chỉ có nhà thằng Nam và nhà chị Đào. Hai nhà chung một lối đi men theo sườn đồi lúp súp mua sim và những bụi trứng cuốc. Chị Đào mười tám tuổi, đẹp nhất làng. Chị như quả ngọt chín mọng trên cành cao trong mắt đám con trai khát thèm, háo hức.
Thằng Nam bằng tuổi Đạt – cả hai đều kém chị Đào một tuổi – nhưng nó còi cọc, bé hơn. Nó học giỏi và hát rất hay. Nó đã từng hát thu băng dự thi tiếng hát hoa phượng đỏ toàn quốc. Sáng thứ hai nào nó cũng được gọi lên trước cờ hát và cả trường nghe cứ mê đi. Nhiều khi hát xong nó xúc động òa khóc. Đạt chơi thân với nó, hầu như ngày nào cũng xuống nhà nó. Gần đấy có một đầm lầy rộng, hai đứa chống mảng đi câu, bắn chim hay hái hoa sen cho chị Đào ướp chè.
Chỉ trong một năm Đạt và thằng Nam bỗng lớn bổng lên. Thằng Nam còi cọc thế mà cũng bắt đầu có da có thịt. Nó đã học lớp mười, vẫn hay hát, hát hay, vẫn hay khóc lúc hát xong và ước mơ thi vào trường văn hóa nghệ thuật. Đạt thì lê lết mãi mới đến được lớp bảy trường làng, sức học đuối dần tỷ lệ với cơ bắp mỗi ngày một nở nang thêm. Nghe giảng, tâm trí Đạt cứ để đâu đâu rồi bao giờ cũng bay về khoảnh đồi lúp súp mua sim ngắm chị Đào cuốc cuốc xới xới.
Lần ấy, Đạt xuống nhà thằng Nam. Nó ghé tai Đạt thì thầm:
- Này, chị Đào vừa tặng tớ một cuốn sổ.
Đạt bật cười. “Tặng tớ”, cái từ nghe lịch lãm, xa xỉ quá.
- Mày nói phét!
- Thật, chị ấy còn viết vào đây này.
Đạt cầm cuốn sổ xem. Chữ chị Đào thật, nét nắn nót, nghiêng nghiêng: “Thân yêu tặng Nam. Chúc Nam thành công trên con đường nghệ thuật!”.
- Đạt này – thằng Nam gãi gãi gáy – chị ấy còn bảo là… yêu tớ…
Một tiếng “bục” lớn âm âm trong tai Đạt. Đạt nhớ những trò hồi nhỏ ba chị em vẫn chơi. Trong trò vợ chồng, bao giờ chị cũng nhận thằng Nam làm chồng. Đạt chỉ làm anh, làm em, có khi chỉ là ông hàng xóm. Đạt hấp tấp hỏi lại:
- Thế mày?...
- Tớ cũng… yêu chị ấy…
Mặt Đạt nóng bừng, toàn thân như có rôm đốt. Chị Đào yêu thằng Nam? Chị Đào, niềm tự hào, kiêu hãnh của làng, quả ngọt chín mọng trên cành cao không thể nào với tới, lẽ nào chị yêu thằng Nam?...
- Mày nói láo! – Đạt gằn giọng quát.
- Không tin thì thôi – thằng Nam dỗi – Tớ không nói nữa.
Đạt nhìn sang sườn đồi bên kia, xa xa, bóng chị Đào giữa vườn ngô xanh non. Chị Đào, chả lẽ trò chơi ngày nào đã đến hồi ứng nghiệm?
- Mày thử chứng minh xem! – Đạt buột miệng.
Thằng Nam vênh mặt:
- Bằng cách nào?
- Bằng cách nào, cách nào được nhỉ? Đạt không biết người ta yêu nhau thì thế nào và nói với nhau những gì. Thỉnh thoảng Đạt hóng chuyện đám đàn ông có vợ chỉ nghe toàn những điều lếu láo. Hay bắt nó phải chứng minh như thế…
- Mày phải ôm hôn chị ấy. Sờ vào ngực vào đùi chị ấy…
Thằng Nam ngớ ra ngẫm nghĩ rồi quả quyết:
- Được!
Tối ấy trăng sáng vằng vặc. Thằng Nam ôm cây đàn ghi ta ra sườn đồi. Đạt lẳng lặng chui vào một bụi trứng cuốc gần đó. Thằng Nam dạo đàn. Tiếng đàn của nó vốn đã hay, hôm đó nghe càng nhuyễn lạ lung. Đạt nghe và quên khuấy việc mình ra đây để làm gì.
Nam hát đi!
Một giọng dịu dàng, quen thuộc cất lên. Đạt vạch lá nhìn ra. Chị Đào mặc chiếc váy đỏ lộng lẫy như nàng công chúa trong một bộ phim cổ tích. Ánh trăng rọi qua kẽ lá ken dày trên người chị. Hình ảnh huyền hoặc, hư ảo, chơi vơi…
- Bài gì được? – thằng Nam hỏi lại.
- Bài gì cũng được – chị Đào nói rất khẽ - Bài gì về biển, mùa xuân hay tình yêu…
Gió thổi trên bụi trứng cuốc. Gió bay tung mái tóc của chị Đào. Đồi núi quê hương ngả nghiêng theo lời hát. Thằng Nam hát một bài về mùa xuân, một bài về tình yêu rồi lại một bài về tình yêu nữa. Những bài ca dìu dặt, nhẹ nhàng, như hơi thở dịu nhẹ, như lời tâm sự về tình yêu… Giọng của nó đầy xúc cảm. Nó hát bằng tất cả sự xao xuyến của tâm hồn và cơn ngẫu hứng chợt đến. Chị Đào mơ màng tận hưởng giai điệu mượt mà, đằm thắm của bài ca, im lặng chắt lấy chất men say của giọng hát. Tự dưng Đạt nhắm mắt lại, nước mắt trào ra. Đạt thích nghe thằng Nam hát nhưng chưa bao giờ lòng Đạt rung lên như thế. Thời gian như dừng lại. Tất cả chìm vào lãng quên. Chỉ còn lời bài ca và giọng ca ngân lên, ngân lên mãi mãi…
Thằng Nam đột ngột ngừng lời. Cổ nó tắc lại, nó nghẹn ngào xúc động. Chắc mắt nó lại ràn rụa vì những cảm xúc của chính mình. Nó gục đầu xuống hai bàn tay và nấc lên. Chị Đào vung tay ôm choàng lấy nó, ghì chặt nó vào người. Đạt thấy hai thân thể run run lăn ra vạt cỏ. Đạt thấy chị Đào hôn nó chùn chụt. Chị cầm tay nó đặt lên ngực và lên đùi mình. Đạt như thấy cả hơi nóng dữ dội tỏa ra từ người chị; cái điên cuồng và mãnh liệt trong mỗi một nụ hôn. Chị như lả đi, chết lặng. Rồi chị cất lời, giọng cũng nghẹn ngào, đẫm nước mắt:
- Nam yêu quý!... Sao Nam hát kỳ diệu thế…
- Chị ôm nó lăn một vòng, rên rỉ:
Giá Nam hơn tuổi chị… Giá Nam đừng nhiều mơ ước thế… sẽ có người sẵn sàng chết vì Nam…
Đạt thét lên. Chị Đào và thằng Nam vội vã buông nhau ra. Bỗng nhiên Đạt thấy lòng trống trải, chán nản và thù ghét tất cả. Một cái gì trong Đạt vừa đổ ụp, làm cho Đạt hẫng đi. Một cái gì quý giá, đẹp đẽ vừa rạn vỡ. Đạt đi suốt đêm lang thang trên sườn đồi, rã rời và đau buồn…
Mệt mỏi, Đạt nằm dài trên cỏ. Lơ mơ, Đạt thấy một bàn tay mềm và ấm đặt lên trán mình. Chị Đào ngồi bên cạnh đang chăm chú nhìn Đạt. Khuôn mặt chị buồn buồn, vài sợi tóc vương xuống má Đạt nhồn nhột. Chị trách móc:
- Đạt hư lắm! Đạt không được nghĩ thế!...
Đạt cáu kỉnh gạt tay chị ra:
- Giả dối! Giả dối! Chị về đi.
Chị tủi thân khóc tấm tức. Đạt nhìn lên, bóng chị ngồi gần choán hết tầm nhìn khiến cả không gian tràn ngập một bầu trời trăng rực đỏ. Đạt ngồi dậy định an ủi thì chị ngả hẳn đầu vào vai Đạt. Hơi thở nóng hổi của chị phả vào tai Đạt làm Đạt bàng hoàng. Một dòng điện tê buốt chạy rần rần từ chân lên đầu. Áo quần Đạt bỗng trở nên cứng ngắc, chật chội, ngột thở. Không kịp nghĩ gì thêm, Đạt đẩy chị nằm xoài xuống cỏ. Đôi môi Đạt điên cuồng nghiến nát môi chị. Tiếng cúc đứt lựt phựt cuống quýt. Điều bí mật hiển lộ. Hai trái dứa vừa gọt nuột nà, bỏng tấy. Dải cát trắng sâu hoáy một giếng nước trong. Đám rong rêu mượt mà ẩm ướt… Đạt thở dốc, mắt tối sầm, mồ hôi đầm đìa…
Suốt mấy ngày Đạt không tập trung vào việc gì được. Hình ảnh trập trùng của thằng Nam và chị Đào, giấc mơ nhờn nhờn màu trắng trên đồi trăng không lúc nào buông tha Đạt. Đạt xuống đầm chống mảng đi một ngày. Không câu cá. Không bắn chim. Cũng không hái hoa sen. Kiệt sức, Đạt lên hòn đảo nhỏ đầy lau lách giữa đầm nằm. Trống rỗng và bức bối.
Chiều tối, Đạt chống mảng về. Vừa cột mảng vào chiếc cọc bước lên bờ thì có tiếng gọi:
- Đạt ơi! Đưa chị ra đầm với.
Chị Đào chạy từ trong nhà ra. Có lẽ chị vừa ở vườn về. Đất cát còn bám đầy bắp chân trăng trắng của chị. Những giọt mồ hôi nhỏ xíu rịn ra trên gò má ửng hồng. Đạt chống mảng đưa chị đi hái hoa sen. Chiếc mảng đơn chở hai người chìm sâu dưới lớp nước bùn, ngập đến đầu gối. Đạt nuốt khan. Chị vươn người ngắt một bông sen, vạt áo sau hớt lên để lộ một mảng lưng màu ngà mất hút sau lớp vải quần ôm lấy cặp mông tròn trịa. Chị Đào mê mải hái hoa, miệng lẩm nhẩm bài hát thằng Nam vẫn hát. Một lần chị quay lại, bắt gặp ánh nhìn của Đạt, chị đỏ mặt:
Đạt sao thế?
Chị ý tứ kéo lại vạt áo. Không khí chợt có một vẻ gì gượng gạo. Đạt không dám nhìn chị nữa, cắm cúi chống mảng. Bỗng chị giãy nảy lên, chiếc mảng chòng chành xuýt hất chị xuống nước. Đạt doạng chân xuống tấn, ghì mạnh chiếc sào giữ thăng bằng. Mắt chị Đào dại đi. Chị lắp bắp:
Đỉa! Có đỉa!...
Đạt đẩy nhanh chiếc mảng về hòn đảo nổi giữa đầm. Chị Đào nhảy lên bờ, luống cuống lấy que gạt con đỉa no mòng ra khỏi bắp chân. Một dòng máu đỏ thắm rỉ ra. Đạt lấy tay ấn mạnh vào vết cắn làm làn da xung quanh đã trắng càng trắng bợt hơn. Nhưng Đạt vừa buông tay thì dòng máu không chịu đông lại ri rỉ chảy. Đạt quỳ hẳn xuống, khom người áp mồm vào vết thương liếm sạch chất nhờn của con đỉa. Chị Đào rên lên ngả lưng xuống thảm cỏ, thều thào:
- Đừng!... Đạt ơi! Đừng!...
Chị thở hổn hển, đôi chân co giật. Đạt không còn biết trời đất gì nữa, chồm hẳn lên người chị, ngấu nghiến hôn lên má, lên môi, lên mắt chị. Giọng Đạt lạc đi:
Tôi yêu Đào!... Suốt đời tôi chỉ yêu một mình Đào mà thôi!...
Chị Đào chống trả quyết liệt. Hai tay chị đẩy mạnh vào ngực Đạt. Nhưng Đạt điên rồi. Đôi tay Đạt bắt đầu lướt nhanh trên thân thể Đào. Sự kháng cự của Đào yếu dần. Rồi Đào hưởng ứng bằng những nụ hôn dài, mỗi lúc một nồng nhiệt hơn. Người Đào mềm ra. Đám quần áo không biết bằng cách nào cũng tuột khỏi hai cơ thể. Đào “hự” lên một tiếng, mặt nhăn lại vì đau rồi giãn ra kinh ngạc. Vòng tay đang ghì chặt cổ Đạt chợt thõng xuống. Lệ trào ra đôi mắt.
Đào mặc nhanh quần áo, khóc thút thít rất lâu rồi lau mặt mũi, bất ngờ tát một cái rất mạnh vào mặt Đạt:
- Đồ khốn nạn!
Đào chống mảng về một mình, bỏ lại Đạt giữa đầm với bao nhiêu bẽ bàng.
*
Ngay đêm ấy, sợ tin tức loan ra, gia đình, hàng xóm chê cười, nhà trường kỷ luật, thằng Nam khinh… em đã bỏ nhà đi. Trong lúc hoảng loạn, em ngã vùi mặt vào một gờ đá. Vết sẹo này – Đạt chỉ lên thái dương – là vết tích không xóa được của một ngày thơ nhớp…
Tôi nằm yên giả vờ ngủ say để không chạm sâu thêm vào nỗi đau của Đạt. Cậu còn lục sục gần sáng mới ngủ. Trước lúc lên xe, Đạt bảo tôi:
- Em đã làm hỏng đời em, đời một người con gái, lại làm khổ bao nhiêu người. Đến chết em cũng không thanh thản được.
Tôi nói với Đạt vài lời an ủi chiếu lệ và vẫy cậu ta lúc xe chuyển bánh. Chuyện về Đạt tôi cũng sớm quên. Nhưng ba năm sau bất ngờ tôi gặp lại Đạt. Lần ấy tôi lại có chuyến công tác tới N. Đến tỉnh B. lúc hai giờ chiều tôi mới vỡ lẽ xe đi N. đã hết, phải chờ đến sáng hôm sau. Tôi đành tìm một nhà nghỉ gần bến xe ở tạm và trong lúc chẳng biết làm gì tôi đi ăn lót dạ vì chợt nhớ ra là mình chưa ăn gì.
Đó là một quán ăn nhỏ khá xập xệ gần một hàng karaôkê cũng xập xệ không kém.Bên trong có một đôi trai gái. Gã trai lặng lẽ uống từng cốc rượu trong khi cô gái còn trẻ rất xinh, đánh bự thứ phấn son rẻ tiền – trông có vẻ là một cô ca ve – nhõng nhẽo bá vai bá cổ, thậm chí mớm cho anh ta. Gã trai hầu như không chú ý tới cô gái mà chỉ uống, hết cốc này đến cốc khác. Đồ ăn trên bàn còn nguyên, anh ta không động tới. Tôi ăn xong bát mì thì anh ta cũng dốc ngược chai 75ml. Anh ta hất hàm gọi với vào trong và một chai 75 khác đầy nguyên laiji được đặt lên bàn. Trong lúc chờ chai rượu mới, anh ta bẻ ngón tay lắc rắc và quay mặt ra. Vết sẹo lớn ở thái dương bên phải lập tức làm tôi nhớ tới Đạt. Mới ba năm nhưng anh chàng lọc lõi đã lột xác cậu Đạt ngố rừng trước đây. Động tác rót rượu, uống, giọng gọi rượu đều chứng tỏ Đạt đã tiến một bước dài về ngón nghề ăn chơi.
- Cậu say mất! – Tôi ngồi xuống trước mặt Đạt. Đạt trừng mắt khó chịu nhìn tôi nhưng mặt cậu ta tươi lên ngay.
- Lại là anh à? – Đạt ngạc nhiên – Anh làm gì ở đây?
- Tôi định đi N.
- Hay quá! – Đạt reo lên – Em cũng đang muốn đi N.
Cô gái lườm tôi và bóp vai cho Đạt:
Không đi đâu cả! Ở đây với em.
Đạt cau mày gạt tay cô gái:
Anh ở đâu, em đến chỗ anh được không?
Được!
Đạt nói gì với cô gái và cô ta ngúng nguẩy nguýt tôi rồi núng nính đi sang hàng karaoke bên cạnh xách túi đồ của Đạt tới, õng ẹo:
Quay lại, nhớ vào với em!
Đạt tỉnh táo tuy mặt hơi đỏ và có vẻ bồn chồn. Gieo mình xuống giường, Đạt phì một hơi, nói:
Em vừa đến chỗ Đào hôm qua.
Đào dạo này thế nào? – Tôi hỏi cho có vẻ quan tâm trong khi cố nhớ xem Đào là ai.
Tốt, anh ạ… Giọng Đạt có vẻ buồn buồn.
Tôi vào toa lét rửa mặt, cố hình dung lại sự việc. Rồi mọi thứ rõ ràng trong óc tôi.
Mấy năm qua cậu sống thế nào? – Tôi hỏi khi quay trở lại.
Buồn lắm – Đạt thở dài – Lần trước em kể với anh chuyện nhà em chưa nhỉ? Chưa à? Thế thì hơi dài. Em có một ông anh trai tên là Hữu, giỏi lắm. Mọi thứ đều suôn sẻ với anh ấy. Tốt nghiệp phổ thông anh ấy được sang Liên Xô học chuyên ngành ngôn ngữ. Về nước, anh ấy làm rể một ông quan một tỉnh miền biển. Hồi em còn ở nhà, nhiều lần anh ấy về bảo em cố học rồi anh ấy xin việc cho và bốc cả nhà về tỉnh miền biển đó…
“Trừ em làm lỡ việc mình, mọi sự đã diễn ra đúng như thế”. Bây giờ anh Hữu giàu lắm, là chủ một khu nhà nghỉ ở thị trấn du lịch X. Dân thị trấn bảo chính anh Hữu là người thiết kế, quy hoạch, thuyết phục tỉnh đầu tư làm khu du lịch, Anh mua đất trước lúc dự án được duyệt nên sau này lãi cả trăm lần. Em về, anh ấy bảo nhà chỉ có hai anh em, bố mẹ mất cả, chịu khó học hỏi rồi anh sẽ giao khu nhà nghỉ cho em quản lý.
“Nhưng em không yên lòng. Lúc nào em cũng thấy thiếu một cái gì, canh cánh một cái gì. Em bị mặc cảm dày vò. Lại nữa, em không sao hợp được cuộc sống ở biển. Em bị mất ngủ nhiều đêm, người cứ chông chênh. Anh Hữu cáu lắm, bảo em là đồ ăn phải bùa ngải của rừng không cải tạo được và đưa em xuống làm bảo vệ ban đêm – công việc tẻ nhạt, bị coi thường nhất ở khu nhà nghỉ. Điều ấy với em chả quan trọng, vì so với hồi ở rừng vẫn vạn lần nhàn hơn.
“Rồi em phát hiện ra em không phù hợp với biển vì biển trống trải quá. Từ bé em chỉ sống với rừng, với đồi núi. Mở mắt ra là đồi núi, nhắm mắt vào cũng thấy đồi núi. Núi che bốn mặt vững chãi, ấm áp, yên ổn. Em thấy núi gần gụi, tin cậy như người mẹ. Ở biển ba bề bốn bên phẳng lì, có cái gì rất không ổn. Em xin anh Hữu lại cho em lên rừng. Anh nổi trận lôi đình mắng em, bảo chính em làm bố mẹ héo hon sầu não chết dần chết mòn vì nỗi nhớ thương em. Nay định giết nốt anh thì cứ việc đi. Em đành ở lại nhưng cảm thấy như mình chết đi rồi.
“Cách đây một tuần thằng Nam đột ngột tìm đến. Giờ nó là diễn viên đoàn ca múa nhạc tỉnh B. này. Nếu biết trước hẳn là em không dám gặp nó vì xấu hổ, vì mặc cảm có lỗi. Nhưng lúc anh Hữu gọi em lên thì nó đã ở phòng anh ấy rồi. Nó theo đoàn về X nghỉ mát. Nó xin phép anh Hữu mời riêng em đi ăn cơm. Câu đầu tiên lúc hai thằng đi với nhau nó hỏi: “Mày đã liên hệ gì với Đào chưa?”. Nhắc đến Đào em chỉ muốn chui xuống đất, vẫn đành phải nói “Chưa”. Nó quát vào mặt em: “Mày là thằng đểu, thằng khốn nạn nhất, mày có biết không?”. Em đứng rũ trước mặt nó chịu trận: “Tao biết”. “Giời ơi” – nó kêu lên – “Bao nhiêu năm Đào chờ mày mà mày nỡ phụ Đào”. Em không tin vào tai mình, hỏi lại: “Đào chờ tao?”. “Chứ còn ai nữa, hở thằng đần”.
“Nó bảo, tự dưng em bỏ đi biệt tích mà không ai hiểu vì sao, ai cũng buồn. Năm sau nó mới thi đỗ vào trường văn hóa nghệ thuật. Cầm tờ giấy gọi nhập trường, nó tỏ tình với Đào, hẹn nó ra trường thì làm lễ cưới. Nhưng Đào bảo đã yêu em và chờ em. Thằng Nam ra trường, đi làm được mấy năm em vẫn không về, nó tìm Đào nhắc lại lời cầu hôn trước. Đào vẫn một mực bảo yêu em và chờ em. Rồi thằng Nam đón hết bố mẹ ra thành phố. Cách đây hai năm, trước khi quyết định lấy vợ nó còn về làng tìm Đào lần cuối cùng. Đào khóc. “Mày có biết Đào bảo thế nào không” – nó nói – “Đào bảo Đào cũng đã từng yêu tao, nhưng sau lại nặng lòng với mày. Đào còn nói nếu mọi sự nguyên vẹn thì có thể Đào cũng nhận lời với tao, nhưng bây giờ Đào có tuổi rồi và không xứng đáng. Thế là thế nào? Mày để Đào khổ thì tao băm vào mặt mày”.
“Lời thằng Nam làm mấy đêm em không ngủ được. Thì ra sau khi bị em cưỡng đoạt, Đào đã tha thứ cho em và coi đó như “ván đã đóng thuyền”. Câu chuyện ấy Đào cũng không hề nói với ai. Giá như Đào nguyền rủa em, bêu riếu em khắp làng thì nó cũng trùng với suy nghĩ của em và em cũng đã chịu đựng được. Hay giá như Đào đừng chờ đợi em thì em dễ thở hơn… Đằng này Đào chờ em tính đến giờ là hơn mười năm! Mà hơn mười năm ấy em không có tin tức gì. Nếu là bộ đội đi chiến đấu thì còn là một nhẽ. Đó là cái gì? Tình yêu ư? Lòng thủy chung ư? Là người hay là thánh? Em không hiểu được. Em cảm thấy tội lỗi của mình không giảm đi mà còn dày thêm. Em gói ghém đồ đạc, tiền nong, chỉ mong trời chóng sáng để đến với Đào…”
Đạt vùng dậy mở các ngăn tủ nhà nghỉ tìm kiếm cái gì. Cậu ta xuýt xoa:
Giá có chén rượu hai anh em uống hội ngộ thì hay nhỉ?
Để mình đi mua – tôi nói.
Không! Anh cứ nghỉ. Để em.
Đạt đi khá lâu, xách về một chai rượu, mấy gói chân gà luộc, dồi lợn, đậu rán và cà muối xổi.
- Món đậu, cà muối em ăn quanh năm được – Đạt nói – Đằng nào cũng chiều rồi, mình ăn bữa tối luôn.
Đạt nhanh nhẹn rót rượu. Tôi bảo:
- Ra cậu cũng hay nói nhỉ. Thế mà lần đầu gặp, cạy miệng cậu không nói một câu.
Đạt tư lự:
Nói như các cụ, em với anh có duyên đấy. Ngoài anh, em chưa nói chuyện riêng của em với ai, kể cả với anh Hữu là ông anh ruột. Mà cũng lạ, đời em có ba biến cố lớn thì hai lần gặp anh. Cứ như bị anh theo dõi!
Tôi theo dõi cậu thật đấy – tôi đùa – để xem cậu sống thế nào.
Sẽ xảy ra hai trường hợp. Nếu anh không gặp em nữa tức là em đã có gia đình, yên tâm sống ở một xó núi nào đó, cả đời không có nhu cầu đi đâu. Hoặc là, nếu anh gặp lại em thì chắc chắn em đã thân tàn ma dại rồi.
Sao lại “ở một xó núi nào?”. Cậu không về biển nữa à?
Em đã quyết định từ lúc đi. Sẽ không về biển nữa. Chán lắm! Số em là phải sống và chết ở rừng.
Chúng tôi uống rượu. Được vài chén, Đạt bảo:
- Cũng may em gặp anh. Chuyện này em không thể nói với ai. Mà để trong bụng thì vướng lắm…
“… Hôm qua em về làng cũ, cách đây chừng năm mươi cây. Làng đã có nhiều đổi thay. Em vào quán nước của một bà già. Đấy là bà Tú. Ngày em đi bà ấy mới độ năm mươi, giờ tóc trắng hết cả. Bà không nhận ra em. Không ai nhận ra em. Lúc em đi mới mười bảy, giờ đã ba mươi, lại thêm vết sẹo… Được cái bà Tú là người lắm lời.
“Em hỏi về Đào, bà Tú cười: “Biết ngay mà! Tuổi như các anh, hồi trước đã từng qua đây thể nào cũng phải lòng cô Đào. Ngày trẻ cô ấy đẹp lắm, bây giờ còn đẹp. Nhiều người đã hỏi thăm tôi về cô Đào. Ấy thế mà không hiểu sao mãi cô ấy không chịu lấy chồng. Có đứa độc miệng còn bảo hay là cô ấy bị “ái”. Phỉ phui cái đứa ấy! Cô ấy ngồn ngộn thế mà lại ái là ái thế nào”.
“Bao nhiêu đám đánh tiếng, cô ấy không nhận lời ai. Mãi mới chịu lấy anh Sơn ở xóm trên. Anh Sơn chẳng biết công tác ở ngành gì trên huyện, đã một đời vợ, li dị đâu được dăm năm. Cái nhà anh Sơn nghe bảo phải lòng cô Đào từ ngày còn trẻ cũng nhất định không chịu lấy ai. Ba mươi mấy tuổi mới lấy vợ nhưng được đâu nửa năm đã đưa nhau ra tòa. Rồi cuối cùng anh Sơn cũng lấy được cô Đào, vừa cưới năm ngoái thôi, anh ạ! Họ có con rồi, một thằng cu. Gớm, ai cũng mừng! Thế là mạ già ruộng ngấu nhé! Chậm là chắc…”
“Bà Tú còn nói nhiều nữa nhưng tai em đã ù đặc, không còn nghe thấy gì. Một lần nữa cơ hội của em lại qua đi. Điều an ủi duy nhất của em là cuối cùng Đào cũng đã tìm được hạnh phúc cho mình. Em biết mình không nên gặp lại Đào nữa, không nên khuấy động cuộc sống đã bắt đầu yên ổn của Đào. Nhưng đã về đến đây em không thể không nhìn thấy Đào…
“Em lên quả đồi xưa nơi lần đầu tiên em trở thành đàn ông trong giấc mơ với Đào. Em nhận ra nhà Đào ngay nhờ mấy dây tã lót phơi ở trước sân. Em tìm cách đến gần mà không để Đào biết. Một lát, Đào ở trong nhà ra, bê một chậu giặt lớn. Rồi trở vào lấy chiếc đài ra mở, treo lên cọc dây phơi, bắt đầu giặt. Đào chẳng khác trước là bao, vẫn đẹp như ngày nào. Đột nhiên Đào dừng tay trong chậu giặt, bọt xà phòng bám trắng đến tận khuỷu. Chính lúc ấy từ chiếc đài vang lên tiếng hát của một ca sĩ giọng nam, thể hiện một bản tình ca nhẹ nhàng, dìu dặt. em phải đi lùi, anh ạ! Sống mũi cay xè mà mắt thì nhòe đi. Còn gì nữa Đào ơi! Đào vẫn yêu Nam, yêu tôi, yêu và trân trọng máu thịt với kỷ niệm của một thời… Em phải kiềm chế lắm để khỏi chạy ào vào ôm chầm lấy Đào…
“Em trở ra thành phố, vào quán – chính cái quán anh em mình gặp nhau – uống rượu. Em uống rất nhiều. Uống đến say mềm. Uống vì mừng cho Đào, tủi cho mình. Uống vì tiếc nuối, xót xa. Uống vì hiểu rằng điều tốt đẹp nhất của đời mình đã vĩnh viễn mất đi không bao giờ trở lại…
“Thế rồi… Thế rồi… con bé ấy – con bé anh đã gặp - ở hàng karaôkê bên cạnh đến. Sao trông nó giống Nhỉnh thế. Nhỉnh ấy. Em đã kể với anh chưa nhỉ? Chưa à? Ừ, em sẽ kể sau. Em đã nói gì với nó, nó cười, nó gật. Em theo nó sang phòng karaôkê. Khốn nạn! Hàng ế khách mà em là khách sộp. Con bé đưa em vào phòng hát. Em đã nói với nó rất nhiều, tỏ tình rất nhiều. Em ngỡ đó là Nhỉnh. Rồi chẳng hát hò gì, con bé vật em xuống thảm sàn. Có điều… Có điều… rất lạ là bao nhiêu năm rồi, từ ngày cưỡng đoạt Đào, trong lúc say rượu không còn mặc cảm, không ức chế, em đã làm tình được…
“Tỉnh rượu em thấy nhục nhã ê chề, thẹn với lòng, thẹn với Nhỉnh. Em bỗng nhớ Nhỉnh cồn cào. Em thấy có tội với Nhỉnh. Nhưng con bé ca ve thấy em có tiền – em mang đi khá nhiều tiền – cứ lẵng nhẵng bám theo, chuốc rượu cho em. Vừa lúc anh đến…”
Chai rượu đã cạn nhẵn. Đạt có vẻ ngà ngà nhưng vẫn kiểm soát được lý trí của mình. Thỉnh thoảng Đạt lại cầm chai rượu rỗng không lên ngắm nghía, lắc lắc, chặc lưỡi:
Ta làm thêm tí nữa?
Thôi – tôi can – Cậu uống nhiều rồi. Cậu phải tỉnh táo để còn nói chuyện chứ. Tôi chẳng hiểu gì cả. Tự dưng lại có cô Nhỉnh nào. Cậu đã nói gì với tôi về Nhỉnh đâu nhỉ?
Đạt lại cầm chai rượu lên ngắm nghía, lắc đầu vẻ tiếc rẻ, bảo:
- Hôm nay em sẽ kể hết với anh, nhưng em cũng muốn uống thật say. Rồi có thể từ mai em không uống nữa. Hay em đi mua bát phở?
Tôi không can. Đạt lại đi một lúc lâu, mang về hai bát phở, mấy quả trứng và một chai rượu. Đạt rót rượu, giao hẹn:
- Cứ để em uống, anh không phải lo lắng gì nhé! Say, em chỉ ngủ thôi. Đám bạn rượu ở nhà nghỉ X. vẫn gọi em là “phật tửu”.
“Ông phật” cạn một lúc hai chén, tâm trí có vẻ bị kích động mạnh. Móc túi lấy một vật bằng gỗ đưa lên miệng, Đạt làm tôi giật mình vì cái tiếng trầm đục của nó lạc lõng dội giữa bốn bức tường: “Huýt huy – Huy huýt – Huy huầy – Huầy huy”. Tôi ngỡ núi đột ngột mọc giữa phố thị, những cánh rừng xanh như che rợp cả căn phòng. Đâu đó có tiếng nước róc rách chảy và tiếng chim kêu.
- Nhỉnh thích thổi kèn này lắm – Đạt nói – Em đã ở nhà cô ấy mười năm. Lúc em mới đến cô ấy mới hơn mười tuổi. Nhỡ - anh của Nhỉnh, mới mười lăm. Hai anh em vất vả quá sức, còm cõi như hai con mèo ghẻ. Mẹ của Nhỉnh bị bệnh động kinh, ban đầu còn làm được những việc lặt vặt quanh nhà; sau, lên cơn bà ấy nướng cả hai chân vào bếp lửa cháy rụi cả năm đầu ngón chân. Cuối cùng bà ấy ngã xuống ao, người ta biết kéo lên thì bà ấy đã trương, đầu tóc, mặt mũi lúc nhúc đầy những đỉa… Ông bố Nhỉnh thì bỏ đi với một người đàn bà khác… Đạt lắc đầu cố xua đi những hồi ức nặng nề - Nào, uống đi anh!…
Đạt nốc cạn chén rượu. Mép đã bắt đầu run run:
Cuộc sống của em mười năm ở rừng khổ không tưởng tượng được. Em, Nhỉnh và Nhỡ kiếm tiền bằng cách lấy củi, gánh bộ năm cây số ra đường cái bán cho chiếc xe tải tuần mới có hai lần chạy qua. Lấy trộm gỗ, trốn chui trốn lủi như những con chó hoang; đánh nhau với bố con lão kiểm lâm ở xã… Không việc gì là em không làm, nếu không thì chết đói…
Đạt uống thêm chén rượu, ăn nửa bát phở, mân mê chiếc kèn trên tay rồi đưa lên miệng thổi. Cậu ta cứ thổi mãi, cho đến tôi bảo bỏ đi cậu ta mới thôi.
- Nhưng mà cũng vui a ạ! – Đạt nói, giọng đã khê khê - Ở rừng, gọi nhau chả ăn thua gì, cứ mỗi đứa một cái kèn. Đứa này “Huýt huy”, đứa kia “Huýt huy”, dễ tìm nhau hơn. Em sống với tiếng kèn này mười năm, nó đã ăn vào máu.
- Cậu với Nhỉnh hẹn nhau cũng bằng tiếng kèn này?
- Ô không! Chúng em ở cùng nhà sao phải hẹn.
Đạt ngả đầu vào tường, mắt nhắm lại thở đều đều. Tôi tưởng Đạt đã ngủ nhưng giọng cậu ta vẫn tỉnh rụi:
Anh vẫn nghe em nói đấy chứ?
Vẫn!
Nhỉnh ấy… mười tám tuổi mới dậy thì. Lạ lắm anh ạ! Cô ấy còm cõi, gầy nhẳng, vậy mà bỗng dưng lớn vụt lên. Lần ấy ba anh em đi rừng, trời mưa, bọn em ướt hết phải trú vào một hang đá. Nói anh đừng cười… Hôm ấy em mới biết Nhỉnh đã trở thành con gái. Bộ ngực đầy đặn, tròn vo từ bao giờ. Cặp đùi thì lằn lên dưới làn vải ướt. Xuống núi, em với Nhỡ còn tắm, Nhỉnh về trước. Đến nhà, Nhỉnh ghé tai em bảo: “Này, lúc nãy thằng con lão kiểm lâm nó “ấy” em”. Em hỏi: “Ấy thế nào?”. Nhỉnh nói: “Nó ôm em, sờ vào ngực em. Lại còn định thọc cả tay vào trong quần”. Em cáu, quát: “Sao không kêu to lên, gọi các anh?”. Nhỉnh lí nhí: “Nhưng em thấy… thinh thích…”
Đạt lắc đầu, uống thêm chén rượu:
- Những chuyển biến sau đó nhanh lắm anh ạ. Nhỉnh mến em mà em thì không lẩn tránh được. Sau sự cố với Đào, em cũng chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến đàn bà, nhưng Nhỉnh cứ hiển hiện ở bên. Rồi cái điều ấy đã đến. Nhỉnh bảo có ai đó rình cô ấy lúc đi tắm và nhờ em ra đứng canh. Ở đó người ta chỉ tắm suối thôi. Một lần cô ấy kêu bị con gì cắn, em chạy đến. Chẳng có con gì cả. Chỉ có cô ấy trần truồng đang giả vờ đau ngồi bóp chân. Nhưng mà… nhưng mà…
Mặt Đạt rúm lại, đỏ tấy, tràn ngập nỗi hổ thẹn. Giọng tủi nhục tức tưởi:
- Nhưng khi Nhỉnh sẵn sàng hiến thân cho em, em cũng muốn thì… mặt em cứ như vừa bị ai tát, đau rát. Em nghĩ đến Đào và thế là thôi. Một lần, ba bốn lần vẫn thế. Em bảo: “Anh không thể… Anh không mang lại hạnh phúc cho em được.” Nhỉnh khóc: “Hay là anh không thích em? Anh khỏe thế cơ mà… “Điều khổ sở nhất là đến lúc ấy em cũng rất yêu Nhỉnh. Cô ấy động viên: “Không sao đâu… Mình sẽ tìm thuốc chữa. Nếu không chúng mình xin đứa con nuôi”. Nhưng em xấu hổ, chán nản chỉ muốn chết đi. Sau này, ở khu nhà nghỉ X. cũng có vài cô muốn em, em chỉ dám thử một lần… Chưa đâu vào đâu em lại có cảm giác choáng váng như bị đánh, mặt tê dại tưởng còn hằn lốt năm đầu ngón tay. Em đâm sợ đàn bà…
Đạt vào toa lét rửa mặt, dáng đi hơi loạng choạng. Trở ra, cậu ta có vẻ ngắc ngứ và nhìn tôi vừa tuyệt vọng vừa thảng thốt:
Anh bảo… anh bảo… Nhỉnh có… có chờ em không?
Và Đạt căng thẳng đợi câu trả lời. Tôi nói nước đôi:
Cái đó phải là cậu, người trong cuộc mới biết được.
Thế thì… Đạt rơm rớm – Em yêu Nhỉnh lắm. Nhỉnh cũng rất yêu em. Giá sinh lý của em bình thường thì chúng em đã cưới nhau từ lâu và có thể có con vài tuổi rồi anh ạ. Suốt mấy năm ở với anh Hữu, không ngày nào em không nghĩ đến Nhỉnh…
- Cậu có thư từ gì cho cô ấy không?
Đạt vỗ đầu bồm bộp:
- Không! Thế mới chết chứ! Em cố ý để cô ấy quên em. Khi nhận được tin nhắn của anh Hữu qua đài phát thanh, em không nói với ai, cứ lẳng lặng đi. Lúc ấy em nghĩ, thôi mình biến mất sẽ tốt cho cô ấy và tốt cả cho mình. Mãi đến sáng nay, sau khi ngủ với cô ca ve, em mới biết mình chưa đến nỗi “hỏng”. Mới quyết định đi N…
Đạt khổ sở vò đầu bứt tai, rồi nói nhỏ:
Nếu Nhỉnh cũng lấy chồng rồi thì đời em coi như đã hết!
Hôm sau, lên đến N., lúc chào tôi để đi tiếp vào H., Đạt vẫn riết róng, đăm đắm hỏi:
- Anh nói thật đi! Liệu Nhỉnh có chờ em không?
Tôi xiết chặt tay Đạt:
- Có! Cô ấy nhất định chờ, vì cậu yêu cô ấy thế cơ mà!
Đạt cười như mếu, vội vã đi vào bến xe. Tôi nhìn theo mãi cái dáng to cao của Đạt nổi bật trong đám người nhộn nhạo. Mái tóc xù bắt nắng rực lên như một quầng lửa.
*
Sau lúc tôi gặp Đạt không lâu, dân thị trấn miền rừng M. xôn xao cái tin gã thần kinh hiền lành to cao nọ lao mình xuống sông. Mấy người thạo sông nước ở thị trấn vất vả lắm mới lôi được gã lên, vì gã chống trả dữ dội và chửi rất tục. Người ta đành phải báo cho cảnh sát và cảnh sát lập tức còng tay gã đưa lên xe chở thẳng ra trại tâm thẩn tỉnh.
Mấy hôm sau, kết thúc chuyến công tác ở M., trở ra tỉnh tôi tìm đến trại tâm thần hỏi thăm tin tức Đạt. Trại là mấy dãy nhà kiên cố, có tường bao vững chắc ở một khu đồi văng vắng cách xa trung tâm thị xã. Những bệnh nhân tâm thần ở các phòng tò mò nhìn tôi. Một người đàn ông trung niên ở phòng đầu tiên bò lổm ngổm trên nền xi măng như trẻ con, mồm không ngớt gọi: “Mẹ ơi! Con ị”. Bên dãy nhà nữ, mấy người đàn bà bám vào chấn song tíu tít vẫy ra ngoài. Một cô gái còn trẻ dứt xoạt vạt áo phô bộ ngực nở nang gọi: “Anh ơi! Anh thấy em đẹp không?” Tôi phải quay đi.
Bác sĩ trực tiếp tôi ở văn phòng làm việc. Ông là một thương binh cụt chân. “Tôi cũng là người có nhiều mất mát nên đồng cảm sâu sắc những thiệt thòi của họ” – ông nói – “Vì thế tôi đã trụ được ở đây hai mươi năm”. Tôi hỏi về trường hợp bệnh nhân mới chuyển về từ M. ra mấy hôm nay, ông thở dài:
- Những ca như vậy không phải là hiếm. Anh ta cứ nhất định tin mình đã chết từ lâu. Anh ta chỉ là cái bóng của người đã chết thôi. Hôm đầu anh ta có vẻ bị kích động mạnh, nay đõ hơn rồi…
Tôi hỏi:
Liệu có cách gì điều trị cho anh ta khỏi bệnh không?
Ông bác sĩ già ngọ nguậy chiếc chân gỗ, đăm chiêu:
- Để điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, điều rất quan trọng với chúng tôi là phải nắm được nhân thân, tiểu sử, các mối quan hệ của họ. Với bệnh nhân mới đưa từ M. ra, đến cái tên của anh ta chúng tôi cũng không biết nên rất khó nói có thể chữa khỏi hay giảm được bệnh cho anh ta không.
Tôi ra về, đóng cửa phòng một ngày đêm, cố hết sức nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhất những gì Đạt đã kể với tôi và viết thành câu chuyện này. Ngày mai tôi sẽ chuyển cho trại tâm thần. Hy vọng nó sẽ hữu ích với các bác sĩ để họ có hướng điều trị hiệu quả cho Đạt./.
Tháng 5/2003