Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.110
123.163.008
 
Ngồi trên bậc cửa
Phạm Thị Duyên

Mới sáng ra, mở cửa nhìn về cánh đồng xam xám sương rơi, làng tối thui như chân núi. Thằng Nhỏ rụi rụi mắt, vớ lấy cái khăn cứng cạu vắt lên vai, tạt nước tới tấp lên mặt, nói với vào trong bếp khói um.

- Con nghĩ kỹ rồi, tiền kiếm được để làm gì. Mua cái ti vi xem cho vui.

 

Bá Mạnh khệ nệ bê nồi cám chui từ trong bếp ra, khịt khịt mũi. Nó ngó ngang mặt mẹ qua chậu cám đương vợi bốc hơi nghi ngút, mắt mẹ quèn nhoèn nước.

- Có cái ti vi, con Lành khỏi phải đi đêm vào làng

 

Bá đưa tay hỉ mũi, bầy lợn ngửi thấy mùi cám thơm, ủi thanh ngáng, hồng hộc chạy tới. Thằng Nhỏ đá ngang, hùa hùa, coi chừng đấy! Mấy con lợn cũng đứng choãi cả bốn chân canh chừng, ụt ịt. Thằng Nhỏ vục gầu xuống giếng, đổ đầy vại nước gạo.

- Mẹ còn tính gì?

 

Bá có nghe rõ thằng Nhỏ hỏi nhưng không nói. Bá cũng đang tính theo nó.

 

Có cái ti vi ai chả sướng. Bắc cái cần cao tút mút trên nóc nhà, chông xa đã rõ. Nhưng nghĩ tới việc chả nợ bá lại lo. Tối ngày sấp mặt, sấp mũi cũng chỉ vì miếng cơm, cái áo mà vẫn nợ đìa. Cả như đời bá chả bao giờ dám nghĩ tới chuyện sắm sửa những cái thứ không phải để ăn vào mồm, để mặc vào người như thằng Nhỏ. Bá cũng có đi bán con gà, cân lúa, tạ lạc, yến sắn để mua phân đạm, hạt muối, cùng lắm là sắm cái màn mới cho muỗi khỏi đốt. Thậm trí cả mấy năm mới mua được mảnh vải sít bóng may cái áo, cái quần để mặc cũng còn tiếc rẻ.

- Nào mẹ! Có mua không?

- Tao thấy lãng phí, sa sỉn quá! Nhỡ có công việc gì người ta lại đay nhà giầu lại khốn khổ

- Còn khổ hơn nếu con Lành ế chồng, hư hỏng chỉ vì đi ngủ lang đấy!

 

Mà cái con Lành, từ hôm thằng Nhỏ về không thấy nó chịu ở nhà. Tối nào cũng tranh thủ học quáng học quàng, dọn dẹp, rửa ráy quấy quáng là tất tưởi vào làng xem phim. Nó mê muội mấy cái phim Hàn Quốc gì đó, suốt ngày hão huyền, viển vông với mấy cái thằng tổng giám đốc điển trai. Phim với chả phò. Cả như bá chỉ mong nó có thằng chân đất mắt toét ỏ ê, bá còn thấy yên lòng. Đấy là sau này nó học hết đã. Nhưng bá cũng còn mừng được thấy cái giấy khen ghi tên nó treo sáng một góc tường chứ không thấy sượng mặt như khi đi họp phụ huynh cho thằng Nhỏ. Cô giáo gặp riêng bá, bảo “ Em Nhỏ học hết cấp hai biết đánh vần đọc sách thế là tốt lắm rồi!” Gặng mãi rồi bá mới hay. Nhà trường đùn xuống, un lên mãi rồi cũng cho nó qua được lớp 9 để còn thi đua lập thành tích hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Con Lành chê bai bải “ Mẹ thử đưa tờ giấy cho anh Nhỏ làm phép tính đi. Cắn nát bút là cái chắc”. “Mày nhẩm có nhanh bằng nó không?” “Con chịu. Bọn lợn lái cũng chẳng nhanh bằng. Bõ đáng cái bọn gian giảo. Con lợn người ta vột cả năm mới được có cân lãi. Trừ cám ba cân, phân hai cân, lại còn đèo thêm con ốc vít to đùng như ngón chân cái ở cái đòn cân nữa”. Không mất hai năm bá cõng con vào Tây Ninh chắc nó cũng không đến nỗi mù chữ. Mới mười bốn, mười lăm tuổi phải bỏ quê đi phụ xây kiếm tiền về cho bá trả nợ. Nghĩ mãi đến giờ bá vẫn còn thấy ân hận. Bữa cơm tối qua chúng cãi nhau. Bá ngồi nhai cơm như nhai cỏ.

- Nhỡ mày đi người ta đến bắt nợ?

 

Thằng Nhỏ đẩy chậu cám xa sân giếng. Vùng vằng bỏ vào nhà. Nó không cần biết ngần ấy cám mấy con lợn có no bụng không. Lũ lợn sồng sộc chạy tới. Ganh nhau ăn. Cám vằng cả lên đầu, toé ra sân. Xốc hết chậu cám, cái bụng lưng lửng cũng đủng đỉnh theo nhau ra vườn dũi đất.

- Mua cái đen trắng thôi con ạ!

- Ê hê. Mẹ hốt thật. Lièng bèng thì cũng phải như  cái của nhà dì Tỵ ấy.

- Nhiều tiền lắm đấy!

- Hơn triệu. Mẹ không thấy cơ bắp con đây à!

- ! Thôi! Nhờ ông Thành chọn hộ cho.

 

Nó hăm hở chèo lên cái xe đạp tồng tộc phóng vào làng.

Bá vác dĩa ra sau chuồng lợn đánh phân ủ. Học mới hết lớp chín, nó theo người làng đi phụ hồ trên phố. Lương tháng nào cũng gửi hết sạch về cho bá giữ. Trong thư nó viết “ Mẹ không phải lo. Con ở trên này ăn uống hàng ngày có chủ thầu nuôi. Giữ tiền trong người sinh hư”. Nó đi liền một mạch đến đúng ngày giỗ. Bá nhớ mà thương nó quá. Lần nào ông Thành qua nhà đưa tiền, đưa thư bá cũng níu lại để hỏi. Con Lành ngồi ngoài đầu hè sắp dây lang phát cáu “Mẹ hay thật đấy! Để ông còn về, ở đây uống nước chè cho sót ruột à?”. Ông Thành thật ra mới chỉ hơn ba mươi nhưng theo vai vế họ hàng gọi là ông trẻ. Ông cười hề hề, bảo “Con bá khôn lọt vành, tí tuổi nhất cánh thợ nhưng đố thằng nào dám bắt nạt”. Ông Thành đã mấy lần đứng dậy nhưng không dứt ra được. Bá há hốc mồm nghe chuyện thằng Nhỏ đi phụ hồ. “Cánh thợ ngày làm vục mặt, tối uống dăm chén rượu, trải chiếu chơi bài. Thằng thua, kẻ được không nhường nhịn là sừng cồ đánh lẫn nhau. Thằng Nhỏ nằm vắt kheo nghe đài, nhổm dậy quát tướng “Cùng anh em đi làm xa với nhau, không biết bảo vệ nhau còn đánh lộn nhau thà đánh con chó còn hơn” Thằng Nhỏ nói nghe bực quá, láo thật, bất chấp cả ông trẻ, chú họ của nó ngồi chiềng mặt tại chiếu đó. Nhưng không có cái lý, cái lẽ phải nào vặn vẹo được nó. Nếu có áp đặt theo cái lý của người lớn nó chịu, mà mình cũng thấy ngang phè phè. Thế là giải tán, mỗi thằng lỉnh một xó. Ngủ. Đúng là chịu con bá đấy! Chẳng biết nhường nhịn gì cả. Nhưng nó mà đã uốn lưỡi với ai thì người đó quý hơn con đẻ. Bà chủ quán chỗ công trình mười sáng cả như mười một chỉ mong nó đi làm qua dúi cho đồng quà tấm bánh. Mấy tốp thợ phào chỉ, kẻ vẽ chỉ thích nó phụ vì các bố sướng được nghe nó hót miễn phí. Xong việc, cứ nịnh xin cho nó theo nhưng nó kiên quyết: “Theo cánh đó có mà mờ đời. ở với ông trẻ còn được ăn no, ngủ kĩ, lương tháng lĩnh đều”. Nghe thằng cháu nói, ông nào lại không rộng lòng thương.

 

Ừ! Con bá láu cá, láu tôm ngay từ khi mới cắt rốn, bá biết chứ. Nó mải đi xúc cua, xúc cá hơn mải học, chỉ được mỗi cái bộ khéo mồm. Những ngày giáp hạt, bá vác rá vào làng vay gạo rồi tâng hẩng ra về mà ruột gan sầu nẫu như lá héo táp sương. Cái chân ríu líu chíu như đeo phải hòn đá tảng. Chẳng muốn thấy mấy đứa trẻ ngồi vêu ở bậc cửa, mặt mày ủ ê đến tội nghiệp. Con Lành bíu tay mẹ, ngó cái rá không thì lăn ra đất khóc ề ề. Thằng Nhỏ lật đầu giường kiếm cái quạt mo phẩy lia lịa, hỏi tỉnh khô như sáo “Không ai cho vay hở mẹ?”. “ừ” Bá buông ống quần ngồi phịch xuống bậc cửa. Chơi vơi nhìn con mà ràn rụa nước. Nó bảo “Con vào dì Tỵ đây!” Thế là nó ton hon đầu trần, chân đất chạy tắt mé ruộng vào làng rồi tơn hớn trở ra khi nắng đã hắt bóng chiều. “Dì cho Lành cái bánh mật này!” Một lúc sau thấy dì lẹo chẹo đèo bao lúa trên chiếc xe đạp rẽ xuống chân núi. “Bá còn nhà không đấy! Ra đỡ xuống cái. Đường với chả lối như sợi chỉ. Suýt nữa đổ ráo xuống ruộng, quá là béo lũ chim ri. Nhà hết cái ăn bảo em một tiếng, em chẳng có thì đi vay giúp bá không được à”. “Sợ chú cằn nhằn” “Ôi dào ôi!”. Dì sục vào nhà , sục xuống bếp, sục cả ra cái chuồng lợn rồi dì đứng chưng hửng trên cái móng nhà xếp giở đá thở dài đánh thượt một cái. Chắc dì thấy trong nhà rỗng tuếch, có được mấy cái nồi sứt quai đáng giá. Giọng dì xoe xoé nhưng không xấu bụng, nghe mãi cũng quen. Miệng dì nói, chân dì bước, tay dì làm suốt ngày nhưng nhà dì cũng chỉ nhỉnh hơn nhà thằng Nhỏ tí ti. Không riêng nhà dì, mà cả cái làng, cái xã này nhà ai hình như cũng nghèo khó. Thằng Nhỏ săm sắn khoi lòng bếp, tra gạo bỏ nồi. Bá kéo bì lúa vào  nhà mà dạ buồn như trấu cắn. Thằng Nhỏ đi làm xa có đen, có gầy nhưng cứng rắn vẻ người lớn lắm. Bá mừng nhiều, lo cũng nhiều. Nó giấu bá hút thuốc lá. Thà nó bé hẳn đi, đần đần một tí cho bá đỡ sợ đằng này nó đang ở cái tuổi nhầng nhầng, học không đến đầu, hành không nên đũa, tính khí ngang như cành bứa, lại đi phụ hồ xa xôi, lang bang hết công trình này đến công trình khác dễ nhiễm cái thói mách qué mách xiên, bài bạc, nghiện ngập. Nhưng điều kiện nhà bá tìm sao cho nó được công việc tử tế, nhàn nhã. Bắt nó ở nhà càng thấy tắc nghẹn như đi vào vách núi. Rồi la cà với mấy thằng bỏ học vào làng tán tỉnh con gái nhà người ta, cà khịa đánh nhau không may vào tù vào tội đời nó khổ, bá khổ. “Số tiền của con mẹ vẫn giữ nguyên đây!”. Nó đếm đi đếm lại tới năm sáu lần rồi vui mừng hét toáng “Những bảy triệu này, mẹ tin không!”. Bá ớ người. Nó ngồi ngẩn ra một lúc rồi cẩn thận nhấm nước bọt đếm lại từng tờ. “Mẹ cầm bốn triệu rưỡi trả nợ gốc, nhớ xin người ta cho trả nợ gốc trước nhé, chỗ này mua hai cái chăn bông, may bộ quần áo cho mẹ và cái Lành, chỗ này mai đi chợ làm giỗ. Còn lại”, nó tần ngần đếm “ Triệu bảy” tần ngần nhìn khắp lượt gian nhà. Bá thấy thằng Nhỏ tính mà nỗi vui chảy tràn, vai thả được tảng đá lớn. Bâng khuâng như kẻ ăn mày nhặt được vàng lá ở cổng chợ, lăng xăng mọi việc mà chân tay cứ xểnh xang thừa thãi.

 

Có tiếng động luỵch huỵch trong bếp. Bá tất tả chạy vào. Chông thấy lốt sương ướt in rõ bàn chân to bè, nguệch ngoạc các ngón bá biết ngay là con Lành đã đi ngủ lang về. Nó hùa. Bá giật nảy mình. Nó bỏ nẹn rau ngót vào rổ. Lục nồi.

- Có gì ăn không?

- Có khoai luộc trên gác ấy!

- Anh Nhỏ đi mua ti vi hả mẹ?

- Mày cứ đi ngủ lang cho lắm vào để anh mày cằn nhằn.

- Anh bảo con dọn nhà đợi anh ôm ti vi về.

- Dọn tứa dọn tát lên rồi ra đây phát bụi.

 

Mấy hôm đó cả nhà bá vui biết chừng. Cái ti vi để trang trọng trên mặt bàn uống nước giữa nhà. Tiếng mở to hết vạch. Đi tận ngoài đường cái vẫn còn nghe thấy. Cái Lành xin ai cho được mảnh vải xoa hoa đỏ, tỉ mẩm ngồi viền cả buổi để phủ lên cái ti vi. Thằng Nhỏ bảo “Mẹ ngồi xem là hay ngủ gật lắm, gật một cái ngã lăn xuống đất gãy xương, gãy xẩu như chơi”. Rồi nó lục sục tìm những thanh gỗ và nhờ người trong làng đóng cho cái tủ tạm. Nó bảo “Tiện nhé” Bá bảo. Tao còn khối việc phải làm, thời giờ đâu mà vi với chả vót”. Tiếng dỗi thế mà bá chả xảy cái tối ti vi nào. Ngày trước không có cái ti vi thì nấu cám, bóc lạc, tẽ ngô, làm việc gì cũng ngoài sân, trong bếp chứ giờ mới nghe tiếng nhạc hiệu chương trình thời sự bá đã mau mải bê tất thảy mọi việc vào giữa nhà. Ngồi ở trong cái nhà  vách đất một  gian băm rau lợn mà cũng biết khối thứ ở tận đẩu tận đâu.  Bá bảo với con Lành “Sướng thật. Đúng là có cái ti vi cũng thấy khôn ra một tí”. Nó cười giòn tan “Đấy, mẹ còn mắng con đi đêm lắm sao có ngày cái bụng nó ễnh ra. Ma nó lấy”. “Mẹ mày, tao bảo cho mà chánh”

 

Thằng Nhỏ đi làm xa, con Lành bảo vào làng học nhóm, còn mình bá ở nhà. Rau bèo cám bã xong, bá lên giường nằm xem ti vi. Đang mơ màng thì bá giật mình tỉnh giấc bởi tiếng quát tháo. Chết thật, hình như đã mất nửa tập phim. Bá có cái tật, hễ cứ nằm là mắt bá díp lại, ngủ quên tiệt.  Phim tây phim Tầu, Hàn Quốc hàng quếc gì đó bá thả hiểu, bá chả thích. Nó chả giống cái văn hoá Việt Nam ta. Bá vẫn thường nói có tí cái mẩu nhầm cũng khóc, khóc sướt mướt như cả quả đất này không còn lấy một người thân thích ấy. Đời bá có khối chuyện còn tệ hơn thế, bá chả thấy nó làm sao. Bá mê nhất bộ phim đang trình chiếu trên VTV3. Sao cái cảnh trong đó nó giống cảnh quê bá đến thế. Lại còn cái cô Thảo khổ trần đời mà chả biết than oán lấy một tiếng. Xem tập nào bá cũng sụt sịt khóc. Hôm qua bá đang theo dõi cái đoạn cô Thảo đi lấy chồng lần thứ hai. Buồn không muốn thở. Bá dụi mắt, Sao cô ấy cũng phải tự đẻ con một mình à? Cái môi bá cũng bặm lại. Nước mắt cô Thảo trong ti vi, nước mắt bá cứ tuôn dài. Lã chã. Hết chương trình ti vi lâu lắm rồi mà bá vẫn còn khóc.

 

Ở cái trà tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, bá ăn đứt đám con gái làng, con gái xã trên cả ba tiêu chuẩn: Da trắng, môi đỏ, dáng đủ ba vòng thắt đáy lưng ong. To khoẻ, phốp pháp gánh đứt mẫu đồi, đôi mẫu ruộng như chơi. Không những thế Mạnh lại còn hay hát, hay cười và hơi đỏm tí chút. Khối kẻ ghẹo người nhòm, các bậc cha mẹ tha hồ mà ngấp nghến, ướm hỏi. Gặp phải cái thời bộ đội về làng huấn luyện quân đông đến khủng khiếp. Chưa bao giờ cái xóm xó rừng lại đông vui nhộn nhịp đến thế. Mà toàn cán bộ khung ở Hà Bắc cả mới ghê. Các cô gái làng tối nào cũng thắp đèn bão  rủ nhau đi bắt sâu lạc, sâu đỗ. Sâu làm gì mà nhiều đến mức ấy. Mạnh hùng hồn tuyên bố trước đoàn thanh niên: Má văn công, mông bộ đội. Chả tội. Tao thách thằng nào tán đổ tao. Khối anh có ý định nhăm nhe nghe thấy đều gờm, chối lui nhưng khối kẻ dập dìu như thiêu thân vây quanh cái đèn bão. Hết đợt huấn luyện quân, các anh chàng lại vui vẻ ba lô con cóc khoác vai như lúc về làng. Nụ cười vẫn cứ mới toanh. Thế mới đáng nể. “Tại em thách đấy nhá!”.“Em không làm văn công thì cũng được làm con công”. “Cuộc đời dài lắm. Đừng có dại mà thách ai cái gì em ạ!” Đêm liên hoan chia tay nô nức là thế mà Mạnh vắng mặt mới lạ. Chả có Mạnh người ta vẫn đàn ca múa hát. Chả ai biết Mạnh đang bận gang mồm để nuốt lá cho cái thai bốn tháng tụt ra. Hai năm sau Mạnh lấy chồng. Thoáng chông cũng xứng đôi vừa lứa. Chị xinh gái, sắc sảo, anh hiền lành, đẹp trai (Da trắng, trán cao, vai rộng). Chả người làng thì cũng người cùng xã. Đỡ phải lo nó chạy làng. Ván đóng thuyền rồi mới tá hoả. Anh chỉ được xếp vào cái loại tốt mã, rẻ cùi. Có một đời vợ nhưng bị vợ bỏ. Mạnh gật đầu chấp nhận lấy chồng cũng phần nửa bị anh trai thúc ép: “Nhan sắc cho lắm vào, cong cớn cho lắm vào. Nhục. Loại ớ ẩn  không biết nó rước đi cho là may”  So đi đếm lại, bá có kém cái vẩy. Nói như mẹ đẻ  “Ngõi nỗi gì. Hồng nhan bạc phận. Cũng xứng đôi vừa lứa cả. Con ạ?”. Sống với chồng được hai năm. Mang cái bầu được chín tháng. Suýt nữa bị vỡ bụng vì chứng tâm thần của chồng tái phát. Ăn lá cho teo thai khổ nhục đến mức nào Mạnh còn chịu đựng được chứ huống gì cái dại gái bỏ chồng. Đẻ con Mận ở nhà anh trai được hơn năm chồng lên cơn, ngã xấp ở vũng nước mưa. Chết . Sung sướng gì cái loại gái chết chồng ăn nhờ ở đậu. Có người chị gái con bác ruột lấy chồng mạn ngược mười tám hai mươi năm không có con. Ngọt bùi. Người mường ngược họ không nặng nề cái số má sát chồng. Họ chỉ muốn bá về làm vợ lẽ, đẻ cho họ một đứa con. Không quan trọng là trai hay gái. Tuy là người mường, khác phong tục tập quán nhưng nhà giầu, trâu sẵn, ruộng nhiều. Sẵn nong sẵn né. Chỉ mỗi tội  chồng chung vợ chạ. Nhưng lo gì. Chị em trong nhà, lọt sàng xuống nia, rơi vãi đâu mà sợ thiệt. Mạnh bằng lòng. Không cần lễ lạt, mảnh cau, cuống trầu, Mạnh bỏ con cho dì Tỵ nuôi, khăn gói lên ngược. Chín tháng sau người ta lại thấy Mạnh vác bụng về. Cái tính lành chanh chèo bẻo hoạ có ở được với ma. Ma bá cũng chả ở. Bá ở ngay cái nhà để đòn cáng khênh người chết mà người ta đã bỏ đi. Người ta có nhếch mồm cạy răng bá cũng chả ừ hử lấy nửa lời. Đến ngày chở dạ bá xấu hổ chẳng dám mời bà mụ. Mà bá có mời chắc gì bà mụ đã đến. Đứa con bá mang trong bụng của ma mường. Ma mường có nhiều chài nhiều bùa lắm. Kệ thây. Nuôi con Mận một mình bá còn chả sợ huống gì tự vượt cạn một mình. Bá lấy cái chảo lảo nứa tự cắt cuống rốn cho con. Được mười ngày thằng bé bụ bẫm sống với bá, biết ngậm vào cái đầu ti hồng như cái tí mèo của bá rồi lên cơn sài giật mà chết. Anh trai đắp cho ngôi nhà vách đất trên cái mảnh vườn thừa thẹo ngoài hàng rào nhà mẹ đẻ. Cho dì Tỵ, con Mận ra ở cùng. Mạnh lại sức. Dì Tỵ đi lấy chồng. Còn hai mẹ con. Gái một con trông mòn con mắt. Khối bà trong làng ngấm nguýt, ghen tuông. Báu bở gì mấy cái loại lợn rẽo ấy. Người ta xé áo bá lẳng ra đường thì bá cũng cuốn tóc người ta giật xuống ruộng. Bá chả làm, bá chả sợ. Năm bá ba mươi hai tuổi. Da vẫn còn trắng, má vẫn còn căng, môi vẫn còn đỏ mọng. Mắt có đen nhưng người gầy dỏng. Gầy lại càng ngon. Không nói nhiều, không đỏm dáng lại càng đằm. Thế nên mới có ông già sáu mươi sáu tuổi ở tận dưới vùng chiêm nước lụt lỗ lươn cổ cò lặn lội, lóc cóc lên tận đây hỏi lấy bá bằng được. Tuy có già nhưng con người cũng hiền lành chất phác. Vợ chết từ năm bốn mươi tuổi. Nhà đông con nhưng đã dựng xong vợ, gả xong chồng. Gia cảnh nhà chồng neo chiếc. Cũng vách đất nhưng rơm ngâm, lúa cấy một vụ. rộng mọc dong rêu. Thế là thuận. Còn hơn chán vạn cám cảnh mẹ goá con côi. Cái số cái phận hẩm hiu lấy chồng trẻ chả ở được thì lấy chồng già. Chồng già nó đằm tính, chả có hơi sức đâu mà đánh đập. Mà cũng biết đâu cuộc sống lại được bình hoà, yên ấm. Vợ chồng chăm sóc bảo nhau làm ăn. Gửi con Mận cho dỳ Tỵ. Bá lại khăn áo xuôi dòng. Bữa cơn đầu tiên ở nhà chồng. Đám con chồng bảo. “Tôi đồng ý cho ông lấy vợ lẽ. Nhưng sau này ông chết đi, toàn bộ nhà cửa, ruộng đất bà không được hưởng!” Bá buồn lòng bảo “Cái số cái phận nó vậy. Lấy chồng để cho có chồng, con có bố, để được có người thương yêu, chăm sóc nương tựa nhau lúc tuổi già chứ cũng không mong tranh dành tiền của, ruộng đất”. ở dưới nhà chồng ba tháng, bá bảo “ ở trên nhà đất còn rộng, vườn nhiều, ruộng nhiều, đồi  cũng nhiều. Mình kéo nhau về vất vả nhưng cũng sống được”  Sau đó mấy ngày người đồng rừng thấy bá đèo ông cụ trên chiếc xe đạp Nam Hà cọc cạch của bá về làng. Dựng căn nhà vách đất ở tận trong chân núi cánh diều. Đem theo con Mận ra đấy cùng ở. Vài tháng sau có thằng Nhỏ. Đẻ con chưa rứt rốn đã thấy bá bùm kín khăn cấy hái ngoài ruộng. Ông cụ đi cày nửa buổi về chông con. Năm năm sau bá có chửa con Lành. Hai vợ chồng đánh đám đá mồ côi ở chân núi, bỏ được cái móng nhà bé bằng một gian chuồng lợn nhà dỳ Tỵ thì ông cụ mất. Chết vì ngã nắng. Tay vẫn nắm khư khư cái chóp cày. Người đi làm đồi về phát hiện ra con trâu nhà bá nằm nhai lại dưới bóng mát. Dây chạc giắt mũi  kéo lê thê ra tận giữa lối mòn. Đám con ông cụ lên rước xác cha về xuôi. Than trách “Thà cha chết chợ chết đường, chết vì bị thằng ô tô tông rồi nó bỏ trốn còn đỡ nhục hơn”. Bá khăn trắng ngồi tựa cửa ôm con Lành  như người câm, người điếc, không khóc lấy được một tiếng cho được gọi là thương chồng. “bố tôi ngu, bố tôi chịu. Công sức, tiền của của bố tôi, tôi phải lấy về. Lấy về, bán đi để trả tiền làm ma cho ông cụ”. Mặc đám con chồng thích lục lọi, thích lấy gì thì lấy. Cả chiếc xe đạp Nam Hà cọc cạch của bá. Cuối cùng bá cũng vay đâu được chỉ vàng, mượn đâu được chiếc xe đạp, thằng Nhỏ ngồi sau, bá buộc con Lành trước bụng bằng cái khăn len chéo. Ba mẹ con dắt díu xuống xuôi để thằng Nhỏ được khóc gọi cha. Cuộc sống khó khăn, nợ chồng nợ chất. Bá gầy, da nhăn, má hóp. Khối những ông già bảy tám mươi, cận kề miệng lỗ, thở thối như miệng huyệt cứ lăm le tán tỉnh. Nhất là cái ông Toàn cùng xã vào làng dự đám cưới  cháu gọi bằng cụ, gặp bá phục vụ trong đám cưới về đốc bệnh nằng nặc đòi lấy vợ. “Lấy ai” “lấy con Mạnh trong núi. Thấy lão lụ khụ chống gậy trúc đi vào nhà, bá căm. Bá tông tốc đạp xe vào nhà thằng con trai cả lão, xỉa xói “ Chú vào mà kéo ông về, không là á, sẵn cái liền này cháu băm”. Sáng hôm sau, ở trong làng đã thấy trống bung beng. Năm thằng Nhỏ học lớp  năm, con Lành học lớp một. Không trụ được ở làng, bá nghe bồng bế hai đứa vào Tây Ninh hòng thay đổi cuộc đời. Hai năm sau, bá bùi díu con cái ra. Bảo với dì Tỵ. “ở trong đấy thằng Nhỏ con Lành không được đi học thấy tủi thân con ”.  Dì Tỵ xin cho hai đứa đi học lại.  Cũng may, mới chỉ muộn mất hai năm.

 

Cuối một ngày. Mặt trời tàn trên đỉnh núi. Bá dọn dẹp xong mọi công việc. Dải chiếu, sắp cơm ra. Trong lúc ngồi đợi con Lành đi học về, bá bật ti vi lên xem cho vui. Đang chương trình tiêu điểm  về nạn gái mại dâm, nghiện hút, sòng bạc, khách sạn, rửa tiền, rồi tổ chức maphia, buôn người xuyên quốc gia. Bá nhìn thấy các cô gái Việt Nam bị bán ra nước ngoài làm gái mại dâm cao cấp, thấp cấp và cả bị mua về nhốt trong nhà làm vợ cho cả nhà có tới năm bảy bố con. Sống vậy, còn gì là thân xác. Bá thột mình nhớ đến con Mận. Con Mận cũng xinh giống hệt bá ngày xưa nhưng nó đần y như bố đẻ của nó. Nó luôn làm những điều  cho bá bực mình. Nó cãi lại bá đôm đốp như chém trả. Rồi nó doạ là nó sẽ bỏ đi xuống thị trấn. Và nó bỏ nhà, bỏ làng đi thật. Bỏ đi khi con Lành mới biết bò lồm cồm quan nhà. Phải gần một năm sau người làng nói thấy con Mận làm ở cái quán gì đó tối mù dưới thị trấn. Bá vứt con Lành cho Thằng Nhỏ đi đón  con Mận về. Con Mận ở nhà được nửa tháng lại trốn đi. Bá cũng chả biết nó ở đâu mà tìm. Người làng giục giã cũng chỉ thấy ở bá một sự thờ ơ, dửng dưng như nó không tồn tại. Cách đây mấy năm có đứa con gái đi biên giới về bảo. Có thấy con Mận ở bên kia biên giới. Bên đấy họ cũng làm đồi như mình nhưng khổ y như trên mường ngược. Làm gì có cơm trắng mà ăn. Chỉ có cháo ngô cháo sắn. ừ thôi, cuộc sống nó may thì sướng, chẳng may thì khổ. Mà có khổ thì cũng chỉ khổ đến như bá đây là cùng. Đúng là mười  mấy năm nay con Mận đã không còn tồn tại trong lòng bá. Bá đến sát cái ti vi. Sờ vào mặt cái cô gái bị đánh trọng thương trong màn hình mà rơi nước mắt. Con Lành đi học về, bỏ cái cặp sách lên giường, hỏi :

- Mẹ bị bụi à!

- Bỗng dưng mẹ nhớ con Mận!

Nó không nói, nhưng cũng không buồn. Nó có biết chị Mận cùng mẹ khác cha của nó mồm ngang mũi dọc ra sao đâu.

-  Anh Nhỏ gửi tiền về cho mẹ này. Không có thư.

Nó dúi nắm tiền vào tay bá.

- Ông Thành bảo anh Nhỏ không đi phụ hồ mà ngồi bán sách ở cửa hàng. Ông bà chủ đều là giáo sư giảng dạy ở các trường đại học kinh tế, chính trị quốc gia Hồ Chí minh đấy. Họ thấy anh Nhỏ bé xíu vác bao xi măng từ tầng một lên tầng năm, mà tối nào cũng phải ăn mì tôm, ngủ trên mảnh bao xi măng nên họ thương đấy mẹ. Ông Thành văng bậy với con. – Con Lành che miệng khúc khích cười – Mẹ biết ông bảo sao không? Ông bảo ông đút C. vào đi làm thuê nữa. Vỡ mặt cả mấy tháng ròng bị bọn chủ thầu nó nẫng sạch. Phải xin tiền của anh Nhỏ mới về được đến quê đấy. Ông bảo: Anh Nhỏ nhà mình đi làm ở nhà thày giáo không may bọn nghiện chôm mất cái xe đạp. Anh gan đến phát sợ. Chặt phăng ngón tay út tự thề. Vợ chồng thầy giáo sợ cái tính ngay thẳng của anh lắm. Ông Thành bảo số anh Nhỏ đỏ, nên gặp may. Ông bà chủ còn cho sử dụng riêng một chiếc xe máy để đi làm, coi như con cái trong nhà nữa cơ đấy! Thế là sau này con lên Hà Nội học đại học có người lo rồi. "Anh trai tao người thành phố hẳn hoi nhé! "Mẹ nhỉ?

 

Con Lành nhón miếng dưa chua bỏ vào miệng ngon lành. Nó lấy quần áo ra sân giếng. Vừa tắm nó vừa nghêu ngao hát. Bá tắt ti vi, ra cửa ngồi. Sương muối cuối tháng mười se lạnh. Cả đời bá lấy chồng đẻ con tự nhiên như thửa ruộng gối vụ. Con cái do mình đẻ ra, cho ăn, cho mặc nhưng cái tính giời sinh, cái số giời giữ. Bá thì biết làm gì./.

 

Phạm Thị Duyên
Số lần đọc: 1708
Ngày đăng: 04.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiếng rừng - Dương Quốc Hải
Dưới trăng - Nguyễn Văn Ninh
Đi trong thành phố có nắng - Kiệt Tấn
Sợi tóc bị vướng - Lâm Hà
Trước ngưỡng cửa của cuộc đời mới - Phạm Nguyên Trường
Mùi của đàn ông - Nguyễn Minh Phúc
Chùm chuyện trào phúng “trường phái” thằng Bờm - Nguyễn Chính
Ăn chữ - Nguyễn Hữu Hồng Minh
Cánh đồng mùa đông - Đỗ Ngọc Thạch
Chuyển nhà - Trọng Huân
Cùng một tác giả
Ngồi trên bậc cửa (truyện ngắn)