Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.231
123.153.743
 
Quá trình tiếp nhận EDGAR ALLAN POE - Nhìn từ bức tranh dịch thuật
Hoàng Kim Oanh

1.       Mở đầu

1.1. Edgar Allan Poe (1809-1849) là một hiện tượng độc đáo của Văn học Mỹ thế kỷ XIX. Tuy chưa được chính thức đưa vào chương trình giảng dạy các cấp, không có những ánh hào quang rực rỡ bao phủ cuộc đời và sáng tác của ông như một số tác giả cùng thời, nhưng Poe được đánh giá là nhà thơ thiên tài, người báo hiệu cho chủ nghĩa tượng trưng của thơ ca Pháp và cả thế giới, “lý thuyết gia” của phái “Nghệ thuật vị nghệ thuật”. Đồng thời, ông cũng được xem là “cha đẻ” của thể loại truyện trinh thám và truyện kinh dị, người đặt nền móng cho thể loại truyện khoa học viễn tưởng và truyện phân tích tâm lý sau này. Tên tuổi, tài năng của Edgar Poe ngày càng được thừa nhận và thu hút sự quan tâm của người đọc cũng như giới nghiên cứu lý luận phê bình, sáng tác không chỉ trong biên giới nước Mỹ mà đã mở rộng tầm ra nhiều nước trên thế giới.

 

1.2. Với văn học Việt Nam, Edgar Allan Poe không phải là một cái tên xa lạ. Chính Poe là tác giả Mỹ đầu tiên có tên trên trang viết tiếng Việt ngay từ những năm đầu thế kỉ XX (1917). Từ lúc xuất hiện đến nay, 92 năm đã trôi qua, dấu ấn Edgar Poe tuy có lúc đậm, có lúc nhạt và cả những khoảng trống, khoảng trắng ở từng miền Nam, Bắc do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước song sáng tác của ông vẫn không ngừng hiện diện trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam. Đặc biệt là số lượng bùng nổ những truyện dịch, những bài viết, đề tài nghiên cứu về ông trong mười năm đầu tiên của thế kỉ XXI này. Và đối với giới nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay, Edgar Poe là một hiện tượng đang được tìm tòi, khám phá để khẳng định những mặt ảnh hưởng, và các sáng tác của ông có ý nghĩa thế nào đối với quá trình hình thành và phát triển lý luận, thơ ca và truyện ngắn hiện đại của nền văn học Việt Nam.

 

1.3. Năm 2009 là năm nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới trọng thể tổ chức kỉ niệm 200 năm ngày sinh Edgar Poe. Đây là một sự kiện lớn đối với văn học Mỹ và văn học thế giới. Cuộc đời, văn nghiệp và ảnh hưởng của Poe đối với văn học nghệ thuật Mỹ cũng như văn học nghệ thuật thế giới đang được nhiều trường đại học Mỹ và nhiều nước Âu, Á tôn vinh. Tưởng nhớ 160 năm ngày mất của Poe (7-10-1849), hòa nhịp vào dòng những hoạt động kỉ niệm năm Edgar Poe của thế giới, bài viết của chúng tôi sẽ giới thiệu hai vấn đề: Edgar Poe đã đến với Văn học Việt Nam từ khi nào? Đặc điểm của quá trình tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam ra sao? Đây chỉ là những phác họa ban đầu về quá trình tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam qua bức tranh 2/3 thế kỉ dịch thuật tác phẩm của ông. Do phạm vi của bài viết có hạn nên chúng tôi chỉ hệ thống lại quá trình tiếp nhận Edgar Poe qua hoạt động dịch thuật, không đi sâu vào phần nghiên cứu phê bình, phân tích cụ thể tác phẩm của Poe cũng như ảnh hưởng tác động của Poe đối với các tác giả văn học Việt Nam.

 

2. Quá trình tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam qua ba giai đoạn dịch thuật

Thống kê, hệ thống những sách báo trước đây còn lưu lại ở các thư viện ở thành phố, các công trình khảo cứu văn học, cũng như tham khảo các ý kiến, nhận định, của nhiều học giả tên tuổi Việt Nam từ đầu thế kỉ đến nay, chúng tôi tạm chia quá trình Edgar Poe đến với Văn học Việt Nam thành ba giai đoạn với ba đặc điểm khác nhau. Xác định mốc của từng giai đoạn này, bài viết dựa trên cơ sở chính là sự xuất hiện các tác phẩm của Edgar Poe được dịch ở Việt Nam. Đồng thời có chú ý đến những mốc sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước để lý giải những đặc điểm các giai đoạn tiếp nhận này.

 

2.1.              Giai đoạn 1- đầu thế kỉ XX đến 1945: Con đường gián tiếp - thụ động

2.1.1.                                Những năm đầu thế kỉ XX, do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước ta, phần lớn văn học nước ngoài, chủ yếu là văn học Pháp và một số nước phương Tây Anh, Mỹ, Nga…được tầng lớp trí thức Việt Nam tiếp xúc bằng Pháp ngữ. Một trong những kênh tiếp nhận văn học Pháp nói riêng và phương Tây nói chung vô cùng quan trọng là hệ thống giáo dục của nhà trường Pháp Việt. Theo hồi kí của Vũ Ngọc Phan, chương trình học trong các trường trung học Tây cũng như trung học Pháp Việt, thực dân Pháp quy định “tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh là sinh ngữ được xếp hàng đầu (1 ére langue), còn tiếng Việt bị liệt vào tiếng ngoại quốc với các sinh ngữ Ý, Đức, Tây Ban Nha.” (Vũ Ngọc Phan, 2008, 367). Cấu trúc môn Pháp văn ở bậc cao đẳng tiểu học bao gồm ba phần: chính tả, từ vựng, ngữ pháp (3h/tuần); giảng văn (lecture expliquée) và học thuộc lòng (4h/tuần) và rèn luyện kỹ năng viết tiếng Pháp (2h/tuần). Tuy không hề có giờ văn học riêng nhưng học sinh lại được tiếp xúc với hầu hết những tác phẩm triết học, văn học Pháp tích hợp trong một môn học chung là Pháp văn với số tiết đã nêu ở trên, chủ yếu là giới thiệu văn chương cổ điển. Hữu Ngọc từng nhớ lại: “Tôi biết Edgar Poe qua truyện Con cánh cam vàng và bài thơ Con quạ từ thời học trung học ở trường Bưởi.” (Hữu Ngọc, 2000, 529).

 

2.1.2.                    Với ý thức tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nước Thái Tây để xây dựng nền văn học quốc ngữ buổi đầu còn phôi thai.., Năm 1917, Phạm Quỳnh trong bài giới thiệu Thơ Baudelaire đã khẳng định “Baudelaire là một nhà thơ có tài nhất nước Pháp về thế kỉ 19” và liệt kê tóm tắt các tác phẩm của Baudelaire, trong đó có “bộ dịch đoản thiên tiểu thuyết của văn hào nước Mỹ Edgar Poe” (Phạm Quỳnh, 2003, 381). Tuy chỉ một dòng ngắn ngủi nhắc đến tên Edgar Poe nhưng Phạm Quỳnh đã là người đặt cái mốc đầu tiên cho văn học Mỹ, gợi ý cho bao thanh niên trí thức Việt Nam tìm đọc Edgar Poe với một niềm say mê khám phá những chân trời mới lạ của văn chương. Nhưng mãi đến hai mươi chín năm sau (1936), theo tài liệu mà chúng tôi hiện có trong tay, tiểu sử tóm tắt cùng bản dịch đầu tiên hai bài thơ Con quạ (Le Corbeau) và Mộng ảo (Un rêve dans un rêve) của Edgar Poe mới xuất hiện trong Danh văn Âu Mỹ do Nguyễn Giang dịch.

 

Tất nhiên, không phải đến hai bài dịch này độc giả mới tiếp cận Edgar Poe. Trong hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan nhớ lại những năm 1932-1933: “Xem được Thần khúc của Đăng-tơ, Đông ki-sốt, Những truyện kì quái của Hốpman (Hoffmann), Truyện kì lạ của Êtga Pô (Edgar Poe) cũng phải xoay trở khá vất vả.” Năm 1934, trong lời tựa tập truyện kinh dVàng và máu của Thế Lữ, Khái Hưng cũng phát hiện: “Tác giả những truyện Vàng và máu và Một đêm trăng đã tỏ ra có óc khoa học của Edgar Poe và tâm hồn thi sĩ của Bồ Tùng Linh..”(Phạm Đình Ân, 2006, 416). Nghĩa là cả thơ và truyện của Edgar Poe đã đến với những “siêu độc giả” Việt Nam đầu tiên từ rất sớm và đọng lại trong lòng họ những ấn tượng không thể nào quên.

 

Như vậy, tác phẩm bằng tiếng Việt đầu tiên của Poe xuất hiện ở Việt Nam là do Nguyễn Giang dịch, và là hai bài thơ, không phải là Truyện kì lạ do Vũ Ngọc Phan dịch năm 1944 như một số bài viết đã công bố và cả một số luận văn, luận án trích dẫn lại từ bài viết Tình hình giới thiệu và nghiên cứu văn học Mỹ ở Việt Nam của hai tác giả Mai Hương và Nguyễn Thị Huế. Theo Nguyễn Hồng Dũng, năm 1941, cũng chính Nguyễn Giang dịch và xuất bản một tập Truyện kinh dị của Edgar Poe. Tiếc là hiện nay chúng tôi chưa tìm được văn bản của bản dịch này cũng như bản dịch Truyện kì lạ của Vũ Ngọc Phan tại các thư viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.

 

Có thể thấy, ở những năm đầu thế kỉ này, đáp ứng nhu cầu đổi mới văn học, các nhà văn đã chủ trương “đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam”, để thoát khỏi ảnh hưởng nặng nề của lối văn chương biền ngẫu đầy rẫy những ước lệ ràng buộc cũ. Cùng với nhiều tác giả cổ điển Pháp, việc tiếp nhận Edgar Poe đã đi con đường trước tiên là dịch thuật để tìm hiểu, học hỏi cái hay trong tư tưởng, trong cấu tứ và kĩ thuật sáng tác. Mặc dù các dịch giả có ý thức chủ động tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn hóa văn học phương Tây như đã nêu trên nhưng xét về cơ bản, xuất phát điểm, văn học Pháp và Edgar Poe vẫn được đội ngũ này tiếp nhận từ ghế nhà trường trong các giờ học bắt buộc môn tiếng Pháp và thông qua chiếc cầu nối là văn học Pháp do đó, nói chung, đặc điểm tiếp nhận Edgar Poe ở 40 năm đầu thế kỉ vẫn là con đường bị động và gián tiếp.

 

2.2.               Giai đoạn thứ hai (1945 - 1986): Vừa gián tiếp-bị động vừa trực tiếp- chủ động ở phạm vi các đô thị miền Nam

2.2.1. Có hai lý do để chúng tôi chọn mốc giai đoạn thứ hai từ 1945 đến 1986. Lẽ ra chúng tôi phải chọn mốc cho giai đoạn thứ 2 từ năm 1949 để nhất quán với tiêu chí phân chia giai đoạn là dựa vào sự xuất hiện tác phẩm dịch của Poe (1949 là năm Con cánh cam vàng của Poe được Thiết Can dịch và nhà Nam Việt xuất bản tại Sài Gòn).

 

Lý do thứ nhất bởi 1945 là năm có dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc: Cách mạng tháng tám thành công, nước ta giành được độc lập, tự do sau gần một thế kỉ đô hộ của thực dân Pháp. Sự kiện lịch sử này đã chi phối toàn bộ cuộc sống của dân tộc và nhất là văn học bởi quá nhiều biến động dồn dập. Trong những ngày tháng lịch sử đầy sôi động ấy, vận mệnh dân tộc đã trở thành tiếng nói chính, những buồn thương, mơ mộng vẩn vơ cá nhân được xếp lại. Văn học bước vào thời kì nhận đường đầy băn khoăn trăn trở mò mẫm của đội ngũ sáng tác. Nhưng lý do thứ hai mới là quyết định vì giai đoạn 1945-1986 này đánh dấu một giai đoạn tiếp nhận thứ hai khá đặc biệt đối với những tác phẩm của Edgar Poe: đối tượng tiếp nhận chủ yếu là giới trí thức miền Nam Việt Nam, còn suốt 40 năm giữa cuối thế kỉ XX này, tác phẩm của Poe hoàn toàn vắng bóng ở miền Bắc, mảnh đất đã từng nồng nhiệt chào đón Edgar Poe những năm đầu thế kỉ và đã từng có những hoa trái đầu mùa đáng trân trọng.

 

 2.2.2. Sự tiếp nhận đứt quãng ở các đô thị miền Nam

2.2.2.1. Giai đoạn này việc tiếp nhận văn học Mỹ cũng như Edgar Poe chủ yếu đi theo con đường vừa gián tiếp vừa trực tiếp – vừa chủ động vừa bị động bằng tiếng Pháp lẫn nguyên tác tiếng Anh (hai ấn phẩm năm 1949 và 1953 vẫn dịch từ tiếng Pháp). Điều này cũng phản ánh đúng thực tế lịch sử, sau hiệp định Gienève 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt, miền Nam lại rơi vào một “nhà nước bảo hộ” thứ hai sau khi thoát khỏa ách thống trị của thực dân Pháp: đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, tiếng Pháp vẫn tiếp tục được giảng dạy trong nhà trường song song với tiếng Anh, đến thập kỉ 60 mới mất dần vị trí sinh ngữ chính, chấp nhận vai trò sinh ngữ thứ hai. Ở Sài Gòn, năm 1949, truyện The Gold Bug của Poe đã được Thiết Can dịch với nhan đề Con cánh cam vàng. Năm 1953, Nhà xuất bản Tân Á Sài Gòn đã xuất bản tập truyện Kho vàng bí mật (lấy tên từ The Gold Bug) của Poe gồm 9 truyện lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam: Con mèo đen, Chiếc mặt nạ của xích tử thần, Vụ án mạng sau nhà xác, Quỷ nhập tràng, Kho vàng bí mật, Thế giới người điên, Một buổi xuống thăm đáy biển, Mấy dòng nhật kí trong một chiếc chai, Giọt máu cuối cùng của dòng họ Use. Có 8/9 truyện này năm 1957 được Hoàng Lan giới thiệu trong tập truyện Con bọ hung vàng do nhà xuất bản Như Nguyện phát hành, bổ sung thêm 4 truyện Một vụ báo thù ghê gớm, Một truyện thôi miên, Lá thư mất cắp, Bức hình bầu dục. Hai tập truyện này, nhìn chung các bản dịch khá gần gũi từ tiêu đề, nội dung, ngôn ngữ diễn đạt. Chỉ có tựa đề Kho vàng bí mật được Hoàng Lan đổi sát với nhan đề trong nguyên tác Con bọ hung vàng(The Gold Bug). 

 

2.2.2.2. Năm 1956, bài thơ Con quạ (The Raven) và tiểu luận nổi tiếng Triết lý sáng tác (Philosophy of Composition) của Edgar Poe gồm cả nguyên tác tiếng Anh và bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) được xuất bản ở Sài Gn trong bộ Luyện văn I, II, III của ông. Công trình này ra đời những năm 1953-1957 khi tiếng Việt trở thành chuyển ngữ chính được sử dụng trong các ban Tiểu học và Trung học, chương trình có thêm giờ Việt Ngữ. Mục đích là giúp thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên “có thêm một tài liệu tham khảo trong cách nói, cách viết” để “chẳng những luyện văn và hiểu văn, mà đồng thời còn có thể tẩy rửa một cách gián tiếp những tác phẩm cẩu thả của những nhà văn non nớt.” (Nguyễn Hiến Lê, 1952, 11). Trong Luyện văn II, Tác giả đã dành hẳn một chương (28 trang) với tiêu đề Quan niệm sáng tác của Edgar Poe 5% là hứng khá ấn tượng gồm 4 nội dung chính: (1) Sự thực ở đâu? (2) Triết lý sáng tác của Edgar Poe. Bài thơ Con quạ. (3) Phê bình triết lý đó. (4) 5% là hứng. Trung thành với mục đích của Luyện văn, Nguyễn Hiến Lê đã giới thiệu hai kiệt tác này qua tiếng Việt, sau đó phân tích khách quan cái hay và hạn chế trong quan niệm, phương pháp sáng tác của Edgar Poe. Đây là bài dịch và phân tích đánh giá duy nhất về tiểu luận Philosophy of Composition trong suốt 2/3 thế kỉ dịch thuật tác phẩm của Poe. Việc phân tích cẩn trọng, khách quan đi từ khâu tìm hiểu nguyên tác, dịch nghĩa, rồi căn cứ vào văn bản, kết hợp liên hệ với cuộc đời nhà thơ, nhận định của những nhà phê bình Âu Mỹ khác (Jean Barangy, Le grand amour d’Edgar Poe, 1956), sau đó mới đưa ra những kiến giải chủ quan khiến cho ý kiến của Nguyễn Hiến Lê có một độ tin cậy, hợp lý cao như chính kiến thức và tên tuổi của ông.

 

2.2.2.3. Bên cạnh đó, tác phẩm của Poe còn được xuất bản ở dạng các sách song ngữ. Năm 1959, truyện trinh thám The Purloined Letter của Poe được Lưu Bằng dịch thành Lá thư mất trộm (The Stolen Letter). Năm 1965, bài thơ Eldorado xuất hiện dưới hình thức song ngữ trong Anh hoa thi ca Anh Mỹ thi tập loại đối ngữ do Hà Bỉnh Trung dịch, với tên là Xứ mộng cùng với 34 khuôn mặt tiêu biểu của thi ca Anh-Mỹ khác. Đây là bài thơ đầu tiên của Poe được dịch trực tiếp từ nguyên tác tiếng Anh. Thế nhưng những tư liệu Hà Bỉnh Trung thu thập được về cuộc đời của Poe chưa phản ánh đúng tiểu sử và con người Poe. Về bài thơ, bản dịch của Hà Bỉnh Trung khá tốt, có nhiều câu hay tuy chưa chú ý vần điệu và còn một số từ dùng chưa sát với nguyên tác. Ví dụ danh từ “knight” lẽ ra dịch “hiệp sĩ” chính xác hơn là “dũng sĩ”, hoặc cuộc hành trình vạn dăm cô đơn và gian khổ đi tìm hạnh phúc của chàng trai trẻ này không đơn giản là một chuyến “du lịch”, cũng như mục đích của chàng “In search Eldorado” không hẳn là tìm xứ mộng sang giàu vật chất mà mang ý nghĩa triết lý phải chăng con người luôn chạy theo những ảo vọng không bao giờ có được trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Từ truyền thuyết El Dorado chuyển sang bài thơ Eldorado của Edgar Poe, ý nghĩa không còn chỉ dừng lại ở “mộng sang giàu” mà Hà Bỉnh Trung không dịch thoát ra được. Dịch giả Thái Bá Tân sau này (2000) có khắc phục bằng cách dịch câu trên thành “Chàng đi tìm Eldorado” chung chung hơn, nhưng gợi nhiều cách hiểu có tính triết lý của từ Eldorado hơn.

 

Từ đó, suốt trong hai mươi năm của giai đoạn này, kể cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, sáng tác của Poe vẫn xuất hiện khá đều đặn, chủ yếu là các truyện ngắn của ông. Năm 1967, sáu truyện mà Lê Bá Kông cho là hay nhất của Poe tiếp tục được dịch từ tập truyện Six Stories by Edgar Allan Poe, trong đó có truyện William Wilson lần đầu tiên được giới thiệu. Dựa vào lời giới thiệu tập truyện của Lê Bá Kông, bỏ qua mục đích thương mại quảng cáo, có thể thấy Poe được đánh giá rấr cao “Ai đọc truyện của Edgar Poe cũng đều bị lôi cuốn một cách say sưa từ trang đầu đến trang cuối” (Lê Bá Kông, 1965). Có lẽ vì thế mà sau 10 truyện của Jack London được dịch và xuất bản năm 1963, Poe là tác giả được nhà xuất bản Ziên Hồng độc quyền giới thiệu thử nghiệm nhằm thăm dò thị hiếu của người đọc cho những ấn phẩm xuất bản tiếp theo “Loại truyện ngắn này, nếu được độc giả hoan nghênh chúng tôi sẽ dịch, xuất bản thêm để giới thiệu một số văn sĩ đại tài quốc tế khác.” (Lê Bá Kông, 1965). Thơ của Poe chỉ có hai bài được dịch trọn vẹn: The Raven, Eldorado và một số đoạn trích hai bài thơ To Helen, The Bells của Đắc Sơn trong giáo trình song ngữ dành cho sinh viên Cao đẳng.

 

2.2.2.4. Giai đoạn tiếp nhận thứ 2 này phản ánh sự bắc cầu từ ảnh hưởng của văn học Pháp, ngôn ngữ Pháp sang ngôn ngữ Anh và văn học Mỹ. Nếu bản dịch năm 1949, 1953 còn dịch từ tiếng Pháp thì đến bản dịch năm 1957 của Hoàng Lan tuy vẫn phiên âm tên nhân vật theo kiểu Hán Việt như hình thức bản dịch năm 1953, nhưng đã thấy chú thích tên nguyên tác The cask of Amontillado dưới tên tiếng Việt là Một vụ báo thù ghê gớm. Hiện tượng các bản in song ngữ cho thấy tiếng Anh đã phổ biến khá rộng rãi, nhiều người có thể đối chiếu so sánh giữa bản dịch và nguyên tác. Bản dịch của Lưu Bằng có chú thích từ vựng ở những từ khó sang tiếng Việt ngay dưới mỗi trang. Tuy nhiên, nhiều đoạn nguyên tác tiếng Anh đã bị lược bỏ, một số từ ngữ được thay thế cho rõ nghĩa, do đó các truyện của Poe trở nên đơn giản hơn nhiều so với cách diễn đạt cầu kì của Poe trong nguyên tác. Việc tiếp nhận Edgar Poe chủ yếu tập trung ở đội ngũ trí thức, giáo viên, sinh viên và ở các đô thị miền Nam với mục đích thực tế là luyện cách viết văn và trau dồi tiếng Anh chứ không thuần tính chất văn chương như giai đoạn đầu tiên Poe đến với văn học Việt Nam.

Căn cứ vào bức tranh dịch thuật giai đoạn này cũng có thể thấy việc tiếp nhận Poe ở miền Nam có một sự đứt quãng: suốt hai mươi năm 1967-1987 không có một tác phẩm nào của Poe được dịch hay tái bản. Lý giải hiện tượng này, nhìn toàn cảnh bức tranh dịch thuật ở miền Nam thì có vẻ người Sài Gòn đang có nhiều mối quan tâm khác trong một bối cảnh xã hội cũng đã hoàn toàn khác. Đây là những năm Mỹ bắt đầu cuộc leo thang chiến tranh ở hai miền Nam Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân cả nước đang ở những năm tháng khốc liệt nhất. Phong trào đấu tranh văn hóa tư tưởng ở các đô thị miền Nam ngày càng trở nên sôi động với sự ra đời của Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc năm 1967. Chính sách xâm lăng văn hóa bằng cách du nhập ồ ạt văn học thế giới của Mỹ khiến cho thị trường văn học dịch hết sức xô bồ. Nhịp độ phát triển của sách dịch ngày càng mạnh chiếm tỉ lệ 60-80%, đến độ “ khuynh loát thị trường chữ nghĩa vùng đô thị” (Trần Hữu Tá, 2000, 20).

Tuy nhiên, vẫn có thể điểm một số tác phẩm có giá trị như của Lỗ Tấn, Léon Tolstoi, Dostoievski, Shakespeare, của nhà văn Mỹ chuyên viết về chủ đề Trung Quốc, đoạt giải Nobel năm 1938: Pearl Buck. Hoặc tiểu thuyết về chiến tranh của Hemingway cũng chiếm được công chúng rộng rãi bởi tinh thần phản chiến và ngợi ca giá trị con người trong tác phẩm của nhà văn có kĩ thuật sáng tác mới mẻ này. Thuyết hiện sinh, phi lý cũng tràn ngập trong các tiểu thuyết của các nhà văn Pháp như Albert Camus, J. Paul Sartre, hay kịch của Kafka, Ionesco. Rồi bản thể luận, siêu hình học của Heiderger, chủ nghĩa hư vô của Nietzche, phân tâm học của Freud…trở thành những vấn đề mới lạ, thu hút người đọc tìm đến. Những giấc mơ của Poe, những câu chuyện phiêu lưu viễn tưởng, nhà thám tử hào hoa Dupin… không còn là lựa chọn hàng đầu. Người đọc giai đoạn này có quá nhiều nỗi kinh ngạc bàng hoàng để bận tâm hơn. Cái chết phi lý ngay trước mắt khiến cho người ta không còn thì giờ để suy ngẫm, phân tích nỗi khiếp sợ về nó nữa. Người ta đang chạy trốn cái thế giới “Dịch hạch”* trong “Buồn nôn”*, người ta đang trở thành “Người xa lạ”*[1] với chính bản thân mình. “Con người phi lý không hy vọng, không ngày mai, không Thượng Đế” và cảm thấy “tự do bát ngát” vì hắn không cần hy vọng, ngày mai hay Thượng Đế.” (Thạch Chương, 1960, 78). Gạn đục khơi trong, Huỳnh Như Phương nhận định rằng “Chủ nghĩa hiện sinh là triết học của một thời đại không lặp lại. Việc tiếp nhận, vận dụng, truyền bá nó cũng là một “cơ duyên” của lịch sử. Nó đã đến trong cái bối cảnh bi đát của xã hội những năm 54-75, khi con người khao khát tự do và quyền sống, mong muốn suy tư về chính tự do và thân phận làm người” (Huỳnh Như Phương, 2008, 181). Đây cũng là một lựa chọn. Sự lựa chọn này có thể tự phát lẫn tự giác, nhưng đã thể hiện “tinh thần độc lập và tự trọng của người trí thức” trong một hoàn cảnh lịch sử nghiệt ngã của dân tộc.

 

Chứng kiến những thác loạn, hỗn mang, đau thương nhất của thế kỉ, nên những bi kịch đất nước chia cắt, chiến tranh thảm khốc, bom đạn tàn phá, thân phận và tình yêu con người trước cái vô nghĩa của cuộc sống… đã trở thành những đề tài dữ dội chi phối tư duy và mọi sinh hoạt văn học nghệ thuật ở các đô thị miền Nam.

 

2.2.3. Sự vắng bóng ở miền Bắc

2.2.3.1. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chủ nghĩa xã hội đã được bắt tay xây dựng ngay những năm đầu khó khăn của đất nước. Cuộc sống mới, thể chế mới đã bắt mạch với một sức sống mới là văn học Nga-Xô viết mà đại biểu của nó là dòng văn học hiện thực với phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa của Maxim Gorki, Tchekhov…Léon Tolstoi, Dostoievski tuy có dè dặt hơn nhưng vẫn được yêu thích. Việc dịch thuật các tác phẩm tinh hoa văn học thế giới có được chú trọng, có nhiều bản thảo hay nhưng các nhà xuất bản vấp phải vấn đề tiên quyết: “Làm sao cho những tác phẩm dịch ấy có thể đáp ứng với những yêu cầu về chính trị tư tưởng của nước ta, trong cuộc chiến đấu quyết liệt chống Mỹ cứu nước này? ” (Như Phong, 1994, 335).  Vì vậy, đối với văn học Mỹ, giai đoạn này, có lẽ do nhu cầu phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ nên ưu tiên cho những tác phẩm tiến bộ, có tính đấu tranh giai cấp. Tuy còn “lẻ tẻ và tự phát (…) chưa đi sâu vào những vấn đề thi pháp hoặc nghệ thuật.” (Mai Hương, Nguyễn Thị Huế, 208) nhưng văn học hiện thực tiến bộ Mỹ vẫn hiện diện trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt cả ở hai miền Nam – Bắc.

 

2.2.3.2. Hiện tượng Edgar Poe hoàn toàn vắng bóng trên văn đàn miền Bắc trong suốt những thập kỉ 50, 60,70, và hơn nửa thập kỉ 80 cũng là một thực tế cho thấy việc tiếp nhận văn học không chỉ dừng lại ở bản thân tác phẩm văn học hay hay dở hoặc những yêu thích cá nhân đồng thanh đồng khí nữa mà còn được đặt trong môi trường lịch sử, kinh tế, chính trị của toàn xã hội, trước vận mệnh sống còn của cả đất nước, dân tộc. Nghĩa là tuy không dịch Poe, không viết về Poe nữa nhưng không có nghĩa là những người từng tiếp nhận Poe ở giai đoạn trước như Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Giang, Vũ Ngọc Phan… đã hết yêu Poe.

 

Điều này, xét về mặt lý luận, chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của tác giả Huỳnh Vân: “tầm đón đợi văn học không nên và không thể chỉ giới hạn trong văn học mà không xem xét đến các lĩnh vực khác ngoài văn học như “tư tưởng, chính trị, xã hội, tâm lý, đạo đức…” Bởi hai lẽ: “người ta đọc, hiểu và đánh giá một tác phẩm không chỉ với vốn kiến thức có sẵn về văn học và người đọc không thể nào là một công chúng chung chung, một người đọc lý tưởng, một người đọc thoát ra khỏi những quy định về mặt xã hội, tầng lớp, thành phần, giới tính, lứa tuổi...”. (H.Vân, 2009, 68). Những sự kiện lớn lao của đất nước trong những năm tháng của giai đoạn thứ hai này, từ chiến tranh đến hòa bình, từ bị xâm lược đến giải phóng, nô lệ đến độc lập, chia cắt đến thống nhất, từ nước mắt đến nụ cười…và cả những ngộ nhận, đối đầu về tư tưởng chính trị, thể chế…đã tác động mãnh liệt đến đời sống dân tộc, phản ánh khá rõ nét trong bức tranh dịch thuật văn học thế giới, văn học Mỹ nói chung và Edgar Poe nói riêng.

2.3.             Giai đoạn thứ 3 (từ 1987 đến nay): con đường trực tiếp - chủ động trên phạm vi cả nước.

Đây là giai đoạn mang tính chất bản lề đánh dấu hai mốc trở lại của Edgar Poe ở Việt Nam. Mười lăm năm dò dẫm tìm lại độc giả cuối thế kỉ XX (1987-2001) và “bùng nổ” của bảy năm đầu thế kỉ XXI (2002-2009).

 

Bảng 2: Thống kê số lượng các tác phẩm đã dịch trong ba giai đoạn

 

GIAI ĐOẠN

Thơ

Truyện

 

Số lần xuất bản

Tiểu luận phê bình

Dịch lần đầu

Trước 1945

2

2

3

0

4

Từ 1945-1986

2

30

6

1

15 (1 thơ)

Từ 1987 nay

87-01

2

48

16

0

4

02-09

2

88

11

1

26

Cộng

4

136

27

2

30 (2 thơ)

Tổng cộng

8 lượt

 

168 lượt

36 lần

2

49 (5 thơ)

(Nguồn: HKO, tổng hợp từ các tập truyện thơ đã dịch và xuất bản của Edgar Poe (1936-2009)

 

2.3.1.                Con số 4 bài thơ, 1 tiểu luận và 136 lượt dịch, 27 lần xuất bản chỉ trong 22 năm,  trong đó có 30 truyện dịch lần đầu tiên của giai đoạn thứ ba này so với con số ít ỏi của các giai đoạn trước có một ý nghĩa không đơn giản trong quá trình tiếp nhận Edgar Poe ở Việt Nam. Năm 1986, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế đã mở ra một con đường mới cho tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, chính trị, xã hội và đi theo những thay đổi ấy là kiến trúc thượng tầng của nó: văn hóa, văn học. Năm 1987, Con cánh cam vàng do N.H Việt Tiến dịch, kèm theo tranh minh họa của Huy Toàn đã mở đầu “sự trở lại của Edgar Poe’ đầy ngoạn mục những năm đầu thế kỉ XXI. Việc một nhà xuất bản chuyên in sách cho thiếu niên nhi đồng như nhà xuất bản Kim Đồng giới thiệu Edgar Poe cũng là một hiện tượng thú vị. Đối tượng tiếp nhận Edgar Poe lần đầu tiên là các em thiếu niên cho thấy quan điểm đánh giá Edgar Poe có sự thay đổi. Xu hướng “gạn đục khơi trong” của lý luận văn học khi đánh giá các tác phẩm trong quá khứ được đông đảo nhà nghiên cứu, nhà văn, dịch giả hưởng ứng.

 

Sự chọn lọc này đã giúp Poe được chú ý trở lại bằng hai tập truyện năm 1988, 1989 của nhà thơ Đào Xuân Quý và dịch giả Hoàng Văn Quang do Hội văn học nghệ thuật Phú Khánh Thuận Hải, Quảng Nam-Đà Nẵng xuất bản. Một sự kiện đặc biệt đánh dấu vị trí của Edgar Poe trong lòng người đọc Việt Nam là Tuyển tập Edgar Allan Poe dày 716 trang do Ngô Tự Lập và nhóm Địa cầu văn hóa tuyển dịch gồm 40 truyện ngắn của Poe xuất hiện năm 2002. Chúng tôi coi đây là một bước nhảy vọt trong quá trình tiếp nhận Edgar Poe. Có lẽ, trong lịch sử dịch thuật của văn học Mỹ ở Việt Nam, ngoài Pearl Buck, Hemingway, chưa có tác giả nào có vinh dự được giới thiệu thành một tuyển tập hoành tráng như vậy với một đội ngũ dịch giả hùng hậu 15 người, trong đó có những nhà văn, nhà giáo có trình độ chuyên môn sâu và ngoại ngữ uyên bác. Hai mươi bốn truyện dịch lần đầu tiên của Poe trong tổng số bốn mươi truyện đã mở ra một thế giới huyễn tưởng kì lạ đến kinh ngạc, một thế giới quái dị, khủng khiếp nhưng đa dạng bí hiểm, dắt người đọc đến tận cùng nỗi khiếp sợ và tận cùng chiều sâu tâm linh của con người. Tuy nhiên, cũng chính qua tập truyện này, chúng ta thấy quả hiểu được những truyện của Poe là điều không đơn giản. Bản thân một số truyện của Poe mang tính huyễn tưởng, khó hiểu, đầy triết lý sâu xa, mang nhiều ý nghĩa hàm ẩn không phải là loại truyện đọc một mạch để giải trí như lý thuyết truyện ngắn của chính Edgar Poe đề ra. Một số bản dịch còn mang tính hàn lâm khiến truyện đã khó hiểu lại càng khó đọc.

 

2.3.2. Từ dấu mốc 2002 đến nay, theo số liệu thống kê tác phẩm đã dịch, qua các tên truyện, có lẽ chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những truyện “ăn khách” của Poe vẫn không ngừng được xuất bản. Đứng đầu các truyện được dịch và liên tục tái bản của Poe qua gần một thế kỉ vẫn là Con cánh cam vàng, Con mèo đen, Cái thùng Amontillado, Trái tim thú tội…Tiếc là mảng thơ và nhất là lý luận phê bình rất có giá trị của Edgar Poe vẫn còn quá ít, chưa được quan tâm dịch và giới thiệu, nghiên cứu. Điều này tạo nên một sự mất cân đối trong việc dịch thuật Edgar Poe ở Việt Nam. Suy cho cùng, đó cũng là quy luật của sự tiếp nhận những yếu tố ngoại lai của văn học Việt Nam. Người Việt vốn có óc thực tế, giản dị, không thích những gì quá siêu hình trừu tượng, cầu kì phức tạp. Những gì quá xa lạ với đời sống văn hóa truyền thống và thẩm mỹ đạo đức của dân tộc tự nó không thể dung hòa được với các yếu tố nội sinh của dân tộc để bén rễ vào tâm hồn người đọc.

 

Đến nay, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã in tác phẩm của Poe. Việc tiếp nhận Poe đã mở rộng phạm vi cả nước, không còn gói hẹp trong hai đô thị Hà Nội, Sài Gòn như trước nữa. Nhiều nhà văn bắt đầu khai thác yếu tố kì ảo- cái fantastic trong truyện ngắn của Poe. Truyện ngắn đương đại Việt Nam đang đi vào một cơn sốt thể loại truyện kì ảo hoặc có yếu tố kì ảo. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2001, đã có gần 70 nhà văn và khoảng 150 truyện kì ảo ra đời. Hiện tượng này khiến độc giả nhớ tới Edgar Poe. Còn các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình thì đặc biệt nghiên cứu những ảnh hưởng của tác giả này trên nhiều mặt một cách hệ thống đầy đủ hơn để bổ sung cho những khiếm khuyết trong nghiên cứu về văn học Mỹ. Và thú vị hơn nữa, ở một loại hình khó tiếp cận như thơ, cũng có thể tìm được những bản dịch rải rác trên nhiều trang web văn học. Tập trung nhiều nhất là ở thivien.net với mười hai bài thơ trong đó có chín bài lần đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Việt. Dù chỉ mới được đưa lên mạng từ tháng 4-4-2008, Poe đã có 482 lượt độc giả và nằm trong top 10 nhà thơ Mỹ được đọc nhiều nhất trên trang web này. Điều đó chứng tỏ nhà thơ của chúng ta không còn cô độc nữa.

 

3. Kết luận

 

3.1. Nhìn lại hành trình 2/3 thế kỉ dịch thuật tác phẩm, ba giai đoạn tiếp nhận Edgar Poe có ba đặc điểm khác nhau, xuất phát từ thực tế của lịch sử xã hội và những nhu cầu nội tại của văn học Việt Nam, có thể thấy đầu thế kỉ XXI đang báo hiệu sự trở lại của Edgar Poe. Cho đến nay, cái tên Edgar Allan Poe trên sách báo và những trang web tiếng Việt không còn là điều hiếm hoi nữa. Điều mà mới 5 năm trước đây hầu như không thể nào làm được. Những thông tin, tài liệu về Poe chỉ có bằng tiếng Anh tại các website của các trường Đại học Mỹ Baltimore, Virginia… và Poe Studied Association. Hiện nay, ở Việt Nam, giới nghiên cứu văn học vẫn tiếp tục đi tìm cách giải mã “câu đố Edgar Poe”. Truyện ngắn của Poe vẫn tiếp tục xuất hiện trong nhiều tuyển tập. Thơ Edgar Poe được giới thiệu nhiều hơn dù vẫn còn rải rác (trên các website văn học, các trang web cá nhân). Tình yêu và niềm đồng cảm đối với Edgar Poe hình như cũng theo tỉ lệ thuận của những trang tiếng Việt viết về ông đang ngày càng nhiều hơn trong đời sống văn học Việt Nam. Điều gì khiến người ta trở lại yêu thích Edgar Poe? Có lẽ trước tiên là do chính bản thân sức hấp dẫn kì diệu của những câu chuyện chết chóc nhưng đầy tính nhân văn mà không ai có thể không suy ngẫm mỗi khi đọc Edgar Poe. Và nỗi sợ hãi trong các truyện kinh dị của Poe đã giúp con người đối diện với chính mình, thôi thúc họ khám phá và vượt lên chính nỗi sợ hãi của bản thân mình.

 

3.2. Nỗi ám ảnh Edgar Poe đang dần biến thành một nhu cầu thôi thúc đến với thiên tài độc đáo này. Mảng trắng cần quan tâm hiện nay chính là ở phần thơ và lý luận sáng tác của ông. Bởi không thể nào không nhận thấy dấu vết của Poe đối với thơ văn Việt Nam trước đây và hiện nay cũng như tương lai sắp tới của văn học Việt Nam. Theo công ước Brene về luật sở hữu trí tuệ, bản quyền của tác giả còn có hiệu lực sau khi mất năm mươi năm. Edgar Poe đã ra đi đúng 160 năm, do đó, văn chương của ông đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại. Nói như Phạm Quỳnh “Văn chương có giá trị, văn chương thật bất hủ là kể từ cái hạn năm mươi năm này mới có thể định luận được. Nhà văn nào qua được cái “hạn’ này mà hậu thế còn đọc đến sách vở mới có thể mong liệt vào hạng bất tử được.” (Phạm Quỳnh, 1917, 381). Văn chương của Poe đã và đang tồn tại gấp ba lần cái hạn năm mươi năm đó. Jorges Louis Borges – nhà văn người Argentina - từng khâm phục: “Edgar Poe để lại nhiều cái bóng khác nhau. Chúng ta thừa hưởng biết bao nhiêu kho báu từ con người kì lạ ấy. Có hai người mà thiếu họ văn học hiện đại không như nó tồn tại. Hai người đó đều là người Mỹ và cùng sống vào thế kỉ trước: Walt Whitman (...) và Edgar Poe” (Ngô Tự Lập, 692, 693). /.

                                                

                                               

Tháng 8 năm 2009

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Phạm Đình Ân tuyển chọn. 2006. Thế Lữ, Về tác gia và tác phẩm. H: Nxb Giáo dục.

2.      Thạch Chương. 1960. Albert Camus. S: Tạp chí Sáng tạo, bộ mới, số 3, ra ngày 1-9-1960.

3.       Nguyễn Giang .1936. Danh văn Âu Mỹ. H: Imprimerie D’Extrême-Orient.

4.       Ngô Tự Lập (tuyển chọn) .2002. Tuyển tập Truyện ngắn Edgar Poe. H: Nxb.Văn học.

5.       Nguyễn Hiến Lê. 1957. Luyện văn II. S: Nxb Nguyễn Hiến Lê.

6.       Hữu Ngọc. 2000. Hồ sơ văn hoá Mỹ. H: Nxb. Thế giới.

7.       Nhiều tác giả. 1997. Văn học Mỹ, quá khứ và hiện tại. H: Trung tâm KHXH& NVQG, Viện TTKHXH.

8.       Vũ Ngọc Phan.2008. Vũ Ngọc Phan tuyển tập. Tập IV. Bút ký, hồi ký và   những trang viết khác. H: Nxb Văn học.

9.       Phạm Quỳnh (2003), Luận giải văn học và Triết học, H: Nxb. Văn hóa thông tin.

10.   Trần Hữu Tá. 2000. Nhìn lại một chặng đường văn học. HCM: Nxb Thành phố.

11.   Hoài Thanh- Hoài Chân .1997. Thi nhân Việt Nam. H: Nxb. Văn học .

12.   Thúy Toàn.1996. Dch văn hc v Văn hc dch. H: Nxb. Văn hc.

13.   Huỳnh Vân. 2009. Vấn đề Tầm đón đợi và xác định tính nghệ thuật trong mỹ học tiếp nhận của Hans Robert Jauss. Hà Nội: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3 (445), trang 55- 71

14.   Wada, Gunilla Lindberg .2006. Literary History: Towards a Global Perspective, Publisher: Walter de Gruyter, trang 172-173

15.   Các tập truyện dịch của Edgar Poe

 

 

TÓM TẮT

 

Edgar Poe (1809-1849) là tác giả người Mỹ đầu tiên đến với văn chương Việt Nam từ những năm đầu thế kỉ XX. Qua bức tranh dịch thuật, có thể thấy con đường Edgar Poe đến với văn học Việt Nam diễn ra qua ba giai đoạn với những đặc điểm khác nhau. Suốt gần một thế kỉ nay, tác phẩm của Edgar Poe vẫn không ngừng hiện diện trong bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam. “Nỗi ám ảnh Edgar Poe” đang dần biến thành một nhu cầu thôi thúc đến với thiên tài độc đáo này. Hai trăm năm đã trôi qua, Edgar Poe không còn chỉ là tài sản riêng của văn học Mỹ nữa mà đã trở thành báu vật chung của nhân lọai. Trong đó có Việt Nam.

 

SUMMARY

 

Edgar Allan Poe(1809-1849) was the frist American writer who entered Vietnamese Literary since the early twentieth century. Through the translation of Poe‘s works, his way to Vietnamese Literature can be divided into three phases with three different characteristics. During nearly a century until now, his compositions have always been present in Vietnamese Literary panorama picture. “Edgar Poe obsession” is now so huge that it is becoming a need for every reader to learn about him. Two hundred years have passed, Edgar Poe is not only a possession of American Literature but also “a precious thing” of mankind, including Vietnam.

 



[1]* Tên các tác phẩm của A. Camus và J. Sartre.

Hoàng Kim Oanh
Số lần đọc: 7472
Ngày đăng: 04.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải- Phần 5. - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải- Phần 6. - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải -Phần 3 - Sam Harris
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải -Phần 4. - Sam Harris
Dưới bóng trưởng lão : Gabriel García Márquez và những ma quỷ của thời đại ông - Enrique Krauze
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải : Phần 2 - Sam Harris
Cao Bá Quát: Một đời lận đận vì... hoa - Văn Thành Lê
Cái tình trong ca dao Việt Nam - Võ Công Liêm
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải - Lê Quốc Tuấn
Tận cùng của Ðức tin: Tôn giáo, Nạn khủng bố và Tương lai của Lẽ phải-Phần 1 - Sam Harris
Cùng một tác giả