Khác với phong cách hàn lâm của mỹ học cổ điển, tác giả tập thơ "Hôm sau" xem thơ như một thứ phương tiện thông tấn chuyển tải thông điệp đời thường bằng chính ngôn ngữ đời thường. Đây là thứ ngôn ngữ sống động, cập nhật, giàu sắc thái biểu cảm, dễ tiếp nhận, bao hàm cả chức năng thư giãn nhằm giải tỏa những căng thẳng trong thời đại được coi là Hậu - hiện - đại.
Viết theo lối Tân - cổ - điển kết hợp với Hậu - hiện - đại không dễ, nếu non tay, thơ rất dễ thành loại vè chợ búa nhảm nhí. Vấn đề cốt tử là phải tìm ra ý tưởng, tiếp theo mới đến thao tác triển khai chi tiết. Ở lĩnh vực này, Mai Văn Phấn được xem như vị tông đồ mang sứ mệnh "vác thánh giá". Đọc "Hôm sau", ta có thể thấy, phần lớn các bài đều đặc sắc và gây ấn tượng mạnh bởi những phát hiện bất ngờ hiện diện ngay trong từng chuyển động đến tế vi đời sống, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Điều thú vị là, mỗi câu chuyện đời thường như thế đều hàm chứa yếu tố triết lý, nhưng đó là kiểu triết lý hồn nhiên trong mối tương quan liên đới chứ không phải là áp đặt máy móc. Tuy nhiên, Mai Văn Phấn không dừng lại ở việc đưa ngôn ngữ đời sống bình dân vào thơ. Đọc "Hôm sau", người ta dễ dàng nhận ra, sáng tác của anh là sự kết hợp uyển chuyển của ít nhất ba phong cách, trong đó, tân cổ điển luôn xuất hiện với tần số cao. Tân cổ điển, hậu hiện đại, thậm chí cả siêu thực không loại trừ nhau mà luôn bổ sung cho nhau, hòa quyện vào nhau, chuyển hóa thành phẩm chất mới cả định tính lẫn định lượng.
Nếu "Hôm sau" chỉ dừng ở những thi pháp hiện đại thì tập thơ đã đóng góp đáng kể vào việc khẳng định tính cách tân của Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, một khi "thi pháp đời thường" được gắn với cảm quan siêu thực, tính truyện và ngôn từ vượt ra khỏi quy ước cứng nhắc mà được đặt trong không gian bốn chiều, hiển nhiên sẽ làm bùng nổ hiệu ứng. Không gian siêu thực chính là bài toán giải tỏa sự bế tắc, phẳng lỳ, nhàm chán của diễn biến tâm lý con người ở vào thời điểm lịch sử rất khó định danh vì bị chi phối bởi tinh thần thời đại cưỡng bức quy luật. Siêu thực còn là giải pháp đưa con người vào trạng thái huyễn tưởng, tìm về vô thức, kích hoạt những vùng tối đang ngủ yên, thức tỉnh để chúng tham gia tối đa vào quá trình tư duy sáng tạo. Có thể xem những bài "Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ", "Không thể tin", "Quay theo mái nhà", "Anh tôi", "Ở những đỉnh cột", "Đến trong ý nghĩ"... thuộc loại này. Mỗi bài thơ đều là một câu chuyện trong không gian siêu thực, thời gian hai chiều, khai triển bởi những chi tiết đặc sắc như giai đoạn cao trào của vở kịch câm, sau đó quy chiếu thành một triết lý nào đó. Có điều những triết lý này không cao siêu, trừu tượng mà khá bình dân, rất phổ biến trong sinh hoạt đời thường nhưng sẽ là nghịch lý nếu đặt nó trong không gian ba chiều:
Pha xong ấm trà
Quay ra
Ông khách không còn ở đó
Gọi điện thoại
Người nhà bảo ông ấy mất đã bảy năm
Nhầm lẫn
...
Trong nhà
Trà vẫn nóng
Đẩy chén nước về phía ông khách đã ngồi.
Luồng tử khí cao chừng một mét sáu dựng đứng trước mặt
Chốc lại cúi gập.
(Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ)
Nhưng hình như
mọi con vật trong nhà
vẫn chế tác từ đồ phế thải:
con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?
con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?
(Không thể tin)
Đấy là giờ mặc niệm tơ tằm và những cây bông. Bóng tối nuốt sạch thực phẩm ôi thiu, không khái niệm về văn hóa ẩm thực. Hương trà thơm về rừng. Nước gào thét trong chiếc ấm bục đáy.
(Quay theo mái nhà)
Lúc gần đất xa trời, anh nhờ tôi giữ hộ ký ức.
(Anh tôi)
"Kìa đám mây hình người vừa lọt vào bầu trời xanh lơ. Biết đâu tên trộm cũng vào nhà bằng tư thế ấy. Giờ hẵn đã cải trang thành người tử tế, còn đám mây kia vẫn nhởn nhơ bay..."
(Nghe tin bạn bị mất trộm)
"Lật đống chăn nơi ông nằm
thấy mẩu giấy với nét chữ nghuệch ngoạc:
"Ai tìm thấy tôi ở đâu, gọi về số...
Xin cảm ơn và hậu tạ".
(Đúng vậy)
Nhưng sao họ tồn tại biệt lập?
Chắc lưỡi của họ đang treo trên những đỉnh cột khác.
(Ở những đỉnh cột)
Vạn Lý Trường Thành còn xây dở?
Trên không tiếng hoạn quan truyền chỉ
Bắt được kẻ nào vừa vác đá vừa làm thơ
đánh hộc máu mồm
Khâm thử!
(Ghi ở Vạn Lý Trường Thành)
"Hôm sau" là tập thơ mang màu sắc triết lý đến độ đậm đặc. Đó là thứ triết lý được xác lập trên cơ sở những dữ kiện đời sống tồn tại như một nghịch lý. Tư duy mỹ học ở đây phải được đặt trong vùng không gian ảo. Sự liên kết những hiện tượng đơn lẻ sau khi đã sàng lọc của đời sống vốn lắm hệ lụy qua công đoạn tích hợp đã chuyển hóa thành phẩm chất mới. Thùng rác là môi trường bẩn thỉu nhất, chỉ thích hợp với chuột, gián và ruồi muỗi, người ta lại in đậm dòng chữ "Ở đây không ô nhiễm, xin bạn yên tâm", chính là một nghịch lý. Từ hiện tượng nghịch lý trên, đến triết lý về sự nghịch lý, người đọc không khỏi ngạc nhiên về cái nhìn sắc sảo cùng những kiến giải hết sức mới mẻ trong quá trình nhận thức những hiện tượng xã hội đương đại.
Một đặc điểm không thể không ghi nhận ở Mai Văn Phấn là khả năng mổ xẻ tâm lý phơi bày những ý tưởng cũng như hành vi con người. Khác với thơ truyền thống, bị những quy ước nghiêm ngặt thuộc phạm trù mỹ học cổ điển chi phối, với thơ tân cổ điển, tác giả có thể viết về đủ mọi lĩnh vực đến từng ngóc ngách của đời sống, kể cả những hành vi nhếch nhác vốn được giấu kín trong bộ nhớ. Cũng như các nhà thơ viết theo khuynh hướng Hậu - hiện - đại, chủ trương đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ để thơ hòa nhập với cộng đồng, không có vùng được coi là cấm kỵ, Mai Văn Phấn luôn tìm cách diễn đạt tác phẩm làm sao mới mẻ nhất, tinh tế nhất, vì thế cũng ấn tượng nhất. Điển hình là thói đạo đức giả. Minh chứng thuyết phục cho trường hợp này là "Bài học", "Dậy trẻ con", "Hắn", "Đến trong ý nghĩ", "Chuyện còn dài"... "Bài học" được khai triển như là một ca giải phẫu, phanh phui lục phủ ngũ tạng loại quan chức "xanh vỏ đỏ lòng" với tất cả những thói tham lam, bần tiện nhưng lại núp dưới chiếc mặt nạ "đạo mạo":
Cánh và khuỷu tay vẫn cứng
Từ cổ tay xuống đến ngón phải mềm
Đạo mạo múa tay trong bị
Hãy xem cách ứng xử trong sinh hoạt thường nhật cũng như "nghệ thuật" giao tiếp của ông ta với những người xung quanh:
Đạo mạo phát biểu chung chung
Đạo mạo nghiêng mình trống rỗng
Đạo mạo lấy trộm áo mưa
Đạo mạo thở mùi hôi vào miệng người khác
Đạo mạo bọc nhầm một chiếc răng sâu
Đạo mạo tiểu tiện nơi công cộng
Đạo mạo xụt xịt trong khăn mùi xoa
Đạo mạo chỉnh lại con c... trong túi quần nơi hội họp
...
Đạo mạo nhìn ngực chị em trong đám tang
Đạo mạo ký tên vào công trình khoa học
Đạo mạo làm thơ tình khi đã liệt dương
Đạo mạo thả virus vào e-mail người khác
Đạo mạo đánh tráo bài thi
Đạo mạo tiêu tiền âm phủ
...
Hàng loạt dữ liệu về kẻ nói một đàng làm một nẻo xuất hiện như phép thống kê số học. Tác giả không cần phân tích, diễn giải, tự nó đã bao hàm kết luận về hệ quả của các hành vi trên . Đạo mạo vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân mang tính phổ quát khi những giá trị văn hóa bị tha hóa, lòng tin mù quáng bị lợi dụng biến thành thứ tôn giáo "nhất thần luận". Các bài "Hội chứng từ một tin đồn", "Cái miệng bất tử",, "Chuyện còn dài" cũng có cách lập tứ tương tự. "Hội chứng một tin đồn" được nhắc lại nhiều lần mệnh đề mở đầu bằng các cụm từ "Tôi không..."; "Hãy..."; "Xin anh (chị) đừng..."; "Nhớ không...". "Bài học" dạy toàn cách ứng xử sơ đẳng ở trình độ vỡ lòng, nhưng thực chất không phải để giáo huấn trẻ mẫu giáo mà đối tượng của nó chính là những kẻ đại loại như "Đạo mạo".
"Hôm sau" là tập thơ có phong cách diễn đạt khá đa dạng bằng ngôn ngữ thông tục nhưng giầu hình ảnh, đặc biệt hết sức biểu cảm. Tính biểu cảm không phải ở sự bóng bảy ngôn từ mà chủ yếu ở sự kết hợp lâm thời lớp từ vựng trung tính, trên cơ sở ngữ cảnh cụ thể, tu sức để chúng trở thành đa nghĩa, đa thanh. Mai Văn Phấn rất có sở trường tạo ra những "mê cung" dẫn dụ người đọc vào trường liên tưởng như một thứ ma trận. Ở trung tâm "bát trận đồ", tác giả lặng lẽ điều khiển "âm binh", phát các tín hiệu khởi động hệ thống, kéo độc giả vào trò chơi chữ nghĩa, tạo ra hiệu ứng dây chuyền chẳng khác gì những con bài domino. Với cách viết khá mạo hiểm này, "Biến tấu con quạ" được xem như một thử nghiệm thành công. Nhìn một cách khái quát, "Biến tấu con quạ", phong các siêu thực nổi rõ hơn so với tân cổ điển. Không thể "kể lại" được "Biến tấu con quạ" nhưng lại có thể rút ra những triết lý mới mẻ sau mỗi lần đọc. "Biến tấu con quạ" gồm 14 mục và 2 câu thơ dẫn. Tác giả lấy quạ, một loại động vật hoang dã, chuyên ăn xác thối làm đối tượng phân tích, dự báo. Quạ - sinh vật, là thực thể khách quan, có thể nhìn thấy cùng với những thuộc tính di truyền, nhưng quạ - linh vật, lại thuộc về không gian siêu thực đến từ miền vô thức như là một ngẫu tượng. Con quạ "biến tấu" nên nó vừa là biểu tượng của sức mạnh hủy diệt vừa là khởi nguồn của một trật tự mới. Sau tiếng quạ kêu, không ít hành vi khuất tất được phơi bày. Những gã phù thủy chơi trò lưu manh, lừa bịp bị hình phạt móc sắt vào miệng. Trật tự xã hội quy ước bị đảo lộn:
Thày lang đốt sách cuối vườn
Tân dược trong kho đều quá hạn sử dụng
Những phù thủy chịu hình phạt
Miệng bị đóng bởi những móc sắt
...
Con cá nhảy vào đám mây tự vẫn
Buông ngang trời ngàn vạn lưỡi câu
"Biến tấu..." còn mở đầu những tai họa khủng khiếp sau "khai sinh" khi mà máu xuất hiện cùng với tội ác dự cảm cho một xã hội đổ vỡ, văn hóa suy đồi, nhân cách băng hoại:
Mực đổ dưới chân và máu
vón cục ở yết hầu, phế quản
Viết một nét lên trang đầu
Thấm suốt cả ngàn trang sách.
Không còn nghi ngờ gì nữa, sự thật, quạ chỉ là một danh xưng, nhân danh con người (hay thượng đế) trừng phạt con người bằng cách hành hạ xác chết theo kiểu trung cổ:
Móc từ hốc mắt
những nhãn quan
Di ảnh là vật chứng
Mổ vào lưỡi
và kéo dài
Những động tác "móc", "mổ", "bóc từng mảng thịt", "tháo rời tứ chi", "sổ tung lục phủ ngũ tạng"... là ẩn dụ của quá trình tìm nguyên nhân bệnh lý của cơ thể xã hội. Mỗi một động tác của quạ đều mang tính biểu tượng tương thích với trạng thái tâm lý giả tưởng. Hãy gác lại những định kiến không mấy tốt đẹp về loài dã điểu này, con người cần làm phép so sánh rồi tự "biến tấu" xem loài người cao hơn loài quạ bao nhiêu bậc về sự tiến hóa. Toàn bộ hành vi của quạ thông qua "biến tấu" dường như đều theo một quy trình. Quạ chính là một phiên bản con người khi ta nhìn chính ta dưới nhãn quan siêu thực.
Giải pháp phân đôi, hoá giải bản thể, tìm đến nguyên nhân hình thành dục vọng cùng tính đa dạng của những tạp niệm rồi tích hợp thành hệ thống triết lý được Mai Văn Phấn sử dụng như là một hình thức thậm xưng. Nhân vật "hắn", một danh xưng phiếm chỉ thường xuất hiện với tần số cao. "Hắn" ở khắp nơi nhưng luôn ẩn trong bóng tối và có khả năng biến hình tùy theo hoàn cảnh và môi trường. "Bóng tối ăn thịt bóng tối" là mệnh đề xã hội học làm lạnh gáy người đọc. "Hắn" có khi là âm bản của đời sống, là "bãi rác" lịch sử, là tập hợp số đông của những bộ óc hoang tưởng, thậm chí, "Hắn" rất có thể là ông chủ tập đoàn xuyên quốc gia bao thầu những đồ phế thải đồng thời lại là trung tâm chế tác những ý tưởng điên loạn tầm cỡ nhân loại:
Hắn là nơi hoàn thiện:
của gương đã lành/sâu đã nở/trinh đã mất/cáp đã đứt/cống đã thông
là bãi phế thải của giẻ rách/ mảnh thủy tinh/ băng vệ sinh / giày dép lạc mốt...
Cũng có thể "Hắn" là bóng ma của xã hội hậu hiện đại với thứ trật tự... phi trật tự, tư duy logic... phản logic. Núp trong bóng đêm "Hắn" thể hiện thứ sức mạnh bản năng ngu xuẩn khi chơi trò đấm đối phương qua lỗ thủng tấm bìa. Đó là hành vi tự kỷ ám thị hoàn toàn ngẫu hứng nhưng chưa chắc đã mắc chứng tâm thần phân liệt cho dù đã được những ai đó vinh danh là "nhà vô địch".
Những dòng thơ văn xuôi trong "Đến trong ý nghĩ" cho dù gần với phong cách hậu hiện đại, thêm một lần nữa khẳng định tính phổ quát của nhân vật "Hắn". Nhịp sống gấp nhưng mối liên kết lỏng lẻo, luôn có xu hướng ly khai khỏi sự ràng buộc quy ước để tìm tự do cá nhân tuyệt đối trong một môi trường đầy bất trắc cho dù con người chẳng bao giờ dám có ý nghĩ... nổi loạn:
Tôi đi xe hết ga hết số. Răng nghiến chặt. Tay bóp cổ hắn. Kéo hắn lướt trên mặt đất... Đích đến là buổi lấy phiếu tín nhiệm đề bạt, trả lời phỏng vấn, chuẩn bị phong bao một đám hiếu, cuộc gặp gỡ một nhân vật quan trọng...
Bên cạnh mảng đề tài có khuynh hướng thần bí vốn là sản phẩm của chủ nghĩa siêu thực như "Kể lại giấc mơ", "Nếu", "Giả thiết cho buổi sáng hôm sau"... Mai Văn Phấn cũng có khá nhiều bài cập nhật cuộc sống vô cùng phức tạp thuộc dòng tân cổ điển dưới dạng bi hài kịch. "Biết thì sống" đơn giản chỉ là chuyện "mèo mỡ" mà trung tâm rắc rối là ông trưởng thôn sẵn máu gió trăng, chị thu tiền điện lẳng lơ có nốt ruồi bên mắt trái và lão chủ quán thịt chó lắm lời. Một câu chuyện muôn thuở, được diễn đạt bằng thơ không vần, ngôn ngữ dân dã nhưng lại chêm hai câu văn sặc mùi hành chính khiến người đọc bật cười:
"Biên bản lập thành 05 bản
Có giá trị pháp lý như nhau".
Nhưng "Biết thì sống" vẫn chưa đặc sắc bằng "Sống hồn nhiên". Đây là một kiểu bắt chước khá khôi hài của loại người mắc chứng hoang tưởng. Ông ta vẫy tay theo nhịp cỏ lắc lay của gió, bắt đầu óc phải tưởng tượng ra mùa xuân, vợ chồng thay nhau giật sợi dây buộc chỏm tóc vắt qua xà nhà, và, hành vi cuối cùng là pha trà dâng cho cây một khi không "cắn vỡ" được tiếng chim:
Một tiếng chim bủa lưới khắp vườn
líu lo bọc lấy tôi từng lớp kén
muốn thoát ra ngoài phải cắn vỡ tiếng chim
hàm tôi yếu và răng không còn sắc.
Những câu thơ đọc lên, mới nghe như là lời kể của một người già lực bất tòng tâm, mặc cho số phận đưa đẩy, nhưng có vẻ như lại hàm chứa triết lý nhân sinh dưới dạng ẩn dụ sâu thẳm về những quy luật huyền bí đã chi phối thân phận con người từ cả ngàn năm trước.
"Hôm sau" thực chất là bản giao hưởng với những biến tấu đầy ngẫu hứng. /.
Chí Linh, 02 /12 / 2009