Khi đặt tựa đề cho bài viết nhỏ này, tôi đã băn khoăn trước nhiều lựa chọn : “ Hiện tượng ngôn từ …” , “Những độc quyền ngôn từ …”, “Thế giới ngôn từ nghệ thuật …” . rồi thấy tiêng tiếc vì đã không sử dụng được cùng một lúc chừng ấy tên gọi.
Thơ hút người ta bằng sự ám ảnh. Đọc thơ Trương Nam Hương, tôi cứ bị ám ảnh bởi những kết hợp từ thật lạ, hay nói cách khác là những “độc quyền” ngôn từ xuất hiện khá nhiều trong thơ anh. Tiếp nhận thơ ca là thực hiện một chuỗi những “giải mã”. Đích cuối cùng là “giải mã” được thế giới tâm trạng, là tìm được “tiếng lòng”, hay như cách nói thông thường là đọc được những lời nhắn gửi của nhà thơ. Lẽ đương nhiên, muốn đến được với điều đó, người đọc thơ phải “giải mã” được thế giới chữ nghĩa, ngôn từ đôi khi cứ như trêu ngươi, như thách thức, như “gài bẫy” người ta. Quá trình ”giải mã” ở người đọc cũng nhọc nhằn và lắm gian nan, bỡi lẽ mấy khi đã trùng khít với suy nghĩ, ý tưởng của người viết. Thế giới ngôn từ ấy, vẫn luôn luôn là một ẩn số, và cũng chính vì thế mà luôn luôn hấp dẫn người đọc. Không hấp dẫn, thú vị sao được khi trong một khoảnh khắc nào đó của đời sống, một câu thơ, một bài thơ đột nhiên như đi tìm mình, ào đến với mình, rồi lại chơi trò “ú tim” với mình. Người đọc thơ hẳn sẽ nhớ rất lâu những giây phút “òa vỡ” vui mừng, thậm chí hạnh phúc khi ngộ ra đựơc, tìm ra được một điều gì đó. Những lí giải – kết quả tìm đựơc ấy, tất nhiên là rất chủ quan, nhưng vẫn thật là ý nghĩa.
Tôi thích ý Trương Nam Hương viết trong bài “Nghĩ về thơ” rằng người làm thơ như “gã thơ săn” lành nghề nhưng có khi lại vướng vào những chiếc “bẫy chữ” luôn mời gọi họ. Liên hệ với hiện tượng “độc quyền” ngôn từ trong thơ Trương Nam Hương, tôi không hề thấy mâu thuẫn. Người làm thơ, luôn ý thức làm một cuộc săn tìm với cái đầu tỉnh táo, nhưng anh ta cũng chẳng thể khước từ nhu cầu tự thân của thơ ca – nhu cầu được trải lòng, nhu cầu của trái tim. Vì thế, có những lúc, người làm thơ chẳng chú ý lắm đến sự “nhòe mờ” của chữ nghĩa, ngôn từ hay chính sự sự “nhòe mờ” của chữ nghĩa, ngôn từ mới khiến anh ta trải hết được lòng mình lên trang giấy ?
Thơ Trương Nam Hương có nhiều phối ghép từ gây ấn tượng mạnh, gây ám ảnh bởi độ “nhòe mờ” và sự lạ hóa. Ở bài viết nhỏ này, tôi muốn tập trung nói về hệ thống từ láy độc đáo trong thơ anh. Chẳng có nhà thơ nào lại không biết sử dụng từ láy như một thứ công cụ hữu hiệu nhất để góp phần tạo nên nhạc điệu cho thơ. Nhưng tôi nghĩ, trước khi có ý thức làm tăng nhạc điệu cho thơ, các nhà thơ bao giờ cũng muốn diễn tả cho được thứ nhạc điệu của chính lòng mình đang réo rắt, ngân lên … Trương Nam Hương cũng vậy, để tấu lên khúc nhạc lòng mình, đã chẳng ngại dùng những từ láy rất lạ, rất mới khiến người đọc phải ngỡ ngàng. Có lúc tôi chợt nghĩ, Trương Nam Hương đang tạo ra một “cơ chế” láy mới bằng việc tạo ra những từ láy chưa từng có ở đâu. Hình như nhà thơ có sở trường trong việc dùng phép láy phụ âm đầu, đặc biệt là dùng hai yếu tố chữ nghĩa cùng “nhòe mờ” để tạo nên một kết hợp từ cực kì mới mẻ. Tôi ấn tượng với hàng loạt từ láy dạng này : ngung nguây (Sóng nước ngung nguây vỗ mạn thuyền - bài Câu hát ấy), xao xít (ngây dại ngày em xao xít hoa bìm – bài Tạp cảm), thun thăn (Thu thăn váy lá bỏ bùa ai đây – bài Trăng phố), loăn thoăn ( Loăn thoăn đồng đất tối ngày – bài Thời nắng xanh), thẩm thắc (Rồi chòm sao thẩm thắc – bài Đêm rỗng), úng ớ (Làn hương úng ớ như môi trẻ - bài Sen), mấp mớ (Tai chợt ù oa mấp mớ người – bài Chép từ giấc mơ), thủng thót (Mồ hôi thủng thót như sao mọc – bài Chép từ giấc mơ), nhấp nhoai (Nhấp nhoai chính khách lên ngôi, về vườn – bài Những ý nghĩ rời), phơ phay (Nhìn lên tóc bạn phơ phay tóc mình – bài Viết ở Nghi Tàm), dở dưng (Dở dưng sắc nắng bảy màu vu vơ – bài Lại viết về hoa cúc), vv … Người đọc thơ dễ dãi có lẽ khó chấp nhận ngay những kết hợp từ lạ lẫm này. Nhưng chớ vội gấp trang sách, đừng vội lướt qua, hãy thử đọc lại, rồi ngẫm nghĩ, rồi đặt chúng vào văn cảnh, hiệu quả sẽ thật bất ngờ. Tôi đã rưng rưng nước mắt khi đọc câu thơ “Gió tha thủi ngày qua tuổi nhớ” (Tuổi nhớ). Cảm giác bơ vơ, côi cút và bao nhiêu tủi buồn được gợi ra từ hai chữ “tha thủi” của Trương Nam Hương. Hai chữ thôi mà làm hiện ra cái cảnh ngộ đáng thương, cả tâm trạng và dáng vẻ của đứa con sớm phải lìa xa mẹ, cứ lủi thủi, bé bỏng làm sao giữa cõi đời rộng lớn. Viết “gió tha thủi” là để cốt nói người tha thủi, viết cho em, là để nói cùng mình. Với mẹ, chẳng đứa con nào muốn che giấu nỗi buồn thương mất mẹ. Với “tha thủi”, Trương Nam Hương đã gọi tên thật chính xác những dồn nén, những “òa vỡ” trong lòng mình khi viết về mẹ, về em.
Cũng với cách dùng từ như thế, Trương Nam Hương đã gọi tên một cảnh ngộ khác được gợi nên từ những năm tháng chiến tranh. Ta hãy cùng đọc một đoạn :
Thương mẹ thương bà những năm chiến tranh
Tất tả gánh gồng xuôi ngược
Cháu con một đầu, nồi chảo một đầu
Con ngồi hát giữa chập chèng xoong chậu
(Tuổi thơ)
Ai đã từng đi qua chiến tranh hẳn sẽ nao lòng khi gặp lại hình ảnh này : đứa trẻ hồn nhiên trong quang gánh sơ tán của bà, của mẹ, bên cạnh những xong chảo, nồi niêu. Từ “chập chèng” được dùng thật đắt bởi lẽ nó vừa gợi tả thật chính xác âm thanh - âm thanh của xong chậu, nồi niêu va vào nhau theo từng bước chân vội vàng của mẹ, vừa kịp ghi lại cái thế chông chênh con ngồi, dáng tất tả mẹ đi, và cả cách nói trẻ thơ tinh nghịch nữa. Bao nhiêu thương khó và cả nụ cười cùng chất chứa trong từ “chập chèng” được tạo nên bởi kí ức vẹn nguyên ấy.
Tôi hay lang thang về những miền kí ức – tuổi thơ – đồng quê của Trương Nam Hương. Thời nắng xanh là một bài thơ của những kí ức tuổi thơ, hẳn còn trong trẻo, tươi nguyên đến tận bây giờ. Đó cũng là bài thơ – tập hợp của nhiều kết hợp từ độc đáo gợi nhiều liên tưởng : đó là những cánh chuồn lả lả giấc ban trưa, là chú bé loăn thoăn đồng đất tối ngày, là đom đóm đêm đêm xanh nhói phía ao làng, là trái bòng rụng xuống mùa hè óng ướt … Tôi đặc biệt thích từ “thơm thao” trong câu Tuổi thơ tôi thơm thao bùn đất. Viết về bùn đất, đồng quê lam lũ mà nghe cứ như khoe, như kể đầy vẻ tự hào, trìu mến. Bùn đất quê hương lấm lem đấy, nhưng thơm thảo, mát lành biết mấy. Con người như quện chặt lấy đất quê.
Tôi từng dừng lại khá lâu trước một bài thơ bốn câu này của Trương Nam Hương :
Hổng hơ mùa hạ qua rồi
Thu nhơm nhớm tím
khoảng trời
chị tôi
Ngoài đầm hoa súng rũ phơi
Đám mây vảy cá ngồi soi bóng chiều
(Chị)
Lại một lần nữa, lớp vỏ ngôn từ trên lộ trình chữ nghĩa quen thuộc thông thường bị phá tung đi, để cuối con đường hiện ra những “cá biệt” ngôn từ ám ảnh. Còn nhớ cảm giác lần đầu đọc bài thơ này, tôi cứ nghèn nghẹn, cay xót thế nào. Tôi cũng có một người chị ruột, thời trẻ xinh đẹp thế, mà bất hạnh. Những năm tháng chờ đợi, rồi ngoảnh lại, tìm mình … Cay xót cho chị, hay là cay xót cho cả chính tôi ? Không biết có mối đồng cảm nào hơn thế nữa, khi Trương Nam Hương dành tặng cho nhân vật “chị” trong bài thơ những từ “hổng hơ”, “nhớm nhớm” nhói lòng này. Thật khó diễn tả cho chính xác những gì mà hai từ “hổng hơ”, “nhớm nhớm” gợi nên. Chỉ biết rằng, với từ “hổng hơ”, tôi như đã thấy Trương Nam Hương thâu tóm vào đó cả một thời tuổi trẻ của người con gái : có cái nồng nàn, rộng mở như nắng hạ, lại có chút phung phí, nông nổi, ơ hờ với chính … tuổi trẻ, xuân sắc của mình. Tôi cứ hình dung hai từ láy “hổng hơ”, “nhớm nhớm” lạ lùng này như hai cái bản lề của hai cánh cửa cuộc đời : một cái mở toang (hổng hơ) là khung trời mùa hạ - khung trời tuổi trẻ, còn một cái chuẩn bị khép vào (nhớm nhớm) là khung trời mùa thu. Có phải thế không, khi tuổi trẻ vừa đi qua, người ta mới bắt đầu nhìn lại, thận trọng hơn, gìn giữ hơn, và sững sờ nuối tiếc. Bài thơ không làm người ta chú ý đến bước đi nghiệt ngã của thời gian, mà chú ý nhiều hơn đến cái se thắt, ngậm ngùi, tiếc nuối … Sức ám ảnh, sức chứa, sức hút của những lạ hóa ngôn từ là vậy.
Tôi cũng muốn dành ít dòng để viết về câu thơ có những kết hợp từ lạ : “Hoe hoét nắng hoang hoa chiều cỏ dại” (Hoa bất tử). Những câu thơ mở đầu các khổ thơ có tính chất liên hoàn tạo ra những khổ thơ đầy ắp dự cảm buồn : Hẳn có ngày người sẽ bỏ ta đi – Rồi câu thơ nguội lạnh bỏ ta đi – Cuối cùng buồn cũng lén bỏ ta đi. Dự cảm buồn hay đã là những trải nghiệm buồn? chỉ biết với cấu trúc thơ ấy, nỗi buồn đã được đẩy lên thành nhiều cung bậc. Trương Nam Hương đã mượn sắc diện của nắng, của hoa trong buổi chiều của trời đất (Hoe hoét nắng hoang hoa) để diễn tả nỗi trống vắng ghê người – cung bậc cao nhất của nỗi buốn con người. Những láy từ hoe hoét, hoang hoa đã mang đến cho người đọc cái nhạt nhòa, hoang vắng, trống trải của cõi lòng. Thực ra, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn băn khoăn vì cảm thấy chưa đủ sức “giải mã” hết ý nghĩa của từ “hoe hoét”. Sự kết hợp đầy ngẫu hứng, có vẻ thiếu trang nghiêm của hai chữ hoe - hoét trong từ láy này khiến cho tôi như nhìn thấy một nụ cười buồn. Chút nắng buổi chiều dù có nhạt nhòa cũng thành ra thừa thãi, vô duyên làm sao ấy, có phải không thi sĩ ?
Những từ láy nói trên tất nhiên chỉ là một mảng nhỏ trong hệ thống khá bề thế những “độc quyền” chữ nghĩa tài hoa của Trương Nam Hương. Xin dành một dịp khác để khám phá, thưởng thức những cấu trúc, kết hợp từ mời gọi kiểu như quán thời gian, quán không ngày, sông vờ xoay vạt tháng giêng nghiêng, mùa nghĩ thương tình thả vu chiếc lá … đầy ắp trong thơ anh./.
Thành phố HCM, 22/9/2009