Tôi đến Thiên Tân – thành phố lớn thứ 3 sau Thượng Hải và Bắc Kinh – vào một ngày tháng 2 nắng lạnh. Lần đầu tiên biết cái lạnh của phương Bắc. Nắng rực rỡ thế mà buốt trong xương, gió nhẹ nhàng thế mà rát mặt mũi… Những con đường có hai hàng cây giao nhau trơ trụi cành không một nhành lá trông thật đẹp, vẻ đẹp của sự cô đơn, và cứng cỏi.
Lần đầu tiên nhìn thấy tuyết rơi. Đêm, bầu trời bỗng ưng hồng, rồi hàng ngàn bông tuyết nho nho như mưa xuân nhẹ nhàng bay xuống. Chốc lát những bông tuyết vương trên tóc, trên áo, đọng trắng xóa trên cây. Trong ánh đèn vàng thành phố lấp lánh một trời mưa tuyết… Sáng mai khắp nơi sẽ phủ một màu trắng tinh khôi. Người phương Nam cầu được ước thấy, đã qua tháng 2 rồi mà trên mỗi con đường, mỗi khu vường vẫn có những “cây thông Noel” phủ dày tuyết trắng. Bạn hỏi: thấy tuyết chưa, đẹp không? Nếu bạn từng nhìn thấy cảnh tuyết rơi trong những bộ phim tình yêu lãng mạn thì có thể bạn sẽ thất vọng… Nhưng may thay cái cảm giác lần đầu nhìn thấy tuyết rơi có lẽ không ai giống ai, đã mang lại cho tuyết một vẻ đẹp diệu kỳ khi ta được khi nhìn thấy tận mắt…
Là một thành phố cảng cách Bắc Kinh khỏang 150 km, dân số hơn 11 triệu người, Thiên Tân là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng, hiện tại có 37 điểm du lịch đạt cấp tỉnh và đạt chuẩn quốc gia. Trong đó phải kể đến Độc Lạc Tự của Tế Huyện hơn 1.000 năm tuổi. Ngoài ra còn Hậu Cung, Văn Miếu, Thanh Chân Đại Tự, Đại Bi Viện, Đại Khiết Khẩu Pháo Đài, Giáo đường Vọng Hải Lầu, Hội quán Quảng Đông. Bảo tàng Thiên Tân hình dáng con thiên nga khổng lồ với ba tầng lầu đầy những cổ vật độc đáo, bảo tàng Lịch sử tự nhiên kiến trúc hiện đại, hiện vật trưng bày vô cùng hấp dẫn… Nhưng Thiên Tân cũng là một thành phố công nghiệp hiện đại: là cái nôi và trung tâm của công nghiệp xe hơi Trung Quốc và đang xây dựng ngành công nghiệp hàng không. Thiên Tân còn là một đặc khu kinh tế với mức tăng trưởng rất cao, và như một tất yếu, cũng là thành phố có mức độ ô nhiễm không khí vào bậc nhất Trung Quốc. Thành phố phương Bắc này mang một vẻ mâu thuẫn kỳ lạ. Dường như một thành phố Trung Hoa thời Lỗ Tấn vẫn còn qua những giọng nói nhanh và rất to có thể nghe thấy khắp nơi, trong cửa hàng, trên đường phố tràn ngập màu đỏ của những biển hiệu toàn chữ Hoa, của đèn lồng, những chiếc xe đạp cũ kỹ, xe lam xấu xí, dòng người đi bộ khép mình trong áo khoác dày sẫm màu... Đồng thời cũng là một thành phố hiện đại với những con đường rộng rãi 8 làn xe hơi lao vun vút, xe bus nối đuôi nhau tại các trạm dừng, những bước chân vội vã giày thê thao, bốt cao cô, điện thoại di động, máy nghe nhạc, quần jeans, váy ngắn... Một thành phố với những toà nhà đồ sộ kiến trúc hiện đại, những cầu vượt đường tầng, tháp truyền hình vút cao giữa nền trời xanh thăm thẳm và một thành phố của những con phố nho nhỏ vắng lặng, hai bên đường còn nguyên những ngôi nhà cổ xưa mái ngói xanh khung cưử gỗ có “đèn lồng đỏ treo cao cao”.
Tháng hai, những tia nắng mùa xuân ấm áp chưa xua hết cái giá lạnh còn sót lại của mùa đông phương Bắc. Nhưng mặt trời đã đến mỗi ngày đều đặn hơn, thành phố như thức dậy sớm hơn và đi ngủ cũng muộn hơn. Trường đại học Nam Khai – trường đại học lớn nhất Thiên Tân và là một trong 10 trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất Trung Quốc – rộng mênh mông, nhiều tòa nhà cũ mới nối liền với nhau bằng những con đường có hai hàng bạch dương cao vút. Khu trường như bừng tinh sau thời gian dài nghi tết âm lịch. Sinh viên lại tấp nập trên đường, trong trường. Những ngôn ngữ đến từ nhiều nước khác nhau bất chợt vang lên ở khắp nơi. Trường đại học như một thành phố nhỏ trong thành phố lớn. Có cảm giác rằng nhịp sống của thành phố nhỏ chính là nhịp đập trái tim thành phố lớn. Một trái tim trẻ trung, khoẻ mạnh. Một trái tim nồng nhiệt từ những dòng máu đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Đi trên đường phố Thiên Tân tôi nhớ đến một sự kiện có liên quan đến lịch sử cận đại Việt Nam: Đây là nơi ký kết bản Hòa ước Thiên Tân năm 1885. Hòa ước Thiên Tân là một thỏa ước được ký kết giữa chính phủ thuộc địa Pháp và nhà Thanh năm 1885 sau Chiến tranh Pháp-Thanh nhằm tranh giành ảnh hưởng đối với Việt Nam, chấm dứt chiến tranh Pháp-Thanh, quân đội nhà Thanh phải rút khỏi Bắc Kỳ, và công nhận sự hiện diện bảo hộ của Pháp với Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn quan hệ thượng quốc - chư hầu giữa Trung Hoa và Việt Nam.
Một tuần trôi qua, vừa mới kịp làm quen với cái lạnh của thời tiết và giọng nói nồng nhiệt của người phương Bắc. Bỗng giật mình khi nhìn thấy trong hầu hết các lớp học đều có hai tấm bản đồ rất lớn: Một bản đồ thế giới tô màu nổi bật lãnh thổ rộng lớn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, và một bản đồ Trung Quốc trên đó “cái lưỡi bò” ngạo nghễ vươn dài xuống vùng biển phía Nam, đầy thách thức. Những tấm bản đồ du lịch, những trang sách lịch sử... cũng đều như vậy. Trái tim tôi đau thắt, trong số những sinh viên Việt Nam đang học ở đây có bao nhiêu em chú ý đến điều này? Bao nhiêu em thờ ơ hay mặc nhiên chấp nhận điều đó? Và còn bao nhiêu sinh viên nước khác…?
Càm giác yên bình và vô tư trong tôi khi đến Thiên Tân không còn nữa.../.