Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.280
123.158.394
 
Qua bờ bắc
Khôi Vũ

Ở thị trấn người ta quen gọi Hai Trước là “Anh Hai ca sĩ” bởi anh có chân trong đội ca tài tử, thường tụ tập sinh hoạt mỗi tháng một lần ở nhà khách ủy ban và có lần đi dự liên hoan đờn ca tài tử trên tỉnh, anh đã đoạt được giải ba. Hai Trước mới gia nhập câu lạc bộ đờn ca tài tử ở thị trấn được hai năm nay, theo lời khuyên của các “đàn anh đàn chị” - nhưng họ đều nhỏ tuổi hơn anh - trong nghề, anh chuyên tập ca các bài Nam để khai thác triệt để ưu thế giọng ca buồn não nuột của mình. Trong đêm mà nghe anh cất giọng, khỏi cần đờn địch gì, cũng muốn đứt từng khúc ruột. Người hiểu chuyện cho rằng không chỉ là giọng ca mà Hai Trước còn hát với cả nỗi lòng u uất của mình.

 

Hai Trước hành nghề xe ôm. Lộ trình của anh là từ thị trấn ra ngã ba Quốc lộ Một rồi trở lại. Ngày trúng mối, anh có bốn, năm cuốc xe, còn “bét dem” cũng được một cuốc, lấy lại tiền xăng cho chiếc 67. Bà con khoái đi xe ôm của anh vì hai lẽ: một là tuổi tác anh tuy đã cao - năm nay anh vừa tròn sáu mươi và vẫn còn tráng kiện - nên đáng tin cậy hơn đám trung niên, thanh niên; còn hai là, trên con đường hai chục cây số, anh sẵn sàng ca hầu “quý khách” đang ngồi sau lưng mình một bản tài tử như Nam ai, Nam xuân... hoặc kể chuyện mình đi thi trên tỉnh lớ ngớ ra sao mà vẫn đoạt giải. Những anh em xe ôm khác chẳng ai ganh tị với anh, vì họ tự biết họ không có tài ca hát như anh; mặt khác, chính họ trong lúc chờ khách cũng thỉnh thoảng là khán giả bị giọng ca của anh mê hoặc. Có bữa, mấy anh em “ghiền” nghe giọng ca của anh, hùn tiền kiếm một góc quán gần đó vừa ngồi lai rai ba xị, vừa nghe “anh Hai ca sĩ” trổ tài. Điều đáng tiếc và cũng là chỉ tiêu phấn đấu của Hai Trước là anh vẫn chưa đổi được chiếc 67 thành một chiếc xe khác thuộc đời mới hơn.

 

Chiều nay Hai Trước nghỉ chạy xe khi anh từ ngã ba Quốc lộ Một chở khách về thị trấn, ghé nhà thì hay tin con Thanh Vân bị sốt. Chị nó, con Thanh Tâm tự động nghỉ học để ở nhà lo cho em. Tội nghiệp, con nhỏ chị mới có chín tuổi đầu mà đảm đang như một người lớn. Nó biết lấy khăn nhúng nước đắp lên trán cho em, biết nấu cháo hành đút cho em ăn từng muỗng nhỏ. Hai Trước chở con đi khám bệnh tư ở nhà bác sĩ Hòa. Cậu bác sĩ trẻ khám sơ cho con bé và nói nó chỉ bị sốt do viêm họng, uống kháng sinh ít bữa sẽ khỏi. Hai Trước chở con về mà lòng không yên bởi hoài nghi cách khám của cậu bác sĩ. Trong lúc con Thanh Tâm nấu cơm chiều, anh ngồi đưa võng cho con em và ru nó ngủ bằng một bài ca mà anh đang tập, dự tính sẽ biểu diễn lấy ý kiến anh chị em trong buổi sinh hoạt của đội ca tài tử chiều mai...

 

Hoàng hôn vùng cao buồn tẻ dù nơi đây ngày nay đã là một thị trấn có nhà máy thủy điện, khác hẳn cái ngày Hai Trước đưa vợ dọn đến dựng một mái nhà tranh bên gốc mấy cây buông già, dân cư thưa thớt, nhà này hú gọi chưa chắc nhà kia đã nghe. Khỉ, vượn, cầy hương thỉnh thoảng lại xuất hiện ở trong nhà. Có hôm ra thăm ổ gà còn thấy cả một con trăn nằm quấn tròn sau khi chén no nê một con gà xấu số nào đó. Hàng đêm, tiếng thác Trị An vẳng xa xa nghe như tiếng nhạc rừng, như tiếng than thở cho mối tình buồn của cặp trai gái trong câu chuyện cổ được lưu truyền. Ngày ấy, Hai Trước đã mừng biết bao khi hay tin vợ có bầu, rồi sinh cho anh con Thanh Tâm. Con Thanh Vân ra đời hai năm sau đó tuy không trúng ý anh muốn có thằng con trai, nhưng vẫn là niềm vui của cả gia đình. Đời vợ trước của anh coi như bỏ đi, được hai thằng con trai, một đứa con gái thì có cũng như không. Đứa con trai lớn nghiện ngập rồi bỏ nhà đi, chết mất xác ở đâu đó không ai hay biết. Hai đứa còn lại theo mẹ chúng vượt biên đường biển hồi năm bảy tám, cũng chẳng nghe tin tức gì. Ở trại cải tạo về được hai năm, anh gặp, đùm bọc rồi lấy má con Thanh Tâm, một cô gái bị gia đình vượt biên bỏ rơi nhỏ hơn anh gần mười lăm tuổi. Thời gian ấy, dẫu đời sống vật chất không bằng bây giờ nhưng với anh vẫn cứ là hạnh phúc... Rồi bộ mặt thị trấn thay đổi dần khi công trình thủy điện hoàn thành. Những cây buông dần biến mất. Những con thú rừng thoát khỏi sự săn bắt của con người thì bằng cách nào đó dạt về bờ bắc. Một cuộc sống bon chen từ thị thành tràn tới. Hai Trước chạy theo nó không kịp trong khi vợ anh lại nôn nóng. Người phụ nữ hai con còn “mòn con mắt” không chịu an phận với cửa tiệm tạp hóa tại nhà, một ngày bán buôn kiếm cơm đôi ba bữa. Chị gom góp tiền bạc làm vốn đi buôn đường dài. Chẳng bao lâu chị thay đổi hẳn. Từ cách ăn mặc đến lời lẽ, đến cả cách đối xử với chồng con. Rồi một ngày nọ, lần thứ nhì, Hai Trước lại mất vợ...

 

*

 

- Chào anh...

Khách đứng bên tấm bảng “Có xe ôm” do Hai Trước tự vẽ lấy bằng sơn xanh trên tấm bảng ván ép đóng nơi cột hiên.

 

Hai Trước bước ra, hơi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông mặc áo khoác bằng da mầu nâu, đeo túi xách nặng bên vai, mặc quần bò, và nhất là gương mặt cháy nắng, râu quai nón giấu dưới vành mũ kết đỏ diêm dúa. “Chỉ thiếu trên tay hắn một khẩu súng là thành tên cướp”. Hai Trước nảy ngay ra ý nghĩ thầm đó mà không hiểu mình chỉ nghĩ vui hay nghĩ thật?

- Anh hỏi gì?

Khách chỉ tấm bảng:

- Anh chạy xe ôm à? Tôi muốn đi gấp tới Bà Hào, anh lấy giá bao nhiêu?

Hai Trước khựng lại một giây rồi trả lời:

- Anh thông cảm, con tôi đang bệnh, tôi không chạy.

Sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt dữ dằn của khách. “Tay này cũng phải trên năm mươi, sức lực thì chắc chắn là hơn đứt mình rồi. Chỉ cần một cú đấm của hắn là mình tiêu”. Hai Trước lại thầm nghĩ.

 

Trong nhà, con Thanh Tâm nói vọng ra:

- Ba ơi! Vô ăn cơm!

Hai Trước nhắc lại với khách:

- Anh thông cảm nha...

- Anh ơi... anh không giúp tôi được sao? Vậy ở đây còn ai chạy xe ôm nữa không hả anh?

Hai Trước chỉ cho khách tới nhà Sáu Đào mà anh biết chắc rằng thằng Sáu cũng sẽ từ chối, rồi quay vào nhà với con gái... Chiều nay, con nhỏ Thanh Tâm cho ba nó ăn mắm ruốc với dưa leo, không có món canh nào cả. Chắc nó mải lo cho em nên không chạy qua bà Tư bên chợ chồm hổm mua thức ăn.

- Ba ơi! Ngày mai cho con đi chơi Đầm Sen với lớp nha ba?

- Ai dẫn mấy con đi?

- Dạ, cô giáo con. Mà trường con đi đông lắm, lớp nào cũng được đi. Mỗi đứa đóng ba chục ngàn...

- Ba tưởng được đi “chùa” chớ! Ba chục ngàn là mắc!

 

Hai Trước còn nghĩ: “Thế nào các thầy cô cũng phẩy phết trong đó” nhưng không nói ra.

- Vậy mình xin bớt, đóng hai chục ngàn thôi có được không ba?

Hai Trước mỉm cười trước câu hỏi hồn nhiên của con Thanh Tâm. Đang nghĩ một câu trả lời cho con thì anh lại nghe tiếng gọi ngoài hiên:

- Anh ơi...

 

Hai Trước nhìn ra. Người khách lúc nãy trở lại, vẻ mặt cầu khẩn khi đối diện với anh :

- Anh thử tính lại xem có thể giúp tôi được không. Tôi gặp mấy anh em chạy xe ôm ở xóm này rồi, ai cũng nói chỉ có anh là người có thể chạy đêm đường rừng... Anh cố gắng giúp tôi, bao nhiêu tiền tôi cũng trả...

- Đâu! Anh nói tôi nghe thư coi. Anh trả tôi được tối đa là bao nhiêu?

- Một trăm ngàn có được không anh?

 

Hai Trước suýt bật thốt lên một tiếng biểu lộ sự ngạc nhiên. “Giá cả phải chăng chỉ khoảng năm chục ngàn. Tay chơi đây! Nhưng mình sẽ nhận được trăm ngàn hay nhận được một nhát dao rồi mất luôn chiếc 67?”. Hai Trước nghĩ vậy rồi khẽ lắc đầu:

- Nói thiệt, số tiền ấy không xứng để tôi phiêu lưu đâu...

Khách không hiểu ẩn ý của Hai Trước nên vẫn nài nỉ:

- Vậy thì... Một trăm rưỡi, được không anh?

- Mà anh làm gì gấp dữ vậy? Nghỉ tạm đêm nay ở đây rồi sáng mai về cũng được kia mà!

- Không được đâu anh! Tôi cần về để kịp nhìn mặt mẹ tôi lần cuối...

- Cái gì? Bà già anh làm sao... ?

- Tôi làm việc ở khu công nghiệp Biên Hòa, nhận được điện gọi về gấp vì mẹ tôi đang hấp hối...

Hai Trước rúng lòng. Nếu đúng như thế...

- Anh nói... thiệt chớ?

- Trời ơi... tôi biết nói sao để anh tin bây giờ... À... đây rồi... - Khách móc túi tìm tờ điện báo đưa cho Hai Trước coi - Anh đọc đi, điện báo tôi về gấp... Sinh là tên tôi còn Hồng là tên cô em tôi...

 

*

 

Khi xe qua khỏi khu lâm trường bộ, lọt vô đường rừng, Hai Trước mới bắt đầu nghĩ khác. Lỡ ra cái giấy điện báo kia là giả thì sự thật ẩn giấu sau đó là gì? Ôi! Sao một con người luôn hoài nghi như mình lại có thể mau tin người lạ đến vậy kìa! Hai Trước thầm tự rủa.

 

Rừng thật sự đã lùi xa dòng sông hàng chục cây số về phía Bắc. Còn rừng hai bên con đường chỉ là rừng trồng, cũng cách mặt đường hàng chục thước. Những bụi cây thấp chưa tới đầu người còn sót lại, làm chứng cho một cánh rừng ngày nào chưa xa lắm mà đã như cổ tích. Nhưng dẫu tệ như thế, những con thú nhỏ cũng đã tìm về gần dòng sông hơn. Nhiều lần chở khách trên con đường rừng này, Hai Trước đã bắt gặp những chú thỏ rừng, cầy hương chạy băng qua.

 

Từ phía sau lưng Hai Trước, giọng của Sinh bồn chồn, tò mò mà khiến anh thấy lạnh gáy:

- Suốt đường đi liệu tất cả có khá như quãng này không anh Hai?

“Hắn hỏi thế để làm gì? Để biết có những đoạn đường xấu mà ra tay chăng?”. Hai Trước nghĩ rồi hỏi ngược lại:

- Anh nói về nhìn mặt bà già lần cuối mà sao lại hỏi tôi như người ở phương xa mới tới đây vậy?

- Tôi xa gia đình mười năm rồi. Anh có muốn nghe chuyện của tôi không?

- Đâu, anh kể thử coi.

- Dạo ấy, gia đình tôi cùng mấy người quen dọn tới vùng Bà Hào làm nghề rừng. Không điện đóm, không sách báo, vô rừng săn thú cứ như ăn trộm, chặt cây thì lén lút trốn tránh kiểm lâm... Dào! Một người từng mặc áo lính chiến đấu ở chính vùng rừng này như tôi thì làm sao có thể chịu được tình cảnh ấy hả anh! Bởi thế tôi quyết định bỏ về Biên Hòa một mình mưu sinh lập nghiệp.

- Còn ông già anh?

- Ấy! Chính vì cái chết của bố tôi mà mẹ tôi cùng anh em tôi theo mấy người lối xóm rời quê cũ vô đây làm ăn...

- Từ đó anh không về thăm nhà lần nào sao?

- Có một lần. Đó là lần cô em tôi lấy chồng, cách nay sáu, bảy năm gì đó khi rừng còn chưa đến nỗi nào. Ở khu Bà Hào, xe chở gỗ còn xếp thành hàng dài. Khi ấy tôi đã tìm được việc làm ở khu công nghiệp và cưới vợ rồi...

- Anh có mấy đứa con?

 

Một tiếng cười nhẹ tênh sau gáy Hai Trước:

- Tôi và vợ tôi cùng bị vô sinh anh à...

Hai Trước muốn ngoái lại để xem nét mặt của Sinh, nhưng anh dễ dàng tưởng tượng ra nhờ lời tâm sự tiếp theo của khách:

- ... Tôi là lính Trường Sơn vào miền Đông này anh ạ. Còn vợ tôi là giao liên giải phóng, hoạt động ở miền Tây. Tình cờ hai đứa tôi làm việc chung một nhà máy, thông cảm hoàn cảnh của nhau rồi thương yêu, rồi lấy nhau. Không có tiếng trẻ con trong nhà kể cũng buồn, nhưng biết sao được...

- Anh là con trai một phải không?

- Dào! Anh muốn nói chuyện cần có con nối dõi phải không nào? Trái đất này có cả mấy tỉ người, thêm hay bớt một người thì có quan trọng gì hả anh ...

 

Tự dưng Hai Trước thấy đồng cảm với Sinh. Anh thở dài nói:

- Tôi có hai đứa con thì lại là gái cả. Vợ tôi bỏ nhà đi mấy năm nay rồi. Ấy là tôi nói về cô vợ sau... Mà anh có muốn nghe chuyện của tôi không?

Hỏi rồi Hai Trước mới nhận ra là mình đã lập lại câu của Sinh hỏi mình trước đó. Và anh cũng nhận ra thêm và trách mình sao lại thiếu dè dặt đến thế. Hóa ra hai người đàn ông đang ngồi trên chiếc 67 đã từng có thời gian cầm súng đối địch với nhau và anh thuộc phe chiến bại. “Tốt nhất là đừng nói gì đến cái lý lịch cũ của mình...”. Hai Trước quyết định thế khi nghe Sinh trả lời: “Anh kể đi. Chắc là vui vẻ hơn chuyện của tôi...”. “Không! Buồn lắm!”. Hai Trước đáp.

 

Trời sụp tối vừa lúc hai người tới một đoạn đường xấu. Hai Trước cho xe chạy chậm. Sau một đỗi đường chuyện trò trải lòng mình, anh lại cảm thấy bất an. “Hắn nói thật hay chỉ bịa chuyện để lấy lòng tin của mình và chờ cơ hội ra tay? Thời buổi này đâu thiếu kẻ lưu manh giả danh người ngay để làm bậy”. Nghĩ như thế, Hai Trước lại thấy lành lạnh sau lưng. Mà cũng có thể Sinh chuẩn bị bắt đầu giở trò khi anh ta nói:

- Làm ơn dừng xe một chút đi anh. Lúc ở ngã ba quốc lộ, tôi có uống chai bia nên tới giờ này, nó “đòi” quá...

 

Hai Trước nghĩ rất nhanh đến những vụ cướp xe ôm mà anh từng nghe kể và nhận thấy yêu cầu dừng xe giữa đường của Sinh đầy nghi vấn. Lập tức anh rú ga, cho xe phóng thẳng lên một gò đất giữa đường mà anh vừa nhìn thấy dưới ánh đèn vàng vọt của chiếc 67. Chiếc xe tưng lên như trái bóng và quăng cả hai người đàn ông xuống đất. Đã chuẩn bị sẵn nên Hai Trước lăn mấy vòng an toàn rồi lồm cồm ngồi dậy “thủ thế” trong khi “kẻ cướp” còn nằm dài giữa đường. “Người bị hại tự nhận” chạy nhanh tới bên chiếc xe đã tắt máy, dựng lên.

- Trời ơi! Anh chạy xe kiểu gì vậy? Dào... Suýt chút nữa tôi gãy tay...

 

Sinh gượng dậy, vừa thốt lời trách móc vừa đi cà nhắc tới bên một gốc cây ven đường, quay lưng lại phía Hai Trước. Anh hơi ngỡ ngàng khi nghe những tiếng động chứng tỏ Sinh quả thực có nhu cầu. Anh nói ngượng:

- Tại cái gò đất...

Rồi cúi xuống đạp máy. Chiếc 67 ậm ừ một lúc vì ngộp xăng mới chịu nổ.

- Gần tới nơi chưa anh?

Sinh hỏi khi leo lên ngồi sau lưng Hai Trước và chiếc 67 lại tiếp tục hành trình.

- Chừng hai cây số nữa thôi...

- Nói thật, không hiểu sao tôi lo quá... Từ lúc cô em tôi đánh điện đến giờ, đã gần hai mươi bốn tiếng đồng hồ rồi... Nhưng dù sao thì anh cũng cứ chạy cẩn thận đấy. Đừng có như vừa rồi... Tôi không có đứa con nào nhưng còn người vợ tội nghiệp đang chờ tôi ở Biên Hòa.

Hai Trước cảm thấy ân hận, thinh không nhớ quay quắt tới chị em con Thanh Tâm, Thanh Vân.

Chiếc 67 pha đèn soi một lỗ sáng trong đường đêm. Hai Trước giữ cứng tay lái, tăng ga...

 

*

 

Khi xe dừng lại, Sinh bước xuống nhìn lá cờ tang cột trước hiên căn nhà lá, sững như một pho tượng. Phải mất một lúc anh ta mới lấy lại được bình tĩnh, móc bóp lấy ra ba tờ năm chục ngàn đưa cho Hai Trước và nói “Cám ơn”. Hai Trước cầm tiền bằng bàn tay vô cảm, mắt dõi theo cái dáng cao lớn, bước đi xiêu vẹo của Sinh.

 

Đồng hồ tay chỉ chín giờ tối. Hai Trước vẫn ngồi bất động trên xe. Căn nhà lá mà Sinh bước vào mờ tỏ ánh đèn điện bóng tròn, bổng trầm tiếng khóc của một người phụ nữ lẫn với tiếng một nữ ca sĩ văng vẳng từ máy truyền hình nhà hàng xóm. Chung quanh khu vực dân cư này, những ánh điện nhà sáng từng cụm trong bóng đêm. Hơi thở của rừng phả đến từ xa, chẳng làm dịu mát được cái không khí ngột ngạt, u buồn của một nhà đám.

 

Dựng xe ngoài sân, Hai Trước bước vào nhà. Người chết đã được liệm trong một chiếc hòm loại thường nhất, không thấy đặt ảnh có lẽ do chưa phóng rửa kịp. Sinh quỳ trước quan tài của mẹ, im lặng. Hai Trước thắp nhang, thực hiện nghi lễ của một người đến viếng. Anh đặt cả ba tờ giấy năm mươi ngàn lên cái dĩa nhỏ trước bàn thờ rồi rút ra sân.

 

Sinh bước theo, nắm tay Hai Trước rồi dúi vào bàn tay của anh một tờ năm mươi ngàn:

- Cám ơn anh đã đưa tôi về tới nơi tới chốn. Ít nhất anh cũng phải cầm lấy chừng này để đổ xăng và bảo trì xe chứ...

- Tôi thành thật chia buồn... Còn số tiền này... Thôi được, tôi nhận để anh vui lòng vậy...

- Bây giờ anh quay về luôn sao?

- Tôi phải về. Hai đứa nhỏ đang nóng ruột chờ tôi ở nhà...

 

Chiếc 67 nổ máy, phá tan sự im lặng. Ánh đèn xe quét sáng khoảng đường rừng về hướng nam. Giờ khắc này, chắc chỉ có Hai Trước và chiếc 67 của anh băng giữa khu rừng trồng đã khép tán, phủ bóng tối và hơi lạnh. Anh vốn quen chạy đêm, bây giờ lại không còn mối đe dọa “tưởng tượng” nào ở phía sau lưng như chuyến đi, lòng nhẹ nhõm và cái đầu anh thanh thản. Anh nghiệm ra một điều. Cũng cánh rừng này mà ở mỗi lúc, vào thời chiến tranh, trong chuyến đi chở Sinh phía sau, bây giờ là chuyến về một mình... tâm trạng anh lại khác hẳn. Từ nỗi lo về cái chết bất ngờ đến bởi một viên đạn phục kích nào đó, đến sự đề phòng kẻ lưu manh cướp xe, rồi đến sự thanh thản hạnh phúc... Lẽ đời và tâm trạng con người sao mà phức tạp!

 

Trong quầng sáng đèn xe, Hai Trước nhận ra cái gò đất mà anh đã cố tình cho xe leo lên trong chuyến đi. Giờ này không biết Sinh đang làm gì. Vẫn còn nhiều điều anh chưa biết về con người dữ tướng mà lòng thành ấy. Anh ta làm việc gì, ở nhà máy nào, cuộc sống ra sao...? Và hơn nữa, anh ta có biết mình đã là một kẻ tình nghi trong lòng người chạy xe ôm là anh trong gần suốt chuyến đi không?

 

Đến đúng cái gò đất, Hai Trước giảm ga rồi bất ngờ quay xe vòng lại. Anh muốn trực tiếp nói lời xin lỗi đã nghi ngờ Sinh và dặn anh ta bao giờ xong đám bà già trở lại Biên Hòa thì nhớ ghé qua nhà anh và ở lại chơi một đêm.

 

Hai Trước muốn hát tặng Sinh một bài tài tử hơi Nam buồn da diết để anh ta hiểu hơn chuyện vợ chồng chẳng vui của mình. Nhân tiện anh cũng sẽ cho Sinh biết, có một thời anh đã mặc áo lính “cộng hòa” và có mặt nhiều nơi ở chính khu rừng bờ bắc dòng sông. /.

Khôi Vũ
Số lần đọc: 2110
Ngày đăng: 15.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người thứ 79 - Mai Tú Ân
Gã tử tù đáng yêu - Nguyễn Chính
Bến sông xưa - Nguyễn Lập Em
Phố người - Mang Viên Long
Lời của thác - Khôi Vũ
Em ở Tây hồ - Đỗ Ngọc Thạch
Nắng hanh vàng - Nguyễn Văn Ninh
Nghìn năm bia miệng - Nguyễn Chính
Những mảnh vỡ (13) - Nguyễn Thị Hậu
Mèo con yêu dấu - Mang Viên Long
Cùng một tác giả
Chuyện những cô bé (truyện ngắn)
Bến lội (truyện ngắn)
Tri thiên mệnh (truyện ngắn)
Người say (truyện ngắn)
Thói ngậm tăm (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Cái vết trắng (truyện ngắn)
Ngôi nhà chữ đinh (truyện ngắn)
Hội làm ma (truyện ngắn)
Con ngựa ô (truyện ngắn)
Chim lẻ bạn (truyện ngắn)
Về hưu (truyện ngắn)
Nhận giải thưởng (truyện ngắn)
Biển (truyện ngắn)
Hoa bất tử có thật (truyện ngắn)
Hương hoa cà phê (truyện ngắn)
Lần thứ ba (truyện ngắn)
Hoàng hôn (truyện ngắn)
Tình mèo (truyện ngắn)
Trò khỉ (truyện ngắn)
Vĩ nhân! (truyện ngắn)
Hoa quý (truyện ngắn)
Thần nông lên đồi (truyện ngắn)
Thầy thuốc búi tó (truyện ngắn)
Qúan xe thồ (truyện ngắn)
Đất sóng (truyện ngắn)
Lời của thác (truyện ngắn)
Qua bờ bắc (truyện ngắn)
Say nắng (truyện ngắn)
Tiền sạch (truyện ngắn)
Vòng xoay (truyện ngắn)
Mưa biển (truyện ngắn)
Trái dưa tây lép (truyện ngắn)
Điệu múa của sóng (truyện ngắn)
Thời tiết xấu (truyện ngắn)
Nhà trên ao (truyện ngắn)
San hô (truyện ngắn)
Mẹ hay ôsin? (truyện ngắn)