Nói đến triết học phương Tây, không thể không nói đến chủ nghĩa hiện sinh. Đó là một trào lưu tư tưởng chủ yếu trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý của triết học phương Tây thời kì hiện đại. Là triết lý về thân phận con người, với những khắc khoải, âu lo, trước hiện hữu và hư vô, chủ nghĩa hiện sinh đã chi phối sâu sắc quá trình sáng tác của các nhà văn ở đô thị miền Nam. Việc ra đời của hàng trăm tác phẩm chịu ảnh hưởng triết học hiện sinh là một hiện tượng gây dư luận trong đời sống văn học đô thị miền Nam, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật trong đó có lý luận phê bình. Và đây là một trong những cơ sở hình thành khuynh hướng phê bình hiện sinh trong nền lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975.
Nếu sáng tác của các nhà văn chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh cả trong nội dung tư tưởng lẫn hình thức thể hiện thì trong phê bình văn học các nhà lý luận phê bình cũng lấy triết học hiện sinh làm cơ sở mỹ học để phê bình các hiện tượng văn học. Qua khảo sát đời sống lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam lúc bấy giờ, chúng tôi thấy có rất nhiều tác phẩm phê bình vận dụng chủ nghĩa hiện sinh làm hệ qui chiếu để đánh giá, thẩm bình các hiện tượng văn học. Như: “Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do”của Nguyên Sa (Sáng tạo số 12/1957) ; “Thời gian hiện sinh trong Đoạn trường tân thanh” của Lê Tuyên (Đại học số 9/1959); Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày (Lê Tuyên, Nxb Đại học Huế, 1961); “Vài cảm nghĩ về tình cảnh phi lý của kẻ lưu đày ” của Nguyễn Văn Trung (Nhận định tập III, Nam Sơn xuất bản, 1963 ); Thi ca và thi nhân của Cao Thế Dung (Quần chúng xuất bản, 1969); Nhà văn hôm nay (tập1) của Nguyễn Đình Tuyến, ( Nhà văn Việt Nam xuất bản - 1969); “Đọc Mù khơi của Thanh Tâm Tuyền” của Trầm Tư (Ý thức số 6, ra ngày 15/12/1970); “Đêm và biện chứng vĩnh cửu trong thơ Nguyên Sa”, “Đi tìm tâm thức ca dao trên trục tọa độ không thời”của Trần Nhựt Tân (Dư vang nghệ thuật, Nxb Hạnh, 1971); các bài viết về "Thanh Tâm Tuyền", "Bướm Trắng", "Samuel Beckett", "J. P. Sartre" của Huỳnh Phan Anh trong Đi tìm tác phẩm văn chương (Đồng Tháp xuất bản,1972); Vũ trụ thơ của Đặng Tiến (Giao điểm xuất bản, 1972,); “Tính chất bi đát trong thi ca Tản Đà”của Nguyễn Thiên Thụ (Thời tập Xb (Số đặc biệt Giáng sinh) 1974); “Chiến tranh, tình yêu và hoài niệm truyện ngắn Võ Hồng” của Tuệ Sỹ (Văn số 3 ra ngày 1/3/1974) ...
Dường như các phạm trù trong triết học hiện sinh như: hư vô, lo âu, buồn nôn, phi lý, tự do, tha nhân, nỗi loạn, dấn thân…đều được các nhà phê bình xem như một hệ giá trị để ứng dụng vào phê bình văn học. Đó là cái nhìn đầy chất triết lý hiện sinh của Đặng Tiến về cuộc đời bể dâu của Thúy Kiều mà theo ông đó là “sự vận chuyển biện chứng giữa hiện hữu và hư vô tạo tâm trạng lưu đày như một hợp đề: ý thức lưu đày là một ý thức không có tương quan… và tự tra tấn tự đọa đày để ngụy tạo một ý nghĩa cho hiện hữu”. (1) Còn đây là một cách lý giải của Đặng Tiến về sự phi lý của cái “cõi người ta” trong Truyện Kiều "Không phải khi gặp gia biến Thúy Kiều mới sống bi thảm; trước đó lần đầu tiên chọn phím đàn, nàng đã chọn cung bạc mệnh, vì cuộc đời một cách tiên thiên, là một thảm kịch. Sự hiện hữu đã phi lý từ khi hai tinh trùng gặp nhau, và nếu chúng không gặp nhau, thì lại càng phi lý hơn nữa. Nỗi đoạn trường thật sự không chấm dứt sau mười lăm năm lưu lạc; Thúy Kiều ý thức sâu sắc điều đó nên không tái hợp với chàng Kim, vì đổi một phi lý cô đơn lấy một phi lý lứa đôi chỉ làm việc chồng một thảm kịch này lên thảm kịch khác"
(2)
Hay các phạm trù về sự vong thân, tha hóa của triết học hiện sinh cũng được Đặng Tiến vận dụng để giải mã Truyện Kiều. Với ông, phận Kiều là cả một “tấn trò đời” mà “con người hiện hữu là kết quả của một tình trạng tha hóa thảm khốc ”(3). Còn Lê Tuyên lại vận dụng một phạm trù khác của chủ nghĩa hiện sinh là “hư vô” để lý giải vấn đề thời gian trong Đoạn trường tân thanh (Đại học số 9/1959). Trong bài viết này, tác giả đã “hư vô hoá” thời gian trong Truyện Kiều khi cho rằng " Đi về tương lai từ quá khứ và qua hiện hữu, nghĩa là đi về phi lý của nấm mồ. Chúng ta hằng sống như vậy mà không biết và thực trong đời sống vô ý thức đẹp đẽ kia sẽ đưa và luôn đưa con người đến hủy diệt …
Con người sống luôn ao ước ngày mai, luôn nghĩ đến ngày mai, một ngày mai mà có lẽ con người không nên nghĩ đến, có lẽ nên phải từ khước, vì ngày mai là cái chết, vì ngày mai là tiếng đoạn trường:
Nỗi niềm tưởng đến mà đau / Thấy người năm đó biết sau thế nào”(4). Ở bài viết “Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do”( Sáng tạo, số12/1957), Nguyên Sa thể hiện sự cảm nhận về vấn đề “định mệnh” trong truyện Kiều của Nguyễn Du với quan điểm của triết học hiện sinh. Tác giả cho rằng: Thúy Kiều không phải là con cờ của định mệnh mà nàng đã tự do lựa chọn số phận và định mệnh của mình. Không phải Nguyên Sa phủ nhận định mệnh trong cuộc đời truân chuyên của Kiều mà ông phủ nhận sự đưa đẩy, giăng mắc của định mệnh trong bước đường mười lăm năm Kiều lưu lạc. Và từ điểm nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Nguyên Sa khẳng định “chính Kiều đã chọn định mệnh”, chính Kiều đã gán đời mình vào định mệnh " Nàng đứng trước ngã ba xem một bản họa đồ trước khi đi vào con đường gai góc. Nếu ta gọi hoàn cảnh đó là định mệnh thì Nàng đã đem lại cho định mệnh giá trị của định mệnh bởi vì nếu nàng không tự ý bán mình chuộc cha thì làm gì có định mệnh cho đời nàng. Nàng đã tính toán: cửa nhà tan nát và mình sẽ lênh đênh. Nhưng đó mới là một giả thiết. Có thể cửa nhà sẽ tan nát nhưng còn nàng sẽ được đoàn tụ với Kim Trọng thì sao? Làm gì còn định mệnh. Tự do của Thúy Kiều đã đẻ ra định mệnh"
(5)
Như vậy, với việc vận dụng triết học hiện sinh, các nhà lý luận phê bình đã đem đến cho truyện Kiều những giá trị mới. Nó hoàn toàn khác với cái nhìn từ triết lý phương Đông đã từng được nhiều nhà phê bình vận dụng khi phân tích truyện Kiều. Và từ điểm nhìn của triết học phương Tây, các nhà lý luận phê bình đã “hiện đại hóa” tư tưởng Nguyễn Du trong truyện Kiều, đồng thời cũng “lạ hóa” cái nhìn và suy nghĩ vốn đã quen thuộc của người đọc về Truyện Kiều. Tính đa dạng và sự phong phú trong phê bình văn học, phải chăng là kết quả tất yếu của cái nhìn nhiều chiều, nhiều phía. Vì vậy, nếu chỉ quy chiếu tác phẩm văn học vào một hệ tư tưởng nào đó, rồi biến thành những điển phạm thì sẽ làm nghèo đi ý nghĩa của tác phẩm cũng như hạn chế tầm đón đợi trong quá trình tiếp nhận của người đọc. Nhận xét về vấn đề phê bình truyện Kiều từ điểm nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Thanh Lãng rất có lý khi cho rằng: “Ở trong Nam sau khi người ta đã chán phân tích để khen chê một cách lảm nhảm từ cách đặt câu, chọn tiếng, một lớp nhà phê bình trẻ chịu ảnh hưởng của học thuyết hiện sinh đã đem ra một lối nhìn mới về Kiều.”(
6).
Trong phê bình văn học ở đô thị miền Nam, bên cạnh truyện Kiều, còn nhiều hiện tượng văn học cổ điển khác cũng được soi chiếu dưới nhãn quan triết học hiện sinh như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Chinh phụ ngâm… trong đó có thể nói công trình Chinh phụ ngâm và tâm thức lãng mạn của kẻ lưu đày của Lê Tuyên là tác phẩm điển hình nhất cho việc ứng dụng chủ nghĩa hiện sinh vào phê bình văn học. Ở công trình này Lê Tuyên đã vận dụng hầu hết các phạm trù triết học hiện sinh để minh chứng cho luận đề “Tất cả những đặc tính về nội dung tâm thức lãng mạn tôi nêu ra không ngoài mục đích minh định ý nghĩa của chủ đề. Tôi minh định rằng người chinh phụ trong tâm trạng lãng mạn của mình đã sống một kiếp lưu đày tình cảm. Cuộc đời nàng như một số phận bị bỏ quên và tiếng lòng khi vang lên là muốn nói với cuộc đời rằng mình đang hiện hữu"(7). Nhưng đó là sự hiện hữu trong cô đơn của một thân phận bị lưu đày. Vì vậy “người chinh phụ cũng như tất cả mọi con người chúng ta không dám đi sâu vào đêm Tuyệt Vọng, vì đi sâu vào đêm tuyệt vọng chỉ còn va phải cái chết bi đát mà thôi. Tuyệt vọng nhất của con người là cái chết, nhưng tuyệt vọng hơn là cái chết cô đơn.(…) Ta làm sao nghe được, biết được kẻ kia và trái lại kẻ kia làm sao nghe được, biết được tiếng nói của ta, con người vì vậy sống trong hai lần cô đơn bi thiết, cô đơn của mình và cô đơn của tha nhân mà chính mình đang hứng chịu cho cả tha nhân:
Thiếp trong cánh cửa chàng ngoài chân mây…
Biết như vậy để mà sầu khổ, biết như vậy để mà xót thương, để nhìn vào số phận mình với một cái nhìn bất mãn lưu đày rõ rệt”(8). Gần với thời kì hiện đại, thi sĩ Tản Đà, người được mệnh danh là chiếc cầu nối của văn học trung đại và hiện đại. Trong “Tính chất bi đát trong thi ca Tản Đà” ở báo Thời tập (số X+6, Đặc biệt mừng Giáng sinh), Nguyễn Thiên Thụ cũng trên cơ sở của triết học hiện sinh cho rằng tính bi đát trong thi ca Tản Đà chính là bi kịch giữa thực và mộng của thân phận con người và của chính thân phận ông “Tản Đà cũng như kẻ sinh ra ở cõi đời này đều không có tự do. Chính ta bị ném ra giữa cuộc đời và không có quyền quyết định sự hiện hữu của mình. Tản Đà bị ném vào giữa một xã hội điên đảo ở buổi giao thời tối tăm. Tản Đà đã không thừa hưởng được cái gì của cuộc đời này cả ngoài đống tro tàn sách vụn của đổ nát, điêu tàn ngay trên quê hương mình.”(9)
Cùng với việc phân tích các tác phẩm văn học trung đại, các nhà lý luận phê bình còn ứng dụng triết học hiện sinh để phân tích các tác phẩm văn học hiện đại. Đó là tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Thị Hoàng, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thụy Long, Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Võ Hồng, Vũ Khắc Khoan, Lệ Hằng, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê, Mai Thảo, Trùng Dương, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Đinh Trầm Ca … Đó là cái nhìn đầy hiện sinh của Tuệ Sỹ về “chiến tranh, tình yêu và hoài niệm” trong truyện ngắn Võ Hồng (Văn số 3/1974), khi cho rằng “Tình yêu cũng phi lý như chiến tranh, cả hai cùng ngoi đầu dậy từ những phá phách hỗn loạn của một cơn giận mông lung, vô cớ và vô nghĩa. Cũng như một cành gai nhỏ, đâm vào da thịt, cấu xé da thịt, nhức nhối; ở đó tình yêu lớn dần cùng với mức độ trưởng thành của sự chết trên một phần da thịt” (10)
Khi viết về Thanh Tâm Tuyền, trong Đi tìm tác phẩm văn chương, Huỳnh Phan Anh đã chỉ ra tư tưởng hư vô, niềm cô đơn, cùng những đam mê trong khát vọng kiếm tìm thân phận con người ở các nhân vật trong Cát Lầy của Thanh Tâm Tuyền: "Nó tự đánh mất chính nó hay đúng ra là nó tự mình phủ nhận chính mình. Nó không còn là nó nữa. Một kẻ nào khác đang sống trong đó, xa lạ hoàn toàn. Cũng không phải một kẻ khác đang sống trong nó. Nó chỉ còn là một ý thức trần trụi, cô đơn đang rên rỉ, đang kêu đòi một cách âm thầm xót xa hay dữ giằng man rợ, một ý thức đang oằn oại trong khát vọng và đam mê của sự phá phách, của sự hủy diệt. Người ta tìm thấy bàng bạc trên khắp các trang sách của Cát Lầy những tiếng kêu điếng hồn, thì thầm hay thất thanh, của một kẻ không ngớt hồ nghi, bàng hoàng trước tên mình. “Mầy là Tri, mầy vẫn là Tri”. “Tôi có phải là Tri không”. “Tôi không là Tri …
Những tiếng kêu thốt lên từ các phần tăm tối nhất của bản thể, từ những bóng đêm thăm thẳm của địa ngục, những tiếng kêu dồn dẩy, nhào trộn nhau, biến thành những điệp khúc man rợ, những đoạn kinh cầu hồn.”(11). Còn trong quan niệm của Phạm Việt Tuyền, Mặt trời tìm thấy của Thanh Tâm Tuyền là sự tìm thấy nỗi tuyệt vọng của “một ám ảnh gieo rắc bi quan lên cả không gian lẫn thời gian, khiến cho thi nhân đang ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới”(12). Hoặc Mù Khơi của Thanh Tâm Tuyền trong cái nhìn hiện sinh của Trầm Tư, đó là một tác phẩm "dẫn dụ độc giả vào một thế giới bất trắc, sâu thẳm của một kinh nghiệm làm người sống tận cùng của những ray rứt và cô độc " (13)
Trần Nhựt Tân trong bài viết “Đêm và biện chứng vĩnh cửu trong thơ Nguyên Sa” đã nói đến nỗi ám ảnh của cô đơn và hư vô “như một ý thức hiện hữu”: "...những lần cảm nghiệm thẩm mĩ về hư vô là con đường trở về tâm tình nguyên thủy trong khoảnh khắc ở đó ý thức li dị với thực tại, nội giới và thời gian: và tâm tình nguyên thủy chính là nguồn suối mộng thơ bày tỏ nên nghệ thuật; nhất là thi ca. Những lần thức tỉnh ấy mang hư vô về ám ảnh cái chết và gọi tên: Nguyên Sa hiện hữu như một hữu thể đã chết vì sẽ phải chết, trong khi bản năng sinh tồn vẫn mời gọi chàng lẳng lơ: hiện hữu chính là khả thể tính của một ý thức nổi dậy từ biên cương: hiện hữu – hư vô – cô đơn!"(14). Cũng như Trần Nhựt Tân, Cao Thế Dung đã lý giải thơ Nguyên Sa từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh. Ông đã phát hiện bản chất tình yêu trong thơ Nguyên Sa là một “sự rạn vỡ” và tình yêu chỉ "như một tình cờ ". Với cái nhìn của Cao Thế Dung “Nguyên Sa luôn là một nhà thơ có khuôn dáng yêu đương thơ mộng. Thơ ông đã thể hiện rõ tâm trạng thời đại của ông. Thơ ông cũng không phải và không thể là hiện sinh kiểu sartre. Ông là nhà thơ của một dòng sông hiện sinh trong hiện hữu. Nguyên Sa im lìm mà khuấy động, yêu đương trong sự rạn vỡ, dòng hiện sinh ấy mang theo tình yêu như một tình cờ”(15). Hay “Bướm trắng” của Nhất Linh cũng được Huỳnh Phan Anh nhìn dưới lăng kính của triết học hiện sinh “Trong thế giới về chiều của “Bướm trắng”, con người luôn phải sống trong mối ám ảnh liên lỉ của cuộc hủy hoại sau cùng, cái chết. Cái chết trở thành bá chủ. Ta có thể nói rằng tất cả đều đã bắt đầu. bắt nguồn từ cái chết đã nằm sẵn trong ý thức của Trương. Chính cái chết (hay đúng hơn là ảo tưởng về cái chết) đã đưa Trương vào tận những miền sâu thẳm của tâm hồn mình”(16) và “Sống tức là chạm mặt thường xuyên với chính thân phận đầy giới hạn và ngẫu nhiên của chính mình: Sống tức là đang đi lần tới, đã tới chỗ tận cùng của đời sống mình. Phải chăng chính trong những phút, chỉ trong những phút được gọi là hấp hối của con người đời sống sẽ chợt hiện lên trong vẻ đẹp não nùng nhất của nó. Cái gì đã làm ngây ngất người đọc ở “Bướm trắng” nếu không phải là cái vẻ đẹp não nùng của đời sống như sắp sửa vỡ tan thành mây khói kia? ”(17)
Như vậy, hầu hết các phạm trù cơ bản của triết học hiện sinh đã ảnh hưởng sâu sắc đến sáng tác văn học ở đô thị miền Nam, và cũng được các nhà lý luận phê bình vận dụng vào việc tìm hiểu các hiện tượng văn học. Khuynh hướng phê bình hiện sinh đã làm một cuộc cách mạng trong việc đổi mới tư duy lý luận phê bình. Nhiều hiện tượng văn học, nhất là các hiện tượng văn học thời kỳ trung đại được các nhà phê bình ứng dụng triết học hiện sinh, khám phá thêm nhiều ý nghĩa mới, hiện đại hóa nội dung tư tưởng của những hiện tượng văn học tưởng chừng như đã được khẳng định, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong phê bình văn học. Đây cũng là điểm đóng góp của khuynh hướng phê bình hiện sinh vào đời sống lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam cần được ghi nhận và khẳng định. Bởi lẽ, trong phê bình văn học, mọi quan điểm phê bình đều có một giá trị riêng, và không có giá trị độc tôn cho bất kỳ một khuynh hướng phê bình nào. Tiếp nhận văn học bao giờ cũng tương hợp với tầm đón đợi của người đọc trong từng thời đại khác nhau. Phê bình văn học là một hoạt động tiếp nhận nên cũng luôn biến sinh theo sự biến sinh của đời sống và sự tiếp nhận của nhà phê bình trong mỗi xã hội nhất định. Vì vậy, dù có thể có những hạn chế, song với những gì đã hiện hữu, khuynh hướng phê bình hiện sinh đã đem đến cho sinh hoạt lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam những luồng sinh khí mới, làm cho đời sống lý luận phê bình thêm phong phú, sinh động. Và đây là một trong những khuynh hướng phê bình văn học chủ yếu góp phần làm nên diện mạo lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975.
(4) Lê Tuyên "Thời gian hiện sinh trong Đ.T.T.T". Đại học số 9/1959, tr.52
(5) Nguyên Sa "Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do" Sáng tạo 12/1957, tr.52
( 6) Thanh Lãng "Kiều qua 150 suy nghĩ văn học" Nghiên cứu văn học, Số 9 ra ngày 15/11/1971, tr.16
(9) Nguyễn Thiên Thụ, "Tính chất bi đát trong thi ca Tản Đà", Thời tập X+6 (Số đặc biệt Giáng sính) 1974, tr.39
(10) Tuệ Sỹ, "Chiến tranh tình yêu và hoài niệm" Văn số 3, ra ngày 1/3/74, tr.17.
(12) Phạm Việt Tuyền, Tôi đọc thơ, Phong trào văn hóa xb, SàiGòn, 1972, tr.104.
(13) Trầm Tư, "Đọc Mù khơi của Thanh Tâm Tuyền" Ý thức số 6 ra ngày 15/12/70, , tr.34