Bích thở dài đánh thượt trong cổ họng. Khỉ! Người chi mà biền biệt. Không biết người ta mong. Mong lắm...
Người chi đây, trong tiếng thở dài của Bích, là Mung. Làng nón gọi là Mung kẹo kéo. Bích nhớ, khi những cánh đồng bắt đầu trơ cuống rạ, người ra đồng đi chân, đạp lên nghe ram ráp, sởn gai, và khi những đứa trẻ đen nhẻm, quần áo rách bươm, hò la, từ chân đê lao xuống ruộng rạ với trái banh quấn bằng giẻ nùi... đó cũng là lúc Mưng xuất hiện. Chiếc xe đạp tróc sơn màu sắt gỉ lúc đầu gắn chuông. Tiếng leng keng như một khúc đồng dao ngô nghê, mời gọi. Anh Mưng, em thích anh kéo kẹo dài. Anh Mưng, em thích ngắn, mập. Anh Mưng... Đứa trẻ khác, quần xệ tới rốn, nước mũi lòng thòng, cầm khẩu súng nhựa ngắm cẩn thận cái lỗ nhỏ. Nếu đạn lọt vào, Mưng phải trổ tài kéo kẹo thưởng.
Bích nhớ, nhớ lắm. Hường, bạn thân của Bích bảo: Phải lòng nhau rồi, cái chi nhỏ cũng nhớ. Bích thấy đúng, dù đó là lần đầu Mưng xuất hiện ở làng này.
Mùa rạ trơ năm ngoái, Mưng lại về, áo ca-rô kẻ sọc, quần kaki đà. Phía sau xe là chiếc máy hát to đùng. Chú Mân cạnh nhà Bích, gạ mãi, để buổi trưa, Mưng nghỉ nhà chú. Chú mê giọng cô Lệ Thủy dẻo như kẹo kéo, giọng mùi của Minh Vương...
Bích lại thở dài, xếp phẳng phiu những chiếc lá. Mẹ bảo: Mai dậy sớm, ủi đống lá. Trưa, xuôi chợ Gianh, mua thêm. Mùa lễ hội, người ta đặt nhiều. Bích dạ nhỏ, mắt vẫn hướng ra ngõ. Ngõ nắng, buồn như làng nón mùa mưa. Người chi mà... năm ngoái, trong nhà chú Mân, Bích còn nghe rõ tiếng Mưng hẹn mùa này về sớm. Thế mà, đống rạ đã gần thối gốc, bàn chân giẫm lên không còn nghe ram rám. Ba ngày trước, Bích băng đồng, qua hói kiệt, ngược chợ Gianh. Chân Bích đạp lên những gốc rạ nhũn mềm bởi những trận mưa giông muộn. Bích thấy dưới chân mình nham nhám nước, lòng cô nao nao. Cô lại bắt gặp những xác diều, trái banh giẻ nùi của tụi trẻ đã chán chường, rã rệu vất long lóc trên đồng. Người chi mà... Mưng ơi!
Đêm, Bích nằm trên chõng tre. Những nan tre già, bóng mỡ, mát lạnh. Mưa ngùi ngùi. Bích xô cửa sổ. Làng nón chìm trong mưa. Tiếng ếch nhái vọng đều trên những cánh đồng trơ rạ bây giờ chắc hẳn đã xâm xấp nước. Giông muộån mà dai dẳng lạ, từ chiều đến giờ. Trong mờ đục, mắt Bích hướng ra cái chòi vịt của cậu Rô. Có lần, chiều muộn lắm, Bích và Mưng ngồi trong vườn chú Mân ngó ra. Chòi vịt liu riu đốm lửa đèn. Từ chòi, khói rơm trấu đườm đượm, nồng nồng khóe mũi. Bích biết vợ chồng cậu Rô đêm nay sẽ ở lại canh chòi, bởi mùa vịt bầu đẻ trứng. Cô chỉ cho Mưng cái ánh sáng đó. Họ thầm thì về một hạnh phúc bé nhỏ, mong manh.
Càng khuya, mưa càng nhiều. Bích không sao ngủ được. Cô xô mền vùng dậy. Bích mở rương, sục tay vào dưới đống quần áo. Tay Bích chạm vào những tờ giấy mà cô đã vuốt phẳng phiu nhiều lần. Đó là những bài thơ của Mưng.
Năm trước, mùa lễ hội, một bác từ tỉnh về bảo mẹ: Khách thích những nón lá có những bài thơ. Mẹ bảo: Thơ gì? Bác bảo: Thơ gì miễn là thơ.
Nghe Bích kể, Mưng cười, hiền như đất: Thơ tôi nhiều lắm. Để tôi kiếm tặng Bích.
Bích đọc cho Hường nghe: Anh đến tìm hoa, thì hoa đã nở/Anh đến tìm đò, đò đã sang sông. Hường cười cười: Thơ hay thường buồn. Bích cũng không hiểu sao nhưng thấy Hường nói trúng phóc.
Mưa đêm rả rích. Tiếng chó sủa khan đêm. Buồn quá, Mưng ơi.
2. Ông Cả Hưởng kéo sợi dây gấc to bằng nửa sợi thừng. Con đò rùng rùng mấy cái rồi xuôi xị, lướt êm trên một khúc sông ngắn cách bờ non bốn sải tay. Thím Dừa vỗ đét lên vai Bích, Bích giật mình. Tiếng thím chen chét như dao liếc trên đá: Đến rồi mày. Dạo này thấy mày oải oải. Thằng Mưng về chưa? Bích cười. Nhưng mắt nhìn xa, buồn buồn. Mưng ơi, cả làng nón biết chuyện mình. Gái ở làng khổ lắm. Da đen, tóc cháy đã đành. Tình hẹp như đò ngang. Yêu ai không thành, râm ran một cõi.
Chị Mận ở làng bên đó. Cách một hói sông nước kiệt mùa rạ khô. Mười tám tuổi, yêu một công nhân về Kinh Tàu làm thủy lợi. Bố mẹ lành như sắn khoai, rước vô nhà. Lại lo chỗ ăn, chỗ ngủ. Ngày tỉnh về cắt băng khánh thành, rượu sâm banh nổ đôm đốp. Đêm ấy văn nghệ hát đến khuya. Chị Mận chờ mãi, đèn lu dầu kiệt, không thấy người về.
Bây giờ, trên đê Kinh Tàu, hàng phi lao đã lên xanh ngợåp, chị Mận đã thôi khóc, thôi chờ, nhưng trai làng không dám bén mảng tới nhà. Ông bố, từng chiều, xong việc đồng, nhẩn nha trên cái sân gạch, nhổ từng chùm cỏ dại, ngoan cố, lắt lay, vượt lên từ đất. Chị Mận ngồi trong phòng, ngó ra cửa sổ, thở hắt từng hồi. Một đêm chị ra Kinh Tàu. Và không thấy chị về...
Nước xuôi tình chị. Chị lại theo nước mà biệt tăm.
Thuyền cập bờ. Thím Dừa về cùng Bích. Đến ngang cây sung dại, đáng lẽ Bích sẽ tắt ngang Kinh Tàu, qua đồng rạ, theo đường gần về nhà. Nhưng Bích không theo lối đó. Thím Dừa chửi: Cha mày, lẩn thẩn rồi thành con Mận làng bên. Tao mà như mẹ mày, kiếm đám nào gả quách. Bích cười, thím kiếm giùm con đi.
Bích không theo đường gần. Đường này, đối với cô, có đồng chiều đã âng ấc nước, gợi một lời hẹn muộn. Đường kia có xa, nhưng sẽ ngang qua đình làng.
Đêm ấy, đình rộn như chợ phiên ngày tết. Tấm băng-rôn màu đỏ, chữ xanh bay phần phật. Bích đọc: Đoàn nghệ thuật cải lương Sao Biển. Hơn năm giờ, Hường đã đến. Nó mặc bộ đồ sa mỏng in hoa. Mặt nó trét một lớp phấn nụ hiệu Con Bướm bán nhiều trong ngày tết. Bích và Hường đến giờ ấy mà đã không còn chỗ. Dãy bàn ghế mượn của Trường Tiểu học Kinh Tàu lô nhô người ngồi. Hường lành nhưng lanh lẹ. Nó dắt bạn nhảy phóc lên bức thành thấp bọc quanh đình. Chỗ ấy, Bích gặp Mưng.
Vở Súy Vân giả dại đang đến hồi gay cấn. Súy Vân phải lòng Trần Phương. Vân muốn bỏ chồng là Kim Nhan đang đeo đuổi công danh ở xa, giả điên, Kim Nhan đành phải thuận lòng dứt tình với vợ. Sau đó, Trần Phương cũng bội bạc. Súy Vân tan nát, dở điên dở tỉnh. Nàng lang thang vào dinh phủ xin ăn. Đó là nơi chồng cũ của nàng là Kim Nhan đang làm quan. Cô đào hát đoạn này vừa nức nở vừa tủi nhục xót xa. Hường nghe, mắt long lanh: Đáng kiếp, đàn bà chi mà... Bích không nói gì, giọng ca làm Bích mủi lòng. Bích nghĩ khác, đàn bà khi chồng không ở bên cạnh khổ trăm chiều. Tình yêu lại biết khi nào là dại khi nào là khôn...
Sau này, khi quen Mưng, Bích nói lại điều đó. Mưng cười, kéo đầu Bích vào vai: Yêu không dại không khôn. Mà nếu có, chỉ toàn là dại. Bích nhắm mắt, nói trong hơi thở: Dại mới yêu kẻ rày đây mai đó. Mưng lại cười nhưng mắt buồn. Buồn lắm.
Mưng quả là một kẻ phiêu bạt. Mưng làm đủ nghề để kiếm sống. Mười tuổi, Mưng theo mẹ vào tận miền Nam. Lớn lên, Mưng thấy cứ sục tay vào bùn nhão, moi lên hạt cơm, hạt gạo khổ như châu chấu, chuồn chuồn. Mưng có hoa tay. Mẹ sắm cho thùng đồ nghề, Mưng tới cổng trường vào dịp mùa hè. Học trò chia tay, thích khắc những dòng chữ lên bút. Nhưng nghề ấy không bền. Học trò càng ngày càng ít dùng bút máy, Mưng lắt lay một thời gian rồi theo bạn đi đào vàng. Mẹ Mưng bảo: Vàng mắt vàng mũi... Cuối cùng, Mưng sắm thùng kẹo kéo, ngược xuôi đầu bãi cuối sông.
Về làng nón lần sau, cái máy nhạc to đùng của Mưng lúc đầu kéo theo cả mấy chục đứa trẻ. Người lớn đang làm, nghe máy hát, ngừng tay. Họ ước ao, những đêm mưa nằm nghe Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Người phu khiêng kiệu cưới...
Bích vào ngõ nhà. Nhà lao xao như có giỗ. Bích biết điều gì đang đến. Và cô mong Mưng cũng bởi điều ấy.
Gia đình Tiều muốn dạm hỏi Bích. Tiều học trường huyện hồi cấp ba cùng Bích. Lù khù như cu cườm. Nhà Tiều đông con trai. Mẹ Tiều có người chị hiếm muộn. Thành thử, học cấp ba xong, Tiều lên thành phố ở hẳn với dì. Nhà dì Tiều có hàng bán tạp hóa, Tiều phụ việc chạy hàng. Tiều gọi luôn dì bằng mẹ.
Tháng trước mẹ bảo Bích. Bích cúi đầu không nói, nhìn cái nón đang chằm dở. Kim chích vào đầu ngón tay trỏã, đau điếng. Đời con gái một lần, lựa chỗ chắc chắn. Lao xao, mờ ảo, khổ thiệt một đời. Con Mận làng bên...
Bích rủ Hường ra sân đình. Mấy ngày nay làng nón đã thôi mưa. Trăng mười hai mỏng mảnh như sừng trâu nghé. Gió lao xao đẩy mượt cỏ cây trên một khoảng sân rộng. Hường lại nhảy phóc lên gờ thành cũ, chỗ mà Bích và Mưng đã gặp nhau.
Bích hỏi, giọng như gió thoảng: phải làm sao? Hường nhìn xa: Mưng vẫn biệt tăm ? Bích thở dài. Súy Vân giả dại, còn em, em phải làm sao khi chân rạ đã thối gốc mà anh vẫn chưa về... Mưng ơi!
3. Ông ngoại Bích ở làng bên sắp đi. Bố Bích ngồi uống rượu với mấy người cậu của Bích. Ông đặt chén rượu xuống chiếu, nói như ra lệnh: Phải gả nhanh con Bích. Cần thì cưới chạy tang. Bích hỏi Hường. Cưới chạy tang là chi. Hường nói như khóc: Cưới chạy tang là cưới gấp, hỉ sự trước hậu sự. Nếu không phải đợi hết ba năm. Bích hiểu. Cô thẫn thờ như gà rù giữa buổi đồng vắng, xao xác tiếng nồm quạnh. Gió tông tốc, thổi lay lắt những bụi cỏ gà khô. Buổi chị Mận làng bên tự tử, không hiểu sao nhìn chúng, Bích cứ mường tượng đó là hồn thiêng của chị uất ức mà xuôi gió đi tìm người thương đành đoạn.
Nhà vắng. Bố mẹ Bích đã qua hết bên ngoại. Tiều đến. Bích cúi gằm vào cái nón lá chằm dở. Bích chọn hai câu thơ Mưng đưa. Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở/Anh đến tìm đò, đò đã sang sông...
Tiều bảo: Mẹ tôi biểu cùng Bích sang thăm ông ngoại. Bích ngẩng lên: Ông ngoại của ai ? Tiều lúng túng như ngậm sỏi. Bích không thương cũng không ghét Tiều. Hồi học cùng lớp, tụi bạn đặt cho Tiều biệt danh là Cu Cườm. Lớp học ở trường huyện nghèo như Kinh Tàu không đông nhưng Bích có cảm giác là không có Tiều. Đúng là Tiều có cũng như không? Tiều lành và rụt rè như đất quê. Đất quê gieo gì lên nấy. Cam chịu và biết nghe lời. Một cành đào tận đất Bắc xa xôi, sau khi đã ngắm xong ba ngày Tết, ném vào đất, đất vẫn nhẫn nại nuôi cây. Đào không hoa nhưng bung xòe chồi non, lộc biếc. Vất một hạt xoài cát từ phương Nam, đất quê lại nhẫn nhục vun vén. Trái chua, ừ làm sao ngọt như trái ở đất người, nhưng cứ là trái. Tiều lớn lên từ đất quê. Bích cũng lớn lên cùng đất quê. Mẹ Tiều bảo lấy vợ. Bố Bích bảo lấy chồng. Xoài chua loét nhưng cứ là xoài. Đào không hoa nhưng cứ là cây.
Bích hỏi nhưng không đợi câu trả lời của Tiều. Cô đứng dậy, bỏ lại chiếc nón chằm dở, đi cùng Tiều sang ngoại. Dọc đường, Bích lại bắt gặp những bụi cỏ gà khô lăn tông tốc. Cô không dám mường tượng đó là hồn thiêng chị Mận. Những điều ấy như chỉ có trong phim của Hàn Quốc, Bích nghĩ, tự yêu và tự quyết là chuyện trên phim ảnh, nơi những đất nước xa xôi hoặc ở trên thành phố. Đất quê lành nhưng nghiệt lắm. Đời bà, đời mẹ rồi bây giờ là đời Bích, đời Hường. Điện về rồi, trâu không còn ì ạch kéo những vuông gỗ cày trên cánh đồng bùn nhão nhưng đất quê vẫn cứ là đất quê.
Đất quê bảo cưới. Ừ thì cưới. Dù không vội nhưng cần thì cưới chạy tang.
Đám cưới quê đơn, bạc nhưng vui lắm. Ông Cả Chưởng huy động đám đò dọc, đò ngang đưa đến cho nhà Tiều sáu chiếc. Mui đò kết đèn nháy Trung Quốc, xanh đỏ lập lòe.
Đã đến giờ rước dâu. Trước khi xuống đò qua nhà trai, cậu út Mỹ, cơ chừng đã mềm môi, còn cố hát câu cuối cùng: Sao không lấy chồng gần... Tiếng hát khàn đặc thuốc nhưng trong gió quê, buổi chiều, trên những cánh đồng trơ rạ, cuộn vang, dập dờn như sóng. Tụi trẻ con nghe, chúng cất giọng hát đuổi... để con chim đa đa...
Bích theo Hường xuống con đò cuối cùng. Con đò chòng chành. Bích nghe. Cô mường tượng đó là một tiếng thở dài.
Sông chiều mát rượi. Bích nhìn bờ đá. Nước dập dờn. Chỗ không có dấu chân người, kè đá phủ rêu xanh trơn trợt.
Đất quê trong ngày vui lại buồn man mác. Cô nhìn đám trẻ làng nón lao nhao trên bờ. Cô không hề biết chúng đã che khuất tầm nhìn của cô khiến cô không thấy một người. Một người về muộn. Muộn lắm...
Sau này, nghe Hường kể, cô không trách bọn trẻ. Đất quê sẽ nuôi chúng lớn lên. Rồi chúng cũng như bà, như mẹ, như cô, như Hường. Vả lại, nhìn thấy cũng không để làm gì. Đò đã xuôi...
Đất quê lành lắm. Ném xuống cây gì, quả gì, đất quê cũng nhận. Ngọt nhờ, đắng chịu./.