Ngày ấy cách đây đã gần năm năm. Văn phòng tôi tổ chức hai lớp tập huấn về tư vấn HIV và để giúp các học viên hiểu và cảm thông hơn với những con người đặc biệt này tôi mời đến mỗi khóa tập huấn một vài người nhiễm HIV. Lớp thứ nhất của tôi ở Hà nội diễn ra thật là suôn sẻ. Một buổi tối tôi gọi điện cho em, tên em là Dung, để chuẩn bị cho khóa tập huấn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi choáng váng khi nghe em nói “Em bị mất việc rồi chị ạ!” Thì ra cái phong bì thư mà tôi gửi em trong đó có thư mời tham gia tập huấn, bản câu hỏi mà các học viên muốn hỏi em và một hợp đồng làm việc ngắn hạn mà văn phòng tôi ký với em đã bị người của công ty em bóc ra. Họ đã biết em nhiễm HIV và đuổi việc em. Tôi có cảm giác như mình vừa vô tình đẩy một người vô tội xuống vực thẳm. Tôi ân hận là đã gửi những thứ giấy tờ ấy đến địa chị công ty của em, địa chỉ duy nhất mà tôi biết. Tôi oán trách mình và oán trách những con người độc ác ở công ty của em. Tôi biết mình không chỉ vô tình làm hại em mà còn làm hại cả hai con em, hai đứa trẻ mồ côi cha và chỉ còn trông cậy vào một nguồn sống duy nhất, đó là thu nhập của em. Tôi đã khóc không biết bao nhiêu là nước mắt. Ngày hôm sau tôi đến lớp và nói tin dữ này với Maria de Bruyn, chị giảng viên người Hà lan mang quốc tịch Mỹ đang làm việc với tôi trong khóa tập huấn này. Tôi chỉ nói với chị được đúng một câu “Dung đã bị đuổi việc vì người ta bóc phong bì thư tôi gửi và biết rằng em nhiễm HIV”. Cổ họng tôi nghẹn tắc và tôi không thể nhìn vào mắt Maria được nữa. Tôi quay ra cửa sổ và không thể không khóc. Một đôi bàn tay ấm áp đặt trên hai vai tôi khẽ run rẩy. Tôi biết rằng đó là Maria và tôi cũng biết rằng giống như tôi, chị đang khóc thầm…
Tôi cùng Maria bay vào thành phố Hồ Chí Minh cho khóa tập huấn thứ hai. Dung xuất hiện ở cửa lớp và không hiểu vì sao tôi đã nhận ra em ngay mặc dù chưa gặp em lần nào. Đôi mắt em đen huyền và buồn lắm! Em không thể là một ai khác mà chính là Dung, người mà tôi vẫn thường liên lạc qua điện thoại. Như bị một làn gió cuốn, tôi ào ra cửa và ôm chầm lấy em “Dung phải không em?” Em nghẹn ngào “Chị!” Tôi nói thầm vào tai em “Thế nào học viên cũng hỏi em về nghề nghiệp của em. Em để chị trả lời câu hỏi của họ nhé!” Tôi lại không cầm được nước mắt khi nói ra điều này. Tôi chẳng nói được một lời động viên nào với em mà chính em lại là người làm việc ấy với tôi. Tôi giới thiệu với tất cả mọi người Dung là người trợ giảng của chúng tôi và một buổi sáng đã trôi qua tốt đẹp khi chúng tôi giảng về HIV và những nguyên tắc tư vấn. Và buổi chiều Dung cùng hai người bạn nữa đã xuất hiện trong lớp với vai trò là những người nhiễm HIV. Câu chuyện mà em kể thật buồn: Cách đây năm năm em có thai cháu thứ hai. Em đi làm xét nghiệm và được biết mình nhiễm HIV. Em sốc nặng lắm nhưng vẫn cố động viên chồng đi làm xét nghiệm và em đã cảm thấy như mình chết đi thêm một lần nữa khi biết chồng em cũng nhiễm HIV. Chồng em làn thủy thủ tàu viễn dương. Gia đình em đã từng rất hạnh phúc và bạn bè em đã từng thèm muốn được như em. Đứa con thứ hai của em ra đời trong không ít lời nói kỳ thị đau như dao cắt của các bác sĩ và nữ hộ sinh. Họ không hiểu được dù mang vius trong dòng máu tất cả những người nhiễm HIV đều là những con người. Hơn ai hết họ cần được trân trọng, họ cần được thương yêu. Trong bao nỗi đắng cay, một điều may mắn đã đến với vợ chồng em: con gái em thật là xinh xắn và cũng như anh cháu, cháu không mang trên mình căn bệnh thế kỷ kia. Nhưng tai họa vẫn chưa chịu rời bỏ gia đình em, khi con gái em được 16 tháng tuổi thì chồng em không may bị tai nạn xe máy. Anh được đưa vào bệnh viện và một lần nữa được làm xét nghiệm HIV. Tất nhiên kết quả vẫn là dương tính nhưng còn không may mắn hơn cả lần xét nghiệm đầu tiên, bệnh viện đã thông báo về y tế cơ sở nơi em sống. Và cứ như vậy từ nhân viên y tế sang đến hàng xóm láng giềng rồi sang đến những người thân trong gia đình em, ai cũng xì xào về việc cả gia đình em nhiễm HIV. Ở trường các con em bị các bạn xa lánh. Có những ông bố bà mẹ đã cho con mình chuyển sang lớp khác để không phải học cùng lớp với các con của em. Rồi một tai họa nữa lại xảy ra: chồng em nhiễm lao và hội chứng AIDS ngày một rõ ràng hơn. Anh ngày càng suy sụp và sau 18 tháng thì anh không còn chống cự nổi và đã ra đi để lại cho em hai đứa con và sự kỳ thị của hàng xóm láng giềng, bè bạn và cả của những người thân trong gia đình. Em lầm lũi kiếm sống và nhờ có đôi bàn tay khéo léo em làm nghề thêu ở một công ty may mặc cho đến “bây giờ”. Em đã cố tình không nói đến “tai nạn” mất việc do tôi gây ra. Em bảo vệ tôi, em không muốn làm cho tôi đau lòng và bị tổng thương trước các học viên trong lớp.
Tối hôm đó chúng tôi đã có một bữa ăn cùng nhau, em, Maria, tôi và hai người bạn làm trong những dự án khác nhau về HIV. Chúng tôi cùng nhau tìm cách để giúp em. Chúng tôi muốn cùng em trở về công ty cũ của em để ép họ phải cho em tiếp tục làm việc. Chúng tôi muốn viết báo về trường hợp bị đuổi việc của em để dấy lên một làn sóng chống kỳ thị những người nhiễm HIV. Em cảm động vì tấm lòng của chúng tôi nhưng một mực từ chối. Em nói “Mọi người kỳ thị mẹ con em kinh khủng lắm nhưng sau một thời gian họ thấy chúng em vẫn khỏe mạnh nên mọi chuyện đã lắng xuống. Nay nếu làm ầm ĩ việc em bị sa thải thì em sợ rằng chúng em lại bị kỳ thị như trước đây. Em có thể chịu đựng được nhưng em sợ rằng hai con em còn nhỏ không thể chống chọi nổi với sự ghẻ lạnh của mọi người.” Maria và tôi bỏ một số tiền nhỏ vào phong bì và cố thuyết phục em nhận. Từ đáy lòng chúng tôi vẫn biết rằng em cần một công việc ổn định chứ không phải là số tiền nhỏ nhoi đó. Thật may mắn trong bữa cơm tối hôm đó có một người bạn làm cho dự án Smart Work, một dự án hỗ trợ những người nhiễm HIV. Anh hứa sẽ tìm cho Dung một công việc phù hợp của dự án và chỉ sau đó 11 ngày Dung đã bắt đầu công việc mới này. Em tư vấn cho những người sống với HIV như em và thật đáng ngạc nhiên, em ngày càng tự tin và trở thành một giảng viên xuất sắc về tư vấn HIV.
Em thường gửi tin nhắn và gọi điện thoại cho tôi vì vậy tuy ít gặp em nhưng tôi biết những gì đang xảy ra với em và các con em. Cơn bão số 9 năm 2007 đã hất tung mái nhà của em. Khi tôi gọi điện cho em, ba mẹ con em đang ôm nhau đứng dưới mái một ngôi trường. Maria và tôi lại gửi em một số tiền nhỏ mà vẫn biết rằng nó chẳng giúp em được bao nhiêu. Rồi cơn bão của thiên nhiên khốc liệt cũng tan đi nhưng một cơn bão khác còn dữ dội hơn lại ập đến: cơn bão trong gia đình em. Công việc của dự án đã kết thúc, em và các con phải sống dựa vào cha mẹ nhưng em càng ngày càng nhận ra rõ ràng hơn rằng đây không còn là một chỗ dựa vững chắc nữa. Em lo lắng đến ngày em phải ra đi hai đứa con nhỏ sẽ bơ vơ không nơi nương tựa. Em đi đến một quyết định tan nát lòng bất kỳ một người mẹ nào: em muốn tìm cha mẹ nuôi cho các con. Em gọi điện cho tôi và chúng tôi đã cùng nhau khóc trên điện thoại. Là một người mẹ, tôi không đồng tình với em cho đến khi gặp lại em. Đó là một buổi sáng bên bãi biển Vũng tàu. Em ngồi bên tôi trong một quán cafe nhìn ra biển. Em đẹp lắm, làn da trắng mịn màng và những lọn tóc mềm mại xòa bên má. Tôi hỏi em đã suy nghĩ như thế nào mà đi đến quyết định cho các con làm con nuôi. Tôi hỏi em có biết rằng khi các con không còn ở trong vòng tay của em nữa thì bệnh tình của em có thể nặng lên do tâm lý nặng nề của em không. Như để tôi hiểu em bằng dòng điện sinh học em truyền sang tôi, em nắm chặt tay tôi và nhìn vào mắt tôi bằng đôi mắt đen buồn thăm thẳm. Em đã lường hết được mọi điều! Em nói “Cũng như chị, em không bao giờ muốn xa các con nhưng chỉ nghĩ đến khi căn bệnh của em phát ra sẽ không có ai chăm sóc con em cả và lúc đó em có chết cũng không thể nào nhắm mắt được…” Tôi dần cảm thấy có lẽ tôi cũng sẽ làm như em nếu ở trong hoàn cảnh của em. Sau đó vài tháng tôi được tin đã có một gia đình người Mỹ nhận cả hai đứa con em, lúc đó cậu con trai đã lên 10 và đứa bé gái lên 8. Tôi mừng cho em nhưng cũng đau lòng không kém. Rồi các thủ tục được hoàn tất và các con em lên đường cùng cha mẹ nuôi vào mùa đông năm 2007. Em bay ra Hà nội mong được nhìn thấy các con thêm một lần nữa nhưng đó chỉ là một chuyến đi tràn đầy nước mắt. Không hiểu đó là quy định của thủ tục cho con nuôi hay do yêu cầu của gia đình người nhận con, em đã không được nhìn thấy các con thêm một lần nào nữa. Đó là những ngày vô cùng đen tối của cả em và tôi. Chắc không ít người ở khách sạn nơi em ở đã tưởng rằng chúng tôi là một cặp đồng tính luyến ái. Chúng tôi hầu như chẳng biết nói chuyện gì chỉ nắm chặt tay nhau với đôi mắt âng ấng nước. Có phải chăng hơi ấm của một người mẹ cũng có thể làm cho một người mẹ khác vơi đi được phần nào nỗi đau trong lòng?
Những ngày sau đó tôi trở thành chiếc cầu nối giữa em và mẹ nuôi của con em. Em không biết tiếng Anh còn gia đình người Mỹ không biết tiếng Việt và tôi là người phiên dịch cho cả hai phía. Thời gian đầu họ viết cho nhau hầu như hàng ngày và những trang thư như những trang nhật ký của hai người mẹ. Em nhớ con và với bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu tình yêu thương. Người mẹ Mỹ kể tỉ mỉ từ bữa ăn, giấc ngủ, từng ngày các con đến lớp, từng đứa bạn con mới làm quen, rồi những việc nhà mà các con tập làm, những đồ thủ công các con tự tay tạo nên và cả những khi các con không vui vì nhớ mẹ… Những tuần không gọi điện được cho các con em cuống cuồng gọi tôi và nhờ tôi liên lạc với gia đình cha mẹ nuôi gấp… Em hồi hộp từ xa theo dõi từng bước chân của các con.
Thời gian trôi đi và như một triết gia nào đó đã nói “Thời gian là phương thuốc hữu hiệu nhất cho mọi vết thương lòng.” Các con của em đã hòa nhập được với nền văn hóa Mỹ, chúng đến trường, có nhiều bạn mới và học hành ngày càng tiến bộ. Còn em, em đã chọn được một con đường cho riêng mình: em làm tình nguyện viên cho Trung tâm Bảo trợ Trẻ em. Hàng ngày em chăm sóc những đứa con nuôi nhiễm HIV. Em yêu những đứa con nuôi như yêu chính những đứa con đẻ của em. Trong bức hình em gửi tôi nhân dịp sinh nhật một cô bé trong số các con nuôi tôi đã nhìn thấy em khỏe mạnh với nụ cười rạng ngời hạnh phúc bên cạnh các con nuôi.
Em thường nói với tôi “Chị là ân nhân của em!” Nhưng tôi lại nghĩ khác, em mới chính là người mà tôi phải chịu ơn. Em không những không oán trách tôi mà còn che chắn cho tôi khi tôi vô cùng hoang mang vì đã vô tình đẩy em vào một chặng khó khăn của cuộc đời. Em đã cho tôi biết dù ở trong hoàn cảnh nào con người ta vẫn có thể cho nhau được thật nhiều tình thương yêu. Em cho tôi biết tấm lòng không gì đong được và sự hy sinh cao cả của một người mẹ cho những đứa con của mình. Và trên hết em đã cho tôi biết một điều: nghị lực sống có thể giúp con người ta vượt qua được mọi hoàn cảnh, mọi khó khăn và cả căn bệnh mà bao người coi là một cái án tử hình./.
Hà nội 13/10/2009