Tư tưởng Lão -Trang đã thành dấu ấn sâu đậm trong văn học nghệ thuật ở Châu Á , trong đó có Việt Nam. Nhưng chỉ gần đây người Trung Hoa mới đề cập đến tư tưởng mỹ học của Đạo gia mà đại biểu chủ yếu vẫn là Lão Tử và Trang Tử. Chúng ta cùng tìm hiểu quan niệm mỹ học của hai triết gia từng ảnh hưởng đến văn học, nghệ thuật.
Trước tiên hãy nói về Lão Tử, ông là người sinh cùng thời với Khổng Tử hoặc sớm hơn. Theo sách sử của Tư Mã Thiên thì Lão Tử họ Lý tên Nhĩ, tự là Bá Dương, thụy là Đam, người nước Sở, huyện Khổ, làng Lệ, xóm Khúc Nhân, nay là tỉnh Hồ Nam, ông từng giữ chức tàng thư cho nhà Chu. Khi thấy nhà Chu suy vi ông bỏ đi. Khi ra cửa quan, quan lệnh là Doãn Hỉ yêu cầu: “ Ngài toan đi ở ẩn, xin gượng để lại cho tôi bộ sách”. Do đó mà Lão tử soạn ra bộ Đạo Đức Kinh gồm hơn 5000 lời rồi bỏ đi…Sau đó người ta không biết chung cục cuộc đời Ngài thế nào.
Trong Đạo Đức Kinh Lão Tử đưa ra khá nhiều những phạm trù hoạt động thẫm mỹ. liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đối với hậu thế sinh ra những ảnh hưởng rất lớn, như : mỹ - xú, hữu – vô, công chuyết( khéo vụng) .v.v.
Trước tiên, chúng ta hãy xem mối liên hệ giữa các phạm trù đối đãi hay gần gũi nhau như : “thiện” và “tín”, “mỹ” và “xú”. Về ý nghĩa mà nói, chính Lão tử đã tìm thấy mối liên hệ biện chứng và hiểu rõ thực chất của mỹ và xú, thiện và tín, với quy luật giá trị của mỹ. Ông nói: “ Nếu mọi người đều biết mỹ là mỹ thì đó là xú rồi; cũng như mọi người đều biết đó là thiện thì đó là bất thiện rồi. Cho nên, “hữu” và “vô” cùng sinh ra, “khó” và “dễ” cùng hình thành, “âm” với “thanh” cùng hoà vào nhau, “trước” và “sau” cùng tiếp nhau.” Qua lời chỉ dẫn vừa nêu, Lão tử đã quy định hai phương diện của mỹ :
Một là mỹ đối lập với xú, trong đó có sự biến hoá và nương tựa tồn tại mới quy định được ý nghĩa của mỹ. Nhân đó, mỹ và xú mới cùng sinh ra. Nói nôm na mỹ và xú cùng song song tồn tại, tức là có xấu mới có đẹp và nương tựa theo thời thế mà biến hoá giống như : Hoạ hề phúc chi sở ỷ, phúc hề hoạ chi sở phục; thục tri kỳ cực, kỳ vô chính dã, chính phục vi kỳ, thiên phúc vi yếu ( nghĩa là : hoạ là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ núp của hoạ - Ai biết chỗ chung cuộc của nó, nó không có cái ngay thẳng. Trên không ngay thẳng thì người ngay thẳng trở thành ngụy). Căn cứ vào quan niệm đó của Lão tử, thì mỹ và xú nương tựa vào nhau, đối lập nhau, tức là không có cái gì là tuyệt đối, không biến hoá.
Hai là mỹ và thiện khác nhau, bởi trong thời đại Tiên Tần, Mỹ và thiện là hai khái niệm thường đi đôi với nhau, hễ nói đến Thiện là có mỹ, nói đến mỹ là có thiện. Nhất là đối với Nho gia thì hai khái niệm này lẫn lộn vào nhau. Với Lão Tử thì không, ông xác định mỹ là mỹ, thiện là thiện, chúng hoàn toàn khác nhau. Nên Lão tử nói : “Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín. Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện” ( nghĩa là lời thành thực thì không đẹp, lời đẹp thì không thành thực. Người thiện không cần tranh luận, người tranh luận thì không thiện. Đem mỹ và thiện, mỹ và tín đối lập nhau ( chữ tín ở đây có nghĩa là chân). Cho nên, phàm cái gì đẹp thì không chân thật, phàm cái gì chân thật thì không đẹp; cũng như phàm cái gì thiện thì không mỹ mà mỹ thì không thiện. Cái nhìn của Lão tử là phản ánh thời đại của ông, đó là một xã hội đầy dẫy những tráo trở, lật lọng, nói một đàng làm một nẻo, khinh khi nhau. Từ đó đã phản ánh trong cuộc sống xã hội giữa nội dung và hình thức không đạt được sự thống nhất. Do đó, ông mới đưa ra : “Bậc đại trượng phu ở chỗ đầy đặn không ở chỗ mỏng manh, chuộng cái thực là quả là trái chứ không chọn bông hoa nên bỏ đây mà giữ cái kia”( Đạo đức kinh - trang 38 ). Cũng từ quan niệm đó mà đối với mỹ có cái nhìn nghệ thuật, có cái nhìn đặc biệt : Minh đạo nhược muội, Tiến đạo nhược thối, dĩ đạo nhược lợi, thượng đức nhược cốc (nghĩa là: Sáng về đạo dường như tâm tối, tiến về đạo dường như thối lui, ngang với đạo dường như tầm thường, đức mà cao dường như hay trũng thấp, thật trong trắng như bợn nhơ, đức dồi dào hình như thiếu thốn, đức vững chắc dường như cẩu thả). Vuông lớn thì không góc, chậu lớn hoàn thành lâu, âm lớn ít tiếng, tượng lớn thì không hình, đại ân không tên…Nói chung, đối với sự vật vất bỏ hình thức hoa mỹ, phù phiếm mà nhắm vào mặt trái mới thấy được cái chân. Tuy nhiên, vẫn không đánh mất cái công dụng, nên đại thành nhược khuyết, nghĩa là thành tựu mỹ mãn dường như dở dang, chỗ dùng của nó không hư được. “kỳ dụng bất tệ, đại doanh nhược xung, kỳ dụng bất cùng” nghĩa là Đầy tròn như trống không thì chỗ dùng không cùng; Ngay thẳng quá thì như cong queo, khéo léo quá thì như vụng về. Những quan niệm vô dụng chi dụng, vô mỹ chi mỹ ( như vô dụng mà thật là hữu dụng, không có gì là đẹp nhưng thật ra lại là đẹp). Huyết mạch của triết học Lão Trang là cuộc sống cứ liên tục, chủ yếu là "Vô vi nhi vô bất vi" ( không làm mà không cái gì là không làm). Đặc biệt, âm lớn ít tiếng, tượng lớn không hình. Về sau này, nghệ thuật Trung Hoa và sự phát triển thẩm mỹ sinh ra ảnh hưỏng sâu xa và to lớn. Thật ra, Lão tử cũng không phải phủ định tất cả hình thức mỹ cũng như giá trị ý nghĩa của nó.. Trong thiên Tình thái của Văn Tâm Điêu Long, tác giả Lưu Hiệp từng viết : Lão tử “tật ngụy” cho nên nói “mỹ ngôn bất tín (tức là Lão tử căm ghét ngụy, nên nói lời văn vẻ là lời không chân thật), chứ 5000 lời trong Đạo Đức Kinh cũng đầy tinh diệu thì không phải là vứt bỏ mỹ đi. Tại đương thời Lão tử phủ định hình thức của mỹ là do căm ghét ngụy chứ không phải là không tôn trọng hình thức, chứ 5000 lời của ông là phi phàm mang đầy chất triết lý thi. Phạm trù triết học tối cao của Lão tử là Đạo. Đạo sinh ra vật thấp thoáng mập mờ, trong đó có hình. Mập mờ thấp thoáng, trong đó có vật sâu xa tăm tối. Ông theo cái khí tượng của Đạo là “ Duy hoảng duy hốt, hốt hề hoảng hề…”mà luận về sự sinh trưởng và vận chuyển của vũ trụ vạn vật theo một phạm trù, tuy không hề nói gì đến mỹ và nghệ thuật nhưng lại gây ra ảnh hưởng rất lớn trong việc theo đuổi nghệ thuật và ý thức thẩm mỹ, điểm quan trọng trong đó là phạm trù “hữu” với “vô”, hay “hư với thực”. Trang tử từng nói về Lão tử : “Dùng nhu nhược kiêm hạ làm biểu” ( dùng sự yếu đuối và hạ mình làm tiêu biểu, lấy sự trống không của vạn vật làm thực.Theo quan niệm của Lão tử thì vạn vật trong vũ trụ tuy cái thể của nó là thực hữu, nhưng cái lực lượng nguyên sơ của nó, có đón nó cũng không thấy đâu là đâù, có đuổi theo nó cũng chẳng thấy đâu là đuôi. Cho nên Lão tử mới nói “hữu vô tương sinh”, lại nói: thiên hạ vạn vật “sinh vu hữu, hữu sinh vu vô”. Từ đó biểu hiện tính thống nhất trong hữu vô hư thực… gây ra ảnh hưởng lớn đối với thẩm mỹ ý cảnh và phong cách trong thi ca, thư pháp, hội hoạ, từ hí khúc đến kiến trúc không đâu là không có hư thực. Tông Bạch Hoa - nhà mỹ học hiện đại của Trung Quốc cũng từng nói: “Nghệ thuật Trung Quốc mang tính biện chứng kết hợp hư với thực, to lớn như các công trình kiến trúc, nhỏ bé như cái ấn chương (con dấu cá nhân) đều vận dụng nguyên tắc thẩm mỹ hư thực tương sinh mà xử lý biểu hiện cái khí vận sinh động như múa may bồng bềnh”.
Một trong những điều kiện cơ bản của hoạt động thẩm mỹ là chủ thể thẩm mỹ cần phải duy trì thái độ thẩm mỹ đặc biệt. Thái độ thẩm mỹ tức là thái độ cơ bản của quan sát thấu triệt cái đẹp, là chủ thể thẩm mỹ khi quan sát đối tượng, có một tâm tư hoàn toàn đầy đủ thẩm mỹ hoá, cũng tức là lúc quan sát đối tượng thẩm mỹ, chủ thể phải có thái độ cụ bị như thế nào mới có thể bảo trì sự quan chiếu thẩm mỹ cho đạt được tính hữu hiệu giống như lý luận tĩnh quan của Schopenhauer, hay như tâm lý cự ly của Bulloogh. Đối với vấn đề này Lão tử và Trang Tử từng trình bày khá nhiều kinh nghiệm, có điều quan điểm của hai ông không hoàn toàn nhất trí như nhau.
TRANG TỬ ( 369 286 TCN)
Tên là Chu, người ở Tống Quốc Mông (nay là khu đông bắc tỉnh Hà Nam) là nhân vật chủ yếu của phái Đạo học thời Chiến quốc. Tư tưởng chính của ông phản ánh trong bộ sách Nam Hoa Kinh.
Triết học Trang Tử có thể nói là một thứ triết học nhân sinh – thứ triết học kiếm tìm cảnh giới tự do cho cuộc sống cá thể; do đó mà sinh ra thái độ chống công lợi và tinh thần phi lý tính. Đem cảnh giới cuộc sống hỗn hợp với tự do thể nghiệm thẩm mỹ làm một thể.
Thời đại của Trang Tử là thời đại mà lễ nhạc đã bước vào giai đoạn băng hoại, xã hội loạn lạc suy vi nhưng Trang tử không giống như Khổng, Mặc tìm cách cứu nhân độ thế mà ông hướng tầm nhắm đến sự giải thoát tự do cuộc sống cá thể, coi tất cả công danh lợi lộc ở trên đời như là vật ở bên ngoài bản thân; xem những quy luật lễ nghi đều là gông cùm ràng buộc bản tính tự nhiên của con người. Vì vậy Trang Tử chỉ tin vào cuộc sống hiện tại của con người là một sự hiện hữu chân thực, còn tất cả công danh, lợi lộc, lễ nghi, quy cũ đều nên vứt bỏ hết để quay về với thiên nhiên mà thực hiện cuộc sống tự do hoàn thiện.
Trong các tác phẩm của Trang tử thường nói nhiều đến cái đẹp của thiên nhiên, từ trong sự chuyển động trôi chảy lưu loát của thiên nhiên mà ngộ được cảnh giới tự do của con người trong cuộc sống cá thể. Cái đẹp của Trời Đất không phải ở nơi hình thức và sắc thái mà chính là ở chỗ “ vô vi nhi vô bất vi” ( không làm mà không gì là không làm), tức không bị cái gì ràng buộc, mà hoàn thành trọn vẹn một cách tự nhiên, thông suốt sự biền hóa nuôi dưỡng tự do của Đạo. Trang tử dùng hiện tượng đó mà dẫn dắt đến sự mong muốn tìm kiếm trong cuộc sống, cho rằng cuộc sống có thể thoát ra khỏi sự tranh giành của trò đời (thế sự) thì sẽ ngộ được cái Đạo ngao du thanh thản mang tính thần linh, trong khi tâm linh vùng vẫy trong cuộc sống thiên nhiên không đâu là không thông suốt, cuộc sống thành hoà hợp với Đại Đạo, tâm linh trao đổi với thiên nhiên. Đó là cảnh giới tối cao của cuộc sống mà cũng chính là cảnh giới của thẩm mỹ. Như vậy, tuy Trang tử luôn đề cập đến cái đẹp của thiên nhiên, nhưng cái đẹp không dừng lại ở giới hạn của bản thân cảnh trí, mà thông qua sự phản ánh của tinh thần tự do vô giới hạn cùng với ý nghĩa của cuộc sống. Cái đẹp chân chính không phải ở mắt thấy tai nghe mà chính là ở cái tâm, cái thần như hội nhập vào cảnh vật. Có thể chứng minh điều này qua mẩu chuyện Bào Đinh mổ bò cho Văn Huệ Quân trong tác phẩm Nam Hoa Kinh, câu chuyện kể lại như sau:
“ Lúc ra thịt, điệu bộ của tay động, của vai đưa, của chân đạp, của gối chạm, tiếng da xương lìa nhau, tiếng dao cạo cắt đều trúng cung bực, hợp với điệu múa Tang Lâm, với bài nhạc Kinh Thư.
Văn Huệ Quân nói “ Hay thật! nghệ thuật đến đó là cùng !”
Bào Đinh buông dao, thưa rằng : “ Cái chỗ ưa thích của thần, là Đạo. Ban sơ, lúc ra thịt một con bò, chỗ mà thần chỉ có thấy mà thôi, là con bò. Về sau ba năm, thần không còn thấy nó nữa. Bấy giờ thần không dùng con mắt để nhìn mà dùng cái “ thần” để xem : ngũ quan dừng lại, “thần” thì muốn đi nương theo thiên lý. Tách các gân lớn, lừa các khớp lớn, nhân chỗ cố nhiên của nó mà cắt. Bắp thịt còn không xắt qua, huống chi là khớp xương to. Người bếp thường mỗi tháng thay dao một lần vì họ chặt. Nay con dao của thần đã dùng mười chín năm, số bò đã mổ có trên nghìn con, vậy mà dao như mới mài xong. Các khớp xương kia có kẻ hở mà lưỡi dao này thì mỏng…”
Bào Đinh mổ bò tay phù hợp với tâm và tâm phù hợp với tay nên giống như nhập vào cảnh giới. Đó là hành động của cuộc sống đạt đến cảnh giới thanh thoát tự do, đúng hơn là đạt đến cảnh giới tình cảm buông lung, tinh thần tiêu dao, đồng thời cũng như nhập vâo cảnh giới nghệ thuật. lúc ấy Bào Đinh giống như một nghệ sĩ vũ đạo thuận thành vong ngã, múa may quay cuồng với điệu nhạc “Tang Lâm” đạt đến cảnh giới như “thần”, như “thánh”, như “chân nhân”, “vô vi nhi vô bất vi”. Nói nôm na là đạt đến cảnh giới lấy thần mà định đoạt chứ không dùng mắt để ngắm nhìn nữa. Đạt đến cảnh giới đó là “tiêu dao vô ngại” tức tự do hoàn toàn, tâm tư như tràn đầy, ý tứ thấu triệt đạt đến hứng thú đặc biệt, đó cũng chính là hứng thú cua cảm ngộ thẩm mĩ.
Đó là một thứ thể nghiệm hứng thú, tức là cái gọi “cực đẹp cực vui” (chí mỹ chí lạc). Đạt được cảnh giới ấy gọi là chí nhân. Nhưng cảnh giới chí mĩ chí lạc có những đặc điểm gì? Tóm lại, đó là “ thần đạo hợp nhất, thiên nhân tương dưng”( thần với đạo hợp làm một, trời và người hoà lẫn vào nhau). Cái gọi là trời đất cùng với ta cùng sinh, vạn vật cùng với ta như một, cũng tức là “ Tâm cùng với vạn vật ngao du”. Theo triết học thì đó là “thiên nhân hợp nhất”. Còn theo nghệ thuật thì đó là tình với cảnh vật hợp làm một. Như Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm bay lượn thoả thích đến nỗi không còn phân biệt là Chu hay bướm? Chu mộng là hồ điệp hay hồ điệp là Chu?.Thật ra, giữa Chu và hồ điệp có phân biệt, hiện tượng phân biệt đó là “vật hoá”- từ vật hoá đến với cảnh giới cuộc sống không sao diễn tả cụ thể được. Lý Bạch từng viết :
Trang Chu mộng hồ điệp, Hồ điệp ví Trang Chu.
Nhất thể cánh hiển dị, Vạn sự lương du du”.
Tạm dịch xuôi ; Trang chu mộng thấy mình hóa bướm, hay bướm kia chính là Trang Chu. Đó là sự biến đổi của một bản thể, dù vạn sự có trước mắt vẫn an nhàn tự tại.
Tâm và vật cùng biến đổi, thông qua Đạo là một. Đó là cảnh giới tối cao trong sự thể nghiệm thẩm mĩ của Trang Chu. Có học giả chỉ ra rằng : Nghệ thuật của Trang tử trong cuộc sống chủ yếu nhất là thể nghiệm được gốc rễ của Đạo, Đạo là cội nguồn nguyên thuỷ của vũ trụ vạn vật.
Trang tử do từ Đạo mà thiết lập hệ tư tưởng, nhưng tư tưởng thành nghệ thuật nhân sinh quan trọng nhất là để ra: “ thiên địa dữ ngã tinh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất ”, đưa con người nhỏ nhoi cùng cuộc sống ngắn ngủi như tan biến hòa hợp với vũ trụ vạn vật, vượt qua giới hạn không gian và thời gian khiến con người tự do tự tại mà ngao du nơi cảnh giới mênh mông vô hạn, đồng thời cũng khiến con người có thể buông lung trong cỏi vô hạn của vũ trụ, và thông qua sự tự do phóng túng ngao du ấy mà Trang Chu thành tựu trong nghệ thuật nhân sinh. Cái “ngã” của chủ thể thẩm mỹ như tan biến hòa vào vũ trụ vạn vật không phải đem cái giá trị của ngã hay tình cảm ngự trị lên trên vạn vật thành ra “ dĩ ngã thông vật ” tức lấy cái tâm ra thống trị vạn vật để vật hoá mà là đem tất cả ý thức chủ thể của “ngã” tan biến vào trong ngoại vật thành ra “ dĩ vật thống ngã”. Vạn vật thống trị ta, do đó đạt đến cảnh giới “vật hoá”. không phải “hữu ngã chi cảnh” mà là “vô ngã chi cảnh”, cũng không phải “dĩ ngã quán vật” mà là “dĩ vật quán vật”. Dùng lời của Trang Tử mà nói là “ngã táng ngã” nghĩa là ta tự chôn mình và để Trời hợp với Trời. Cho nên cái mà Trang Tử giảng giải và phát huy cảnh giới “vật ngã hợp nhất” với nhà Nho chủ trương “thiên nhân hợp nhất” tuy giống nhau trong cảnh giới thẩm mỹ nhưng về tâm điểm thì khác nhau. Nho gia dùng sự tự giác của chủ thể lấy đức phối hợp với Trời, còn Trang Tử thì dùng sự hoà nhập tan biến của chủ thể đi đến Trời hợp với Trời đó là hai quan điểm hướng đến nghệ thuật nên Vương Quốc Duy mới phân ra là “Hữu ngã chi cảnh”, “vô ngã chi cảnh”. Hãy đọc lại bài ngụ ngôn “Tân Canh bửa củi, Bào Đinh mổ bò” nhưng họ làm sao đạt được cảnh giới thần kỳ xuất thần nhập hóa kinh hải đến thế? Trang tử giải đáp là họ dựa vào “thiên lý”, nghĩa là bỏ cái ta vào trong sự lưu chuyển của vạn vật để đạt đến cảnh tiêu dao “vô vi nhi vô bất vi”. Do đó mới biết. Trang tử dùng thái độ thẫm mỹ hoá đối đãi với cuộc đời, truy tâm sự sống, thực ra là truy tầm một thứ thẫm mỹ. Sau đây là phương thức tu dưỡng của hai nhà :
Học thuyết của Lão tử chủ yếu quy về Đạo, nhưng làm sao mới có thể đạt được Đạo, then chốt của vấn đề chính là vấn đề tu dưỡng. Lão tử trình bày:
Tải doanh phách bảo nhất; Năng vô ly hồ.
Chuyển khí trí nhu; Năng anh nhi hồ ?
Dịch trừ huyền lãm; năng vô tỳ hồ…
Nghia là làm cho hồn và phách hiệp lại thành một, không gây ra chia lìa có được không ? Tâm hồn tập trung lại thành một không bao giờ phân tán, làm cho hơi thở tụ lại đạt đến trạng thái mềm mại như trẻ sơ sinh, thanh lọc lòng mình không còn chút bợn nhơ để đạt đến cõi huyền diệu…Đây chính là công phu tu dưỡng “chuyển khí trí nhu” nghĩa là tập trung sinh lực để biến đổi. Như Quản Trọng gọi là biến đổi khí lực thành mềm mại, tức trạng thái tâm lý, chủ nội tâm hư tĩnh bình hòa, tâm cảnh yên ổn như hư không. Đó là công phu cơ bản trong việc tu tâm luyện khí, chỉ có công phu đó mới đạt đến cảnh trí “dịch trừ huyền lãm” (dịch trừ là tẩy rửa tất cả bụi bặm của tạp niệm, huyền lãm là chỉ trạng thái sau khi thanh lọc tạp niệm đạt đến cảnh giới tâm linh huyền diệu, rồi dùng trạng thái đó mà quan chiếu cảnh vật thấp thoáng mập mờ củả Đại đạo. Tóm lại, bản ý của Lão tử là chỉ cho chúng ta biết cái công phu tu dưỡng không gì hơn là “trí hư tĩnh, thủ tĩnh đốc”. Tức là bãi bỏ mọi dục vọng, tạp niệm, thông thường là thoát khỏi sự ràng buộc của công danh lợi lộc và lý tính, đạt đến tinh thần trực quan của Đạo. Thần thái đó chính là thái độ thẩm mỹ.
Đặc biệt Về sau, Trang Tử căn cứ theo đạo lý của Lão tử đề xuất phát triển một hệ thống quan chiếu thẩm mỹ mới mẽ, rõ ràng hơn. Ông không chỉ đề cập đến nội dung và đặc trưng của thái độ thẩm mỹ mà còn đưa ra phương thức thực hiện thái độ trong hoạt động thẩm mỹ. Tư tưởng và thái độ thẩm mỹ của Trang Tử có thể quy thành mấy điểm cụ thể như sau:
Thứ nhất là thái độ “vong ngã” – tức là quên mình, coi như ta không còn là ta, vứt bỏ những gì gọi là ước muốn, dục niệm, theo đuổi để đạt đến trạng thái “ta chôn ta”, như trong truyện Tề Vật luận : Nam Quách Tử Kỳ ngồi dựa ghế ngửa mặt hà hơi bơ phờ như người mất hồn. Nam Thành Tử Du đứng hầu trước mặt, thấy vậy hỏi : “Sao mà hình hài có thể trở thành được như cây khô,còn lòng thì có thể như tro lạnh. Nay người ngồi trên ghế có còn phải là người ngồi trên ghế trước đây nữa không?”
Tử Kỳ đáp : Nay ta đã mất bản ngã rồi ngươi có biết chăng?.
Lúc đó có thể nói là Nam Quách Tử Kỳ đã đi vào trạng thái “vong kỷ” (quên mình). Có lẽ chính là lúc hưởng thụ cái đẹp của thánh cảnh đại đạo. Trong sách của Trang Tử thường nói đến từ “vong”, tức là quên hết tất cả những ước muốn của thế tục mà cơ bản là “ tọa vong”, nghĩa là buông lỏng cơ thể, truất bỏ sự hiểu biết khôn ngoan, rời tất cả hình tướng. Tri thức hoà nhập vào với đại thông, cũng tức là quên mọi dục vọng, quên mọi điều phải trái, quên cả sống chết, giống như Nam Quách Tử Kỳ ở trạng thái như cây khô, như tro lạnh.
Thái độ thứ hai là “phi danh lợi” – cái mà Trang Tử gọi là “vô công”, “vô danh” ( vất bỏ tất cả công danh lợi lộc, không bị ràng buộc vào đâu cả, không còn sự lo âu, nghĩ ngợi gì cả. Bởi Trang Tử đã thấu triệt thực trạng của xã hội đương thời nêú chạy đuổi theo công danh lợi lộc chính là cội nguồn tai hoạ của tất cả con người. Thái độ nhân sinh chính đáng của con người là vứt bỏ hết mọi thứ công danh lợi lộc mà hành động một cách vô vi Thái độ nhân sinh ấy thực ra là thái độ thẩm mỹ nên Trang Tử chỉ ra : “ Đại đạo vẫn lưu hành mà không hiển hiện tiếng tăm, đức hạnh vẫn quảng bá mà tên tuổi vẫn âm thầm nhìn cuộc sống bình thường đơn giản, gần giống như kẻ điên cuồng, tước bỏ vết tích, phủ nhận quyền thế, không chạy theo công danh lợi lộc”. Nghiã là không để nội tâm bị ngoại vật sai khiến, lúc đó mỗi cá thể sẽ đạt được sự thích thú của tâm linh tự do.
Thứ ba là thái độ thẩm mỹ hồn nhiên thuần phát chống lại kiểu cách làm đởm, làm dáng bên ngoài. Trang Tử nói rõ : “Phù hư tĩnh điềm đạm tịch mịch vô vi giả, vạn vật chi bản dã.” Nghĩa là thái độ hư tĩnh điềm đạm tịch mịch vô vi là cái gốc của vạn vật”; hay nói : Tâm chí không phải mài dủa gì cả mà vẫn cao thượng, không xướng ra đạo nhân nghĩa mà vẫn tu thân, không truy cầu công danh mà vẫn trị được đời, không phải di chuyển đến nơi sông hồ mà vẫn nhàn du, không cần phải nuôi dưỡng, bảo vệ mà vẫn trường thọ, không quên cái gì cả, không có cái gì hết, sống cuộc sống rất đơn giản mà vẫn có một thân hình mỹ miều. Thực tế mà nói, Trang Tử cực lực chống đối sự trang sức ngụy tạo, chủ trương của ông là uốn nắn, sửa đổi cố gắng quay về với sự chất phác thiên nhiên, tức là thái độ thẩm mỹ hồn nhiên thuần chân.
* Tóm lại, phương thức quan chiếu thẩm mỹ của Trang Tử gồm hai phương diện : Một là Tâm ngộ phản đối tri thức lý tính của giác quan. Hai là trạng thái ngưng thần.
Tâm ngộ, nói theo lời lẽ của ông là “ dùng cái thần ngộ chứ không phải dùng mắt nhìn như Bào Đinh mổ bò trong Tề vật luận : Thần dĩ thần ngộ nhi bất dĩ mục thị, quan tri chỉ nhi thân dục hành – giác quan nhận thức dừng lại mà cứ hành động theo cái thần. Điều đó thuyết minh, tu dưỡng đạt đến chuẩn mực chắc chắn thì các giác quan nghe thấy đều bỏ đi và chỉ bằng trực giác tự do thực hành Đại đạo theo ý của tâm. Trang Tử lại chỉ rõ trong thiên Biền Mẫu: “ Cái tôi gọi là thính giác linh mẫn không chỉ dựa vào việc nghe được cái gì mà chính là có thể tĩnh sát tự kỷ ( tự văn nhi dĩ). Cái tôi gọi là thị giác linh mẫn không phải là chỉ dựa vào mắt thấy được cái gì mà chính là nó có thể tự xem vào bên trong của nó.
Trình bày việc “thông” với “minh” ở đây là để giải thích cụ thể sự kiện “ Ngộ đạo” là chính, là trực giác. Phương thức thể hội sự vật (đối tượng) không phải giống như thông thường là tai nghe mắt thấy mà chính là nghe bằng nội tâm ( tức là tự nghe, tự thấy) bằng tâm linh siêu thoát “Ngộ đạo”. Đó là kết quả của “Toạ vong”. Để thấy rõ hơn, Trang Tử chỉ thêm trong “Tri Bắc du” – thiên “ Hỗn Độn” : “ Vô tri vô lự thuỷ tri đạo, vô xúc vô phục thuỷ an đạo, vô tòng vô đạo thuỷ đắc đạo” – nghĩa là không nghĩ, không lo mới biết được Đạo, không dựa vào đâu, không làm gì mới rõ Đạo, không theo đâu, không đi đường nào cả mới được Đạo. Đó chính là phương pháp trực giác thể ngộ, cũng là phương pháp cơ bản trong việc quan chiếu thẩm mỹ. Ông nói thêm trong thiên “Tâm trai- nhân gian thế”. Hãy chuyên tâm nhất trí, đừng nghe bằng tai mà nghe bằng tâm, đừng nghe bằng tâm mà nghe bằng khí. Điều gì mình nghe hãy để nó ngoài tai, còn tâm thì hợp nhất nó lại. Khí là cái hư không để mà tiếp vật. Có hư mới nhận được Đạo hư không, tức là tâm trai đấy ( Nam Hoa Kinh. Nguyễn Duy Cần, trang 622). Đó là thuyết minh sự quan chiếu cái cảnh giới Chí Mỹ của Đại Đạo, không chỉ dựa vào tâm để thể ngộ mà cao hơn một bậc nữa là dựa vào khí mới là Thần ngộ. Nhưng quan chiếu thẩm mỹ không phải chỉ có “Thần ngộ” mà còn phải đạt đến trạng thái “dụng chí bất phân, mãi ngưng vu thần” ( tức là tập trung tinh thần chuyên nhất, mắt không nhìn xung quanh, tâm không buông ra bên ngoài, nên dù trời đất bao la, vạn vật trùng trùng, mà ta chỉ biết có cánh ve . Thái độ ngưng thần cũng được Chu Quang Tiềm giải thích là đạt đến cảnh giới mỹ cảm kinh nghiệm, trong cảnh giới ấy chính là không những quên cả đối tượng hân thưởng của thế giới bên ngoài, cùng quên cả sự tồn tại của cái ta, chỉ còn là cái biết của thuần tuý trực giác. Tóm lại, ngưng thần là tinh thần chuyên nhất đạt đến cảnh giới quan chiếu thẩm mỹ, vật ngã lưỡng vong ( cả đối tượng và sự vật với ta đều quên). Hiện tượng quan chiếu thẩm mỹ này không chỉ hoạt động trong phạm vi thưởng ngoạn mà còn được biểu hiện trong phạm vi hoat động sáng tác; đó là điều người làm văn học cũng như văn nghệ sĩ thời nay không thể không biết. /.