Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
680
123.134.511
 
Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc Hậu hiện đại Việt
Đỗ Quyên

Những ai quan tâm về trường-phái-nhóm thơ Việt và Hậu hiện đại Việt nên đọc bài này .Và dĩ nhiên đây là quan điểm của tác giả ,VCV mong có những trao đổi thêm với các bạn…Nguyễn Hòa vcv

 

 

 

@0

 

Các tuần qua, “thu đi cho lá vàng bay / lá rơi cho meo-chát về” giữa tản mạn với dăm ba bạn thơ trong làng thơ về Nàng Thơ, từ các trường phái thi ca sang chuyện“biết rồi khổ lắm nói mãi” là Hậu hiện đại, Đỗ tôi gom được một sân lá-vàng-văn-nghệ.

 

+ “Khuynh hướng Hậu hiện đại (Postmodernism), lý thuyết cùng thực hành, không còn xa lạ, mới mẻ gì với các nhà thơ Việt. Ở cường quốc thi ca Hậu hiện đại, như Mỹ, nó đã thoái trào, nhường chỗ cho chủ nghĩa Tân cổ điển (Neoclassicism).”

 

+ “Thứ đồ này không phải một trào lưu văn học, mà gần như một hình thái xã hội, trong đó có văn nghệ. Xã hội Hậu hiện đại sẽ tồn tại mãi, tùy theo...”

 

+ “Nhóm Mở Miệng, đã thực hành một phần thành công, đóng dấu mốc trong lịch sử thơ Việt đương đại. Và đang lùi dần vào bóng tối. Người khá nhất trong nhóm là nhà thơ Bùi Chát đã thay đổi hướng đi (tập “Thơ một vần” [1] không hoàn toàn Hậu hiện đại nữa.”)

 

+ “Em chã... Em chã” cho là văn học sử sẽ ghi nhận đóng góp của các bác Mở Miệng đâu!”

 

+ “Có vẻ như nhóm Mở Miệng đã không hiểu hết ý nghĩa, bản chất của Hậu hiện đại mà vô/cố tình dùng từ dung tục, bẩn thỉu (một cách phản ứng xã hội?); nên đại đa số người đọc không chấp nhận, thành ra hoang mang ngờ vực Hậu hiện đại. Mở Miệng cứ bung phá; và đôi nhà phê bình đã lợi dụng để rêu rao tên tuổi mình.”

 

+ “Có hai loại nhóm văn nghệ khác nhau: Nhóm như của Anh-Mỹ gọi là “Poets Circle”, hay của Pháp thế kỷ 19 là các salon văn chương; và Nhóm như một mailing-list chơi thân nhau ngoài đời; kiểu này không nên cùng phong cách sáng tác mà chỉ cần chung một số quan điểm tổng quát về văn thơ.”

 

Cám ơn tất cả các ý gây hứng tạo lứng cứng chuột meo-chát! Nay mời quý độc giả vòng vo cùng Hậu hiện đại Việt trong vòng đai quan niệm và đôi chút lịch sử các trào lưu, nhóm-phái-trường thơ văn Việt giữa thi cảnh thế giới, mốc từ năm 1936 với nhóm thơ Bình Định tới nay ở nhóm damau.org.

 

Theo cung cách Hậu hiện đại, tiểu luận (theo thể loại tiểu truyện pha chất tiểu phẩm) này đề cập vô số tác giả và tác phẩm, sự kiện và quan niệm, vấn đề và chi tiết. Mà cái trò Hậu hiện đại lại tự mang trong mình nó tính đại hậu đậu. Xin nhận về các cao/tiên/hậu ý nơi quý vị để người viết sửa sai/chữa/sang. Đa/cảm (và sẽ có thể hậu) tạ!

 

@1

 

Hồi 1999 sau khi không thành công cũng chẳng thành... báo (dự tính tên“Văn Chương” trong khi mời rủ bạn bè tứ phương bất ngờ biết chính nhà văn Nguyễn Quốc Trụ từng chăm sóc tạp chí cũng có tên vậy ở Sài Gòn trước 1975 thế rồi ổng viết ngay một bài khai lộ cho cái tạp chí vô tình lặp tên không ra đời đó), tôi và ông bạn thân, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng cũng muốn tụ vạ một số tay viết – nổ dzăng miểng là - “có chung một khát vọng và nỗ lực cách tân thơ Việt triệt để” [2] - nết na là - “trên hết, và quan trọng nhất, tất cả họ đều muốn góp phần đưa dần thơ ra khỏi những lối mòn.” [3] Sau cả năm làm việc vui thú và hiệu quả, ngày 7-12-2002, hai chúng tôi cùng các nhà thơ Thận Nhiên, Đinh Trường Chinh, Phan Nhiên Hạo, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Quốc Chánh... cho ra tập thơ có tên ở Chú thích 2. Mấy năm nay, vài tên trong nhóm cũ cùng đôi bạn mới tính làm tiếp tập khác mà duyên không giao. Vả, bây giờ, chẳng còn là thời “lần đầu tiên sáng tác của các nhà thơ trong và ngoài nước đến với bạn đọc trong một tuyển tập.” [4] Dễ gì ngồi-xuống-cùng-làm-một-cái-gì!

 

@2

 

Ngồi-xuống-cùng-làm-một-cái-gì. Đó là thao tác khó đầu tiên tạo nôi cho một nhóm văn hữu cùng sinh đẻ trên đó. Bởi mỗi tên đã có 01 bàn văn của riêng mình ngồi rồi. Với người Á Đông, thao tác này khó như Ngu Công chuyển núi: Ngọn Thái Sơn có tên tục là Tôi to đùng nằm trên mỗi đầu lưỡi, ngoài việc nằm nơi đầu bút, xưa; nay là đầu con chuột/mouse. Dân Âu-Mỹ coi bộ ngang ngang, nhưng khi vào trường văn nhóm thơ họ biết cúi Thái Sơn Tôi của mình trước Thái Sơn i nơi kẻ khác. (Xem Phụ Lục –2)

 

Về các trường/phái/nhóm thơ theo cùng thi pháp, phong cách: Bất chấp hơn 100 năm qua ở Tây phương, nhất là Pháp với những nhóm thơ Thất Tinh (Pléiade), Thi Sơn (Parnasse), những trường phái Tượng trưng Mallarmé, Siêu thực Bréton... Bất chấp ở Nga với nhóm thơ Pushkin, nhóm thơ Vị Lai (Ego-Futurists), những trường phái thơ hình tượng Blok, trường phái thơ Lermontov-Pasternak... Bất chấp 50 năm qua ở Mỹ quá rực rỡ với hàng tá mặt-trời-thơ: trường phái Black Mountain, trường phái San Francisco, các nhà thơ thế hệ Beat, trường phái New York... Bất chấp cả xứ Tàu cuối thế kỷ trước tỏa sáng nhiều tiểu mặt trời: Chỉ trong bài bé xíu của dịch giả Nữ Lang Trung [5] đã thấy đây trường phái thơ Mông Lung, kia nhóm thơ Đất Quê Mới (Tân Hương thổ thi phái), kìa nhóm thơ Quật Khởi (Quật khởi thi quần). Bất chấp hết, làng thơ An Nam thời hiện đại rồi Hậu hiện đại nhà ta dường như chỉ óng a óng ánh các mặt... trăng!

 

@3

 

Của đáng tội, thơ Việt cũng có gần đầy hai bàn tay những mặt-trời-thơ to nhỏ các kiểu.

Trước 1975: Hai “khuôn viên văn nghệ” là nhóm thơ Bình Định 1936-45 (đưa tới trường thơ Loạn) và nhóm Sáng Tạo 1956-65 không là các tập hợp văn học về thi pháp có tính cách mạng mỹ học như hai nhóm Xuân Thu Nhã Tập 1939-42 (cả lý thuyết và thực hành) và nhóm Dạ Đài (với tuyên ngôn Tượng trưng in trong Tạp chí Dạ Đài số 1 cũng là số duy nhất ra vào cuối năm 1946, mà nhà nghiên cứu Hồ Thế Hà [6] - có lẽ lần đầu – trong hội thảo quốc tế 2006 của Viện Văn học Việt Nam đã “xử lý” nhóm này như một thi phái chưa kịp thực hành của nền văn học Việt Nam.)

 

Sau 1975: Nhóm Tân hình thức do Tạp chí Thơ / nhà thơ Khế Iêm khởi xướng và cầm chịch với lý thuyết và thực hành, tạo ảnh hưởng ngoài và trong nước từ năm 2000 đến nay [7]. (Phụ Lục – 2 & 5) Hồi năm 2004-05 Tân hình thức Việt gây trận tranh luận triền miên trong thi giới tiếc là màn chót không giữ được hòa khí nhưng mà thôi tiếc làm chi gió bão có khi nào không vương đầy trời miễn giữ được thi khí đã may rồi ba cái tên thi sĩ mấy khi hòa mí nhau.

 

Nhóm Mở Miệng ra đời 2001, nổi hơn cồn 2003-06, ai không biết không phải là người thơ thời mới; 1-2 năm nay khi lặn khi nổi sẽ nổi thêm ở dưới đây...

 

@4

 

Thử bàn loạn về cái gọi là Việt Nam Hậu hiện đại thi phái xem có chết cậu Mỹ mợ Mẽo nào chăng?

 

@4.1

 

Mươi năm rồi, một trào lưu - với đúng nghĩa của nó – mang tên Hậu hiện đại đã được thực thi ở văn học Việt, nhất là thơ và tiểu thuyết, trong lẫn ngoài hình chữ S, với hai tá người viết “cứng cựa” (đang ngủ đánh thức dậy kẻ hèn này cũng kể trúng cả tá!) Chưa kể các tác giả không chính thống và các tác giả bị xem là “quậy” (loại này nhiều, “bắn” không xuể!), trong dòng chính thống - xét về nhân thân và nơi xuất bản - ngày một tăng, với Nguyễn Bình Phương và Mai Văn Phấn, Inrasara và Thuận, Nguyễn Thúy Hằng và Lê Anh Hoài, v.v... và v.v... Ấy là chưa buồn tính các tay bút vang danh với các dấu hiệu Hậu hiện đại (Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài...) Sách viết (Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Trần Quang Thái, Phương Lựu...) và sách dịch (Ngân Xuyên, Nguyễn Ước, Trần Tiễn Cao Đăng...) chưa nhiều và quy củ cũng đủ cho cánh sáng tác xài (chắc gì đã hết chữ!) Lãnh vực phê bình truyền thông và phê bình văn học, theo cả hai chiều ủng hộ và chống đối, cũng đạt mức trào lưu. Chỉ còn tản mạn, chưa hệ thống về khoản phê bình hàn lâm, nghiên cứu bài bản, giảng dạy khoa bảng thôi, ới Viện Văn học và các trường đại học Việt Nam ơi! (Gần đây, trên báo mạng

 toquoc.gov.vn/chuyenmuc/vanhocquenha, nhà phê bình Trần Thiện Khanh, có bài phỏng vấn các giáo sư, nghiên cứu gia Lã Nguyên/La Khắc Hòa [8], Phùng Gia Thế [9] và văn sĩ Lê Anh Hoài [10] – theo tôi, khách quan, bài bản và thích nhất là đàng hoàng về sự thách đố Hậu hiện đại, song có lẽ Trần quân chưa làm với tư thế là “quân” của Viện Văn học?)

 

Nhưng, khuynh hướng Hậu hiện đại Việt chưa được giới sáng tác, phê bình (không chỉ chính thống) và độc giả nhìn nhận đàng hoàng như một dòng văn-học-thật. Họ coi đó như thứ dị ứng xã hội bằng chữ nghĩa, như lối quậy phá văn chương truyền thống, mẫu mực và hiện đại, hay như thứ giả-văn-học. Có vài lý do mà qua nhiều bài viết mới đây (Những bài giới thiệu các nhà thơ Hậu hiện đại Việt của nhà thơ-nhà bình luận Inrasara [11] - người đang được/bị coi là “kẻ truyền bá và cổ xúy Hậu hiện đại” hồ-hỡi-phấn-khỡi nhất nhì nước Nam; Loạt bài nhân việc nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc-Tuấn phản bác các nhà phê bình, dịch giả Hoàng Ngọc Hiến, Trịnh Lữ; Phỏng vấn nói trên của nhà nghiên cứu Trần Thiện Khanh; Và mới cứng là thảo luận bàn tròn 29-8 & 5-9-2009 trên web litviet.com của nhà thơ Phan Nhiên Hạo [12] (Phụ Lục –6) - giữa ba tay viết ở ngoài nước Phan Nhiên Hạo, Chân Phương, Trần Vũ với ba cây bút ở trong nước Nguyễn Quốc Chánh, Trịnh Cung, Nguyễn Viện), tôi thấy cái khó ló từ văn hóa tiếp nhận, cách đọc của người Việt, chứ chưa hẳn do phương pháp hay nội dung của văn chương Hậu hiện đại Việt.

 

Nếu có một hỗn hợp hỗn tạp đeo danh – dù là danh hão danh hờ - như “Nhóm thơ HHĐ” (viết tắt tránh tiếng là nổ là tinh tướng!) thì nó chỉ có làm “tiếng nói chung của nhóm” như lời của một bạn thơ, chứ không là lò đẻ thi pháp của một trường thơ thứ thiệt.

 

Lý thuyết gia Hậu hiện đại: trong phái này lý thuyết gia sắm luôn vai sáng tác gia và ngược lại, mỗi tác phẩm ngay cả của một tác giả có bút pháp riêng. Thế mới là Hậu hiện đại! Nên ai cũng kêu trời Hậu hiện đại quá nhiều sách vở lý thuyết, cuốn nọ cãi cuốn kia; nó đa thanh tới mức không thể đồng thanh trong một lý thuyết văn hóa chỉnh tề.

 

Ý thức Hậu hiện đại: Lưng lạc đà chất gì lên cũng được! Không là trường phái, Hậu hiện đại không có phương pháp luận ổn định và nghiệm đúng cho mọi tác giả, cho mọi tác phẩm của một tác giả. Tập thơ vừa viết, chưa xuất bản “Hình đám cỏ” của nhà thơ Mai Văn Phấn [13], như tập “Và đột nhiên gió thổi....”, có cách viết khác hẳn chất Hậu hiện đại của tập “Hôm sau” dù được sáng tác cùng giai đoạn. Không chừng đó là “Phản Hậu hiện đại”? Mà Phản Hậu hiện đại lại chính là Hậu hiện đại! Trong tất cả các khuynh hướng của thơ, chắc chỉ Hậu hiện đại chấp nhận sự phản? Mới hôm qua, trong tiểu luận như một khúc bi ca về văn tình Việt Nam, nữ sĩ kiêm phê bình gia Nhã Thuyên trong khi tung ra lý do “mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo” đã liên hệ ít nhiều đến vấn đề trào lưu và cách tân, thi pháp và thủ pháp Hậu hiện đại. (Phụ Lục – 4)

 

Giữa rừng web, blog Việt, tuần trước tôi mới thấy một sân chơi chuyên trò Hậu hiện đại hauhiendai.net, ra đời tháng 8-2009, với lời giới thiệu: Đây là trang web cá nhân của Tam Lệ sưu tầm nghiên cứu xuất bản về Hậu hiện đại, chủ yếu trong lĩnh vực văn chương.”

 

Đâu được sang cả như thi sĩ Chân Phương bạn ta (giao “homework” để người đối thoại làm xong mới thưa chuyện tiếp), tui chỉ dám khe khẽ thả ra câu hỏi ngu ngơ và vu vơ (vì thế nó có thể sẽ bơ vơ): Với 18 thi sĩ của danh-sách-Inrasara trong cuốn “Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại”, những ai Hiện đại, những ai Hậu hiện đại, những ai từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, và đoán trước những ai Hậu hậu hiện đại? (Phụ Lục – 5)

 

@4.2

 

Văn chữ dốt sinh ngữ nát, chỉ biết ngó nghiêng làng văn nghệ Âu-Mỹ từ rất xa, lại qua cái nhìn của kẻ khác, Đỗ tôi cũng liều mà “tư duy về kẻ khác", trúng cú nào hên cú đó:

 

@4.2.1

 

Cũ người mới ta: Đó là một quan niệm logic rất thường trực trong mọi tranh luận, ở các nơi sự kiện xảy ra sau và các chốn “chậm phát triển”. Không công bằng! Thuận lý mà bất tình. Là nơi có sở đoản về học thuyết, đương nhiên châu Á và Việt Nam sẽ mãi đi sau phương Tây trong các trào lưu, nhóm phái. (Nếu không thích nói cà nhây: Chủ thuyết của Đông phương là không chủ thuyết!) Nhưng không vì thế khi thấy họ bỏ, mình cũng bỏ theo dù chưa xài hết cho hợp xã hội, con người mình. Chưa kể, họ được xài cái cũ cái cổ của nơi khác (ví như các làn sóng Phật-Thiền ở Mỹ, tạm kể từ thời Beat tới nay), mình vậy là bị la! Hậu hiện đại Mỹ đi vào thoái trào, xét cho cùng, là chuyện của người Mỹ. Dân Việt bay lên cao trào Hậu hiện đại Việt lại là câu chuyện khác. (tỉ như cùng toa thuốc viagra đó ông hàng xóm xỉu trên bụng vợ ổng còn ta cứ việc thi hành cùng vợ ta hai cuộc mần tình khác nhau xa có phải không ạ thưa bà con gần xa.)

 

Người viết Việt mình vài năm nay bàn cãi nhiều, hôm nay tôi muốn mời coi lại tranh luận nóng hổi nói trên của litviet.com (Phụ Lục - 6), xong rồi cùng ngẫm cách lập luận của nhà nghiên cứu người Nga Konstantin Kornev [14]: “Chủ nghĩa Hậu hiện đại đem lại cho con người phương Đông cơ hội chiến thắng văn hóa Tây phương trong chính mình, chiến thắng tính duy lý Tây phương đã bóp méo ý thức hắn, nhờ chính thuốc trị Tây phương. (...) Như vậy, Hậu hiện đại có hai bộ mặt – Đông và Tây. Cái ở phương Tây là sự tự hủy, thì ở phương Đông lại là sự giải phóng và sự trở về mình.”

 

Với tôi, xã hội Việt và văn học Việt còn dai dẳng đeo đẳng với các điều kiện Hậu hiện đại 10-20 năm nữa. Nó bị ràng buộc bởi các điều kiện chính trị, kinh tế Việt.

 

@4.2.2

 

Sau màn Chiến tranh Lạnh buông xuống, văn chương Âu-Mỹ ít có các trường phái đoạt soái thi đàn, như từng nở rộ thời đầu-giữa thế kỷ 20 với các đỉnh như nhóm Siêu thực Bréton 1920-30, Tiểu thuyết mới 1950-70 ở Pháp, rồi thế hệ Beat 1960s ở Mỹ. Nói khắt khe, văn chương Hậu hiện đại Mỹ, các năm hoàng kim, 1970s, cũng tản ra theo các dòng chính khác nhau trên văn đàn. Ở bài tiêu biểu về thơ Hậu hiện đại Mỹ, giáo sư-thi sĩ Paul Hoover [15] cho rằng “trong các loại thơ mới, có công chúng lớn nhất là phong trào Beat“. Chưa thấy ai trong danh sách của P. Hoover được coi như Allen Ginsberg làm thay đổi giọng điệu thi ca Mỹ; nhưng thi pháp đọc miệng của nhóm Beat, tiêu biểu là Ginsberg, không gần gũi với các nhà thơ Hậu hiện đại Việt. Và tôi cũng lờ mờ hiểu tại sao trong tài liệu quan trọng, chuyên nghiệp dù đại chúng về văn chương Mỹ được phổ biến trong Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 11/1998, thuộc trang mạng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ở chương 7, về thi ca phản truyền thống Hoa Kỳ từ 1945-1990 [16], lại không hề nhắc tới vấn đề Hậu hiện đại, ngoài duy nhất một chữ “Hậu hiện đại” rất yếu ớt lúc bàn về những hướng mới trong thơ ca Mỹ với các nhà thơ ngôn ngữ, trong khi - tất nhiên – chương 6 dành cho trào lưu Hiện đại 1914-1945. (Mong được các chuyên gia Hậu hiện đại giải thích rõ hơn.)

 

Chủ nghĩa Tân cổ điển: Trong hội họa, nó xuất hiện ở Pháp từ thế kỷ 18 với chủ tướng Jacques-Louis David vào năm 1784 qua bức tranh nổi tiếng “Le Serment des Horaces” (“Lời thề của anh em Horaces”). Kể từ mười năm cuối của thế kỷ trước, chủ nghĩa Tân cổ điển đã trở thành trào lưu từ kinh tế đến chính trị, từ âm nhạc đến thi ca... Ở Mỹ năm 1995, Tuyên ngôn về Nghệ thuật và Nhân văn, với thi sĩ kiêm triết gia Frederick Turner là một trong những đại diện quan trọng, đã bán chính thức đặt lên bàn cân sự thách đố của trường phái Tân cổ điển; có thể xem như nối tiếp của trào lưu văn học Hậu hiện đại Mỹ. Trên báo chí mạng văn nghệ Việt, tôi chỉ mới đọc được hai bài đáng chú ý về chủ nghĩa Tân cổ điển trong nghệ thuật: bài giới thiệu của GS Hoàng Ngọc Hiến [17] (Tạp chí Sông Hương #198 - 8/2005) và bản dịch bài của F. Turner [18] do dịch giả Nguyễn Tiến Văn thực hiện (talawas 14-1-2003). Ngoài xu hướng và mục đích, bài đầu đã nói qua về ba (trên bảy) quan niệm văn hóa trong thi pháp, kỹ thuật chính; còn bài sau có lời dẫn của dịch giả, tiểu sử F. Turner và đầy đủ Tuyên ngôn 1995 với chủ trương bảy điểm của chủ nghĩa này trong bài thuyết minh năm 2002 của F. Turner. (Ở nguyên bản tiếng Anh, “The New Classicism and Culture”, trên phillysoc.org/Turner.htm, tôi dòm thấy có cả hai bài thơ minh họa của chính vị đại diện chủ nghĩa Tân cổ điển. Dịch giả nào sớm thảy qua tiếng ta thì hay quá! Cám ơn !)

 

Một điều thú vị: Ba tháng trước, “con chuột” của tôi bỗng ve vẩy cái đuôi khi bò tới bài của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha [19] trên báo mạng: giữa tháng 7 vừa qua, lần đầu tiên, nhà lập thuyết kỳ tài - ông Frederick Turner đã đến Việt Nam; năm 2007, ông cũng đã mời GS Hoàng Ngọc Hiến và hai nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Trần Cương, sang Dallas tham dự hội thảo về chủ nghĩa Cổ điển tự nhiên (Natural Classicism) – cách gọi của Turner cho chủ nghĩa Tân cổ điển. Tôi đồ rằng chả ít thì nhiều giáo sư-thi sĩ Turner có ý “gạ” giáo sư Hiến cùng nhị thi sĩ Kha, Cương mở trường thơ Cổ điển tự nhiên ở Việt Nam. Tại sao không? Lại nhớ thần tượng của cao trào Beat, chàng hipster phản chiến A. Ginsberg chỉ giang hồ vặt quá giang Sè Gòong, đâu như có ngồi (bệt xuống cỏ) thiền ở đường Catinat, thế rồi 35 năm sau tại đó nảy ra nhóm... Mở Miệng! Nay, giáo chủ Fred có hẳn cả tuần thăm thú gần khắp nước Nam, hội ngộ bạn thơ bạn sách Việt, ắt là xứ ta trước sau cũng dính phải thi đạo “Cái đẹp trở lại”.

 

@4.2.3

 

Văn đàn Âu-Mỹ chừng một phần tư thế kỷ nay như là hổng có trường phái nào “cầm micro”? Và sẽ còn thế nửa thế kỷ nữa cũng nên! Lý do: Tri thức và cảm thức loài người - dồn đống về xứ Cờ Hoa - ở kỷ nguyên a-còng cóc cần triết học, tư trào – đúng ra là các thứ triết lý thuần khiết – như trước. Mà thi ca là triết học cất cánh, bay vào hoặc bay ra trái tim người.

 

Văn hóa nào thì cũng có thơ ca làm tinh hoa. Từ lâu chúng ta thường an phận văn hóa Việt không có luận thuyết theo quan niệm Tây phương. Trong bốn nhóm-trường thơ Việt Nam xứng danh mà tôi thử đề xuất – đó là: nhóm thơ Bình Định/trường thơ Loạn, nhóm Xuân Thu Nhã Tập, nhóm Dạ Đài và nhóm Tân hình thức, thiển nghĩ rằng, nhóm Xuân Thu Nhã Tập [20] đến nay duy nhất có lý thuyết thơ hài-hòa-Đông-Tây và thực hành đủ thuyết phục về chất-thơ; thế nhưng trên thực tế vẫn bị xem là không thành quả. Trái thơ Xuân Thu Nhã Tập hậu thế khó ăn nổi, chỉ nên ngắm và tôn thờ.

 

Cao vọng nơi chúng tôi là sắp có được một bài, ra tấm ra miếng, về một số khởi xướng, tìm hiểu và thử nghiệm cách thức làm thơ Việt trong mười năm qua, chưa/không được trở thành “trường phái” hoặc trở nên có lý luận của một số tác giả độc lập, như “Lý thuyết Cấu” của nhà thơ Khải Minh [21], các phương pháp, kỹ thuật mới như “Thơ phụ âm” của nhà thơ Đặng Thân [22], “Thơ thực hiện” của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt [23], và của một vài nhà thơ khác mà hầu hết đều chuyên chở các yếu tố Hậu hiện đại. “Nhà truyền bá” Inrasara đã phát hỏa được hai bài rồi! Đây là công trình thậm nhớn không đùa dai được đâu mong được các tác giả liên hệ và những phê bình nghiên cứu gia quan tâm cùng nâng mouse dzô dzô dzô chăm phần chăm em thơ ơi tất cả vì một nền thi ca việt ta tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc mà vỡn có tính chủ thuyết như tây!

 

Gạn thơ đục, khơi thơ trong! Đánh thơ (dơ) chạy đi, không ai đánh thơ (sạch) chạy lại! Tôi luôn trông vọng vào nhóm Mở Miệng và nhóm Tân hình thức. Cầu phúc nhị thi phái Việt bội thu trong những năm cuối cùng. Các trường phái văn nghệ sinh ra là để... chết. Chết khi hết trò. Và lưu lại trên sân sáng tạo của ngôi nhà nhân loại một viên gạch của riêng mình.

 

Chúng ta cần có chương trình nghiên cứu hệ thống và thực dụng về các hướng đi mới-lạ-khác của thơ ca Việt Nam mà trước đây nó chưa đi hết, đến nay nó chưa đi tới...

 

@4.2.4

 

Lại còn một vùng sáng trong thơ Việt tỏa trên văn đàn từ lâu mà như là chưa ai gọi nó thành danh, định nó nên vị: Trường-phái-trường-ca-Việt-Nam! Vị nào đang bổ sung, hiệu đính tự điển văn học Việt cũng như văn học thế giới, hay cái gì tương tự, xin cứ điền ẩu danh vị đó vô dùm. Hy vọng sẽ tỏ tường hơn sau khi coi bài tổng quan (đang là bản thảo)“Đến trường phái thơ Việt từ cảm thức trường ca Việt” của cùng người viết.

 

Bật mí tí ti: Thống kê sơ bộ (ắt còn nhiều thiếu sót) danh sách tác giả và tác phẩm trường ca Việt Nam nêu trong bản thảo trên cho thấy, từ thời Thơ Mới tới nay, có 91 thi sĩ Việt  (nhưng chỉ có nhõn 02 nữ sĩ thôi!) đã viết ít nhất một trường ca (hoặc một bài thơ dài có ý nghĩa tương đương.) Sau đây, nếu được thêm thông tin, con số 91 nhảy lên 108 mấy hồi. Thế là chúng ta có An Nam trường ca gia Lương Sơn Bạc rồi! Còn hơn cả trường phái. Và, một kiểu trường phái thơ rất Việt tính!

 

@4.3

 

@4.3.1

 

Đồng ý 80% với ý đầu tiên ở Mục @0 về Mở Miệng: đây là điều cần thiết về nhóm thơ này ở vị thế của họ trong các trường thơ nhóm bút Việt. Xin viết lại: “...lịch sử văn hóa của thơ ca Việt đương đại”. Và nhái: “Nhóm này đang lùi dần vào bóng mình!”

 

Về thi hứng, Mở Miệng thường viết bằng gương (rộn ràng rối rít rềnh rang lo trình diễn!), chứ không phải bằng búa, như từng ôm vọng. “Thơ một vần” của họ Bùi thì viết bằng búa! Mới đọc 15-16 bài (trên talawas.org, và vài tuần nay damau.org đang đăng dần dần kèm bản dịch Anh ngữ của nhà thơ Lê Đình Nhất Lang), thấy có bút pháp độc sáng, ý tưởng mới, hình tượng lạ, câu chắt chữ lọc; nhưng khai triển cấu tứ lỏng lẻo, bực nhất là bị hụt hẫng. Một vài bài xuất sắc. Không ít bài hơi đuối trong vị thế một-bài-thơ-riêng-lẻ, có lẽ do: a) Tác giả chăm chăm vào ẩn ức thời cuộc (độc quyền, biên giới, biểu tình) như là cảm hứng chủ đạo kiểu ăn thua đủ; b) Thời kỳ quá độ tiến thẳng lên thơ tự do hài hước kinh qua giai đoạn lãng mạn về thi pháp và niêm luật về thể loại của tác giả quá ngắn chưa đủ thâm hậu thì đã ào ào như ba dòng thác vào các thể dạng hậu hiện đại không-làm-thơ nay trở về làm-thơ tất nhiên là chưa thể chỉn chu ngay được mở ngoặc trong tập 26 nhà thơ việt nam đương đại nói trên bè lũ mở miệng có tới ba tên lận mà trong đó bùi chát là tay được ban biên tập dễ dàng đồng thuận nhứt ai cũng thích câu tôi-đã-quăng-cái-tát-lên-trời đóng ngoặc. Tập “Thơ một vần”, trong một số chi tiết và tâm trạng chung, vẫn có yếu tố Hậu hiện đại (độ giễu nhại đằm thắm hơn, liên văn bản thưa, trúng hơn: “Cây kim giấu kín trong bọc vải / Lâu ngày cũng thành thơ”... “Gió chiều nào / Ta tào lao chiều ấy” (Bài “Khó thấy”). Chưa được đọc cả tập thơ, chưa nên bàn loạn nhiều. Hãy đợi đấy! Coi kìa, cái mới nhất vừa được mở ra trên damau.org, bài “Cũng như em, tôi không hát một mình: Không chê được mà rất khó khen. Bình: So với các bài thơ trước, nó trọn vẹn hơn hẳn; Thanh thoát trong cái trăn trở trách nhiệm công dân: “Dưới lớp da nạm vàng / Có thể gãi thứ mình muốn ngứa?” Ở thân phận nghệ sĩ, Bùy-Trát vừa gãi vừa cãi lại Chỵnh-Kông-Xơn.

 

@4.3.2

 

Mở Miệng chưa, và chắc là không, phải là nhóm thơ theo nghĩa cùng thi pháp, khuynh hướng sáng tác; Cái trọng là chung mục đích “không-làm-thơ”: chung quan điểm chính trị về thi ca, nghệ thuật. Đó là nhân sinh quan của các nhóm viên, qua văn bản chữ nghĩa quả thật họ đã Không-Làm-Ra-Thơ! “Thơ một vần” của Bùi Chát mới là thơ. Tổng thể, như nhóm Beat ở Mỹ, Mở Miệng gần giống một "văn hoá nhóm” (“subculture”) chứ không thuần túy là nhóm văn chương. Các bạn ấy có thể đi xa nữa – không chừng xa như Beat chứ chả bỡn, nếu và chỉ nếu trong “quân khu Mở Miệng” có tướng lãnh như Jack Kerouac, Allen Ginsberg về (thi) tài và (thi) chí. Điều kiện xã hội, ý thức và hành động phản ứng, trong môi trường Việt Nam như 10 năm qua và có lẽ 10 năm nữa, phù hợp với các "văn hoá nhóm”.

 

@4.3.3

 

Quan hệ giữa Mở Miệng và Hậu hiện đại: 4 năm trước, trên tienve.org, tôi có bài nửa ong (văn) nửa bướm (thơ) [24]. Bữa nay cho nói kiểu “cong ăn cong thẳng ăn thẳng” (của trò đánh đáo lỗ ngày xưa) nhé, phải quấy gì cũng là lẻ tẻ tạo dzui dzẻ mới thành văn vẻ.

 

Mở Miệng chỉ mới có điều kiện cần (tâm thức Hậu hiện đại đè nặng trong phản ứng thời cuộc, chính trị) và chưa đủ cho sáng tạo thật-văn-học. Nếu đó là phản ứng Hậu hiện đại của xã hội và văn hóa thì dám cá rằng các vị ấy sẽ thành quả hơn nhiều (mặc dù tâm thức đó vẫn là điều kiện cần.) Đông Tây kim cổ, trên đấu trường văn chương và chánh trị, số tác giả là anh hùng, liệt sĩ chiếm tuyệt đại đa số, cực hiếm người xứng danh thi sĩ: Mở Miệng và Bùi Chát chỉ là ví dụ nhãn tiền của một trong những đấu trường sáng tỏ nhất - đó là nền văn học Việt Nam.

 

Còn nữa: Trong khuynh hướng Hậu hiện đại, không có điều kiện cần và đủ cho bất kỳ cây viết nào. Nó cồng kềnh nhất và rắm rối nhất trong tất cả các chủ nghĩa, trào lưu văn hóa-văn nghệ từng có của loài người cũng vì thế chăng?

 

Chưa hết: Phong cách và thủ pháp, chứ chưa nói thi pháp (Hậu hiện đại không có thi pháp vì không là trường phái!) của các tay viết trong Mở Miệng chưa tạo ra cơm chín tới  (lại ham ăn với cải ngồng non ưa chọc gái một con) mà cũng chẳng là bò tái (chanh chẳng hạn). Quá sành quá rành thủ thuật và kỹ xảo Hậu hiện đại, quý vị ấy đã hiếp dâm lộ liễu và gây thương tổn bút pháp và kỹ thuật Hậu hiện đại, khiến độc giả không nhận ra tính “giao hợp” của sự “hiếp”, chỉ thấy độ “dâm” của hành vi! Hổng phải là quan tòa trong Vương quốc Thi ca, chúng tui đâu kết tội “hiếp dâm” đó. Nếu quả thực dẻo mỏ bô trai dai sức, quý vị ấy vẫn có thể (dẫu sai về đạo đức) bịt mắt pháp luật Vương quốc Thi ca mà dụ khị gái một con Hậu hiện đại cơ mà?

 

Các sáng tác ở Mở Miệng, hầu hết, chưa lọt vào kích thước cần thiết của nghệ thuật. Tuyên ngôn chúng-tôi-không-làm-thơ đã được thực thi! Bravo! Thiên địa chẳng thể hiểu được triết lý đó, và cứ hoài công quất roi phê bình lên con ngựa văn chương vân cẩu rong ruổi trên nóc La Hán Phòng. Ô hô!

 

Chậc! Nói nặng nhời vậy thôi. Về các bạn (vẻ như không thích “ăn” không thích “nói” không thích “gói” chỉ) thích “mở” ấy, hữu hảo hơn nên chăng nhìn nhận, như tiến sĩ kiêm thi sĩ Nguyễn Thị Từ Huy, vào năm 2004 [25]: “(...) tôi liên tưởng tới hiện tượng thơ dơ của nhóm Mở Miệng. Trong khi tiếp tục đòi hỏi cao hơn nữa (đòi hỏi chính là biểu hiện của niềm tin) ở Lý Đợi, Bùi Chát và các nhà thơ cùng khuynh hướng, chúng ta cần đánh giá những nỗ lực của họ bằng một cái nhìn vượt lên mọi thiên kiến, dù là thiên kiến đạo đức, chính trị, tôn giáo, xã hội hay nghệ thuật.”

 

@4.4

 

Việt Nam trong và ngoài - từ 20-30 năm nay, cả trước thời Đổi mới, đã có nhiều nhóm bạn văn chương. (Ở miền Nam  trước 1975thì “đông như quân Nguyên”!) Có điều đa phần không chính danh, bất thành danh nhưng văn giới vẫn biết ảnh hưởng của nhóm đến sáng tác, tác phẩm. Tỉ như nhóm bạn Dương Tường, Châu Diên, Bùi Ngọc Tấn, v.v...; nhóm bạn Đỗ Minh Tuấn, Dương Tất Thắng, v.v...; nhóm bạn Nguyễn Thụy Kha... Có không ít các tập hợp văn nghệ mang tính địa phương như nhóm Sông Hàn với phương châm chính trị, báo chí rõ ràng và tuổi thọ dài lâu; nhóm Việt Thường (ở Montréal) có mục đích văn học và cộng đồng; hay nhóm thơ Hoa Lạ của một số sinh viên mà hiện đã là các tác giả có tiếng vang như Nguyễn Vĩnh Tiến, Lưu Sơn Minh... Chưa bàn đến các nhóm hình thành để trực/gián tiếp làm sách, báo chí, web như các nhóm đã, đang (đi) qua đời (tôi) như Trăm Con, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Hội Luận Văn Học; các nhóm đang còn như Người Việt Hải Ngoại, talawas, Tiền Vệ, Thư Quán Bản Thảo, Văn Chương Việt, Ăn Mày Văn Chương, và trẻ nhất có lẽ là Da Màu (cũng đã 3 năm). Hay trước-sau 1945 là các nhóm học thuật-tư tưởng-văn nghệ như Hàn Thuyên, Tri Tân, Thanh Nghị, Lê Quý Đôn... Cũng nằm ngoài nội dung ở đây là các nhóm làm tạp chí văn nghệ ở miền Nam trước 1975 như Trình Bày, Bách Khoa, Vấn Đề, Ý Thức... cùng hai “siêu nhóm” Tự Lực Văn Đoàn và Nhân văn-Giai phẩm, vì tầm vĩ mô ngoài văn (vẻ) ngoài thơ (thẩn) của họ! Và cũng nên tự thú với nhau rằng, các bè nhóm văn nghệ “làng Vũ Đại quê ta” (dù có ra tới làng toàn cầu biển nhân loại vẫn rứa) đa phần rất cừ về tính cục bộ khi cần bảo vệ mình (trước cường quyền, và nhất là trước các phe nhóm khác) so với việc học thuật, sáng tác...

 

Không ít độc giả đang cảm thấy trống thiếu điều gì ở hồn vía của đề tài? Thưa vâng!

Ấn tượng nhất, với sự vụt sáng và bứt phá, là nhóm Ngựa Trời [26] của năm nữ sĩ Sài Gòn đã xuất hiện (2005-06) thành hiện tượng đầu tiên giữa các sân chơi văn học Việt mang tính tập thể của ý thức nữ quyền trong tham vọng cách tân nghệ thuật thơ.

 

Là tiếng chuông chót, chúng ta hãy dành sự vinh danh cuối cùng tới nhóm Ô Thước và trang mạng Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng với chủ trì kiêm chủ biên là nhà văn Phạm Chi Lan. Đây đích xác từng là địa chỉ liên mạng có tính “khuôn viên văn nghệ” duy nhất cho đến nay và, ở chừng mực nào đó, là tốt lành nhất và thi sĩ nhất mà sinh hoạt văn học-nghệ thuật Việt Nam đương đại đạt được trong 15 năm qua, từ khi có mailing list, web, blog. Dịp kỷ niệm một tháng ngày Phạm Chi Lan bỏ văn thơ bỏ chúng bạn ra đi vĩnh viễn (21-9-2009) và kho trữ liệu trang mạng vanhocnghethuat.org (1995-2004) được phục hồi đã là những ngày hội buồn vui để văn hữu khắp nơi, từ trong ra ngoài nước Việt, cùng trở về thăm sân chơi văn học từng tỏa sáng một thời, cùng ghi nhận và cảm phục tài đức của một người bạn gái hết đời vì tình chữ nghĩa trong tình bằng hữu.

 

Sau nhóm Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng, trên văn đàn Việt người ta vẫn chưa thấy các “poets circle”, các salon văn nghệ liên mạng nào khác. Cả ở trong lẫn ngoài nước. Trong sự bất hoàn đó, tính đến nay, ở các địa chỉ văn học, riêng tôi thấy rằng, về Web cá nhân/nhóm: hai nơi với comment trực tiếp khả ái nhất là lethieunhon.com (của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn) và damau.org (nhóm tạp chí mạng Da Màu); Blog nhóm/cá nhân có tính cộng đồng: có được hai chốn ngon lành là hoiluan.vanhocvietnam.org và litviet.com thì đều đang “chết lâm sàng”; Blog cá nhân: không lướt mạng nhiều tôi mới “chấm” được ba cái (dịch giả Cao Việt Dũng / Nhị Linh, nhà văn Nguyễn Quang Lập / Quê Choa, và nhà văn Trang Hạ.) Một địa chỉ thực sự bàn thảo luận điểm và sinh hoạt văn chương cần có gia chủ không chỉ văn tài đủ cao quan hệ vừa rộng mà còn - khó hơn  - công phu lái tránh các dòng chảy nhận định cá nhân hoặc thù tạc, nhất là nịnh khéo khen thơm nhau. Khó! Khó hơn Ngu Công chuyển núi.

 

Văn giới Việt đang tung mở. Thi hứng Việt đang bung nở.

Nếu chưa có được các nhóm nhà thơ, các câu lạc bộ văn học mạng (hay không mạng) thứ thiệt thì văn nhân Việt đương đại quả là chưa biết cách hiện đại hóa một dân tộc thi sĩ, một đất nước thơ ca.

Như vẫn còn đó một làng thơ, giữa thời a-còng...

 

Vancouver, 20-11-2009 (Tu chỉnh: 19-12-2009)

 

PHỤ LỤC:

 

1) “Tại sao? Sau nhóm Mở Miệng và trào lưu sáng tác hậu hiện đại nổi lên và thao túng thi đàn vào những năm đầu thế kỉ XXI (chính xác hơn: 2002-2007), trào lưu đã rạch một đường ngang qua dòng chảy thơ Việt, buộc người làm thơ định nghĩa lại thơ và đặt lại vấn đề làm thơ và đọc thơ; qua đó nó tạo nên một khủng hoảng lớn.” (Inrasara: Thư về thơ Việt đương đại do Inrasara thực hiện; 2009)

 

2) “Các trường phái nghệ thuật ở Tây phương thành quả hơn ở Đông phương, phần vì họ mang tinh thần tôn trọng tự do cá nhân - sản phẩm của văn hóa Tây phương – vào sinh hoạt nghệ thuật nhóm phái, khuynh hướng. Tất nhiên còn vài lý do khác, như bài bản, nhà nghề, kỷ luật, biết chịu nhau… Rất ít sinh hoạt trường phái văn nghệ Việt Nam thực hiện cho ngon ngọt tiêu chí coi nghệ thuật là mục tiêu tiền phong. Nó khó nhận ra vì những nhà cách tân ấy thường là nạn nhân cụ thể của một sự mất tự do nào đó. “Thi ca đã chọn chúng ta!” Độc quyền làm tiền vệ, độc tài cách canh tân – đó vẫn là lề lối làm việc của đa số trào lưu nghệ thuật Việt Nam lâu nay. Thói xếp chiếu trên khoanh chiếu dưới làm thui chột nhiều ý muốn sáng tạo của những người không đồng hội đồng thuyền. Điển hình là nhóm Sáng Tạo, dù là sáng tỏ nhất nhì trong các ngọn đèn nhóm phái văn học Việt Nam, cũng không hề “sáng tạo” trong quan hệ văn nghệ sĩ.

 

Tân hình thức Việt: Ra mắt hồi tháng 5 mới rồi (2006), cuốn Thơ Không Vần - Tuyển Tập Tân Hình Thức song ngữ Việt-Anh khẳng định một tiến trình đi lên đầy khó nhọc mà vinh hiển nơi sự nghiệp đổi mới nghệ thuật thi ca Việt. Bài tựa của Khế Iêm, Tân Hình Thức Bước Ra Từ Nền Văn Học Suy Tàn (...) toát lên điều đó với sự cực đoan rất dễ thương thường thấy ở các nhà khai phá thực tâm thực tài. Cuộc tranh luận về nó kéo dài hơn hai năm trước, dàn trải nhiều diễn đàn, không rạo rực mà căng thẳng. Sự khơi lại khá căn bản và đối ngược bởi Chân Phương, giữa năm ngoái, coi như tiết mục khép màn. Tôi thấy cuộc thảo luận đó là lành mạnh xét về văn hóa tranh luận, là cần thiết xét về đóng góp khai triển thi pháp thơ Việt Nam. Kết quả mà Khế Iêm cùng các bạn thơ trong phái làm được là cao hơn nhiều bên mức độ cảm thụ thơ cùng sự phát triển văn hóa ở người Việt hải ngoại và người Việt Nam nói chung. Giá như nhóm Tân hình thức Việt giảm thiểu ý nghĩa “chuyển lửa” Tân hình thức Mỹ cho văn chương Việt, cho người Việt ở hải ngoại và ở Việt Nam thì cuộc tranh luận chắc sẽ dịu đi phần ồn ào về hình thức không cần có. Khai thông nghệ thuật, mở ra một quan điểm mỹ học cho một cộng đồng là nhu cầu nội tại của chính cộng đồng với dòng văn hóa của nó chảy trong thời đại chung của nhân loại. Chỉ khi đó cây “tân nghệ thuật” mới tỏa ra ngoài bóng hình của mình.” (Đỗ Quyên: “Thơ đến từ đâu”; Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn, talawas 8-8-2006)

 

3) “Tôi nghĩ chủ nghĩa Hậu hiện đại, Tân cổ điển, Tân hình thức không khó chấp nhận. (...) Gần đây tôi được đọc mấy cuốn lý thuyết về Thơ Tân hình thức rất thú vị, nhưng đọc những bài thơ Tân hình thức thì chưa sướng được. Không biết bao giờ thì nhà lý thuyết Tân hình thức và nhà thơ Tân hình thức gặp nhau? Hình như tôi còn có một nghi ngờ gì đó về thơ Tân hình thức giữa các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp... và tiếng Việt; sự giãn cách khoảng trống cố ý (hay vô ý) giữa các từ? Liệu chúng ta có thoát khỏi bức tường phương Tây để bay tới bầu trời thơ ca Tân hình thức Việt Nam?” (Nguyễn Trọng Tạo: “Ba mươi năm: Khoảng cách & Dấu nối”; Trần Nhuệ Tâm phỏng vấn, 2005)

 

4) “18 & không hơn nữa. 18 khuôn mặt thơ mà tôi nghĩ họ đại diện cho tiến trình. Không phải họ hay hơn mà là họ tiêu biểu hơn. Nhiều nhà thơ khác nổi tiếng, sáng giá nữa, nhưng đã không nằm trong hệ thống, nên tạm vắng mặt.”: Vũ Thành Sơn, Đinh Linh, Lý Đợi, Trần Wũ Khang, Nguyễn Tôn Hiệt, Mai Văn Phấn, Lê Vĩnh Tài, Bùi Chát, Nguyễn Hoàng Tranh, Nguyễn Đăng Thường, Như Huy, Đỗ Kh., Khế Iêm, Chân Phương, Nguyễn Hoàng Nam, Đặng Thân, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Thế Hoàng Linh.” [Thứ tự của tác giả, theo ngày đăng bài trên tienve.org.  - ĐQ.] (Inrasara: Nỗi niềm hậu hiện đại - Thay lời kết;  2-2-2009)

 

5) (...) “cắt ghép”, “mảnh vỡ”, “phi trung tâm”, “giễu nhại”... Lẽ thường, sự say mê thủ pháp thường đến khi chưa (cần) hiểu nó là gì, nhưng thủ pháp chỉ không xơ mòn nếu bắt rễ sâu trong cảm thức cá nhân, nếu không sẽ chỉ là những công cụ vừa mới dùng đã quá date, các thủ pháp cũng nhấp nháy đèn đỏ rỗng nghĩa. Mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo, nghĩa là sẽ vô vọng nếu còn muốn đợi một trào lưu, một cuộc cách mạng, sẽ vô vọng nếu chờ đợi sự nhóm họp lại để chống cái rời rạc của các cá nhân, mọi nhóm họp đều báo hiệu thất bại hoặc chỉ bùng lên rồi thất vọng, hoặc gây nghi ngờ. (...) Mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo, bởi cần chấm dứt huyền thoại về anh hùng, hiện tượng, trào lưu. Chấm dứt huyền thoại về các chức năng, phận sự. Về những lập ngôn chấn động. (...) Để bắt đầu khám phá và tạo dựng một bối cảnh mới, dung nhận, độc lập và đa phương. Một bối cảnh dân chủ đủ mạnh để dung chứa những tồn tại đa dạng của bản sắc, của những tiếng nói dù đơn lẻ nhất. Khi đó, có thể lạc quan về một nền thơ dân chủ, một nền nghệ thuật dân chủ đủ sức sống?” (Nhã Thuyên: Mất bối cảnh nổi loạn sáng tạo)

 

6) Khá là đặc sắc, rất chi hào sảng (nhờ“chân thành, mạnh mẽ, không lòng vòng màu mè, không hoạt đầu tính toán”), và hơi bị cực quyền (mà quyền của các văn thi sĩ - lại là "từ ngoài lề” coi như... không!) – nên ít nhiều “không đầy đủ hoặc thiếu chính xác”, bài “Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề” phải nói là “hót” và “hot”, với các nan đề sát ngực kề mông văn học Việt. Cảm thấy nó chưa được văn giới (trong-ngoài lề) quan tâm, và cũng vì diễn đàn mới bốn tháng tuổi đã tạm ngưng ra định kỳ, tôi xin trích lược hơi nhiều một chút và không theo thứ tự nguyên thủy, như một tiểu văn bản của bài gốc khi lắp ráp các điểm gần gụi với đề tài ở đây. Hỡi các tác giả và độc giả, hãy áp dụng tinh thần (mọi trích dẫn đều đáng tội chém đầu!) của nhà khai phóng Alexis de Tocqueville mà giảm tội cho chúng:

 

6.1) Lý thuyết, trường phái văn học:

 

+ Trần Vũ: “Tôi không biết điều gì xảy ra trên lục địa Hoa Kỳ, nhưng ở vị trí sáng tác, chúng ta có cần nhận thức tính chất phù du hay trường tồn của các trào lưu, phong trào, và các chủ nghĩa hay không? Chúng ta dùng như một phương tiện cho đến khi chán, đến khi tìm ra cái khác thay thế, hay chúng ta xem là một “tinh thần”?”

 

+ Nguyễn Quốc Chánh: “Công việc sáng tác bên lề hay ngoài luồng hiện nay ở Sài Gòn và hải ngoại, nếu có ai nhìn thấy nó như nó đang là, thì con mắt sắc của lý thuyết sẽ ló ra. Kêu đòi lý thuyết chiếu vô tình trạng hỗn độn của mình, chẳng khác gì gái đĩ đêm khuya ngoắc khách làng chơi. Văn chương hải ngoại vừa ngoài luồng chính quốc vừa bên lề cố quốc, tự nó thừa tình trạng cho lý thuyết của khách làng chơi nhai nuốt, sao chưa thấy tay chơi nào nhai và phun ra khái niệm nào hết?”

 

+ Chân Phương: “Lời Trịnh Cung đề nghị chúng tôi vận dụng tri thức về học thuật thế giới để xây dựng lý thuyết cho sáng tác trong nước là một yêu cầu hơi nghịch lý. (...) Không thể có thứ “lý thuyết hàm thụ” vay mượn (các bạn chắc còn nhớ giai thoại cây quít Giang Nam). Phải sống chết với bà con trong nước, phải “ba cùng” mới có thể ngộ ra một lý thuyết nằm vùng (local knowledge) tương ứng với sáng tác ngoài luồng hoặc phản kháng hôm nay, điều mà chúng tôi ở hải ngoại không có điều kiện đáp ứng. Do đó chẳng hạn du nhập Postmodernism kiểu Hoa Kỳ vào Việt Nam để chỉ đường dẫn lối cho sáng tác là một điều tréo cẳng ngỗng.”

 

+ Nguyễn Quốc Chánh: Tôi không nghĩ như Chân Phương (....) Có thể nói, bây giờ có nơi nào trên mặt đất đứng ngoài thế giới, thế giới ở đây là Tây phương, ngay cả thể chế chính trị hiện thời của Việt Nam cũng đến từ Tây phương, do đó lý luận của Tây phương được và bị sử dụng ở Việt Nam hay văn chương ngoài luồng ở Việt Nam là một điều hoàn toàn có thể, và qua quá trình phân tích những hiện tượng đặc thù, lý luận có thể tạo ra những khái niệm mới cho lý thuyết.”

 

+ Nguyễn Viện: “Liệu văn học Việt Nam có cần nhập cảng một thứ lý thuyết nào không? Câu trả lời của tôi là không. Bởi vì văn học chính trực không được sinh ra từ lý thuyết, mà văn học đẻ ra lý thuyết. Mỗi nền văn học có một trạng huống thực tế của nó, bắt nguồn từ trạng huống xã hội và cảm thức của nhà văn. (...) Chính cái cách thế hành xử của nhà văn trong trạng huống thực tế đó của tác phẩm, cơ may của lý thuyết mới xuất hiện. Tôi chia sẻ với anh Chân Phương về những bi kịch của sự du nhập không đúng chỗ.”

 

+ Trần Vũ: “Tất cả chúng ta đều cùng chứng kiến tận mắt cái chết của thể thơ Tân hình thức mà Tạp chí Thơ đã bền bỉ quảng bá suốt mười năm. Bên Pháp chứng kiến cái chết của các phong trào Dada thập niên 20, Tân tiểu thuyết thập niên 1960-70. Những cái chết vì đi ngược tự nhiên.”

 

+ Phan Nhiên Hạo: “Mỗi lý thuyết và trào lưu có thời điểm của nó. (...) Tân hình thức cũng là một thể thơ nên được tham khảo, như nhiều trường phái thơ khác của Mỹ. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ “cái cách”, tôi nhấn mạnh, “cái cách” mà những lý thuyết và trường phái này được truyền bá và tiếp nhận trong văn nghệ Việt Nam. Người truyền bá thì vừa không vững vàng vừa không khách quan, trong khi người tiếp nhận thì chỉ a tòng mà không tự mình kiểm chứng được. Nếu Tân hình thức được giới thiệu một cách từ tốn trong khoa văn các đại học ở Việt Nam, nó đã có thể sống lâu hơn. Chính cái tham vọng ồn ào muốn làm khuôn mẫu cách tân cho thơ Việt, trong khi nó đã cũ ở Mỹ, đã khiến nhiều người hiểu biết dị ứng với Tân hình thức, vì họ không muốn bị coi là nhà quê. Và điều này thật ra đáng tiếc, vì lẽ ra một số kỹ thuật của Tân hình thức đã có thể được ứng dụng một cách sáng tạo vào thơ Việt.”

 

6.2) Hậu hiện đại:

 

+ Trịnh Cung: “Bây giờ Hậu hiện đại trong văn chương và nghệ thuật đương đại của các văn nghệ sĩ trong nước tôi thấy cũng không khác gì chúng tôi ngày trước (...) vì thế tôi mới gọi ở Việt Nam là Vùng phi lý thuyết.”

 

+ Chân Phương: “Tại sao thuyết Hậu hiện đại ra đời ở Hoa Kỳ trong khi nó vay mượn tư tưởng và lý luận Pháp, mà không được cảm tình cho lắm từ giới học giả và hàn lâm Pháp? (...) Còn nhiều câu hỏi và ẩn số mà những ai thiếu điều kiện sinh sống lâu năm ở Mỹ và thường xuyên lui tới các đại học Hoa Kỳ khó có thể hy vọng lý giải thấu suốt, cho nên tôi hơi ái ngại khi thấy một số ngòi bút Việt Nam chỉ sống trong nước mà lại bám theo cái đuôi made in America kia một cách hăng hái vô tư!”

 

+ Nguyễn Viện: “Mặc dù không phải là người chủ trương viết Hậu hiện đại (vì xét cho cùng, theo đuôi bất cứ trường phái hay chủ nghĩa nào… cũng chỉ là theo đuôi), nhưng tôi lại thấy rằng, bối cảnh xã hội, tâm thức nhà văn và biểu cảm nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay rất phù hợp với mô thức Hậu hiện đại.” (...) Đó là nhu cầu thoát ra khỏi cái hệ thống một chiều kia và phủ nhận tính đặc quyền văn học của lề phải. Mặt khác, “Hậu hiện đại” đáp ứng được cái trạng huống hỗn loạn các giá trị xã hội và sự đổ vỡ trong tâm hồn con người. Sự đáp ứng được thể hiện bằng các thủ pháp nghệ thuật như cắt dán (sử dụng những thông tin thời sự, tôi thích những bài thơ kiểu này của Phan Bá Thọ), giễu nhại và cả sự xáo trộn văn bản hay cấu trúc. Nó cho phép tác giả thể hiện thái độ tinh thần và nghệ thuật của mình vừa trên hình thức (sự nổi loạn của văn bản) vừa trong nội dung (tự giác và phản kháng).”

 

+ Phan Nhiên Hạo: “Ở trong nước hiện nay, Hậu hiện đại chỉ mới đi vào với một lượng thông tin rất hạn chế, và qua con đường gián tiếp, tức là qua sự giới thiệu và diễn dịch của một vài người, chứ không phải bằng tiếp xúc trực tiếp với sách vở phong phú của phương Tây (dù là sách dịch). Chủ nghĩa Hậu hiện đại ở Việt Nam, như vậy, mất đi tính phức hợp và tinh thần phản biện nội tại có tính bản chất của nó. Nó có nguy cơ trở thành giáo điều của “cái mới”, và từ đó trở thành ngọn cờ của quyền lực chính trị và quyền lực văn chương. Tôi mong Hậu hiện đại được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, cùng với nhiều lý thuyết khác từ phương Tây, để người ta hiểu và áp dụng nó một cách bình tĩnh hơn, nếu người ta thích nó. Còn nếu không thích, tôi tin rằng một nhà văn có tài vẫn có thể viết hay về xã hội Việt Nam hiện nay mà không cần viện đến Hậu hiện đại .” (...) ở Mỹ, hiện rất khó tìm ra nhà văn nào tự xưng mình là nhà văn Hậu hiện đại. Hậu hiện đại là một phần của trạng thái tinh thần xã hội bên này, và điều đó thể hiện qua cái nhìn của nhà văn trước hiện thực, nhưng viết với những thủ pháp đặc trưng Hậu hiện đại như một số nhà văn cách đây vài mươi năm thì hiện nay rất hiếm. Ở phương Tây giờ đây thậm chí có người tuyên bố thẳng thừng rằng Hậu hiện đại đã chết, và đề nghị một chủ nghĩa mới trong nghệ thuật với tên gọi Altermodernism. Trong khi đó ở Việt Nam, như thường lệ, chúng ta luôn đi sau khoảng nửa thế kỷ.”

 

 

CHÚ THÍCH:

(Ở trên cũng như dưới đây, một số đường link không phải là nguồn của bài)



[2] Giới thiệu của Văn học Nghệ thuật Liên mạng #554, 22-12-2002

[3] Lời nói đầu; 26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, nxb Tân Thư, California 2002

[4] Như chú thích 1

[5]  Nữ Lang Trung (dịch): Thơ đương đại Trung Quốc

[6] Hồ Thế Hà: Quan niệm về thơ của nhóm Dạ đài; và Tạp chí Sông Hương #247 – 9-2009

[9] Phùng Gia Thế: Một cái nhìn về thực tiễn văn chương Hậu hiện đại

[12] Phan Nhiên Hạo (Chủ trì) : Văn chương hôm nay nhìn từ ngoài lề

[13] Mai Văn Phấn: Hôm sau, thơ, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội 2009; Và đột nhiên gió thổi, thơ, nxb Văn Học, Hà Nội 2009

[15] Paul Hoover (Hoàng Hưng dịch): Thơ Hậu hiện đại Mỹ

[16] Kathryn VanSpanckeren: Phác thảo văn học Mỹ

[18] Frederick Turner (Nguyễn Tiến Văn dịch): Chủ nghĩa Kinh điển mới và văn hóa

[23] Nguyễn Tôn Hiệt:  Tuyên ngôn về Thơ Thực hiện  

Đỗ Quyên
Số lần đọc: 4335
Ngày đăng: 21.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đi tìm chân trời cho thơ - Dương Bích Duyên
Quan Điểm Mỹ Học của Lão Trang - Nguyễn Trúc Uyên
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam - Trần Minh Thương
Người đọc trong quan niệm của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Từ một câu Ca Dao hiểu câu thơ Hàn Mặc Tử - Trương Quang Cảm
Thơ xứ Huế 2009 - một năm nhìn lại - Lê Huỳnh Lâm
Thơ Inrasara, cách tân theo tinh thần hậu hiện đại - Lê Thị Việt Hà
Lê Đạt với những đối thoại về thơ - Trần Hoài Anh
Inrasara trong Hành Trình Cách Tân Thơ Việt - Lê Thị Việt Hà
Mảnh hồn làng trong thơ Tế Hanh - Trần Hoài Anh
Cùng một tác giả
Hôn - 2 (thơ)
Em (thơ)
Thai phu (truyện ngắn)
Ăn tim (truyện ngắn)
Thư về thơ (phê bình)