Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.192
123.151.073
 
30 năm văn xuôi Đồng Nai, một phác thảo
Bùi Công Thuấn

1.Tác giả và tác phẩm

Trong 30 năm phát triển của Hội VHNT Đồng Nai (1979-2009), đội ngũ tác giả văn xuôi ít hơn tác giả thơ. Hai tác giả nguồn cội của Văn Nghệ Đồng Nai là Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn . Lý Văn Sâm chỉ có hai truyện ngắn : Chuyện Ấy Đã Qua Rồi (1979) và Chuyện Người Thổi Sáo ở Bến Xuân (1991). Nhà Văn Hoàng Văn Bổn, chỉ tính từ 1979 trở đi, đã viết 24 tác phẩm, trong đó có nhiều bộ tiểu thuyết sử thi như Miền Đất Ven Sông (3tập.1984), Khắc Nghiệt (4 tập.1990 ), Nước Mắt Giã Biệt (4 tập.1994). Khôi Vũ là nhà văn  viết  rất khoẻ . Anh đã in 25 tác phẩm. Nhà văn mặc áo lính Phạm Thanh Quang in 8 tác phẩm. Lê Đăng Kháng : 6 , Nguyễn Đức Thọ : 6. Nhà văn nữ Thu Trân :10. Nhà văn trẻ Nguyễn Một : 9 , nhà văn trẻ Trần Thu Hằng :5 (1). Nếu tính số lượng tác phẩm của các nhà văn Đồng Nai đã in trong 30 năm qua, con số là trên 120 tác phẩm truyện ký. Quả là một đóng góp lớn vào văn học Miền Đông Nam Bộ .

 

Trong 30 năm ấy, Đồng Nai đã mất đi những nhà văn tài năng như Lý Văn Sâm (1921-2000), Nguyễn Đức Thọ (1955-2001), Hoàng Văn Bổn (1928-2006 ),… Nhưng cũng có thêm các cây bút trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Một, Trần Thu Hằng ( sinh năm 1975)

 

Một số giải thưởng tiêu biểu ( không kể gỉai thưởng Trịnh Hoài Đức của Đồng Nai và giải thưởng của các báo, tạp chí ở trung ương )

 

Hoàng Văn Bổn :. Giải thưởng Nhà Nước về Văn Học Nghệ Thuật năm 2007

Khôi Vũ : Giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 1988-1989, tác phẩm  Lời Nguyền

Hai Trăm Năm

Thu Trân : Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, tác phẩm Đường bong bóng bay.

Lê Đăng Kháng : Giải ba truyện ký, Bộ Lâm Nghiệp, Hội Nhà Văn 1982

Phạm Thanh Quang : Giải ba, Ủy ban toàn quốcLHVHNT Việt Nam 2001

với tập truyện Địa Linh…

 

2. Những khuynh hướng chính của văn xuôi Đồng Nai

Hoàng Văn Bổn viết nhiều về đề tài cách mạng và kháng chiến, đặc biệt ông xây dựng những bộ sử thi miêu tả cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân Đồng Nai, chẳng hạn, Miền Đất Ven Sông phản ánh hiện thực đấu tranh cách mạng  từ những năm 1940 đến 1954. Đề tài của ông rất rộng. Bầu Trời Mặt Đất (1981) viết về cuộc chiến đấu của không quân Việt nam. Sóng Bạc Đầu (1982) viết về cuộc chiến đấu cuả hải quân nhân dân mình…Ông cũng viết  những trăn trở của mình về thời đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường (Tình Đời Đen Bạc, 1988- Người Điên Kể Chuyện Người Điên, 1992…).. Lũ Chúng Tôi (1981), Gặp lại Một Dòng sông là những ký ức của tác giả về quê hương . Hoàng Văn Bổn qua đời, mảng văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng ở Đồng Nai khó có người kế thừa. Có thể nói Hoàng Văn Bổn là nhà văn đóng góp nhiều bộ tiểu thuyết sử thi cho văn học Việt Nam.Tuy vậy, tiểu thuyết sử thi của ông chưa thành công (2)

 

Đề tài chiến tranh cũng được nhà văn khác khai thác. Mặt Trận Thầm Lặng cuả Anh Hoàng, Viên Gạch Lạ , Muối Đỏ của Tấn Hoài, Chất Anh Hùng Của Người Đồng Nai của Đặng Minh Hân , Chuyện Nhà Tôi của Trần Thúc Hà. Người Ở Miệt Vườn Mùa Trái Cây của Nguyễn Đức Thọ. Khuynh  hướng chung là ngợi ca những nhân vật anh hùng của chủ nghiã anh hùng cách mạng trong đấu tranh sống còn với kẻ thù, chia sẻ những đau thương mất mát không sao bù đắp được của những người còn sống. Truyện được viết chủ yếu dựa trên tư liệu người thật việc thật , nhằm phản ánh hiện thực.

 

Viết về người lính trong chiến tranh và trong hoà bình, Nguyễn Đức Thọ có Xứ Sở Tình Yêu, Ốc Mượn Hồn, Phạm Thanh Quang có Tình Yêu Thưở ẤyĐiạ Linh, Lê Đăng Kháng có Tàu Đến Ga Long Khánh, Trần Thúc Hà có Hai Ngôi Mộ, Nén Nhang Ngoài Khuôn Viên, Xế Chiều. Lê Bá Ước có Một Thời Rừng Sác. Người lính trong chiến đấu, họ dũng cảm hy sinh nhưng trong cuộc sống thời kỳ đầu chuyển sang kinh tế thị trường học không thích ứng được. Người lính của Phạm Thanh Quang trong Tình Yêu Thuở Ấy đi vào chiến trường như đi vào ngày hội ““ Toâi trôû thaønh anh boä ñoäi khi chæ coøn hai thaùng nöõa laø thi heát caáp 3 Phoå thoâng – vöøa chôùm 17 tuoåi “ ( tr. 6) .” Toâi mong tôùi chieán tröôøng nhö mong tôùi hoäi hoa xuaân “( tr. 10 ) . Ốc Mượn Hồn của Nguyễn Đức Thọ gửi lại người đọc một “ bản di chúc lạ lùng nhất trên cõi đời “, di chúc của người lính tự chọn cái chết , dù dày dạn chiến trường nhưng lại khó thích ứng với hoàn cảnh dân sự.

 

Khi đời sống kinh tế thị trường đi vào ổn định và phát triển, nhà văn khai thác nhiều những cảnh đời mới. Khôi Vũ là nhà văn xông xáo mạnh mẽ trong mảng đề tài này. Từ Chuyện Ở Dãy Phố Năm Căn , Người Có Một Thời đền Cái Bóng, Phiá Sau Một Khách Sạn, Vỡ Dần Trong MắtTri Thiên Mệnh. Khôi Vũ đã ghi nhận nhiều biến thái xã hội, nhiều đổi thay nhân cách,  nhiều số phận quay quắt trong vòng xoáy của cuộc đời. Anh lăn mình vào cuộc sống ...thấy hết sự đa dạng và luôn bất ngờ của cuộc sống.., thấy nhiều điều đáng yêu và không thiếu điều đáng ghét “ ( tr.10 Tri Thiên Mệnh). Giữa những bộn bề đa đoan của cõi người, anh dã tìm thấy viên ngọc quý nơi cuộc sống những người lao động lương thiện. Trần Thu Hằng đi sâu khai thác thân phận của những nghệ sĩ đàn hát ca trù (Đàn Đáy ) và đi sâu vào bi kịch của một gia đinh trí thức (Người Đàn Bà Lưu Vong ). Hoàng Kim Chung quen thuộc với đời sống gia đình bộ đội, công chức viên chức ( Mái Ấm.2004). Các nhà văn còn mở rộng biên độ thời gian và hoàn cảnh . Hồi Ức Làng Che của Nguyễn Đức Thọ là thân phận hoá đá của những kiếp oan khiên từ thời cải cách ruộng đất…

 

Thu Trân, Hoàng Ngọc Điệp, Trần Thu Hằng, Khôi Vũ và Phạm Thanh Quang có nhiều truyện cho thiếu nhi. Các nhà văn chú ý nhiều đến trẻ em bất hạnh, những đưá trẻ lang thang. Trong Nhà Có Cửa Sổ Tròn, Thu Trân viết về ước mơ của cô bé Thỏ Ngọc bị liệt phải ngồi xe lăn. Tóc Mây Vỉa Hè viết về cuộc sống của 4 bạn gái : Cỏ Gai, Đuôi Gà,Tơ Hồng, Me Chua. Thu Trân khẳng định những mặt tốt đẹp của tuổi mới lớn bất hạnh. Trong Chú Bé Phiêu Lưu, Khôi Vũ kể chuyện đám trẻ lang thang sống trong nhà tình thương. Khôi Vũ nhấn mạnh đến ước mơ tuổi thơ  trong truyện Thằng Heo Sữa . Nguyễn Một viết về người anh hùng Điểu Cải và Hồ Thị Hương trong Màu Hoa Trắng(Nxb Kim Đồng 2001). Hoàng Ngọc Điệp có Bươm Đi Học, gồm 27 truyện ngắn viết cho lức tuổi tiểu học chứa đựng những  bài học nhẹ nhàng. Bay Lên Thiên Thần của Diệp Kim Anh có nhiều truyện hay. Thần Đồng và Cuộc Chiến Bảo Vệ Thuỷ Tháp của Trần Thu Hằng là một truyện khoa học viễn tưởng thật hay, thấm đẫm tư tưởng nhân văn dành cho lứa tuổi thíếu niên.

 

Ký Đồng Nai cũng có những thành tựu. Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân của Trọng Phủ  là một cuốn sử chân thực, hào hùng  và sinh động về con người và cuộc chiến đấu cuả nhân dân Đồng Nai trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhiều bài viết đạt đến tính nghệ thuật cao cuả văn chương. Nguyễn Tân Triều có Bến Bằng Lăng. Nguyễn Một có Quà Của Đất gồm 22 bài ký và tạp bút viết về nhiều vùng đất khác nhau nhưng đậm nét về con người Đồng Nai, Giữa Đời Thường gồm 13 bài khắc hoạ chân dung doanh nhân Đồng Nai và Dòng Sông Độ Lưọng viết về “gương người tốt việc tốt”, những người góp phần phát triển Đồng Nai. Chẳng hạn, người đọc gặp được lão nhà văn Hoàng Văn Bổn ; nhà thơ Thu Bồn ; nhà văn Khôi Vũ; cán bộ tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành chăm sóc bonsai; chủ trường dân lập Bùi Thị Xuân ; ông bà Lê Kỳ Phùng, chủ “ trang trại kỳ cục”;  Bùi Văn Dương công ty cám Long Châu; Đỗ Khắc Long,  tư nhân thầu thu gom rác Long Khánh ; ông Tám Hiệu, chủ cơ khi Nghiã Thành; Thầy Đỗ Văn Ban , Hiệu Trưởng trường PTTH Tân Phú ; Trần Văn Quyến, chủ trang trại Sơn Thuỷ; Võ Văn Quân, Giám Đốc XQ thêu Đà Lạt..Người đọc tiếp cận được một phần vẻ đẹp hiện thực cuả Đồng Nai qua những con người tiêu biểu cuả phong trào thi đua yêu nước. Nguyễn Một gửi trong trang viết tấm lòng trân trọng , yêu mến với đất nước con người Đồng Nai . Văn cuả anh trong sáng,  lấp lánh ở từng câu chữ. Tuy nhiên, cách viết cuả anh là cách viết tụng ca, khiến những người biết chuyện phải hoài nghi những điều anh viết .Nguyễn Một bắt chước Nguyễn Tuân thể hiện “cái tôi” khá đậm trong bút ký. Nhưng “cái tôi” của anh rất ít chất thẩm mỹ. Anh thể hiện mình là một con người  vưà có chút “ bụi” vưà có chút “ ngông” . Anh kể cả thói xấu không bỏ được cuả mình là thói hút thuốc. Nhân nói về đám tang Thu Bồn anh khoe chuyện làm nhà . Anh cũng khoe việc mua mấy phong tượng gỗ trang trí quán café cho bà xã , anh hả hê trong bưã rượu thuốc với thịt gà cuả Trần Văn Quyến . Anh nói thẳng ra tính cách cuả mình : “ Tính tôi khá kỳ quặc, tôi không thích cái gì quá mới và sặc sỡ, một chút rêu phong đủ làm tôi chết lặng hàng giờ liền “. Sự phô trương cái tôi thái quá làm hỏng chất văn chương của Nguyễn Một. Nguyễn Yên Tri có tập Nhà Giáo Đồng Nai . Anh hiểu sâu sắc về nhà giáo và những nỗ lực vươn lên của họ. Cách viết sinh động và chân thành. Hoàng Ngọc Điệp viết ký tài hoa hơn truyện ngắn.

 

Về Lý luận và phê bình văn chương, Đồng nai cũng có những khuôn mặt chuyên nghiệp ở lĩnh vực này. Bùi Quang Huy được coi là nhà “Lý Văn Sâm học”. Anh dành hàng chục năm  để sưu tầm tác phẩm của Lý Văn Sâm. Anh có mấy chục bài viết nghiên cứu về tác giả này. Công việc cuả anh là một đóng góp đáng kể cho Văn Nghệ Đồng Nai. Đặng Minh Hân có Văn Thơ Đồng Nai, Đôi Điều Cảm Nhận, tập tiểu luận gồm những bài viết về tác giả tác phẩm cuả Đồng nai : Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, Khôi Vũ, Nguyễn Đức Thọ, Anh Hoàng, Nguyễn Một, Minh Chung, Lê Đăng Kháng, Kiều Văn Phẩm. Đặng Minh Hân thể hiện một tấm lòng yêu mến trân trọng với văn chương, đặc biệt là với văn thơ Đồng Nai. ĐMH  tự nhận mình là người : “ Vốn là người yêu thơ, say thơ và nghiên cứu khá công phu về thơ cuả các nhà thơ viết về Biên Hoà..” và có quan hệ gần gũi, thân thiết với nhà văn Đồng Nai, vì thế ông có lợi thế khi viết về tác giả Đồng Nai, trang viết cuả ông có giá trị chân thực đáng quý. Tuy vậy, phương pháp phê bình văn chương của ông chủ yếu là phê bình xã hội học. Ông chưa tiếp cận được những phương pháp phê bình mới. Bùi Quang Tú có Một vài Chân Dung Văn Nghệ, anh có nhiểu tư liệu văn chương quý về các nhà văn. Phan Nam Sinh cũng là một cây bút viết phê bình văn chương sắc xảo và uyên bác. Bùi Công Thuấn có Chút Tình Tri Âm như là một nỗ lực đóng góp tiếng nói vào phê bình văn chương chung, một lĩnh vực đang có rất nhiều trì trệ và không theo kịp sự phát triển của sáng tác văn chương.

 

3. Hành trình nghệ thuật của văn xuôi Đồng Nai.

Trong 30 năm qua, truyện ký trong cả nước có cố gắng cách tân về nhiều mặt cả về nội dung và nghệ thuật, quyết liệt nhất là sự từ bỏ phương pháp Hiện Thực xã Hội Chủ Nghiả. Nhiều tác phẩm  đi sâu vào sự thức tỉnh và được viết với cảm hứng phê phán. Những năm gần đây còn có cả văn chương sex và những thể nghiệm Hậu Hiện Đại…

 

Văn Xuôi Đồng Nai vẫn được viết trong truyền thống cuả văn chương Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghiã. Bám sát hiện thực, khẳng định cái mới cái tốt, cách viết thiên lãng mạn cách mạng. Nhà văn vẫn kiên trì nhiệm vụ “phản ánh hiện thực’, thực hiện thiên chức tạo ra cái đẹp để bồi dưỡng thế giới tinh thần người đọc. Mỗi nhà văn đều cố gắng khắc hoạ con người Đồng Nai hôm qua và hôm nay, đều thể hiện tấm lòng và tâm huyết của mình với Đồng Nai, tô đậm thêm những truyền thống văn hoá Đồng Nai.

 

Hành trình nghệ thuật của văn xuôi Đồng Nai cũng có những nỗ lực đáng kể. Nhà văn Hoàng Văn Bổn dồn hết tâm huyết của mình vào những bộ sử thi về đất nước và con người Đồng Nai trong cách mạng và kháng chiến. Tuy chưa gặt hái được nhiều thành công về thể loại, song đây là một đóng góp đáng kể vào văn xuôi cả nước. Khôi Vũ cũng có nhiều nỗ lực đổi mới. Lời Nguyền Hai Trăm Năm của anh vưà lạ về câu chuyện anh kể và về cách viết ( tác phẩm này được giải thưởng cuả Hội Nhà Văn Việt Nam 1988-1989). Nhưng anh không dừng ở đó. Anh còn thể nghiệm bút pháp hiện thực và huyền thoại trong Những Người Nuôi Lửa, thể nghiệm kiểu kết cấu nghệ thuật mới trong Bay Với Đôi tay Trần và thay đổi hướng viết, anh hướng về  những con người “dưới đáy xã hội “ trong Phiá Sau Một Khách sạn. Người đọc cũng nhận ra anh nâng dần khuynh hướng viết kiểu truyện tư tưởng thay vì chỉ phản ánh hiện thực trong Vỡ Dần Trong Mắt. Trần Thu Hằng là nhà văn trẻ, bút lực mạnh mẽ, năng lực sáng tạo  dồi dào, ngôn ngữ giàu tính trí tuệ. Chị chuyển hẳn sang thể loại truyện hư cấu (fiction) trong Vườn ĐáNgười Đàn Bà Lưu Vong. Chị còn có tác phẩm khoa học viễn tưởng viết cho thiếu nhi . Đó là kiểu truyện không viết để phản ánh mà thể hiện tư tưởng. Tôi tin rằng Trần Thu Hằng còn có khả năng đi xa. Tác phẩm của chị giàu tính nhân văn. Một nhà văn nếu viết chủ yếu bằng vốn sống thì khi những trải nghiệm đã vơi cạn, anh ta sẽ không thể viết được nưã. Và khi hiện thực bị vượt qua thì những gì đã được viết ra sẽ trở nên lạc hậu. Nhà văn viết bằng sự sáng tạo để trình bày vấn đề tư tưởng, nếu sự sáng tạo ấy độc đáo và tư tưởng được trình bày là những tư tưởng tiến bộ, tác phẩm sẽ có cơ may đứng được lâu dài. Vốn sống là điều kiện quan trọng để sáng tác, nhưng năng lực sáng tạo mới quyết định phẩm chất nhà văn. Không có năng lực sáng tạo thì không thể thành nhà văn, có chăng chỉ là những “người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu” ( chữ của Nam Cao)

 

4. Một cái nhìn xa về tương lai văn xuôi Đồng Nai

Văn xuôi Đồng Nai phát triển trên nền văn chương truyền thống Nam Bộ, và đã có những đóng góp nhất định làm phong phú truyền thống ấy. Tuy nhiên , nhìn về lâu về dài, đội ngũ viết văn xuôi ở Đồng Nai còn rất mỏng. Những nhà văn có được những thành tựu hầu hết đã lớn tuổi. Lớp nhà văn trẻ bổ sung còn rất thưa thớt. Mặc dù trước đây Hội VHNTĐN , qua tập san Dưới Mái Trường có nhiều nỗ lực phát hiện và bồi dưỡng các mầm non văn chương, song kết quả không mấy khả quan. Một vài tác giả trẻ mới xuất hiện song chưa hưá hẹn được gì nhiều. Dương Đức Khánh được một vài truyện ngắn có giọng riêng. Nguyễn Một có tập tiểu thuyết đầu tay Đất Trời Vần Vũ (2008) khá đầy đặn trang in, song anh còn chịu ảnh hưởng nhiều về cách viết của những nhà văn Đồng Nai thế hệ trước…Thực trạng này đặt ra một trách nhiệm rất khó khăn cho lãnh đạo Hội.

 

Nhìn ở thành tựu văn chương, ĐN chưa có được những tác phẩm lớn. Có lẽ đã đến lúc nhà văn Đồng Nai nên dành một phần thời gian, sức lực, tâm huyết đầu tư cho tác phẩm của mình. Hy vọng 30 năm sau chúng ta có thể mừng nhau về những nỗ lực sáng tạo đạt được tầm vóc quốc gia và quốc tế. Tôi nghĩ đó không hẳn là ước mơ lãng mạn mà là yêu cầu tiến lên của văn nghệ Đồng Nai./.

 

(1)     Đây không phải là con số chính thức của Hội VHNTĐN, con số do tác giả tự tìm kiếm. nếu có thiếu sót, xin các tác giả lượng thứ

(2)     Xin đọc thêm :Bùi Công Thuấn- Đọc Miền Đất Ven Sông, thử tìm hiểu tiểu thuyết sử thi của Hoàng Văn Bổn

 

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 11264
Ngày đăng: 24.12.2009
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Jean-Paul Sartre ,Nỗi đam mê làm người của thế kỷ 20[1] -1 - Phan Huy Đường
Jean-Paul Sartre ,Nỗi đam mê làm người của thế kỷ 20[1] -2 - Phan Huy Đường
Cảnh trong thơ sơn thủy đời Đường – nhìn từ nỗi sầu nhân thế - Nguyễn Thành Giang
Thanh Thảo và Thơ - Trần Hoài Anh
Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Đi tìm chân trời cho thơ - Dương Bích Duyên
Quan Điểm Mỹ Học của Lão Trang - Nguyễn Trúc Uyên
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam - Trần Minh Thương
Người đọc trong quan niệm của lý luận - phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Từ một câu Ca Dao hiểu câu thơ Hàn Mặc Tử - Trương Quang Cảm
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)