Nguyên tác : La Torre của Dino Buzzati ( Ý )- TRƯƠNG VĂN DÂN Chuyển ngữ
Thời kỳ của những cuộc xâm lăng và giao tranh khốc liệt, một công dân trẻ và giàu có tên là Giuseppe Godrin đã khởi công xây dựng một ngọn tháp ngay biên giới phía bắc của thành phố. Đó là một ngọn tháp rất cao, trên đỉnh có một căn phòng nhỏ, nơi anh ta thường sống phần lớn thời gian của mình.
Trên căn phòng đó Godrin có thể nhìn bao quát một quãng khá dài con đường dẫn về những dãy núi phân chia ranh giới.
Thuở đó có nhiều giống dân hiếu chiến và du mục; chúng xê dịch khắp nơi trên thế giới, mang theo chiến tranh, thảm sát và tàn phá. Trong số đó đáng sợ hơn cả là băng đảng thuộc rợ Saturni, mà chống lại chúng, ngay cả quân đội chính qui của quốc gia cũng phải chiến đấu hết sức khó khăn.
Ngay từ khi còn trẻ Godrin đã bị ám ảnh về những cuộc xâm lăng của Saturni nên khi lớn lên anh đã xây toà tháp để có thể được là người đầu tiên gióng chuông báo động.
Vũ khí nguy hiểm nhất của rợ Saturni chính là sự bất ngờ. Chúng phi ngựa như điên và thường đột nhập lúc thành phố ngủ yên nên những toán quân bảo vệ dù tinh nhuệ đến đâu cũng phải tan hàng. Còn tường thành có cao và trơn trợt cách mấy, những toán rợ đó vẫn leo lên một cách dễ dàng.
Nhờ tầm nhìn khá tốt từ đỉnh tháp nên Godrin thường tuyên bố trước tất cả mọi người là chẳng những anh sẽ là người đầu tiên báo động kịp thời mà lại còn có thời gian để chuẩn bị chiến đấu. Và để thực hiện ý tưởng này, anh đã mua một phần lớn giáp sắt, kiếm, giáo, khiên, và cung nỏ. Rồi trong khoảng sân rộng dưới chân tháp, mỗi tuần ba lần, anh tập hợp nhiều gia đình và tập luyện cho họ cách dùng vũ khí.
Khi ngọn tháp đã xây được một phần lớn và các giàn giáo được dựng cao hơn bất kỳ một cấu trúc nào trong thành phố, thì người địa phương cũng bắt đầu xầm xì là gã Godrin có lẽ bị chạm giây. Từ hơn một thế kỷ nay những toán quân xâm lăng đâu còn xuất hiện! Giống rợ Saturni, thực ra là một chuyện rất xa xưa, có lẽ chỉ là huyền thoại, và theo ý kiến của nhiều người thì bọn chúng đã không còn hiện hữu .
Những dị nghị đàm tiếu, dệt thêu cũng không thể thiếu : Gã Godrin xây tháp đâu có phải để được trở thành nguời đầu tiên trong trận giao tranh mà chính là để có thời gian trốn chạy. Nhiều người còn bóng gió đầy ác ý rằng gã ta còn cho xây một tầng hầm bí mật, một nơi trú ẩn an toàn có tích trữ một lượng thức ăn và nước uống đủ cho một cuộc bao vây rất nhiều năm. Nhiều người nói thế, nhưng chẳng có ai trong bọn họ trưng ra được bằng chứng gì.
Nhưng cùng với thời gian, sau đó chẳng còn ai quan tâm đến chuyện xây tháp nữa. Rồi những dị nghị cũng dần dần chấm dứt. Đó là một thời đại thanh bình và thành phố đang hưởng một cuộc sống an nhàn và sung túc. Còn gã Godrin, tuy thuộc về một trong những gia đình nổi bật, thỉnh thoảng gã cũng có tham gia vào những cuộc vui chơi, giải trí hay lễ hội của tầng lớp quí phái, nhưng chính yếu gã vẫn sống một cuộc đời khép kín và không ngừng quan sát bằng kính viễn vọng con đường từ phương bắc : Nhưng từ những dãy núi ấy anh ta chẳng thấy gì ngoài những cỗ xe bình thường, những đoàn xe vận chuyển hàng hoá, những đoàn cừu hay những kẻ lữ hành đơn độc. Buổi tối, khi màn đêm buông xuống và sự quan sát phải bị gián đoạn, trước khi đi ngủ gã Godrin thường xuống khỏi tháp và bước vào một quán ăn gần đó, ngồi nhấp vài chén rượu hay lắng nghe những chuyện tán gẫu của khách lữ hành đi ngang qua đó.
Cứ thế, rồi thời gian trôi đi với một tộc độ kinh hoàng, chẳng mấy chốc gã Godrin đã trở thành một lão già, và để leo 438 bậc thang dựng đứng trong lòng tháp, lần đầu tiên lão phải nhờ những kẻ hầu hạ giúp đỡ.
Thế rồi, cùng với sức khoẻ, ý tưởng táo bạo của gã cũng suy giảm theo. Những niềm hy vọng thời trẻ hay những nỗi sợ hãi cũ xưa cũng bắt đầu tàn lụi. Lão bắt đầu thấm mệt, có nhiều ngày không thèm động đến chiếc ống nhòm, từ xưa nay luôn nhắm về phương bắc.
Nhưng trong một buổi tối, khi ngồi trong một góc tiệm nghe một gã buôn ngựa kể những chuyện ly kỳ của các xứ sở xa xôi, thĩ bỗng Godrin giật nẩy mình. Bỡi vì, trong một lúc nào đó gã kia đã nói : "...Đúng rồi, tôi còn nhớ rõ, là khi đó tôi còn là một thiếu niên, ngay cái năm mà bọn rợ Saturni đến xâm lăng quê hương các bạn".
Lão Godrin không bao giờ ngắt lời người khác, nhưng lần này lão không nhịn nổi: " Xin lỗi ông" lão hỏi "ông vừa nói sao ạ?"
Người khách quay lại, kinh ngạc : " Thì đó, cái năm mà bọn Saturni xâm lăng đó". Rồi gã quay sang hướng khác, kể tiếp câu chuyện đang dang dở.
Quá bất ngờ nên lão Godrin không dám tiếp tục ngắt lời. Mà suy cho cùng, tại sao lão phải lấy làm quan trọng việc một tay nói dóc dọc đường? Nhất định là anh chàng đang dóc láo, ngoài việc nhầm lẫn một cách buồn cười về tên họ và thời gian.
Tuy vậy một chút hoài nghi vẫn còn nằm trong đầu lão : Tại sao, khi nghe nhắc đến cuộc xâm lăng của bọn giặc Saturni, những người khác đang ngồi nghe, đúng là những người địa phương mà lão từng quen mặt, chẳng có ai phản ứng hay bắt bẻ gì ?
Thế là, trong những ngày sau, làm bộ như chẳng quan tâm gì, lão đi thăm đây đó, dừng chân tán chuyện với mọi người trong địa phương, từ gã bán hàng tạp hóa đến lão bán thuốc xì-gà, từ cô thợ may đến người bán sách; điều mà trước đây lão chưa hề làm. Lão chẳng đặt câu hỏi chính xác, chỉ nói vòng vo rồi ám chỉ đến sự việc như một sự tình cờ. Nhưng thăm hỏi rất nhiều lần mà cuối cùng lão cũng chẳng tìm ra một chút ánh sáng nào.
Thế là lão ta đi thăm Antonio Kalbach, người thầy già ngày xưa đã dạy tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh cho lão. Đó là một người rất được trọng vọng trong thành phố nhờ vốn kiến thức uyên bác. Sự thông tuệ và minh triết của ông ta được người đời xem như một sự mách bảo của thần linh và ngay cả những lãnh đạo quốc gia cũng đến tham khảo ý kiến của ông trong những lúc khó khăn. Lâu lắm, kể từ khi thôi học, lão Godrin không còn dịp gặp hay nói chuyện với thầy mình nữa. Và đã rất lâu Godrin cũng chẳng gặp thầy ngoài phố, dấu hiệu rằng con người tài ba kia bây giờ chắc đã già lắm và chẳng con sức khoẻ để bước ra đường.
Nhà thông thái tiếp đón Godrin với lòng nhân ái. Dường như ông không mấy ngạc nhiên trước câu hỏi của gã học trò, còn thái độ của ông chứng tỏ rằng ông đã biết hết mọi việc.
"Đã lâu lắm con không đến thăm lão già này" ông thầy nói " thế nhưng thầy vẫn còn nhớ đến con. Và thầy cũng đã theo dõi mọi việc làm của con nữa. Tội nghiệp con quá, Godrin! Đúng rồi, bọn Saturni có đến, điều mà suốt cả cuộc đời đã làm con bận tâm và lo ngại. Bọn chúng đã đến, đã qua đây và giờ đã đi xa rồi."
"Nhưng thưa thầy, trong thành phố này, ít nhất cũng là 60 năm, từ khi con sinh ra..."
"Bọn rợ Saturni đã đến" nhà thông thái tiếp tục xác nhận "nhưng con, tội nghiệp, con cứ ở trên cao, trên tầng tháp vô ích đó nên con chẳng hay gì cả "
" Nhưng ít ra con cũng đã thấy chúng đi qua con đường từ phương bắc chứ !"
" Chúng không đến từ con đường phía bắc, và cũng chẳng đến từ phía nam. Chúng nó thầm lặng trồi lên từ lòng đất, đã cướp bóc và tàn phá. Còn con, tội nghiệp con, trong cái sự ích kỷ đáng mến của con, con chẳng hay biết gì !"
"Nhưng dù sao thì con cũng đã tránh được chúng chứ, đúng không?" Godrin đáp lời, hơi bực tức.
"Bọn rợ Saturni đã đến, cướp bóc rồi ra đi. Những bọn khác rồi cũng sẽ đến nữa. Những bọn rợ khác như Saturni sẽ đến mỗi ngày, tấn công, cướp bóc, tàn phá rồi ra đi. Chúng không tràn ra đường phố hay quảng trường của chúng ta mà chúng làm việc ngay bên trong của mỗi chúng ta...và chúng nó sẽ gây ra nhiều cuộc thảm sát, nếu chúng ta không coi chừng..."
"Nhưng con..."
"Mà...con, con cái gì? Chúng đã tấn công và đã tàn phá con rồi đó, chỉ có điều là con chẳng hay biết gì bỡi vì con luôn quay mặt về một hướng khác, luôn chúi mũi nhìn về phía con đường ngu xuẩn đi về phương bắc. Và, tội nghiệp chưa, bây giờ thì con đã già... và đã hoang phí cả cuộc đời."./.
TRƯƠNG VĂN DÂN Chuyển ngữ