1. Yêu và chết
Ở xứ sở giống em
Aimer et mourir
Au pays qui te ressemble
(Beaudelaire, L'invitation au voyage)
Con người sinh ở đâu, không tuỳ thuộc nó.
Sau khi đã nên người, yêu và chết ở đâu, thỉnh thoảng, có người có điều kiện và biết lựa chọn nơi mình có thể yêu và muốn chết.
Khi nó lựa chọn yêu và chết ở xứ sở giống em, nó lựa chọn yêu và chết ở xứ sở người. Quả là nơi đáng để ta yêu và chết. Chỉ nhà thơ, trong khoảnh khắc điên điên đam mê chính mình mới hiểu được và biến nó thành… thơ !
Chán thật, hè hè…
2009-10-20
2.
Quá khứ và tương lai
Quá khứ đã tạo ra ta, con người của hôm nay. Chính vì thế quá khứ ngăn cản ta biến thành con người cho ngày mai.
Quá khứ có thể bóp "chết" tương lại vì mãi mãi nó là và chỉ là nó, dù kéo dài.
Tương lai chưa là gì cả mà có khả năng giải phóng quá khứ khỏi quá khứ, mở đường cho nó phát triển đến tận ngày mai. Mãi mãi.
2009-10-20
3.Tâm Tình Trí
Chỉ có tâm có tình thôi, làm càn lúc nào không biết. Chỉ có trí thôi, làm bậy lúc nào không hay.
Hành-động thống-nhất tâm – tình – trí chưa là hành-động thông thường của người đời nay.
Đành vậy. Nhưng có lúc đau lắm.
Hè hè…
2009-10-22
.
4. Adam Smith và chủ nghĩa tư bản
Adam Smith đã lập ra nền tảng của môn kinh tế chính tri học (économie politique, theo ngôn ngữ của ông), hay, với người đời nay ghét hai từ chính trị, chỉ mê khoa học thôi, của những khoa học kinh tế (sciences économiques) hoặc kinh tế học.
Một số khái niệm của ông và quan điểm của ông về vai trò của thị trường vẫn còn là nguyên lý trong những lý thuyết kinh tế tân tự do (néolibéral), tân cổ điển (néoclassique) đã và đang thống trị tư duy kinh tế của nhân loại.
Tuy vậy, dường như không ai thèm dạy tận gốc, chi ly và đầy đủ, học thuyết kinh tế của ông. Hồi tôi còn xách cặp tới trường, yêu quê hương kinh tế qua từng trang lý thuyết nhỏ, tôi có được nghe thầy nhắc tới tên Adam Smith trong vài… câu ! Hôm nay, xét cho cùng, không khó hiểu. Đào sâu tư tưởng của ông, tìm hiểu nó, so đo nó với nghiệm sinh và kiến thức mà loài người đã có được trong lĩnh vực này từ thời ông tới nay, một cách tỉnh táo và phê phán, có lắm vấn đề không vui tí nào. Nói chung, các thầy cấu và dùng lại hai ý, như nguyên lý không cần phải bàn :
a/ giá trị – lao động (valeur–travail)
b/ Ngoài vài trường hợp đặc biệt, như vấn đề an ninh quốc gia chẳng hạn, Nhà nước không nên can thiệp vào sự vận động tự nhiên của thị trường, cứ để cho nó tự điều tiết, đó là đường lối kinh tế chính trị đúng đắn và hiệu quả nhất. Trong sự vận động tự nhiên ấy, mỗi cá nhân chỉ đeo đuổi mục đích ích kỷ của mình thôi, không ai quan tâm tới lợi ích chung của xã hội. Thế mà sự cạnh tranh giữa họ sẽ khiến toàn bộ xã hội đạt khả năng sản xuất và làm giàu tối ưu, cứ như thể thị trường có một bàn tay vô hình hướng dẫn mọi người đều đi tới mục đích ấy.
Báo Le Monde và nxb Flammarion tái bản quyển La richesse des nations[1], Sự giàu có của các quốc gia, bán với giá 4,90 € ở quầy báo ! Ôi, một tác phẩm quý đến thế này mà trị giá có bấy nhiêu thôi ! Trí tuệ là tài sản chung của nhân loại, không là một ý tưởng hão khi luật Pháp cấm tư hữu hoá nó… Nhân dịp này, ta thử ghi nhớ vài đóng góp quý báu của Adam Smith trong lĩnh vực tư duy kinh tế. Ghi nhớ thôi, không phê phán vì đã có người phê phán chi li mạch lạc từ lâu rồi[2] và, trong lĩnh vực vừa thiết thân vừa rắc rối bậc nhất này của kiếp người, không thể có "mì ăn liền" được, phải vắt óc toát mồ hôi hột thì may ra mới học được đôi điều đáng học.
1/ Sự giàu có của các quốc gia là gì ?
Adam Smith là người đầu tiên khẳng định một cách dứt khoát, toàn diện, rõ ràng và mạch lạc quan điểm này : sự giàu có của các quốc gia không do "rừng vàng biển bạc" mà có ; nó không là gì hết ngoài toàn bộ những sản phẩm do lao động của con người tạo ra. Nếu ta xem nó trong khoảnh khắc 1 năm thì nó gồm :
a/ tư bản[3] sẵn có, nghĩa là những sản phẩm mà lao động của xã hội đã sản xuất ra trước đó mà chưa tiêu thụ.
b/ những sản phẩm mà lao động của quốc gia (hay xã hội) ấy đã sản xuất được trong năm.
Ở thời ông, quan điểm này quả là cách mạng. Nó vừa kế thừa vừa phủ định mô hình kính tế của Quesnay[4] vì Quesnay cho rằng chỉ có lao động nông nghiệp mới tạo ra của cải cho quốc gia.
2/ Khối lượng sản phẩm được tạo ra tuỳ thuộc :
a/ số người lao động được vận dụng để sản xuất trong năm
Số người này lại tuỳ thuộc lượng tư bản sẵn có trong xã hội : nó cho phép mua ít hay nhiều phương tiện sản xuất và trả lương cho ít hay nhiều thợ (ouvriers) để lao động sản xuất.
b/ năng suất của lao động
Năng suất của lao động tuỳ thuộc mức độ phát triển của sự phân công lao động (division du travail).
Chính nó và sự phân công lao động khiến thị trường phát triển. Thị trường phát triển lại thúc đẩy sự phân công lao động và năng suất lao động phát triển.
3/ Thước đo của giá trị trao đổi của sản phẩm
Thời gian lao động cần thiết để sản xuất sản phẩm là thước đo giá trị trao đổi của sản phẩm[5]. Phải hiểu đó là thời gian trung bình để sản xuất một loại sản phẩm trong một xã hội nào đó ở một thời điểm nào đó. Giá cả của sản phẩm chỉ là hình thái tiền tệ của giá trị trao đổi ấy. Khi giá cả khớp với giá trị trao đổi, Adam Smith gọi nó là giá tự nhiên[6] của sản phẩm (prix naturel). Còn những giá mà ta thấy trưng ở cửa hàng, thường khác nhau, Adam Smith gọi chúng là giá thị trường, prix de marché. Giá thị trường dao động chung quanh giá tự nhiên tuỳ tình trạng cung cầu ở từng nơi. Et tutti quanti. Xuyên qua cạnh tranh, sự dao động ấy khiến cho giá thị trường tự nó hướng tới giá tự nhiên của sản phẩm. Sự điều tiết tự nhiên của thị trường ở đó.
4/ Nội dung cơ bản của quan hệ kinh tế tư bản
Trong chương Des salaires du travail[7] (Bàn về những [hình thái] lương của lao động), Adam Smith trình bày hết sức rõ ràng quan điểm của ông về nền kinh tế thời ông. Đọc kỹ nó, ta hiểu liền vì sao Marx trọng tư tưởng của ông và coi ông với Ricardo là hai người đặt nền móng cho môn kinh tế chính trị học với tính cách một môn khoa học. Tôi xin cố dịch một mẩu, một cách chính xác nhất mà tôi có khả năng[8] :
Phần thưởng tự nhiên của lao động, hay lương của lao động, chính là sản phẩm do lao động tạo ra. Trong trạng thái nguyên thuỷ ấy, có từ trước khi có sự chiếm hữu đất đai và sự tích luỹ tư bản, toàn bộ sản phẩm của lao động thuộc về người thợ (ouvrier, nghĩa thực là : người lao động). Người ấy không phải chia chác với chủ sở hữu (propriétaire) hay chủ (maître)[9].
Nếu trạng thái ấy đã tiếp tục tồn tại tới ngày nay thì lương của lao động đã tăng cùng với sự tăng trưởng của năng suất lao động do sự phân công lao động tạo ra. Mọi sản phẩm đã từ từ trở thành càng ngày càng rẻ.[10] […]
Nhưng trạng thái nguyên thuỷ trong đó người thợ hưởng toàn bộ sản phẩm do lao động của nó tạo ra, đã không tồn tại vượt qua thời đại sự chiếm hữu đất đai và sự tích luỹ tư bản đi vào xã hội. Thế thì trạng thái ấy không còn nữa từ lâu, khi năng suất lao động đã đạt một mức hoàn hảo cao, và ta không nên mất thời giờ tìm hiểu xem hậu quả trên phần thưởng hay lương lao động sẽ thế nào trong trạng thái ấy.
Ngay khi đất đai trở thành tư hữu[11], chủ đất liền đòi hỏi cho mình hầu hết những sản phẩm mà người lao động có thể nuôi trồng và gặt hái được ở đó. "Địa tô" (tiền thuê đất) của nó là phần phải trừ đi đầu tiên mà lao động ứng dụng vào đất phải chịu đựng.[12]
Rất ít khi con người cày đất có sẵn những gì cần thiết để sống cho tới ngày gặt hái. Thông thường, một ông chủ trại (fermier), người dùng nó, trên vốn tư bản của mình, cho nó vay những đồ tiêu dùng [để tồn tại và lao động cho tới ngày gặt hái], và ông chủ ấy chẳng có lý do gì để làm việc ấy nếu việc ấy không cho phép ông thu một phần sản phẩm do lao động của nó tạo ra, hay nếu vốn tư bản mà ông ấy đã ứng ra không được hoàn lại với một món lời. Món lời ấy là phần cắt xén thứ hai trên sản phẩm của lao động vận dụng vào đất đai.[13]
Sản phẩm của hầu hết mọi lao động khác đều bị ăn xén như thế để trả tiền lời.
Sản phẩm của hầu hết lao động nào khác đều bị cắt xén như thế để thanh toan món lời cho tư bản. Trong mọi ngành nghề, trong mọi xí nghiệp (fabriques), đa số thợ cần có một ông chủ sẵn sàng ứng cho họ phương tiện vật chất để lao động, cũng như lương và nhu yếu phẩm của họ để sống, cho tới khi sản phẩm của họ hoàn thiện. Người chủ ấy lấy một phần sản phẩm của lao động của họ hay giá trị mà lao động ấy đã thêm vào vật thể mà nó tác động vào [để biến vật thể ấy thành hàng hoá có thể trao đổi được] và chính cái phần ấy làm ra lời của họ.
Tóm lại, thế này :
A/ Thế nhìn của chủ đất và của chủ tư bản :
Tôi là chủ đất, là chủ tư bản. Anh muốn lao động sản xuất để sống "ngày càng khá hơn" thì anh phải nộp tô nộp lời cho tôi ngày càng nhiều hơn.
Khi bản thân anh "chủ tư bản" không có vốn, chỉ có tài kinh doanh thôi (tư bản chức năng), anh ấy có thể vay vốn tư bản của người khác (tư bản sở hữu) để kinh doanh và phải chia chác một phần tiền lời (nếu có !) với anh tư bản sở hữu. Phần đó gọi là intérêt (lãi có được do cho vay vốn). Lãi ấy chẳng bao giờ do sự hy sinh không hưởng thụ liền tài sản của mình của chủ vốn hay sự dũng cảm chấp nhận rủi ro, mà đột nhiên hiện thực ở đời, làm gì có chuyện hão đến thế ! nó chỉ có thể do lao động của người khác mà có thực.
Đó là chuyện ngày xưa. Ngày nay còn có chuyện siêu hơn nữa. Những nghìn tỷ $ mà các Nhà nước tư bản đổ ra để cứu vãn "hệ thống tài chính" của"quốc gia" và "quốc tế", đương nhiên phải đi vào túi của aichứ ! Đó là những món nợ mà bàn dân các nước ấy phải trả bằng lao động tương lai của mình và con em mình. Kinh tế hậu hiện đại đó ! Không chỉ là học thuyết suông đâu…
B/ Thế nhìn của anh lao động :
Dù sao thì không có đất hay vốn tư bản của người khác thì mình cũng bất lực và đói nhăn răng.
C/ Kết luận của Adam Smith : những điều ấy tự nhiên, cứ để thị trường giải quyết một cách tự nhiên. Sẽ lợi cho mọi người.
Trước Adam Smith, chưa ai đã mô tả một cách cụ thể, hữu lý, tính chất bóc lột sức lao động của hình thái kinh-tế xã-hội tư bản như thế này.
Adam Smith, trong quyển sách này, không bao giờ dùng khái niệm bóc lột. Có lẽ, đối với ông, khái niệm ấy không có tính chất khoa học, vì đối với ông, đó là một sự kiện tự nhiên, không dính dáng gì hết với thế giới giá trị, tâm linh của con người ? Ông thấy rất rõ rằng quan hệ giữa chủ đất và chủ tư bản với người lao động sản xuất ra sản phẩm, của cải hay sự giàu có của các quốc gia, là một quan hệ cưỡng bức để đoạt về mình một phần sản phẩm do lao động của người khác tạo ra. Ông cũng thấy rất rõ rằng một chức năng của Nhà nước là bảo vệ quan hệ bóc lột ấy. Ông không coi đó là bóc lột, coi đó là tự nhiên. Tự nhiên là tự nhiên, tự nó tồn tại và vận hành, chẳng thể nào khác được, là sự thật, là đối tượng của tư duy khoa học, theo ông và không ít người khác từ xưa tới nay. Đời nó vậy mà ! Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi, đời nay, các kinh tế gia thời thượng chỉ biết cấu vài ý tưởng của ông để lạm dụng cho mình vì chính mình thua kém ông cả một cái đầu, dù được đội mũ "Nobel" kinh tế, nhưng không có mấy ai nhắc lại, dạy lại toàn bộ học thuyết kinh tế của ông.
5/ chống mọi hình thái độc quyền kinh doanh (monopole)
Đã tin vào bàn tay vô hình của Thị trường, tính ưu việt của tự do cạnh tranh, Adam Smith chống mọi hình thái độc quyền kinh doanh (monopole). Ông chung thuỷ và nhất quán trong tư duy của mình đến mức : ông chủ trương bãi bỏ độc quyền kinh doanh của các đế quốc, kể cả đế quốc Anh, trong quan hệ kinh tế của chúng với thuộc địa của chúng. Cứ như OMC ngày nay !
Ông không ý thức được rằng kết quả tự nhiên của cạnh tranh tự do sẽ dẫn tới sự phủ định chính nó : độc quyền. Suy luận hình thức giới hạn ở đó. Ngày nay, trong thị trường toàn cầu hoá này, trong những lĩnh vực cơ bản nhất của kinh tế, mơ màng tới tự do cạnh tranh kiểu Adam Smith là chuyện hão ! Chỉ cần đếm xem, trong lĩnh vực năng lượng dầu hoả và khí đốt, trên đời nay và trong từng quốc gia, còn mấy người cạnh tranh với nhau thì biết.
6/ chống sự can thiệp của Nhà nước vào sự vận động tự nhiên của thị trường
Đây có lẽ là di sản, tuy đã cũ kĩ kinh hoàng, cũ kĩ hơn cả học thuyết kinh tế của Marx mà, có tác động nhiều nhất của Adam Smith với tư duy kinh tế và đời sống chính trị ngày nay. Và thân phận làm người của chúng ta trong nền kinh tế thị trường tư bản toàn cầu hoá này.
Ông cho rằng :
a/ Sự vận động tự nhiên của kinh tế thị trường sẽ tự nó hướng dẫn hành động của con người đi tới mức tối ưu của nó cho xã hội. Đây là niềm tin "khoa học" của thế kỷ Khai Sáng !
b/ Vì sao ? Ta không thể hiểu được[14]. Ta chỉ có thể tin tưởng vào bàn tay vô hình của nó thôi. Bàn tay ấy sẽ dẫn ta đi tới đâu, ta chỉ biết được sau khi đã trả giá, sau khi đã làm người không tự do, hay đã làm người tự do phi lý trí, phi nhân tình[15] !
Thế thì ta có quyền đặt câu hỏi này : mặc dù ông nhân tình, điều ta quý trọng, lý trí của ông trong vấn đề này, đáng tin không ? Riêng tôi : không !
Mấy tháng qua ta đã và, trong những tháng năm tới, ta sẽ trả giá không ít cho niềm tin này.
Trong tác phẩm của ông, còn vô vàn vấn đề để suy ngẫm, không như một lĩnh vực "khoa học", mà như một thức thách làm người có lý trí. Và, với tôi, có… tình người ! Dại thế ! Hè hè…
Đối với một người đành lang thang chữ nghĩa như tôi, đọc lại quyển sách này tôi lại được hưởng hai điều thú vị.
A/ Adam Smith cho thấy rõ tư duy của con người lệ thuộc chữ nghĩa mà người đời đã nhồi vào óc nó đến mức nào !
Dù có thể tôi đã nói quá dài, tôi đã thấy rằng phải xem xét, trong mọi chi tiết của nó, niềm tin của dân chúng cho rằng sự giàu có ở lượng tiền hay vàng bạc mà ta có. Trong ngôn ngữ thông thường, như tôi đã từng nhận xét, có tiền thường có nghĩa là giàu có, và sự nhập nhằng trong cách phát biểu ấy đã khiến ý tưởng bình dân này trở thành thân thuộc với chúng ta đến mức ngay cả những người tin chắc rằng quan điểm ấy sai, bất cứ lúc nào cũng có thể quên nguyên lý của chính họ và bị luồng suy luận của họ lôi kéo tới mức họ chấp nhận thành kiến ấy như một ý tưởng họ đã thu nhập và công nhận là sự thật chắc chắn, không thể phủ nhận. Một vài tác giả Anh hay nhất đã từng viết về thương mại, đã xuất phát từ nguyên lý đó, nghĩa là sự giàu có của các quốc gia không chỉ ở lượng vàng và bạc mà nó có, mà là ở đất đai, nhà cửa và đủ thứ sản phẩm tiêu dùng được mà nó có. Tuy vậy, sau đó, dường như họ đã quên béng đất đai, nhà cửa và sản phẩm tiêu dùng được, và nội dung những lập luận của họ khiến ta nghĩ rằng sự giàu có ở lượng vàng và bạc mà quốc gia ấy có và họ coi chuyện nhân khối lượng những kim loại quý ấy là mục tiêu cơ bản của công nghiệp và thương nghiệp quốc gia.[16]
Trong lĩnh vực kinh tế học, có lẽ Adam Smith là người đầu tiên nêu ý tưởng sâu sắc này. Sau đó, có Karl Marx, sâu sắc hơn nhiều vì chàng còn là một… triết gia ! Chẳng khoa học tí nào cả…
Nếu ta vận dụng ý tưởng của ông để xem xét "ngôn ngữ khoa học" của chính ông, như khái niệm tự nhiên chẳng hạn, ta sẽ hiểu được đôi điều đáng hiểu về ngôn ngữ khoa học trong học thuyết của ông và trong ngành kinh tế học ngày nay.
B/ Sau khi phê phán khắt khe sai lầm của François Quesnay, ông đánh giá cống hiến của Quesnay cho môn kinh tế chính trị học như thế này.
Mặc dù những khuyết điểm của nó, có lẽ mô hình này, trong tất cả những gì người đời đã đăng về kinh tế chính trị học, là mô hình gần sự thật nhất và, dưới góc độ đó, nó đáng cho mọi người muốn tìm hiểu một cách nghiêm túc một môn khoa học quan trọng như thế này, quan tâm. Khi ông cho rằng lao động khai thác đất đai là lao động có tính chất sản xuất duy nhất, những ý tưởng của ông về hiện thực có thể quá chật hẹp và giới hạn. Tuy vậy, khi ông cho rằng sự giàu có của những quốc gia không ở lượng của cải không tiêu thụ được như vàng và bạc mà ở những sản phẩm tiêu thụ được mà lao động của xã hội có thể tái sản xuất mỗi năm, và vạch cho thấy rằng tự do tuyệt đối là phương tiện duy nhất cho phép nó đạt thành quả lớn nhất, lý thuyết của ông, về mọi mặt, đúng đắn ngang tầm vĩ đại và tinh thần rộng lượng của nó.[17]
Sau này, Marx đã đánh giá Quesnay như sau : Quesnay là người đầu tiên tạo ra thế nhìn vĩ mô, tổng hợp, ở mức Nhà nước, của hoạt động kinh tế.
Về mặt lý thuyết kinh tế, kế thừa và vượt Quesnay, ngoài Marx, chỉ có John Maynard Keynes thôi.
Đọc khúc văn trên, tôi chạnh lòng nhớ cuộc tranh luận giữa Sartre và Camus khi hai người, tôi đều yêu[18], đoạn tuyệt với nhau. Ôi, nhân tài thế giới đánh giá nhau như thế ! Càng quý trọng nhau, càng khắt khe, càng quyết liệt đòi hỏi tới cùng, chẳng rào trước đón sau, xã giao tí nào. Và ngược lại !
Ngông cuồng, tôi kiến nghị với các đại học kinh tế lập một chứng chỉ : tư duy kinh tế của Adam Smith.
Tất nhiên lại chuyện hão ! Chỉ là kẻ ngoại đạo mà dám lếu láo đến thế thì… hết xảy !./.
2009-10-24