Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim
Ơ kìa ! Sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lấy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu
Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường
Chị nhiều hờn- giận- yêu- thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!
Bình thơ:
Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã ngự trị suốt mấy trăm năm trên đỉnh cao thi đàn Việt Nam. Đó là thi phẩm góp phần đưa ông trở thành Danh nhân văn hóa thế giới. Ngòi bút miêu tả nỗi đau đớn xót xa của người “sắc đành đòi một tài đành họa hai”- Thuý Kiều quá sắc sảo, làm nhoè mờ đi Thuý Vân - người cũng “hoa cười ngọc thốt đoan trang”, cũng “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười” chứ nào đâu phải thường. Vậy mà ít ai quan tâm đến đời nàng phải cam chịu một bi kịch - một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Chính vì thế, khi Thuý Vân cất lời giãi bày: Tâm sự nàng Thuý Vân, thì người đọc ngùi ngùi, động lòng thương cảm. Đó là một phát hiện độc đáo của nhà thơ Trương Nam Hương, mở ra các cách tiếp cận khác nhau, để ta hiểu biết thêm tính phong phú, sâu sắc đa dạng của tác phẩm bất hủ - Truyện Kiều.
Lời phân trần, pha chút trách móc ai oán của Thuý Vân không kìm nén được, đã bộc lộ ngay ngày sum họp, sau mười lăm năm tan hợp của gia đình họ Vương cũng là điều dễ hiểu:
Nghĩ thương lời chị dặn dò
Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim
Thương chị, vâng lời chị, nhưng trái tim có lý lẽ riêng không ngoan ngoãn tuân theo việc chắp "mối tơ thừa"với chàng Kim, nên chuyện đôi lứa đối với em chỉ là - mười lăm năm đắm con đò xuân xanh. Sống trong cảnh “đồng sàng dị mộng”, nằm bên em đấy mà hồn chàng dõi theo nơi chị, dửng dưng trơ lỳ, chả mảy may rung động, nên cả tuổi xuân em chìm đắm phôi phai tàn lụi. Trong cảnh ngang trái vậy, làm sao em có thể động lòng xót thương, sao có nước mắt dành cho chàng được.
Nghe lời em mà chị lặng đi, lòng như tơ vò muối xát:
Ơ kìa! Sao chị ngồi im
Máu còn biết chảy về tim để hồng
Lầy người yêu chị làm chồng
Đời em thể thắt một vòng oan khiên
Tình yêu thiêng liêng vô giá, thượng đế chỉ ban tặng cho mỗi người có một, chị và em là tình máu mủ ruột rà, mà em lấy người yêu chị làm chồng, thì còn ra thể thống gì, em đã làm một việc trái đạo lý luân thường, nên đời em luôn mặc cảm phải gánh chịu nghiệp chướng oan khiên. Chị ngồi im là bởi thật thấm thía nỗi xót xa với em đấy chứ đâu phải vô tình. Vì chưa nhận ra điều này, hay vì nỗi đắng cay chất chứa mà Thúy Vân vẫn chưa thôi hờn trách chị:
Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên
Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu
Chị sụt sùi bên mộ Đạm Tiên, nhân hậu bao dung, mong nước mắt sẻ chia được với kiếp hồng nhan bạc phận từ cõi bên kia. Còn em, máu chảy ruột mềm cùng chị thì sao? Đạm Tiên cũng như biết bao nhiêu số phận (mấp mô số phận) dẫu cao cả hay thấp hèn, đã được đầu thai trong kiếp người thì họ vẫn có quyền yêu, được yêu, nên dù đã khuất thì tình yêu của họ vẫn được siêu thoát chứ đâu chịu hẩm hiu như em: Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu. Và rồi, hình như nhận ra mình đã quá lời, và chị cũng là người chịu bao tủi nhục đắng cay phải bán mình chuộc cha, sống lênh đênh chiếc bách giữa dòng, thì Thúy Vân lại sắt se lòng, vội tìm lời an ủi chị:
Là em nói vậy thôi Kiều
Sánh sao đời chị ba chiều bão giông
Con đò đời chị về không
Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường
Trương Nam Hương thật điệu nghệ trong bước chuyển tâm lý nhân vật: Là em nói vậy thôi Kiều/ Sánh sao đời chị ba chiều bão giông. Con đò đời chị chẳng những về không mà còn chở theo nỗi bi thương, coi sự quyên sinh nơi Tiền Đường như một sự giải thoát. Lời lẽ Thúy Vân thật gần gũi chân tình, lấy cái mất mát hy sinh lớn lao quãng đời đen bạc của chị mà so sánh, mà tự vấn mình và có lẽ đấy cũng là cách tự an ủi cho vợi bớt đắng cay? Nói thì nói thế, nhưng nỗi oan ức bị “mất quyền được yêu” cứ trào dâng, khắc khoải:
Chị nhiều hờn- giận- yêu- thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò
Em chưa được thế bao giờ
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim
Đời chị tan nát, nhiều tủi nhục, nhưng chị còn có được những cuộc tình, những giây phút hạnh phúc đến không ngờ, sống được yêu, mà yêu như mơ, yêu đến mức phiền luỵ cả trời đất, đến vầng trăng huyền diệu chứng tích của sự hẹn hò cũng phải hờn ghen: vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò. Câu thơ biến ảo, độc đáo, vị trí lại đắc địa, khẳng định được cái thiêng liêng vô giá bất khả so sánh khi người ta yêu và được yêu. Ngược lại nó cũng đẩy đến tận cùng tâm trạng của kẻ bị tước đoạt quyền yêu, mặc cảm với trái tim phải tự đánh lừa, bị giam hãm, không lối thoát.
Em thành vợ của chàng Kim
Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!
Thật chua chát, thật trớ trêu cho số phận: em thành vợ của chàng Kim để mà cam chịu nỗi tẻ nhạt hững hờ, mà huyễn hoặc tưởng tượng yêu thương. Trương Nam Hương lại cho Thuý Vân bộc bạch không che đậy: Giấu đầy đêm nỗi khát khao/ Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!. Đó là lời phản kháng, tưởng yếu ớt vô vọng, nhưng không, nó thật quyết liệt, là cáo trạng lên án, là thông điệp gửi tới muôn đời: hãy nói không với hôn nhân không tình yêu. Đó là cái kết mở, giàu tư tưởng nhân văn, vượt ra ngoài giới hạn của một bài thơ, gây ấn tượng mạnh mẽ, ám ảnh người đọc.
Từ Tâm sự nàng Thuý Vân của nhà thơ Trương Nam Hương, thêm một phát hiện độc đáo để khẳng định: dù đã mấy trăm năm, qua Đông Tây kim cổ, đã có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, mà vẫn chưa hết ngạc nhiên về những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của tác phẩm. Thế mới biết tầm vóc và sức sống trường tồn của kiệt tác Truyện Kiều, và vì thế không phải ba trăm năm mà mãi mãi nhân loại vẫn sẽ khóc Tố Như./.
Ninh Bình, ngày 23 – 12 - 2009.