Đó là nhan đề một bài thơ tôi rất thích mà không nhớ nổi tên tác giả. Mỗi lần về thăm quê tôi thường tự ngân nga cho mình nghe:
“Một lần con bước đi xa,
Hành trang từ đất quê nhà tiếng ru
……………….”
Thân tôi một cảnh hai quê. Về Quê ngoại để thăm mẹ, các em và các cháu.Về để tìm lại kỷ niệm tuổi thơ. Quê nội là quê của hai con,về để tròn phận dâu con.Niềm vui lớn nhất của tôi trong những chuyến về quê là biết chắc mẹ khoẻ và đại gia đình bình an, làng quê thanh bình.
Không hiểu sao, mỗi lần về quê tôi đều có những thông tin rất thời sự. Không biết có phải do tôi là cô giáo, chỗ dựa tin cậy của bà con hay tôi nay đã là dân thị thành mà vẫn giữ được ít nhiều cái nếp quê mùa cố hữu, cái mà một thời Nguyễn Bính phải kêu lên “van em , em hãy giữ yên quê mùa”.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cổng làng hoành tráng, sang trọng nổi bật giữa cánh đồng lúa trên đường về quê.Cổng làng mới được xây dựng cách nay ba năm. Kinh phí chừng hơn hơn trăm triệu do nhiều nguồn tài trợ khác nhau.Thế mà dân làng đang yêu cầu trưởng làng cho dỡ bỏ chỉ vì họ tin rằng cổng không xây đúng vị trí ban đầu nên đã gây ra một số điều rắc rối.Những người trẻ của làng cứ tuần tự theo về với tổ tiên. Bà con dẫn chứng:Thằng C.con anh Tr.vừa đi Nam về bị tai nạn giao thông chết ,lúc ra xã làm khai tử mới biết nó mới mười tám. Rồi con bé T.đẹp ngưòi đẹp nết sắp lấy chồng tự dưng cảm, lăn quay ra chết.Theo bà con tựu trung chỉ vì cái cổng làng mới xây!?!
Tôi nhớ lại ngày mới về làm dâu,vẫn ra giếng làng gánh nước. Giếng to, nước trong xanh. Xung quanh làng xây sân giếng để bà con làm nơi giặt giũ. Đêm trăng ghánh nước, chuyện trò râm ran nơi giếng làng đã cho tôi sự gắn bó với quê chồng…Đem chuyện cái giếng về hỏi cha mẹ thì được biết cách đây 3 năm ông T. bí thư chi bộ cho lấp cái giếng mất rồi. Mấy tháng sau ông T. đột tử. Rồi từ đó đến nay con cháu trong làng không có đứa nào thi đậu Đại Học!
- "Cả làng chả có đứa nào đậu ĐH, CĐ cả chị ạ,13 đứa trượt cả 13, trong khi làng Dân Chính đậu hơn chục đứa".Sợ tôi chưa tin, cô em thêm vào.
Làm như biết tôi chỉ nói lời an ủi , cô quả quyết:
-"Bọn em đi xem rồi. Thầy bảo từ khi phá cái giếng làng, con cháu trong làng bị phạt."
Tôi nghe mà lạnh hết cả người. Thầm khấn "Các cụ ơi xin hãy tha cho người không biết"!
Trên đường về, thấy cái thềm nhà chị H. còn che phủ. Biết tôi thắc mắc, chị kể:
- Làng ta có Chi 3 họ Nguyễn. Năm ngoái xây lăng cho các cụ xong, ba người trong Chi đổ ra ốm. Ngặt một nỗi cứ xuất viện về nhà lại ốm lại. Tốn bao nhiêu tiền thuốc mà không khỏi. Làng bảo chắc là trong họ tộc có chuyện. Các bà các chị trong họ đi tìm thầy, chẳng biết Thầy nói gì mà mấy hôm sau Chi này tập trung con cháu mang lễ vật ra bãi trại phá cái bậc tứ cấp mới xây, sửa thành tam cấp lên mộ tổ. Được ít lâu sau thì con cháu khỏi bệnh. Thì ra cái thềm lên nhà của chị cũng xây bốn bậc, nay sửa lại thành ba!
Chị bảo:
- “Nhà tôi cứ bướng, muốn khác người. Từ trước đến nay người ta gọi là bậc tam cấp chứ có ai gọi là bậc tứ cấp đâu. Tốn thêm mớ tiền đó thím.”
Từ chuyện cổng làng, giếng làng, đến cái bậc thềm lên lăng cụ. Chỉ là người nghe thế mà bỗng dưng tôi có cảm giác sợ các cụ.Trên đường về nhà mẹ, tôi nghỉ vẩn vơ.
-"Bác về đấy à, em khỏe rồi!".
Tiếng gọi của cô em dâu trong họ làm tôi bừng tỉnh. Ngồi nhặt rau , thím thủ thỉ: "em ốm là tại anh nhà em bác ạ. Chỉ được cái tham. May mà các cụ tha cho chứ không thì em đã đi với các cụ rồi".
Thím kể rằng hồi đầu năm chú ba, chồng thím đi chăn mấy con bò ở bãi trại - nghĩa trang làng tôi gọi là bãi trại- thấy một hòn đá tảng do trâu bò cọ, dẫm đổ. Chú nghĩ để đây phí đi, thế là mang về kê cầu ao cho mẹ con nó rửa chân. Tuần sau thím lăn ra ốm. Thuốc thang, bệnh viện không khỏi. Nghe chị em mách đi thầy xem sao. Chú chở thím đi thầy với hy vọng có phương cứu chữa cho thím. Nhà có ba con bò, dăm con lợn, tám sào ruộng mỗi mình chú thì làm sao. Đặt lễ lên bàn khấn bái xong, thầy bảo; "Anh chị lấy của các cụ cái gì thì đem mà trả đi. các cụ phạt đấy!” Chú ba nhất quyết nói rằng không lấy của ai cái gì. Về nhà 2 vợ chồng vắt óc suy nghĩ, chú chợt nghĩ tới viên đá cầu ao! Hoảng hồn. Sáng hôm sau chú ra chỗ đã lấy viên đá xem lại. Viên đá ở khu mộ của họ Ngô, chú vội sang ông trưởng họ Ngô trình bày.Ông trưởng họ Ngô bảo “anh chị lấy ở đâu thì đem ra đó mà trả”. Chú thím đặt lễ lên bàn thờ họ Ngô khấn vái rồi về đem trả tấm đá về nơi cũ có sự chứng kiến của ông trưởng họ Ngô. Bệnh thím đỡ dần. Bây giờ thì băm bèo thái chuối cho lợn, phơi lúa gảy rơm được rồi. Theo thím, các cụ đã tha.
Nghe đến câu chuyện thứ tư, không sợ cũng phải sợ, không lo cũng phải lo. Tuổi thơ tôi đã trải qua nơi làng quê với “cây Đa, Bến nước, Sân Đình”. Giờ đây con tạo xoay vần đã mang mọi thứ đi theo! Tất cả chỉ còn mờ trong ký ức những chiều bọn trẻ chúng tôi cưỡi trâu về qua cánh cổng làng rồi ai về nhà nấy. Đêm trăng múa hát ở sân đình, lúc nghỉ lao rủ nhau ôm cột đình xem mấy đứa thì ôm xuể…Tôi sợ không phải tôi đã làm gì đắc tội với CÁC CỤ, với quê hương. Mà tôi sợ các thế hệ hậu bối không nhận ra là đã phá đi cái hồn quê mà bao đời tạo dựng.
Tôi không mê tín, không dị đoan nhưng không làm sao giải thích với các em là những ngưòi thân gần nhất nói gì thưa chuyện với cha mẹ và những người cao tuổi trong làng. Tôi thật sự bối rối khi Cha chồng hỏi “Chị được học nhiều, biết nhiều chị nói xem có chuyện CÁC CỤ phạt không?”! Tôi đành nói nước đôi; “Con không biết chắc nhưng chuyên tâm linh là có thật. Các nhà ngoại cảm vẫn trò chuyện và tìm được vong linh các anh hùng liệt sĩ đó thôi.”
Hơn bao giờ hết tôi hiểu hai chữ HỒN QUÊ !./.
“CÁC CỤ”trong chuyện : chỉ người đã khuất