Ở làng Phú Hữu nhà nào cũng có vườn trồng quít, rộng thì vài héc ta, nhỏ thì non một héc ta. Người ta nói đất ở làng Phú Hữu trồng quít cây nào cho trái cũng ngọt. Ngọt thanh và nhất là có hương thơm rất đặc biệt. Nhiều người ở làng kế bên, hoặc trong huyện, ngoài tỉnh, đến làng mua cây giống về trồng, nhưng trái không ngọt có vị nhàn nhạt, lạt lẽo lắm !
Bà Tám Quít ở Phú Hữu cũng có trồng hơn hai héc ta quít, cộng với chăn nuôi, cũng đã nuôi được ba người con từ ngày chồng mất khi con gái út vừa lên sáu. Nhà bà ở giữa làng, ngôi nhà ngói cũ kỹ, mái ngói thủng nhiều lỗ phải chằm vá bằng những miếng tôn- ẩn mình trong vườn quít xanh um. Nếu ai muốn hỏi nhà bà Quít, thì dân làng sẽ hỏi lại: “Bà Quít nào? Thứ mấy? Ở làng này có đến ba bốn bà Quít: Bà Bốn Quít, Tám Quít, Sáu Quít…”. Không thấy có tên một người con trai, đàn ông nào có tên Quít cả. Có lẽ, vì làng quê nghèo lại đông con nên các bậc sinh thành không có thời gian hay hứng thú để suy nghĩ tìm ra một cái tên cho đứa con gái chăng?
Đứa con lớn của bà tốt nghiệp trường bách khoa, ngành dầu khí. Xin được việc làm ở công ty khí đốt Vin-Arosol ở Vũng Tàu. Hai năm sau được ông phó giám đốc tin cậy gả cô con gái út. Cô con gái kề học sư phạm có nhan sắc được một cậu công tử con nhà giàu ở Sài Gòn đón về. Lúc đầu bà Tám Quít không bằng lòng, bà chỉ an ủi con gái : “Gia đình mình nghèo con đến chỗ giàu sang, mẹ sợ không được yên đâu! Con người ta là con vàng, con ngọc – Nếu con lỡ sai phạm chuyện gì – cũng khổ lắm !” Cô con gái năn nỉ mẹ: “Con cũng là con vàng con ngọc của mẹ, cũng tốt nghiệp đại học, có nghề sinh sống rồi – con có phải là kẻ “ăn nhờ ở đậu” đâu mẹ lo?”.
Cô con gái út của bà lận đận hơn anh chị. Có lẽ càng về sau, một mình bà còng lưng trên từng gốc quít, rồi bươn bã ra tận cuối làng dầm mình cả buổi để vớt rong, bèo về cho đàn lợn- nên cô út có số khổ hơn – phụ giúp mẹ nhiều hơn – nên thi vào đại học không đỗ. Cô thủ thỉ với bà Tám Quít – cũng là để an ủi mình : “Đâu cứ gì phải vào đời bằng con đường đại học mới sống được, mới nên người mẹ! Anh Thanh, chị Tuyết đã sống xa mẹ rồi – Cả năm không thấy ai về - con phải ở đây với mẹ chứ? “.
Bà gả cô út cho một chàng trai trong làng, đang làm trưởng đài truyền thanh ở xã. Công việc không nhiều, lương hướng cũng không có bao nhiêu, nhưng bà thương cái “tâm” của nó. Nó hiền lành tốt bụng. Tuy là “cán bộ xã” nhưng nó không có thói học đòi, cao ngạo. Bà vỗ về con : “Con ưng thằng Viên rồi nó sẽ bơm xe đạp cho con đi!”. Bà nhắc lại lời của cha bà thuở trước cho cô con gái nghe : “Lúc xưa, ông ngoại con đã nói với mẹ khi có đến ba người con trai có ý nhờ mai mối đến dò hỏi: Nếu con ưng thằng Hương thì con sẽ bơm xe đạp cho nó đi. Ưng thằng Vân thì con sẽ bơm xe đạp cho con đi. Còn ưng thằng Đức thì nó sẽ bơm xe đạp cho con đi!”. Bà cười “Đức là ba con bây giờ đó! Ông ấy yêu vợ thương con hết lòng – chỉ tội là ba con vắn số quá!”.
Sau khi lo xong đám cưới cho cô con gái út, theo yêu cầu của bà, Viên về sống chung trong gia đình bà Tám Quít như một đứa con trai. Ngày họ trai đến “thăm nhà” hỏi bà có yêu cầu gì về việc sính lễ - bà chỉ cười: “Nhà tôi bây giờ đơn chiếc chỉ còn một mẹ một con tôi muốn thằng Viên về “Ở rể” nhà tôi là được!”. Và Viên đã ở rể. Đã cùng vợ chăm sóc, an ủi bà Tám như với mẹ đẻ của mình.
Bà Tám Quít ngã bệnh đã hơn mười ngày rồi mà bà vẫn nhắc cô con gái út không nên báo tin cho anh chị biết. Bà thều thào : “Thằng Thanh bận bịu công việc, lại phải lo cho hai đứa con còn nhỏ, còn con Tuyết gặp phải bà già chồng khó tính chắc gì bà vui lòng cho nó về thăm mẹ được?”. Bà Tám Quít nhớ lại lần vào Sài Gòn thăm con, bà mẹ chồng Tuyết đã không thể bỏ giấc ngủ trưa để tiếp bà. Mẹ con gặp nhau chuyện trò một lát, rồi bà vội vã ra đón xe đi Vũng Tàu… Giàu có mà sống khép kín cao ngạo, thiếu vắng tâm từ bi, thì cái họa ở ngay trước mắt. Bà vừa tủi thân, vừa thương con, cũng vừa tức con không chịu lắng nghe lời khuyên nhủ của bà thuở trước. Ở chốn sang giàu khó có chỗ cho tình thương nẩy nở. Cô út đã giấu bà lên bưu điện thông báo cho anh và chị biết tin mẹ đau rất nặng. Mẹ ngày càng gầy ốm dần. Cô đã phân vân suy tính từ nhiều ngày trước – nếu nghe lời mẹ, thì về sau sẽ bị anh chị trách ; còn báo tin cho anh chị, thì chắc đem lại khó khăn buồn lo cho cả hai người. Nhưng nhìn thấy mẹ nằm liệt giường, gầy xanh, mỗi ngày chỉ húp được vài muỗng cháo, cô rất đau lòng mà chẳng biết làm cách nào hơn. Mỗi bữa vào buồng đút cháo cho mẹ, cô luôn thấy đôi mắt mẹ long lanh, rưng rưng muốn khóc. Bằng giọng khàn đục yếu ớt, bà nói rời rạc từng lời: “Ba con không những bơm xe cho mẹ, mà còn chở mẹ đi chợ, đi chùa xa… Đau ốm nằm một chỗ, tuổi về chiều mẹ càng thương nhớ ông ấy, già yếu mà chẳng có người để nương tựa!”.
Được tin em, Thanh về thăm mẹ được hai hôm, rồi đưa mẹ vào Sài Gòn điều trị. Bà Tám Quít nằm ở bệnh viện Chợ Rẫy hơn hai tuần thì được cho xuất viện. Thời gian ấy vợ chồng Tuyết có đến thăm bà hai lần, nhưng tuyệt nhiên cha mẹ chồng Tuyết không bước chân đến. Bà Tám Quít càng tin ở suy nghĩ của mình sau lần đến thăm con nghe người giúp việc nói “Ông bà chủ đang nghỉ trưa, phiền bà đến lúc khác!” – Rằng từ nay bà mất hẳn một đứa con. Đứa con vàng con ngọc yêu quý của bà rồi!
Thanh đưa mẹ về nhà ở Vũng Tàu để dưỡng bệnh. Bà Tám Quít đã bình phục dần. Bà có thể quét nhà, dọn vườn, dắt đứa cháu gái sáu tuổi đi dạo một đoạn phố biển. Thanh ít khi gần gũi mẹ vì luôn bận rộn. Cũng ít khi về nhà dùng cơm với bà. Còn cô vợ anh, ngoài hai buổi đi làm, cô ta nằm mãi trong phòng riêng với chiếc ti vi đầu máy và một chồng băng đĩa…
Bà Tám Quít chỉ chuyện trò được với chị quản gia, đứa cháu gái – còn đứa cháu trai vừa lên lớp sáu, đã được vợ chồng Thanh gửi vào học nội trú một ngôi trường tư danh tiếng ở Sài Gòn. Bà luôn cảm thấy trống trải và nỗi nhớ quê nhà lại dâng tràn. Đã hai lần bà nói với vợ chồng Thanh lấy vé tàu cho bà về làng với vợ chồng con út, nhưng Thanh im lặng. Vợ Thanh thì gượng cười. Bà đành nấn ná chờ.
Buổi sáng sớm nào bà Tám Quít cũng ra ngồi trước cổng nhà, nhìn ngó bâng quơ người xe qua lại, mà lòng cảm thấy bồn chồn không yên. Trước khi nổ máy chở đứa con gái của Thanh đến trường, lần nào chị quản gia cũng nhắc: “Chào bà nội đi học đi con…” – “Cháu chào bà nội cháu đi học!”. Được nghe tiếng nói hồn nhiên trìu mến của cháu, bà cảm thấy ấm áp đôi chút. Bà nhìn ngắm đứa cháu như nhìn ngắm khúc ruột của mình.
Sáng nay, chị quản gia vừa dắt xe ra cổng, đứa cháu gái thoạt trông thấy bà Tám Quít, đã reo lên : “Cháu chào bà già khòm…”. Bà đã nghe rõ ba tiếng “Bà già khòm” nhưng vẫn chưa tin ở tai mình. Sắc mặt bà bỗng xám ngắt. Người bắt đầu lành lạnh. Tấm giấy của vợ Thanh viết cho chị quản gia để ở bàn phòng ngủ tình cờ bà đọc được mấy hôm trước như vang lên, sắc nét từng lời: “Trưa nay tôi không về, đi chợ chị ghé mua hộp sữa cho bà già khòm…”. Bà đã còng lưng bên một trăm gốc quít suốt hơn hai mươi năm – để chăm lo cho tương lai của ba đứa con, nên giờ đây đã trở thành “bà già khòm” cô độc. Bà muốn vào buồng nằm. Sự náo nhiệt ồn ào của cảnh phố xá người xe càng khiến bà hụt hẫng, cô độc. Bà lảo đảo đứng dậy, nghĩ thầm : “Ngày mai phải trở về làng thôi, không nên làm khổ con thêm nữa”.
( Tạp Chí Văn Nghệ Bình Định số 62/th5-2006)