Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
1.029
123.367.599
 
Gặp miền ký ức trong ra ngoài ngàn năm của Trương Nam Hương
Huệ Triệu

Với Ra ngoài ngàn năm, Trương Nam Hương có thêm một giải thưởng giá trị, cũng là ghi dấu thêm một chặng đường đầy ý nghĩa trong cuộc “hành trình lặng lẽ” (lời nhà thơ Trương Nam Hương) của người làm thơ.

 

Phải công nhận rằng, Ra ngoài ngàn năm là một tựa đề lạ, giàu sức gợi. Câu “Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm”(Viết ở Nghi Tàm) có lẽ cũng chỉ là cái lí do trực tiếp để nhà thơ lấy làm tựa đề cho tập thơ. Còn nguyên cớ sâu xa hơn, theo tôi, thì bàng bạc trong cả tập thơ này. Hóa ra, những cái vượt lên cả thời gian, có sức sống trường cửu nhất lại chính là những xúc cảm, khát vọng, trăn trở rất thật, rất con người luôn song hành trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Trương Nam Hương đã thâu tóm điều đó qua một câu thơ: “Câu thơ anh viết không ngoài nắng mưa” (Lại viết về hoa cúc). Cũng vẫn là “mưa nắng” đời thường, nhưng tập thơ mang đến cho người đọc nhiều sự bất ngờ. Khuynh hướng triết lí, suy tư không phải là điều mới mẻ đối với một người mà tuổi đời không còn trẻ nữa như Trương Nam Hương. Điều bất ngờ chính là ở chỗ, ngay cả khi triết lí, suy tư, người đọc vẫn dễ dàng nhận ra một trái tim đôn hậu, một thế giới tâm hồn trong trẻo, tự tại của chính tác giả. Sau những ghét thương lòng thường mất mát, sau những niềm vui dìu nước mắt vẫn là một khoảng yên bình đựơc tạo ra từ những trải nghiệm “Thôi mình thung thẳng bước bằng tin yêu”(Ghi vội trên đường). Giữ được sự bình yên của chính tâm hồn mình giữa những giông gió cuộc đời mới là bình yên thực sự, và tôi thầm cảm ơn nhà thơ vì điều đó.

 

Tôi hay gọi Trương Nam Hương là nhà thơ của những ký ức. Hơn 20 bài thơ (trong tổng số 62 bài) trong tập Ra ngoài ngàn năm thực sự đã làm nên một miền ký ức đẹp và buồn. Ký ức lưu giữ kỷ niệm, nhưng không phải ai cũng có thể đối diện hết mình với ký ức, với kỷ niệm. Tôi vẫn nghĩ rằng, ngược về dòng sông ký ức, người ta phải làm một cuộc đào xới chính mình, cũng có nghĩa là xới lên kỷ niệm vui buồn, sướng khổ mà nhiều người cố cho rằng, đã vùi quên đâu đó…Những lần “đào xới” ấy đã cho Trương Nam Hương những phút giây được sống thật với chính mình, dù ngọt ngào luôn xen lẫn với tiếc nuối, buồn đau…  

 

Trong thế giới của ký ức, nhà thơ trước hết hướng về những gì thiêng liêng, gần gũi, là mẹ, là cha, là bà, là đồng đất quê hương “thơm thao bùn đất”, là những “hoa sữa tuổi mười lăm” - kỉ niệm của tình yêu… Những ký ức ấy tươi nguyên trong trẻo ấy, giúp nhà thơ thăng bằng trong cuộc đời, nhưng lại luôn dễ nhắc người ta những gì mất mát, khó tìm lại được. Và cũng chính vì thế, mà ký ức luôn được nâng niu, trở thành quý giá nhất. Rồi chính nó lại cất lên tiếng nói, để nhắc nhở hiện tại …

 

Những ký ức trong thơ Trương Nam Hương, hẳn nhiên là những ký ức của riêng cuộc đời tác giả, nhưng khơi gợi, dễ chạm đến phần thẳm sâu nhất của tâm hồn người khác. Tập thơ mở đầu bằng hai bài thơ viết về mẹ (Tấm ảnh), về cha (Lời thưa), và kết thúc bằng những ký ức về bà (Thời nắng xanh). Đọc những vần thơ viết về mẹ của Trương Nam Hương, tôi bao giờ cũng như nhìn thấy một giọt nước mắt sắp rơi. Ký ức về mẹ gắn với những gì thiêng liêng yêu quý nhất, nhưng cũng xa xót, tủi buồn nhất. Nâng tấm ảnh mẹ thời trẻ trên tay, là cùng một lúc, vừa thấy mẹ hiện diện ấm áp gần gũi bên mình, vừa cách xa vời vợi:

 

Người trong ảnh trẻ hơn ta nhiều tuổi

Ngỡ thời gian chưa dốc trận bão lùa

Nâng tấm  ảnh đã nhòa như sương khói

Ta hôn về cô gái - mẹ ta xưa !

(Tấm ảnh)

 

Viết cho em, cũng là để viết cho mình, cùng em trở về “tuổi nhớ” không còn mẹ. Không còn mẹ, ngọn gió cũng thành ra “tha thủi”, con thành ra bơ vơ, côi cút giữa cõi đời rộng lớn. Mẹ không còn, nhưng con thì vẫn như hiểu thấu nỗi lòng của mẹ - dù đã ở cõi Trời cũng chẳng bao giờ hết lo lắng, băn khoăn:

 

Gió tha thủi ngày qua tuổi nhớ

… Tuổi bốn mươi mẹ nằm Tháp cốt

Vẫn lo em

nắng dại mưa khờ

(Tuổi nhớ)

 

Lắng trong miền ký ức ấy, đến tận bây giờ, tâm trí nhà thơ vẫn vẹn nguyên những nhọc nhằn đời mẹ, đời bà. Khói bếp xưa là bài thơ làm cay mắt bao nhiêu đứa con xa xứ khi trở về với ký ức, bùi ngùi thấy mình “khôn lớn nên người lại xa”, hơn bao giờ hết nhận ra khoảng trống vắng trong lòng, cứ âm thầm hướng về cái “bến đỗ” quê hương, nơi neo đậu tâm hồn mình:

 

Tủi thân khói bếp ngày xưa

Mẹ nhen cho tối Giao thừa bớt suông

Tiếng reo củi ướt đỡ buồn

Bánh chưng mỏng quá ngồi thương bánh giầy

(Khói bếp xưa)

 

Rồi giữa trầm buồn thương khó mà ấm áp ấy, cứ lanh lảnh vút lên trong ngần khúc nhạc ký ức tuổi thơ khó giấu. Trong hành trình trở về với ký ức, thì trở về với những kỷ niệm tuổi thơ có lẽ là chặng hành trình dễ chịu nhất, yên ả nhất. Giữa “con đường nắng nôi” mệt nhoài hiện tại, nhà thơ mơ trở lại “Ngất ngất cánh đồng tuổi thơ” (Mơ về) để được rơm rạ thơm nồng “Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê” (Khói bếp xưa). Thời nắng xanh là bài thơ được kết dệt bằng những mảng xanh ngời ký ức tuổi thơ – đồng quê của Trương Nam Hương:

Nắng trong mắt những ngày thơ bé

Cũng xanh mơn như thể lá trầu

Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau

Chở sớm chiều tóm tém

(Thời nắng xanh)

 

Đồng đất quê hương lam lũ một thời, giờ trong nỗi nhớ, trở thành vẫy gọi vì chứa đựng một thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo, sinh động với “đầm chũm ao chua / Trái bòng rụng xuống mùa hè óng ướt”, với những buổi “Loăn thoăn đồng đất tối ngày” (Thời nắng xanh). “Tuổi thơ tôi thơm thao bùn đất” - viết về đồng đất quê hương mà gắn bó trìu mến, tự hào đến thế là cùng !

 

Ký ức về tình yêu được Trương Nam Hương gọi bằng cái tên thật đẹp: “Ly ký ức – làn hương xưa” (Quán thời gian). Con người thơ đa tình và hay lưu giữ kỷ niệm này trước tình yêu – cho dù là ký ức, vẫn không sao giấu được những giây phút mềm lòng, chơi vơi xao xuyến:

 

Chợt ngồi nhớ lại câu em hát

Bèo dạt mây trôi lại xót lòng

Dễ nhắc bây giờ anh khóc mất

Sống Cầu buông dải thắt lưng ong

(Câu hát ấy)

 

Đâu có dễ quên “làn hương xưa” ký ức, bởi nó cứ nhói lên thành niềm da diết, thành nỗi trống vắng, thành khắc khoải trong hiện tại. Tình yêu vừa đó, giờ lạc đâu mất rồi ? Quy luật của đời sống là thế, hay là quy luật tình cảm của những kẻ si tình – đa cảm - đa mang, bỗng có một ngày, cứ muốn “tham lam” ôm trọn ký ức, chẳng muốn rời xa ?

 

Mối tình hoa cúc về đâu

Dở dưng sắc nắng bảy màu bơ vơ

(Lại viết về hoa cúc)

 

Với Phấn mưa, sợ “thời gian bôi xóa”, nhà thơ tìm về “nắng xưa”, “tuổi tên rêu đã mờ”, với Đọc thư tình cũ, nhà thơ tìm về mối tình thơ dại, để thốt lên thành thực, để bàng hoàng nhận ra những “khắc khoải xanh” trong nét chữ, màu mực cũ - thực ra là trong chính tâm hồn mình:

 

Giá như hồn mực nhòa phai hết

Xác chữ giờ đâu khắc khoải xanh

(Đọc thư tình cũ)

 

Trong mối quan hệ giữa ký ức – hiện tại, tôi cho rằng hiện tại chính là nguyên nhân để ký ức tìm về với con người. Ký ức hiện lên trong hiện tại, không chỉ khơi gợi những nỗi niềm, mà còn nhắc con người về những đổi thay. Dòng chảy thời gian nghiệt ngã, lòng người, hay còn điều gì khác nữa …làm nên những đổi thay? chỉ biết rằng, khi đứng giữa những đổi thay ấy, tâm tư không yên được. Ta đọc được ở  đây chút hoang mang, day dứt chân thành:

Hình như có điều gì đang lẫn lạc

đến cười khóc sao giờ lòng cũng khác

cả con đường quen thuộc - khác ngày xưa

(Tạp cảm)

 

Những lời lẽ như phân bua, như bao biện đây đó “Không ai lỗi cả”, “Lá chưa từng phản bội” rõ ràng không thể át đi thực tế “Dỗ con khóc, tuổi mình đâu dễ dỗ” (Mơ về), không thể át đi ấn tượng về sự thay đổi: “Mùa đã mùa đổi thay”, “Em sao giờ kẻ khác/ Ta sao giờ… người dưng” (Hai mươi mùa).

 

Những thay đổi có thật ấy, đang đánh thức, đang nhắc nhở hiện tại. Đối diện với ký ức, sống hết mình với ký ức, là để xứng đáng với ký ức, sống tốt hơn trong hiện tại, như tác giả Ra ngoài ngàn năm mong mỏi:

Chơi vơi hai phía khuyết  tròn

Chỉ xin đừng mất chút còn trong ta

(Viết ở Nghi Tàm)

 

*Tập thơ được Giải thưởng Văn học TP Hồ Chí Minh 2009

 

TP. HCM ngày 7/12/2009

Đã đăng ở KTNN-Bản của tác giả

 

Huệ Triệu
Số lần đọc: 3492
Ngày đăng: 01.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lang thang... Quán (*) - Nguyễn Lệ Uyên
Đọc thơ Vũ Trọng Quang : Hôm qua Hôm nay Hôm sau - Khổng Ðức
Đọc NƠI TỐI TĂM của Nguyễn Viện - Nguyễn Hồng Nhung
Tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương - một phát hiện mới, độc đáo. - Lâm Xuân Vi
Đừng múc cạn nỗi buồn, vâng, đừng múc cạn! - Vương Cường
Đọc Giữ đường tình chờ em- thơ Linh Phương - Mang Viên Long
Từ ảo ảnh đến trò chơi cuối - Lê Huỳnh Lâm
Về khuynh hướng phê bình hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Câu chuyện của kẻ chơi dao - Bùi Công Thuấn
Thơ Nguyễn Trung Bình – giọt nước mắt đàn ông trong đêm. - Trần Hữu Dũng