Trước khi có sự xâm lược của phong kiến phương Bắc, với nền Văn minh Đông Sơn, văn hoá Việt đã đạt tới trình độ khá cao, đã tạo cho mình một truyền thống, một sắc thái riêng hoàn toàn độc lập. Suốt 10 thế kỷ liên tục và bền bỉ đấu tranh giành độc lập, văn minh Đông Sơn là cơ sở, là nền tảng để chống lại sự đồng hoá của phong kiến phương Bắc. Đồng thời nó cũng tạo ra tiền đề để sau này khi giành được độc lập ở thế kỷ 10, văn hoá và văn minh Đại Việt tiếp tục phát triển rực rỡ.
Khảo cổ học, trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể trong trong lĩnh vực nghiên cứu về 10 thế kỷ đấu tranh chống Bắc thuộc, đã phản ánh được quá trình tiếp nối và phát triển văn minh Đông Sơn trong suốt 10 thế kỉ đó.
Trong bài viết này qua việc nghiên cứu hệ thống lò gốm từ thế kỉ 1 – thế kỉ 10, chúng tôi bước đầu tìm hiểu cấu trúc, đặc trưng của các lò gốm đã được phát hiện, kĩ thuật sản xuất đồ gốm … để góp phần vào việc tìm hiểu sự đấu tranh gian khổ của người Việt đã tìm ra một con đường phát triển nghề gốm riêng biệt, tự khẳng định mình để tiếp nối và phát triển hơn nữa trình độ của văn minh Đông Sơn, dẫn đến sự phát triển hơn nữa về sản xuất đồ đồ gốm ngay nay sau khi vừa được độc lập dân tộc.
Cho đến nay, khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được 7 khu lò gốm có niên đại từ thế kỉ 1 đến thế kỉ 10, đó là:
1. Khu lò Tam Thọ (Đông Sơn – Thanh Hoá) do O. Jansé khai quật năm 1937, có khoảng 20 lò, niên đại từ thế kỉ 1 đến thế kỉ 6. Đầu những năm 2000, khu lò lại được Viện khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Thanh Hoá phối hợp khai quật lần thứ hai. Kết quả đã phát hiện được nhiều lớp lò gốm chồng chéo lên nhau. Điều mà O. Jansé chưa làm được.
2. Khu lò Bãi Định (Thuận Thành- Hà Bắc) do viện Khảo cổ học khai quật cuối năm 1960 - đầu năm1970, gồm bốn lò có chung niên đại từ thế kỉ 7 đến thế kỉ 10.
3. Năm 1970 trong khi khai quật khảo cổ học ở Từ Sơn (Hà Bắc), trường Đại học tổng hợp Hà Nội đã phát hiện và khai quật một lò nung gốm ở xã Tam Sơn (Từ Sơn- Hà Bắc). Lò có niên đại thế kỉ 5 đến thế kỉ 7.
4. Khu lò gốm Gia Lương (Hà Bắc) do viện Khảo cổ học khai quật năm1982, với hai lò, niên đại từ thế kỉ 2 đến thế kỉ 6.
5. Trong khi khai quật di chỉ Đông Đậu (Vĩnh Phú), đầu năm 1984, viện khảo cổ học đã phát hiện được một số lò gốm có niên đại từ thế kỉ 2 đến thế kỉ 6 ở chân gò Đồng Đậu và đã tiến hành khai quật một lò.
6. Khu lò xã Thanh Lãng (Vĩnh Phú) do viện Khảo cổ học khai quật tháng 2 năm 1984 với 2 lò.
7. Khu lò Lũng Ngoại (Vĩnh Phúc) đã được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai quật 2 lần.
Toàn bộ những lò đã khai quật đều không còn nguyên vẹn, phần lớn đã bị phá hoại nặng nề. Các lò đều được bố trí trên các gò đất cao (Tam Thọ, Bãi Định, Gia Lương, Đồng Đậu, Thanh Lãng) hoặc ở sườn đồi (Tam Sơn). Ngưòi ta đã lợi dụng độ dốc của gò, đồi để xây lò, làm cho lò có độ dốc thoai thoải từ chân đến đỉnh gò hoặc. Phía dưới chân gò, đồi là khoảng nhiên liệu vào để đun, phía đỉnh là khoang chứa hiện vật để nung và hệ thống thông khói. Trước khi đắp lò, người ta đào ở gò (hay sườn đồi) hình dạng khung của chiếc lò, sau đó xây hoặc đắp lò theo hình đã đào. Lò có thể được đắp bằng đất sét như ở Tam Thọ, Tam Sơn, Bãi Định, Đồng Đậu, Thanh Lãng; có thể được xây bằng gạch như ở Gia Lương, hoặc vừa đắp đất vừa xây gạch như ở Tam Thọ.
Tường lò xây gạch dày từ 0,25- 0,26m. Tường lò đắp đất dày từ 0,15- 0,40m. Như vậy những khu lò đắp ở gò đều dùng loại đất sét, lò đắp ở đồi thì dùng ngay đất đồi, đất sét có độ kết dính cao hơn, nên tường lò đắp bằng đất sét mỏng hơn. Mặt ngoài và mặt trong của tường có xoa một lớp bùn mỏng. Tường đắp bằng đất có một nhược điểm là hay bị nứt và làm lửa phụt ra theo khe nứt, dễ làm giảm nhiệt độ trong lò dẫn đến hỏng hiện vật. Trong các báo cáo khai quật không thấy nói đến thành phần của đất sét, song chúng tôi nghĩ có thể có khả năng là người ta trộn thêm vào đất sét đắp lò chút ít tạp chất như trấu, bã thực vật để là cho tường lò khỏi bị nứt. Ở Bát Tràng tránh cho tường lò bị nứt người ta dùng vữa pha mật và giấy bản. Ngoài ra, bùn xoa ở bên trong cũng có tác dụng làm cho tường không bị nứt.
Tường lò ở Gia Lương, người ta dùng gạch múi bưởi vỡ để xây. Chất kết dính là bùn. Ở lò số 1 chúng tôi tìm được một viên gạch nguyên, kích thước 49 x 24,5 x 7,5 x 7cm. Gạch thô có pha cát, sỏi nhỏ và bã thực vật, do đó khi nung ở nhiệt độ cao gạch không bị nứt. Cát và sỏi bị đốt chảy ra như thuỷ tinh và bám chặt phủ lên bề mặt của những viên gạch xây lò.
Căn cứ vào hình dáng và cấu trúc của các lò gốm, giai đoạn này tạm chia làm 2 loại: lò cóc và lò rồng. Khu lò ở Bãi Định, Tam Sơn, Đồng Đậu, Thanh Lãng thuộc loại lò cóc. Khu lò ở Tam Thọ và Gia Lương thuộc loại lò rồng.
A. Lò Cóc
Lò gồm hai phần chính: Bầu lò, thân lò và hệ thống thoát khói, thông gió. Hệ thống thoát khói và thông gió thường bố trí ở cuối thân lò.
1. Bầu lò
Thường hình phễu đặt ở vị trí thấp nhất, đó là nơi cho nhiên liệu vào để đốt, phía trước bầu lò là cửa bầu lò, nơi cho nhiên liệu vào và cời than ở trong lò ra. Cửa bầu lò thường thu nhỏ để giữ nhiệt và hút gió, khi khai quật, đôi khi thấy ở cửa bầu lò có những hàng gạch xếp nằm ngang. Đó là dấu vết của gạch bít cửa bầu lò để giữ nhiệt và ủ hiện vật trong lò khi kết thúc quá trình nung, tránh cho nhiệt độ trong lò giảm đột ngột gây ra hỏng hiện vật.
Việc dùng gạch lấp cửa lò có tính chất phổ biến ở Trung Quốc. Trong một số lò thời Đường khai quật đựơc ở Quảng Đông- Trung Quốc, cũng thấy có những hàng gạch xếp nằm ngang hoặc dọc dùng để xếp cửa lò. Ở nước ta, người xưa lấp cửa lò bằng gạch hoặc đất bùn.
Bầu lò hình phễu thu nhỏ dần về phía cửa ở khu lò Bãi Định gần giống với lò thời Đường (Quảng Đông). Ưu điểm của kiểu cấu trúc này là làm cho nhiệt độ ở bầu lò không bị phân tán ra ngoài cửa bầu lò và thì hút vào trong lò mạnh hơn. Các lò gốm đã phát hiện được ở nước ta đều có cấu trúc bầu lò hình phễu.
Ở Khúc Dương (Hà Bắc- Trung Quốc), người ta còn tìm thấy một lò cóc cấu trúc bầu lò hình bán nguyệt. Chiếc lò này có niên đại cuối Đường- Bắc Tống. Cho đến nay ở nước ta chưa tìm thấy lò cóc có bầu lò hình bán nguyệt như vậy.
Ngăn cách giữa bầu lò và thân lò là một bức tường. Tác dụng của nó là ngăc tro bụi từ bầu lò bay vào bám vào hiện vật,, và không cho kửa trực tiếp vào hiện vật. Người ta khống chế nó bằng cách bắt nó phải đi qua cửa được trổ ở bức tường trước của thân lò như chiếc lò ở Đồng Đậu.
Ở Bãi Định còn thấy thêm một chiếc tường hình lá mía khá độc đáo. Đuôi của tường lá mía lắp gắn vào bức tường ngăn cách giữa bầu lò và thân lò, đầu tường lá mía (ngọn lá mía) quay ra phía cửa bầu lò. Bức tường lá mía đã chia bầu lò ra làm hai khoảng. Lửa ở bầu lò được chia ra làm hai buồng đi qua hai chiếc cửa ở bức tường ngăn giữa bầu lò và thân lò để đi vào trong lò. Như vậy ngọn lửa đã bị khống chế để tập trung thành luồng mạnh. Tường lá mía còn có tác dụng làm trụ đỡ cho vòm bầu lò.
2. Thân lò
Hình chữ nhật, thường có chiều dài gần gấp đôi chiều rộng. Bốn chiếc lò ở Bãi Định, thân lò dài không quá 3m, rộng không quá 1,75m. Lò ở Tam Sơn dài 10,8m, rộng 5,6m. Thân lò là nơi chứa hiện vật để nung, do vậy nó là bộ phận lớn nhất so với các bộ phận khác của lò. Nền của lò được làm hơi dốc để lửa, không khí hút được vào dễ dàng. ở các lò Bãi Định, nền thân lò có khoét các rãnh dẫn lửa và thông khói để làm chín những hiện vật xếp ở sau. Các rãnh này nối với vách hậu của thân lò.
2. Hệ thống thông khói và thông gió
Bao gồm các cửa thoát khói và các ống khói. Cửa thoát khói và các ống khói có tác dụng để cho ống khói và hơi nước ở trong lò thoát ra ngoài, chúng tạo thành hệ thống với cửa lò để dẫn không khí ra vào lò, thúc đẩy quá trình đốt cháy nhiên liệu ở bầu lò. Lò ở Tam Sơn vách hậu thân lò bị mất nên không rõ. Chiếc lò ở Đông Đậu có rãnh thoát khói mặt cắt dọc hình lõm lòng máng. Các rãnh thoát khói bố trí ở vách hậu và nối với ống khói ở nóc vòm lò.
Các lò cóc thời Đường ở Quảng Đông (Trung Quốc) có ba, bốn ống khói ở vách hậu thân lò. Các ống khói bố trí theo kiểu một chiếc ở giữa hai chiếc hai bên. Mặt cắt dọc ống khói hình ống.
Rõ ràng cấu trúc của thân lò có ảnh hưởng đến cấu trúc của hệ thống thông khói và thông gió và cũng đương nhiên là các bộ phận của lò gốm gắn bó với nhau một cách chặt chẽ.
B. Lò rồng
Lò rồng dài hơn lò cóc, thường có ba bộ phận: bầu lò, thân lò và hậu lò. Hệ thống thoát khói và thông gió nằm ở hậu lò. Nền của bầu lò, hậu lò, thân lò nằm ở ba vị trí cao thấp khác nhau. Cho đến nay ở giai đoạn này mới thấy hai lò rồng ở Tam Thọ và Gia Lương.
Về hình dáng, lò rồng ở Gia Lương có mặt bằng gần hình chữ nhật, hơi thu nhỏ về phía cửa bầu lò và hậu lò. Hai lò gốm Gia Lương đều mất một đoạn hậu lò. Phần còn lại của lò thứ nhất dài 12,45m, lò thứ hai dài 12,80m. Các lò gốm ở Tam Thọ cũng khá dài, chỉ tính phần còn thì lò 1B dài 11m. Lò IIIA dài 8,90m, lò IV A dài 9,15m.
1. Bầu lò
Hai bầu lò ở Gia Lương đều có bầu gần giống hình phễu. Bầu của lò 1 dài 3,45m, bầu của lò hai dài 4,20m. Bầu lò xây bằng gạch múi bưởi. Ở cửa bầu lò cũng thấy những hàng gạch xếp nằm ngang dùng bịt cửa lò. Bầu lò được làm trũng, hơi sâu nền của hậu lò và thân lò. Giữa bầu lò và thân lò ngăn cách nhau bởi một bức tường. Bức tường này bị phá gần hết nên không rõ cách bố trí cửa ở tường. Cũng ở chỗ tiếp giáp giữa bầu lò và thân lò, nền lò được làm vát lên, tạo thành bậc cấp, do đó nền thân lò cao hơn nền bầu lò. Lửa ở bầu lò theo đường vát xuống ở nền lò đi vào thân lò. Kiểu làm nền vát này cũng thấy ở thời Đường Trung Quốc.
Cửa bầu lò ở lò gốm Gia Lương rất rộng, ở lò 1 rộng 1,40m, ở lò 2 rộng 1,5cm.
2. Thân lò
Thân lò rồng ở Tam Thọ và Gia Lương cũng có mặt bằng gần hình chữ nhật. Lò 1 ở Gia Lương, thân lò dài 6,45m, chỗ rộng nhất là 2,1m. Thân lò 2 dài 6,1m, chỗ rộng nhất là 1,90m. Như vậy, chiều dài thân lò gấp hơn ba lần chiều rộng. Sự kéo dài của thân lò buộc người thợ đắp lò phải tính toán bố trí các bộ phận khác nhau như thế nào để cho nhiệt độ và gió có thể hút thành luồng dài từ bầu lò đến hậu lò. Chính việc tạo cho nền lò thành bậc và được làm vát lên, các bộ phận lò ở sau cao hơn hẳn phần trước đã góp phần giải quyết vấn đề đó. Sự chênh lệch về độ cao giữa bầu lò, thân lò và hậu lò ở các lò rồng lớn hơn rất nhiều ở các lò cóc.
Hai chiếc lò ở Gia Lương nằm gần như song song với nhau, mỗi lò đều trổ một cái cửa để ra vào lò (ở gần chính giữa thân lò). Cửa của lò 1 gần như đối diện với cửa của lò 2, giữa hai cửa lò là một bãi đất trống bằng phẳng tiện cho việc ra vào lò. Đồ phế thải không đổ ra ở khoảng đất trống này mà ở phía tường không có cửa ra và lò.
Một số lò rồng ở Đại Nam (Trung Quốc) cũng có cấu trúc thân lò tương tự. Lò rất dài vì thế người ta phải trổ rất nhiều cửa để ra vào lò, ở hai bên tường dọc của thân lò. Những chiếc cửa này được bố trí so le nhau.
3. Hậu lò
Hậu lò ở hai lò rồng Gia Lương gần giống hình phễu. Phần giáp với thân lò phình to sau đó thu nhỏ dần về phía cuối lò. Cấu trúc của hậu lò kiểu này tạo ra sức hút lửa mạnh từ bầu lò đến hết hậu lò. Chứng cứ của sự hút lửa mạnh thể hiện ở chỗ nền hậu lò và nền thân lò đều bị đốt cháy cứng như gạch nung già, nhiều chỗ có màu xám đen. Mặt trong của gạch xây ở hậu lò và thân lò bị đốt cháy, thành phần cát, sỏi, đá nhỏ sùi lên có chỗ bị thuỷ tinh hoá. Nền lò, chỗ tiếp giáp giữa hậu lò và thân lò được làm vát lên. Nền hậu lò dốc hơn nhiều so với nền thân lò và nền bầu lò. Ở hậu lò người ta vẫn xếp hiện vật để nung. Phần hậu lò của các lò gốm Gia Lương dài hơn 2,50m, chiều rộng ở chỗ giáp với thân lò là 1,80m, ở chỗ cuối lò là 1,11m.
Giữa hậu lò và thân lò không xây tường chắn mà sử dụng bức tường tự nhiên bằng đất sét nện chặt. Các lò ở Gia Lương và Tam Thọ đều mất một đoạn cuối ở hậu lò, do đó không rõ cách bố trí cửa thoát khói và thông gió. Lò rồng thời Tống ở Đại Nam (Trung Quốc) có trổ những cái cửa thông khói và thông gió hình chữ nhật ở tường hậu của hậu lò. Những cái cửa này trổ ở sát chân tường hậu hậu lò, cao hơn mặt nền lò một chút. Như vậy, chúng sẽ ở vị trí cao nhất của gò đất. Khói từ trong lò thoát ra và không khí từ ngoài vào sẽ qua được rễ dàng, có thể hệ thống thông gió và thông khói ở Gia Lương và Tam Thọ cũng được bố trí như vậy.
Dựa vào những di vật tìm được ở các lò nung, có thể cho phép kết luận khu lò ở Bãi Định dùng nung gạch ngói, khu lò ở Tam Thọ, Gia Lương, Tam Sơn, Thanh Lãng chủ yếu nung đồ gốm. Ở Tam Thọ người ta tìm thấy khá nhiều loại sản phẩm hỏng như bát, đĩa, đồ sành, mô hình nhà bằng đất nung, tượng động vật, mặt hề, ngói ống… ở Gia Lương sản phẩm chính của lò là bát, đĩa, đồ đựng có nắp đậy, đồ sành. Ở Đồng Đậu tìm thấy trong lò nhiều mảnh bát, đĩa tráng men, gạch múi bưới và gốm đất nung kiểu Đường Cồ. Mỗi khu lò đều mang một loại sản phẩm chính song vẫn kết hợp nung một số sản phẩm phụ khác. Việc nung kết hợp nhiều loại sản phẩm trong lò (tuy vẫn có những loại sản phẩm chính) là một đặc điểm của các khu lò gốm giai đoạn này. Sản phẩm phụ thường được nung trong các lò gốm là đồ sành và gạch. Sản phẩm phụ của lò nung sành là đồ sứ, sản phẩm phụ của lò gạch là đồ sứ và đồ đất nung.
Ở khu lò Gia Lương, đồ sành đặt ở thân lò, chỗ giáp với bầu lò, ở vị trí này nhiệt độ thường cao nhất, đồ sành trở thành bức bình phong tránh cho đồ gốm bị nhiệt độ cao làm biến dạng và tránh được tro bụi bám vào. Trước đây ở Bát Tràng người ta thường kết hợp nung vôi, nung gạch với nung gốm. Đá để nung thành vôi xếp ở đầu thân lò, chỗ giáp với bầu lò.
Đồ gốm ở khu lò Tam Thọ, Gia Lương có loại để mộc không tráng men và có loại được tráng men. Men thường có màu trắng ngà, vàng nhạt, xanh lục, được tráng cả trong lẫn ngoài đồ gốm, trừ phần đế hoặc đáy. Men trên gốm thường bị co thành cục ở gần đáy. Đây là loại men tro. Ở Phù Lãng, Thổ Hà, Bát Tràng, trước kia người ta vẫn dùng tro vỏ chấu, hoặc tro của một số loại cây rừng để làm men. Xương gốm làm bằng đất sét trắng khá mịn. Người ta sử dụng kỹ thuật hòn kê để chồng bát đĩa khi nung là chính.
Do kỹ thuật hòn kê để chồng hiện vật khi nung và do nền lò làm dốc, người xưa đã dùng một số dụng cụ trong khâu chồng lò để kê và đệm, lót bằng sành như: các thanh kê, tấm lót, miếng đệm tròn dẹt. Riêng ở khu lò Thanh Lãng, người ta không dùng hòn kê để chống dính men mà dùng kĩ thuật cạo men hình nan hoa bánh xe.
Qua các khu lò kể trên, có thể thấy rằng: người xưa lắm khá vững kỹ thuật nung đồ gốm. Đặc điểm của lò gốm giai đoạn này là việc người ta hoàn toàn lợi dụng độ dốc của gò, đồi để đắp lò. Dù là lò cóc hay là lò rồng thì việc đó vẫn không thay đổi. Bẩy địa điểm có lò nung ở giai đoạn nàu đều đắp trên gò, đồi.
Ở Trung Quốc qua các lò nung cùng thời đã phát hiện được thì thấy người ta vừa xây lò ở gò vừa xây trên đất bằng, xây lò ở gò, đồi chứng tỏ người xưa đã am hiểu lợi dụng độ dốc tự nhiên để tạo ra một thế dốc mà nhờ đó khói, không khí, nhiệt độ, được lưu thông dễ dàng và tạo ra nhiệt độ cao để làm chín hiện vật trong lò. Đặc điểm này có tính chất phổ biến và được các thời kỳ sau chấp nhận như một nguyên tắc. Các lò ở Đông Yên, Yên Phong (Hà Bắc) cuối thời Lê, ở Bút Tháp (Hà Bắc) cuối Lê - đầu Nguyễn, được đắp ở ven đê, dựa vào độ dốc của mặt đê và chân đê, khu lò ở Thượng Mạo (Hà Tây cũ) cuối thời Lê đắp trên một bờ cao…
Đắp lò theo độ dốc người xưa căn bản giải quyết được vấn đề nhiệt độ bằng một kỹ thuật không đòi hỏi quá phức tạp, song lại phải giải quyết một khó khăn mới trong khâu chồng lò: Tất cả các nền lò đều bị dốc. Kỹ thuậ chồng lò đòi hỏi hiện vật xếp trong lò phải thật thẳng, cân, khoảng cách đều nhau, nều một chồng hiện vật trong lò bị đổ sẽ kéo theo các chồng khác bị đổ. Mặt khác phải chồng sao cho các đồ gốm tráng men ở trong các chồng gốm không được dính vào nhau.
Để khắc phục nhược điểm của nền dốc người xưa đã sử dụng các dụng cụ chống lò để đệm, kê, lót, như các thanh kê dài hình chữ nhật, các tấm lót hình chữ nhật, các miếng đệm tròn dẹt để tạo một mặt phẳng trên nền lò. Ở khu lò Gia Lương đã tìm thấy nhiều dụng cụ như vậy. Ngày nay ở lò gốm thủ công Phù Lãng (Hà Bắc) vẫn còn thấy người xếp (những hiện vật dưới cùng sát nền đều được đặt kê trên một tấm kê bằng gốm tròn).
Qua hệ thống dụng cụ chồng lò bằng gốm có thể thấy người xưa rất chú trọng khâu chồng lò. Ở Phù Lãng có câu ca dao: “Thứ nhất là cỗ đám ma, thứ nhì đuổi lửa, thứ ba chồng hàng”.
Còn ở Bát Tràng trước đây, trong số các phường thợ làm gốm thì phường đốt và chồng lò đựơc trả công cao và được ưu đãi nhất, vì họ phải thực hiện khâu kỹ thuật phức tạp nhất, vất vả nhất, tỉ mỉ nhất. Phường chồng lò ở Bát Tràng có 7 người thì tới 3 người là thợ đệm (chồng lò). Ở Đồng Đậu, người ta vừa nung gốm vừa nung gạch, lò gạch ngói ở giai đoạn này chưa thấy có cầu lò. Song việc sử dụng rãnh ở thân lò làm đường dẫn lửa và thông khói ở Bãi Định là một sáng tạo. Có thể đó là tiền thân của kỹ thuật sử dụng cầu lò sau này. Căn cứ vào độ xây uốn cong của các bức tường dọc ở khu lò Gia Lương có thể biết rằng vòm lò ở bầu, thân và hậu lò cũng hình cánh cung. Các lò ở Thanh Lãng đều còn vòm lò hình vòm cuốn.
Độ dày của vòm lò ở khu lò Bãi Định là 0,15m, đắp bằng đất sét. Lò số 2 ở Gia Lương thấy một đoạn bị sập xuống ở phần bầu lò. Độ dày của vòm là 0,25- 0,30m. Vòm lò có nhiều lớp đất được nện chặt, phía trong và phía ngoài xoa một lớp bùn mỏng, nhẵn. Ở Bát Tràng, người ta dùng tre khép khít vào nhau cong như mui thuyền làm sàn, sau đó đổ gạch vụn và đất nện chặt. Khi vòm khô, người ta tháo cốt tre ra. Theo Tiến sĩ Hà Văn Phùng, người trực tiếp đào khu lò Thượng Mạo, cuối thời Lê thì ở đây còn phát hiện được dấu của tre và nứa cắm vào chân vách lò để làm vòm cuốn. Một số lò cóc ở thời Đường (Trung Quốc) vòm lò chỉ hơi uốn cong ở bầu lò, gần như bằng ở cuối lò. Đó là sự khác biệt của các lò cóc từ thế kỷ 1 cho đến thế kỉ 10 ở nước ta với các lò cùng thời ở Trung Quốc.
Vật liệu xây lò ở các lò cùng thời ở Trung Quốc hầu như đều xây bằng gạch chịu lửa, còn ở nước ta người xưa dùng đất để đắp hoặc xây bằng gạch múi bưởi hoặc bằng đất sét bình thường.
Các lò cóc quy mô nhỏ đều được đắp đất, các lò rồng chủ yếu xây bằng gạch. Cách giải quyết vật liệu như vậy giản dị, dễ tìm, dễ làm song vẫn đạt được nhiệt độ cần thiết để nung đồ gốm mà lò không bị nứt. Hướng giải quyết nguồn vật liệu như vậy còn tiếp tục sử dụng ở các thời đại sau này.
Hầu hết ở các lò nung gốm giai đoạn này đều thấy than tro của tro, nứa, của thảo mộc. Cũng như hướng giải quyết vật liệu xây dựng, cách giải quyết nhiên liệu đun lò theo hướng giản dị, dễ kiếm và được sử dụng mãi về sau. Hướng giải quyết nhiên liệu như trên đã cho phép người xưa mở rộng được sản xuất.
Ở giai đoạn này đã bắt đầu có những cơ sở sản xuất đồ gốm cùng với các điểm sản xuất thủ công nghiệp khác nữa đã hình thành xung quanh các sở lị, các đầu mối giao thông, thuỷ bộ phục vụ cho nhu cầu trao đổi và tiêu dùng trên một phạm vi rộng.
Bên cạnh sự hình thành các cơ sở sản xuất đồ gốm, có thể đã có các thợ gốm chuyên nghiệp. Ở Gia Lương, chỉ riêng trong số đồ gốm phế thải vứt ở trong lò đã có 16 loại ký hiệu khác nhau đánh dấu ở đáy đồ gốm. Nếu như, mỗi thợ làm phôi gốm chỉ cần khác một loại ký hiệu lên sản phẩm của mình thì 16 loại ký hiệu này sẽ là của 16 thợ làm phôi gốm. Sản phẩm của 16 người thợ lại đun chung trong hai lò thì rõ ràng có sự tập trung và chuyên môn hoá trong sản xuất. Có thể có các thợ làm phôi gốm, thợ đốt lò và thợ chồng lò.
Ở Đồng Đậu cũng tìm thấy một số loại ký hiệu khắc trên đáy đồ gốm. Các ký hiệu này hoàn toàn giống với các ký hiệu cùng loại đã tìm thấy ở Gia Lương. Việc đó phản ánh mối quan hệ nào đó giữa thợ gốm ở Gia Lương với thợ gốm ở Đồng Đậu.
Việc chuyên môn hoá và sự phân công lao động có thể đã xảy ra ở các khu lò lớn như Tam Thọ, Gia Lương, Thanh Lãng.
Qua các lò gốm thế kỷ 1- thế kỷ 10 được phát hiện và khai quật ở nước ta, đã giải quyết được vấn đề nguồn gốc sản sinh ra một số đồ gốm có phong cách ngoại lai vẫn thường thấy có mặt trong các di chỉ và mộ táng ở giai đoạn này như: đồ sành, đồ bán sứ, gạch, đầu ngói ống, mô hình nhà v.v... Rõ ràng là chúng đã được sản xuất ở Việt Nam theo phong cách ngoại lai.
Ngay từ thời văn minh Đông Sơn, người Việt đã tạo ra được nhiều đồ gốm đẹp, độ nung khá cao, đã có một truyền thống sản xuất đồ gốm với phong cách riêng. Trước khi có sự xâm lược của phong kiến phương Bắc, người Việt đã có mối quan hệ giao lưu với văn hoá phương Bắc và các vùng xung quanh. Sự xâm lược của phương Bắc đã tác động vào mối quan hệ vốn có ấy. Sự am hiểu và nắm vững kỹ thuật sản xuất đồ gốm đã không làm cho người Việt lúng túng ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của kỹ thuật gốm mới và họ cũng rất nhạy cảm với nhu cầu sản xuất một số loại đồ gốm mới.
Mặc dù, có sự xuất hiện của đồ gốm ngoại lai, đồ gốm Đông Sơn vẫn được sản xuất. ở Đồng Đậu còn tìm thấy các mảnh gốm Đường Cồ và các mảnh gốm có phong cách ngoại lai ở trong cùng một lò gốm. Bên cạnh kỹ thuật sản xuất đồ gốm mới, kỹ thuật sản xuất đồ gốm Đông Sơn vẫn tồn tại. Hai kỹ thuật này vẫn đan xen nhau.
Với trình độ và kỹ thuật sản xuất gốm cao, người Việt hoàn toàn có khả năng dung nạp cái hay, cái tiến bộ của văn minh phương Bắc và sửu dụng nó theo cách thức của mình. Đứng trước âm mưu đồng hoá của kẻ thù và trước nguy cơ bị nô dịch về văn hoá, người Việt đã khôn khéo tranh thủ thêm kỹ thuật sản xuất gốm trong lò nung, kỹ thuật xây, đắp lò nung gốm, những thành tựu của nghề gốm lúc bấy giờ như sự xuất hiện của đồ sành, đồ gốm tráng men để phát triển hơn nữa nghề gốm đi theo một con đường khác, khác với con đường phát triển của đồ gốm Trung Quốc.
Thoạt nhìn, về hình thức, có thể lầm tưởng rằng con đường đó diễn ra theo hướng mà bọn thống trị mong muốn và cho phép, song thực ra về chất, người xưa đã phải trăn trở, tìm tòi một con đường phát triển của nghề gốm vẫn mang theo truyền thống, đặc trưng riêng của dân tộc.
Như đã trình bày ở các phần trên, qua so sánh giữa hệ thống lò gốm từ thế kỷ 1- thế kỷ 10 ở nước ta với các lò gốm đồng đại ở Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng người Việt nắm khá vững kỹ thuật sản xuất đồ gốm. Về mặt kỹ thuật, cấu trúc lò gốm ở Việt Nam và ở Trung Quốc gần như tương đồng với nhau về trình độ, về nguyên lý, ở những bộ phận chính, còn xu hướng giải quyết vấn đề thì khác nhau. Hướng giải quyết vật liệu xây dựng của các lò ở Trung Quốc là xây bằng gạch chịu lửa, còn ở Việt Nam trong bẩy khu lò được phát hiện ở giai đoạn này thì năm khu lò đắp bằng đất, hai khu lò có sử dụng gạch (hay chính xác hơn là chỉ có khu lò ở Gia Lương là xây bằng gạch kết hợp bùn đất). Tất nhiên là không phải gạch chịu lửa, mà dù có xây gạch chăng nữa thì vòm lò vẫn dùng đất sét, và mặt trong và mặt ngoài của tường gạch vẫn xoa một lớp bùn mỏng, chất kết dính là đất sét. Xu hướng đắp lò bằng đất định hình từ thời kỳ này đã phát triển thành truyền thống và tồn tại cho đến suốt gần đây.
Hướng giải quyết nhiên liệu của các lò nung ở nước ta là tre, nứa, củi gỗ, có thể là cả rơm, rạ, cỏ khô…điều đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện và khả năng của ta. Truyền thống sử dụng nguồn nhiên liệu tồn tại cho đến tận ngày nay ở các lò gốm dân gian.
Cho đến ngày nay, tất cả các lò gốm đã phát hiện từ đầu công nguyên cho đến thời Nguyễn đều thấy chung một đặc điểm là xây ở chỗ cao như gò, đồi, bờ đất cao để lợi dụng độ dốc tự nhiên của địa hình. Bẩy khu lò gốm ở thế kỷ 1 cho đến thế kỷ 10 đều bố trí ở gò, đồi. Việc bố trí như vậy đã hình thành một đặc trưng có tính chất phổ biến, mà sự khởi đầu của nó diễn ra ở thế kỷ 1 đến thế kỷ 10.
Chất liệu của đồ gốm giai đoạn này với xương gốm làm bằng đất sét trắng, men gốm là loại men tro. Xét về lịch trình phát triển của đồ gốm nước ta thì xương gốm chủ yếu làm bằng đất sét trắng. Đồ gốm của các thời kỳ sau, dù xương làm bằng cao lanh thì vẫn có sự khác nhau giữa xương gốm Việt Nam và xương gốm Trung Quốc. Men trên đồ gốm nước ta chủ yếu là loại men tro, đồ gốm men tro được coi như là đồ gốm truyền thống của nước ta. Có thể nói con đường đi của gốm men tro bắt đầu hình thành từ giai đoạn này.
Như vậy con đường phát triển của nghề gốm diễn ra theo hướng giản dị, cách giải quyết vật liệu xây đắp lò, nhiên liệu đun lò, nguyên vật liệu để làm xương và men đồ gốm theo hướng dễ kiếm dễ làm phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và tâm lý dân tộc, con đường đó tất yếu sẽ dẫn đến sự phát triển rộng rãi của các lò gốm dân gian, quy mô không lớn lắm. Tìm ra được con đường đi như vậy, người Việt có thể hạn chế được sự kiểm soát gắt gao của bọn xâm lược.
Qua hệ thống lò nung gốm thế kỷ 1 đến thế kỷ 10, có thể thấy rằng người Việt nắm khá vững kỹ thuật sản xuất gốm, đã tiếp thu thêm những tiến bộ của nghề gốm lúc bấy giờ và đã sử dụng nó theo cách thức của mình, đã tìm cho mình một con đường đi khác hẳn. Bởi thế suốt gần 1000 năm dưới ách xâm lược các phong kiến phương Bắc, người Việt đã không bị đồng hoá, văn minh phương Bắc không đồng hoá được văn minh Việt cổ.
Qua hình ảnh và con đường phát triển của lò gốm và đồ gốm cổ Việt Nam từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 10, ta đã phần nào tiếp cận đến câu trả lời cho nguyên nhân dẫn tới sự nở hoa của văn minh Đại Việt thời Lý –Trần./.