Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.107
123.142.631
 
Cư dân của thành phố
Vinh Anh

Họ gồm hai cặp bốn người, quê hương bản quán nghe đâu cũng gần Hà Nội. Với lại thời buổi ngày nay, gần là đi mất độ vài ba tiếng bằng ô-tô. Đường xá bây giờ tốt lắm, với thời gian đó là có thể vượt qua quãng đường dài trên dưới trăm cây số ngon ơ. Vậy thì họ là người ở các vùng quê lân cận như Hưng Yên, Nam Định hay Thanh Hóa gì đó mà thôi. Cái ngày họ mới về ở, dân có hộ khẩu thường trú gọi họ là những người làm thuê, những mụ đồng nát, những thằng xe ôm, nhưng dần dần thấy họ lễ phép, đúng mực thì sự nghi kị cũng không còn nữa, khách khứa trong khu tập thể cũng có người ra kẻ vào. Tuy vậy, họ vẫn có những mặc cảm về thân phận của mình. Tôi cảm thấy thế vì tôi đã trực tiếp mời họ nhiều lần vào nhà tôi ngồi chơi, uống với nhau cốc nước nhưng họ cứ tìm cách từ chối, việc đó làm cho tôi cứ áy náy, canh cánh thế nào ấy.

 

Cái nhà mà họ thuê được với cái giá rất bèo bọt đâu như một nghìn đồng một tối,  vị chi bốn người, đôi khi có cả những người khác ở quê lên chơi cũng ăn ngủ luôn tại đó, vậy mà ông chủ nhà chỉ lấy họ có hai trăm nghìn đông tiền thuê nhà mà thôi. Của đáng tội gọi là nhà cũng là gọi cho oai, chứ cái chỗ trú ngụ của họ xập xệ lắm, mái che thì đủ cả tranh, tre, nứa, lá, giấy dầu, mảnh ván, cót ép vv…vv Nhưng mà đã là chỗ ăn, chỗ ở thì phải gọi là nhà vì nó cũng còn có khóa, có cửa. Sau này vì nó có nguy cơ đổ, ông bà chủ có cho sửa chữa lại toàn bộ cái mái, xây lại bức tường “con kiến”mà theo thời gian nó bị lún sụt hở huếch, hở hoác dễ đút lọt cả nắm tay vào bên trong, nếu là trộm thì cứ việc đứng bên ngoài tường thò tay mà khuấy, chẳng việc gì phải bẻ khóa vào trong nhà làm gì cho mất công. Ông bà chủ lại còn cho một tạ xi măng để lát tráng nền nữa, thành thử chỗ ở đó là một nơi trú ngụ quí giá với những cư dân mới của thành phố.

 

Nói thật lòng, tôi cũng là người không hay thành kiến, nhưng mấy bà chè chai lông vịt cứ toòng teng đôi thúng lượn khắp hang cùng, ngõ hẻm, sơ ý một tí, cổng nhà không khóa là có thể bị mất trộm như chơi, tuy rằng trộm bây giờ chả hiếm và cũng rất nhiều thành phần tham gia. Chẳng phải vì thế hay không mà thời kì đầu, tôi không để ý đến họ, càng không biết tên tuổi của họ, thì còn nói gì đến quan tâm cuộc sống của họ nữa. Tôi cứ coi tôi là công dân loại một, còn họ là hạng loại hai, loại ba gì đó. Bản tính con người vốn xấu xa là thế, chỉ thích mình ở vị trí cao hơn người khác nhưng mà  không bao giờ dám tự nhận mình có thói tật xấu xa đâu. Tôi cũng vậy, tôi luôn tưởng tôi là người tốt, tốt nhất trong những người tốt là đằng khác. Mỉa mai làm sao khi chúng ta phân hạng con người chỉ qua cuộc sống kinh tế của họ chứ không qua cái tâm, cái lòng của họ.

 

Hai người đàn ông ở chung với hai người đàn bà, họ sàn sàn tuổi nhau, cỡ chỉ trên dưới bốn mươi một chút. Chẳng bao giờ thấy họ to tiếng. Hình như ngay cả lời ăn, tiếng nói của họ cũng dè sẻn, cũng bị một cái gì vô hình ngăn trở. Tôi tuyệt nhiên chưa bao giờ nghe thấy một lời to tiếng của họ với nhau. Nhưng có phải vì cuộc sống vất vả nên những tiếng cười của họ tôi cũng không nghe thấy. Mỗi buổi chiều, sau khi đi làm về, đứng trên ban công tầng hai nhà tôi nhìn về phía nhà họ ở, tôi chẳng thấy cái gì động đậy hết, nghĩa là họ vẫn đang ở đâu đó. Tôi thì làm công ăn lương nhà nước, một cuộc sống ổn định, còn họ thì đang bươn trải trong cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, hai người đàn bà chắc đang ngồi đập đập một thứ gì đó của một chi tiết máy hoen gỉ để lấy ra một vài sợi giây đồng hay mấy lạng sắt gỉ, cũng có thể là đang đập mấy cái vỏ lon bia hay đang cân mấy cân báo cũ cho cơ sở thu gom. Còn hai người đàn ông chắc là đang chờ khách. Giờ này đang buổi tan tầm, họ còn vẫn đang đón khách, hi vọng đi thêm một chuyến. Chắc khi tôi ăn cơm tối xong, ung dung bật ti vi xem chương trình thời sự, theo dõi tình hình thế giới, nghe ngóng các phản ứng của mọi nơi về cuộc chiến ở I Rắc, thì họ mới về đến nhà. Lúc đó, loại công chức như tôi mấy ai ra khỏi nhà nữa. Tôi sửa soạn đi ngủ thì chắc họ mới ăn cơm. Sinh hoạt khác thường như vậy thì có muốn kết bạn với nhau cũng khó. Đôi khi mụ vợ tôi nói chuyện đó, tôi lại vận dụng cái khác biệt về thời gian để lí sự với hắn. Chẳng hiểu mụ có thủng không, nhưng mà mụ ta quay đi. Tôi cũng vậy, chẳng việc gì mà phải để ý đến những cái điều chẳng bao giờ liên quan đến mình.

 

Sau này, có lẽ phải cỡ một năm có dư ở gần nhau, tôi mới biết trong hai cặp ấy có một cặp thật và một cặp giả. Cái cặp thật thì tự nhiên hơn, cái cặp giả thì ý tứ hơn. Nhưng mà với cái thời mở cửa ngày nay, việc đạo đức gia đình trước đây người ta đề cao bao nhiêu, quan trọng hóa bao nhiêu thì ngày nay người ta lại bỏ qua, coi thường bấy nhiêu. Nếu nói chặt chẽ thì cũng chẳng ai coi thường hết, chẳng ai dám nói coi thường là đằng khác, nhưng bản chất là coi nhẹ hơn, xem thường hơn. Không dám lên án, không dám đấu tranh thì có nghĩa là coi thường, là xem nhẹ chứ còn gì nữa. Mình mà có đụng vào chỗ đó của một cá nhân nào đó là coi chừng, nó không bảo mình hâm, không thức thời, cổ hủ thì nó cũng bảo mình đừng xâm phạm đến tự do của nó, nó tự chịu trách nhiệm với cái hạnh phúc của nó, với cái gia đình của nó, không khiến mình can thiệp, đừng có xía vô cái riêng của người ta. Chẳng đâu như đất nước mình khi thì quá chặt chẽ, nghiêm khắc, lúc thì lỏng lẻo, lỏng lẻo đến vô nguyên tắc. Và cuối cùng thì đổ cho cuộc sống mới, nghĩa là thời mới phải có tư duy mới. Mình cũng tự chấp nhận mình là người cũ, cổ hủ, lỗi thời. Bọn trẻ bây giờ nó nói về mình theo kiểu Tây: “quá đát”. Ai hiểu thế nào cũng được. Còn bây giờ thì tình hình có khi đã đi quá xa, quá mấy cây số thì cũng không biết. Chẳng hiểu các nhà nghiên cứu về xã hội có muốn quay về cái nếp sống, nếp nghĩ ngày xưa không?

 

Hai cặp ở gần nhà tôi thì cũng mỗi cặp mỗi vẻ. Tất nhiên rồi. Một cặp chính thức, một cặp do hoàn cảnh sống tạo nên. Họ đều là lớp cư dân mới của thành phố, lớp cư dân này chấp nhận sống tạm bợ hơn lớp cư dân vì cuộc mưu sinh phải trôi dạt về thành phố. Lớp cư dân này có công ăn, việc làm và nhà cửa tương đối ổn định, tuy rằng về mặt pháp lí và chính quyền thì còn nhiều vấn đề phải nói mà đã đụng vào vấn đề này thì còn lâu mới giải quyết được. Cứ xem cái cung cách cải cách hành chính  thì biết, cả chục năm nay hô hào cải cách, vậy mà cả chục năm qua tiến bộ được bao nhiêu, qui ra con số cụ thể để dễ hình dung là công cuộc đó đã tiến thêm được bao nhiêu cây số. Tôi cho rằng chẳng ai có thể trả lời được mặc dù họ đã làm công việc đó cả chục năm. Còn hai cặp cư dân chỗ tôi ở thì tôi nói là tạm bợ. Nghĩa là họ chỉ sống tạm ở đây mà thôi, cơ sở chính của họ vẫn là làng quê, nhưng ở quê không đủ sống nên họ phải tìm cách sống và thế là những cuộc “di trú” mới hình thành.

Những ngày cuối tuần, công chức như tôi được nghỉ. Thời kì đầu áp dụng chế độ nghỉ hai ngày cuối tuần, khối ông công chức làm công ăn lương như tôi không biết chi sao cho hết thời gian. Ơ nhà với bà vợ lắm điều là một cực hình, chỉ mong có một cú điện thoại của bạn gọi đến, gọi đi bù khú, nhưng lại phải nói dối bà vợ lắm điều là có việc trên cơ quan. Cái trò đó diễn mãi rồi cũng bị lộ, các mụ vợ lắm điều sẽ tinh khôn hơn, cáo già hơn. Tôi cũng ở trong cái dạng bị bắt ne, bắt nét đó. Rỗi hơi, tôi ra ban công ngắm trời, ngắm đất và quan sát hai cặp cư dân mới của khu nhà. Đầu tiên tôi thấy hai người đàn bà bước ra. Họ đi cùng nhau với vẻ an nhàn chứ không vội vã như bà vợ tôi, sấp ngửa dắt được cái xe ra là nổ máy đi liền. Hai đôi quang gánh nhẹ tênh lắc lư trên vai. Nào họ có đi ngay đâu, hai bà lại đặt cái đòn gánh xuống đất, gần chỗ hai chiếc xe máy của hai ông đã được dắt ra từ trước, ngồi xuống và tiếp tục câu chuyện nào đó dang dở ở trong nhà. Đàn bà ở đâu cũng vậy, thật lắm chuyện! Một lúc lâu sau, khi hai ông đi ra, hai bà mới nhẩn nha đứng dậy, toòng teng đôi quang gánh trên vai và đi…Tôi nhìn theo cho đến khi bóng họ khuất hẳn vào phố phường bụi bặm. Quay lại tìm hai người đàn ông thì họ đã biến đâu mất từ tám đời nào rồi. Thế là hết một buổi sáng theo dõi hành tung của các cư dân mới của khu tôi ở, của thành phố chúng ta.

 

Tôi quyết chí, bụng thầm nghĩ, phải xem chiều nay họ về lúc nào, ăn uống ra sao.Nghĩa là tìm hiểu cuộc sống của họ. Hãy còn sớm. Tôi sang nhà ông chủ cho họ thuê nhà ngồi chơi. Cũng chẳng mấy khó khăn, tôi được vợ chồng ông cho biết hoàn cảnh của họ.Cặp chính thức thì có một mẹ già và ba đứa con đều đang tuổi ăn học. Đứa lớn đang học lớp chín, năm nay phải thi chuyển cấp, một đứa lớp sáu, một đứa lớp bốn Bây giờ bố mẹ dạt ra thành phố kiếm tiền để nuôi chúng ăn học, chúng nó phải ở nhà trông nom nhau, cũng may còn có bà mẹ già cầm chịch. Dù sao bà của chúng vẫn là một chỗ dựa. Khi là một lời nhắc nhủ, một lời khuyên, khi là rủ rỉ tình cảm bà cháu, khi là cái cột cái trong nhà đứng ra giải quyết mọi việc có liên quan với nhà trường, với họ hàng, với làng xóm. Cái nhà có bà trông nom nó không bị bỏ bễ, tan hoang mà vẫn rất ấm cúng mỗi khi bố mẹ chúng trở về. Cặp không chính thức thì phức tạp hơn, vì là người cùng quê, nên việc họ cặp với nhau ở thành phố cũng dễ dàng như nhiều cái tình thời nay. Sự nghiêm túc trong hôn nhân bây giờ đã có phần…khác xưa. Tôi không dám nói là xuống cấp, càng không dám nói là đã suy đồi, chỉ dám nói là nó khác xưa thôi. Người nam thì đã có vợ và con. Con gái lớn đã có thể gả chồng, còn người nữ thì là gái lỡ thì. Khổ thế, với cái tuổi đó, ở nông thôn thì khó mà tìm được chồng, có thể đành phải ở vậy suốt đời. Chị ta ra thành phố không phải là để tìm chồng mà đầu tiên cũng chỉ vì cuộc sống và rồi cuộc đời đưa đẩy… Cái khó cho cả hai cặp là phải xử lí cái mối quan hệ ở quê. Cặp chính thức thì bị người làng cho là không biết can ngăn, thậm chí còn có kẻ nói là cặp này cố tình vun vào, để xảy ra chuyện không hay ảnh hưởng tới gia đình làng xóm, nặng hơn là ảnh hưởng tới cả hạnh phúc của gia đình người nam kia. Còn cặp không chính thức thì bị làng xóm phê phán là điều tất nhiên. Dư luận làng xóm phê đến nỗi người nữ không dám về quê nữa. Đại loại tôi được biết là như thế. Tôi bỏ không theo dõi hành tung của họ chiều hôm đó nữa.

 

Những ngày sau, tôi là khách không mời thường xuyên của họ. Đúng là miệng quan (họ luôn cho tôi là quan) nói kiểu gì cũng được, chỉ có điều có lọt tai người nghe hay không mà thôi. Trước đây, tôi không thích gặp họ thì tôi lấy lí do là do lệch về múi giờ, họ còn ngủ thì mình đã đi làm, mình nghỉ ngơi thì họ còn làm việc. Còn bây giờ, khi đã quen, cứ qua nhà là tôi ngó vào xem có ai trong hai cặp đó ở nhà không, nếu có là rẽ vào chơi. Bây giờ tôi không còn coi tôi là công dân loại một nữa và đương nhiên tôi cũng không coi họ là công dân loại hai, loại ba nữa. Tôi nói với họ như ăn năn, hối hận về những ngày vô cảm vừa qua của tôi: “Các ông bà thông cảm và bỏ qua cho tôi, thật sự trong thâm tâm, tôi rất quí trọng những người phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để mưu cầu cuộc sống. Cuộc đời mỗi người mỗi khác, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người mỗi số phận, có sang đây chơi với các ông các bà, tôi mới hiểu thêm được cuộc sống của những người nông dân, tôi mới hiểu thế nào là một nắng hai sương của bà con…” Có lẽ tôi nói cũng thống thiết lắm, cảm động lắm, chân thành lắm, mọi người im lặng nghe và rồi họ cười xí xóa: “Có gì đâu mà phải thông cảm, trước lạ sau quen, quen rồi sẽ hiểu, mà đã hiểu rồi thì sẽ thân thiết”. Vậy đấy, những buổi đầu sang chơi và làm quen với hai cặp cư dân mới của tôi là như thế.

 

Thường thì tôi chỉ sang tào lao vài ba câu chuyện đường phố. Tôi không dám tham gia những chuyện về cuộc sống, về mức sống. Họ sống thiếu thốn lắm, ăn uống cũng không thể nói là đảm bảo chất lượng. Cặp chính thức thì còn nặng nề hơn tôi biết nhiều. Trong quê họ còn hai bà mẹ già đã hết tuổi lao động và ba đứa con đều đang tuổi ăn học. Bao nhiêu tiền vất vào đấy cho đủ! Tất cả có mấy sào ruộng. Không trụ nổi ở làng quê, họ phải trôi về thành phố. Những ngày đầu khổ sở lắm, gian truân lắm. Đã nhiều lần muốn trở về làng rồi đấy: “ Đấy anh xem, hơn ba năm rồi, bao nhiêu lần chuyển chỗ ở không nhớ nữa, mà chắc gì đây đã là chỗ cuối cùng. Giá mà được ở với các bác ở đây mà lo làm ăn thì tốt quá. Các bác ở khu ta đây tốt với chúng em quá”. Tôi phát ngượng khi nghe những lời khen đó. Nào chúng tôi có giúp gì được cho họ, đặc biệt là tôi, tôi lúc đầu còn e ngại họ là đằng khác. Họ ở và họ phải trả tiền, rất công minh, rõ ràng, rất thị trường là đằng khác. Có một lần ghé vào chơi, tôi buột miệng hỏi: “Thế các bạn không có T.V để xem à?”Và tự tôi, tôi cảm thấy mình thật ngớ ngẩn. Họ làm tối mắt mới về, nấu cơm ăn uống rồi phải nghỉ ngơi để lấy lại sức cho cuộc vật lộn ngày hôm sau. Họ lăn ra phản và ngủ ngon lành dù đó là mùa đông rét buốt hay mùa hè oi ả. Được cái là chỗ ở của họ, cái nhà tạm của họ ấy mà, nó được núp dưới một bóng cây rất to, nhờ vậy, nếu là mùa hè oi ả, cái nhà tạm đó được bóng cây làm dịu đi rất nhiều cái nắng gắt, nhưng lại khổ cái nỗi những đêm mưa, những ngày có gió to, tiếng hú của gió và tiếng là cành cựa quậy, vùng vẫy nghe khiếp lắm, cứ như là giông bão sắp đổ vào. Với lại, nhà cửa tuyềnh toàng thế, nếu có cái T.V liệu có giữ nổi ba bảy hai mốt giờ không? Chắc là khó! Những người bán mồ hôi lấy cơm ăn như họ thực sự cũng không cần biết tình hình I Rắc xa xôi đang bị bom lửa hay chuyện bầu cử mấy ông hội đồng thành phố làm gì cả. Cái quan tâm của họ là kiếm được tiền gửi về cho con, cho mẹ ở quê. Cái mà họ mong nhất là đừng có ốm đau. Có sức khỏe thì mới có cơ hội và điều kiện kiếm được tiền.

 

*

Cái tết vừa rồi ba trong bốn người thuê nhà về quê ăn tết. Đi đâu thì đi, nhưng cái tết là phải về nhà. Cái nhà xập xệ đó trở nên vắng vẻ, chỉ thoáng thấy bóng người nữ của cái cặp không chính thức, nhỡ nhàng trong tình yêu đó chao qua như một vết sáng rồi lại im lìm.Chắc chị ta ngại,không về ăn tết với gia đình. Đời vẫn còn nhiều ràng buộc lắm! Cái xót xa và tủi hổ, cái éo le và cái “chót dại” của chị ai là người thông cảm? Ai là người sẵn sàng tha thứ? Một khoảng đời đằng đẵng đã qua trong cô đơn, một khoảng đời mù mịt còn lại ở phía trước. Tự nhiên tôi thổn thức trước một số phận. Chê trách hay tha thứ? Thông cảm bỏ qua hay kết tội? Một sự đã rồi với một dấu ấn để lại và hình như tất cả đều mang dáng vóc của người đàn bà bất hạnh. Cái hình ảnh không rõ nét của một tia sáng vút qua rồi tắt lịm, cái hình ảnh của một bông hoa úa tàn, cái hình ảnh của những quầng sóng của viên đá ném xuống ao và biến đi trong giây lát… tôi cứ nghĩ mãi về những số phận ở đời và tôi bâng khuâng…nỗi đau nào có thể sẻ chia, lời an ủi có thật làm lòng người ấm lại, làm sóng lòng dịu bớt. Tôi chỉ tin vào những giọt nước mắt của chị, nước mắt sẽ làm dịu đi cái đau, nguôi ngoai cái nhớ và tan đi cái giá lạnh của người đời.

 

Chiều ba mươi tết còn lang thang ngoài đường một thằng bé đánh giầy. Những ngày giáp tết này lũ trẻ cũng biến về quê hết. Chiều ba mươi còn cửa hàng ăn uống nào mở đâu mà có khách đánh giầy. Thằng bé lê đôi chân mệt mỏi qua từng nhà chào mời, tôi thấy cửa ngôi nhà xập xệ hé mở và người nữ của cặp đôi không chính thức kéo thằng bé vào nhà. Tôi như thấy hơi ấm vào theo và hương mùa xuân vào theo. Một cái gì tràn dâng trong tôi, lâng lâng trong tôi. Sao lúc này tôi ao ước được biết cái cảnh một người đàn bà như đang chết vì cô đơn với một thằng bé như đang chết vì cô đơn gặp nhau đến thế. Họ trao đổi với nhau điều gì nhỉ? Có ngọn lửa nào ấm hơn khi hai con người cô đơn cùng thắp lên ngọn lửa của niềm hi vọng, niềm tin và sự che chở, đùm bọc cho nhau? Ông trời hay số phận đã tìm ra một giải pháp tuyệt diệu cho cuộc đời người nữ của cặp đôi không chính thức và thằng bé đánh giầy?

 

Tôi vào nhà lấy một cặp bánh chưng mà người nhà quê mới gửi cho và một hộp mứt. Loại công chức quèn như tôi tết nào cũng có đồ biếu và tết nào cũng phải lo đồ biếu. Giá trị thì không cao, nhưng mà nó có cái tình. Tôi cũng cố gắng lo cho những người thân quen ở quê và một số anh em có “nền kinh tế hơi yếu”một chút quà mọn. Cũng có nhiều người qua cái tết được hưởng nhiều cái giá trị cao đấy nhưng mà cái giá trị cao nó không đến mình. Thôi thì giời cho lộc đến đâu hưởng đến đó và điều căn bản là phải chơi cái kiểu “lộc bất tận hưởng”. Tôi luôn nhủ mình, nếu mình được mười phần thì cố chia đi hai ba cho lương tâm đỡ áy náy.

 

Tôi hắng giọng, gõ cửa và không đợi trả lời đẩy cửa bước vào bên trong. Cái cảnh mà tôi muốn biết làm tôi hết sức sững sờ. Người nữ của cặp đôi không chính thức đang ôm thằng bé đánh giầy khoảng mười hai, mười ba tuổi vào trong lòng, nước mắt chảy ướt hoen cả đôi má đã vào thời tàn phai. Thằng bé ngồi im, thu mình nhỏ lại như con mèo nằm trong lòng chủ. Hình như chưa bao giờ nó có cảm giác ấm áp của tình mẹ. Tôi cảm thấy nó ngơ ngác và có phần bàng hoàng sờ sợ nữa. Cái tình này, giờ phút ấm áp này có biến đi mất không? Tôi đọc được nỗi khát khao của cả hai người trong cái chiều ba mươi tết. Hầu như tất cả mọi gia đình đều đã tập trung đầy đủ trong cái ngày này. Những chiến sĩ nơi biên cương, nơi hải đảo cũng đã xác định vị trí của mình cả rồi, những ai đang trên đường về chắc cũng đã thông tin cho gia đình biết được ngày giờ mình sẽ về. Niềm vui đầm ấm của sự sum họp đã và đang về với mọi gia đình. Chỉ có cặp cư dân mới phát sinh này là đặc biệt. Cả hai đang chờ một mùa xuân cô đơn, cả hai đang héo rũ và tê tái.. Vậy mà…

 

Tôi làm như không biết chuyện gì xảy ra, đặt cặp bánh chưng và gói mứt tết bên cạnh chỗ người nữ của cặp đôi không chính thức, đôi mắt long lanh sung sướng vẫn còn ngấn nước, đôi mà héo hắt vì mấy ngày không có bạn nay như đầy đặn và hồng hào trở lại. Chị ta vẫn giữ chặt tay thằng bé, cái bóng trên tường bồng bềnh như bóng mẹ phủ bóng con. Ô, nếu cuộc đời suôn sẻ thì chắc đứa con đầu của chị ta cũng phải ngần này rồi. Cái hạnh phúc mà chị vừa có chị có cảm tưởng hình như là rất mong manh, dễ tuột rơi, dễ bị người talấy đi lắm. Chị vẫn không tin món quà của mùa xuân vừa mang lại.

 

Tôi xoa đầu thằng bé: “Hai mẹ con sang bên nhà bác ăn bữa cơm tất niên, mọi thứ đã sẵn sàng rồi, ăn xong , hai mẹ con đưa nhau đi xem bắn pháo hoa là vừa đấy”

 

Tôi mặc nhiên xem hai người hàng xóm của tôi là hai mẹ con. Có lẽ tôi là người đầu tiên nói ra cái điều mà cả hai đều muốn. Mùa xuân mang đến cho khu nhà tôi một cư dân mới, mùa xuân mang đến cho những người lỡ làng một niềm vui mới. Tôi cũng vậy, tôi đang bay trong gió xuân với những xốn xang kì lạ./.

 

Vinh Anh
Số lần đọc: 2245
Ngày đăng: 05.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Khúc lý chiều chiều - Nguyễn Minh Phúc
Thí điểm của tự do - Nguyễn Viện
Trầm - Ngô Nhân Đức
Đầu năm xuất hành : về quê - Đỗ Ngọc Thạch
Công ty Vẹt - Đặng Văn Sinh
Vũ Đại làng ta - Nguyễn Chính
Chuyện tình kẻ xa xứ - Phan Bích Thủy
Bà già khòm - Mang Viên Long
Ngân phiếu trắng - Lâm Hà
Hành trình đêm giao thừa - Khải Nguyên
Cùng một tác giả
Mưu sinh (truyện ngắn)
Chuyện vặt (truyện ngắn)
Lão và hắn (truyện ngắn)
Phượng (truyện ngắn)
Công chức (truyện ngắn)
Gặp lại ngày xưa (truyện ngắn)
Lời từ nơi hư ảo (truyện ngắn)
Vào hội (truyện ngắn)
Bãi giữa (tạp văn)
Mùa thu (tạp văn)
Người quê (truyện ngắn)
Nhớ làng (truyện ngắn)
Bạn thời lính (truyện ngắn)
Ánh mắt sông quê (truyện ngắn)
Ngõ nhỏ ngày xưa (truyện ngắn)
Đất làng (tạp văn)
Ở rừng (truyện ngắn)
Chuyện tình kể lại (truyện ngắn)
Hai thằng nó và tôi (truyện ngắn)
Hương vô tình (truyện ngắn)