Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.181
123.148.458
 
Ðám rước- 1
Nguyễn Ước

Hiền giả ơi,

dân tộc của người sinh ra

như những kẻ nô lệ, bị bạo quyền xé nát linh hồn.

Nơi nào các đầu lĩnh ấy đi, họ đi,

và tai ương thay cho kẻ chẳng chịu đi như thế!

K. Gibran

 

I. Lời người dịch:

            Năm 1919, Kahlil Gibran làm các bằng hữu kinh ngạc khi ông cho ra mắt cuốn Ðám rước (The Procession). Ðây là một thi phẩm đuợc ông viết bằng tiếng A rập và giấu rất kỹ. Khi in thành sách, nó tuyệt đẹp với loại giấy đặc biệt, kèm theo nhiều bức tranh do tự tay Gibran vẽ, với lối đóng sách trang trọng và tác giả chịu mọi phí tổn ấn loát. Tất cả cho thấy mức độ quan tâm, sự đánh giá và lòng chăm sóc tríu mến của Gibran dành cho Ðám rước, tác phẩm được xem là tiền thân của tuyệt tác Ngôn sứ (The Prophet) bằng tiếng Anh, xuất bản bốn năm sau đó.

            Ðộng cơ của Gibran khi viết Ðám rước có lẽ là để khám phá nền tảng những nỗ lực không ngừng của mình trong quá trình phân tích xã hội loài người cùng pháp luật, phép tắc và phong tục của nó, v.v. Về mặt xã hội, Gibran nhận thức lối sống giả dối tổng quát đã khiến cho con người rời xa chân lý, làm hãnh tiến một số người đồng thời sỉ nhục rất nhiều người khác. Ông cảnh cáo rằng không một ai có thể trải nghiệm sự toàn mãn của cuộc sống và vui hưởng sự hào phóng của thiên nhiên trong khi đồng loại của y đang đi theo lòng tham nhằm sở đắc cứu cánh trần tục.

            Minh họa cho lời giảng ấy, Gibran đưa ra hai nhân vật mang tính ẩn dụ. Nassib ‘Arida, thi sĩ thiên tài của A rập, trong Lời giới thiệu đã giải thích khung cảnh và diễn tiến của cuộc đàm đạo song phương ấy:

            “Một lão trượng hiền giả thông thái chuyện nhân gian và chin muồi kinh nghiệm trần thế, rời thành thị đi lang thang trong cánh đồng. Mỏi chân, ông ngồi xuống nghỉ, cạnh bìa rừng. Bỗng xuất hiện một thanh niên khỏa thân, da sạm nắng, tay cầm cây sáo, hồn nhiên buông thả thân mình xuống bên cạnh hiền giả. Cả hai bắt đầu cuộc đàm đạo mà không cần giữ khuôn phép khách sáo.”

            Lão trượng hiền giả bình phẩm rằng chốn thành thị của xã hội loài người là nơi chỉ tạo ra cái ác và khốn khổ, trong khi Thanh niên quả quyết rằng chỉ có cách duy nhất là đi theo cuộc sống gần gũi Thiên nhiên, tâm hồn ta mới có thể tìm thấy khoái lạc cùng sự toại nguyện đích thực, và làm chan chứa mọi buồng tim bằng niềm hân hoan mộc mạc trong trạng thái sung mãn nhất được Thượng đế ban cho loài người.

            Qua cuộc đàm đạo ấy giữa Hiền giả lão trượng và Thanh niên, bộc lộ những tiếp cận của Gibran vào sự sống, cái chết và tôn giáo. Không đề nghị mọi người rời thành thị lên sống chốn non cao, ông nỗ lực tạo sự chú tâm vào những công thức giản dị để mỗi người có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông thúc giục người đời tự tháo gỡ gông xiềng của xã hội đang khua lách cách, để bản thân mỗi người có được, tới một mức độ lớn lao nhất có thể, sự tự do của thiên nhiên và tĩnh lặng của cuộc sống thôn dã. Cánh đồng Gibran mô tả, tượng trưng cho cuộc sống phong phú và khang kiện, tràn đầy trong tâm hồn của kẻ sống gần gũi với đất.

            Tiếng A rập là một ngôn ngữ mạnh mẽ, phong phú từ vựng gồm các từ ngữ hàm súc và mang nhiều sắc thái tinh tế. Với cung giọng thanh nhã, ấm áp và đầy màu sắc, thi ca trữ tình của A rập được viết theo các giai điệu uyển chuyển. Khi đọc lên, âm thanh của nó làm người nghe xúc động ngẩn ngơ, trào nước mắt hay ngất ngây xuất thần, từ chiếc đầu rồi toàn thân đong đưa theo nhịp điệu của lời kể, như kẻ đánh đàn không thể ngồi yên lúc tay gảy nhịp theo đàn.

            Tuy thế, Ðám rước khi được dịch sang tiếng Anh, và rồi sang tiếng Việt, không tránh khỏi một số bất cập vì đặc điểm của mỗi ngôn ngữ, nhất là tính cách bóng bảy của tiếng A rập. Vì khúc kết bi quan của Gibran nên có thể chọn nhan đề Ðám rước (The Procession) hoặc Ðám ma (The Cortège) cho thi phẩm này. Thế nhưng hai dịch giả của hai văn bản mà chúng tôi hiện có là Anthony Rizeallah Ferris và George Kheirallah đều lấy nhan đề Ðám rước. Và bản tiếng Việt này được thực hiện trên một tổng hợp của hai bản dịch ấy, nhưng thay vì viết theo văn vần của nguyên tác A rập như G. Kheirallah, chúng tôi thể theo lối thơ câu dài ngắn khác nhau của bản tiếng Anh của A.R. Ferris, để thuận tiện cho những khai triển hoặc quãng diễn hầu có thể chuyên chở tối đa tư tưởng của Gibran.

            Tuy bản thân Kahlil Gibran là bậc thầy trong việc sử dụng bút sắt và bút lông, nhưng ông cảm thấy hai trung gian ấy không thỏa đáng cho những chiêm nghiệm của mình trong Ðám rước. Có lẽ vì thế, cuối mỗi đoạn, ông lại tìm cách diễn tả bằng một điệp khúc, như một trung gian khác, phi chiều kích và vượt thời gian. Ðó là tiếng than của cây sáo, hoặc cái là cốt tủy tinh thần.

            Khi đọc tiểu sử của Kahlil Gibran, ta thấy lòng hoài nhớ quê nhà Wadi-Quashida cùng niềm khao khát được an nghỉ tại Mar-Shida, nổi bật trên bối cảnh triết lý của đứa con thiên nhiên đang nổi loạn, như một đoạn trong bản dịch Ðám rước của G. Kheirallah:

            Hãy đưa tôi cây sáo và người hãy hát

            Hãy quên mọi phương thuốc và tật bệnh

            Loài người như những câu thơ được viết

            Trên bề mặt con suối nhỏ và thiện hảo ở đó.

            Người hãy cầu nguyện và kể cho tôi nghe

            Khi bon chen qua đám đông cuộc đời

            Giữa những ồn ào cãi cọ và phản đối

            và xung đột bất tận

            Như chuột chũi đang đào ngạch trong bóng tối

            Và như đang nắm bắt tơ nhện

            Luôn luôn bị ngăn trở trong hoài bảo

            Cho tới khi kết hiệp sống động với cái chết?

            Và một Gibran nhân tính, chán chường và tan nát, nhuốm mùi từ bỏ, như báo trước chung cuộc của ông:

            Liệu trong tay tôi có những ngày lên dây đàn

            Mà chỉ ở trong rừng chúng mới thật căng

            Nhưng hoàn cảnh dồn ép chúng ta

            Trên con đường nhỏ hẹp, chặt đẽo bởi thành thị

            Vì Ðịnh mệnh có những lối đi không thể biến cải

            Khi sự yếu đuối làm hao mòn ý chí

            Chúng ta bênh vực mình bằng lời bào chữa cho bản ngã

            Và tiếp tục giết chết Ðịnh mệnh của mình.

 

Nguyễn Ước
Số lần đọc: 2494
Ngày đăng: 05.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chủ Nghĩa Platon của Viết - Hamvas Béla
Vấn đề ứng dụng phân tâm học vào phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Tiểu thuyết trong quan niệm của lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975 - Trần Hoài Anh
Thử lý giải hiện tượng ngâm khúc hình thức song thất lục bát không phát triển ở thời hiện đại - Trần Minh Thương
30 năm văn xuôi Đồng Nai, một phác thảo - Bùi Công Thuấn
Jean-Paul Sartre ,Nỗi đam mê làm người của thế kỷ 20[1] -1 - Phan Huy Đường
Jean-Paul Sartre ,Nỗi đam mê làm người của thế kỷ 20[1] -2 - Phan Huy Đường
Cảnh trong thơ sơn thủy đời Đường – nhìn từ nỗi sầu nhân thế - Nguyễn Thành Giang
Thanh Thảo và Thơ - Trần Hoài Anh
Vòng vo về trường-phái-nhóm thơ Việt từ cảm xúc Hậu hiện đại Việt - Đỗ Quyên
Cùng một tác giả
Ðạo đức học-1 (tiểu luận)
Ðạo đức học-2 (tiểu luận)
Ðạo đức học-3 (tiểu luận)
Ðôi nét Hồi giáo (tiểu luận)
Ðôi nét Kitô giáo (tiểu luận)
Cứu cánh luận (tiểu luận)
Cứu cánh luận-2 (tiểu luận)
Bàn về Giá trị-2 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -1 (tiểu luận)
Bàn về Chân lý -2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 1 (tiểu luận)
Ấn giáo - 2 (tiểu luận)
Ấn giáo - 3 (tiểu luận)
Ðám rước- 1 (tiểu luận)
Nụ hôn với quỉ -1 (truyện ngắn)
Nụ hôn với quỉ II (truyện ngắn)
Vua một năm (truyện ngắn)
Minh Triết -1 (triết học)
Minh Triết -2 (triết học)
Những kẻ thờ Satan (truyện ngắn)
Bài giảng trên núi (truyện ngắn)
Cơn bão (truyện ngắn)