Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.113
123.143.309
 
Cá hóa rồng trong mỹ thuật cổ Việt Nam
Nguyễn Thu Thủy

Trong nghệ thuật tạo hình, đề tài cá hóa rồng đã có mặt trong các đồ án trang trí từ khá sớm. Vào thời Trần, đề tài cá hóa rồng có mặt trên các di vật ở chùa Côn Sơn, chùa Xuân Lũng. Đề tài này còn được thể hiện thành các tượng nhỏ đặt trên đao mái của tháp mộ thời Trần ở di chỉ Xuân Hồng.

 

Trong nghệ thuật tạo hình, đề tài cá hóa rồng đã có mặt trong các đồ án trang trí từ khá sớm. Vào thời Trần, đề tài cá hóa rồng có mặt trên các di vật ở chùa Côn Sơn, chùa Xuân Lũng. Đề tài này còn được thể hiện thành các tượng nhỏ đặt trên đao mái của tháp mộ thời Trần ở di chỉ Xuân Hồng.

 

Thời Lê sơ (thế kỷ XV), điển hình có bức chạm đá cá hóa rồng trên sóng nước tại mặt ngoài thành bậc đàn Nam Giao (Hà Nội). Thời Mạc (thế kỷ XVI) còn lưu lại bức chạm gỗ hình hai cá hóa rồng chầu mặt trời tại đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa, Bắc Giang), thời Lê Mạt (thế kỷ XVIII) còn lưu lại bức chạm đá hình hai cá hóa rồng đớp ngọc quý trên trán bia chùa Linh Quang (Hải Phòng). Và đặc biệt những phát hiện gần đây nhất chính là các hoa văn cá hóa rồng được tìm thấy trên các đĩa gốm được khai quật từ tàu đắm cổ ở Cù lao Chàm có niên đại thế kỷ XV.

 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, trên dãy núi Giăng Màn, Hương Khê, Hà Tĩnh có một thác nước lớn tên là Vũ Môn, gồm 3 bậc, mỗi bậc cao vài trượng, đứng xa mấy trăm dặm vẫn trông thấy như một làn khói sừng sững trên nền núi xanh. Sự tích cá hóa rồng gắn với thác vũ môn được lưu truyền lâu đời trong dân gian Việt Nam. Vào một năm, trời hạn hán nhưng số rồng quá ít, không đủ làm mưa cho muôn loài. Long Vương tổ chức kỳ thi vượt vũ môn. Con vật nào 3 lần vượt vũ môn thành công sẽ được ban phép hóa thành rồng, phun nước làm mưa cứu giúp muôn loài. Khi cuộc thi được loan báo, các con vật đều rất náo nức nhưng chỉ có cá chép là chăm chỉ luyện tập. Đến ngày thi đấu, đại diện các loài đều bị loại, chỉ có cá chép là vượt vũ môn thành công và hóa thành rồng. Cá chép hóa rồng phun nước tạo ra gió táp mưa sa, muôn loài sung sướng, sự sống hồi sinh. Nội dung câu chuyện tuy ngắn gọn nhưng lại hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và trở thành biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công của các sĩ tử. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hữu (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) nhận xét: "Hình tượng cá hóa rồng đặc biệt phát triển vào thời Lê sơ. Cách thể hiện và chất liệu sáng tác cũng phong phú hơn hẳn. Có thể lý giải vì hình tượng cá hóa rồng là biểu tượng của việc học hành, thi cử đỗ đạt, gắn với tích Ngư dược vũ môn của Nho giáo. Thời Lê sơ là thời kỳ đỉnh cao của chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Đây là thời kỳ Nho giáo được đề cao, việc tổ chức khoa cử Nho học rất tập trung và bài bản. Năm 1442, để khuyến khích, biểu dương khoa cử Nho học, vua Lê Thánh Tông đã cho dựng bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu, khắc tên những vị thi đỗ trong mỗi khoa thi".

 

Đồ án trang trí cá hóa rồng thời Lê sơ thuộc cạnh ngoài thành bậc đàn Nam Giao (Hà Nội) mô tả một hồ sen rộng lớn với nhiều sóng nước xáo động và đùa giỡn trên sóng nước là một đôi uyên ương và hai con cá đang hóa rồng. Cả hai con cá đầu đã thành rồng, đuôi thì đang còn là đuôi cá, còn thân phần lớn bị chìm khuất dưới nước. Đầu rồng ở đây rõ ràng nhất là chiếc sừng hai nhánh, hai dải đuôi bờm bay dài ra sau gáy, một chùm râu bay ngược từ dưới cằm lên, đôi mắt lồi to cùng chiếc mũi sư tử và cái tai dài hình lá. Còn cá ở đây thấy rõ phần đuôi với bộ vây đuôi chải đều ra hai phía, với các lớp vẩy sắp xếp thành nếp theo kiểu cài răng lược. Chất cá ở đây còn thấy rõ ở phần dưới của đầu với những dấu vết của mang, vẩy và vây lưng. Giữa sự chao động của sóng, hình cá hóa rồng vẫn rõ nét, vẫn ăn khớp với nhau hợp lý và sinh động.

 

Điều thú vị là đồ án hoa văn cá hóa rồng giữa sóng nước ở đàn Nam Giao Hà Nội còn được thể hiện trên thành bậc phía sau điện Kính Thiên trong Thành cổ Hà Nội. Các nhà nghiên cứu trước đây chưa có dịp vào Thành cổ để khảo sát nên hầu như hoa văn cá hóa rồng ở đây ít được nhắc tới. Mây và sóng nước, hai loại vật chất vũ trụ thường gắn với rồng, là môi trường tồn tại và vận động của rồng. Trong bất cứ hình thức nào, các đồ án này đều toát lên ấn tượng về loài vật huyền thoại được sánh ngang với rồng - vị chủ của nguồn nước. Có thể nói các đồ án hoa văn mây và sóng nước cùng với hình tượng cá hóa rồng, mây hóa rồng trong điện Kính Thiên đã được các nghệ nhân xưa khéo léo chạm trổ đạt tới đỉnh cao của tinh hoa mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

 

Phù điêu cá hóa rồng ở thềm bậc điện Kính Thiên.

Theo TPO

Nguyễn Thu Thủy
Số lần đọc: 4631
Ngày đăng: 05.01.2010
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lặng lẽ, những mảng màu toả sáng - Lê Huỳnh Lâm
Triết lý nhân luân trong tam giác nhân quả của tranh hứng dừa - Vũ Ngọc Tiến
Thế giới kim loại của Vũ Thanh Nghị - Lê Anh Hoài
Ba biến thể trong sơn mài Võ Xuân Huy : Từ trực cảm đến ý thức sáng tạo - Trần Hạ Tháp
Thái Tuấn, 1918- 2007 - Đặng Tiến
Mỹ thuật Tp.HCM trong thời kỳ đổi mới - Uyên Huy
Chân dung các nhà chơi tranh “mới nổi” - Minh Quốc
Nghệ thuật sắp đặt Việt Nam ,hết ngày dài lại đêm thâu - Trịnh Cung
- Nguyễn Bá Văn
Nữ nghệ sĩ trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: NỮ HỌA SỸ GEORGIA O’KEEFFE VÀ HOA - Lê Minh Hiền